Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

04/10/200400:00:00(Xem: 5105)
Hỏi (Cô Trần T.T.Anh): Tôi được ba tôi bảo lãnh sang Úc tính đến nay đã hơn 15 năm. Tôi đã nhập tịch Úc vào năm 1992. Vào năm 2000, tôi đi thăm Dì tôi tại Hoa Kỳ và gặp được người bạn trai hiện là hôn thê của tôi. Chúng tôi định sau khi kết hôn sẽ rời Úc và sang định cư tại Hoa Kỳ. Xin LS cho biết là sau này khi tôi nhập tịch và trở thành công dân của nước Mỹ thì tôi có quyền giữ quốc tịch Úc hay không" Tôi thấy bạn bè tôi lập gia đình với những người Việt Nam có quốc tịch Mỹ họ vẫn giữ passport của Úc mặc dầu họ đã nhập tịch Mỹ.

Trả lời: Úc vẫn không có quy chế riêng cho công dân Úc mãi cho đến năm 1949, vì hồi đó công dân của các quốc gia thuộc “Khối thịnh Vượng Chung” (Commonwealth) kể cả Úc được xem là “thần dân của Anh Quốc” (British subject).
“Đạo Luật về Công Dân Úc” (The Australian Citizenship Act 1948) được áp dụng vào tháng Giêng năm 1949 đã quy định quy chế đối với công dân Úc. Tuy nhiên, quy chế về “thần dân của Anh Quốc” vẫn được áp dụng song hành cho đến năm 1981, khi Quốc Hội của Anh Quốc bãi bỏ quy chế “thần dân của Anh Quốc” đối với các công dân Úc và hầu hết các công dân thuộc Khối Thịnh Vượng Chung.
Theo “Đạo Luật về Công Dân Úc” thì có 4 trường hợp nêu sau theo đó một người có thể bị mất hoặc bị tước bỏ tư cách công dân Úc: 1) Sau khi trở thành công dân của một quốc gia khác. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do kết hôn mà phải trở thành công dân của một quốc gia khác thì điều đó sẽ không làm cho đương sự mất tư cách công dân Úc. Vì thế, nếu một người trở thành công dân của một quốc gia khác sau khi kết hôn theo sự quy định của quốc gia khác đó, thì người đó không bị mất tư cách công dân Úc. 2) Một người sẽ bị mất tư cách công dân Úc nếu đương sự phục vụ trong quân đội của quốc gia đang lâm chiến với Úc. 3) Một người có quốc tịch Úc có thể tuyên bố từ bỏ quốc tịch Úc của mình, nếu đương sự đạt đến 18 tuổi và là công dân của một quốc gia khác. 4) Bộ Trưởng Di Trú có thể tước bỏ tư cách công dân của một người, [với điều kiện là người này đã trở thành công dân Úc qua việc nộp đơn, chứ không phải là công dân Úc bẩm sinh], nay nếu nhận thấy rằng việc tiếp tục nắm giữ tư cách công dân Úc của người đó sẽ tương phản với lợi ích công cộng, hoặc người đó đã đưa ra những lời khai gian dối vào lúc nộp đơn xin nhập tịch, hoặc người đó đã bị kết tội hình sự nghiêm trọng mà không chịu khai báo khi nộp đơn xin nhập tịch, hoặc người đó đã trở thành công dân Úc do sự gian trá trong tiến trình lập thủ tục di trú.
Vì hậu quả nghiêm trọng đối với việc mất quốc tịch của một người nên Tòa Án Liên Bang đã giải thích một cách hạn hẹp hơn về Điều 17 là một người có thể thủ đắc “song tịch” (dual nationality or dual citizenship) với điều kiện là quốc tịch của nước ngoài đó đã được thủ đắc trước khi trở thành công dân Úc.
Trong vụ Minister for Immigration, Local Government and Ethic Affairs v Gugerli (1993). Trong vụ đó, Bà Jane Gugerli là một công dân Úc có mẹ là người Thụy Sĩ, đã đến sống với người Cô tại thụy Sĩ. Để có thể làm việc một cách hợp pháp tại Thụy Sĩ , Bà Gugerli phải là công dân của Thụy Sĩ. Vào năm 1984 luật quốc tịch của Thụy Sĩ đã được tu chính và cho phép con cái của những người Thụy Sĩ có quyền thủ đắc quốc tịch Thụy Sĩ nếu đơn xin được nộp trước năm 1988.
Bà Gugerli nộp đơn vào năm 1985 và được chấp nhận. Luật lệ của Thụy Sĩ không thừa nhận một người là công dân của Thụy Sĩ cho đến lúc đơn xin được chính thức chấp nhận. Bằng chứng cho thấy rằng Bà Gugerli tin tưởng rằng tư cách công dân Thụy Sĩ có sẵn của bà đã được chính thức thừa nhận. Nhân viên Tòa Đại Sứ Úc tại Berne cũng cho Bà ta biết là việc nộp đơn xin trở thành công dân Thụy Sĩ sẽ không ảnh hưởng gi đến quốc tịch Úc của Bà.


Tuy nhiên, vào năm 1989, Tòa Đại Sứ Úc đã từ chối làm lại sổ thông hành Úc cho Bà với lý do là bà đã mất quốc tịch Úc khi xin trở thành công dân của một quốc gia khác theo sự quy định của Điều 17 thuộc Đạo Luật về Quốc Tịch. Bà xin Bộ Trưởng Di Trú tái xét nhưng đã bị bác đơn. Bà bèn kháng án lên Tòa Án Liên Bang.
Thẩm Phán Davies cho rằng việc nộp đơn xin thừa nhận tư cách công dân Thụy Sĩ của Bà Gugerli không vì thế mà bị mất quốc tịch Úc vì mục đích chính khi nộp đơn của Bà ta là xin được thừa nhận quy chế của công dân mà bà ta nghĩ rằng bà có quyền được hưởng, chứ không phải vì muốn vĩnh viễn trở thành công dân Thụy Sĩ.
Một trong những vấn đề liên quan đến song tịch là khi nào thì luật lệ của Úc thừa nhận việc từ bỏ quốc tịch nước ngoài.
Trong vụ Sykes kiện Cleary (1992) 176 CLR 77. Trong vụ đó, ứng cử viên trong cuộc “bầu cử bổ sung” (a by election) cho khu vực tuyển cử liên bang Wills tại Bang Victoria đã khiếu nại về kết quả của cuộc bầu cử. Có rất nhiều lý do về sự khiếu nại này mà một trong những lý do đó có lý do liên hệ đến quốc tịch của 2 ứng cử viên: Bill Kardamitsis và John Delacretaz. Đơn khiếu nại cho rằng cả hai ứng cử viên này không đủ tư cách để ra ứng cử vào quốc hội liên bang vì trái với Điều 44 của Hiến Pháp.
Điều 44(i) của Hiến Pháp quy định rằng bất cứ người nào chấp nhận trung thành, tuân phục hoặc có quan hệ chặt chẽ với nước ngoài, hoặc là thần dân hoặc công dân hoặc được hưởng quyền hoặc đặc quyền của một thần dân hoặc công dân của nước ngoài . . . sẽ không đủ năng cách được tuyển chọn để trở thành nghị sĩ hoặc dân biểu.
Ông Kardamitsis sinh ra tại Hy Lạp và có quốc Tịch Hy Lạp. Ông ta di dân đến Úc vào năm 1969, và đã được chấp nhận là công dân Úc vào năm 1975. Lời tuyên thệ để trở thành công dân Úc vào lúc đó là phải từ bỏ sự trung thành với nước ngoài và ông Kardamitsis đã tuyên thệ điều đó.
Tuy nhiên, theo luật lệ của Hy Lạp thì một người có quốc tịch Hy Lạp chỉ có thể từ bỏ quốc tịch Hy Lạp nếu đương sự nộp đơn xin vị Bộ Trưởng của chính quyền, và vị Bộ Trưởng đó có quyền hành xử “thẩm quyền tùy tiện” (discretionary powers) để chấp nhận cho người đứng đơn được từ bỏ quốc tịch Hy Lạp của mình. Ông Kardamitsis vẫn chưa nộp đơn để xin từ bỏ quốc tịch Hy Lạp của ông ta.
Riêng ông Delacretaz được sinh ra tại Thụy Sĩ, và có quốc tịch thụy Sĩ, Ông di dân đến Úc năm 1950, và đã trở thành công dân Úc vào năm 1960. Lời tuyên thệ mà ông ta đã tuyên thệ là việc từ bỏ sự trung thành đối với tất cả các quốc gia khác ngoại trừ nước Úc. Tuy nhiên, theo luật lệ của Thụy Sĩ thì người mang quốc tịch Thụy Sĩ chỉ có thể từ bỏ quốc tịch nếu đương sự yêu cầu điều đó.
Ông Delacretaz đã không đưa ra lời thình cầu đó đối với chính quyền Thụy Sĩ, và vì thế “Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Úc” (The High Court of Australia) đã tuyên phán rằng hai ứng cử viên vừa nêu trên là ngoại kiều và không thể ứng cử để trở thành dân biểu của Quốc Hội Liên Bang Được.
Dựa vào luật lệ về quốc tịch cũng như các phán quyết vừa trưng dẫn Cô có thể thấy được sự phức tạp trong vấn đề song tịch. Tuy nhiên, trong trường hợp của Cô, mặc dầu tôi chưa tìm ra phán quyết hoặc án lệ nào liên hệ đến trường hợp này, nhưng theo thiển ý của cá nhân tôi, Cô có quyền giữ quốc tịch Úc khi Cô trở thành công dân của Hoa Kỳ vì việc Cô nhập tịch Mỹ là do hôn nhân bắt buộc.
Nếu cô còn thắc mắc, xin điện thoại cho chúng tôi để được giải đáp thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.