Hôm nay,  

Phái Đoàn Vatican

25/05/200800:00:00(Xem: 4705)

Nhà nước CSVN đang lộ vẻ từ từ cởi mở hơn với nhiều sinh hoạt tôn giáo, và có vẻ như đang tin tưởng rằng sự cởi mở đối với tôn giáo thực ra lại giúp bền vững chế độ vì đã làm cho xã hội hòa hài hơn, và giúp cho lòng dân sống thiện lành hơn. Vấn đề là sẽ cởi mở tới đâu, và nhượng bộ đối với các áp lực từ phong trào dân chủ  trong nước và từ nhân quyền quốc tế sẽ tới giới hạn nào" Diễn biến đã xảy ra nhìn thấy được là Đại Lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 vừa qua tại Hà Nội, và diễn biến sắp tới có thể sẽ là cách tiếp cận khi chính phủ CSVN đón phái đoàn Vatican tới Hà Nội vào tháng 6-2008.

Có thể sắp có bang giao giữa Vatican với Việt Nam" Sẽ trao đổi gì về Tòa Khâm Sứ nơi nhiều cuộc "cầu nguyện đông đảo ngoài phố" thực hiện mấy tháng trước" Đức Giáo Hoàng sẽ tới thăm Việt Nam khi nào" Thánh Địa La Vang sẽ chuyển biến thành Trung Tâm Hành Hương Công Giáo tại Việt Nam ra sao" Việc bổ khuyết một số Tòa Giám Mục đã tiến tới đâu" Giáo Hội Công Giáo VN sẽ vận động mở trường để góp phần vào giáo dục như thế nào"

Trong các vấn đề đó sẽ có một số điểm được nêu ra trong nghị trình mà phái đoàn Vatican sẽ bàn với chính phủ CSVN tháng tới. Bài "Phỏng vấn Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương về mục tiêu và nghị trình Phái đoàn Vatican tới Việt Nam" trên mạng VietCatholic News hôm Thứ Năm 22/05/2008, do LM Stephanô Bùi Thượng Lưu thực hiện, đã nhắc tới các chủ điểm trên. Và tất nhiên, những câu trả lời vẫn còn để ngỏ, để sẽ chờ kết quả thương thảo giữa các giới chức Vatican và Hà Nội.

Điều có thể thấy rằng toàn bộ bài phỏng vấn hoàn toàn không nhắc tới các nhóm chữ như "dân chủ," hay như "nhân quyền," hay như "tự do tôn giáo," hay ngay cả tên của vị linh mục đã khai sinh ra phong trào 8406 là linh mục Nguyễn Văn Lý… Toàn bộ nghị trình là những vấn đề rất cụ thể, bàn tới hoạt động cụ thể của Giáo Hội như về bang giao, về tài sản giáo hội, về lập các tòa giám mục, về thánh địa, về xin mở trường dạy học sinh… Nghĩa là những gì rất cụ thể, thấy được, có người, có việc, có vẻ rất "hòa hợp hòa giải" nhưng lại rất sòng phẳng trao đổi.

Nói như thế, không có nghĩa là Vatican cho rằng các khái niệm như "dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo…" là những gì trừu tượng, không thấy rõ, không hình dung minh bạch… vì thực tế cách thiết lập nghị trình là một đối sách đã mài giũa kinh nghiệm sau 14 lần phái đoàn Vatican tới Hà Nội họp. Có nghĩa là, các chuyện bàn thảo hay đòi hỏi về "lộ trình dân chủ," hay về "tuyên ngôn dân chủ," thì xin để cho người khác bàn. Còn Vatican có việc của Vatican. Một thực tế nữa, nếu đưa nghị trình khác đi, có thể sẽ khó thực hiện thuận lợi chuyến đi lần thứ 15 này.

Triết lý trong đối sách của Vatican đã được Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương nói rõ trong bài phỏng vấn. Cụ thể là, Vatican sẽ bàn với nhà nước CSVN để giúp "xây dựng đất nước," để "kiến tạo," chứ không phải "đương đầu." Với triết lý căn bản đó, tất nhiên sẽ có nghị trình họp giữa hai phía và sẽ có các chủ đề cụ thể cần bàn như nói trên.

Chỗ này cần nhìn thấy, rằng đó là một lập trường sáng suốt trong cương vị một chính phủ, mà Vatican đang hưởng quy chế một nước thành viên trong Liên Hiệp Quốc cũng như CS Việt Nam, và đồng thời cũng rất sáng suốt trong cương vị một giáo hội hoàn vũ của Giáo Hội Công Giáo VN. Bất cứ đề tài nhạy cảm nào hình như cũng nằm ngoài nghị trình họp. Vatican đã tránh rất nhiều đề tài nhạy cảm, trong khi nói rằng sẵn sàng giúp người bệnh phong cùi và bệnh AIDS, thì không nói gì tới việc giúp dân oan; trong khi nói rằng sẵn sàng giáo dục trẻ em, với "yêu cầu được góp phần vào một cách tích cực xây dựng đất nước, xây dựng dân tộc, xây dựng quê hương, đào tạo những lớp người trẻ, tương lai của đất nước, tương lai của quê hương" mà không hề nói gì tới các cơ chế hay hướng đi, hay bất kỳ lộ trình nhạy cảm nào…

Thực tế nữa, các đòi hỏi "về nhân quyền, về tự do tôn giáo, về lộ trình dân chủ," thì Bộ Ngoại Giao Mỹ đã, đang và vẫn sẽ áp lực liên tục. Tòa Thánh Vatican thấy không cần gì phải cạnh tranh với Bộ Ngoại Giao Mỹ để giành làm các việc đó. Và nếu trong thâm tâm vẫn nghĩ tới nhu cầu đó, thì đó vẫn là mục tiêu đường dài, vì Vatican nhìn thấy khẩn thiết bây giờ là đào tạo nhân sự (bổ khuyết các tòa giám mục, mở các chủng viện) và củng cố đức tin (biến Thánh Địa La Vang thành Trung Tâm Hành Hương), và vân vân. Còn chuyện linh mục Nguyễn Văn Lý, chắc chắn Tòa Thánh Vatican vẫn quan tâm trong cách riêng, và việc này sẽ để cho Tòa Giám Mục Huế lo liệu sau; chưa cần tới đích thân Vatican vinh danh LM Lý bây giờ.

Xây dựng, thực ra đó là một tôn chỉ của bất kỳ tôn giáo nào khi tiếp cận với cuộc đời. Bởi vì, nếu không xây dựng, không lẽ hô hào thánh chiến" Thêm nữa, trong hoàn cảnh chính phủ CSVN đang có vẻ cởi mở hơn, Tòa Thánh Vatican không muốn làm mất đi các cơ hội đối thoại.

Nhất là trong lúc đối thoại đang như dường dễ dàng hơn, khi rất nhiều giáo hội các tôn giáo không còn bị xem là trở lực của chính phủ CSVN. Đại Lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 vừa tổ chức thành công lớn tại Hà Nội với nhiều ngàn chư tôn đức Phật Giáo quốc tế về tham dự, và với lời chúc lành từ Tổng Thư Ký LHQ. Đó là một trong các trận mưa pháp lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, cho dù đã có rất nhiều bất toàn và có rất nhiều bất như ý. Một số vị tôn túc bắt đầu suy nghĩ, và hy vọng rằng sẽ có Đại Lễ Vesak LHQ 2009 cũng tại Việt Nam. Thậm chí cả Vesak 2010, và vân vân. Vì nếu Thái Lan tổ chức 5 năm liền, thì chuyện một năm cũng chưa là kỷ lục.

Tòa Thánh Vatican nhìn thấy hết các diễn biến đó, và như dường tất cả các giáo dân  Công Giáo VN trong và ngoài nước đều hy vọng rằng Công Giáo cũng sẽ có những hoạt động gây tiếng vang lớn, tương tự hoặc lớn hơn, đặc biệt là khi Đức Giáo Hoàng tới thăm Việt Nam, hay là, giả sử như, nếu Đức Giáo Hoàng đưa ra bản tuyên bố công nhận Thánh Địa La Vang tương đương với Lộ Đức hay Fatima... Nếu Châu Âu đã nâng các thánh địa Lộ Đức ở Pháp và thánh địa Fatima ở Tây Ban Nha trở thành trung tâm du lịch qúôc tế, thì thánh địa La Vang cũng có thể chuyển hóa tương tự để thành trung tâm du lịch, nếu chưa phải tầm cỡ quốc tế toàn cầu, thì cũng là nổi bật riêng tại Châu Á.

Tuần sau, hai nhà nước Mỹ-CSVN sẽ họp bàn về nhân quyền. Tất nhiên là Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ nêu nhiều vấn đề, đòi hỏi nhiều cởi mở về nhân quyền, về tôn giáo, về lộ trình dân chủ, về tự do báo chí, và vân vân.

Tòa Thánh Vatican không bận tâm như thế, và thấy không cần bắt chước Bộ Ngoại Giao Mỹ để lập lại các đòi hỏi đó. Vatican nhìn xa hơn. Chế độ CSVN tất nhiên rồi sẽ thay đổi, hoặc 5 năm tới, hoặc 10 năm tới… Nhưng lộ trình giáo dục của một tôn giáo thì lâu xa hơn. Không chỉ lo cho một đời này, mà còn lo cho cả đời sau. Không chỉ lo cho một thế kỷ trong đời người, mà còn lo cho cả thiên niên kỷ của tòa thánh.

Tòa Thánh Vatican có bất đồng với Hà Nội vì bang giao còn chậm, nhưng cũng không nóng lòng để đi vận động quốc tế nơi khác, mà chỉ nói dịu dàng, như trong bài phỏng vấn trên, trích, "…Nhưng mà, Giáo Hội muốn làm hơn nữa, phục vụ hơn nữa nhưng mà chưa được, thì chúng ta cầu mong lần lần những người có trách nhiệm thấy rằng là Giáo Hội mong muốn phục vụ và sự phục vụ đó không phải cho Giáo Hội nhưng mà cho đất nước, cho dân tộc."

Những lời đó không chỉ là một triết lý trừu tượng, hay chỉ là chính sách ngoại giao của Vatican, mà chắc chắn còn là ước mơ chung của giáo dân.

Nhưng ở một mặt khác, nhu lực với cương lực không kình chống nhau: chính nhờ linh mục Nguyễn Văn Lý liều thân bước ra để kêu gọi công lý, mà các đòi hỏi của Vatican đã dễ dàng tìm đối thoaị hơn; chính nhờ áp lực  đều đặn từ Bộ Ngoaị Giao Mỹ, Vatican mới xuất hiện với CSVN như là kẻ nói chuyện dịu dàng hơn.

Mặt khác, vẫn còn các cơ may cho lịch sử tăng tốc. Khi thế hệ các ông trùm quyền lực như Lê Đức Anh, Đỗ Mười tắt thở vài năm tới, có thể sẽ có một Gorbachev xuất hiện tại Việt Nam, và cũng có thể một cuộc cách mạng nhung sẽ đột khởi từ hợp lực của các khối dân oan, các nhà hoạt động dân chủ, các nhà báo tự do và cả từ những người cộng sản cấp tiến.  Như thế, các bước nhảy dân chủ của dân tộc sẽ rất là thần tốc; lúc đó Vatican sẽ mở hồ sơ linh mục Nguyễn Văn Lý ra và sẽ vinh danh trong một cách riêng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.