Hôm nay,  

Không Ai Sống Mãi...

31/10/200400:00:00(Xem: 4574)
Arafat hay Castro cũng thế. Trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị cuộc nội chiến chính trị hậu bầu cử, Palestine và Cuba chuẩn bị lật qua trang mới. Một trang chưa mở đã rách....
Người đa sự hay đa nghi thì cho là Yasser Arafat giả bệnh để rút qua Paris chữa chạy vào hôm qua. Thực tế có khi tầm thường và bình thường hơn: ông đã 75 tuổi, lâm trọng bệnh và dù gì thì cũng đang đi vào đoạn cuối của một cuộc đời đầy thăng trầm.
Bên kia bán cầu, Fidel Castro có vẻ tỉnh táo hơn sau khi vấp ngã gãy xương, và lập tức chứng tỏ là mình vẫn đang thực tế lãnh đạo. Nhưng, ở tuổi 78, lại bị ngã gãy tay gãy chân hôm 21 vừa qua, Castro cuối cùng cũng phải buông bỏ quyền lực và cuộc đời.
Sau đó, Palestine và Cuba sẽ ra sao"...
Hãy bắt đầu với Castro.
Ông ta là một trong các nhân vật hiếm hoi ở một xứ nhược tiểu có cái thế lớn hơn cái lực, đã gây rối cho đại cường mà không bị chiến tranh. Trường hợp ở đây là một siêu cường đối nghịch, là xứ Hoa Kỳ lân bang ở phương Bắc. Vì hay nhờ Castro, Cuba tồn tại trong cái thế “chướng tai gai mắt” cho nước Mỹ. Đã vậy, Castro còn chi phối cả Châu Mỹ Latinh, trở thành khuôn mặt lãnh đạo của “Thế giới Thứ Ba”, nguồn cổ võ cho nhiều quốc gia chống Mỹ tại Nam Mỹ, như Venezuela, Brazil, Ecuador và cả Argentina. Dù không đồng ý với chủ trương và đường lối của ông ta, người ta vẫn phải công nhận rằng Castro là quái vật chính trị có tuổi thọ chính trị khá bền, thành tích chính trị khá cao, giữa nhiều nghịch cảnh của thời chiến tranh lạnh.
Loại người như vậy có thể đếm được trên đầu ngón tay, của một bàn tay.
Norodom Sihanook không bằng, dân Miên bị tàn sát quá nhiều. Có người Việt Nam và người Mỹ ngớ ngẩn thì nói đến Hồ Chí Minh, mà quên không xét tới cái giá dân tộc Việt Nam đã phải trả trong ngần ấy năm chiến tranh và kiệt quệ. Suharto khá hơn một chút, cho tới khi bị lật đổ năm 1998. Moamar Ghaddafi của Libya cũng thua: cuối đời phải bọc xuôi và hạ màn tiền phong chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo. Trong thế giới đó, Mahathir Mohammad của Malaysia có lẽ đáng kể, qua hai chục năm lãnh đạo với tư thế lớn hơn khả năng và kích thước của một xứ dù sao vẫn là nhược tiểu. Golda Meir của Israel, nữ thủ tướng sắt thép đã dám đương đầu với cả khối Ả Rập lẫn Liên xô là trường hợp gần nhất, nhưng ngắn ngủi hơn.
Fidel Castro đã đối đầu với chín triều đại tổng thống của Hoa Kỳ và nay đối đầu với tử thần, trong khi xứ sở Cuba của ông đang đối diện với các vấn đề bị trì hoãn trong hơn nửa thế kỷ.
Ông đưa Cuba vào một cuộc cách mạng tàn ác và không lối thoát. Bản thân thì thành công khi là biểu tượng Cách mạng, nhưng ông không cho phép sự xuất hiện của bất cứ giải pháp nào khác trong chế độ độc tài của mình. Vì cuộc cách mạng vô sản đầy chất lãng mạn nhiệt đới, Cuba lụn bại dần mà không xây dựng nổi những định chế có khả năng tồn tại sau khi đảng cầm quyền sụp đổ, lãnh tụ kính yêu đi qua thế giới khác.
Sau Castro, Cuba sẽ loạn, và bên trong không thiếu nhân vật đang có những dự tính riêng. Bên ngoài cũng vậy. Người Cuba lưu vong tại Mỹ, tại Âu Châu (chủ yếu là Tây Ban Nha), chính quyền Hoa Kỳ, Âu Châu, Toà thánh La Mã, v.v.... đều có những dự kiến về Cuba hậu Castro. Từ đó, từ năm tới trở đi, Cuba sẽ là đề mục thời sự của quốc tế như mọi xứ nhược tiểu có loạn khác. Nhiều người dân có khi lại luyến tiếc thời ổn định vàng vọt của Castro. Nhưng, nếu lịch sử công bằng – là điều hiếm hoi – họ phải thấy là mình đã trả giá quá đắt cho tư thế anh hùng và bền vững của đồng chí Fidel.
Yasser Arafat là trường hợp khác, giống mà khác Castro.

Ông thuộc thành phần lãnh tụ Ả Rập muốn canh tân thế giới Hồi giáo bằng cách mạng chính trị theo kiểu Nasser tại Egypt. Ông không tin vào sức mạnh tôn giáo của đạo Hồi mà muốn phát huy tinh thần quốc gia của các dân tộc Ả Rập, với mục tiêu rốt ráo là sự hình thành của một Cộng hoà Ả Rập Thống nhất, như giấc mơ của Gamal Abdel Nasser. Giải pháp là một chính quyền quân phiệt theo chủ nghĩa xã hội để kỹ nghệ hoá xứ sở, chiến thắng Israel và giành lại tư thế lãnh đạo của khối Ả Rập bằng sức mạnh và đòn khủng bố. Chiến lược của Arafat là liên kết với Liên bang Xô viết và khối cộng sản trong thời chiến tranh lạnh.
Trong mối quan hệ với Liên xô và hành động khủng bố để đạt mục tiêu, Arafat có thể là một đồng minh hay đồng chí của Castro.
Nhưng, hai biến cố đã đảo lộn tình hình.
Bên ngoài, giải pháp cách mạng xã hội chủ nghĩa bị phá sản và Arafat mất điểm tựa Xô viết. Vấn đề đó còn nhỏ so với biến cố bên trong: cách mạng thế quyền kiểu Nasser cũng phá sản ngay trong thế giới Hồi giáo. Làn sóng cực đoan của xu hướng Hồi giáo “trọng căn” (fundamentalist) đã xuất hiện, với biểu tượng là Osama bin Laden và al Qaeda.
Vào thập niên 70, Arafat là lãnh tụ tiên tiến; qua thập niên 90, ông bị đẩy lui ngay trong thế giới Hồi giáo; bước vào thế kỷ 21, ông bị đảo thải, hoặc bị phong trào Thánh Chiến Hồi giáo sử dụng như bung sung. Giải pháp cách mạng chính trị bị giải pháp cách mạng tôn giáo qua mặt, với sự hỗ trợ của đòn khủng bố còn tàn khốc hơn thời Arafat tung hoành năm xưa.
So với Fidel Castro, 10 năm sau khi Liên xô tan rã mà còn vẫy vùng và chưa đổi mới, thì Arafat không bằng.
Nhưng, như mọi lãnh tụ độc tài khác, Arafat cũng giống Castro ở một nét: đồng hoá bản thân với cách mạng để trở thành biểu tượng của cách mạng.
Được tôn sùng như ngôi sao sáng sẽ dẫn người Palestine đi tới mục tiêu là một quốc gia độc lập trong một lãnh thổ, với niềm tự trọng trong thế giới Ả Rập, Yasser Arafat đã cưỡng đoạt cuộc cách mạng Palestine cho chính mình. Dân Palestine không thể làm gì - chiến hay hoà, tiến hay thoái - khi còn Arafat ở đó, vì họ không có chính quyền có thực quyền và chẳng có định chế khả dĩ đảm bảo việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế tiếp. Bọn người làm cách mạng khi cầm quyền thường có tật ấy. Y như Castro. Dù sao, lãnh tụ Cuba còn có người kế vị là em trai, là Raoul Castro, Arafat thì không.
Tệ hơn vậy, Arafat để lại một di sản là nguy cơ nội chiến trong khối Palestine.
Trong khi không cho chính phủ thực quyền và không chọn được những người kế nhiệm vì sợ bị truất ngôi, Arafat còn bị tràn ngập bên cánh hữu bởi tổ chức khủng bố Hamas, nay đã sẵn sàng giật bó đuốc cách mạng và dẫn dân Palestine vào vùng máu lửa. Và đây là một bài toán cho Israel và Hoa Kỳ.
Nửa thế kỷ trước, không ai nói đến khối dân Palestine và khát vọng lập quốc của họ. Ngày nay, khối dân này đã thành hình, nhưng không có tiếng nói, ngoài tiếng súng. Làm sao hòa giải và tìm ngõ thoát cho vùng Trung Đông khi tập thể Palestine không có đại diện chính đáng" Arafat không là đại diện có thẩm quyền vì thực tế đã hết quyền, nhưng ít ra ông ta còn là một biểu tượng. Một cái giá mục để treo lên đó khẩu hiệu hay đề cương.
Ông ra đi, hoặc không về nữa, Palestine sẽ loạn to, chẳng phải vì chính quyền Israel, mà vì nội bộ sẽ nổ tung thành nhiều xu hướng đấu tranh. Phe thì muốn tiếp tục cách mạng xã hội chủ nghĩa, phe thì đòi Thánh Chiến Hồi giáo, phe đề cao liên minh Ả Rập, phe chủ trương hợp tác kinh doanh. Còn ngồi đó, dù trong bóng tối âm u, Arafat còn khiến ngần ấy xu hướng phải tự kiềm chế. Ông buông tay, đất Palestine sẽ là vùng oanh kích tự do.
Cách ngôn: hãy coi chừng các thần tượng cách mạng. Họ thường đứng lên trong máu lửa, tồn tại nhờ gông cùm. Và nằm xuống trong máu lửa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.