Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Nỗi Oan Tình (04/10/2007)

10/04/200700:00:00(Xem: 2513)

(Cảm tác tiếp theo truyện Niềm Vui Bất Ngờ trong tập truyện Lời Tình Trong Lửa Đỏ sắp xuất bản)

(Tiếp theo...)

Thái rót thêm cho ông Thành Lợi một lần trà nữa:
-Ông chủ xuống chơi chắc có việc trong hãng cần bàn phải không"
Ông Thành Lợi thở ra một hơi dài, mà Thái chẳng rõ là vui hay buồn:
-Thầy có nhớ cái dự định mở thêm chi nhánh ở ngoài Đà Nẵng không"
-Dạ nhớ chứ, công việc bận rộn quá tôi cũng chưa kịp hỏi ông chủ thì ngoài đó người ta đã di tản vào trong này hết rồi.
Ông Thành Lợi nhịp những ngón tay lên mặt bàn, vầng trán nhăn tít những đường xếp nếp:
-Bởi vậy người ta mới nói người tính không bằng trời tính, ngay cả cái mạng của tôi suýt nữa đã tiêu tùng rồi.
-Xin ông chủ kể rõ hơn cho nghe.
-Hà, khi tôi ra tới ngoài đó thì nghe đài truyền hình với truyền thanh loan báo đã mất Huế, rồi chính mắt tôi chứng kiến cảnh đồng bào lũ lượt tràn vào thành phố, rồi trường học, chùa chiền, nhà thờ đầy nghẹt dân tị nạn, tiếng kêu khóc dậy trời đất. Tôi biết tình hình đã khẩn cấp lắm rồi nên chỉ ở Đà Nẵng được mấy ngày thì tôi chạy ngay ra quầy vé hàng không.
Ông già nhấp một ngụm trà, ánh mắt đăm chiêu, trong ký ức của ông hiện ra cảnh thành phố Đà Nẵng trong những giây phút hấp hối.
-Thật may mắn, chỉ còn có một chuyến bay cuối cùng, tôi vất vả lắm mới nài lại được một cái vé chợ đen đến hai trăm ngàn đồng. Phận tôi thì coi như xong, nhưng thật tội nghiệp hàng trăm ngàn đồng bào ngoài đó, chẳng biết giờ này họ ra sao nữa. Tình hình này xem chừng chương trình mở chi nhánh ở Cần Thơ cũng gặp trở ngại rồi. Thôi thì mình cứ tạm thời túm tụm với nhau ở thành phố Sài Gòn này chờ khi sáng sủa hơn...
Thái góp ý kiến:
-Theo tôi nghĩ thì có nhiều dấu hiệu báo trước sự đen tối là khác, ông chủ không thấy người ta đang lo xin giấy đi ngoại quốc đó sao. Hay là ông bà cũng nên liệu cách cho mấy cô cậu trong nhà đi Pháp hay Mỹ một thời gian xem sao"
Ông Thành Lợi thở dài:
-Tôi với bà nhà tôi đã có nghĩ đến chuyện ấy, nhưng tụi nó không chịu. Chúng nói có ba mẹ cùng đi thì chúng mới đi. Tôi có một người em trai sống bên Pháp và một cô em con dì sống bên Mỹ, tôi có liên lạc với hai nơi ấy thì họ nồng nhiệt bảo chúng tôi sang ngay.
-Nếu vậy thì ông chủ để tôi hỏi thủ tục xin xuất ngoại và tiến hành ngay.
Ông già đăm đăm nhìn Thái, đôi mắt ẩn chứa một nỗi niềm sâu kín:
-Thầy thật là một con người tốt, chỉ  nghĩ đến người khác mà không bao giờ tìm kiếm lợi lộc cho mình.
Thái cười gượng:
-Dạ ông chủ quá khen, chứ giữa thời buổi khó khăn này mà có được một việc làm tốt, một ông chủ tốt là phước ba đời rồi, còn mong muốn gì nữa. Thôi đã nói rồi thì phải nói luôn, tôi muốn trình bày với ông chủ về chuyện tài chánh của hãng mình...
Ông Thành Lợi giật mình hỏi ngay:
-Sao, có chuyện gì quan trọng không"
-Dạ không, chuyện giao dịch trong và ngoài nước vẫn diễn tiến bình thường, nhưng... nếu ông chủ không cho là tôi bày vẽ và vượt quá nhiệm vụ của một ngươi nhân viên thì tôi xin đề nghị ông chủ nên đổi lấy ngoại tệ và chuyển tiền vào trương mục ngoại quốc ngay, trường hợp gia đình ông bà có xuất ngoại thì cũng đã có một nền tảng tài chánh vững chắc...
Ông Thành Lợi gật đầu vui vẻ:
-Thầy nói đúng, tôi cũng nghĩ đến chuyện này từ khi tôi, hà hà... chạy nạn từ Đà Nẵng về, tôi có bảo Nghĩa lo chuyện đó, nhưng tôi muốn biết thầy còn có đề nghị nào nữa không"
Nghe ông chủ nhắc đến Nghĩa, Thái rùng mình nghĩ đến những công chuyện làm ăn bí ẩn của anh chàng. Thái đã ngầm tìm hiểu và nắm được ít nhiều đầu mối, nhưng Nghĩa là cháu gọi ông Thành Lợi bằng bác, chuyện gia đình người ta Thái nghĩ chàng không nên nhúng tay vào. Giữa chàng và Nghĩa, hẳn họ phải nghiêng nhiều về hắn hơn chàng. Điều mà Thái có thể làm để đền đáp ân tình của ông Thành Lợi là theo dõi hành động của Nghĩa để ngăn chận những tác hại được đến mức nào thì hay được ngần ấy. Thái đã nắm được nhiều chứng từ giao dịch mờ ám của Nghĩa và luôn tự đặt câu hỏi với lòng, lương một giám đốc hàng tháng gấp nhiều lần hơn lương một ông đại tướng, đủ có một cuội sống sung túc hơn hàng triệu người, Nghĩa cần nhiều tiền để làm gì. Thái biết, Nghĩa thuộc loại người thích những nơi nhảy nhót ăn chơi, ở những chỗ mà giới thượng lưu người ta vung tiền qua cửa sổ thật hào phóng. Chỉ một đêm thôi cũng đủ đốt đi hơn mấy tháng lương của chàng trong những cuộc vui suốt sáng, bên những chai rượu mạnh ngã nghiêng và sóng mắt đa tình của những giai nhân một đêm. Nghĩa lao đầu vào ánh đèn màu vũ trường như một con thiêu thân rồ dại. Đối với Thái, chuyện vui chơi của những con người có một vị trí cao trong xã hội là một chuyện bình thường, nhưng chàng nào đâu biết rằng, Nghĩa còn đắm sâu vào vũng lầy trụy lạc hơn nữa, khi hắn bỏ nhiều tiền ra nuôi một cô gái nhảy tuyệt đẹp làm gái bao. Lương giám đốc không đủ cung phụng cho nàng thì Nghĩa phải tìm nơi nào. Còn ở đâu nữa, ngoài cái công ty xuất nhập cảng Thành Lợi giàu sụ của ông bác hắn.
Khi người ta bị chi phối bởi những thứ sắc đẹp phù phiếm, bị quyến rũ bởi những thứ vật chất hào nhoáng, thì người ta dễ dàng bán linh hồn cho quỷ để được tất cả những thứ ấy. Thái đã phăng ra được những đường dây làm ăn núp bóng công ty Thành Lợi của Nghĩa để lấy tiền bỏ túi riêng, nhưng chàng không biết Nghĩa đã đổ tiền vào căn biệt thự nho nhỏ hắn mua cho cô vũ nữ nhân tình. Tiền của trút vào bao nhiêu mất hút đến đấy, như ném vào một cái thùng không đáy, bởi Nghĩa hoàn toàn bị mê hoặc đến điên khùng vì tấm thân ngà ngọc của giai nhân trong những đêm ân ái loạn cuồng, mà hắn phải vất vả tranh giành với nhiều đối thủ khác. Nghĩa càng rồ dại bao nhiêu thì Thái càng phập phòng lo sợ cho ông Thành Lợi chừng ấy, bởi ông là tổng giám đốc chịu trách nhiệm mọi hoạt động của công ty. Thật tội nghiệp cho ông già hiền hậu này, ông đâu biết có một cơn bão dữ đang ùn ùn từ biển khơi kéo vào, mà sẽ cuốn lấy cái công ty của ông xuống vực thẳm, nên Thái nhân dịp nhắc nhở ông chủ chuyển tiền vào trương mục nước ngoài ngay. Nhưng khi nghe ông Thành Lợi đã giao việc ấy cho Nghĩa, thì chàng chỉ còn có thể cố nén một nỗi chết lặng trong lòng. Nào ai có thể biết được cái trương mục ấy sẽ được ký thác dưới tên của ông chủ hay là... Thái rùng mình không dám nghĩ tiếp.
Thái còn đang suy nghĩ miên man như thế thì ông Thành Lợi đã xua tay:
-Nhưng thôi, mình hãy tạm quên những chuyện không vui ấy, hôm nay tôi xuống đây là muốn thay mặt gia đình mời thầy đêm mai lúc bảy giờ tối lên nhà dùng bữa cơm thân mật mừng sinh nhật Thúy Ái với chúng tôi.
Thái trở về với thực tại:
-Thưa, mừng cô Ba bao được bao nhiêu tuổi"
-Hà hà, năm nay nó được mười tám tuổi rồi. Cách đây hai năm chúng tôi làm sinh nhật cho con Thúy Anh, bây giờ đến con em Thúy Ái.
-Dạ chuyện vui trong gia đình như vậy, tôi rất hân hạnh được góp mặt.
Ông Thành Lợi cầm lấy hộp trà đứng lên vui vẻ đưa tay ra:
-Tôi lên nhà để thầy nghỉ ngơi, rất cám ơn thầy đã nhận lời, con bé Thúy Ái chắc nó vui lắm.
Ông già đã bước ra đến cửa, đột nhiên ông dừng lại quay người lại căn dặn:
-À, cái chuyện xuất ngoại đó thầy hỏi giùm chúng tôi, rồi... thầy kèm tên... thầy vào chung luôn nghe!
Thái giật mình tưởng chàng nghe lầm, không ngờ ông chủ quan tâm nhiều đến chàng như thế, sự xúc cảm làm chàng ấp úng:
-Dạ... cám ơn ông chủ có lòng nghĩ đến tôi, nhưng xin... ông chủ cho tôi được... ở lại, vì tôi còn có hai đứa em nhỏ ở dưới Cần Thơ...
-Nếu vậy thì thầy gọi mấy em lên đây lo cho đi luôn.
Thái biết rằng chàng không thể nhận lời đề nghị vượt quá sự tưởng tượng, mà chàng coi đó là một sự lợi dụng lòng tốt của người ta :
- Ông chủ đã nói thế chứng tỏ tình cảm nồng hậu dành cho tôi, anh em chúng tôi xin ghi nhớ mãi, Nhưng tôi không thể nhận được, cứ để cho nó đẹp mãi trong lòng anh em chúng tôi là quý lắm rồi.
Ông Thành Lợi lắc đầu thở dài:
-Thôi thì đành vậy, mình sẽ tính sau.
-Dạ ngày thứ Hai tôi sẽ xúc tiến công việc xin giấy tờ ngay...
Gia đình Thành Lợi đã chọn đêm thứ Bảy làm buổi dạ tiệc mừng sinh nhật Thúy Ái, thím Năm nấu bếp và chị Mỹ nhờ anh Hậu lấy chiếc Citroen chở đi chợ mua về hàng đống thực phẩm, rau cải và nhiều thứ không tên khác cho một cuộc đại tiệc thịnh soạn. Bà Thành Lợi cũng gọn gàng trong bộ bà ba xuống tiếp tay thím Năm. Bà rất vui khi Thúy Anh chịu rời bỏ cái vỏ ốc của nàng vào nhà bếp phụ mẹ nấu nướng. Trong ngày này, Thúy Ái là nhân vật chánh, lẽ ra phải xuất hiện ríu rít tung tăng như một con chim nhảy nhót trên cành thì nàng than đau đầu và dấu mình nằm vùi trong phòng. Bà Thành Lợi lo ngại vào phòng đưa tay sờ trán con gái. Những sợi dây thần kinh trong đầu ngón tay của bà cảm nhận một cơn nhiệt hâm hấp dưới làn da căng mịn của con gái. Bà mẹ cúi xuống vuốt tóc Thúy Ái:
-Con bị sốt phải không"
Thúy Ái giấu mặt sâu trong chiếc gối rên khẽ:
-Chắc tại hôm trước con bị ướt mưa đó mẹ, nhưng mẹ đừng lo, con chỉ khó chịu chút xíu thôi hà.
Bà Thành Lợi véo yêu vào má con gái:
-Con nằm nghỉ cho khỏe, để mẹ nấu cho một tô cháo thịt bằm, mẹ bỏ hành tiêu nhiều ơi là nhiều vào, con ăn vào ra mồ hôi là giải cảm ngay.
Thúy Ái ngẩng đầu lên kéo tay mẹ, đôi má chợt ửng hồng:
-Mẹ ơi, anh... Thái có lên nhà dự tiệc không"
Bà Thành Lợi đăm đăm nhìn con gái bằng ánh mắt dò hỏi:
-Có chứ, nhất định thầy Thái sẽ có mặt, nhưng con cần thầy Thái làm gì chứ"
Thúy Ái vùi mặt vào làn vải gối tránh né đôi mắt tò mò của mẹ:
-Thì... con chỉ hỏi vậy thôi mà...
Bà Thành Lợi khép cửa, trong lòng tự hỏi có phải chăng sự hiện diện của chàng trai trẻ này đã làm biến đổi, thậm chí đảo lộn cuộc sống tình cảm của hai cô con gái trong ngôi nhà này, mà bà không dám xác quyết là dấu hiệu tốt hay xấu. Những đêm gối đầu lên cánh tay của chồng, bà mẹ đã đem chuyện ấy ra hỏi ông:
-Anh à, dạo này em thấy hai con bé nhà mình đổi khác nhiều lắm, chúng nó vui tươi hớn hở như những đóa hoa hồng buổi sáng vậy đó.
-Ừ, thì con gái lớn chúng nó phải thay đổi tính tình chứ, vào trường học có nhiều bạn, về nhà được cha mẹ nuông chìu, chẳng lẽ khóc mè nheo hoài à.
Bà Thành Lợi chặc lưỡi:
-Không phải vậy đâu, em là mẹ em biết tính nết con mình ra sao chứ. Anh không nhận thấy là... từ ngày có thầy Thái về đây, lũ con gái mình dường như biến thành những con người khác sao" Con bé Thúy Ái đêm nào cũng xuống xoắn lấy, nại cớ nhờ thầy Thái dạy kèm. Còn con bé Thúy Anh xem ra cũng vui vẻ lắm, nó thường hay xuống bếp với thím Năm mỗi buổi chiều, viện cớ học nấu bếp, nhưng em nghĩ là... nó muốn được nhìn và trò chuyện cái anh chàng Thái ấy. Anh liệu mà coi chừng con đấy.
Ông Thành Lợi trầm ngâm nói:
-Con gái lớn cần tiếp xúc nhiều với người ngoài, mà chúng nó cứ ru rú mãi trong nhà. Cho nên... có thầy Thái về, tụi nó thay đổi cũng là phải. Anh cũng có để ý chứ. Anh hài lòng thấy thầy Thái rất đứng đắn với hai đứa nó, giống như là một người anh lớn trong gia đình.
-Nhưng mà em vẫn cứ lo lắng quá anh à. Hai đứa con gái trong nhà đã là hai trái... bom không biết nổ lúc nào, anh lại bê thêm về một trái bom nguyên tử nữa, vị chi là ba trái...
Ông chồng không thể không cười khì trước sự so sánh ví von của vợ:
-Em nói quá, bom gì mà bom... Nhưng nếu mà một trong hai đứa nó có...
Ông định nói đến chuyện tình yêu nhưng ngại vợ không đồng ý, bởi trong thâm tâm, ông sẽ sẵn sàng chấp nhận Thái như là một người con trong gia đình, nếu... Thúy Anh hay Thúy Ái muốn trao thân gởi phận cho chàng. Bà Thành Lợi, dưới nhãn quan của một bà mẹ chu đáo, đã lo liệu xa hơn, bà ngắt lời nhắc nhở chồng ngay:
-Hôm trước anh chị dược sư Phước có ướm lời muốn cùng cậu Phương sắp ra dược sĩ đến chơi xem mắt hai đứa nó, anh đã hẹn ngày chưa"
Ông Thành Lợi ngần ngừ:
-Ừ, chuyện đó... anh đang...
-Còn chần chừ gì nữa, chỗ tốt thế mà anh chê. Cậu Phương trắng trẻo, hiền lành dễ thương, học giỏi lại được anh chị Phước hứa mở cho một cái nhà thuốc Tây, xứng với con Thúy Anh lắm. Mình đừng để hụt mối này, e con Thúy Anh mất một chỗ nương tựa.
-Ngoài sự nương tựa, em phải nghĩ đến hạnh phúc của con mình nữa.
Bà Thành Lợi rút cánh tay của chồng ra khỏi đầu hờn dỗi:
-Sao lại không hạnh phúc chứ, chồng vợ đẹp đẽ xứng đôi như thế, còn tìm ở đâu nữa. Người ta là chỗ thân tình lâu năm nên muốn kết thông gia với mình, chứ em nghe nói nhiều nhà đàng gái khác người ta đánh tiếng trải chiếu hoa mời đến, chứ có đâu được đàng trai tự động xin đến coi mắt con mình, anh nên liệu sớm đi.
Ông Thành Lợi quay sang vuốt ve vợ:
-Ừ, em nói cũng đúng, để anh hẹn anh chị Phước đến, cậu Phương ưng cô nào thì mình gả cô ấy, nhưng quyền quyết định tối hậu là của tụi nó, chúng ta không được ép buộc.
Nghe chồng nói thế, bà vợ lại quay sang nhấc đầu lên đưa cánh tay ông vào chỗ cũ:


-Anh cứ để mặc em, mẹ con em tỉ tê với nhau, thế nào chúng nó cũng nghe.
Là vợ chồng ăn ở với nhau mấy mươi năm, làm gì mà bà không nhận ra từ cử chỉ và đánh hơi trong lời nói của chồng, rằng dường như, ông tán thành chuyện con gái lân la với Thái. Bà không có ác cảm gì với Thái, nếu một trong hai đứa con gái có yêu mến chàng thì bà cũng đành lòng, nhưng dưới mắt bà thì cậu Phương vượt trội và có nhiều triễn vọng hơn Thái rất nhiều. Phải bắt cho được con cá lớn này cho một cô con gái của bà trước đã. Cái viễn cảnh một ngôi dược phòng thuốc Tây của đôi vợ chồng trẻ, một đàn cháu ngoại xinh xắn, ngoan ngoãn hiện lên trong ý nghĩ, làm cho trái tim bà mẹ trào dâng một nỗi sung sướng bồi hồi.
Đêm sinh nhật Thúy Ái diễn ra trong một bầu không khí thân tình, ấm cúng và vui vẻ, vì tất cả gia đình đều hiện diện quanh chiếc bàn lớn dài. Ông Thành Lợi là người trụ cột trong gia đình nên lúc nào chiếc ghế ở đầu bàn cũng thuộc về ông. Bà Thành Lợi ngồi phía bên tay trái của chồng, cho đúng với lời dạy của người xưa, nam tả nữ hữu. Nghĩa, vừa là cháu ruột vừa là người cao tuổi nhất trong bọn thanh niên, nên dĩ nhiên chàng chiếm cái ghế phía bên trái của ông bác, rồi mới đến Mỹ Phương và Thái, trong khi hai cô con gái và cậu út ngồi gần bên mẹ. Như vậy, Thái đang ngồi đối diện thẳng với Thúy Ái. Những chiếc ghế còn lại được chia đều cho mấy cô cậu em của Nghĩa, anh Hậu tài xế, thím Năm nấu bếp và chị Mỹ giúp việc.
Trong bữa ăn, thật lạ lùng, thức ăn hấp dẫn và thịnh soạn là thế mà Thúy Ái chỉ gắp mỗi thứ một chút, nhỏ nhẻ như một con mèo khảnh ăn. Dường như cơn bệnh cảm đã làm hỏng cái tính thích ăn của cô gái mất rồi. Nhiều lúc Thúy Ái buông đũa xuống, chiếc càm tròn nhỏ của nàng tựa trên bàn tay, đôi mắt đăm đăm nhìn sang Thái. Những cử chỉ ấy không giấu nổi sự chú ý của cô chị Thúy Anh, nàng len lén quan sát hành vi của Thái, để xem chàng phản ứng như thế nào. Từ đêm tình cờ bắt gặp Thái cùng Thúy Ái hôn nhau bên khung cửa, Thúy Anh biết trái tim của em nàng đã rung động từ một mối tình đầu tiên của thời con gái. Nhưng sau nhiều lần trò chuyện với Thái, Thúy Anh đã bồi hồi nhận ra rằng, Thái không yêu cô em Thúy Ái, mà, trời ơi, dường như chàng đã... yêu nàng. Ánh mắt sâu thẳm của chàng mỗi lần nhìn nàng, rồi vội lẩn tránh đi ngay đã thú nhận tình yêu đó. Thúy Anh biết là Thái đã giấu mối tình câm ấy tận đáy tim chàng, bởi nỗi tự ti mặc cảm của một con người hèn mọn và nghèo nàn. Con tim của Thúy Anh bị giằng xé giữa tình thương sâu đậm của người chị dành cho đứa em gái hãy còn nhiều nông nỗi và dại khờ, và một thứ tình cảm lảng đảng, ngọt ngào đang đâm chồi nẩy lộc từ cuộc sống cô độc khô cằn của nàng. Nhiều lúc Thúy Anh tự hỏi, liệu nàng có thể hy sinh tình yêu cho em gái được không, nàng có can đảm dày nát con tim non dại của Thúy Ái để dệt những sợi tơ tình cùng Thái không" Câu hỏi ấy Thúy Anh vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp. Những đêm trăn trở, con tim thổn thức vì ôm ấp cùng một mối tình câm như Thái, Thúy Anh chong đèn ngồi vào  dương cầm, thả hồn vào những nốt nhạc tình si.
Cậu Long may mắn về đến được Sài Gòn trước khi Đà Lạt mất, nên buổi sinh nhật còn là buổi ăn mừng Long thoát nạn. Đã có dự định từ lâu với mẹ và chị Thúy Anh, nên trước đêm sinh nhật Thúy Ái mấy ngày, Long chở cô chị lớn trên chiếc Yamaha  xuống phố suốt một nửa ngày. Khi về đến nhà, Long kéo mẹ vào phòng, ba mẹ con vui cười thầm thì với nhau một chuyện gì bí mật lắm, nhưng khi Thúy Ái tình cờ bước vào thì họ khéo léo lảng sang chuyện khác.
Trước khi ông Thành Lợi mở lời khai mạc buổi tiệc sinh nhật, Long xin phép ba mẹ được tao quà tặng cho chị Thúy Ái. Long đứng lên nhìn chị với đôi mắt chứa đầy vẻ bí ẩn:
-Hôm nay mừng chị Thúy Ái được mười tám tuổi, mẹ cùng chị Thúy Anh và em có một món quà tặng đặc biệt cho chị. Hy vọng chị sẽ hài lòng với món quà này. Xin chị nhớ cho rằng lúc nào ba mẹ, chị Hai và em cũng dành hết tình thương về cho chị. Mừng chị mưới tám tuổi, em nguyện cầu chị được muôn điều đẹp lành.
Long xoay qua anh Hậu với vẻ trang trọng:
-Nhờ chú Hậu đem món quà đặc biệt vào.
Thúy Ái đặt tay lên bên ngực:
-Quà gì mà em làm chị hồi hộp quá vậy"
-Xuỵt, bí mật, chỉ trong khoảnh khắc nữa chị sẽ biết ngay mà.
Anh Hậu từ nhà trên đẩy một cái vật gì rất lớn được phủ trùm bằng một tấm vải hoa sặc sỡ, anh chầm chậm dẫn nó vào nhà ăn. Thúy Ái lạ lùng đứng lên bước đến gần để nhìn cho rõ hơn:
-Cái món quà gì mà kỳ cục và lớn quá như thế này"
Long bước đến gần chị đưa tay lên che lấy tầm mắt của nàng:
-Chị nhắm mắt lại đi, khi em đếm xong đến ba thì chị mở ra nhận quà nhé! Nào, một... hai... ba, chú Hậu giở tấm vải ra đi, bây giờ chị nhìn được rồi.
Trái tim đập thình thịch trong một nỗi hân hoan đầy phấn khích, Thúy Ái mở choàng mắt ra trong tiếng kêu ngạc nhiên và tiếng vỗ tay vang dậy của mọi người. Thúy đưa hai tay lên ôm ngực kêu khẽ:
-Ôi, đẹp quá!
Trước mắt nàng, một chiếc xe Yamaha màu rượu vang hừng lên màu đỏ rực như ánh mặt trời chiều. Long cùng Thúy Anh đã cất công xuống phố chọn mua được một chiếc đẹp lộng lẫy nhất để tặng cho nàng. Thúy Ái rưng rưng nước mắt kéo đầu Long xuống hôn vào trán chàng:
-Em tôi thương chị đến thế à"
Bà Thành Lợi giả vờ hờn dỗi:
-Không chỉ có mỗi em Long đâu nhé!
Thúy Ái tung tăng chạy trở lại bên mẹ hôn vào má bà mẹ một cái thật kêu:
-Con cám ơn mẹ, mẹ thương con quá, con không... xứng đáng nhận đâu...
-Cô đừng quên còn một người nữa.
Thúy Ái ngồi xuống ghế ôm chặc lấy Thúy Anh phụng phịu:
-Chị Thúy Anh lười không muốn chở em đi học nữa nên tặng em  món quà này chứ gì"
Thúy Anh dịu dàng vuốt tóc em:
-Đã thành người lớn rồi thì phải tự đi học lấy một mình chứ, ai mà chở hoài được.
Nghĩa cười ha hả đứng dậy với tay lấy món quà chàng đặt trên chiếc tủ buffet gần đó:
-Nhìn món quà to khổng lồ của Thúy Ái, anh Nghĩa thấy xấu hổ quá, vì món quà của anh nhỏ xíu thôi, nhưng mà anh Nghĩa cũng xin tặng em gái với những lời chúc tốt đẹp nhất từ tận đáy lòng anh.
Thúy Ái đón lấy cái hộp quà của Nghĩa run run mở ra. Thực khách lại chia sẻ niềm vui với nàng bằng một tràng vỗ tay náo động nữa. Thúy Ái đưa lên cao cho mọi người trong thấy một cái máy nghe cassette bóng loáng. Nghĩa hãnh diện khoe với cô em họ:
-Anh Nghĩa đặt mua từ tận bên Nhật cho Thúy Ái đấy nhé. Em xem còn cái gì dưới đáy hộp nữa kìa...
Đến lượt Thúy Ái kêu lên ngạc nhiên:
-Ôi, hay quá!
Nàng đưa lên cho mọi người cùng nhìn thấy những hộp băng nhạc mới toanh còn bọc trong giấy kiếng. Nghĩa đưa mặt về trước:
-Anh Nghĩa có xứng đáng nhận một nụ hôn không"
-Không dám, anh đã có người khác hôn cho rồi!
Thúy Ái quay người lại tìm Thái hóm hĩnh hỏi:
-Thầy Thái có tặng gì cho Thúy Ái không"
Thái ngượng ngùng đứng lên đưa ra cái gói quà rất khiêm tốn của chàng:
-Mừng cô Ba món quà nhỏ này, mong cô không phiền vì quà chỉ có tí xíu nhé...
Khuôn mặt Thúy Ái rạng rỡ một nỗi hân hoan khác thường, đón lấy gói quà, những ngón tay mềm mại của nàng kín đáo vuốt nhẹ lên lòng bàn tay Thái:
-Quà lớn hay nhỏ đều mang theo một tấm lòng, Thúy Ái cám ơn anh Thái lắm.
Ông Thành Lợi vui vẻ xem vào:
-Con mở ra xem thầy Thái tặng cái gì nào"
Thúy Ái bóc tấm giấy kiếng đỏ bọc một chiếc hộp hình chữ nhật dài, chợt nàng reo lên:
-A, đẹp lắm.
Mọi người cùng nhìn vào một chiếc hộp làm bằng nhựa đỏ trong suốt với nhiều vật dụng lỉnh kỉnh bên trong, chẳng biết là những gì nữa.
-Chúc cô Thúy Ái mùa hè này đậu cao và trở thành cô tú toàn phần.
Hóa ra Thái đã tặng Thúy Ái một chiếc hộp chứa đủ loại thước kẻ hình học, món quà tuy đơn sơ nhưng có một ý nghĩa ấm áp, rằng Thái nguyện cầu cho cô học trò  của chàng vượt qua kỳ thi này để bước vào ngưỡng cửa đại học như chị nàng. Thúy Ái ấp ủ chiếc hộp nhựa vào lòng nhìn Thái bằng ánh mắt thiết tha:
-Em cám ơn lời chúc của anh Thái.
Thím Năm trổ tài nấu nướng nhiều món ăn lạ  mùi vị rất ngon, thực khách ai cũng xuýt xoa khen ngợi, khiến cho thím hãnh diện nhiều, nhưng thím đã khiêm nhường nói:
-Thức ăn hôm nay ngon là nhờ có bà chủ với cô Hai xuống nấu, chứ tôi chẳng có công cán gì.
Bà Thành Lợi gắp bỏ vào chén cho chồng một miếng thịt vịt vàng lườm, lên tiếng từ tạ:
-Thím Năm nói thế chứ em với con chỉ làm quẩn tay chân của thím thôi.
Long đẩy cái liễn sứ chứa món cá bống chưng tương với những sợi miến trắng nhỏ mềm mại nằm vắt ngang trên cái thân bóng nhẫy đen mướt của  con cá đến trước mặt Thúy Ái, chàng lấy đũa gắp một miếng cá béo ngậy bỏ vào chén cho chị:
-Cá chưng tương ngon ơi là ngon mà sao chị không thử một miếng vậy"
Thúy Ái xua tay từ chối:
-Đừng, đừng, chị không...
Bà Thành Lợi quay sang con gái ngọt ngào:
-Thì con nếm một miếng xem nào, tin mẹ đi, món nàylà món ngon nhất hôm nay đấy .
Thúy Ái tái mặt bối rối:
-Hôm nay... con không thích ăn mẹ à...
Con cá bống nằm trong chiếc liễn sứ vừa mới được thím Năm dọn lên còn nóng sốt, những làn hơi nóng tỏa lên mang theo mùi gia vị thơm lừng, nhưng đối với Thúy Ái thì nó tanh tưởi làm sao, nàng nhăn mặt định đẩy cái liễn ra xa, thì đột nhiên một cơn buồn nôn quặn lên từ đáy ruột, Thúy Ái ôm bụng đứng lên ấp úng:
-Xin lỗi... con phải đi vào nhà... vệ... si...
Bà Thành Lợi lo lắng nhìn gương mặt tái mét của con gái, bà đứng lên theo:
-Để mẹ dìu con đi...
Thúy Ái cố gượng cơn nôn đã trào lên đến vòm họng, nàng đưa tay bưng lấy miệng:
-Dạ khỏi... để con...
Những ống cơ vòng thực quản trong ngực Thúy Ái cuộn xoắn dữ dội như một con sâu bò trên cuống lá tống những thức ăn từ dạ dày lên, mạnh như một cái máy bơm, Thúy Ái cong người ụa lên một tiếng lớn, nàng buộc phải há miệng ra. Thức ăn từ trong vòm họng Thúy Ái vọt ra vẽ một đường cong như hình cầu vồng. Thật may mắn cho Thái, trong một phần mười giây, Thúy Ái đã xoay được người sang bên, luồng thức ăn bắn mạnh vào vách, rồi chảy tràn xuống sàn nhà, nếu không thì chàng đã lãnh đủ hết ngần ấy thứ. Linh cảm có một chuyện không lành, bà Thành Lợi xô ghế chạy đến, vừa kịp đỡ con gái vào lòng, Thúy Ái lả người trong vòng tay của mẹ:
-Mẹ ơi... Con mệt... con xin lỗi...
Đôi mắt của bà mẹ rơi lên những mạch máu xanh dờn nổi to phập phồng dưới làm da cổ của con gái, bà thảng thốt đưa mấy ngón tay áp chặc vào, trong lòng dậy lên một nỗi kinh hoàng. Trời ơi, đây rồi, những cái mạch máu đang nện những nhịp đập hối hả dưới những ngón tay cảm nhận của bà, thân thể bà mẹ lạnh toát như bị dìm trong một cái hố nước đá, vì bà đang nhớ lại cái kinh nghiệm hai mươi năm về trước khi bà cũng đã trải qua tình trạng vật vã như thế này… Nghĩ đến đấy, chính bà mẹ cũng rụng rời muốn ngất xỉu. Bà ôm chặc lấy Thúy Ái hỏi dồn:
-Thúy Ái con, có phải con đã có... rồi không... hả...
Sụ hãi hùng trong lòng đã khiến cho bà mẹ không dám nói ra điều bà đang nghĩ. Thúy Ái giấu mặt vào lòng mẹ khóc thút thít:
-Dạ... con... đâu có... gì.
Một cơn buồn nôn khác lại trào lên, Thúy Ái xô mẹ sang một bên ọc ra một đợt đàm dãi nữa, nàng ôm mặt bỏ chạy vào trong trước những ánh mắt ngạc nhiên cùng cực của mọi người. Bà Thành Lợi lảo đảo chạy theo giọng nghèn nghẹn:
-Thúy Ái...
Ông Thành Lợi đứng dậy nắm tay vợ lo lắng hỏi:
-Con Thúy Ái nó có chuyện gì vậy em"
Bà Thành Lợi lắc đầu, mắt đẫm đầy lệ, bà gục đầu vào vai chồng thổn thức:
-Không xong rồi anh ơi, điều em lo sợ đã thành hình, em chắc con Thúy Ái nó đã có...
Bà Thành Lợi nắm tay chồng hối hả đuổi theo con gái. Mọi người nhốn nháo đứng lên, nhưng Nghĩa là người bình tĩnh và khôn ngoan hơn cả, chàng đưa tay ngăn lại:
-Đừng, chị Thúy Anh vào theo coi Thúy Ái thế nào rồi trở ra đây nói cho mọi người cùng biết.
Mọi người ngồi chết lặng chung quanh bàn đưa mắt nhìn nhau, mỗi người tự đưa ra một giả thiết cho riêng mình. Thái bỗng chú ý nét mặt tái xanh của Mỹ Phương, nàng đang cúi đầu ủ rủ có vẻ như đang suy nghĩ một chuyện gì, như đang mang mển một tâm sự u ẩn nào đó. Thái nghĩ Mỹ Phương cùng là giới phụ nữ, chắc nàng có đoán biết ít nhiều cái tấn kịch kỳ dị vừa rồi, chàng định hỏi, thì từ bên trong, Thúy Anh đã bước ra, vừa đi nàng vừa đưa tay lên miệng để ngăn những tiếng khóc uất nghẹn. Mọi người sửng sốt cùng đứng lên, lòng thầm đoán già đoán non, nỗi bất hạnh nào đang giáng lên cô bé nhỏ nhắn đáng yêu đó. Thúy Anh đi đến trước mặt Thái, bất ngờ đưa tay giáng lên mặt chàng một cái tát thật mạnh, chát chúa đến nỗi mọi người phải giật mình, trong chuỗi âm thanh nức nở:
-Khốn nạn, anh là một gã đốn mạt, anh hại đời em gái tôi... Vậy mà tôi... tôi...
Đất trời đảo lộn quay cuồng, Thúy Anh nhắm nghiền mắt ngã khuỵu xuống, Thái kịp đưa tay đỡ lấy tấm thân mềm nhũn của nàng vào lòng...              (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.