Hôm nay,  

Vai Trò Của Đại Học Về Khảo Cứu Và Phát Triển

25/04/200700:00:00(Xem: 3313)

Vai Trò Của Đại Học Về Khảo Cứu Và Phát Triển: Phương Hướng, Phương Thức Và Phương Tiện

Đây là một đề tài rộng lớn, nên tôi không có tham vọng bàn luận thấu triệt trong một bài viết ngắn ngủi, mà chỉ muốn đề cập đến vấn đề khảo cứu và phát triển trong các bộ môn kỹ thuật và khoa học ứng dụng. Trong các bộ môn này, kể cả những phần  liên quan đến việc phục vụ cho y tế và sức khỏe con người, từ gần ba thập niên nay người ta đã chấp nhận cái ý niệm gắn liền khảo cứu khoa học với phát triển kinh tế, gọi tắt là khảo cứu phát triển (KCPT), từ pháp-anh gọi là Recherche-Développement hay Research-Development, viết tắt là RD. Dụng ý của nó là kết quả của công cuộc khảo cứu ở đại học cần sớm đưa đến những ứng dụng cụ thể để đóng góp vào sự phát triển, lợi ích cho đời sống kinh tế và an sinh của con người và xã hội.

Chính vì thế mà các chính phủ cũng như các nhà lãnh đạo ngành đại học luôn nhắc nhở rằng đầu tư vào khảo cứu phát triển là đầu tư trực tiếp vào tương lai, và thương mại hóa các phát minh là chìa khóa mở cửa cho sự cạnh tranh hữu hiệu đem lại sự phồn thịnh.

Người viết bài này là một giáo sư đại học làm việc tại tỉnh bang Québec, Canada từ 1975, và đã có cơ may đóng góp nhiều năm cho những chương trình KCPT của Canada và Québec, dưới dạng thức cộng tác giữa đại học với kỹ nghệ, hay nói rộng hơn là với giới tư doanh. Dạng này còn được gọi là khảo cứu phát triển cộng tác (KCPTCT), từ pháp-anh gọi là RD Coopérative viết tắt là RDC hay Collaborative RD viết tắt là CRD.

CRD đã được áp dụng nhiều và đem lại kết quả tốt tại các nước mở mang, nên lại càng có lý do để nó đáng được sự chú ý của chính phủ và đại học tại những nước đang mở mang, nơi mà đại học không thể chỉ trông đợi vào chính phủ để có ngân sách thích hợp cho việc giảng dạy, chớ đừng vội nói đến ngân sách khảo cứu. Một số quốc gia thuộc loại rồng lớn hay rồng nhỏ ở châu Á đã áp dụng công thức này. Người viết nêu ra ý kiến mong phần nào đóng góp và trao đổi ngõ hầu có thể giúp ích phần nào cho nền đại học nói chung và riêng cho những người làm khảo cứu ở các đại học dù ở nơi nào.

Bài này trình bày ba điểm. Thứ nhất, KCPT (hay RD) chính là đầu tư trực tiếp vào tương lai. Thứ hai, KCPTCT (hay CRD) là cách rút ngắn con đường để đầu tư ấy đưa đến kết quả trong đó các bên cùng có lợi. Thứ ba là phần đề cập đến những phương thức và phương tiện để thực hiện, dựa trên kinh nghiệm của các nước mở mang, nhấn mạnh vào trường hợp Canada, nơi tác giả đang sinh sống.

RD là đầu tư trực tiếp vào tương lai.

Những ai đã từng làm khảo cứu ở đại học đều biết rằng thực hiện được những phát minh là một chuyện, từ đó áp dụng vào sản xuất cho có kết quả để thương mại hóa lại là một chuyện khác. Hai giai đoạn ấy có khi cách nhau một cây cầu dài và đòi hỏi thêm nỗ lực và đầu tư, nhưng cũng có khi chúng gần nhau mà ta không nhận thức được cơ hội, hoặc nhận thức được cơ hội mà không động viên được ý chí hay phương tiện cần thiết để thương mại hóa. Biết bao phát minh có giá trị chỉ vì thế mà mai một đi, hoặc bị phía cạnh tranh nhanh tay giành mất cơ hội.

Thương mại hóa các phát minh là mở cửa cho sự phồn thịnh, vì trong bối cảnh toàn cầu hóa, muốn cho kinh tế tăng trưởng người ta không thể lâu dài chỉ dựa vào nhân công rẻ hay nguyên liệu rẻ. Mặc dầu Việt Nam có nhân công rẻ và khéo, ngành may là nguồn ngoại tệ thứ nhì của Việt Nam đang gặp khó khăn lớn cũng vì lẽ đó.  Mặt khác, ta hãy nhìn qua vài ba trường hợp điển hình, từ một đề tài thoạt nghe là chuyện nhỏ như cách gói hàng bảo quản một loại thực phẩm hay chế phẩm dễ biến chất, cho đến cách cải tiến vài chi tiết của màn ảnh TV để lôi cuốn người sử dụng, hay phương thức luyện kim để tạo một hợp kim có lý tính đặc biệt, nâng giá trị thị trường lên gấp nhiều lần những hợp kim tương tự khác. Trong tất cả những trường hợp ấy, RD có thể giữ vai trò quyết định thành bại của một công ty.

Một số người trong chúng ta chưa nhận thức đúng vai trò của sinh viên, nhất là sinh viên cao học và nghiên cứu sinh, trong tiến trình của RD và thương mại hóa . Khi ta giảng dạy cho họ những khám phá  mới nhất của khoa học, khi ta tận tình hướng dẫn họ làm khảo cứu trong những đề tài luận án có giá trị, đó là ta đang đưa họ lên hàng tiên phong của công cuộc thương mại hóa . Thực vậy, sau khi tốt nghiệp, họ đi vào thị trường nhân dụng của “chất xám”, họ góp phần xây dựng kỹ nghệ, kinh tế, và đem áp dụng những điều họ đã học, và hơn nữa, những điều mới mẻ mà chính họ đã góp phần khám phá. Vì thế, đào tạo sinh viên giỏi và có khả năng sáng tạo, chính là mài mũi dùi sắc bén cho lợi khí kinh tế của quốc gia.

Cùng trong ý hướng ấy, gửi sinh viên ra nước ngoài du học là một nhu cầu sách lược. Tất nhiên là họ đi để thu thập kiến thức, nhưng ta đừng quên họ còn tạo những mối liên lạc vô giá với giới khoa học, kỹ nghệ và tư doanh bên ngoài. Sau này, dù họ phục vụ ở đâu, họ cũng là những người đem chuông đi đấm, đấm gần hay xa . Dù chúng ta đang sống ở đâu, xin hãy nhìn những sinh viên, chuyên viên, giáo sư, những nhà khoa học, nhà phát minh không thuộc thành phần quốc tịch sở tại, đang bận rộn xung quanh ta. Trong lãnh vực này không kém bất cứ lãnh vực nào khác, trái đất nay chỉ còn là một ngôi làng ngày càng thu hẹp.

Khi các cấp lãnh đạo nhà nước và đại học nhìn đúng vấn đề và tiếp tay khơi nguồn cho dòng thác của tương lai, giới sinh viên giỏi sẽ làm tiếp phần còn lại. Trong những người này, một số sẽ trở lại giảng đường để nối tiếp nghề dạy học và làm khảo cứu, do đó chu trình tự nó khép lại, và hệ thống này sẽ tự duy trì và tự nuôi dưỡng.

Như vậy trong bối cảnh toàn cầu hóa mà dù muốn hay không ta phải chấp nhận, hơn bao giờ hết đại học, với thày dạy tốt, khảo cứu tốt và sinh viên tốt, là đầu mối của sự phát triển và là cửa mở cho kinh tế hiện đại hóa.

CRD là cách rút ngắn con đường đưa đến kết quả trong đó các bên cùng có lợi.

Giới kỹ nghệ, hay nói chung giới tư doanh, không đủ phương tiện để làm tất cả các công tác khảo cứu dù là có tính cách áp dụng. Họ lại càng không thể làm khảo cứu cơ bản, vì lọai khảo cứu này vừa đòi hỏi nhiều nỗ lực và tài nguyên, vừa có bản chất bấp bênh, nghĩa là không đảm bảo chắc chắn sẽ đem lại một kết luận hay kết quả cụ thể. Nhưng kỹ nghệ có khả năng làm thương mại hóa. Ngược lại đại học, hay nói chung giới khoa học, có phương tiện làm khảo cứu nhưng không có khả năng đi vào con đường thương mại hóa. Nhà nước, hay nói chung giới chính quyền, không thể làm việc nào trong hai việc nói trên, nhưng ngược lại họ có khả năng hướng dẫn, khuyến khích, và ngay cả thúc đẩy hai bên ngồi lại với nhau để mưu tìm sự cộng tác vì lợi ích chung.

Vì thế, ngay tại các nước mở mang, sự cộng tác mật thiết giữa đại học và tư doanh là điều cần yếu cho việc thương mại hóa những kết quả của các công trình khảo cứu vừa tốn nhân lực, tiền của, thiết bị, thời giờ, và nhất là  “chất xám” quí báu. Và dĩ nhiên điều này lại càng đúng hơn đối với các nước đang mở mang, nơi mà phương tiện làm khảo cứu khan hiếm về mọi mặt.

Trong các dự án CRD, phía đại học đóng góp phần khảo cứu, phía tư doanh đóng góp phần áp dụng để từ đó đi vào thương mại hóa. Sự “đóng góp” ở đây gồm cả nhân lực và tài lực, nghĩa là cả “chất xám” lẫn “chất xanh”. Công việc tìm tòi trong phòng thí nghiệm là sở trường của giới đại học, nhưng họ không có khả năng đem áp dụng thử tại cơ sở sản xuất, nhà máy hay công trường, và đây là sở trường của giới kỹ nghệ. Vì thế đôi bên bổ túc cho nhau một cách đương nhiên và hữu hiệu.

Một thí dụ

Tôi xin trích dẫn một thí dụ lấy từ một trong những dự án cộng tác CRD giữa đại học và kỹ nghệ kim khí, mà tôi đã hướng dẫn trong những năm 1990. Đó là dự án nung than đá trong kỹ nghệ làm nhôm, một chương trình khảo cứu dựa trên sự áp dụng những nguyên lý khoa học cơ bản nhưng đưa đến kết quả thương mại hóa rất thành công. Người ta dùng những lò lớn để nung than đá theo một tiến trình nhiệt độ nhất định, sự chính xác của tiến trình này là tuyệt đối quan trọng để có được than nung với tính chất lý học và điện học cần thiết, với thành phần hóa học và cấu tạo tinh thể thích hợp. Than nung được dùng để đúc những cực âm và cực dương dẫn điện có kích thước lớn, sử dụng đại qui mô vào việc chế tạo nhôm trong những lò điện giải. So với than non, còn gọi là than xanh, thì giá trị thị trường của mỗi tấn than nung, nếu có những đặc tính đúng tiêu chuẩn, sẽ tăng lên gấp bội. Ngược lại nếu không có đặc tính đúng, than nung có thể bị phế thải, gây thất thu tài chánh có thể lên đến hàng triệu mỹ kim.

Lò nung được cấu tạo bằng một vỏ thép hình ống nằm ngang, dài cỡ 60 mét, đường kính 2.5 mét. Vỏ thép này nằm nghiêng dốc khoảng 2 đến 4 độ từ phía than vào lò đến phía than ra lò. Vỏ thép xoay quanh trục của hình ống với vận tốc chậm 2 đến 3 vòng mỗi phút, muc đích là làm cho than dễ di chuyển  theo chiều dốc của ống mà từ từ đi ra. Trên suốt đường dài 60 mét, than vừa tiến tới vừa xoay theo ống để được nung theo một tiến trình nhịệt độ nhất định, lên đến nhiệt độ cao nhất là 1250 độ C ở khoảng giữa của chiều dài ống. Nguồn nhiệt là một luồng khí nóng do khí đốt tạo nên, lên đến khoảng 2500 độ C trên mặt lớp than nơi gần ngọn lửa, luồng khí này thổi ngược chiều với hướng đi của than, nghĩa là thổi lên dốc. Điều trọng yếu là nhiệt độ của than phải theo đúng tiến trình định trước thì than nung mới có được những tính chất theo qui định. Thoạt nghe, ta nghĩ có lẽ không có gì là phức tạp lắm, thực ra không phải vậy.

Nơi phòng thí nghiệm đại học, người ta lập khoảng 14 hay 15 mô hình toán để biểu tượng cho mỗi thành phần của hệ thống hay là mỗi hiện tượng vật lý diễn tiến trong đó, đó là lò nung, sự tạo nhiệt nơi ngọn lửa của khí đốt, sự truyền nhiệt từ khí sang lò, từ lò sang than, và từ khí sang than, sự di chuyển của than trong lò, sư biến thiên của mỗi đặc tính của than dọc theo lộ trình di chuyển trong lò. Những mô hình toán này rất phức tạp, nhưng nói cách ngắn gọn thì người ta dựa trên ba phương trình bảo tồn cơ bản là bảo tồn khối lượng, bảo tồn năng lượng và bảo tồn động lượng. Ghép những mô hình này lại với nhau để có mô hình tổng quát và giải bằng vi tính, người ta lấy ra được những dữ kiện cần thiết cho sự cấu tạo và điều khiển lò sao cho chính xác và hữu hiệu.

Những dữ kiện chính là quá trình của năng suất nhiệt, của các hệ số truyền nhiệt, của mật độ các chất khí còn tích lũy trong than ở mỗi thời điểm, của mật độ các thành phần chính trong khí đốt, của vận tốc di chuyển của than dọc theo trục lò, của nhiệt độ khí đốt, nhiệt độ thành lò, và  nhiệt độ than. Từ đó ta biết được những đặc tính cần thiết của than có thực hiện được hay không, và nếu không thì phải điều chỉnh những thành phần nào của lò nung và điều chỉnh bao nhiêu để đạt được những đặc tính ấy.

Muốn có giá trị, những kết quả của khảo cứu cần được thử nghiệm trước, xem có đáng tin cậy không. Đại học có thể làm một phần những việc thử nghiệm này, đó là những việc có tầm vóc nhỏ, thực hiện trên những mẫu nghiệm. Việc làm này là cần thiết nhưng không đủ, vì trước khi áp dụng vào những công trình sản xuất lớn, người ta cần thử nghiệm đầy đủ và đi xa hơn nữa.

Thử nghiệm xa hơn là việc của kỹ nghệ. Chỉ có ở nhà máy sản xuất người ta mới có đủ phương tiện về thiết bị và chuyên môn để thử áp dụng những kết quả do đại học tìm thấy, hầu tìm xem trong đời sống thực tế của kỹ nghệ chúng có còn đúng hay không. Nếu đúng thì người ta đem ra dùng, còn nếu sai thì tìm hiểu vì sao có sự sai biệt đó, và từ đó hồi báo lại để bổ chính các mô hình toán, ngõ hầu làm cho chúng có một mức độ biểu tượng cao hơn. Trong thí dụ trên, điều ta đi tìm là đạt được than nung đúng phẩm chất. Do việc phân tích mô hình toán ở đại học, người ta có thể thấy cần thay đổi một hoặc nhiều thông số như độ dốc hay vận tốc quay của lò nung, vị trí hay lưu lượng của khí đốt, lưu lượng của than xanh được đưa vô lò …. Chỉ có cơ sở sản xuất mới làm được những thử nghiệm to lớn này, vừa phức tạp vừa tốn kém, và thường đòi hỏi thời gian nhiều tháng với một ngân sách đáng kể.

Để kết thúc phần này, tôi chỉ xin tóm tắt rằng dự án CRD này đã hoàn tất tốt đẹp cho cả đại học lẫn công ty cộng tác. Những kết quả tìm thấy đã được đem ra áp dụng và vẫn tiếp tục đem lại lợi ích đáng kể cho công ty về kỹ thuật nung than, về tiết kiệm năng lượng, về phẩm chất của than nung, và về tài chánh, vì thế sau đó chúng đã được bảo vệ bởi những bằng sáng chế.

Lưỡng lợi. 

Bằng cách nào CRD tạo nên lưỡng lợi, và đó là những lợi ích gì"

Khi nói đến những lợi ích mà CRD đem lại người ta thường nghĩ ngay đến những việc làm nhằm tìm giải đáp cho những vấn đề kỹ thuật hay sản xuất mà kỹ nghệ gặp phải, hoặc nghĩ đến việc chia xẻ kinh phí giữa hai bên để đỡ hao tổn ngân sách khảo cứu thường rất eo hẹp nhất là đối với đại học. Nhìn xa hơn thì ta cũng nghĩ đến sở hữu trí tuệ mà việc khảo cứu có thể tạo nên. Những điều này đúng cả, nhưng lợi ích của CRD còn đi xa hơn thế nữa. Đại học có cơ hội phát triển những lãnh vực nghiên cứu mới, và có thể dẫn đến những chương trình đào tạo mới, để đáp ứng những nhu cầu mới mà giới kỹ nghệ hay tư doanh cảm thấy cần. Đại học có dịp mở to cánh cửa của kỹ nghệ cho sinh viên, nhiều khi đưa đến công việc làm đúng khả năng của họ sau khi tốt nghiệp.

Ai cũng biết kỹ nghệ, nhất là các đại công ty, là một thế giới riêng biệt, không dễ gì mà người sinh viên nhìn thấy mọi cơ hội và mọi khía cạnh của đời sống trong thế giới này. Đại học cũng được hưởng một lợi ích lớn là giáo sư và sinh viên có dịp sử dụng những thiết bị hay vật liệu chuyên ngành mà chỉ kỹ nghệ mới có. Đó là tóm tắt những điểm lợi của phía đại học.

Về phía kỹ nghệ hay tư doanh, cộng tác với đại học đem lại cho họ sự quảng bá rất cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh ráo riết ngày nay, và làm tăng uy tín của công ty về mặt khoa học kỹ thuật. Điều  này tự nó vẫn đúng lại càng đúng thêm đối với những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao và thay đổi nhanh chóng như điện tử, tin học, sinh học, hàng không, không gian hay là vật liệu mới. Cộng tác với đại học là con đường ngắn để giúp kỹ nghệ nâng cấp khả năng khảo cứu phát minh của họ ngõ hầu giữ mức cạnh tranh. Cộng tác với đại học giúp cho các chuyên viên của kỹ nghệ, tuy đương nhiên là phải bận rộn về sản xuất, vẫn có cơ hội cập nhật những hiểu biết của mình. Sự cộng tác này cũng giúp cho kỹ nghệ nhận thức được những cơ hội mới dựa trên những kết quả hay khuynh hướng của các hoạt động RD nơi đại học.

Sau hết, cộng tác với đại học là phương cách để kỹ nghệ, nhất là các đại công ty,  làm bổn phận công dân của mình một cách thông minh và mềm dẻo, vì ngày nay, người dân nhận thức rằng kỹ nghệ phát triển đươc là nhờ ở xã hội, nên kỹ nghệ cần phải có sự hồi đáp, và giúp đỡ các đại học là cách hồi đáp trực tiếp nhất.

Ngoài những lợi ích cho bên này hay bên kia như đã nói ở trên, còn có những lợi ích song phương có giá trị đối với cả đôi bên.  Đôi bên chung nhau sử dụng những tài năng khan hiếm, nhất là trong những lãnh vực mới, vài  ví dụ hiện đại là vật liệu sinh học hay hợp chất nano. Đôi bên cùng hưởng tính lưu động của nhân lực, đó là trường hợp những giảng sư thỉnh giảng từ kỹ nghệ biệt phái có hạn kỳ sang đại học; ngoài vốn khoa học, họ đem theo nhiều kinh nghiệm của nhà máy mà không dễ gì người khác có được. Hoặc là những giáo sư đại học biệt phái sang kỹ nghệ để phụ trách một phần vụ giới hạn trong một lãnh vực thu hẹp và đào sâu. Qua những hình thức cộng tác ấy, sự tín cẩn hỗ tương giữa hai bên được nuôi dưỡng một cách tự nhiên, và dễ đưa đến những cơ hội cộng tác mới.

Ta biết rằng đại học và tư doanh có nhiều khác biệt trong tổ chức, trong lề lối quản lý, có những mục tiêu và những thôi thúc khác nhau, và vì thế lối nhìn và lập luận cũng có phần khác nhau. Nhiều người mô tả tóm lược những khác biệt này bằng một từ ngắn gọn, gọi là “văn hóa”. Đại học và tư doanh có “văn hóa” khác nhau. Điều này đúng, nhưng ta cũng cần lưu ý rằng sự khác biệt ấy thay vì gây khó khăn, lại có tiềm năng làm cho sự hợp tác càng thêm phong phú. Người làm khảo cứu thường nhận thấy rằng trong sự tìm tòi, một trong những điều kiện căn bản của thành công là biết đặt câu hỏi cho đúng và tìm giải đáp bằng cách nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Chính sự khác biệt về “văn hóa” là một động lực giúp ta thực hiện được điều kiện đó.

* Yếu tố thành bại.

Ta vừa thảo luận về những lợi ích của CRD, nay thử nói qua về những yếu tố định sự thành bại. Trước hết, ta nên nhớ rằng tự bản chất của nó, đại học luôn luôn gắn liền việc khảo cứu với việc đào tạo sinh viên, nhất là đào tạo ở cấp cao học và tiến sĩ. Đó là sứ mạng hàng đầu của đại học, không có nó thì đại học không có lý do tồn tại. Điều đó cho thấy vai trò trung tâm của sinh viên. Sinh viên làm hầu hết các việc trong mọi giai đoạn của dự án, dĩ nhiên là dưới sự chỉ dẫn của ông thầy. Sinh viên phải gặt hái được lợi nhuận của những nỗ lực và sáng kiến của họ. Về phần ông thầy thì phải có khả năng và uy tín để thu hút sinh viên tốt, mặt khác, thu hút những kỹ nghệ tốt và tạo được sự cộng tác thich hợp, và hơn nữa, ông thầy phải có khả năng dựng nên những dự án khảo cứu có tiềm năng phát minh, khả thi về mặt khoa học, và thích ứng về mặt đào tạo sinh viên.

Việc dựng nên những dự án tốt còn đòi hỏi một khung cảnh thích hợp. Vấn đề sở hữu trí tuệ phải được qui định phân minh. Mọi phí tổn kể cả tổng phí phải được dự trù rõ ràng. Tổng phí là món chi phí quan trọng mà trong việc chuẩn bị ngân sách người ta hay coi nhẹ, đó có thể là mầm mống gây khó khăn về sau. Trách nhiệm và quyền hạn có phân minh thì sự hợp tác mới có thể bền chặt.

Cấp lãnh đạo đại học có phận sự yểm trợ giáo sư trong việc tuyển trạch và lưu giữ những sinh viên có tiềm năng khoa học và khảo cứu, ngoài ra họ phải có tiềm năng hoạt động hữu hiệu trong môi trường cộng tác giữa đại học và tư doanh. Điều này nghe qua thì thấy hiển nhiên nhưng là điều đáng lưu ý. Cấp lãnh đạo đại học còn có phận sự cập nhật và cải tiến những điều lệ và nội qui của đại học về mọi vấn đề liên quan đến khảo cứu, trong đó có những đề tài đã nói ở trên như sở hữu trí tuệ, tổng phí, là những đề tài mà phía kỹ nghệ lưu tâm nhiều. Thêm nữa là vấn đề quản trị nhân sự đối với sinh viên, nghiên cứu sinh, và các thành phần nhân sự khác.

Những sự cộng tác có được sự hiểu biết và ủng hộ của cấp lãnh đạo của công ty cộng tác thường sẽ bền chặt hơn và có cơ tiến xa hơn. Đại học cần thuyết phục các cấp lãnh đạo này để họ tham gia. Họ cũng sẽ là người giúp giải quyết những khó khăn nếu có về sau.

Chúng ta không quên vai trò quan trọng của chính quyền trong việc khuyến khích và thúc đẩy những nỗ lực cộng tác giữa đại học và kỹ nghệ. Chính quyền có bổn phận và hơn nữa có lợi trong việc này. Một mặt, tạo cơ hội cho kỹ nghệ thêm khả năng tăng tiến qua ngả khảo cứu và phát minh, giữ được mức cạnh tranh, tạo việc làm, và đóng góp nhiều hơn cho xã hội qua ngả thuế má. Mặt khác, giúp cho đại học có thêm phương tiện đẩy mạnh các hoạt động khảo cứu và đào tạo, để cung cấp cho xã hội những chuyên viên thiết yếu cho sự phát triển kinh tế. Cả hai điều đó nằm trong phạm vi trách nhiệm của chính quyền. Trên thế giới, ở mọi quốc gia dù là mở mang hay đang mở mang, nâng đỡ đại học được chính quyền coi là phần vụ của mình, trong toàn thể hay ít ra là một phần lớn.

Để thúc đẩy tư doanh và đại học hợp tác với nhau, những biện pháp khuyến khích của chính quyền thường nằm trong phạm vi giảm thuế và trợ kim. Một mặt, tư doanh được hưởng những bãi miễn hay triết giảm về thuế trên những ngân khoản mà họ dùng vào việc khảo cứu phát triển. Mặt khác, chính quyền, và một số tổ chức khoa học bất vụ lợi, có những chương trình trợ kim nhằm nâng đỡ các dự án khảo cứu phát triển có giá trị, bằng cách cấp một phần ngân khoản để bổ túc cho các phần đóng góp của kỹ nghệ và của đại học. Ở đoạn liền sau đây ta sẽ nói thêm về điểm này.

* Phương thức và phương tiện thực hiện những dự án CRD.

Để có thể đi vào chi tiết, ở đây tôi xin trình bày kinh nghiệm của tôi trong bối cảnh của liên bang Canada và của tỉnh bang Québec, nơi tôi làm việc. Tuy nhiên những điều trình bày ở đây đều khá giống với trường hợp của các tỉnh bang khác của Canada, và trong những nét đại cương thì cũng giống trường hợp của giới khảo cứu đại học tại nước láng giềng Hoa Kỳ, tuy tất nhiên là có những chi tiết khác biệt tùy theo ngành hoạt động và tùy theo tiểu bang.

Ở cấp liên bang Canada, những cơ quan lo việc hướng dẫn và yểm trợ các công trình khảo cứu về khoa học tự nhiên và khoa học áp dụng gồm có trước hết là Conseil de recherches en sciences naturelles et en génie (CRSNG) hay Natural Sciences and Engineering Research Council  (NSERC), www.nserc-crsng.gc.ca. Cơ quan này lo yểm trợ các đại học, học viện, và song song với nó là Conseil National de Recherches du Canada (CNRC) hay National Research Council of Canada (NRC), www.nrc-cnrc.gc.ca, lo yểm trợ các tổ chức khác ngoài đại học trong đó chủ yếu là kỹ nghệ. Ngoài ra, Canada còn có Fondation canadienne pour l’innovation (FCI) hay Canada Foundation for Innovation (CFI), www.innovation.ca, có phận sự yểm trợ về thiết bị nặng cần có cho công tác khảo cứu qui mô tại các đại học, học viện hay bệnh viện. Ra đời năm 2000, để chào mừng thiên kỷ mới, là cơ quan liên bang Chaires de recherche du Canada hay Canada Research Chairs (CRC), www.chairs.gc.calo yểm trợ các giảng đàn khảo cứu có tầm vóc sách lược quốc gia. Ta sẽ trở lại với nhiều chi tiết hơn. 

Ở cấp tỉnh bang Québec, có Fonds québécois de la recherche sur la nature et la technologie (FQRNT), www.fqrnt.gouv.qc.ca. Cơ quan này cũng có nhiệm vụ yểm trợ các đại học và học viện, và được coi là đối tác với NSERC của liên bang. Hàng năm hai cơ quan này phối hợp tổ chức thi tuyển lựa những dự án khảo cứu được những ứng viên từ các đại học đề nghị, và quyết định yểm trợ một số dự án có giá trị theo đúng tiêu chuẩn qui định.

Nếu kể ra cho hết thì có rất nhiều chương trình qui mô tại mỗi cơ quan này, như độc giả có thể coi qua trên mạng. Vì bài này nhắm vào RD và CRD, tôi chỉ xin đề cập đến những  chương trình lớn của các cơ quan nói trên có liên quan đến RD và CRD.

* Vài chi tiết về chương trình CRD tại Canada.

Cả NSERC lẫn FQRNT đều có chương trình yểm trợ cho các dự án RD và CRD, và khuynh hướng chung ngày nay là dành ưu tiên cho CRD. Điều kiện ắt có nhưng chưa đủ, là người chủ xướng của dự án phải là giáo sư đại học, có sự ủng hộ của đại học, và có sự cộng tác của một hay nhiều kỹ nghệ. Kỹ nghệ phải hứa cộng tác trong việc khảo cứu, hứa cung cấp tài liệu, vật liệu, dữ kiện, nhân lực chuyên môn, và hứa đóng góp một phần tài chánh để thực hiện dự án. Ngoài ra, kỹ nghệ cũng phải hứa sẽ áp dụng vào sản xuất và thương mại hóa những phát minh và kết quả của công trình khảo cứu.

NSERC đòi hỏi một điều kiện là ngân sách của dự án CRD phải do kỹ nghệ đài thọ một nửa và NSERC tài trợ nửa kia, có nghĩa là NSERC góp 50 % và kỹ nghệ 50 %. Trong một vài trường hợp, ngoài hiện kim ra, sự đóng góp bằng hiện vật của kỹ nghệ cũng có thể được kể vào số 50 % này, và đây là một điều thuận lợi cho kỹ nghệ vì đối với họ, hiện vật thường sẵn sàng hơn hiện kim.  Nếu có một thành phần thứ ba tham dự vào dự án và đóng góp một phần hiện kim vào ngân sách, thì điều đó làm tăng thêm giá trị của dự án. Nhưng trong việc qui định mức tài trợ của mình, NSERC chỉ kể đến sự đóng góp của kỹ nghệ mà thôi. Thành phần thứ ba này có thể là chính đại học, hoặc một cơ quan công, bán công hay tư có sứ mạng nâng đỡ việc khảo cứu khoa học. FQRNT, tuy là cơ quan công quyền của Québec nhưng đối với NSERC được coi như một thành phần thứ ba hợp lệ và có ưu tiên.  Một trường hợp thường gặp ở Québec là cách phân phối trong đó NSERC, FQRNT, và kỹ nghệ, mỗi nơi góp 1/3 ngân sách của dự án CRD.

Trong việc tuyển chọn các dự án CRD, về đại cương thì FQRNT cũng đề ra những tiêu chuẩn giống NSERC. Như vậy, dự án được đồng thời đánh giá bởi hai cơ quan độc lập, và  yếu tố đó làm tăng sự bảo đảm về phẩm chất của dự án được chọn.

Những tiêu chuẩn để NSERC hay FQRNT theo đó mà thẩm định những dự án là:

(1) thành tích khảo cứu và uy tín khoa học của vị giáo sư đứng đầu dự án,

(2) phẩm chất của dự án và giá trị khoa học, kỹ thuật, thương mại của nó,

(3) sự phù hợp của dự án với kỹ nghệ và tiềm năng đem lại lợi ích cho kỹ nghệ và cho kinh tế,

(4) khả năng đem lại cơ hội tốt để đào tạo chuyên viên cấp cao học và tiến sĩ, và

(5) khả năng đem lại lợi ích cho sự phát triển tương lai của đại học.

Trong việc thẩm định một dự án, cơ quan tài trợ thường gửi một đoàn chuyên viên đến quan sát, phỏng vấn, và coi mọi điều kiện tại chỗ, thường họ tìm hiểu khá xâu về chi tiết.

Một phương thức đặc biệt gần đây được áp dụng nhiều và có hiệu năng tốt là những giảng đàn khảo cứu, từ  pháp-anh gọi là Chaire de recherche hay Research Chair. Nói chung, đó là những nhiệm sở đặc biệt được lập ra với phương tiện tài chánh và thiết bị đầy đủ, dành cho một số giáo sư có thành tích và uy tín cao để giúp họ dành toàn thời gian vào việc khảo cứu và đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh, thay vì đảm nhiệm thêm những nhiệm vụ khác của đại học. Giảng đàn được lập ra để thực hiện một chương trình khảo cứu bao quát và lâu dài thay vì thực hiện một dự án nhất định như trường hợp của CRD.

Trong phạm vi của phương thức này, từ hơn hai thập niên nay NSERC đã lập tại các đại học những giảng đàn khảo cứu kỹ nghệ với sự cộng tác và đóng góp của một hay nhiều kỹ nghệ thiết tha với chương trình khảo cứu đã được đề ra cho giảng đàn. Từ pháp-anh gọi là Chaire de recherche industrielle (CRI) hay Industrial Research Chair (IRC). Dựa trên sự thành công của các IRC này, từ 6 năm nay nhà nước liên bang Canada lập ra một số nhiệm sở gọi là giảng đàn khảo cứu Canada, với nhiều phương tiện hơn nữa, để đảm trách thực hiện những chương trình qui mô hơn và có tầm vóc quốc tế. Từ pháp-anh gọi là Chaire de recherche du Canada, hay Canada Research Chair (CRC). Đây là những phương thức hay và đã đem lại kết quả cụ thể có lợi cho cả ba thành phần tham dự là đại học, tư doanh, và nhà nước.

* Thêm chi tiết về IRC và CRC.

Giảng đàn khảo cứu kỹ nghệ hay IRC là một hình thức của dự án CRD nhưng ở cấp cao hơn, có tầm vóc hơn, hoạt động lâu dài bền vững hơn, và đòi hỏi nhiều phương tiện hơn. Vì thế, những tiêu chuẩn áp dụng cũng giống như đối với những dự án CRD. Điểm khác biệt chính là đề tài khảo cứu của IRC phải phù hợp với sách lược phát triển của đại học về trung hạn và dài hạn. Đại học, vì phải đầu tư đáng kể vào các IRC, nên không thể chấp nhận những đề tài khảo cứu có tính cách ngắn hạn, chỉ nhắm giải quyết một vấn đề cấp thời của kỹ nghệ.  Thù lao của giáo sư phụ trách IRC thường cao hơn thù lao của các đồng nghiệp cùng cấp bậc, và thù lao ấy do chính ngân sách của IRC đài thọ. Phần ngân sách của đại học trước đây dành làm thù lao cho vị giáo sư này, nay được giải tỏa, nhưng đại học không thể tùy nghi mà bắt buộc phải dùng nó để tuyển một hay hai nhân viên giảng huấn mới, trong cùng lãnh vực khoa học với IRC. Những IRC lớn có thể được điều khiển bởi hai hay ba giáo sư trong đó có một vị là IRC chính và các vị kia là phụ tá.  Trong khi những dự án CRD thường kéo dài không quá 2 hay 3 năm và không thể gia hạn, những giảng đàn IRC thường có nhiệm kỳ 5 năm, và có thể gia hạn thêm 5 năm nếu hoạt động có kết quả tốt và tiếp tục được sự cộng tác của kỹ nghệ.

Trong việc thẩm định giá trị của đề nghị IRC do một đại học đưa ra, NSERC dựa trên 5 tiêu chuẩn rõ ràng gồm có:

(1) uy tín và thành tích khoa học của giáo sư ứng viên,

(2) phẩm chất và tính khả thi của dự án về mặt khoa học và kỹ nghệ,

(3) sự phù hợp với hiện trạng và nhu cầu của kỹ nghệ, và lợi ích dự liệu đối với kinh tế quốc gia,

(4) cơ hội đào tạo chuyên viên cấp cao, và lợi ích cho sự phát triển đại học, và

(5) môi trường làm việc của đại học có đủ thuận lợi cho hoạt động của giảng đàn.

 Tiếp theo, xin nói qua về giảng đàn khảo cứu Canada hay CRC. Loại này có hình thức tương tự như IRC nhưng có thể còn quan trọng hơn nữa và tùy trường hợp có thể có tầm vóc lớn hơn. IRC là do NSERC đỡ đầu, còn CRC là do sự bảo trợ của một cơ quan công lập riêng biệt, độc lập với NSERC. Cơ quan này cũng mang tên là Chaires de recherche du Canada hay Canada Research Chairs (CRC), và phận sự là yểm trợ những giảng đàn có tính cách sách lược quốc gia. Vì thế, ngoài những tiêu chuẩn áp dụng cho IRC, chương trình CRC đòi hỏi thêm những điều kiện sau đây:

(1) ứng viên phải là nhà khảo cứu có tên tuổi, có những thực hiện lớn, và được coi như thuộc hàng đầu trong bộ môn khoa học của mình trên bình diện quốc tế, và có tiềm năng thu hút sinh viên và nghiên cứu sinh thượng thặng,

(2) ứng viên phải đề nghị một chương trình khảo cứu súc tích, có liên hệ và hội nhập chặt chẽ với phương án sách lược về khảo cứu của đại học của mình, tức là Plan stratégique de recherche hay Strategic Research Plan (SRP).

Về điểm (1) trên đây, chương trình CRC dự trù hai cấp giáo sư giảng đàn, gọi là cấp 1 và cấp 2. Sự khác biệt là ở chỗ ứng viên vào cấp 2 có thể chưa được coi như thuộc hàng đầu trên bình diện quốc tế nhưng phải chứng tỏ có thể đạt mức đó trong thời hạn 5 đến 10 năm tới. Về điểm (2), đại học phải chứng minh được sự quan trọng của giảng đàn đối với phương án sách lược về khảo cứu (SRP) của đại học, cũng như đối với SRP của các học viện hay bệnh viện có dự vào chương trình. Tương tự với trường hợp IRC, khi quyết định chấp thuận hay bác bỏ một đề nghị CRC, người ta còn cứu xét xem môi trường làm việc của đại học có thích hợp và có thuận lợi cho việc hợp tác với các cơ quan khác ở trong nước và nhất là ở nước ngoài.  Một yếu tố hàng đầu nữa là việc đại học cam kết sẽ yểm trợ tích cực để giảng đàn có đủ phương tiện hoạt động lâu dài.

Để có ý niệm cụ thể tôi xin nêu vài con số. Hiện Canada có 130 IRC ở các đại học trên toàn quốc, và trong ngân sách 2006 về phần khảo cứu khoa học, cơ quan CRC đã dành ngân khoản mới là $ 67M mỗi năm để tài trợ thêm 90 CRC, chưa kể những CRC đã khởi công từ những năm trước và nay vẫn tiếp tục. Về phần cơ quan CFI, trong tài khóa 2002 đã dành ngân khoản $ 165M để tài trợ 9 dự án nhằm giúp các đại học Canada tham dự những công trình khảo cứu cộng tác với các đại học nước ngoài.

* Một chút suy tư.

Lấy kinh nghiệm của Canada làm điểm tựa, chúng ta đã bàn về những phương hướng và phương thức được áp dụng để đại học thực hiện vai trò khảo cứu và phát triển, qua những dạng cụ thể mệnh danh là  khảo cứu phát triển hay RD, khảo cứu phát triển cộng tác hay CRD, giảng đàn khảo cứu kỹ nghệ hay IRC, và  giảng đàn khảo cứu Canada hay CRC. Chúng ta đã coi qua bằng cách nào những phương thức này giúp cho việc qui tụ những phương tiện kỹ thuật, tài chánh, nhân lực, vật liệu  và thiết bị  để thực hiện công trình khảo cứu. Ta đã thấy RD là đầu tư trực tiếp vào tương lai, CRD là cách rút ngắn con đường đưa đến kết quả trong đó các bên hợp tác cùng đóng góp và cùng hưởng lợi ích, và những giảng đàn kiểu IRC và CRC là giải pháp rất thực tế đã tỏ ra có hiệu quả.

Việt Nam có nhiều thày đủ khả năng, yêu nghề và tận tâm, có sinh viên thông minh, hiếu học và cầu tiến. Nếu không đẩy mạnh khảo cứu thì đại học sẽ mãi mãi chỉ là trung học cấp 4, và ta sẽ bỏ lỡ con tàu mà bao nhiêu rồng lớn rồng nhỏ đã đuổi bắt kịp. Mà muốn làm khảo cứu cho đến nơi đến chốn thì phải có phương tiện đầy đủ, chẳng thể nói tôi nghèo tôi làm khảo cứu theo lối nhà nghèo, như thế những kết quả nếu có cũng sẽ «nhà nghèo». Vì vậy phải tìm cách để vượt khó khăn và tìm ra điều kiện và phương tiện. Nên nhớ rằng ngay cả những đại học giàu nhất cũng luôn luôn thiếu phương tiện làm khảo cứu.

Việt Nam có nhiều lá bài mạnh lắm. Để lấy một thí dụ, tôi xin trở lại ngành khảo cứu của tôi về kỹ nghệ nhôm mà tôi đã có dịp trích dẫn ở trên. Kỹ nghệ trên khắp thế giới đang có nhu cầu rất cao về nhôm vì kim loại này có những đặc tính lý học quí báu đối với nhiều ngành chế tác và xây dựng. Tại các tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông, Việt Nam có trên 8 tỷ tấn bauxite. Bauxite là nguyên liệu quặng dùng để chế tạo nhôm. Nhiều công ty nhôm lớn nhất nhì thế giới đã mò đến để thăm dò và hứa hẹn: Alcoa của Mỹ, RusAl của Nga, Chalco của Trung Quốc.  Thị trường Trung Quốc, khổng lồ và bành trướng nhanh, là nơi rất đói nhôm trong những năm tới đây, và ngay bây giờ nó đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường nhôm trên thế giới. Để giúp độc giả nhìn rõ qua những con số mông lung, chỉ xin lưu ý rằng một nhà máy lớn mà Việt Nam sắp khởi công xây cất, khi hoàn bị tất cả các giai đoạn, sẽ có khả năng chế biến không quá 4 triệu tấn bauxite mỗi năm để làm ra 1.7 triệu tấn alumin.  Và nhà máy cỡ này là cỡ có hạng trên thế giới rồi đó. Bạn đọc tính nhẩm sẽ thấy ngay cái nguồn nguyên liệu 8 tỷ tấn bauxite sẽ giúp ta trong bao lâu. Tưởng cũng nên ghi chú thêm, alumin là chặng đường trung gian trước khi tiến tới nhôm, đại để thì cứ 2 tấn alumin cho ta một tấn nhôm.

Như chúng ta đều biết, có làm khảo cứu mới có thể phát triển kỹ thuật.  Có phát triển kỹ thuật mới có thể phát triển kỹ nghệ để khai thác và làm chủ tài nguyên của mình cho đúng mức, thay vì đem bán đắt bán rẻ cho người khác chỉ vì mình có tài nguyên mà không biết dùng hay là dùng không đúng cách.

 Sau khi dành cả cuộc đời đại học của mình để làm khảo cứu cộng tác với kỹ nghệ tại Canada và Mỹ dưới nhiều công thức, tôi đã nghỉ hưu từ 6 năm nay, và thiển nghĩ đã đến lúc nên ghi lại vài kinh nghiệm thiết thân của mình, mong có thể giúp ích phần nào. Khi đề cập đến đại học Việt Nam ngày nay và nêu vài trường hợp của Việt Nam làm thí dụ, tôi không có dụng ý tỏ một thái độ nào đối với chính thể cộng sản hiện tại, vì đó không phải là mục tiêu của những dòng này. Tôi tin rằng chế độ lỗi thời ấy sẽ phải ra đi, bằng cách này hay cách khác, vì đó là định luật tất nhiên của tiến trình lịch sử loài người, mà từ đế quốc La Mã đến đế quốc Liên Sô đều không tránh khỏi. Vì thế đã đến giờ thứ 23 phải gấp rút lo tái thiết kinh tế quốc gia cho có mạch lạc, kỷ cương, có cấu trúc và nền móng vững chắc, về giáo dục, khoa học, kỹ thuật, mới mong xây dưng được đội ngũ nghiên cứu khoa học có tầm vóc, và từ đó, hiện đại hóa công nghiệp để bằt kịp người ta và tồn tại trong ngôi làng thế giới. Và cũng vì thế mà tôi muốn đóng góp ý kiến trong muôn một, khi óc còn nhớ và tay còn viết được.

 Bùi Tiến Rũng

Montréal, mùa thu 2006. 

Tài liệu tham khảo:

- Innovation Canada, Ottawa, Canada: Investing in the Future, Issue # 23, July-August 2006.

- NSERC, Ottawa, Canada: Industrial Research Chairs, August 2006.

- Canada Research Chairs, Ottawa, Canada: Program Details, Issue of July 2006.

- Blagov, S., Asia Times, 24 May 2006.

(Trân trọng cảm ơn tác giả Bùi Tiến Rũng đã gửi trực tiếp bài này tới Việt Baó.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.