Hôm nay,  

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 109) (Tiếp theo...)

17/06/200800:00:00(Xem: 2612)
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Tối hôm đó, đoàn thuyền của chúng tôi được xà lan của Trung Cộng kéo thẳng một mạch từ Bắc Hải đến hải phận Hồng Kông khoảng hơn 10 tiếng đồng hồ. Suốt chuyến đi, chúng tôi không hề gặp một trở ngại nào, ngoại trừ một số người bị say sóng nhẹ.

Riêng tôi, chiều hôm đó, sau khi chiêm ngưỡng hoàng hôn trên biển cả trong tâm trạng của một người sắp thực sự được tự do, cho đến khi màn đêm buông phủ, tôi quay vô coi mấy người đánh cờ tướng so tài cao thấp, rồi mấy anh em ngồi uống trà, tán gẫu đến khoảng nửa đêm thì tôi quay ra ngủ.

Không nhớ ngủ được bao lâu thì tôi bị thức giấc vì tiếng loa the thé:

- Trật tự, trật tự. Yêu cầu bà con trật tự. Trật tự.

Tôi vội vã ngồi dậy thì thấy ở giữa thuyền có một người đàn ông đội chiếc mũ giống mũ công an Trung Cộng, nhưng không có sao, một tay cầm túi vải khá to, tay kia cầm chiếc loa bằng sắt tây đang hò hét:

- Yêu cầu mọi người ai ngồi đâu, ngồi yên đó. Không đi lại lộn xộn cho chúng tôi làm việc.

Y nói tiếng Việt xong, liền nói tiếng Hoa, cả tiếng Quảng lẫn tiếng Phổ thông. Xem ra lối ăn nói và cách làm việc của y rất thành thạo.

Anh Thịnh ngồi bên cạnh tôi thì thầm:

- Y đi thu tiền của Trung Cộng đấy. Ai có tiền Trung Cộng thì lấy hết ra trao cho y... Bao giờ sắp đến hải phận Hồng Kông cũng có trò thu tiền này...
Tôi ngạc nhiên hỏi anh:

- Mình sắp đến hải phận Hồng Kông rồi sao"

Anh Thịnh gật đầu:

- Chừng khoảng hơn tiếng nữa.

Lúc đó, tôi mới giật mình nhận ra, cả đoàn thuyền đã chạy chậm hẳn lại. Chiếc ca nô dẫn đầu đoàn thuyền, bây giờ chạy song song với thuyền chúng tôi với tốc độ rất chậm. Đèn pha trên chiếc ca nô quét ngang quét dọc sang thuyền chúng tôi và các thuyền khác.

Tiếng người đàn ông đội mũ lại vang lên:

- Mọi người chú ý, chú ý! Tất cả những ai có tiền bạc, giấy tờ, hình ảnh gì của Trung Quốc, hãy tự nguyện trao cho chúng tôi ngay bây giờ. Tôi xin nhắc lại, đây là lần cuối cùng. Bất cứ ai giấu diếm tiền bạc hay giấy tờ gì của Trung Quốc, đều bị cảnh sát Hồng Kông phát hiện và khi đó cả thuyền sẽ bị đuổi về. Khi đó, chính phủ và nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa chúng tôi cũng sẽ không tiếp nhận quý vị mà trả quý vị về cho cộng sản Việt Nam...

Y vừa nói thao thao bất tuyệt bằng cả ba thứ tiếng vừa cầm chiếc túi vải chậm rãi đi đến từng bàn tay đang chĩa ra để hứng những đồng tiền, giấy tờ, hình ảnh đủ loại...

Phần đứng trước viễn ảnh sớm muộn gì cũng được đặt chân lên Hồng Kông, phần đinh ninh một người sơ sót sẽ làm cả thuyền liên luỵ, nên mọi người trên thuyền đều tận tình đốc thúc nhau trút hầu bao, lấy tất cả tiền bạc giấy tờ hình ảnh của Trung Quốc bỏ vô chiếc túi vải.... Sau khoảng mươi phút đồng hồ, việc thu nhặt tiền bạc Trung Quốc trên thuyền chấm dứt, cũng là lúc, đoàn thuyền gần như dừng hẳn. Người đàn ông liền hô lớn bằng tiếng Hoa rồi khoát tay ra hiệu cho một thanh niên lực lưỡng đang đứng ở mũi thuyền. Lập tức, người thanh niên cúi xuống tháo sợi dây cáp nối giữa các thuyền. Sau đó, người đàn ông dơ cao chiếc đèn pin hướng về phía chiếc ca nô bấm ám hiệu. Chiếc ca nô liền quay mũi tiến về phía chiếc thuyền của chúng tôi. Khi đến gần, chiếc ca nô liền chuyển hướng, nhẹ nhàng chạy sát thành chiếc thuyền với tốc độ thật chậm, để người đàn ông và anh thanh niên từ trên thuyền nhảy sang ca nô... Sau đó chiếc ca nô tăng tốc chạy tiếp đến chiếc thuyền kế tiếp...

Ngay khi chiếc ca nô đi khỏi, ông Đường liền hô to một tiếng. Người thợ máy liền cho nổ máy, cả thân thuyền rung lên dữ dội và con thuyền bắt đầu lao về phía trước, tiếp tục cuộc hành trình trực chỉ Hồng Kông.

Không khí trên thuyền lúc này rất phấn khởi, mọi người đều cười nói vui vẻ, khiến tôi có cảm tưởng như đi trẩy hội đúng hơn là vượt biển đi tỵ nạn. Vì chỉ còn có hơn một tiếng đồng hồ nữa là tới hải phận Hồng Kông nên hầu hết mọi người đều không ngủ, chuyện trò nở như pháo ran. Mấy anh em chúng tôi đều tươi cười, chỉ có Hùng con của anh Tiến thì buồn rười rượi. Thấy Hùng buồn bã như vậy, chúng tôi cũng chạnh lòng nghĩ đến anh Tiến. Anh Thu vỗ vai Hùng an ủi:

- Cháu cứ yên trí đi. Ba cháu sớm muộn gì cũng sẽ gặp cháu ở Mỹ.

Hùng mỉm cười gượng gạo, mặt buồn như mếu, thẫn thờ không nói. Tôi ngạc nhiên hỏi anh Thu:

- Anh Tiến chịu ở lại Trung Quốc để "trường kỳ kháng chiến" chống cộng sản Việt Nam cho đến thắng lợi cuối cùng, làm sao mà anh bảo anh ta có thể đi Mỹ được"

Anh Thu cười:

- "Trường kỳ kháng chiến" cái gì. Cậu cứ tin tôi đi, cái "chính phủ Việt Nam lâm thời" đó chỉ sống sót ba bảy hai mốt ngày thôi. Hai thằng cộng sản cùng điếm thối với nhau thì chúng có thù nhau mấy chăng nữa cũng chỉ là tạm thời. Cậu phải hiểu, về mưu trí thủ đoạn, thì thằng Tàu không tài nào qua mặt được thằng cộng sản Việt Nam. Nhưng về sức mạnh thì muôn năm thằng Việt cộng không bằng phần mười thằng Trung cộng. Đã vậy, hai thằng lại chung biên giới với nhau cả ngàn cây số, thì sớm muộn gì thằng cộng sản Việt Nam cũng là vệ tinh của thằng cộng sản Trung Quốc. Rồi cậu coi, lão Tiến trước sau gì cũng lại khăn gói vượt biển sang Hồng Kông tỵ nạn cho coi.

Lời nói của anh Thu lúc đó thật có lý. Nhưng khi ấy tôi lại tin tưởng anh Tiến sẽ làm được một cái gì trong "chính phủ Việt Nam lâm thời", chứ không khi nào anh Tiến lại cuốn gói đi tỵ nạn tiếp ở Hồng Kông như lời anh Thu nói. Vì vậy, tôi không đồng ý:

- Em thì em nghĩ anh Tiến giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, có kiến thức, có tham vọng chính trị, suy nghĩ chuyện gì cũng chín chắn, có trước có sau. Em nhớ anh ấy vẫn thường nói, đời thường cũng như chính trường, giống hệt như chơi cờ tướng... người cơ trí phải biết nghĩ trước hàng chục nước, để khi thắng thì biết tận lực khai thác thế thắng mạnh như chẻ tre, ồ ạt như nước lũ chảy về chỗ trũng; mà khi thua thì cũng có thể lui về thế thủ vững như núi.

Anh Thu cười:

- Cậu hiểu Tiến làm sao bằng tôi được. Tiến là người nói giỏi, gặp chuyện vừa vừa hạng trung thì hoàn thành xuất sắc. Nhưng đụng chuyện lớn sẽ gẫy liền à. Cậu có biết Mã Tốc bị Khổng Minh chém đầu vì thua ở Nhai Đình không" Tiến cũng giống Mã Tốc ở chỗ đó...

Chuyện Mã Tốc bị chém đầu, ai đọc truyện Tam Quốc cũng đều biết. Nhưng so sánh anh Tiến với Mã Tốc thì tôi thấy không đúng. Tuy vậy, tôi lặng im không nói gì. Lúc đó tôi đâu có ngờ, mấy năm sau, quả nhiên "chính phủ Việt Nam lâm thời" do Trung Cộng nặn lên tan như bọt xà phòng, và anh Tiến đã vượt biển sang Hồng Kông xin tỵ nạn, sau đó, đoàn tụ với con của anh tại Mỹ.

5 năm trước, khi đọc một bài viết có bút hiệu Phạm Thái Lai của Sàigòn Times trên Việt Báo Online, anh Tiến đã gọi điện thoại cho tòa soạn Sàigòn Times. Khi đó anh em vui mừng nhận ra nhau, hàn huyên đủ thứ chuyện, và khi ấy tôi mới biết, anh Thu đã qua đời trước đó không lâu...
Sau khi chuyện trò về anh Tiến được một lúc, tôi thấy người hơi mệt, liền ngả mình nghỉ ngơi một chút. Giữa lúc đang thiu thiu ngủ, bỗng tôi nghe có tiếng la:

- Hồng Kông, Hồng Kông, bà con ơi. Hồng kông kia rồi....

Tôi giật mình ngồi dậy, dụi mắt, giữa tiếng xôn xao la hét, huýt sáo ầm ĩ của mọi người trong thuyền. Nhưng chỉ vài tích tắc sau, tôi ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi người trong thuyền đều im lặng cùng nhìn về một hướng. Tôi đứng dậy bước ra mạn thuyền nhìn theo và trong lòng vui mừng khôn tả khi thấy cả thành phố Hồng Kông vô cùng tráng lệ, với những tòa nhà chọc trời rực rỡ ánh đèn muôn hồng nghìn tía đã hiện ra ở chân trời. Trời lúc đó hãy còn tối đen, mặt biển lại yên tĩnh phẳng lặng như gương, nên thành phố Hồng Kông tráng lệ soi mình trên mặt biển trông thật diễm tuyệt, không bút giấy nào tả xiết.

Giống như tất cả mọi người, tôi im lặng say sưa ngắm thành phố Hồng Kông, biểu tượng của tự do và thịnh vượng đang ngày càng lớn dần. Sau những phút im lặng chiêm ngưỡng, mọi người lại ồn ào bàn tán sôi nổi. Tuy lúc đó, không một ai biết tương lai của mình sẽ ra sao, nhưng ai cũng vui mừng tin tưởng, cuộc đời của mình sẽ đổi thay, trở nên tốt đẹp hơn. Riêng tôi, một người tù vượt ngục, đang bị cộng sản truy lùng, phải sống ngoài vòng pháp luật, thì nay đứng trước hình ảnh tráng lệ của thành phố Hồng Kông, tôi đã xúc động đến rơi lệ...

Khoảng nửa giờ trôi qua, trời bắt đầu hửng sáng và thành phố Hồng Kông cũng hiện ra càng ngày càng rõ. Chiếc thuyền của chúng tôi cũng vẫn tiếp tục rẽ sóng băng băng tiến về phía Hồng Kông. Ngó ra chung quanh, tôi cũng thấy hai chiếc thuyền xa xa. Còn những chiếc thuyền khác thì quá xa, chỉ thấy những hình thù nhỏ xíu trên biển...

Thuyền của chúng tôi chạy tiếp được khoảng 15 phút thì bỗng nhiên mọi người la hét, xôn xao mà tôi không hiểu vì lý do gì. Còn đang ngạc nhiên thì ông Đường ào ào từ phía phòng lái ở phía sau chạy ra phía trước hối hả báo tin:

- Tàu tuần cảnh Hồng Kông!

Tôi giật mình nhìn ra, thì thấy không xa, một chiếc tàu sắt đang phăng phăng rẽ sóng lao tới. Trên tàu có quốc kỳ của Anh, của Hồng Kông và mấy loại cờ nữa không biết là cờ gì, cùng bay phấp phới. Không đầy mấy phút sau, tầu tuần cảnh Anh đã tiến đến gần thuyền của chúng tôi. Tiếng loa vọng lên rõ mồn một bằng tiếng Anh và tiếng Hoa:

- Chú ý! Chú ý! Đây là lực lượng tuần duyên Hồng Kông. Thuyền của quý vị đang xâm phạm trái phép hải phận Hồng Kông. Chúng tôi ra lệnh thuyền của quý vị đứng lại. Nếu trái lệnh, chúng tôi bắt buộc phải có hành động động đối phó ngay lập tức. Chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi ra lệnh thuyền của quý vị đứng lại...

Ông Đường chủ thuyền vội vã bảo tài công tắt máy. Lập tức tiếng máy im bặt, chiếc thuyền khựng lại, nhưng vẫn trôi từ từ về phía trước theo quán tính. Tất cả mọi người trên thuyền cũng đều im lặng, gương mặt ai cũng có vẻ căng thẳng chờ đợi...

Chiếc tàu tuần cảnh cũng giảm tốc độ khi đến gần thuyền chúng tôi. Trên boong tầu tôi thấy có 4 người lính mặc đồ rằn ri, súng ống nai nịt gọn gàng, trông rất oai nghiêm. Tuy nhiên, nhìn sắc diện của họ tôi ngạc nhiên khi thấy họ không phải là người Hoa. Sau này tôi mới biết, đó là lực lượng lính đánh thuê người Hồi Quốc được chính phủ Anh thuê mướn làm nhiệm vụ bảo vệ ăn ninh trật tự cho Hồng Kông.

Một người cầm chiếc loa điện loại xách tay, hướng loa về phía thuyền chúng tôi nói:

- Chú ý! Chú ý! Đây là lực lượng tuần duyên Hồng Kông. Xin quý vị cho biết, thuyền của quý vị có phải là thuyền tỵ nạn đi từ Việt Nam"

Nghe hỏi vậy, chúng tôi rất ngạc nhiên. Nhiều người trên thuyền chúng tôi lập tức reo hò, vỗ tay ầm ĩ, thay cho câu trả lời. Thì ra, trong thời gian mấy năm qua, thuyền tỵ nạn Việt Nam đã lũ lượt đổ vào Hồng Kông, nên tất cả các lực lượng tuần cảnh Hồng Kông đều quá quen thuộc mỗi khi gặp những chiếc thuyền như thuyền của chúng tôi.

Người cầm loa lại nói:

- Chú ý! Chú ý! Đây là lực lượng tuần duyên Hồng Kông. Chúng tôi yêu cầu mọi người trên thuyền im lặng, và cử ra một người trả lời các câu hỏi của chúng tôi.

Trong chớp mắt, ông Đường chủ thuyền đã chỉ định một thanh niên lực lưỡng thay mặt mọi người. Người cầm loa nói tiếp:

- Chú ý! Chú ý! Đây là lực lượng tuần duyên Hồng Kông. Chúng tôi hỏi, quý vị trả lời. Nếu đúng, quý vị dơ tay phải. Nếu không đúng, quý vị dơ tay trái. Quý vị đã rõ chưa" Nếu rõ, dơ tay phải...

Người thanh niên nhanh chóng dơ tay phải.

- Thuyền của quý vị chở người tỵ nạn ra đi từ Việt Nam, có đúng vậy không"

Người thanh niên dơ tay phải.

- Trên thuyền của quý vị có bất cứ loại vũ khí nào không" Nếu có, dơ tay phải, nếu không dơ tay trái.

Người thanh niên dơ tay trái.

- Trên thuyền của qúy vị có ai ốm đau, cần cấp cứu không" Nếu có dơ tay phải, nếu không dơ tay trái"

Người thanh niên vội dơ tay trái...

Cuộc đối đáp cứ như vậy diễn ra trong 10 phút đồng hồ. Sau đó, người cầm loa ra lệnh cho thuyền chúng tôi phải thu hồi tất cả mọi loại dao, kéo, bất kể dài ngắn, to nhỏ. Kế đến, người cầm loa dõng dạc tuyên bố:

- Chú ý! Chú ý! Đây là lực lượng tuần duyên Hồng Kông. Thuyền của qúy vị là thuyền chở người tự nhận mình là tỵ nạn đi từ Việt Nam. Nhưng hiện tại, trong thời gian chờ đợi cứu xét tư cách tỵ nạn của quý vị, quý vị sẽ bị đối xử như là những người xâm nhập hải phận Hồng Kông bất hợp pháp. Bây giờ, quý vị cho thuyền đi theo tàu của chúng tôi đến nơi tập trung những thuyền xâm nhập trái phép hải phận Hồng Kông....

Sau đó, tàu tuần cảnh Hồng Kông chạy trước, thuyền chúng tôi chạy theo sau, cùng tiến vô cảng Hồng Kong.... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.