Hôm nay,  

Lá Phiếu Từ Trời

26/10/200400:00:00(Xem: 5444)
Ai có thể trả lời câu hỏi: Thiên Chúa, hay Thượng Đế, hay Ông Trời, hay Đấng Tạo Hóa... sẽ bỏ phiếu cho ai" Bush hay Kerry"

Câu trả lời thật là thiên nan vạn nan, và có thể gọi là bế tắc. Bởi vì những câu hỏi tương tự trước giờ cũng được nêu ra, nhưng không ai thật sự biết Ý Ngài ra sao. Cứ nhìn xem những trận đánh trên Iraq hiện nay, từ những loạn quân tay cầm Kinh Koran, cầu nguyện trước màn hình video trước giờ cảm tử... cho tới gần đây nhất là hình ảnh tiểu đoàn biệt động Black Watch của Anh Quốc, làm thánh lễ ngoài trời trước giờ xuất quân về gần Baghdad để giúp quân Mỹ... Đó là những hình ảnh của lòng tin thật sự, vào một Đấng Tạo Hóa, một Cha Lành, nhưng đứng ở hai trận tuyến khác nhau. Thiên Chúa sẽ bênh vực ai" Bênh vực loạn quân, hay bênh vực quân chiếm đóng" Không ai rõ. Chỉ biết rằng, càû hai bên chiến tuyến cùng cầu nguyện “xin cho Ý Cha được nên.”

Nhưng với Bush và Kerry thì một đại diện Thiên Chúa đã từ chối trả lời thẳng: Tòa Thánh Vatican hôm thứ hai đã phổ biến bản cẩm nang dày 524 trang, mục đích chính là “để có thể giúp các lãnh tụ văn hóa, chính trị và kinh doanh,” nhưng lại kết án cả những lập trường của Bush và Kerry.

Đánh phủ đầu “không chứng cớ rõ ràng” cũng sai, hệt như hành động ủng hộ phá thai. Nghĩa là cả Bush và Kerry cùng bị Tòa Thánh tấn công, một cách hiểu như thế.

Tất nhiên, Tòa Thánh minh định rằng không hề muốn dính gì tới chuyện hướng dẫn giáo dân bỏ phiếu. Điều này dễ hiểu. Bởi vì nói ủng hộ ai thì Tòa Thánh cũng kẹt. Trong khi đa số các mục sư đã đứng về với Bush, thì đứng về với Kerry chỉ mở ra thêm một cuộc thánh chiến vô ích. Theo ông cố vấn Karl Rove của Bush, kế hoạch năm nay của Cộng Hòa là sẽ lôi kéo càng đông càng tốt khối 4 triệu người siêng đi nhà thờ mà không chịu đi bầu năm 2000. Theo Rove, tỉ lệ siêng đi nhà thờ có 75% khuynh hướng bầu cho Cộng Hòa; nghĩa là nếu năm 2000 mà tín hữu chịu đi bỏ phiếu thì không thể có chuyện kiện tụng ra tòa đếm phiếu như ở Florida.

Mà Tòa Thánh thì hiển nhiên không thể bênh ai chính thức hết, vì đã chính thức ngăn cản cuộc chiến Iraq ngay từ đầu thì không lẽ gì lại bầu cho Bush.

Phải thấy, tình hình Iraq là một quan tâm lớn của Tòa Thánh Vatican. Trước cuộc chiến, các lãnh tụ Công Giáo Iraq đã bay sang La Mã để xin Đức Giáo Hoàng ngăn cản bàn tay ông Bush. Nhưng ai cũng thấy, lúc đó, có Đức Chúa Trời bay xuống cũng không cản nổi ông Bush. Dù vậy, khi chuyện lỡ rồi, Iraq tuy là một cuộc chiến sai lầm, nhưng cũng đưa tới hứa hẹn về một số mặt tích cực, bên cạnh dân chủ hóa thì trong đó có một khía cạnh là giải phóng được những ràng buộc văn hóa, xã hội, kể cả giải phóng phụ nữ, và hy vọng sẽ cho giáo dân Công Giáo một tiếng nói mạnh hơn trong thể chế tương lai...

Nhưng bây giờ thì tương lai vẫn còn đầy bất trắc, và chính ông Bush tuần trước cũng nói với phóng viên AP rằng ông sẽ chấp nhận một nước Cộng Hòa Iraq Hồi Giáo, nếu kết quả cuộc bỏ phiếu của dân Iraq muốn như thế.

Hiện thời ít nhất 40,000 giáo dân Công Giáo Iraq đã trốn qua Syria và Jordan, để khỏi bị dân Hồi giáo cực đoan quấy nhiễu. Mới đây, 5 nhà thờ Công Giáo bị nổ bom tan tành, một vết thương kể như cực kỳ lớn, bởi vì Công Giáo Iraq hầu hết thuộc truyền thống Chaldean, một giáo hội rất cổ với nghi thức khác hơn Công Giáo La Mã, và một số ít nữa là Công Giáo Syriac, Công Giáo Armenia... Trong cuộc chiến đầy khói lửa này, không biết Thượng Đế sẽ đứng về bên nào" Trả lời không nổi câu hỏi này, nên ngày càng đông giáo dân Công Giáo Iraq tìm đường ra nước khác cho an toàn.

Nhưng có thật Thượng Đế năm 2004 sẽ đứng về Cộng Hòa" Chính vì không hoàn toàn tin như thế, nên John Kerry đang hy vọng chiêu dụ bớt lá phiếu giáo dân. Chiến lược là, chủ yếu là “thuyết phục cử tri chưa quyết định -- đặc biệt những người cởi mở về tôn giáo tại các tiểu bang nghiêng ngửa -- rằng chính Kerry mới đáp ứng cho các quan tâm sâu nhất của họ, nên mới nói thường xuyên về tôn giáo.” Đó là phân tích của báo nhà thờ The Christian Science Monitor hôm 26-10-2004.

Các bản thăm dò trước giờ vẫn cho thấy hầu hết dân Mỹ muốn Tổng Thống phải là người có đức tin tôn giáo, và “họ nhìn thấy đảng Cộng Hòa thường mộ đạo hơn.” Thế nên, Kerry muốn đảo ngược thành kiến này thì cực kỳ là khó.

Nhưng cũng có nhiều dấu hiệu cho Kerry hy vọng, đối với các lá phiếu gửi xuống từ Thiên Chúa.
Các bản thăm dò mới đây cho thấy Kerry đang nhích điểm lên. Theo cơ quan Pew Research Center, các cử tri Công Giáo da trắng, những người vẫn liên tục ủng hộ Bush trong tháng qua, bây giờ nghiêng về Kerry với tỉ lệ 50 đối 43% -- mặt khác để tính, Công Giáo gốc Mỹ Latin thì đại đa số theo Dân Chủ.
Còn riêng trong cộng đồng Hồi Giáo, các tổ chức lớn từng ủng hộ Bush năm 2000 thì tuần trước đã dồn sức ủng hộ về Kerry. Bản thăm dò Zogby mới nhất cho thấy 76% dân Hồi Giáo ủng hộ Kerry.

Nhìn thăm dò như thế, không có nghĩa là Thiên Chúa đang lạnh nhạt với Bush, dưới mắt người dân thường. Mark Silk, viện trưởng Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo Trong Đời Sống Công Cộng ở đại học nhà thờ Trinity College tại Hartford, Conn., nói rằng ai cũng thấy rằng TT Bush gắn bó với đức tin hơn, “Căn cước tổng thống [Bush] đã quấn chặt vào với tôn giáo... Tôn giáo cũng pha trộn vào chính sách đối ngoại của Bush. Tự do là ‘qùa tặng của Thượng Đế’, Bush đã nói thế...”

Cho nên các cố vấn Dân Chủ gần đây mới hối thúc Kerry xin phiếu nhà thờ. John Podesta, cựu chánh văn phòng Bạch Ốc của TT Clinton, từ tháng 7 đã trả lời phỏng vấn báo chí rằng, “Kerry cần nói từ 1 căn bản đạo đức sâu thẳm từ đó mà ông ta đưa ra các lựa chọn chính sách.”

Thế cho nên, hôm chủ nhật, Kerry lớn tiếng rằng, “Cuộc vận động này nhiều hơn là chuyện các chính sách; nó là về các lý tưởng,” và rồi Kerry thảo luận về các giá trị dựa trên Kinh Thánh như là cội rễ chính trị của ông. Cần nhắc, trong cuộc tranh luận lần thứ ba với Bush, chính Kerry dẫn ra bản Kinh Thánh James về “đức tin cần hành động,” và về Người Samaritan Thiện Lành khi nói về chăm sóc y tế và nghèo khó.

Liên tục nhiều buổi chủ nhật mới đây, Kerry xuất hiện tại các nhà thờ da đen, đứng bên các mục sư lãnh tụ da đen như Jesse Jackson, Al Sharpton, vân vân... Nhưng như thế hình như vẫn chưa đủ. Và rồi hôm thứ hai, Tòa Thánh Vatican mới đưa ra lá phiếu từ trời xuống, rằng thay mặt Thiên Chúa, thì cả Bush và Kerry đều đáng tội cả. Điều này có biến đổi kết quả bầu cử Hoa Kỳ không thì hiển nhiên là chưa ai đo lường nổi. Ngẩng mặt lên trời mà hỏi, thì Ý Cha vẫn chưa tỏ tường. Phải chờ sau ngày 2-11-2004 vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.