Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

25/06/200700:00:00(Xem: 2683)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Tôi ngồi mệt quá như xỉu đi. Tôi dựa lưng vào tường; mặc cho y nói. Một lúc, y vừa nói vừa đi ra:
- Tôi sẽ gọi y tá vào cho thuốc.
Rồi y đóng cửa lại. Tôi nghe tiếng y mở cửa buồng bên cạnh, một người ra, chắc để đổ phân, 5 phút sau vào, tiếng đóng cửa. Lại mở buồng khác, thấy tiếng chạy lịch kịch, rồi nghe máy nước chảy rào rào, rồi tiếng chân chạy trở về buồng. Sáu, bẩy lần như vậy. Lại thấy mở cửa buồng tôi. Tiếng tên cán bộ xà lim:
- Ra đổ phân!
Tôi tụt xuống sàn, cúi nhìn vào gầm sàn, thấy cái bô tôn có nắp gỗ đậy. Từ tối qua đến giờ, tôi có ỉa đái gì đâu, nên cứ đứng ngơ ngác. Y thò cổ vào:
- Sao không ra đổ thùng"
Tôi trả lời:
- Tôi chưa…!
Y đóng cửa xầm một cái, cài then sắt bên ngoài. Một lúc sau, cửa lại mở. Một bà y tá, mặc áo “bờ lu” trắng ôm cái khay thuốc đi vào. Bà ta chừng 28, 30 tuổi, sau này, tôi được biết tên là Dậu.
Bà ta xem các vết thuơng ở chân, tay, vai lưng tôi cho tôi nửa hộp dầu cao “Sao Vàng”, bảo xoa chỗ sưng. Chấm thuốc đỏ vào mấy chỗ chảy máu. Tôi đang sốt, nên tôi nói:
- Đêm qua tôi bị sốt và bây giờ cũng bị.
Bà cho tôi hai viên thuốc trắng, bảo uống. Khi bà y tá ra, tên cán bộ xà lim lại vào:
- Anh mang bát cơm kia ra. Cầm cả cái gáo ra lấy cơm, lấy nước.
Khi tôi cầm bát cơm ra, chân tôi đau quá đi khập khiễng. Y bảo tôi để bát cơm cũ xuống đất, lấy gáo lại thùng múc một gáo nước, rồi cầm bát cơm mới đi vào. Tôi nhìn trên bệ tường có 8, 9 bát cơm, tôi cầm một bát và đi vào. Y đóng cửa lại và nói:
- Ăn nhanh, 15 phút sẽ trả bát.
Tôi đói, từ hôm qua tôi không hề ăn uống gì, nhưng và miếng cơm vào mồm nhai, tôi không nuốt nổi. Mồm đắng hay cơm đắng" Nhưng nếu không ăn, chỉ có chết, nghĩ lại cố gắng nhai và nuốt. Tôi vừa nhai vừa nhìn bát cơm. Cơm thuộc loại gạo hẩm, nhưng không có độn, còn tốt hơn ở hàng cơm ngoài phố.
Cơm được đựng trong một chiếc bát to, đường kính miệng bát chừng 17 phân, cao chừng 7 phân, bằng chất gì như nhôm, màu xam xám, rất cứng (có thể là nhôm pha antimoan), hình đít bằng. Lượng cơm bằng chừng hai bát cơm nhỏ gia đình thường dùng. Một bát nhỏ như vậy nữa, cùng loại hợp kim và hình thể như chiếc bát to, đường kính khoảng 10 phân, cao 5 phân, thường thường đựng rau muống già nấu muối, đen xì. Bát canh nhỏ để chồng lên bát cơm.
Vì thế khi mở cửa ra, tù tay cầm một gáo dừa, đến thùng nước, múc một gáo nước mầu đen đen (sau này tôi hiểu là gạo rang cho cháy đen; một nắm nấu cho cả mấy trăm người uống), rồi đến cầm một bát cơm đi vào. Cán bộ ở đây gọi là quản giáo, sau khi đóng cửa cài then phía ngoài, lại tiếp tục mở buồng khác. Chừng 10 hay 15 phút sau, quản giáo lại đi mở từng buồng, để tù đưa bát ra chỗ cũ. Múc thêm gáo nước nữa. Cơm nước nấu ở khu nhà bếp, cũng do tù được tuyển chọn đảm trách, hầu hết là tù hình sự, hoặc là cán bộ can tội tham ô hủ hóa. Tôi cố ăn cũng chỉ được khoảng nửa bát cơm, và húp tí nước rau nấu.
Khi quản giáo mở cửa, tôi đưa bát ra, y chỉ:
- Để chỗ cũ!
Tôi không biết nên để cả đũa ở đấy. Y bảo tôi phải đưa lại chỗ “suốt cùm” để. Tôi liếc nhìn buồng bên cạnh, trước mỗi cửa buồng tôi thấy một đôi đũa treo lủng lẳng ở chỗ tay suốt cùm. Tôi không có dây, nên gác đại đũa lên trên cái suốt.
Khi vào buồng, dù người còn đau êm ẩm, chân vẫn còn đi tập tễnh, nhưng tôi vẫn thấy thoải mái hơn nhiều. Bây giờ tôi mới để ý kỹ cái cùm: Cùm là hai miếng sắt, mỗi miếng dầy 2 phân rưỡi, bản rộng 8 phân. Nửa dưới, nằm gắn liền với một bờ xi măng sát xuống sàn. Nửa trên, nối với một khâu bản lề, làm bằng chính hai miếng sắt ấy. Phía ngoài cùng, trông như cái hình mỏ vịt, được đục một lỗ dài để xập vào một cái khuy, làm bằng loại sắt vuông khoảng 1 phân rưỡi. Một thanh suốt chốt cùm bằng miếng sắt rộng 5 phân, dầy 1 phân. Từ phía ngoài tường thọc vào cái khuy sắt hình vuông kia cứng ngắc, bất khả nhúc nhắc, trừ phi bên ngoài có người rút chốt cùm. Đuôi chốt cùm lại có chốt, rồi lại một cái khóa nữa.
Buồng xà lim thường có hai sàn xi măng, cửa ở giữa. Trần xà lim cao 4 mét. Mãi tít gần sát trần, có một cái cửa sổ nhỏ, kích thước khoảng 60x25 phân. Có 5 chấn song sắt, đường kính 2 phân rưỡi, có lưới sắt che. Vì thế, ngay ban ngày, trong buồng chỉ lờ mờ, nếu không mở cửa lớn.
Cửa xà lim bằng gỗ lim, dầy 4 phân có nẹp đai sắt dầy. Giữa cánh cửa, chỗ ngang tầm mắt người đứng, có một cửa sổ nhỏ rộng 20 phân, cao 15 phân, có 6 song sắt con loại 1 phân rưỡi. Như thế, chỉ đút lọt một ngón tay. Bên ngoài có một miếng sắt mỏng mở ra, đóng vào che kín, có chốt. Tường dầy 50 phân.
Đây là công trình của thực dân Pháp xây. Bây giờ Cộng Sản dùng để cùm kẹp, giam giữ những người chống lại chúng.

Hai 25: Chấp Pháp Tại Hoả Lò

Khoảng 8 giờ sáng hôm sau, tiếng chìa khóa lẻng xẻng đi vào, cửa sổ con bật mở, lộ mặt tên cán bộ xà lim, y nói vọng vào:
- Mặc quần áo đi cưng!
Đêm qua tôi không sốt, nhưng người còn đau ê ẩm, phần khác trời nóng và buồng rất nhiều muỗi, nên suốt đêm người tôi lúc nào cũng đầy mồ hôi và không ngủ yên. Tôi đang mặc quần áo thì cửa mở.
Lúc tôi ra, một tên cán bộ áo vàng đang chờ ở cổng xà lim. Thấy tôi y lấy ngón tay ra hiệu cho tôi đi trước. Y đi phía sau, cất tiếng hỏi:
- Anh tên Đặng Chí Bình tức Lê Viết Hùng"
Tôi gật đầu:
- Dạ
Lão cán bộ này có đôi mắt lồi và cái môi vẩu hẳn ra. Y đeo lon Trung Sĩ.
Hôm tôi bị bắt là ngày Chủ Nhật, vì thế trên đường vào xà lim, tôi không nhìn thấy tù, họ ở trong buồng cả. Hôm nay, trên đường đi qua một cái sân nhỏ, tôi thấy ở góc sân 6, 7 người tù nữ đang lúi húi rửa soong, nồi trong một bể nước. Phía nhà bên cạnh 8, 9 người tù nữa với mấy cái máy may, may quần áo sòng sọc. Thấy cán bộ giong tôi đi qua, họ đều ngửng lên nhìn theo.
Đi qua mấy ngách nữa thì ra tới chỗ sân có giàn nho hôm trước. Dẫn đến trước một cửa phòng, y mở cửa bảo tôi vào.
Trong buồng, tôi thấy hai người đã ngồi chờ sẵn ở một cái bàn, trên đặt một cặp hồ sơ dầy. Một người tuổi chừng 30 mặc áo 4 túi bộ đội, người kia chừng 35 tuổi, mặc sơ mi trắng ngắn tay.
Thấy tay và chân tôi băng bó, chân đi tập tễnh, tên mặc áo sơ mi trắng có vẻ ngạc nhiên:
- Chân và tay anh làm sao thế"
Tôi thấy y có vẻ vờ, tôi nghĩ y phải biết, dù vậy tôi vẫn nói:
- Hôm kia, mấy ông bà cán bộ đánh tôi ở xà lim.
Cả hai đều như ngạc nhiên:
- Anh làm sao mà bị đánh" Có đau không"
Tôi thấy rõ thủ đoạn vờ vịt, nên trả lời thủng thẳng:
- Hôm nay đỡ rồi!
Tên mặc áo bộ đội chỉ một chiếc ghế đẩu trước bàn, bảo tôi ngồi, xong hắn tự giới thiệu:
- Tôi là Thành và ông cán bộ đây là Đức. Chúng tôi là Chấp Pháp Bộ Công An. Chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ và thẩm vấn anh, về những việc anh đã làm. Chúng tôi biết anh còn quá trẻ nên nhất thời ngây thơ, bị lũ tay sai Mỹ Diệm dụ dỗ, thúc đẩy đi ra Bắc làm hại cách mạng. Nhưng, với màng lưới nhân dân của cách mạng, không một kẻ nào, không một mưu mô nào của Mỹ Diệm mà không bị đập tan. Anh hiểu rằng, về tình báo, trong hàng ngũ của ngụy quyền tay sai của Mỹ Diệm, đầy rẫy những người của cách mạng. Cho nên, việc của anh chúng tôi biết rất rõ. Chúng tôi có đầy đủ hồ sơ tài liệu về anh.
Y hất hàm về chiếc cặp hồ sơ, rồi nói tiếp:
- Nhưng, với đường lối khoan hồng và giáo dục của đảng và nhân dân, chúng tôi muốn chính anh có trách nhiệm tố cáo, vạch ra hết những tội ác mà bọn tay sai Mỹ Diệm đã đẩy đưa anh ra ngoài này, để đắm mình vào tội phản nhân dân, phản Tổ Quốc. Đảng và nhà nước sẽ đánh giá sự ăn năn thành khẩn của anh. Chỉ có anh mới cứu được anh, không một thế lực nào, một kẻ nào có thể cứu được anh. Tuy vậy gặp anh buổi đầu hôm nay, thấy anh là một thanh niên có học, hiểu biết, cởi mở. Chúng tôi tin rằng sự quan tâm giúp đỡ của chúng tôi, sẽ rất tốt cho anh sau này. Riêng về việc anh bị hành hung trong xà lim, chúng tôi chưa biết rõ sự thể như thế nào. Nhưng, dù sao đó cũng là một việc làm sai trái đối với chính sách giáo dục của đảng và nhà nước. Chúng tôi sẽ phản ánh lên cấp trên, để có biện pháp xử lý. Bây giờ trước hết, anh hãy trả lời về những câu hỏi lý lịch…
Từ nãy, tôi vẫn cúi đầu nghe chúng nói. Tôi có chủ định từ trước, nên khi chúng hỏi về lý lịch, thân thế, tôi cứ khai thực. Sau khi chúng ghi xong phần lý lịch, tên Đức nghiêm trang:
- Bây giờ, chúng tôi cho phép anh được tự nói lần lượt: Ai tuyển mộ anh" Ai huấn luyện" Huấn luyện những gì, ở đâu, nhiệm vụ gì" Ra Bắc làm sao" v.v…Anh cứ nói!
Tôi cứ cúi gầm nghe chúng thuyết. Tôi tỏ vẻ thành khẩn ngoan ngoãn lắng nghe. Sau khi chúng giục hai, ba lần, tôi mới ngửng đầu lên nói:
- Thưa các ông, tôi tin rằng cách mạng đã hiểu hết những việc làm của tôi ở trong Nam, cũng như khi tôi ra Bắc. Tôi vì hoàn cảnh và cuộc sống, nhà nghèo, học hành thi cử mãi không đậu, cho nên phải vào lính tráng. Rồi có người giới thiệu, tôi cứ đi đại để kiếm ít tiền giúp đỡ bố mẹ già. Tôi đã là nhi đồng ở quê tôi, tôi đã đỗ bằng Tiểu Học với hạng ưu dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Từ nhỏ, tôi vẫn ngưỡng mộ hình ảnh các anh bộ đội, cho nên sau này, khi lớn lên, dù vì hoàn cảnh tôi phải nhận trách nhiệm của họ. Tôi vẫn nhủ thầm trong lòng rằng, nếu tôi không làm gì được có lợi cho xã hội chủ nghĩa, thì dứt khoát cũng không bao giờ làm hại cả. Cũng vì vậy, khi tôi ra miền Bắc, tôi chẳng hề làm cái gì. Tôi nhớ Hà Nội, tôi chỉ đi thăm các thắng cảnh, cái di tích lịch sử mà buổi thiếu thời tôi đã thường đi chơi. Nhiều lúc, tôi thật chán nản, định gặp anh cảnh sát nào đó, sẽ nói cho anh rõ là tôi ở trong Nam ra. Nhưng, những năm tháng tôi sống ở miền Nam, họ nói Cộng Sản rất ác độc, hay giết người, tôi lại cứ đắn đo, e dè, sợ sệt. Đầu óc tôi cứ rối bung lên, chả biết phải làm sao. Bây giờ, gặp các ông xin thành thật nói hết những gì tôi biết mà nhà nước yêu cầu.


Mặt chúng nó rất tươi khi nghe tôi nói, chúng gật gù:
- Được, Như thế là tốt cho anh, bây giờ bắt đầu làm việc.
Tôi có vẻ ngơ ngác:
- Khai từ đâu" Từ lúc đi học, hay từ lúc ra miền Bắc"
Chúng lừ mắt nhìn tôi:
- Từ lúc cơ quan tình báo Sài Gòn tuyển mộ anh, huấn luyện gì, ở đâu và ai huấn luyện" Khai sơ lược và nhanh.
Tôi chậm chạp, vừa suy nghĩ vừa nói:
- Tôi ở đại đội thám báo của Sư Đoàn 7 bộ binh. Quen Trung úy Xương bên Nha An Ninh Quân Đội. Ông này đã giới thiệu cho một người tên Hòa, mặc thường phục, đến tuyển mộ tôi, đầu năm 1962. Huấn luyện suốt 3 tháng liền về hoạt động bí mật, về một số tính năng của các loại vũ khí, mìn của miền Bắc thường dùng, về địa đồ, chấm tọa độ v.v… Rồi sau đó chuẩn bị công tác ra Bắc, với nhiệm vụ theo dõi Sư Đoàn 308 phòng thủ, Thủ Đô Hà Nội do tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy. Ngày 20 tháng 5, tên Hòa đưa tôi ra trường bay Tân Sơn Nhất để ra Huế. Rồi từ Huế đưa ra khu phi quân sự. Lợi dụng một đêm mưa to, tôi lội qua sông Bến Hải, sáng hôm sau đáp xe đò đi từ thị trấn Vĩnh Linh.
Tôi cứ khai, chúng cứ ghi, chúng thường giục tôi nói lướt, nói nhanh, trong khi tôi định khai chi tiết. Vì thế, tôi cũng nói lướt đi. Thấy tôi ngừng, tên Thành nhắc:
- Tiếp tục!
Tôi nói tiếp:
- Tôi ra tới Rỏn, rồi không có xe, tôi phải đi bộ từ Rỏn ra tới Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trên đường đi tôi gặp một anh tên là Trí (tôi phải nói rõ chỗ này, vì chúng nó đã biết tôi trở vào Vinh đến ngủ nhà Trí), từ Hà Tĩnh đi Vinh, rồi đi Hà Nội. Ngày 31 ra tới Hà Nội, ngủ nhà trọ số 5 Hàng Dầu, rồi Hàng Quạt v.v...
Tôi nhất nhất thuật lại. Tôi chỉ nói rõ có vào nhà thương Việt Đức có một lần (mà chúng đã biết), còn lại, đi chỗ nào, nơi nào, tôi kể hết cho tới khi bị bắt.
Dù chúng giục tôi nói nhanh những điểm chính thôi, thế mà lúc chúng bảo tôi về nghỉ cũng đã 12 giờ rưỡi trưa rồi. Tên Đức ra ngoài, lát sau, một mụ cảnh sát đeo quân hàm Trung sĩ đến, ra hiệu tay bảo theo mụ. Đi qua khu nữ, tôi thấy mấy người tù nữ chạy ra đon đả với mụ:
- Báo cáo bà Hoa, cái túi của bà chúng cháu đã khâu rồi ạ.
Mụ gật đầu:
- Được rồi!
Mụ Hoa nói tiếng miền Nam, chắc là loại cán bộ tập kết. Mụ dẫn tôi vào cổng xà lim, tay mụ xách chùm chìa khóa, đến buồng tôi mụ mở cửa. Lúc đó đã gần 1 giờ, nên cán bộ trực xà lim đã về. Khi mụ đóng cửa, tôi nhìn thấy bát cơm ai đã để sẵn trên sàn.
Hôm nay, tôi ăn được 2/3 bát cơm và hết bát canh rau lá cải già. Trong gáo còn tí nước hôm qua, đành uống đỡ. Xong, mệt quá, tôi nằm ngả lưng một tí. Từ lúc về, ăn cơm cho tới bây giờ, tôi cứ băn khoăn. Tại sao chúng bắt tôi khai nhanh như thế để làm gì" Chúng không cần chi tiết ư" Tôi suy đoán lung tung, rối cả óc. Nhưng, có một điều là tôi phải nhớ hết những gì đã khai.
Vừa nằm được phút, đã lại thấy mở cửa. Tên mắt ốc nhồi bảo tôi đi cung. Khi tới phòng hỏi cung lúc sáng, tôi đã thấy tên Thành và tên Đức ngồi đấy, cũng với cái cặp hồ sơ dầy cộm trên bàn.
Tên Thành chỉ chiếc ghế đẩu trước bàn bảo tôi ngồi. Tên Đức giở hồ sơ:
- Bây giờ, anh khai lại chi tiết từ nhỏ theo chúng tôi hỏi.
Hết tên này hỏi lại đến tên kia, nhất là chỗ nào chúng chưa rõ, chỗ nào chúng cho là không hợp lý. Lần này thì chúng hỏi quá chi tiết, cả những việc tôi nghĩ không cần thiết như chơi đùa, bạn với ai, tính bố, tính mẹ, tính thầy giáo v.v…; từ lúc tôi còn 6, 7 tuổi trở đi… Ngược lại, lần này, nhiều chỗ tôi lướt đi thì chúng lại hỏi kỹ.
Tới 5 giờ chiều, tên Đức đọc lại cho tôi nghe và bắt tôi ký. Chúng cho tôi về, 6 giờ lại gọi lên, tiếp tục cho tới 9 giờ tối. Ngày nào cũng 3 buổi, tôi mệt rã rời. Chỗ chân tôi vết thương lại làm mủ rất đau nhức, chả có thuốc gì ngoài thuốc đỏ.
Cứ liên tục đi cung ngày ba buổi, cả thứ Bảy, Chủ Nhật, 16 ngày liền, tôi mới chỉ khai được tới chỗ tôi bị bắt. Lúc đó đã sang giữa tháng 7/1962, tôi bị bắt vào ngày 24 tháng 6, như thế tôi đã ở trong xà lim hơn 20 ngày rồi. Người tôi đã gầy hẳn đi, dù rằng bây giờ, tôi đã ăn hết cơm, và còn vẫn đói. Điều chính là vì xà lim thật nóng và nhiều muỗi. Suốt đêm, tôi phải cởi trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại. Cái sàn nhớp nháp trắng cả ra vì mồ hôi của tôi. Mồ hôi tôi đêm nào cũng chảy ướt hết cạp quần, thế mà vẫn phải lấy áo đắp vì muỗi. Suốt đêm, giấc ngủ không yên, chỉ có cái áo vừa khua muỗi vừa đắp; lại còn đầu óc căng thẳng vì cung kẹo hàng ngày.
Một hôm, tôi đi cung về, tên Nhiễm Hạ sĩ coi xà lim mở cửa buồng rồi nói:
- Anh có gì trong này mang hết đi!
Tôi có quái gì ngoài một bộ quần áo sọc cũ, chiếc khăn mặt và cái lược sừng con. Tôi ôm đồ ra. Dẫn tôi đến buồng số 5, y mở cửa, vào phòng tôi thấy trong đó đã có một người, chừng 45 tuổi, trần trùng trục, mặc mỗi cái quần đùi đen. Khi lão Nhiễm đóng cửa, tôi quay lại nhìn người đàn ông, ông ta cũng chột một mắt như Phan Thanh Vân. Ông hỏi tôi thân mật:
- Anh bị bắt vào lâu chưa"
Tôi cũng tình cảm:
- Hơn 20 ngày rồi, còn Bác"
Ông chậm rãi:
- Gần 2 tháng.
Tôi tiếp tục:
- Bác bị bắt vì tội gì"
- Vượt tuyến vào Nam. Còn anh"
- Vượt tuyến ra Bắc…
Cả hai cùng cười, tôi hỏi nhạt:
- Thế mà gặp nhau ở một điểm!
Nhìn cái túi vải to ở đầu sàn ông ta, tôi nhẹ nhàng hỏi:
- Bác ở đâu"
Ông ta có vẻ thận trọng:
- Chợ Mơ!...
Giữa lúc đó cửa buồng mở. Giờ lấy cơm. Cái gáo dừa của tôi lần này bé quá, chỉ bằng 2/3 cái trước. Tôi không có đũa, phải xin lão Nhiễm cho tôi lấy đôi đũa ở đầu cùm buống số 6 cũ của tôi.
Tôi được biết tên ông chột mắt là Hoàn, Lê Văn Hoàn. Sau khi cửa buồng đóng, mỗi người một sàn, đều để bát cơm lên cái cùm ngồi ăn.
Tôi thấy ông ta giở túi lấy ra một gói bánh mì khô đã cắt thành từng miếng nhỏ. Ông ta lấy hai miếng để ăn thêm với cơm. Chỉ có 2 người một xà lim, cho nên đương nhiên phải nói chuyện. Phần tôi, do phản xạ nghiệp vụ nên luôn luôn cảnh giác. Nếu là khổ nhục kế hay các thủ đoạn moi tin thì đừng hòng!
Tôi tự đặt cho mình một nguyên tắc là dù tù giả hay tù thật, tôi cũng không bao giờ nói những gì tôi không khai với chấp pháp. Tôi cũng phải xác minh xem ông Hoàn này là tù thực hay tù giả.
Qua những câu chuyện trao đổi, tôi được biết, ông Hoàn là cán bộ lưu dụng, y sĩ thú y, quen biết nhiều người trong chế độ cũ đã đi di cư vào Nam. Ông có bằng trung học trước đây, nên Pháp văn cũng khá. Ông có vợ con và nhà ở vùng chợ Mơ, ngoại thành Hà Nội. Vì cách đối xử phân biệt kỳ thị cán bộ trong ngành nên ông buồn, công tác tiêu cực, nên cuối cùng bị cho về vườn. Ông cố gắng chịu đựng cảnh túng nghèo, nhưng cuộc sống càng ngày càng bế tắc. Ông nghĩ tới những bạn bè đã đi vào Nam, rồi từ đó đưa đến ý tưởng vượt tuyến. Tư tưởng ra đi cứ nhen nhúm âm ỉ cho tới một ngày, ông gặp lại một người bạn học cũ, cũng đang sống lất lây ở Hải Phòng lên chơi. Hai người đã tâm sự luận bàn suốt cả đêm, rồi sau đó đã hoạch định một cuộc vượt tuyến vào Nam. Đến ngày đi, vì tình cảm bịn rịn vợ con, ông đã ăn một bữa cơm từ biệt và dặn dò vợ con. Đứa con trai út 10 tuổi của ông đã vô tình nói với bạn nó. Từ đấy, công an biết và theo dõi. Hai ông đi đến Thanh Hóa thì bị bắt.
Nghe ông kể lại chuyện của ông, tôi chả đặt vấn đề là tin hay không tin gì cả. Cứ như là nghe cho biết vậy thôi. Phần tôi, tôi cứ thực hiện nguyên tắc đã tự đặt cho mình. Nghĩa là, tôi cũng kể sơ cho ông nghe (những điều tôi đã khai với chấp pháp) là tôi ra Bắc có nhiệm vụ về quân sự. Vì có thiện cảm với xã hội chủ nghĩa, nên tôi chẳng muốn làm gì, chỉ thích đi chơi, đi lang thang khắp Hà Nội…
Rồi tương kế, tựu kế, giả như ông ta là người của Cộng Sản làm khổ nhục kế để moi tin, thì qua ông, tôi đã “vờ” thổ lộ được những tâm sự “rất thành khẩn”. Nào là: Xã hội chủ nghĩa thật công bằng, ai cũng như ai, không có kẻ giàu người nghèo như trong Nam. Bác Hồ sống thật giản dị, uy tín của bác thật lớn. Trong tự điển Anh và Pháp cũng thấy nói đến tên bác. Các nhà văn, nhà thơ ít vào miền Nam, hầu hết đều ở miền Bắc, theo kháng chiến. Như vậy, chế độ miền Bắc là chính nghĩa.v.v
Để biết rõ ông Hoàn này là thực hay giả, nên trong những ngày chung đụng chuyện trò, một lần tôi giả vờ “vô tình” tiết lộ một điều mà tôi chưa hề khai với chấp pháp: Đó là chuyện hồi 1954, tôi được đón vào Bình Xuyên theo Trung úy Nghĩa.
Còn đối với chấp pháp, qua cách hỏi cung của họ, tôi nắm được một cách chắc chắn là họ không biết gì về tôi cả. Vì thế, họ lần mò từ những sự kiện nhỏ nhặt, những mâu thuẫn, câu nói, những sơ hở… của tôi, để từ đấy hòng phanh phui để biết cái thực về tôi.
Điều quan trọng đối với tôi là phải nhớ những điều gì mình đã khai ra, và những điều gì mình chưa hề khai, sao cho hợp lý. Nhiều khi phải vờ quên một sự việc này để che lấp một sự việc kia; hoặc làm ra vẻ ngây thơ non dại để dùng một sự kiện kia làm sáng tỏ sự việc này v.v… Nói chung, đây chính là một cuộc đấu tranh bằng mưu mô, thủ đoạn, giữa một bên là một mình tôi và bên kia là cả một tập thể phòng 44, phòng chấp pháp chính trị của Hà Nội. Cho nên, đầu óc tôi luôn luôn căng thẳng. Những lần đi cung, tôi cũng mắc phải nhiều sai lầm. Có những sai lầm trầm trọng.
Trong cuộc đấu trí này, tôi bị yếu thế về nhiều mặt như: Tôi hoàn toàn bị động, họ chủ động mọi mặt. Tôi chỉ như một con chim ở trong lồng, họ có đủ mọi ưu thế của một người cho ăn, hay để cho chết đói hoặc khát. Họ có đủ kiểu cách để biết chỗ yếu của con chim ở trong lồng kia để từ đó, chỉ huy con chim theo ý người. Vả lại, tuổi đời tôi vẫn còn trẻ, vẫn còn bồng bột ngây thơ, chưa hiểu biết mọi mặt của cuộc đời; Tuổi “nghiệp vụ” cũng chưa được bao nhiêu, vẫn còn ấu trĩ và chưa hiểu đủ về Cộng Sản.
Tôi cố suy nghĩ, tìm ra những cái ưu của mình và tăng cường phát huy tối đa để phần nào xóa bớt những cái nhược trên. Tôi phải tỉnh táo sáng suốt, nhìn rõ mọi sự việc để đối ứng; kiên trì chịu đựng đau thương gian khổ; nâng cao ý chí căm thù giặc cộng. Lấy ý thức Thiên Chúa Giáo và lý tưởng tự do làm cứu cánh.
Sau những ngày tôi phải khai báo chi tiết toàn bộ, một hôm, gần cuối tháng 7 (1962), chúng gọi tôi lên. Lần này, chỉ có tên Đức và một tên cảnh sát lạ mặt đội mũ cối cùng ngồi trong phòng với hắn. Tên Đức chỉ tôi ngồi, rồi nói:
- Bây giờ, chúng tôi yêu cầu anh, mỗi ngày hai buổi lên đây. Anh sẽ ngồi viết bản tự khai chi tiết về toàn bộ cuộc đời anh: Ở nhà quê đi học thế nào" Ra Hà Nội, làm gì, với ai và ở đâu" Vì sao vào Nam, làm gì" v.v…Tất cả mọi vấn đề cho tới lúc đi lính, vào tình báo, rồi ra Hà Nội. Ra Hà Nội làm những cái gì" Đi những đâu" Tiếp xúc với những ai" Cho tới khi bị bắt…
Hắn cao giọng:
- Anh sống hay chết, buồn hay vui của đời anh bây giờ là bản viết này đây. Vậy, phải cố gắng để hưởng lượng khoan hồng, của đảng và nhà nước. Đảng và nhà nước đang mở cửa chờ anh. Anh có toàn quyền viết khác hẳn những lời, những việc đã khai báo trước đây, hoặc những chỗ khi khai báo đã lú lẫn quên đi. Hàng ngày sẽ có một đồng chí cảnh sát ngồi đây với anh. Có yêu cầu gì về giấy bút, hoặc xin đi vệ sinh, phải báo cáo với đồng chí cảnh sát, đồng chí đó sẽ giải quyết. Thái độ viết phải khẩn trương, nhưng không hạn chế thời gian.
Tôi luôn miệng vâng dạ, tỏ ra rất ngoan ngoãn dễ bảo. Từ đó, cứ ngày hai buổi: Sáng từ 8 giờ, mụ Hoa hoặc tên mắt ốc nhồi (sau tôi biết tên hắn là Bằng), đôi khi một mụ khác tên là Thơ, Trung sĩ coi khu nữ vào dẫn tôi đi, cũng như dẫn về. 12 giờ trưa về, 1 giờ lại đi và chiều 5 giờ về. Ngày 8 tiếng, Chủ Nhật nghỉ. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.