Hôm nay,  

Vì Ai Nên Nỗi?

13/09/200700:00:00(Xem: 5545)
Những ai là người đáng trách trong vụ khủng hoảng đang xảy ra"

Trang Địa Ốc Việt Báo kỳ này sẽ có bài đặc biệt - và khá dài - về những nguyên do, hay thủ phạm, của một tai họa tập thể đang xảy ra cho chúng ta, từ thị trường gia cư lan rộng lên trên và ra ngoài....

Thị trường tín dụng (mua bán giấy nợ gọi là trái phiếu) đang bị khủng hoảng vì giới tài trợ mất niềm tin. Mà sở dĩ bị khủng hoảng vì lỗ hổng quá lớn của loại tín dụng thứ cấp (sub-prime) trong lãnh vực tài trợ địa ốc. Khủng hoảng nặng nhẹ và dài ngắn ra sao, chưa ai có thể biết, nhưng một người dày dạn kinh nghiệm là ông Hank Paulson thì đã có một dự đoán kém vui.

Trước khi nhậm chức Tổng trưởng Ngân khố (tức là bộ Tài chánh) ông Paulson đã từng lãnh đạo tổ hợp đầu tư tài chánh Goldman Sachs trong nhiều năm liền và đã chứng kiến hàng loạt những vụ khủng hoảng tài chánh trong quá khứ. Từ nạn vỡ nợ của các nước Mỹ châu La tinh hơn 20 năm trước tới vụ khủng hoảng tài chánh Đông Á năm 1997 đến vụ khủng hoảng tại Nga năm 1998 - với hậu quả dội ngược về Mỹ khiến một quỹ đầu tư đối xung hedge fund (do một kinh tế gia đã lãnh giải Nobel điều khiển) bị khánh tận... những tai biến ấy, ông Paulson đã thấy từ đầu đến cuối.

Ngôi nhà đắt tiền, quá tầm với của giới trung lưu.

Hôm Thứ Hai vừa qua, ông đưa ra một dự báo u ám, rằng vụ khủng hoảng thị trường tín dụng trên toàn cầu sẽ di hại lâu hơn các vụ khủng hoảng đã nói ở trên!

Trong khi ấy, người ta bàng hoàng khám phá là Nhật Bản có thể bị nạn giảm phát (gọi là deflation hay disinflation) như trong các năm 1991-2005, cùng lúc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa mới phải từ chức vì bất tài. Rồi còn biết thêm là sau Hoa Kỳ, nước Anh cũng sẽ bị vỡ bóng đầu tư địa ốc, có khi còn trầm trọng hơn nước Mỹ. Mà ngoài Anh và Mỹ, thị trường gia cư của nhiều nước Âu châu khác cũng sẽ bị suy sụp sau khi tăng giá quá mạnh, hơn Hoa Kỳ gấp bội! Trung bình là gấp ba.

Trước khi truy tìm thủ phạm, chúng ta cần tìm hiểu về hiện trường, về thị trường, và trong một bối cảnh dài...

Biến Động Chu Kỳ Trong Trường Kỳ

Thật ra, việc thị trường lên hay xuống, thịnh hay suy, là điều đã từng có từ lâu, ăn thua (lời hay lỗ) là thăng giáng nhanh hay chậm, nhiều hay ít. Mà nhiều hay ít là so sánh với một số lượng nào đó. Thí dụ như hơn hai chục năm trước, chỉ số kỹ nghệ Dow Jones mà sụt mất 300 điểm thì ta e sợ khủng hoảng vì mức suy sụp ấy tương đương với gần 10%. Ngày nay, chỉ số DJIA có mất 300 điểm trong một ngày thì cũng chỉ bằng khoảng 2,25% mà thôi.

Một thí dụ khác là trị giá tài sản gia cư (nhà ở, một phần của thị trường địa ốc) lớn hay nhỏ thì cũng còn tùy vào trọng lượng kinh tế của từng thời. Khi xưa, thị trường gia cư Mỹ bị suy sụp mà mất 100 tỷ thì ta sợ khủng hoảng vì tổng sản lượng của nước Mỹ vào thời ấy chỉ có 10 ngàn tỷ. Ngày nay, GDP của Hoa Kỳ và nói chung, sự giàu có của dân Mỹ có thể đã gấp đôi (19 ngàn tỷ) thì một vụ sụt giá mất 100 tỷ vẫn chưa là đáng sợ.

Nhìn trong trường kỳ thì sự thăng giáng ấy có thể xảy ra theo chu kỳ, nhiều người hay nói đến chu kỳ bảy năm trên thị trường chứng khoán chẳng hạn. Nhưng, yếu tố thăng giáng có khi cũng xảy ra hoặc bất ngờ hoặc do phản ứng tai hại của các tác nhân kinh tế - giới đầu tư và sản xuất, và nhất là do sai lầm về chánh sách, điển hình là chánh sách tiền tệ và kinh tế của Hoa Kỳ đã khiến một vụ sụt giá chứng khoán năm 1929 dẫn tới khủng hoảng kinh tế tài chánh toàn cầu từ 1929 đến 1933.... Và dẫn tới đại chiến!

Nếu nhìn trong dài hạn, từ hơn nửa thế kỷ nay, tài sản đầu tư của dân Mỹ vào thị trường gia cư (mua nhà, để ở hay để cho thuê, hay để bán lại) so với tổng sản lượng nội địa (GDP) vẫn chỉ xê dịch trong biên độ từ 0,062% (cao nhất, vào năm 1955) tới 0,028% vào năm 1983, và từ năm 2005 tới nay đã giảm từ gần 0,048% xuống 0,035% của GDP.

Nguyên chủ tịch FED Alan Greenspan.

Đây là con số thuần, sau khi giảm trừ tác dụng của lạm phát.

Nếu nhìn trong dài hạn như vậy, sự thăng giáng về đầu tư vào thị trường gia cư không là chuyện bất thường (xin xem bảng số đính kèm của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ - các cột màu xám tượng trưng cho thời suy trầm kinh tế). Ăn thua là khi kinh tế bị suy trầm, ngân hàng trung ương Mỹ có thể hạ lãi suất để kích cầu (kích thích tiêu thụ nhờ tiền rẻ hơn) và chính là hiện tượng tiền rẻ ấy mới dễ thổi giá thị trường rồi dẫn tới suy sụp như chúng ta đang thấy ngày nay.

Bây giờ, trong bối cảnh chung của một sự thăng giáng "bình thường", tại sao lại có khủng hoảng đến độ lây lan và kéo dài như Tổng trưởng Paulson đã báo động"

Chúng ta cần tìm ra "thủ phạm", những người đã góp phần gây ra cơn chấn động gia cư làm ung thối cả thị trường tín dụng và có thể dẫn tới khủng hoảng tài chánh.

Sau đây là hàng loạt sáu bảy thành phần "bị can", khởi đầu là.... chính mình, là chúng ta, là giới tiêu thụ gia cư tức là người mua, và, nhất là người vay tiền mua nhà theo thể thức sub-prime.

Bị can số một: khách nợ bùi tai

Căn nguyên của thảm kịch là người đi vay tiền mua nhà, gọi là "khách nợ" cho lịch sự.

Ai cũng muốn làm chủ ngôi nhà của mình, chuyện ấy bình thường và chính đáng. Đi vay để làm chủ ngôi nhà và từ từ trả vốn lẫn lãi theo khả năng lợi tức của mình là chuyện đúng và ai cũng muốn làm. Năm 2000, khi thị trường chứng khoán bị bể bóng, một số nhà đầu tư đã rút tiền từ stock chạy qua nhà đất, và càng thấy dễ có lời vì lãi suất thời ấy quá rẻ (kể từ năm 2001, rồi còn vụ khủng bố, nạn suy trầm, nạn công ty gian lận bị phá sản, v.v...)

Khi tiền quá rẻ, ta nảy lòng tham. Thay vì mua nhà để ở, có thể là nhà lớn hơn, ta mua nhà để kiếm lời. Mua đi bán lại như là mua xe. Hai động cơ thổi giá gia cư là tiền rẻ và chuyển dịch đầu tư từ chứng khoán qua địa ốc.

Thế rồi khi thấy giá nhà tăng vọt, từ 2001 trở đi, nhiều người trong chúng ta "tưởng bở", bắt đầu có phản ứng bất cẩn, a dua, tính toán theo đàn, theo trào lưu chung quanh, được truyền thông thổi lên hàng ngày.

Khi mua nhà, thông thường người ta cần có vốn để đặt cọc (down) là 20%. Còn lại, phải đi vay 80% trị giá ngôi nhà.

Nhưng sự lạc quan và bất cẩn của khách nợ khiến nhiều người chỉ cần 10% trị giá ngôi nhà cũng đủ, nhờ được đi vay thêm 10% (một cái "lôn nhỏ" - small loan) để trả tiền down cho đủ tiêu chuẩn 20%, sau khi đã được tài trợ 80% (cái "lôn lớn"). Việc ấy, khách nợ xét ra quá dễ, và khôn. Khôn vì lãi suất còn quá thấp, và dễ là vì bị dụ. Ai dụ thì sẽ tính sau, nhưng phải thấy trước hết là khách nợ không phải là vô can.

Nhưng không là thủ phạm duy nhất, hay có tội nặng nhất. Có tội nặng hơn khách nợ là phần trách nhiệm của các nhà môi giới về tín dụng tài trợ gia cư (mortgage brokers).

Bị Can Số Hai: Khách Dụ Ngọt Giọng

Họ là những người môi giới, tìm ra nguồn tài trợ rất ngọt, với giá rất mềm cho khách. Họ ăn hoa hồng trên cả hai khoản tín dụng lớn nhỏ và sau khi hoàn tất là có quyền... quên khách nợ đi tìm khách mới. Chúng ta mà để ý hàng loạt quảng cáo trên truyền hình thì rõ.

Khi những người bán hàng tạp hoá mà cũng đem tiền mặt vào thị trường chứng khoán để... "chơi stock" thì chúng ta phải biết là thị trường chứng khoán đang bị nạn bong bóng đầu cơ và sẽ bể. Khi thấy nhiều nhà văn hay thày giáo cũng nhảy vào ngành gia cư, học nghề qua loa và lấy licence làm môi giới để mơ thành triệu phú như nhiều người đi trước, chúng ta cũng nên kết luận là thị trường gia cư sẽ bể.

Khi trái bóng đó bể, những ai đã là triệu phú rồi thì bị thất thâu và chờ đợi mùa sau, những người môi giới tay ngang thì vất vả hơn nhiều và nhiều phần là trở lại nghề cũ. Trong một chuỗi nhân quả, những khách dụ ấy có trách nhiệm còn nặng hơn là khách nợ.

Bị can thứ ba: Khách đo đạc

Chúng ta không quên một thành phần gắn bó với giới trung gian môi giới là các công ty định giá nhà cửa (appraisers). Họ được giới thiệu cho dịch vụ định giá này và vì quyền lợi của mình lẫn công ty tài trợ, thường định giá cao hơn thực tế. Giá càng cao, khách nợ vay càng nhiều, người môi giới và công ty tài trợ càng có lời. Trong thảm kịch xâu chuỗi ấy, người đo đạc để định giá ngôi nhà chẳng phải là vô can, dù trách nhiệm của họ thật ra cũng nhẹ hơn, ít ra là nhẹ hơn khách nợ và khách dụ.

Và chắc chắn là nhẹ hơn cái tội của công ty tài trợ.

Bị Can Thứ Tư: Công Ty Tài Trợ NINJA

Khách nợ không thể vay tiền theo những điều kiện ngọt ngào của khách dụ nếu các công ty tài trợ (cả ngân hàng lẫn công ty tài chánh về địa ốc) không gật đầu.

Nhiều công ty đã thận trọng lắc đầu khi thấy khách nợ có lợi tức quá thấp và sẽ khó trả nổi tiền nhà. Họ cẩn thận và có thể mất cơ hội vơ vét nhưng cũng thoát khỏi hiểm nguy tài chánh như ta đang thấy. Nhiều công ty khác lại không thận trọng như vậy. Họ mở hầu bao và cởi luật lệ cho dễ dàng êm ái hơn, để cho khách nợ vay tiền mà khỏi cần những điều kiện tối thiểu.

Thị trường gia cư có gọi loại tín dụng ấy là NINJA loans, loại nợ cho người không có lợi tức, không nghề nghiệp và không tài sản. No income, no job, no assets, viết tắt thành NINJA! Họ dám cho thành phần bất trắc ấy vay tiền vì lạc quan và bất cẩn. Khi thị trường đang ở chu kỳ sung mãn, các công ty ấy thấy số thương vụ tăng vùn vụt, và khi thị trường sụt, công ty rớt đài. Thành phần này có trách nhiệm nặng nhất. Chưa thấy ai phán xét gì thì có công ty đã bị phá sản, như Amercan Home Mortgage.

Bị Can Thứ Năm: Tài Phiệt Đầu Tư

Chúng ta biết rằng một công ty hay ngân hàng tài trợ tín dụng gia cư với doanh vụ nhiều tỷ bạc không thể là giới tiểu thương cò con và tính toán theo lối chụp giựt bất trắc như vậy. Nhưng, họ sở dĩ vẫn làm liều vì thấy thị trường đang lên và vì sau lưng còn có một tấm lưới rất bền, của các công ty đầu tư tài chánh tại Wall Street. Của các cự phú tài phiệt.

Khi được người môi giới dẫn cho một khách nợ loại thứ cấp bấp bênh, công ty tài trợ vẫn có thể gật đầu cho vay vì sẽ gói ghém các khoản nợ ấy (tài sản đầu tư của công ty) bán cho các nhà đầu tư cự phú, đại tổ hợp tài chánh hay quỹ đầu tư đối xung tại Wall Street, Zurich hay Singapore.... Bán rồi là họ phủi tay, đi cho vay tiếp.

Mà họ bán được vì các tài phiệt đầu tư chịu mua, kể cả loại nợ sub-prime, vốn đem lại một phân lời cao hơn thông thường. Mãi cho tới gần đây, vào tháng Bảy, các công ty đầu tư vẫn còn mua vào hàng tỷ gói nợ loại đó.

Và khi từ trên đi dọc xuống dưới, chúng ta hiểu vì sao mà công ty tài trợ địa ốc lại bất cẩn, người môi giới lại ngọt ngào và khách nợ lại bùi tai bập vào loại sub-prime: vì ở trên, ở sau, đã có các nhà tài phiệt đầu tư, quỹ đầu tư đối xung (hedge funds), quỹ hỗ tư (mutual funds, quỹ đầu tư hưu bổng (pension funds) sẵn sàng mua lại các khoản nợ ấy. Vì vậy mà trong năm năm qua, từ 2001 đến 2006, loại nợ sub-prime đã tăng vọt từ 150 lên tới 600 tỷ chiếm từ 7% lên tới 20% các loại tín dụng địa ốc.

Một thí dụ của xâu chuỗi nợ thối đã từ dưới phát tác lên trên vì trên đã tạo gương xấu cho dưới, cho người môi giới cò con và khách nợ ngơ ngác, là đại tổ hợp đầu tư Bear Sterns. Tổ hợp này tưởng ngon ăn, lập ra hai quỹ đầu tư đối xung để ngốn tín dụng sub-prime, từ 600 triệu năm 2001 đã mua thêm thành hai tỷ Mỹ kim năm 2006. Và hai quỹ đối xung ấy đã phá sản, Tổng giám đốc Bear Stearns bị mất chức!

Trách nhiệm của các đại gia nặng không kém trách nhiệm của công ty tài trợ địa ốc, và hơn hẳn hai loại khách dụ lẫn khách nở ở đầu nguồn!

Bị Can Thứ Sáu: Trọng Tài Chấm Điểm

Từ đầu nguồn đi lên, chúng ta đã gặp năm loại thủ phạm từ nhỏ đến lớn, từ chúng ta đến các đại gia cự phú. Nhưng, vụ sub-prime sở dĩ đã làm ung thối tất cả sổ sách của các công ty đầu tư và gây ra khủng hoảng tín dụng vì một thành phần... đứng ngoài.

Đó là các công ty thẩm định trị giá tài sản đầu tư (gọi là rating agencies), thí dụ như Moody's hay Standard & Poor's. Đấy là những trọng tài đứng ngoài chấm điểm một cách khách quan, trên nguyên tắc là như vậy, và chuyên nghiệp. Thành phần này lại không đạt tiêu chuẩn ấy khi chẳng nhìn ra cái túi nợ xấu trong khoản tài sản bạc tỷ của các đại gia đầu tư. Họ không thẩm xét kỹ và cung cấp những thông tin khó tin, bất khả tín. Họ đánh giá thiếu chính xác các quỹ đầu tư, cho tới khi các quỹ này bị chìm trong bãi nợ xấu và bất ngờ phá sản từ tháng Bảy.

Một trong những yếu tố gây hốt hoảng trên thị trường ngày nay là tình trạng thiếu thông tin đáng tin. Và vì thiếu thông tin, người ta luôn luôn nghĩ tới giả thuyết bi quan nhất, bảo thủ nhất, từ hồ hởi sảng lạc quan tếu biến thành hốt hoảng bậy. Chỉ vì cái thước đo bỗng trở thành co giãn, khó lường.

Trọng tài chấm điểm phải có trách nhiệm trong vụ này, dù không bằng các đại gia đầu tư hay công ty tài trợ thì cũng... gần bằng!

Bị Can Thứ Bảy: Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ

Qua suốt chu trình nhiều cấp của vụ khủng hoảng, từ khách nợ khách dụ tới nhà tài trợ và tài phiệt cự phú đến trọng tài tính điểm, chúng ta đều thấy bàng bạc một sự thể trong bối cảnh: tiền rẻ khiến thiên hạ lạc quan.

Sở dĩ tiền rẻ là vì Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã liên tục hạ lãi suất (chủ yếu là loại lãi suất liên ngân hàng, các ngân hàng cho nhau vay qua đêm, trong ngắn hạn, gọi là federal fund rate). Từ 6,26% vào cuối năm 2001 xuống còn có 1% vào cuối năm 2004, khi lạm phát cũng chỉ mấp mé 1%. Tức là lãi suất thực chỉ bằng số không!

Mà được duy trì ở mức quá thấp ấy trong quá lâu.

Lý do giải thích là sau khi trái bóng cổ phiếu bị bể năm 2000, kinh tế suy trầm nhẹ (từ tháng Ba đến tháng 11 năm 2001, mà hồi phục chậm - có hồi phục nhưng không tạo ra nhiều việc làm), Hoa Kỳ lại bị nạn khủng bố, nạn doanh nghiệp phá sản vì gian lận, chiến cuộc tại Afghanistan rồi Iraq, v.v... Vì hoàn cảnh ấy, Ngân hàng Trung ương mới muốn khu vực gia cư trở thành đầu máy lôi kéo nước Mỹ ra khỏi suy sụp.

Trong khi kéo lại không nhìn ra là tình hình đã khả quan hơn và trái bóng sub-prime đang căng phồng bên trong trái bóng gia cư. Rồi nâng lãi suất quá chậm để xì cho trái bóng khỏi bể. Trách nhiệm đó là của người cầm cân nảy mực là Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, ông Alan Greenspan!

Tội nặng không kém gì các đại gia đầu tư hay công ty tài trợ!

Bây giờ, đến lượt Chủ tịch Ben Bernanke phải lèo lái con thuyền tiền tệ ra khỏi cơn sóng gió, và nhiều phần sẽ lại phải hạ lãi suất fed fund vào ngày 18 này. Chỉ mong rằng ông sẽ không tái diễn chuyện đã thấy trong chu kỳ thăng giáng, và vì kích cầu mà sẽ lại thổi lên một trái bóng khác trong tương lai.

Dường như Chủ tịch Bernanke có thấy như vậy nên rất thận trọng không hạ lãi suất hôm mùng bảy tháng Tám như nhiều người chờ đợi hay kêu gọi và trong khi phải ứng phó với những giao động hàng ngày, ông vẫn cố nhìn ra hậu quả trong lâu dài của từng quyết định.

Đấy là lý do vì sao khi điểm mặt các bị can, chúng ta vẫn cần nhìn lại đồ biểu thăng giáng ở trên: trong toa thuốc cấp cứu đã có nguy cơ công phạt, và hàng loạt những bị can bất cẩn chỉ thấy tai hoạ khi đã quá trễ! 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.