Hôm nay,  

Marion Jones Sử Dụng Thuốc Kích Thích

16/10/200700:00:00(Xem: 1603)

Tiếp theo là tin về cựu nữ vận động viên điền kinh Marion Jones thú nhận đã sử dụng thuốc kích thích vào thời điểm tranh tài tại Thế Vận Hội Syney 2000.
Trong một phiên tòa ngày 5 tháng 10 vừa qua ở White Plain, New York, cựu nữ vận động viên điền kinh về bộ môn chạy đua lừng danh thế giới của Hoa Kỳ đã vừa khóc nức nở vừa thú nhận rằng từ khoảng tháng 9.2000 đến tháng 7.2001, cô đã sử dụng chất thuốc kích thích Steroid, tức một trong những loại thuốc làm gia tăng khả năng hoạt động của cơ thể nằm trong danh sách bị cấm của Hiệp Hội Thế Giới Chống Sử Dụng Doping (WADA), mặc dù từ trước đó cô đã nhiều lần phủ nhận sự cáo buộc này.
Marion Jones đã từng tạo thành tích đoạt tổng cộng 5 huy chương gồm 3 huy chương vàng tại Thế Vận Hội Sydney 2000, nhưng qua sự thú nhận trên, các thành tích này sẽ bị hủy bỏ và có khả năng Marion Jones cũng bị kết án tù. Marion Jones sẽ phải ra tòa thụ án vào phiên xử lần tới dự định sẽ diễn ra vào ngày 11.1.2008.
Túc cầu
Từ ngày 3 tháng 10, những trận chiến ở lượt đấu thứ 2 của Giải Vô Địch Túc Cầu Câu Lạc Bộ Châu Âu (Champions League) đã lần lượt diễn ra vào ngày 3 và 4 tháng 10 qua kết quả như sau:
Ngày 3 tháng 10: Bảng E: Suttgart - Barcelone (0-2) ; Rangers - Lyon (3-0). Bảng F: Manchester United - Roma (1-0); Sporting - Dynamo Kiev (2-1). Bảng G:  Inter Milan - PSV (2-0) ; CSKA Moscow - Fenerbahce (2-2). Bảng H:  Sevilla – Savila (4-2) ;  Arsenal – Steaua (1-0).
Ngày 4 tháng 10: Bảng A:  Leverpool - Marseille (1-0) ; Porto – Besiktas (1-0). Bảng B:  Chelsea - Valencia (2-1) ; Schalke - Rosenborg (2-0). Bảng C:  Olympiakios – Bremen (3-1) ; Real Madrid Lazio (2-2). Bảng D:  Celtic - Milan (2-1) ; Shakhtar - Benfica (1-0)
Qua thành tích trên, có thể nói 2 đội bóng gây bất ngờ nhất trong lượt đấu trận thứ 2 của Champions League chính là Rangers và Celtic.
Celtic tuy là câu lạc bộ chuyên nghiệp hạng đầu của Scotland và có sự hiện diện của tiền vệ lừng danh ngườI Nhật Bản là Nakamura Shunsuke nhưng trên mặt chiến lực được đánh giá là còn kém đương kim vô địch AC Milan khá xa, tuy nhiên họ đã vượt qua đối thủ sừng sỏ này cũng như câu lạc bộ đồng hương Rangers đã khiến cho cao thủ nước Pháp là Lyon phải ôm hận với 3 lần thủng lưới.
Câu Chuyện Thể Thao
Trong phần Câu Chuyện Thể Thao hôm nay, chúng tôi xin được cùng quý độc giả tìm hiểu về Giải Túc Cầu Chuyên Nghiệp Quốc Nội Nhật Bản (Japan League).
Giải Túc Cầu Chuyên Nghiệp Quốc Nội Nhật Bản gọi tắt là J League được chính thức hình thành vào năm 1992 dưới sự quyết định và vận hành tổ chức của Hiệp Hội Túc Cầu Nhật Bản vốn nhìn thấy được nhu cầu phát triển môn thể thao này trong bối cảnh nâng cao trình độ để xứng đáng trở thành nơi đăng cai Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới (World Cup).


Vào thời điểm trước 1992, nền túc cầu Nhật Bản còn rất non kém vì không được ưa chuộng cho lắm tại một vùng đất vốn chỉ thu hút sự chú mục của khán giả qua các môn thể thao khác như Sumo (đấu vật), Basseball (dã cầu) v.v…Và cũng chính vì lẽ này, tuy trước đó tại Nhật Bản đã có giải đấu mang tính cách bán chuyên nghiệp mệnh danh là Japan Soccer League, gồm các đội bóng trực thuộc xí nghiệp hãng xưởng với thành phần cầu thủ vừa phải làm việc hàng ngày vừa tập luyện để tham gia các trận đấu trong mỗi mùa bóng nên gặp khó khăn trong việc nâng cao trình độ và nhất là không có cơ hội để tiếp thu những tinh hoa của túc cầu thế gìới. Qua giải đấu bán chuyên nghiệp này, số lượng khán giả đi xem cũng chỉ ở mức trung bình 1 trận đấu 2, 3 ngàn người, kèm theo tình trạng sân bãi cũng không được tu bổ đúng mức nên đã thành một bối cảnh khá bi quan cho nền túc cầu Nhật Bản.
Vào giữa thập niên 1980, khi Hội Trưởng Hiệp Hội Túc Cầu Thế GiớI (FIFA) đương thời là ông Jao Havelenge ngỏ lời cùng Hiệp Hội Túc Cầu Nhật Bản về đề án lần đầu tiên tổ chức World Cup tại châu Á thì lập tức kế hoạch xúc tiến việc hình thành giải chuyên nghiệp quốc nội tại Nhật Bản đã được hình thành và cuối cùng Hiệp Hội Túc Cầu Nhật Bản đã đi đến quyết định thành lập giải J League thúc đẩy việc nâng cao trình độ túc cầu cho các tuyển thủ để góp mặt cùng thế giới và vào năm 1992, Giải Chuyên Nghiệp Túc Cầu Quốc Nội Nhật Bản ra đời với danh xưng chính thức là “J League Yamazaki Nabisco Cup” gồm 10 đội bóng tham chiến.
Trải qua 1 năm đầu kể từ khi thành lập, J League ngày càng được phổ biến rộng rải trong giới ái mộ thể thao Nhật Bản kèm theo nhiều chương trình truyền hình trực tiếp các trận đấu nên kể từ năm 1993 trở đi J League đã trở thành một phong trào thể thao lớn mạnh qui tụ nhiều cầu thủ và huấn luyện viên ngoại quốc đầu quân cũng như các thương phẩm liên quan đến J League đều được bán rất chạy và số lượng khán giả tăng lên đột ngột đem lại nhiều nguồn lợi nhuận cho các xí nghiệp tài trợ. Mức độ ái mộ J League cuồng nhiệt đến nỗi vào cùng năm 1993, từ ngữ J League này đã được trao giải thưởng “Ngôn Ngữ Mới Thịnh Hành Trong Năm”.
Vào năm 1994, số lượng khán giả trung bình của một trấn đấu là khoảng 19.598 người và con số này cũng không thay đổi là bao so với mùa bóng 2006 vừa qua. Đáng kể nhất là ngoài dịp nghỉ cuối tuần, tuy các trận đấu diễn ra vào những ngày làm việc bình thường trong tuần nhưng cũng thu hút được số lượng khán giả đông đảo, tạo khí thế tưng bừng qua những rừng cờ và biểu ngữ đầy màu sắc, tràn ngập sân đấu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.