Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen (tiếp theo...)

16/04/200800:00:00(Xem: 2742)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Tiếng cửa sổ nhỏ đóng lại. Rồi, một lát sau tên Dư vào, mở cửa số 4, tuyên bố kỷ luật một tuần. Thấy sự như vậy, tôi đâm ra có ác cảm với cô y tá mới này. Tôi chẳng thèm xin thuốc men hay cơm nát nữa. Tôi đoán, chắc cô này, được vào làm y tá trong Hỏa Lò, phải là thứ “đít đỏ như máu”. Không những gia đình, mà ngay cả bản thân cô cũng phải là thành phần cách mạng cuồng tín. Cô ít ra phải là một đoàn viên thanh niên Cộng Sản cuồng say, ưu tú!
Sau đó, hơn một tuần, một hôm, tôi đang tập thể dục chạy tại chỗ, bỗng cửa sổ con xoạch mở. Tôi ngừng chạy, nhìn ra: một đôi mắt rất trong đang nhìn tôi. Phảng phất dáng dấp, tôi đoán ngay là cô Vân. Chắc cô này đang đi rình mò, nghe tiếng thình thịch trong buồng nên mở cửa con xem là chuyện gì. Nghĩ thế, tôi không chạy nữa, xem cô này có thái độ sao đây! Cô im lặng, trân trân nhìn một lúc, và chắc là hiểu tôi đang tập chạy thể dục, cửa con đóng lại. Tôi cũng hơi bâng khuâng. Cô này, bộ mặt trông cũng được đấy chứ, nhất là nước da rất trắng và đôi mắt, như nước giếng trong của đình làng. Cái mặt như vậy, sao lại dữ thế!
Thế rồi, bẵng đi đến hơn mười ngày sau, một hôm đang quét sân, tôi chợt nhìn thấy ở kẽ cánh cổng có một mẩu thuốc lá. Liếc vội vàng phía trong, tên Dư đang lúi húi viết, tôi nhặt lẹ mẩu thuốc, nhét vào cạp quần. Tôi thấy lòng vui hẳn lên. Tí nữa vào buồng, tôi sẽ có một hơi thuốc say đê mê.
Chiếc điếu, từ ngày hút với anh Đà tới bây giờ, để mốc meo. Dạo sau này, có dịp ra sân, năm thì mười họa gặp tên cán bộ nào hút thuốc ném mẩu tàn lại, hôm đó, tôi mới lại có một bữa say. Hôm nay cũng vậy, tôi lại được chơi vơi với… tình: “Tình thà coi như khói thuốc say” mà lại! Đầu óc tôi đang xoay quanh với mẩu thuốc dắt ở cạp quần, bỗng có tiếng động ở cổng xà lim. Tôi quay lại, vừa đúng lúc thấy hai con mắt thật trong mở to nhìn tôi. Tôi hơi ngượng, cúi xuống quét tiếp. Một dáng đi rất mềm, ngang qua tôi, vào chỗ bàn trực tên Dư đang ngồi. Một mùi hương rất lạ, chưa bao giờ tôi ngửi thấy, làm mát cả một khoảng sân xà lim. Tôi thoáng nhìn theo hai lọn tóc, gióc thành hai chiếc đuôi sam, mỗi đầu buộc bằng một sợi len đỏ. Tôi cứ cắm cúi quét mãi, tới khi bóng đó trở ra. Tôi lại thấy cái mùi hương lạ lùng lúc nãy. Tôi vẫn cúi, tay đưa dài mái chổi. Tôi cảm thấy mất hẳn tự nhiên. Và… dường như có một cái gì đó thoang thoảng, mơ hồ len lén vào lòng tôi.
Mỗi lần ra lấy cơm, nhìn suất cơm nát, tôi thấy mình bị quyến rũ quá rồi. Nhưng tôi cứ rụt rè, mãi đến hàng chục ngày sau, tôi vẫn chưa dám báo cáo để …xin ăn. Nếu được ăn cơm nát, có thể tôi khỏi phải mỗi tuần hai lần nhịn buổi sáng, để dành ăn vào buổi chiều như bây giờ. Suất cơm nát với tôi lúc này, thật là lý tưởng. Điều làm cho tôi phải rụt rè như vậy, chỉ vì y tá là một cô gái; lại là một người mà lúc đầu tôi đã có ác cảm. Bây giờ, tôi cũng chưa biết tính ra sao.Tôi chỉ sợ bị hạch hỏi, rồi bị từ chối, ngượng chết.
Lại nghĩ đến nguyên tắc sống: không đòi, nhiều khi không có cái gì cả. Thế là buổi sáng hôm đó, sau khi ra đổ bô xong, lúc quay vào, tôi nhăn nhó mặt, nói với tên Dư:
- Thưa ông, từ ít lâu nay, tôi cứ ăn cơm vào là lại đau bụng. Đêm ngủ, cứ bị ợ chua. Hiện giờ, tôi thấy đau bụng lắm. Xin ông báo dùm y tá, cho tôi xin thuốc!
Tên Dư mở to mắt nhìn tôi, như lạ lùng, như thăm hỏi. bởi vì từ khi lão trực xà lim I đến bây giờ, lão chưa hề thấy tôi xin thuốc đau ốm lần nào.
Quả là tên Dư đã quan tâm đến tôi. Với các buồng khác, trừ trường hợp cấp cứu đặc biệt, chứ kiểu bệnh như tôi vừa báo cáo, phải tới hôm sau, hoặc hôm sau nữa, nếu không tiện dịp. Chỉ một lúc sau, y tá đã đến xà lim. Dư vào mở cửa buồng tôi, rồi nói:
- Anh ra cho cô Vân xem bệnh!
Ra tới ngoài, tôi thấy cô Vân ngồi ở chỗ bàn trực của tên Dư. Trước bàn vẫn có cái ghế đẩu mọi khi, tôi ngồi vào, trong khi đó tên Dư đi đi, lại lại ngoài sân.
- Anh ốm ra sao"
Giọng nói khác thường, thật êm dịu nhẹ nhàng. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt trong, trả lời:
- Tôi cứ bị ợ chua, ăn cơm vào là đau.
Tôi kêu đau bụng, cô lại bảo đưa tay cho cô xem. Cô bắt mạch tay tôi, cả hai tay; rồi lại bảo tôi kéo tay áo lên, cô xoa xoa, nắn nắn đến tận khuỷu tay. Cô không nói gì, tôi cũng im lặng. Mãi một lúc, tôi phải lên tiếng trước:
- Thưa, tôi đề nghị xin ăn cơm nát!
Cô nhìn tôi đăm đăm, cuối cùng, nói nhè nhẹ:
- Anh đi vào đi!
Tôi cũng chẳng hiểu, cô có bằng lòng cho tôi ăn cơm nát hay không" Bữa sáng hôm ấy vẫn cơm thường. Nhưng, tới buổi chiều, trên chõng cơm đã thấy có hai suất cơm nát!
Thế là tôi đã đạt được mục đích. Nhớ lại thái độ của cô Vân những ngày đầu mới biết, tôi không nghĩ là cô lại chấp thuận dễ dàng như vậy. Không hiểu sao, từ khi ăn suất cơm nát, hàng ngày tôi ít đói hẳn đi. Tôi hiểu, tiêu chuẩn gạo thì vẫn thế thôi; nhưng tại sao lại có hiện tượng lạ vậy" Tôi đã nghiền ngẫm phân tích kỹ, dứt khoát không phải do tâm lý khi thấy bát cơm đầy. Cơm nát, thậm chí có khi rất khô giống như cơm thường nấu dẻo vậy, thế mà số lượng lại gấp rưỡi suất cơm thường.
Như thế, chỉ có thể, vì đói thiếu, nên những anh nhà bếp đã giấu, cất bớt cơm khô, lỗ hà, lỗ hỗng, đêm đêm lấy ra ăn với nhau. Còn cơm nát, chỉ nấu cho cả trại, 5, 10 người ăn, nên không ai “chấm mút” làm chi. Ngoài ra, ăn cơm nát nhão nhoẹt, lạt và chán nhà bếp ai thèm ăn, nên cơm không bị hao hụt chút nào. Phần khác, cũng có thể nhà bếp ngại thổi riêng một nồi, nên cho cả vào nấu với chảo cơm thường. Sau đó, họ tìm chỗ nào cơm nhão, ướt nhất là họ xúc cân. Cơm thường 3 lạng thì cơm “dạ dầy” phải 4 lạng rưỡi… Nói chung, chả biết làm sao, nhưng rõ ràng ăn cơm nát, thật là tôi vớ… bở! Thế mà, gần 5 năm tôi mới phát hiện ra. Thế là từ đấy tôi cứ ăn cơm nát đều, mà chả phải uống thuốc đau dạ dầy gì cả.
Bẩy mươi mốt: "Tình riêng chỉ có chút này mà thôi!"
Một buổi trưa, tôi đang ngồi mân mê cái điếu, óc đang miên man nghĩ ngợi, đấu tranh tư tưởng với… một nửa mẫu thuốc lá, chưa quyết định dứt khoát là sẽ “hưởng” bây giờ hay là để tối nay; bỗng cửa sổ con nhẹ mở. Tôi nhìn ra, trong ánh sáng mờ mờ, chỗ trắng, chỗ đen, thấy một chiếc mũi xinh xinh dưới hai đốm sáng long lanh trong như pha lê. Rồi hai đầu ngón tay nho nhỏ thò qua khung cửa sổ như tì, như vịn; hai đầu ngón tay nổi rõ mầu ngà giữa hai chiếc song sắt mầu xanh xám. Tôi cũng hơi bâng khuâng hồi hộp, cứ ngồi đờ ra nhìn. Tôi không biết cô Vân vào từ bao giờ. Cô mở cửa sổ buồng tôi không một tiếng động.
Bốn mắt nhìn nhau một lúc, rồi giọng cô êm êm như gió mộng chiều Xuân:
- Anh hút thuốc lào à"
Tôi vừa gật nhẹ đầu vừa nói:
- Hút, nhưng không có thuốc!
- Anh đừng hút nữa!
Chao ôi, giọng nói như tha thiết thân quen, làm mát rượi trái tim đã khô cằn nhựa sống. Thế ra, trên cõi đời này, vẫn còn có người quan tâm đến tấm thân tàn bất hạnh của mình ư" Tôi nhìn hai đốm sáng trong một lúc, rồi như nói một mình:
- Ở xà lim buồn quá! Hút cho đỡ buồn thôi. Nhưng cũng không có thuốc!
Một ngón tay nhỏ như cái ngó sen thò vào trong, ngúc ngắc, ra hiệu:
- Anh đưa cái điếu cho tôi xem!
Như một phản xạ tự nhiên, tôi cầm cái điếu áp vào bụng, sợ rằng cô này sẽ tịch thu cái điếu của mình. Nhưng nhìn ánh mắt của cô dịu êm như những áng tơ trời ve vuốt, tôi từ từ đưa chiếc điếu ra. Hai ngón tay trắng ngần thò vào cặp lấy cái điếu, kéo ra ngoài song cửa.
Cô mân mê, ngắm nghía cái điếu làm bằng 3 chiếc bao diêm, nối với nhau và được dán kín lại bằng giấy. Tôi đã rút những sợi vải và vò vò thành một búi như bông gòn đặt vào mỗi ngăn, để cản bớt bụi khói, đỡ hại phổi. Từ ruột bao này thông tới ruột bao kia đều có lỗ. Tôi giùi những lỗ này bằng cách, vo cuộn một cái giẻ lại, đánh diêm đốt, rồi vừa dí vừa thổi vào chỗ nào mình định giùi.
Cô nhìn cái điếu một lúc, rồi ghé sát miệng vào cửa sổ nói nho nhỏ:
- Anh đừng hút thuốc lào nữa. Hút thuốc lá đi!
Tôi vừa lắc đầu, vừa nhìn chăm chăm vào hai vành môi của cô. Tôi thầm nghĩ, phải thừa nhận các nhà văn đã tả và ví đôi môi của một cô gái đang độ xuân thì, giống như cánh hoa đào một sớm Xuân, thật là chính xác!
Cô cũng biết tôi đang ngắm môi cô nên mặt cô đỏ dần, mắt cô long lanh như sáng hẳn lên. Xà lim im vắng, chỉ còn hai người. Tôi không hiểu sao mình lại “bạo” thế! Tôi cứ nhìn trân trân vào đôi môi đỏ mọng của người con gái trước mặt, mà thấy người mình như nóng dần lên. Nhưng, chợt một ý tưởng thoáng qua trong óc đã như một gáo nước lạnh, dội vào trái tim đang bốc lửa. Tôi chợt nghĩ đến thân phận hiện tại của mình: một tên tù trọng phạm, một tên tối phản động, một kẻ thù không đội trời chung của “giai cấp công nhân” mà bọn Cộng Sản đã lừa bịp nhận là giai cấp của chúng; tù đầy, gian khổ trước mặt còn dài, chưa biết sống chết thế nào. Trong khi đó, người con gái đứng trước mặt tôi đây, cô y tá này đã được sinh ra và lớn lên trong một chế độ Cộng Sản, được đảng của chúng giáo dục và uốn nắn; nhất là được đưa vào đây, một nơi hàng ngày tiếp xúc với đầy dẫy những phần tử “phản cách mạng”; vậy, cô ta phải là người được đảng tin cậy lắm, đã trải qua bao nhiêu thử thách của đàng, mới được vào làm việc trong Hỏa Lò. Có thể, biết đâu, cô ta lại chẳng là công an" Có lần, tôi đã thấy cô mặc bộ đồ vàng của công an! Hơn nữa, cô lại không phải là xấu, ở trong một môi trường mà chung quanh ngoài hàng nghìn tù nhân ra, còn hàng trăm công an vũ trang và cán bộ. Cô như một con chim họa mi độc nhất, nhởn nhơ bay lượn trước hàng nghìn cặp mắt đắm đuối ngất ngây chiêm ngưỡng. Như thế, về phía cô, khi nào cô lại chú ý đến một tên tù như tôi! Còn tôi, tôi cũng có lòng tự trọng, tôi không thể thích cô được: cô là người của bên phía…kẻ thù.


Tôi không thể mơ hồ nữa! Hai trận tuyến, hai đường đi riêng biệt, mỗi phía đều có những hàng rào kiên cố riêng của nhau. Sau những nỗi niềm ngang trái đó, tôi lạnh lùng lên tiếng:
- Cô cho tôi xin lại cái điếu!
Thái độ của tôi thay đổi đột ngột, khiến cô hơi ngỡ ngàng. Mắt mở to nhìn tôi, tay cô nâng chiếc điếu lên cửa sổ rồi đưa vào. Tôi đưa tay cầm lấy chiếc điếu, không dám kéo mạnh vào, trong khi cô cũng chưa buông hẳn ra. Hai bên cứ cầm như vậy một lúc như giằng co, như ngập ngừng, bốn mắt nhìn nhau không nói một lời. Vừa lúc ấy, có tiếng động nhẹ ở ngoài sân, cô buông chiếc điếu và khẽ đóng cửa sổ lại.
Sáng hôm sau, khoảng 10 giờ, các buồng còn đang ra đổ bô, cô Vân đã vào cho thuốc một số buồng báo cáo xin hôm trước. Vì đã có những ý nghĩ như hôm qua, nên tôi chẳng muốn gặp cô để xin thuốc nữa. Tôi vẫn cắm cúi đi bách bộ trong buồng, chờ giờ ăn cơm, mặc cho các buồng cứ râm ran xin thuốc, xin ăn cháo… Mãi một lúc, yên ắng, tôi tưởng cô y tá đã đi rồi, nhưng lại thoáng nghe có tiếng nói chuyện ở ngoài bàn trực. Tôi lắng tai. Giọng cô Vân, vậy là cô vẫn còn đấy.
Tôi đang sốt ruột. Nhà bếp đã đưa cơm lên rồi, sao mãi vẫn chưa thấy tên Dư mở cửa cho các buồng ra lấy cơm" Có tiếng dép lẹp xẹp đi vào. Đột nhiên, cửa buồng tôi mở. Tôi ngỡ ngàng và hơi băn khoăn, không hiểu tên Dư lại mở buồng tôi làm gì. Nếu cho lấy cơm, y phải mở dần từ các buồng đầu, có đâu lại vào mở buồng tôi ở giữa trước" Tôi đứng yên ngập ngừng nhìn y như muốn hỏi, y nói:
- Anh ra ngoài gặp cô Vân!
Như mọi lần, y vẫn nói bằng giọng nhỏ nhẹ, đủ nghe, nên tôi tưởng mình nghe lầm, chỉ khẽ “dạ” một tiếng như mọi khi, sau khi cán bộ nói, những vẫn đứng yên. Y phải nói lại lần nữa, tôi mới ăn chắc, thong thả đi ra ngoài bàn trực.
Không hiểu sao, gặp ánh mắt cô Vân nhìn, tôi phải cúi xuống nhìn đi chỗ khác. Ánh mắt như có điện! Tôi quay nhìn chỗ khác mà như chả nhìn thấy cái gì. Tên Dư cũng đã ra theo, đang đứng phía sau lưng tôi. Cô Vân mở một gói giấy trên bàn, vừa nói chậm rãi:
- Thấy cơ thể anh bị suy nhược, tôi đã làm phiếu đề nghị để anh được tiêu chuẩn bồi dưỡng một tuần. Mỗi ngày hai hào, như vậy anh được một đồng tư. Tôi đã nói với bác Dư ở đây, thông cảm với đề nghị của anh. Tôi mua cho anh một gói thuốc lá “Trường Sơn” với một bao diêm, còn bao nhiêu, tôi mua kẹo và bánh ngọt cho anh.
Nghe cô nói, tôi cảm thấy như tôi đang được trèo lên cây măng cụt đầy quả chín lại Lái Thiêu, Bình Dương ở miền Nam vậy. Tôi vừa lâng lâng ngụp lặn đong đưa trong hương sắc ngọt ngào, của mùi trái chín gọi mời, vừa ngạc nhiên cùng độ: tại sao mình lại được trèo lên cây măng cụt chín ở miền Nam lúc đang ở tù như thế này" Thành ra, tôi như người mất hồn, nửa tỉnh nửa mê, ngơ ngẩn dại cả người ra. Mãi tới lúc tên Dư giục:
- Đem vào buồng, rồi ra lấy cơm luôn!
Như người máy, tôi mới ôm các thứ đi vào. Chẳng còn nhớ tới cả lời cám ơn, chỉ vì lúc ấy hai cánh mũi của tôi như bị hút chặt bởi mùi ngan ngát của thuốc lá, mùi chua chua mằn mặn của những chiếc kẹo chanh. Mùi kẹo này làm nhức ngứa trong đáy mũi, làm tuyến nước miếng như mở toang ra, để nước chảy đầy mồm. Tôi như người không hồn, chạy như con gà trống đuổi mái, ra phía để chõng cơm, với tay múc đại một gáo nước, rồi cầm một bát cơm vào buồng. Chắc hẳn cả tên Dư và cô Vân đều toét miệng cười, khi trông thấy cử chỉ lính quýnh, loáng quáng của tôi.
Bữa cơm hôm nay, không hiểu sao tôi chẳng thấy ngon lành gì cả. Có lẽ tại bao nhiêu tâm tư mình đều để cả vào gói giấy báo, đang nằm cồm cộm một đống cạnh cái cùm kia. Tôi thấy nôn nao không dằn lòng nổi, dù đang ăn dở bát cơm, tôi cũng buông xuống. Rồi, một tay dằn ngửa gói giấy, một tay mở banh ra: thuốc lá, bánh ngọt, kẹo… nằm một đống, tênh hênh. Tôi lại cầm bát cơm lên, vừa ăn vừa nhìn. Hết ngoẹo đầu sang phía bên này ngắm nghía một lúc, lại nghiêng đầu sang phía bên kia. Đã 5 năm rồi, bây giờ mắt tôi mới được nhìn cái kẹo gói ra làm sao. Thì ra mầu nó xanh xanh như vậy đấy. Thế thì, vị của nó như thế nào" Chỉ một chốc nữa thôi, tôi sẽ biết.
Lúc trả bát, cô Vân đã ra về từ lúc nào rồi, tôi cũng chẳng biết. Trả bát xong, cửa buồng đã đóng lại. Tôi súc miệng, rồi trang trọng ngồi xếp chân bằng tròn, cầm bao thuốc lá đưa lên mũi hít hít, lại bỏ xuống. Cầm một chiếc kẹo đưa lên mũi, hít là một lúc, lại tới chiếc bánh ngọt. Nước miếng tôi đã chảy ra đầy cả miệng, nhưng tôi cương quyết chưa ăn. Tôi cứ nghiêng ngó, hết cầm cái này, lại nhặt cái kia. Có ai hiểu được nỗi vui mừng, nỗi hân hoan trong lòng tôi lúc này như thế nào" Tôi có cảm giác tất cả mọi tế bào, mọi bộ phận của cơ thể tôi đều đã như đứng hết cả dậy, từng đôi một, đang dìu nhau nhún nhẩy trong một khúc nhạc được mùa. Tôi thông cảm với chúng.
Mới nhẹ bóc cái kẹo ra, tôi đã nghe cuống họng mình vang lên những tiếng kêu, như tiếng suối róc rách chảy lưng đồi. Nhìn viên kẹo xanh xanh óng lên như viên bích ngọc, tôi khẽ đặt mấy đầu ngón tay run rẩy của mình lên viên ngọc lưu ly ấy. Nhẹ nhàng cầm viên ngọc lên, tôi tưởng như làn da của ngón tay mình đang nếm trước được vị ngọt ngào, thơm đến suội người ra đó. Cầm viên kẹo để chạm nhẹ vào môi, tôi dừng lại một chút, cố tưởng tượng xem cái vị ngọt của kẹo nó như thế nào, trước khi cho vào miệng. Tôi không thể tưởng tượng được! Mới có 5 năm mà tôi đã quên tiệt. Năm năm này, tôi không được nếm một tí đường lần nào. Không tưởng tượng lại được vị ngọt thì bây giờ ta cho mi biết! Tôi bỏ chiếc kẹo vào mồm nghe đến “xèo” một cái, tưởng như cho con cá vào chảo mỡ nóng đang sôi. Tôi đổ vật nằm ngửa xuống sàn, mắt nhắm lại, lịm người đi. Trong mồm, lưỡi tôi cứ đẩy vào cái kẹo rồi lại rụt ra, xong lại đẩy vào, như người nhạc sĩ búng thử dây đàn. Trong cuống họng tôi hình như có trăm nghìn cái miệng bé tí đều há hốc ra, chờ giòng nước ngọt ấy chảy vào.
Chao ôi! Sao cái kẹo lại ngọt và thơm đến như thế, hỡi cuộc đời" Tôi xin đại diện loài người cảm tạ ông trời, ngài đã thương yêu loài người quá thế! Ai muốn nói thế nào thì nói, chứ tôi cứ xin trang trọng tuyên bố: tôi rất sung sướng và tự hào làm người. Nếu có kiếp sau, tôi xin “đăng ký một kiếp nữa, chứ chả như cụ Nguyễn Công Trứ xin làm… cây thông: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”… đâu!
Hết cái kẹo, tôi ăn một cái bánh ngọt, rồi hút một điếu thuốc lá. Người tôi cứ dật dờ, như chiếc thuyền con trong một chiều lộng gió, ngoài cửa sông.
Mãi đến lúc này, tôi mới nhớ tới… cô Vân. Mà lạ thật, tôi có đề nghị cô cho tôi bồi dưỡng, bồi diếc, hay mua cái này, cái kia cho tôi đâu"! Điều này là hoàn toàn do… cô. Vậy mà khi nãy, cô lại nói trước mặt tên Dư: “theo anh đề nghị…” Chính cái điều này, cái điều tại sao cô lại phải “không” thẳng thắn như vậy, phải chăng"..., hay là…" Nếu như thế… thì thực là khó hiểu!
Buổi trưa hôm đó, tôi đang nằm lim dim cặp mắt để mặc cho thân xác nổi trôi với thuyền, với nước, thoáng nghe có tiếng động khẽ ở cửa. Tôi mở mắt ra nhìn, rồi vội vàng bò nhỏm dậy, đi ra sát cửa sổ con. Cô Vân đang đứng đấy, không nói một lời, mắt nhìn tôi đăm đăm. Vẫn hai ngón tay trắng muốt vịn vào trong song cửa, hờ hững. Tôi nhìn hai mắt cô, rồi nhìn hai ngón tay của cô để trên mép dưới cửa sổ. Xà lim vắng lặng lạ thường. Hai mặt gần nhau đến độ, tôi ngửi được cả hơi thở của cô. Tôi nhìn thấy rõ những sợi lông tơ, ở trên mép của cô. Vài sợi tóc buông lơi, theo từng cơn gió nhẹ đẩy đưa, vật vờ quấn vào những chấn song cửa sổ. Môi cô mấp máy như nói điều gì đó, nhưng tôi không nghe thấy tiếng.
Trong cái giây phút ngàn đời, tay tôi như muốn đưa lên đặt vào hai ngón tay trắng muốt ấy, chỉ cách mặt tôi chừng 7, 8 phân. Tôi đã cố gắng mấy lần, nhưng sao tay tôi như cứng ngắc, nặng như cánh tay sắt. Tôi không làm sao có thể nhắc tay lên được theo ý mình muốn.
Một tiếng nói như ở đâu, rất xa:
- Anh đã hút thuốc chưa"
Tôi bàng hoàng, ngập ngừng, nói mà không suy nghĩ:
- Trong xà lim buồn, tôi thích hút thuốc lào hơn.
- Anh đừng hút thuốc lào nữa!
Tôi ngúc ngắc như ý mình vẫn giữ, nhưng không nói ra lời. Nhìn chiếc túi áo sơ mi của cô cứ động đậy, gồ lên, thụt xuống, hồn tôi như bay đâu mất.
Chỉ nói được mấy câu, rồi hai người lại đứng yên, chả biết nói gì. Một lúc, tự nhiên cô nói trống không:
- Bây giờ phải xuống chợ Hôm!
Tôi muốn hỏi: “xuống chợ Hôm làm gì"”, nhưng chưa dám, cô đã gật gật cái đầu như chào, hai mắt cô chớp chớp lia lịa, tay cài cửa sổ nhỏ lại. Cô đóng cửa sổ xong, đi ra rồi, tôi vẫn còn đứng ngây như người gỗ.
Bao nhiêu câu hỏi, thắc mắc trong đầu chưa được trả lời. Có phải cô có cảm tình với tôi chăng" Tôi chưa thể kết luận được, phải chờ xem đã. Tôi quay vào, lấy một điếu thuốc nữa ra hút, để nghe: Tiếng đời xua động! Để cho: Võng lòng đu đua!
Bẩy mươi hai: Người bạn tù ..."Lôi Hổ"
Chiều hôm đó, sau khi cơm nước, trả bát xong, trời đang nắng tự nhiên tối xầm lại. Mới 4 giờ chiều mà tưởng như trời sắp tối. Có những tiếng ầm ầm, ì ì như cối xay lúa ở xa xa, càng lúc càng rõ dần. Bây giờ như có mấy xe lửa đang chạy trên trời, suốt từ Đông sang Tây, rồi từ Nam lên Bắc. Trời đang chuẩn bị mưa lớn.
Bỗng một làn chớp xanh lè, rồi một tiếng nổ xé tai làm rung chuyển cả Hỏa Lò. Trên mái, đã nghe thấy những tiếng lộp độp của những hạt mưa thưa. Càng lúc, tiếng lộp độp cành mau hơn. Thỉnh thoảng vẫn có những làn chớp lóa mắt, kèm theo những tiếng nổ lúc xa, lúc gần. Bỗng, tôi chợt nghe lẫn trong mưa gió tiếng gì… đầu tiên như tiếng sáo diều, rồi mỗi lúc một to dần, để cuối cùng thành tiếng… còi hụ báo động!
Tôi như choàng tỉnh khỏi một cơn mơ, khi những tiếng nổ rền như bắp rang của súng đạn: những tiếng “pọp, pọp, pọp…” của trung pháo, tiếng “cùng, cùng, cùng…” của đại liên, tiếng “ùng ục, ùng ục…” của đại pháo… Tiếng trung pháo nghe ngọt nhất. Lúc đầu, tôi còn phân biệt rõ được từng loại pháo; nhưng sau thì lộn tùng phèo! Tiếng sấm, tiếng sét, tiếng bom, tiếng súng, tiếng tên lửa, tiếng mưa rơi… rối rít tít mù! Tôi chả còn biết đường nào mà rờ nữa. Tôi đứng thẳng lên trên sàn, dựa vào cửa sổ lớn nhìn ra sân xà lim, vừa nhìn mưa rơi, vừa nghe súng nổ.
Thế này là, các anh phi công đã lợi dụng những đám mây đen, lợi dụng trời mưa gió, sấm chớp để vào Hà Nội. Phải nói, trận này các anh đánh thật đẹp. Nhưng, như tôi đã trình bầy, các anh đánh để có công tác vậy thôi, chứ các anh có đánh gấp đôi như vậy, cũng đừng hòng Cộng Sản thay đổi thái độ, hoặc theo ý các anh. Đánh miền Bắc! Không sử dụng quân bộ thì không có cách thứ hai để giải quyết đâu!
Sau gần một tiếng đồng hồ, trận không tập mới dứt. Cùng lúc đó, trận mưa của đất trời cũng tạnh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.