Hôm nay,  

Mưa Xuân Trong Mùa Hạ

22/08/200700:00:00(Xem: 4658)

Giữa lúc bầu không khí hè đã nóng nực trở thành nóng cháy thêm do hai bài báo của hai người trung niên chê trách oan sai anh em HO và người tỵ nạn CS, thì phóng sự  "Từ ngôi làng nhỏ ở Bạc Liêu đến NASA, câu chuyện thành công của hai vợ chồng người Mỹ gốc Việt" của nữ phóng viên Trà Mi, đài Á châu Tự do, đến như mưa xuân trong mùa hạ. Thành công đó của người tỵ nạn CS đã trả lời HO và người tỵ nạn CS không phải là lớp người như hai bài báo ấy nói. Vặn lại để nghe ba lần, chưa chắc, phải mở lấy bài để đọc vì lời nói có thể bay đi, cây viết mới ở lại. Theo thiển ý phóng sự này thật là xuất sắc. Xuất sắc ở người được phỏng vấn, ở nội dung và ở người phỏng vấn.

Một, đây là người thật, việc thật, lời  thật, chữ thật, giọng thật Bạc Liêu. Hai vợ chồng tiến sĩ Trịnh Hữu Phước và Võ Thị Diệp đang làm việc cho Trung tâm Không gian NASA, chi nhánh Marshall ở thành phố Huntsville, tiểu bang Alabama. Cả hai vợ chồng vốn là dân vượt biên, xuất thân từ làng nhỏ ở Bạc Liêu. Cả một giấc mộng dài VN trở thành hiện thực ở Mỹ. Tiến sĩ Diệp là kỹ sư vật liệu cấu trúc, sáng chế và thử nghiệm vật liệu dùng cho động cơ hoả tiễn nhiên liệu đặc của phi thuyền con thoi. Trước đây, TS Diệp vốn là thiếu nữ nhà quê, nhà  tới 9 anh chị em, mơ được đi học thay vì lớn lên làm ruộng và có chồng như những người đồng trang lứa. Ở nước nhà khi học tiểu học mơ trở thành một nhà ngoại giao, sau biến cố 75, vượt biên ba lần mới được, qua đảo mơ thành bác sĩ. Đến Mỹ đã 17 tuổi phải đi làm kiếm tiền giúp bên nhà, phải đi học lớp tráng niên để lấy GED để vào đại học. Ở đại học biết Anh ngữ là một trở ngại, khó khăn lớn. Làm bài  Anh văn và Sinh vật học ráng lắm cũng được điểm B, nên chọn ngành khoa học, hóa học để tiến thân. Vừa học vừa làm toàn thì. Học đủ thứ vì đến xứ Mỹ, thấy mình " giống như một đứa trẻ mới sinh ra đời nhưng lại mang thân xác một người lớn, cho nên phải học hỏi lại từ đầu". Có khi cũng nản nhưng nỗi thiếu thốn khổ sở của gia đình ở nước nhà và quyết chí tiến thân là lý do cố gắng chịu đựng và vượt qua. Làm đủ nghề chân tay từ bán hàng, dọn lau nhà,  có khi buồn ngủ quá, tận tim gan phải tự ngắt mình cho tỉnh.

Còn Tiến sĩ Phước hiện là kỹ sư phi hành không gian, phụ trách phát triển động cơ hoả tiễn cho phi thuyền bay đi từ mặt trăng. Nhỏ học lớp ba trường làng nhưng may mắn đươc ra chợ học.  Sau 1975, như mọi gia đình, nhà gặp khó khăn nên vượt biên năm 1979. Như mọi người Việt tị nạn khác, trong thời gian đầu phải ngày học đêm đi làm gác dan, rửa chén cho trường để sống. Hè thi đi làm thịt bò kiếm tiền giúp gia đình. Nhờ học khá nên được học bổng nên đường học vấn hạnh thông. Xong Cử nhân thì được NASA mướn nhưng chưa có quốc tịch không được làm, nhưng NASA hứa sẽ nhận vào làm sau khi  nhập tịch, theo qui chế công chức liên bang bó buộc. Có quốc tịch đang học Cao Học, Nasa dành cho sự  dễ dàng để học hỏi, chấp nhận cho vừa làm vừa học. Ngày nhận bằng phát minh, một người nhà quê VN khi xưa được ngồi ngang hàng và chung bàn với các khoa học gia thế giới, cảm thấy niềm vui dân Việt.  

Hai, nội dung phóng sự xúc tích, đầy đủ  tiến trình tiêu biểu của  dân VN tỵ nạn CS cố gắng vươn lên nhờ xã hội Mỹ tư do, dân chủ. Những giấc mộng lớn của tuổi trẻ VN trước năm 1975. Những khó khăn sau ngày 30-4-75. Những ngày mất nước là mất tất cả ở nước nhà,  tìm cach vươn  lên ở ngoại quốc trong cái khổ cực, gian nguy, chết chóc trên đường dùng thuyền nan vượt đại dương.  Những quyết chí, kiên tâm, cười gian lao, bất chấp cực nhọc, xây đấp tương lai  nơi quê hương mới đầy cơ hội. Những  tháng năm đầu "cùng một lứa bên trời lận đận",  trở ngại Anh Văn, chọn lựa con đường học vấn  như con đường tắt, vừa đi làm vừa học toàn thời gian để giúp gia đình bên nước nhà quá khổ và để cố gắng vươn lên vững chắc. Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân. Nước Mỹ là đất của cơ hội, chánh quyền, trường học, cơ chế xã hội tạo điều kiện cho người có chí tiến thân. Để rồi câu chuyện của hai vợ chồng dân Bạc Liêu kết cuộc có hậu, đẹp hơn sức tưởng tượng phong phú của một soạn giả cải lương lạc quan và yêu đời nhứt.

Giọng nói rặc dân miền Nam, miệt dưới  với chữ "tui", âm r thành g, không một chút sửa hay pha giọng dù cả hai tốt nghiệp cấp bằng cao  nhứt ở Mỹ, làm việc cho cơ quan khoa học kỹ thuật tiền tiến nhứt thế  giới.  Câu văn lời nói mộc mạc như con người chân chất chuyên chở cái tâm của người trí thức gốc nông dân và vui với nguồn gốc vi tiện xuất thân của mình.

Ba, xuất sắc ở người phỏng vấn trong  kỹ thuật bố cục, âm thành trung thực, nội dung liền lạc từ dĩ vãng, hiện tại đến tương lai của nhân vật. Câu hỏi ngắn gọn nhưng xúc tích  tạo điều kiện cho người được phỏng vấn nói nhiều. Câu hỏi thiết tha, long trọng như đây là lần đầu trong đời người phóng viên được hạnh ngộ phỏng vấn  một nhân vật, đúng đức nghiệp và nghệ thuật truyền thông. Phóng sự trên mạng còn có hình của nhân vật, một tấm hình bằng một nghìn chữ. Phóng sự này nếu đem đăng báo có thể được xem là một tin phân tích có giá trị lâu dài, thích họp cho tuần báo cỡ lớn Times, News Week, Paris Match.

Bốn và sau cùng, những điều có thể rút kinh nghiệm. Động lực giúp một trai và một gái nhà quê, làng nhỏ của tỉnh Bạc Liêu này vượt mọi khó khăn trở ngại xuất phát từ nước nhà VN nghèo khổ và ở Mỹ nhiều cơ hội. Gia đình ở VN khó khăn thiếu thốn cần được giúp đỡ là nghị lực làm hai người dân Bạc Liêu này vượt qua mọi thử thách buổi ban đầu. Cội nguồn quê cha đất tổ không quên. Phân biệt rõ quốc gia dân tộc ở nước nhà với chế độ cai trị. Cho con cái đi VN cho biết cội nguồn. Hy vọng lúc về già về VN mở trường dạy cho những đứa trẻ ở quê vì sanh và lớn lên ở nông thôn nên biết ơ nông thôn VN có "những trẻ em VN nếu có cơ hội thì có nhiều người thành tài như mình". Nhưng việc về làm việc cho chế độ thì không vì điều kiện ở VN chưa có. Suy nghĩ nếu "Việt Nam muốn thu hút được nhiều nhân tài ở nước ngoài về thì có lẽ phải có những sự thay đổi về mặt chính trị hoặc tạo những điều kiện tốt".

Trái lại xã hội Mỹ tạo điều kiện cho người dân Mỹ tiến thân. Có lớp tráng niên cho người quá tuổi trung học lấy bằng trung học. Có tài trợ và học bổng cho sinh viên. Có việc làm cho sinh viên vừa học vừa làm. Tạo điều kiện cho nhơn tài phát triển như NASA hứa mướn khi có quốc tịch và để vừa làm vừa học xong Cao học. Có cơ hội đồng đều cho người có tài ba tìm một chỗ đứng, không phân biệt nguồn gốc sắc tộc.

Và hướng về tương lai, mong mỏi những người đồng cảnh ngộ mới đến Mỹ, là phải đầu tư tương lai vững chắc qua con đường học vấn. Buổi ban đầu đến Mỹ không khỏi khó khăn nhưng phải cố gắng đạt mục đích của đời mình. Đúng như câu của tiền nhân VN dặn dò, "Nếu đường đời bằng phẳng cả, Thì anh hùng hào kiệt có hơn ai."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.