Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

29/05/200700:00:00(Xem: 2556)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Tôi uể oải chầm chậm lê chân theo phố đó. Đến một hàng nước chè bên hè, tôi ngồi đại xuống, lật ly nước chè cho bà hàng rót, rồi đầu cứ cúi gầm như sắp ốm bệnh. Chừng một lúc, tôi nhấc chân cho sẳn ra ngoài ghế, rồi bất chợt quay ngoắt ra đường, dựa lưng vào bàn nước.
Ở trong cửa, ngay nhà đối điện, cô gái đuôi sam đang ngồi ghế nhìn thẳng sang phía tôi. Cô vội vàng cầm tờ báo trước mặt giơ lên, làm ra vẻ đang đọc để che mặt. Thật đáng buồn cho cô, tờ báo lại ngược, không biết cô đọc làm sao" Cô bị lúng túng chỉ vì tôi cố tạo cho cô tưởng rằng tôi đang ốm bịnh. Dáng điệu chậm chạp đang gục đầu, nhưng bất ngờ quay lại. Đây là việc làm của một người thiếu chín chắn, sau này tôi ân hận mãi ở trong tù. Tôi vẫn còn lạ lùng là tại sao, nhà nào họ cũng vào được" Chẳng lẽ nhà dân ai cũng biết họ là công an mật" Hay họ có dấu hiệu gì đặc biệt, để nhà dân nào cũng phải cho họ vào"
Tôi rẽ về lối chợ Đồng Xuân, đã 4 giờ 30 chiều, thấy một đám đông ồn ào, tôi ghé lại. Tôi không thấy cảnh sát, chỉ thấy người ta đang chỉ trỏ 6 hộp sửa bò “Nestlé” (hiệu con chim, của Pháp) còn mới. Hộp nào cũng mở hé ra, toàn nước bùn đất. Một ông đỏ mặt tía tai, hai tay chống mạng sườn, chõ mồm chửi vào đám đông: “Ông mà bắt được mày, thì ông vặn cổ ra!”. Tôi chẳng hiểu đầu đuôi xuôi ngược. Hỏi người đứng đấy, họ cũng lắc đầu. Sau tôi nghe loáng thoáng đâu: Nó ngâm nước, bóc nhãn hộp sữa ra, đục hai lỗ nhỏ rồi rút hết sữa, cho bùn nước vào, lấy sáp bịt lỗ rồi dán giấy lại như mới.
Tôi đã thấy những chuyện như vậy, ở Hà Nội bây giờ không có gì là lạ lắm nữa, nên bỏ đi. Khi tôi xuống tới bờ hồ, mặt trời đã nằm dài trên những chòm cây phía Tây. Ánh nắng xiên khoai chọc tút mãi vào những hốc sâu hoắm, của cây đa già đền Bà Kiệu. Chiều hôm nay gió lộng, cả ngày trời Hà Nội nóng như nung, nên buổi chiều, bờ hồ thật đông đúc, đầy cả người. Trước lúc về nhà trên đường từ xí nghiệp, nhà máy tan ra. Công nhân thường ghé đây 5, 10 phút để đón ngọn gió hồ chiều. Cho vơi đi phần nào những giờ lao động mệt nhọc.
Tôi ghé vào hiệu “Bách Hóa Tổng Hợp” ở bờ hồ. Đây là căn nhà to, ba tầng của một người đã di cư vào Nam, được sửa lại làm nhà bách hóa lớn nhất Hà Nội. Ai đã từng ở tỉnh xa ra Hà Nội mua hàng, cũng đều ghé vào đấy.
Tôi rất lạ! Rất nhiều loại hàng tốt, cần thiết bày trong tủ kính có đề giá bán hẳn hoi, nhưng lại để mảnh giấy con ghi: “không bán”. Vừa đi vừa suy nghĩ mãi. Lúc tôi leo cầu thang lên tầng hai, tầng ba, thỉnh thoảng tôi cũng thấy người ngoại quốc đi vào. Chả biết là người Liên Xô hay là người các nước "xã hội chủ nghĩa" Đông Âu" Phải chăng, Cộng Sản chỉ cốt bày hàng để tuyên truyền, hay vì hàng cần thiết, nên họ đã chia nhau mua hết" Các hàng vớ vẩn thông thường thì nhiều.
Mặc dù tiếng loa luôn nhắc nhở khách hàng coi chừng kẻ gian móc túi, vậy mà chỉ trong vòng nửa giờ, tôi đã thấy một người kêu ầm lên mất ví, và lại một lần ở tầng hai, thấy ồn ào, bảo đuổi bắt tên ăn cắp. Tôi cũng phải sờ tay để ý vào cái ví của tôi, kẻo lỡ có ít tiền nó mượn mất, thì thật khó khăn. Một ý nghĩ làm tôi mỉm cười: Gián điệp lại bị cắp móc ví! 6 giờ 30, tôi thấy hơi mệt vì đã đi cả ngày, tôi ghé về Cầu Gỗ ăn cơm, rồi ra xe điện về Ngã Tư Sở.
Vào buồng, lúc sắp ngủ, vì tối, tôi rờ tay dưới gầm bàn vẫn thấy còn chiếc máy, không hiểu có thay băng chưa" Đợi sáng mai, tôi xem mới biết.

Chương 21: Tài Liệu “M”, Đối Tượng Là Ai"

Buổi sáng hôm sau, là ngày 14 tháng 6, chỉ còn một ngày nữa là đến hẹn. Hôm nay, tôi lại phải ra bờ hồ. Trước khi đi tôi cúi xuống xem chiếc máy. Họ chủ quan, cho là tôi không biết, nên lúc dán băng keo, lại dán dịch đến 3 phân so với chỗ hôm qua.
Tôi ra đường, sáng hôm nay trời Hà Nội thật đẹp, không mưa không nắng. Không khí dìu dịu làm tỉnh lòng người. Giữa mùa Hè oi ả, có một ngày thế này ai cũng thấy dễ chịu.
Tôi lại thả bộ về bờ hồ. Khi tới ven hồ, tâm hồn tôi cũng ngây ngất với thiên nhiên. Gió hiu hiu của buổi ban mai mùa Hè như mơn trớn da thịt mọi người. Tôi hiểu là hiện giờ cơ quan phản gián của Hà Nội, đang đặt ra nhiều câu hỏi về tôi. Họ chỉ thấy tôi lang thang đây đó suốt ngày, chẳng giao thiệp với ai, chẳng vào cơ quan nào, cứ như là đi tham quan Hà Nội vậy. Để cho chủ trương của tôi sau này thêm hữu hiệu, mắt tôi mơ màng nhìn cảnh vật, trong khi chân bước đều đều từ nhà Thủy Tạ dọc Lê Thái Tổ xuống Trường Thi.
Khi tới một cây phượng vỉ bên hồ, tôi thấy hai hòn đá to ngày xưa, lúc còn nhỏ, tôi vẫn thường ngồi đấy câu tôm, bây giờ vẫn còn đấy. Tôi đứng trước hai hòn đá nhìn chăm chăm một lúc, như thiết tha, như quyến luyến cảnh cũ, rồi cúi xuống lấy tay nhè nhẹ vuốt sờ. Sau đó, tôi lùi ra xa mấy bước, lại đứng nhìn, như gửi gấm, hàn huyên gặp lại cố nhân. Tôi đưa mắt từ gốc cây lên đến những bông hoa đỏ ối. Ôi! Những cánh phượng của tuổi học trò. Tôi nhớ mãi câu thơ chẳng biết của ai: Đây mùa phượng vĩ xa xôi. Đây tình niên thiếu, tình tôi nhớ… người.
Tôi cúi xuống nhặt một cánh phượng rơi theo gió, đưa lên mũi ngửi, rồi mở cuốn sách trìu mến, nhẹ ép vào. Tôi biết lúc đó, ít nhất có 10 con mắt ở xa hoặc gần đang chăm chú quan sát từng cử chỉ hành động của tôi, để về tường thuật báo cáo. Những tên ở bàn giấy và thường ra lệnh sẽ phải điên đầu. Chả lẽ, một tên gián điệp, một sống hai chết xâm nhập Hà Nội để nhặt cánh phượng vĩ rơi ép vào sách" Nhưng đó là thực tế đấy!
Tôi cứ lững thững đi dọc ven hồ, xuống Trường Thi rồi quẹo lên phía bưu điện. Hai cô gái ở chiếc ghế đá cười với tôi, rồi một cô vời vời. Chà, tôi hiểu ngay hai cô là gái kiếm tiền, nhưng các cô không biết tôi đang là con "vi trùng bệnh dịch hạch" hay sao" Các cô mà mó tới tôi bây giờ, là đời các cô sẽ vào …ấp. Để tránh cho các cô, tôi nghiêm mặt coi như không biết, đi thẳng. Các cô còn nguýt theo, tưởng tôi mô phạm, làm cao. Đến cầu Thê Húc, tôi lên cầu, vào chùa. Lang thang ra mãi phía các gốc si già, tôi trèo ra những gố si là là mặt trước.
Tôi nhớ lại ngày 14-7-1953 lúc trước, Pháp và quân đội quốc gia (lúc đó thuộc Liên Hiệp Pháp) tổ chức ngày Quốc Khánh Pháp ở Hà Nội. Trên bờ, có trưng bầy một số vũ khí và 10 chiếc xe “Molotova” còn mới tinh, ở chỗ quán Mụ Béo và nhà Thủy Tạ. Họ nói đó là chiến lợi phẩm thu được của Việt Minh. Dưới nước, ngày hôm đó Pháp chở đến 10 chiếc ca nô loại đổ bộ, chạy xé nước rầm rầm. Trong khi trên trời máy bay biểu diễn cho lính nhảy dù xuống hồ. Chúng tôi còn nhóc, ngây ngất say sưa, lang thang đi xem. Điều đặc biệt: Hàng trăm con rùa lớn nhỏ ở trong hồ, xưa nay sống cuộc đời yên tĩnh. Hôm ấy, tiếng máy ca nô chạy gầm rú ầm ầm, chắc làm các “cụ” nhức đầu, nên cứ chúi vào chỗ mấy gốc si già mọc chằng chịt dưới nước, phía sau đền. Thỉnh thoảng ngộp quá, rùa phải thò đầu lên để thở. Con to, con nhỏ, có con đầu to tướng, hai mép vàng khè. Chúng tôi cứ ngồi sẵn trên những cành si sát mặt nước, chờ “cụ” nào thò đầu lên lại sờ một cái. Có lần một “cụ” đầu mốc meo thò lên đụng ngay vào tay tôi, làm tôi giật mình, suýt ngã xuống hồ. Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi gọi nhau tíu tít từ phố Hàng Bạc ra, để sờ đầu… rùa.
Tôi trở ra, vòng lại cầu Thê Húc. Đứng trên cầu, nhìn làn nước xanh rì, từng ngọn sóng nhấp nhô, như cau mày giận hờn, phản đối lũ cầm quyền tàn bạo, khát máu người dân.
Ngày xưa, đã hơn một lần tôi thắc mắc, tại sao nước hồ Hoàn Kiếm lại xanh như vậy" Và tôi được trả lời: Một số các nhà địa chất, sau khi thăm dò nghiên cứu những mẩu đất đá nhiều nơi tại Hà Nội, đã kết luận rằng: Chếch ngang phía dưới lòng hồ là một mỏ đồng. Nếu bây giờ khai mỏ, cả khu trung tâm, nghĩa là một nửa thành phố Hà Nội, sẽ không còn. Vì thế, nước hồ Gươm muôn đời vẫn xanh, xanh hơn cả nước biển khơi.
Ra tới đầu cầu, tôi nhìn khoảnh đất nằm dài hình chữ “T” giữa cầu và đền Bà Kiệu, xưa kia những ông đồ già, ngồi lom khom viết câu đối và mấy người bày những bàn cờ thế, để thách thức khách thập phương. Cảnh cũ còn đây, nhưng người xưa đâu thấy! Chỉ có “đôi vợ chồng” quen mặt, tôi đã gặp ở ngỏ Hàng Giầy khi đi ăn cháo, đang ngồi như tâm sự yêu đương trên một chiếc ghế xi măng, cạnh gốc phượng già.
Mặc chúng mày! Tôi rẽ xuống vườn hoa Con Cóc, để chuẩn bị một địa thế thuận tiện cho ngày hẹn ước, trao tài liệu “M”. Sau một hồi loanh quanh, tôi đã tìm được một chỗ ưng ý. Tôi trở ra đường Đinh Tiên Hoàng, đón tầu điện đi thẳng xuống Bạch Mai. Khi tầu điện đi qua rạp Majestic cũ, bây giờ đổi tên là rạp Tháng Tám, đang trình chiếu cuốn phim “Cô Gái Lọ Lem” của Rumaine. Ở Sài Gòn tôi đã xem rồi, nhưng do Pháp thực hiện; giờ thử coi của Rumaine xem sao" Tôi nghĩ như vậy, nhưng vẫn ngồi trên xe điện đi thẳng xuống chợ Hôm. Đường phố đây thực bụi bặm rác rưởi. Ngó sang rạp xi nê Hà Nội, trông lại càng tiêu điều hơn. Một vài tấm bích chương quảng cáo treo trên tường cũ mèm, rách tả tơi, lưa thưa dăm đứa trẻ chơi đùa ở trước cửa rạp.


Tôi rẽ vào khu chợ trời. Ôi, thật là hỗn độn, hổ lốn, lộn tùng phèo đủ mọi loại người chen chúc. Đây đó, thấp thoáng trong cái xô bồ của một bãi rộng, là những anh chàng cảnh sát đồng phục mầu vàng, và những anh những chị mặc thường phục đeo băng đỏ, xông xáo chạy lăng xăng. Thế mà chuyện cắp trộm, lừa lọc vẫn thường xuyên xảy ra. Chỗ này, một anh cảnh sát đang lập biên bản giữ một chiếc xe đạp, của anh phó chủ nhiệm một hợp tác xã, mua phải xe ăn cắp. Chỗ kia, mấy anh du kích đang giong đi đám đông, một tên ăn cắp chừng 20 tuổi bị trói tay. Trong lúc chen lấn, lợi dụng sự đẩy xô của đám đông, tôi ôm chầm vào vai của một cái “đuôi”, làm cho anh chàng lúng túng, lủi lẹ. Khi y phải tường thuật báo cáo, chỉ huy của chúng sẽ càng phải đau đầu với tôi.
Rời khu chợ trời, tôi trở ra phố Huế, về rạp Tháng Tám, tôi lấy vé vào xem. Trình độ nghệ thuật Thứ Bẩy của Rumaine còn khá hơn của Liên Xô, nhưng phần cuối của nội dung cuốn phim có phần đổi khác. Làm sao cô bé Lọ Lem này, ở trong chuyện cổ tích xa xưa, lại có một số lời nói và hành động cứ như là, thích chủ nghĩa Cộng Sản ấy. Xin chịu thầy!
Tôi về Hàng Buồm ăn cơm tối. Thấy một nhà trọ ngay cùng phố, tôi thuê một phòng giá 1 đồng 20, không về Ngã Tư Sở nữa. Ngày hôm sau, 15 tháng 6, tôi hơi mệt, định nằm luôn nghỉ một ngày, nhưng nghĩ đến ngày mai là ngày ước hẹn, hôm nay nằm nhà, mai đi sẽ gây cho các “đuôi” đặt vấn đề hơn. Ngày nào cũng đi lang thang mới là chuyện bình thường, Nghĩ thế, tôi ra đón xe điện đi Cầu Giấy, tôi lang thang đi bộ vào chùa Láng. Cảnh chùa thật vắng lặng đìu hiu. Nơi đây những hội hè tấp nập năm xưa, chỗ hẹn hò lôi cuốn bao nhiêu trai gái Hà Thành, bây giờ hương khói vắng tanh thế này" Thế mà từ góc một bức tường rêu, thập thò ở gốc cây muỗm già sát bờ ao, lấp ló trong bụi dâm bụt phía sau chùa, vẫn những bộ mặt chó chết của lũ cộng thù. Chẳng qua vì cái thế, ta phải tạm chịu các ngươi, chứ trong lòng ta vẫn coi thường các ngươi!
Đến đây, tôi nhớ đến mấy câu thơ của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cháu xin phép cụ đổi vài từ trong bài “Khôn Dại” để phù hợp với tâm tạng của cháu lúc này:
“Ở đời, biết ai là dại, biết ai là khôn"
Khôn ấy hết thời, khôn ấy dại.
Dại mà gặp thế, dại mà…khôn.
Đố ai biết được, ai khôn dại.
Mới lọ là người biết dại…khôn!”
Gần trưa, tôi thả bước về đền Voi Phục, tìm lại dư âm của buổi ấu thời. Ngay từ cổng dẫn vào chùa, hai chú voi đá, một chú đã sứt vòi vẫn nằm đấy, vẫn rêu phong cùng tuế nguyệt. Nhìn vào phía trong, mái chùa long lở đen xì, cạnh những tàng cổ thụ khòng khèo vì dãi dầu với năm tháng. Xa xa về phía trái của đền, những mầu đất đỏ au đây đó, lẫn vào mầu xanh bạt ngàn của cây lá. Đó là công viên Thủ Lệ, bởi nhà cầm quyền Cộng Sản đang vận động, thúc đẩy hàng chục ngàn thanh niên nam nữ nội, ngoại Thành đến công trường lao động hằng ngày, để tạo lập công viên. Trong chùa, cũng loáng thoáng dăm ba người, có thể là những người thích thiên nhiên, hoặc danh lam thắng cảnh của đất nước, hay có khi chỉ là người vào trú những cơn nóng Hè.
Bình thường khi đến thăm một ngôi đền cổ, sau khi chiêm ngưỡng những đặc cảnh của đền, tôi thường vào thăm hỏi các vị tu hành, hoặc người trông coi ngôi đền đó. Nhưng ở đây, tôi không được phép, vì ý thức trách nhiệm, biết sẽ gây khốn đốn, khó khăn cho các vị sau này. Cho nên, tôi đành ra một cháng dây đa già, đang nghiêng mình nằm sóng xoài nơi bóng mát hữu tình, như mời gọi người lữ hành mệt mỏi cơ thể, cũng như tinh thần vì những chuân chuyên, chìm nổi của cuộc đời.
Tôi ngồi đăm chiêu suy nghĩ đến ngày mai. Nhiệm vụ tôi xâm nhập Thủ Đô hoạt động, nơi đầu não của chế độ Cộng Sản Việt Nam, đã thực hiện ngót ngét nửa phần. Còn tài liệu “M” nữa. Ngày mai, tôi cầu xin anh linh của dân tộc, khí thiêng của sông núi cho tôi hoàn thành nhiệm vụ, rồi thân xác của tôi có theo về với gió bụi, tôi cũng cam lòng. Gọi là để đóng góp phần nhỏ bé của một thanh niên vô tên tuổi, khi quê hương, đồng bào rên xiết lầm than, trong bàn tay đầy máu của lũ giặc cộng. Để khỏi thẹn mặt, cúi đầu trước mặt Cha Anh và các chiến hữu, đã nằm xuống cho tự do của mọi người. Đất nước, dân tộc đau thương, mỗi người dân Việt mỗi trách nhiệm!
Chiều tàn, tôi lại trở về nhà trọ Hàng Buồm, tắm rửa, ngủ nghê cho khỏe để chờ ngày mai. Sáng hôm sau, ngày 16 tháng 6. Tôi vẫn ăn mặc quần áo như ngày hôm trước tôi đi chơi chùa Láng: nghĩa là quần xanh, áo sơ mi trắng, đầu đội mũ xanh công nhân, chân đi đôi dép Thái Lan quai đỏ, vai đeo túi dết. (đó là những vật hiệu quy định khi trao tài liệu “M”).
Hôm nay, tôi phải dùng hết khả năng nghề nghiệp, quan sát, xác định rõ bao nhiêu cái “đuôi” của tôi. Vì thế, ngay khi tôi ra khỏi cửa nhà trọ, giữa phố Hàng Buồm đông đúc khách bộ hành ngược xuôi, tôi đã điểm tất cả những bộ mặt, cũng như dáng người chung quanh tôi. Từ gần tới xa, tối đa mắt của tôi, có thể nhìn thấy. Chỉ có hai người tôi đã biết mặt, còn vài người nữa, tôi khả nghi. Tôi dẫn chúng về ngõ Hàng Giầy, ra Tạ Hiền, xuống Hàng Bạc, sang Hàng Bồ, rẽ Hàng Quạt đến Hàng Gai ra nhà Thủy Tạ bờ hồ. Tôi đi loanh quanh một đoạn đường ngoắt ngoéo như vậy.
Tôi mua một ổ bánh mì, một tờ báo Quân Đội Nhân Dân, rồi tôi lững thững đến một chiếc ghế đá sát bờ hồ, khu trước rạp xi nê Phillamonique trông ra. Ngồi tại chiếc ghế xi măng này, tôi có thể nhìn thấy toàn bộ cầu Thê Húc, cách đó hơn 300 mét.
Lúc đó là 8 giờ kém 15 phút. Ngồi nhai ổ bánh mì, lợi dụng những động tác vươn vai, hoặc ngúc ngắc đầu cho khỏi mỏi, tôi đã thấy đủ hai người cũ và hai người nữa tôi đã thấy mặt ở Hàng Buồm lúc vừa ra khỏi nhà trọ. Một người rất khôn khéo đứng nấp sau tấm biển quảng cáo phim, ở trong khung cổng rạp xi nê. Làm sao sót được mắt tôi lúc ấy. Tôi hơi băn khoăn, mọi hôm ít nhất 5 người, sao hôm nay chỉ có 4" Hay còn một tên nữa rất quái quỷ, nấp ở chỗ nào đó trong cái phố xá đông đúc này mà tôi không biết" 10 phút sau, tôi lại tốn công tìm động tác giả, để quan sát một lần nữa. Vô ích, vẫn chỉ 4 mống. Phải chăng cơ quan phản gián Hà Nội thấy hàng tuần lễ nay, ngày nào tôi cũng đi lang thang đây đó, chẳng thấy tỏ ý định làm một cái gì, hay giao thiệp với ai, nên chúng đã giảm người theo" Sở dĩ chúng phải cho nhiều người theo dõi, vì nếu tôi gặp, nói chuyên với ai, số người ấy phải chia ra để theo dõi người đó. Nếu tôi gặp hai, hay ba người trong một ngày, chúng phải tăng cường. Dù sao, đây cũng chỉ là sự phán đoán của tôi, chưa phải là kết luận, cho nên tôi vẫn phải cảnh giác tối đa.
8 giờ đúng, bắt đầu tôi căng mắt rõi về phía cầu Thê Húc. Lòng tôi cũng thấy hồi hộp, xốn xang đợi chờ. Đối tượng là ai" Già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà" Chắc chắn không phải là một ông cha, hay ông sư đầu trọc lốc. Nếu thế, cũng phải mặc quần áo bình thường và đội mũ che giấu đầu trọc.
8 giờ 15 rồi, vẫn chẳng thấy gì" Quái thật, phút đợi chờ làm cho tim tôi đập nhanh hơn lúc bình thường. 8 giờ 30 phút. Tôi đã bắt đầu sốt ruột. Theo quy định thời gian trao tài liệu “M” là từ 8 tới 10 giờ. Tôi muốn ngồi từ xa, khi nào thấy đối tượng tôi mới đến. Như vậy có nhiều điều lợi. Tôi chủ động được vấn đề, và quan sát sự an ninh của đối tượng, để từ đấy tùy nghi ứng biến. Tôi lại nghĩ: Hay biết đâu, chính đối tượng cũng có ý nghĩ như tôi thì sao" Nghĩ thế, tôi đứng dậy đi dọc theo bờ hồ, tới ngang cầu, rồi cứ theo bờ hồ đi xuống mãi, hơn 300 mét. Không hề có một ai mặc quần áo như quy định. Người đúng cái này, lại sai cái kia hay ngược lại.
Đã trót xuống phía đó, tôi lại kiếm một cái ghế xi măng ngồi. Chiếc ghế này hơi bất tiện, vì bị một cây che mất cầu. Dù vậy, thỉnh thoảng tôi hơi nghiêng người về phía trước, vẫn thấy toàn bộ cầu. Trong lòng tôi cũng thấy thấp thỏm như chờ người yêu. Tôi có đọc đâu đó một đoạn thơ, không nhớ rõ là của Lưu Trọng Lư hay Hồ Dzếch:
Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé,
Anh sẽ trách, cố nhiên nhưng rất nhẹ!
……
Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần,
Anh sẽ nói: Gớm làm sao nhớ thế!
Với tôi bây giờ là: Gớm làm sao lâu thế! Và, tôi cũng đang nhìn điếu thuốc nghi ngút khói, mặt hướng về cầu Thê Húc.
9 giờ đúng. Một nỗi buồn ở đâu len lén vào lòng tôi. Hay đối tượng có trở ngại gì" Trục trặc gì" Nếu vì lý do nào đó, tôi không trao được tài liệu này, lòng tôi sẽ khắc khoải suốt cuộc đời. Bao nhiêu gian nan, nguy hiểm, sống và chết, bao nhiêu đợi chờ mong ngóng của tôi! Bây giờ, người ơi, sao cứ biền biệt. Tuyệt vọng rồi lại hy vọng, hay có thể đối tượng lại đang ngồi phía tôi ngồi lúc sáng! Dù thế nào, tôi cũng không đi lại phía ấy nữa. Vì làm như vậy, những cái “đuôi” có thể nghi tôi đang sốt ruột chờ đợi cái gì. Nếu thế, đành để ngày 18 vậy.
Tôi đang đầy vơi với nỗi niềm nặng chĩu, thì kia rồi! Tim tôi khẽ bóp nhẹ. Đối tượng lại là một cô gái mới chết chứ! Đúng rồi: Áo nâu, quần ka ki xám, tay cầm vở hoặc sách, và dép…" Tôi chưa nhìn rõ vì xa gần 300 mét. Tôi vẫn ngồi yên. Đối tượng đi qua cầu đến gần sát cổng đền Ngọc Sơn, ngừng lại, đứng tựa vào lan can cầu và đang cúi nhìn cái gì đó ở dưới nước.
Tôi chợt nghĩ, nếu đối tượng cũng có “đuôi” thì sao" Trường hợp này, Cục tình báo miền Nam, và cả Mỹ, chưa nêu ra cho tôi. Tôi đặt giả thuyết: Đối tượng hiện giờ có “đuôi” nghĩa là cũng đang bị phản gián Hà Nội theo dõi. Nếu chúng tôi gặp nhau, địch sẽ cởi được một mắt xích. Nếu không gặp nhau, gần nhau mà không khéo để địch phát hiện có liên quan, thì kết quả cũng như trường hợp trên.
Cách giải quyết duy nhất: phải hết sức tinh tế, không để một cử chỉ nào, dù là một ánh mắt, cho những cái đuôi phán đoán được hai người có liên hệ với nhau. Tôi coi như không chú ý đến cầu, chân bước, quay gáy lại phía cầu. Mắt lơ đãng, nhìn giòng xe đạp xuôi ngược trên đường phố. Khi ngang qua cầu, làm như không chủ định trước, chợt thích ghé vào chơi như mọi khi. Thấy mấy em nhỏ dưới bờ hồ, chỗ chân cầu đang câu tôm, tôi rẽ xuống đứng xem, cầm một con tôm, hỏi chuyện các em. Tôi liếc nhanh đối tượng. Đối tượng chưa nhìn thấy tôi, vì còn cách một cái cầu dài 50 mét. Đối tượng đứng phía cổng đền, tôi đứng phía bờ.
Bây giờ, tôi nhìn rõ. Dép râu và 3 quyển vở rõ ràng. Rõ ràng hơn nữa, cô chừng 22 tuổi, có bộ mặt trái soan, da trắng bóc nổi rõ màu đen huyền của đôi mắt. Vô lý! Một cô gái tuổi như thế này, lại “giao thiệp” với Sài Gòn. Nhưng, có thể cô chỉ là một mắt lưới, mà đường dây bí mật đã phái cô đến chỗ hẹn, theo quy ước để nhận tài liệu của Sài Gòn. Tôi đang suy nghĩ, chợt một anh chàng có dáng dấp thành thị, tiến đến đối tượng. Tôi mở to mắt ngạc nhiên theo dõi. Qua thái độ của cô gái và thái độ anh chàng đó, tôi hiểu là anh chàng đi chơi, thấy một cô gái đẹp, sà đến tán. Đúng vậy, cách bỏ đi vào chùa và bộ mặt rất nghiêm, bực tức của cô gái, đã trả lời sự phán đoán của tôi.
Tôi quan sát 4 cái đuôi của tôi, trông rõ vị trí đứng ngồi của chúng. Yên tâm, tôi tiến lên cầu. Trên cầu còn hai, ba đứa trẻ và một vài cậu nhơ nhỡ có vẻ học sinh vì cặp sách, một gái, hai trai. Tới giữa cầu, tôi đứng lại nhìn xuống hồ. Chợt nhớ ra: Tôi xắn tay áo lên vài lượt như thể nóng quá. Tay tôi vẫn cầm tờ báo “Quân Đội Nhân Dân” gấp đôi. Tôi hơi băn khoăn, vì đối tượng đeo một túi dết mầu xám, điều này không hề có trong quy định trước. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.