Hôm nay,  

Đối Đầu Vịnh Ba Tư

10/01/200800:00:00(Xem: 7224)

Vụ 5 chiếc ca-nô chạy nhanh của Iran khiêu khích hăm dọa 3 chiến hạm Mỹ ở eo biển Hormuz cửa vào vịnh Ba Tư có nhiều điểm kỳ lạ. Vụ này xẩy ra hôm chủ nhật, báo chí loan tin hôm thứ hai. Bộ Quốc phòng Mỹ tố cáo 5 chiếc ca-nô võ trang Iran khi lượn gần chiến hạm Mỹ đã dùng radio hăm dọa: "Ta đang chạy đến ngươi...chỉ vài phút sau ngươi sẽ nổ". Iran cải chính, nói đó chỉ là một sự gặp gỡ thông thường của các tầu biển hai bên. Tổng Thống Bush cảnh cáo: "Chúng tôi bảo Iran cần phải kiềm chế các hành động khiêu khích như vậy có thể đưa đến một biến cố nguy hiểm trong tương lai". Một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết các chiến hạm Mỹ đã chuẩn bị tấn công vì thấy bị hăm dọa, nhưng vào phút chót 5 chiếc ca-nô Iran đã quay ngược trở lại nên không có việc gì xẩy ra. Chiều thứ ba Hải quân Mỹ công bố hình ảnh video và tiếng nói trong radio về vụ đối đầu này.

Sáng thứ tư, phát ngôn nhân của Hải quân thuộc Vệ Binh Cách mạng Iran lên tiếng qua đài TV quốc gia Anh ngữ, nói những băng video và radio của Mỹ về vụ này đều là giả tạo, không có thật. Nhưng Mỹ vẫn nói chuyện đó có thật. Vụ này xẩy ra trong khoảng 5 phút. Eo biển Hormuz nằm giữa bờ biển Iran và nước Á rập Oman, trong đó có cảng của Iraq, Kuwait và Á rập Sê-út, nơi xuất cảng dầu thô đi khắp thế giới. Chế độ quân sự Iran có hai thành phần riêng biệt: quân chính quy và Vệ binh Cách Mạng. Chính phủ do Tổng Thống Ahmadinejad cầm đầu chỉ có quyền chỉ huy quân chính quy do Bộ Quốc phòng lãnh đạo, còn Vệ binh Cách mạng (VBCM) do một cấp tối cao điều khiển. Đó là Đại trưởng giáo (gọi là Ayatollah theo hệ Shi-a) Ali Khamenei. Ahmadinejad là đệ tử trung thành của Khamenei. Mỹ đã nhiều lần tố cáo VBCM tiếp tế vũ khí cho phe Shi-a cực đoan tấn công quân đội Mỹ. Vụ đối đầu trên biển thuộc hải phận quốc tế đã gây căng thêm thẳng giữa Mỹ và Iran.

Đầu tháng 12 năm 2007, Tình báo Mỹ cho biết Iran đã ngưng kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân từ năm 2003. Dù vậy Tổng Thống Bush vẫn tuyên bố cần phải tiếp tục làm áp lực với Iran mối nguy còn đó. Mỹ đang vận động Hội đồng Bảo an LHQ chấp thuận đợt trừng phạt thứ ba Iran vì mưu toan làm bom nguyên tử. Vụ Hải quân VBCM khiêu khích có thể là một cách thử nắn gân cốt Mỹ. Iran chọn thời điểm này có thể còn do tình hình gay go chính phủ Bush đang phải đương đầu với tình hình ở Pakistan, Afghanistan và Iraq.

Pakistan đang bị phân tán và rối loạn, sau khi bà Benazir Bhutto bị khủng bố ám sát, chính phủ của TT Musharraf gặp khó khăn. Ngày bầu cử Quốc hội hoãn đến 18-2-2008, người ta chưa biết chắc phe ủng hộ Musharraf, phe của bà Bhutto nay do chồng bà là Zardari lãnh đạo hay phe của cựu Thủ tướng Sharif sẽ thắng. Nhưng điều đáng ngại nhất là gần đây các nhóm Hồi giáo cực đoan có al-Qaida ẩn núp giật dây đã dùng thủ đoạn đánh bom tự sát giết quân đội của tướng Musharraf và cả thường dân Pakistan. Nếu rồi đây một phe cực đoan ẩn trong các đảng đối lập thắng được cuộc bầu cử để lập chính phủ, tình thế sẽ ra sao" Mối lo âu lớn nhất cho thế giới là kho vũ khí nguyên tử của Pakistan, ước lượng có tới 60 đầu đạn hạt nhân. Nếu Mỹ quyết chống sự lan tràn của vũ khí giết người hàng loạt, vùng Nam Á chính là nơi có chuyện đó, khỏi mất công tìm ở đâu khác. Bên cạnh Pakistan có nước đối đầu là Ấn Độ hiện đã có đến từ 75 đến 110 đầu đạn hạt nhân. Phía Bắc hai nước này là Trung Quốc có khoảng 400 đầu đạn hạt nhân.

Nếu có một chính quyền dân chủ ở Pakistan, tình thế chưa chắc ổn định được bao lâu. Tại Afghanistan, Mỹ và quân NATO đã tấn công và diệt trừ phe Taliban từ năm 2001. Vậy mà đến năm 2007, Taliban đã xuất hiện trở lại, chiếm được một số tỉnh và thành phố ở miền Nam và miền Đông ráp giới Pakistan. Có nhiều tin tình báo nói Osama bin Laden và phụ tá al-Zawari vẫn ẩn nấp ở vùng rừng núi hiểm trở giữa Afghanistan và Pakistan. Taliban cải chính họ không phải là khủng bố al-Qaida, nhưng trong cuộc chiến chống chính phủ Karzai, Taliban dùng chiến thuật bom tự sát là dấu ấn của al-Qaida. Taliban đã bắt giữ một số công nhân ngoại quốc làm việc tại Afghnistan, rút cuộc chính quyền Karzai phải tiếp xúc điều đình với Taliban để các công ty ngoại quốc nộp tiền chuộc lấy người về. Nếu không có quân Mỹ và liên quân NATO ở đó, chính quyền Karzai đã sụp đổ từ lâu rồi.

Nhưng khó khăn nhất cho Mỹ vẫn là tình hình Iraq. Những cuộc hành quân càn quét của Mỹ trong khu vực thủ đô và vùng lân cận trong năm 2007 đã làm giảm bớt cuộc chém giết hệ phái giữa hai phe Sun-ni va Shi-a, trong khi khủng bố al-Qaida phải trốn qua các khu vực khác ở phía Bắc Baghdad. Một tiến trình quan trọng của chiến lược Mỹ là đã lôi cuốn được những người dân Sun-ni để thành lập những toán dân quân chống khủng bố. Thế nhưng ngày 7-1 năm 2008, al-Qaida đã trở lại hoạt động mạnh. Đầu tuần này một lãnh tụ dân quân Sun-ni theo Mỹ đã bị khủng bố giết trong một vụ đánh bom tự sát, làm chết luôn 14 người dân. Buổi tối cùng ngày có đến 8 vụ bom nổ ở vùng phụ cận Baghdad làm chết 18 dân và ba chục người bị thương.

Trong nội bộ các phe Shi-a lại có nạn tranh chấp quyền lực. Thứ nhất là phe của Maliki chủ trương hòa giải với Sun-ni, mặc dù đa số Sun-ni trước đây ủng hộ Saddam Hussein. Thứ hai là phe của Giáo sĩ al-Sadr, chống Mỹ và thân Iran. Thứ ba là các phe ở miền Nam Iraq sau khi quân đội Anh trao trả quyền giữ an ninh cho quân đội và cảnh sát chính phủ Maliki. Nơi đây có phe al-Hakim, cầm đầu một chính đảng Shi-a lớn nhất tại Quốc hội Iraq hiện nay, al-Hakim ủng hộ Maliki. Sau đến phe Shi-a của Fadhila, Thống đốc Basra, thành phố lớn thứ hai sau Baghdad. Fadhila có dân quân riêng và không muốn ảnh hưởng của Maliki bành trướng xuống miền Nam. Trong tình hình phức tạp đó, nếu Iran muốn tìm con đường thương lượng với Mỹ để xâm nhập Iraq, các nước Á Rập gốc Sun-ni sẽ chống lại vì Iran gốc Ba Tư theo hệ Shi-a. Còn lâu tình hình Trung Đông mới yên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.