Hôm nay,  

Nuớc Mỹ, Nước Việt 4 Năm Truớc Mắt

05/11/200400:00:00(Xem: 4793)
Bầu Cử Mỹ : Bài Học Cho Mọi Người Việt
Hoa Thịnh Đốn.- Nước Mỹ sẽ tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Tổng thống George W. Bush thêm 4 năm nữa (20-1-2005 - 20-1-2009). Cuộc tranh tụng dự trù đã không xẩy ra sau khi ông Kerry biết chắc 20 phiếu cử tri đoàn ở Ohio đã thuộc về ông Bush, đưa tổng số phiếu lên 274, nhiều hơn 4 phiếu cần thiết.
Thượng nghị sỹ John Kerry của đảng Dân Chủ đã nhìn nhận thất bại và gọi điện thoại chúc mừng đối thủ của ông vào sáng ngày 3-11-2004. Sau đó Tổng thống Bush đã ca ngợi lòng cao thượng và tinh thần tranh cử thẳng thắn của ông Kerry và kêu gọi những cử tri đã bỏ phiếu cho ông Kerry, trên 55 triệu người (48%), hợp tác với ông để phục vụ nước Mỹ. Tổng thống Bush nhận được trên 59 triệu phiếu (51%) của đại chúng (Popular vote). Đây là số phiếu cao nhất trong lịch sử bầu cử Tổng thống tại Mỹ mà một ứng cử viên đắc cử đã đạt được.
Ông Bush coi thắng lợi này là sự tín nhiệm tuyệt đối cho chính sách của ông trong 4 năm tới để thi hành các kế hoạch cải thiện kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân và tiếp tục chính sách quốc phòng mạnh để chống khủng bố và bảo vệ an ninh.
Nhưng liệu sự tái đắc cử của ông Bush có mở ra một kỷ nguyên mới cho hoà bình thế giới và sự thịnh vượng chung của nhân loại hay chính sách của ông Bush sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho quân Mỹ tại chiến trường Iraq và tạo thêm lý do chống Mỹ cho các nhóm khủng bố, đặc biệt là tổ chức al-Qaida của Osama bin-Laden và phong trào kháng chiến Ả rập Hamas ( Islamic Resistance Movement,Harakat al-Muqawamah al-Islamiyya) chống Do Thái và Mỹ ở Trung Đông.
Trước 4 ngày bầu cử Tổng thống Mỹ một cuộn băng của bin-Laden đã được đài truyền hình độc lập al-Jazeera ở Qatar truyền đi, trong đó bin-Laden nhìn nhận đã thực hiện cuộc tấn công vào Nữu Ước và Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 11-9-2001 và đe dọa sẽ tiếp tục những hành động chống Mỹ, chừng nào Hoa thịnh Đốn chưa thay đổi chính sách được gọi là "chống Ả Rập" ở Trung Đông.
Thế giới cũng muốn biết trong 4 năm tới, Tổng thống Bush có sáng kiến gì mới hơn hay sẽ tiếp tục chính sách "cầm chừng" trong cuộc xung đột kéo dài giữa Palestine, đồng minh của các nước Ả Rập và Do Thái, đồng minh của Mỹ. Nhưng ai cũng lo ngại nếu lãnh tụ Jasser Arafat, 75 tuổi của Palestine chết bất ngờ thì Hoa Kỳ sẽ không có ai để đối thoại vì những người cấp dưới Arafat, ôn hoà và thân Mỹ hơn, không được dân Palestine tín nhiệm và không được nhóm Hamas ủng hộ.
Tổng thống Bush đã cắt đứt mọi liên lạc trực tiếp với Arafat từ hơn 3 năm qua vì cho rằng Arafat không có thiện chí hoà bình và không kiểm soát được các nhóm khủng bố chống Do Thái. Ông Arafat hiện đang nằm điều trị tại một bệnh viện quân sự của Pháp bên ngoài thủ đô Paris.

NỘI BỘ MỸ
Về tình hình nội bộ nước Mỹ thì ai cũng thấy nước Mỹ đã quay sang phía "bảo thủ" của đảng Cộng hoà sau cuộc bầu cử ngày 2-11 (04). Sự chia rẽ chính trị và những bất đồng ý kiến về các vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục, xã hội đã phân cách hai phía Dân chủ và Cộng hoà từ lâu sẽ khơi sâu hơn. Vì vậy mà cả ông Bush lẫn Nghị sỹ Kerry đều kêu gọi những người ủng hộ mình hãy bỏ qua những bất đồng trong cuộc bầu cử để hàn gắn những "vết thương" và hướng tới tương lai vì mọi người đều là công dân của một nước.
Sự lo ngại tổn thương phân hóa kéo dài của người dân Mỹ có những lý do để họ đề phòng vì cả guồng máy Chính quyền Mỹ giờ đây đã do Đảng Cộng hoà kiểm soát từ Toà Bạch ốc (Hành pháp) đến Quốc hội (Lập pháp) và rất có thể sẽ lan sang Tối cao Pháp viện (Tư pháp) , cơ quan Luật pháp tối cao của Hiệp chủng quốc.
Sau cuộc bầu cử ngày 2-11-04, phe Cộng hoà chiếm thêm 4 ghế Nghị sỹ đưa tổng số từ 51 lên 55 trong khi đảng Dân chủ chỉ có 44 ghế và 1 ghế Độc lập. Đảng Cộng hoà cũng chiếm thêm 4 ghế Hạ nghị sỹ đưa tổng số lên 233. Đảng Dân chủ chỉ có 201 ghế tại diễn đàn này. Các chức vụ Thống đốc Tiểu bang cũng do Cộng hoà chiếm đa số với 29 ghế, chống lại 21 ghế của đảng Dân chủ.
Sự mất mát lớn lao nhất tại Thượng viện của đảng Dân chủ là sự thất cử sát nút của lãnh tụ Thiểu số Tom Daschle, tiểu bang South Dakota. Ứng cử viên Cộng hòa John Thune, cựu nhân viên Toà Bạch ốc, đã thắng với khoảng 7.000 phiếu hơn ông Daschle.
Đây là lần đầu tiên từ năm 1952, một lãnh tụ của một đảng ở Thượng viện đã thất cử trước một đối phương.
Trong 4 năm qua, các nhà Lập pháp đảng Dân chủ đã cáo buộc phe đa số Cộng hoà ở Hạ viện "không tôn trọng ý kiến của phe đối lập" và đã sử dụng các mánh lới đa số để dẹp đi những đề nghị tu chính khi soạn thảo và thông qua nhiều đạo luật.
Sự lo ngại Quốc hội Mỹ sẽ chỉ còn là tiếng nói của một phía đa số khó lòng mà xẩy ra, nhưng quyền chấm dứt các cuộc thảo luận kéo dài để biểu quyết vẫn thuộc về các lãnh tụ của phe đa số tại Quốc hội.
Một trong những việc làm có thể sẽ gây ra bão tố chính trị cho Tổng thống Bush là trong 4 năm tới, ông có thể sẽ phải bổ nhiệm một số vị Thẩm phán vào Tối cao Pháp viện Liên bang để thay thế cho các vị sẽ từ chức về hưu vì tuổi cao hay vì lý do sức khỏe.
Trong số 9 vị Thẩm phán Tối cao Pháp viện hiện nay, có đến 5 vị ủng hộ hay nghiêng theo phía lập trường "bảo thủ" của đảng Cộng hòa và có đa số vị trên 70 tuổi.


Các chuyên gia Luật pháp và Toà án Mỹ e ngại trong vòng 4 năm của nhiệm kỳ II Tổng thống Bush, Tối cao Pháp viện có thể sẽ bị kiểm soát bởi đa số các Thẩm phán "bảo thủ" ủng hộ những quan điểm luật pháp cực đoan của đảng Cộng hòa. Sự lo ngại của phe Dân chủ, những người Độc lập ôn hòa và giới Phụ nữ sẽ tập trung vào Phán quyết năm 1973 của Tối cao Pháp viện, gọi quen thuộc là vụ án Roe vs (chống) Does, công nhận quyền phá thai của phụ nữ.
Những người "bảo thủ" của đảng Cộng hoà và theo Thiên Chúa giáo (Christian) , nhất là những người theo đạo Công giáo ở Mỹ tiếp tục chống phán quyết 1973 và mong sao Tối cao Pháp viện tương lai sẽ hủy bỏ vụ án Roe vs Does để bảo vệ những hài nhi vô tội. Họ lên án hành động phá thai là "sát nhân".
Lập trường của Tổng thống Bush là chống phá thai và chống lại việc sử dụng tiền đóng thuế của người dân để trang trải phí tổn cho các chương trình xã hội trợ giúp phụ nữ nghèo khi phải phá thai.
Những người Mỹ ôn hoà cũng không muốn thấy Tối cao Pháp viện can thiệp vào quyền tin tưởng hay không đối với đấng Thượng đế, như một số người của đảng Cộng hoà muốn việc "tuyên xưng Thượng đế" là việc làm phải có trong các sinh hoạt công cộng, nhất là trong Nhà trường đối học sinh nên cầu nguyện trước khi bắt đầu lớp học.
Phe người Mỹ chống việc này thì khuyến cáo chính trị và tôn giáo không thể trộn lẫn với nhau và họ đòi "chính trị phải để ở ngoài Nhà thờ."
Về phương diện kinh tế, Tổng thống Bush phải đối phó với sự tiếp tục để ngân sách quốc gia bị thâm thủng vì những chi tiêu lớn lao cho hai chiến trường Iraq và Afghanistan. Cho đến cuối năm 2004, tổng số chi cho chiến tranh đã lên đến trên 250 tỷ mỹ kim và ông Bush dự trù sẽ yêu cầu Quốc hội chuẩn chi thêm 70 tỷ cho năm 2005.
Dự trù mức thâm thủng ngân sách của Mỹ sẽ lên trên 450 tỷ Mỹ kim trong năm 2005.

TỪ IRAQ ĐẾN VIỆT NAM
Trong khi ấy thì chưa có dấu hiệu gì là quân đội Hoa Kỳ có thể chấm dứt nhiệm vụ tại Iraq trong một tương lai gần vì tình hình an ninh tiếp tục mất ổn định trong khi quân đội Iraq, do Hoa Kỳ huấn luyện và trang bị lại không đủ khả năng tự bảo vệ đất nước họ.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa nhìn nhận tình hình Iraq rối bời và họ đồng ý là chính phủ Bush phải tìm cách giải quyết trong nhiệm kỳ II để giảm thiểu những tổn thất nhân mạng và bảo vệ thế mạnh của đảng Cộng hoà.
Về đối ngoại, ông Bush sẽ tiếp tục phải đối phó với sự lạnh nhạt hợp tác trong vấn đề Iraq của Đức, Pháp và Nga. Các nhà Lãnh đạo Âu Châu đòi ông Bush phải thay đổi đường lối, trả quyền kiểm soát Iraq cho Liên Hiệp Quốc và phải từ bỏ đường lối độc quyền tại Iraq.
Các nước trong khối Ả Rập cũng không mấy hứng thú thấy ông Bush tái đắc cử, nhưng sẽ tiếp tục duy trì những mối giao hảo bình thường để tránh gây ra thêm những khó khăn chung cho cả hai bên. Các nước này cũng muốn Hoa Kỳ phải mau chóng giải quyết vấn đề Iraq và tích cực hơn trong việc giải quyết xung đột giữa Do Thái và Palestine.
Tại Á Châu, hai cường quốc Nhật Bản và Trung Hoa tin là trong nhiệm kỳ II của ông Bush, quan hệ ngoại giao giữa hai bên vẫn như cũ nhưng họ lo ngại, nếu ông Bush tiếp tục từ chối nói chuyện thẳng với Bắc Hàn như ông đang làm thì cuộc khủng hoảng nguyên tử mà Bắc Hàn đe dọa sẽ chế tạo vũ khí rất có thể xẩy ra.
Riêng với Việt Nam thì chính quyền Hà Nội không có phản ứng tích cực về việc ông Bush thắng cử. Trong thâm tâm các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam thì họ muốn Nghị sỹ John Kerry thắng cử vì họ coi ông Kerry là "bạn của Việt Nam" và hiểu Việt Nam hơn ông Bush.
Đảng CSVN lo ngại ông Bush sẽ áp dụng biện pháp mạnh chống Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ, điển hình như các vụ kiện tôm và cá ba-sa (cá nheo) thì bộ Thương mại Mỹ đã đứng về phía các chủ chăn nuôi miền Nam (Hoa Kỳ) chống lại việc Việt Nam bán phá gía.
Việt Nam cũng sợ ông Bush sẽ lấy lý do Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo để chống Việt Nam xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, WTO), dự trù vào năm 2005. Và Hà Nội cũng e ngại phe đa số Cộng hoà ở Quốc hội Mỹ sẽ thông qua Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam.
Dự luật H.R. 1587 nhằm "Cổ võ Tự do và Dân chủ tại Việt Nam" đã được Hạ viện Mỹ do Cộng hoà kiểm soát bỏ phiếu đồng ý hôm 19-7-2004 và hiện nay đang chờ đưa ra thảo luận tại Thượng viện.
Tuy nhiên không ai nghĩ là trong nhiệm kỳ 4 năm tới, ông Bush sẽ thay đổi chính sách ngọai giao với Việt Nam vì ngoại trừ trường hợp Bắc Hàn, nước Mỹ không có lý do để chống Việt Nam khi Hà Nội chưa đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của nước Mỹ ở Á Châu.
Đối với những cử tri Mỹ gốc Việt bỏ phiếu cho ông Bush thì họ cũng nên hiểu là nước Mỹ là của chung mọi công dân. Họ không nên tự tin rằng khi "phe ta" thắng thì "chúng ta" được nhờ và phải "khai thác" thắng lợi để dành phần hơn về cho mình.
Nước Mỹ và người Mỹ không giải quyết vấn đề như thế, bởi vì nước Mỹ chỉ có một bản Hiến pháp và một vị Tổng thống. Quyền lợi của nước Mỹ không bao giờ bị coi nhỏ hơn quyền lợi của một Đảng hay của một cá nhân.
Ngược lại thì đảng Cộng sản Việt Nam và một số người Việt tị nạn ở nước ngoài lại lẫn lộn giữa quyền lợi chung và quyền lợi riêng và đôi khi lại coi quyền lợi riêng lớn hơn cả quyền lợi của đất nước và dân tộc.
Những lời kêu gọi đoàn kết và "hàn gắn" sự ngăn cách giữa các cử tri Cộng hoà và Dân chủ của Tổng thống Bush và Nghị sỹ Kerry đã làm cho nước Mỹ và người Mỹ lớn hơn nhiều dân tộc trên thế giới. -/-
Phạm Trần (11-04)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.