Hôm nay,  

Tổng Trưởng Paulson: Thị Trường Địa Ốc Có Thể Làm Kinh Tế Tuột Dốc

18/10/200700:00:00(Xem: 4461)

Tổng trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ, ông Henry "Hank" Paulson, đã công nhận hôm thứ Ba 16 rằng người ta đã dự đoán sai về các vấn đề tín dụng, gia cư và thị trường địa ốc. Đoán sai vì không ngờ tới ảnh hưởng khá trầm trọng của các vấn đề này đối với nền kinh tế.

Henry Paulson đã từng là Chủ tịch Tổng quản trị của tổ hợp đầu tư tài chánh Goldman Sachs và được công nhận là một nhân vật am hiểu các vấn đề kinh tế, tài chánh và ảnh hưởng của chúng tới tâm lý của thị trường. Trước Phân khoa Luật của Đại học Georgetown ở Washington DC, ông còn nói thêm rằng thị trường gia cư địa ốc hiện đang là mối đe dọa đáng chú ý nhất cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Việc thị trường này điều chỉnh sau nhiều năm tăng trưởng mạnh sẽ không sớm chấm dứt như người ta trông đợi từ năm ngoái, và sẽ còn gây ảnh hưởng bất lợi cho sinh hoạt kinh tế. Đây là nhân xét có vẻ bi quan nhất của một viên chức có trọng trách về kinh tế tài chánh Mỹ.

Trước đây, ông Paulson và nhân viên bộ Ngân khố (tức là bộ Tài chánh Hoa Kỳ) vẫn cố trấn an dư luận về hậu quả của sự suy sụp trên thị trường gia cư xuất phát từ những khó khăn của lãnh vực tài trợ tín dụng. Bây giờ, họ đồng ý là vấn đề không chỉ thu hẹp trong thành phần tín dụng thứ cấp (sub-prime) vì số khách nợ gặp khó khăn khi phải trả tiền nhà đã gia tăng, kể cả với các thành phần khách nợ khác. Từ lãnh vực gia cư bị sút giảm mạnh - số nhà khởi công đã giảm 40% so với cuối năm ngoái - tình hình có thể lây lan sang lãnh vực khác vì những khó khăn trên thị trường tài trợ tín dụng gia cư.

Trước đó một ngày, tối Thứ Hai 15, Chủ tịch hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (Hội đồng Dự trữ Liên bang) là ông Ben Bernanke cũng có nhận xét bi quan như vậy.

Phát biểu trước câu lạc bộ New York Economic Club, ông Bernanke cho biết là quyết định của ngân hàng trung ương đã phần nào chặn đứng những giao động trên thị trường tài chánh nhưng không nói thêm rằng ngân hàng trung ương sẽ còn hạ lãi suất hay không, trong kỳ họp tới của Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng FOMC, sẽ triệu tập trong hai tuần nữa, vào hai ngày 30 và 31 tháng 10 này. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng khu vực gia cư sẽ còn sa sút hơn và ảnh hưởng tới tình hình kinh tế cho đến đầu năm tới.

Dư luận rất chú ý tới lời phát biểu của vị Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vì từ đó có thể suy đoán xem lãi suất ngắn hạn có thể còn giảm hay không.

Sau đợt cắt hạ lãi suất hôm 18 tháng trước, thị trường đã có phản ứng lạc quan nên giải tỏa được những e ngại và ách tắc trên thị trường tài trợ, và các chỉ số chứng khoán đều theo nhau vượt mức kỷ lục. Trong khi ấy, kinh tế vẫn chưa bị ảnh hưởng mạnh và chỉ số giá cả - tức là tiêu chuẩn đo lường vật giá - đã tăng nhẹ. Trong hoàn cảnh ấy, người ta thấy rằng ngân hàng trung ương Mỹ vẫn ở vào vị trí ứng trực, để giảm lãi suất nếu kinh tế ra sút, nhưng vẫn phải phòng ngừa áp lực lạm phát.

Với lời tuyên bố có vẻ bi quan hơn của Thống đốc Bernanke và lời tiên báo cũng khá ảm đạm về hậu quả kinh tế của thị trường gia cư, người ta cho rằng các giới chức hữu trách về kinh tế đều rất quan tâm. Họ không muốn thị trường hốt hoảng nhưng cũng công nhận là tình hình kém lạc quan. Điều ấy cho thấy là khí cụ lãi suất vẫn là một đòn bẩy có thể tái sử dụng vào cuối tháng này.

Bộ Ngân khố thuộc về Hành pháp, có trách nhiệm về các biện pháp thuế khoá và ngân sách. Ngược lại, Ngân hàng Trung ương là một định chế độc lập chỉ phải tường trình trước Quốc hội, nhưng có toàn quyền quyết định về các biện pháp tín dụng và tiền tệ. Hai người cầm đầu hai định chế ấy nay đều có chung một quan điểm là tình hình gia cư có thể phương hại cho kinh tế.

Về phương thức đối phó, ông Paulson nêu lên một ý kiến đáng chú ý. Đó là chính quyền phải có một cơ chế thống nhất và toàn quốc để ngăn ngừa vấn đề từ khi mạnh nha. Đáng chú ý vì xưa nay ông Paulson vẫn có chủ trương là chính quyền nên hạn chế việc can thiệp vào thị trường, thí dụ như can thiệp hay kiểm soát việc theo dõi các hồ sơ tín dụng loại thứ cấp có nhiều rủi ro. Bây giờ, ông đồng ý là trong thị trường, người ta có gặp nhiều hiện tượng xấu, kể cả cấp phát tín dụng quá bừa phứa dễ dàng nên mới gây ra vấn đề. Trong khi ấy, cơ chế điều tiết và kiểm soát lại quá phân tán, thiếu tập trung và phối hợp cho nên mới khó ngăn ngừa được tình trạng lạm dụng.

Tuy nhiên, dù Tổng trưởng Ngân khố tin rằng phải cải thiện hệ thống luật pháp để kiểm soát việc cấp phát tín dụng, ông không đồng ý với lời yêu cầu của các vị dân cử Dân chủ là phải có biện pháp trừng phạt các công ty tài trợ hay đầu tư. Henry Paulson cho rằng biện pháp ấy chỉ làm thị trường thêm tê liệt.

Phần mình, Thống đốc Bernanke cũng gián tiếp đề cập tới vấn đề ứng phó khi cho rằng nếu người ta quá mau lẹ cấp cứu những người hoạn nạn thì sẽ lại làm nảy sinh phản ứng bất cẩn và liều lĩnh, nghĩa là cứ đi vay hoặc cho vay với rất nhiều rủi ro, sau đó lại tin rằng chính quyền hay ai đó sẽ cứu giúp mình, kể cả qua biện pháp cắt giảm lãi suất thật mạnh để tiền tệ dư dôi sẽ được cho vay dễ dàng.

Dù sao, mọi người cũng đồng ý rằng biện pháp cắt giảm lãi suất 50 điểm vào tháng trước đã lập tức giúp cho nhiều gia đình được nhẹ gánh trả nợ từ 200 đến 300 đồng một tháng khi thanh toán các khoản nợ về thẻ tín dụng hay về địa ốc cấp phát theo thể thức lãi suất di động. Cũng nhờ khoản tiền được "tiết kiệm" ấy, nhiều gia đình sẽ thoát khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo khi phải trả "bill" hàng tháng và nhiều người sẽ chi tiêu dễ dàng hơn nên kích thích sinh hoạt kinh tế đang bị đe dọa đình đọng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.