Hôm nay,  

Bộ Ngoại Giao Mỹ: Vn Đáng Bị Đưa Vào Danh Sách Cpc

28/09/200400:00:00(Xem: 5388)
Tại buổi họp báo tại Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ vào tuần vừa qua với sự hiện diện của Bộ Trưởng Ngoại Giao Colin L. Powell, Đại Sứ John V. Hanford đã tuyên bố rằng Việt-Nam xứng đáng bị liệt kê vào danh sách những nước vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng cần được quan tâm đặc biệt (country of particular concern viết tắt là CPC). Ông nói tiếp: những nhà lãnh đạo Hà-Nội đã bỏ qua nhiều cơ hội để cải thiện tình trạng vi phạm tự do tôn giáo ở Việt-Nam. Để ra khỏi danh sách này, Việt-Nam cần phải thực hiện những thay đổi đáng kể có thể đo lường được. Thí dụ như bao nhiêu tu sĩ được thả tự do, bao nhiêu nơi thờ phượng như chùa và nhà thờ được cho hoạt động trở lại.
Đại Sứ Hanford cho hay sau những cân nhắc kỹ lưỡng, Hoa-Kỳ sẽ không thay đổi lập trường đối với quyết định xếp ba nước mới vào danh sách CPC. Việt-Nam cũng như Saudi Arabia và Eritrea sẽ có 90 cho đến 180 ngày để điều chỉnh tình trạng vi phạm tôn giáo. Nếu không Hoa-Kỳ sẽ áp dụng những biện pháp ngoại giao và kinh tế để chế tài.
Việt-Nam vẫn tiếp tục cố gắng chối bỏ những vi phạm tôn giáo. Vào ngày thứ Hai, 20 tháng 9, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Dy Niên đã gặp Phó Đại Sứ Hoa-Kỳ John S. Boardman tại Hà-Nội để nhờ chuyền lá thư phản kháng với sự tức giận của Hà-Nội đến Bộ Trưởng Ngoại Giao Colin Powell. (1) Một ngày sau tại Washington, một phái đoàn ngoại giao cao cấp của Việt-Nam do Thứ Trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng cầm đầu đã đến Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ để thảo luận vấn đề CPC.
Chúng ta được biết Liên Hiệp Âu Châu cũng đã nhiều lần kêu gọi Việt-Nam cải thiện tình trạng nhân quyền, đặc biệt trong những năm gần đây. Tại Hội Nghi của Những Quốc Gia Viện Trợ cho Việt-Nam họp tại Hà-Nội vào cuối năm ngoái, phái đoàn Liên Hiệp Âu Châu đã tuyên bố rằng "Thăng tiến và bảo vệ nhân quyền cần phải đi đôi với sự phát triển bền vững của một quốc gia." Đầu tháng 6 năm nay đánh dấu sự thay đổi chính sách viện trợ của Nhật Bản cho Việt-Nam. Ông Mitsura Kitano, Công Sứ của Tòa Đại Sứ Nhật Bản tại Hà-Nội, đã tuyên bố rằng "Theo chính sách viện trợ mới của Tokyo, mức độ viện trợ của Nhật Bản cho Việt-Nam tùy thuộc năm yếu tố. Một trong những yếu tố này là nguyên tắc tôn trọng nhân quyền và môi trường, cũng như là tiến bộ thực hiện bởi chính phủ Việt-Nam đưa đến dân chủ và nền kinh tế thị trường." (2)
Chiếu theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa-Kỳ ban hành vào năm 1998, các biện pháp trừng phạt ở nhiều mức độ khác nhau. (3) Sau đây là những biện pháp chính:
(a) Phản đối (demarche);
(b) Lên án (condemnation);
© Đình hoãn hay hủy bỏ những cuộc trao đổi văn hoá hay khoa học;
(d) Từ chối, đình hoãn hay hủy bỏ những cuộc thăm viếng;
(e) Hủy bỏ, giới hạn, hay tạm ngưng chương trình trợ giúp của Hoa-Kỳ;
(f) Chỉ thị cho Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng của Hoa-Kỳ, Công Ty Đầu Tư Tư Nhân Hải Ngoại, hoặc Cơ Quan Mậu Dịch và Phát Triển không cung cấp dịch vụ thế chấp, bảo hiểm, gia hạn tín dụng hoặc tham dự vào việc gia hạn tín dụng cho bất cứ chính quyền, cơ quan, hoặc viên chức nào liên hệ đến việc vi phạm tự do tôn giáo;
(g) Hủy bỏ, giới hạn, hay tạm ngưng chương trình trợ giúp an ninh;
(h) Chỉ thị cho những giám đốc Hoa-Kỳ tại các cơ quan tài chính quốc tế chống lại việc tài trợ bất cứ chính quyền, cơ quan, hoặc viên chức nào liên hệ đến việc vi phạm tự do tôn giáo;
(i) Ra lệnh cho trưởng các cơ quan thích hợp không xuất cảng bất cứ một sản phẩm hay một kỹ thuật nào cho bất cứ chính quyền, cơ quan, hoặc viên chức nào liên hệ đến việc vi phạm tự do tôn giáo;
(j) Cấm bất cứ một cơ quan tài chánh nào của Hoa-Kỳ tài trợ bất cứ chính quyền, cơ quan, hoặc viên chức nào liên hệ đến việc vi phạm tự do tôn giáo một số tiền tổng cộng trên US$10 triệu trong vòng 12 tháng.
(k) Cấm chính phủ Hoa-Kỳ mua hay bán bất cứ dịch vụ hay sản phẩm nào với bất cứ chính quyền, cơ quan, hoặc viên chức nào liên hệ đến việc vi phạm tự do tôn giáo.
Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo 1998 còn cho phép Tổng Thống Hoa-Kỳ thi hành những biện pháp khác để thay thế những biện pháp vừa kể miễn là phù hợp với luật pháp Hoa-Kỳ và đạt được mục tiêu bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Đạo luật này cũng cho phép Tổng Thống Hoa-Kỳ có quyền miễn áp dụng biện pháp trừng phạt nếu Tổng Thống chứng minh được rằng không trừng phạt sẽ có lợi cho Hoa-Kỳ hoặc giúp sớm chấm dứt vi phạm tư do tôn giáo.
Đối với Việt-Nam, những biện pháp trừng phạt kinh tế nêu trên rất có thể được thi hành. Ngoài ra, việc hạn chế du lịch và gửi tiền về Việt-Nam cũng là những quyết định khả thi. Ngay cả việc không ủng hộ Việt-Nam vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO), vay tiền của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới cũng là những quyết định nằm trong tầm tay của Hành Pháp Hoa-Kỳ theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo. Trong khi Việt-Nam cần mọi sự giúp đỡ để phát triển kinh tế và hội nhập với cộng đồng quốc tế, những biện pháp vừa kể sẽ có tác dụng hết sức tai hại.
Về trường hợp Việt-Nam, Đại Sứ Hanford cho biết rằng Hoa-Kỳ đã cố gắng tránh cho Việt-Nam khỏi bị vào danh sách CPC, nhưng tình thế đã bắt buộc Hoa-Kỳ phải hành động. Hiện nay có 45 người bị giam cầm vì tín ngưỡng gồm cả Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hoà Hảo, và Cao Đài. Báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ cho biết con số này có thể lớn hơn nhiều không kể 11 người bị quản thúc tại nhà. Nhiều người Tin Lành thuộc nhóm thiểu số bị chính quyền gây áp lực để bỏ đạo. Báo cáo cho biết đã xẩy ra những vụ đánh đập, hãm hiếp, thủ tiêu những tín đồ. Hàng trăm nhà thờ và nơi hành đạo tại Cao Nguyên Trung Phần và Tây Bắc bị đóng cửa. Chỉ có khoảng 2% đến 5% được hoạt động trở lại. Cha Nguyễn Văn Lý là một tù nhân lâu năm. Sức khoẻ sa sút. Án tù đã giảm hai lần nhưng không đủ để Việt-Nam không bị xếp vào danh sách CPC. Điều cần thiết là Việt-Nam phải thả tự do cho cha Lý. (4) Mới đây nhà nước Việt-Nam cho sửa sang lại nhiều đình, chùa và xây Tượng Phật lớn, tổ chức lễ tôn giáo linh đình để cố thay đổi dư luận quốc tế về tính trạng vi phạm tự do tôn giáo ở Việt-Nam. Tuy nhiên, những việc làm này không có hiệu quả đối với những tổ chức nhân quyền quốc tế.

Tình trạng vi phạm tự do tôn giáo ở Việt-Nam tiến đến một mức độ trầm trọng đặc biệt trong năm 2004 vì chính quyền Hà Nội vào ngày 18 tháng 6 vừa qua đã ban hành một pháp lệnh về "tín ngưỡng - tôn giáo" mang số 2½004/PL-UBTVQH11. Pháp lệnh này nhằm kiểm soát tôn giáo một cách triệt để. Ngay cả việc hành đạo tại nhà hay truyền đạo trên Internet cũng bị cấm đoán. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn tuyên bố rằng Pháp Lệnh Tôn Giáo hủ lậu, phản văn minh, và phản tiến bộ. (5) Ba Linh Mục Chân Tín, Nguyễn Hữu Giải, và Phan Văn Lợi cho rằng nhà cầm quyền Hà-Nội làm luật để gia tăng đàn áp tôn giáo. (6) Sự ra đời của Pháp Lệnh 2½004 như một thách thức đối với Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo của Hoa-Kỳ. Không những thế Việt-Nam đã coi thường cả hai nghị quyết Thượng Viện Hoa-Kỳ đã liên tiếp đưa ra trong đầu năm nay để kêu gọi Việt-Nam thả tự do cho Cha Nguyễn Văn Lý vô điều kiện (S. RES. 311 - March 4, 2004) và tôn trọng tất cả những nhân quyền đã được quốc tế công nhận (S. RES. 311 - April 27, 2004). Ngoài ra Ủy Hội của Hoa-Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế trong hai năm liên tiếp đã khuyến cáo Bộ Ngoại Giao xếp Việt-Nam vào danh sách CPC nhưng Việt-Nam không lưu tâm đến. Ngoài ra, Việt-Nam còn bị liệt kê vào danh sách những nước toàn trị và độc tài (totalitarian and authoritarian regimes) bởi Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ. (7)
Quyết định coi Việt-Nam là một CPC đã chính thức đánh dấu chính sách ngoại giao hai ngạnh của Hoa-Kỳ. Một mặt Hoa-Kỳ cứng rắn bằng hành động với Việt-Nam về vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền như tất cả các nước vi phạm khác. Mặt khác Hoa-Kỳ tỏ ra thân thiện, thành thật tìm cách giúp đỡ Việt-Nam qua các chương trình trợ cấp nhân đạo như đặc cách cho Việt-Nam được xử dụng quỹ chống bệnh AIDS gồm US$15 tỉ vào tháng 6 vừa qua. (8) Khoảng vài ngày sau khi công bố bản án CPC, Bộ Canh Nông Hoa-Kỳ tuyên bố sẽ tặng cho Việt-Nam 24,000 tấn luá mì trong chương trình Thực Phẩm Cho Tiến Bộ (Food For Progress) để chính phủ Việt-Nam bán lấy tiền chi dùng vào các chương trình xây và tái thiềt đường xá ở nông thôn, các trường tiểu học, trạm y tế, trạm chuyển điện, hệ thống nước uống, và dẫn thủy, v.v. (9)
Chắc chắn rằng những cuộc tranh đấu cam go và bền bỉ đòi quyền tự do tôn giáo của những nhà lãnh đạo tinh thần, những người dân chủ và đồng bào Thượng trong nước cũng như ở hải ngoại đã tạo ảnh hưởng sâu đậm tại toà nhà Lập Pháp Hoa-Kỳ và phần nào đưa đến quyết định vào ngày 15.9 vừa qua. Nhà cầm quyền Hà Nội khi xua đuổi những người Việt ra đi họ đã không nghĩ tới rằng những người này một ngày nào đó sẽ là công dân của quê hương mới với đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi. Họ có thể tạo thế lực chống lại chế độ Hà-Nội.
Đại Sứ John V. Hanford, tốt nghiệp University of North Carolina và Gordon-Conwell Theological Seminary, được Tổng Thổng George W. Bush bổ nhiệm làm Đại Sứ Lưu Động đặc trách về tự do tôn giáo tại Bộ Ngoại Giao vào đầu năm 2001. Ông đã giữ chức vụ Giám Đốc Chương Trình Tự Do Tôn Giáo tại Quốc Hội Hoa-Kỳ từ năm 1986 và là một người kiến trúc sư chính của Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo 1998. Trước khi giữ chức vụ hiện nay tại Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ, ông John V. Hanford là một phụ tá mục sư của West Hopewell Church tại Hopewell, Virginia. Đại Sứ Hanford đã đích thân đến Việt-Nam hai lần để điều tra vấn đề tôn giáo. Vào tháng 2 năm nay, tại buổi điều trần trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, Đại Sứ John V. Hanford đã cảnh cáo rằng Việt-Nam đứng trước khúc quanh về vấn đề tự do tôn giáo và có thể bị xếp vào danh sách CPC.
Năm nay một nước được cho ra khỏi danh sách CPC là Iraq sau khi chính quyền Saddam Hussein xụp đổ. Năm quốc gia tiếp tục bị ở trong danh sách này là Trung Quốc, Miến Điện, Bắc Hàn, Sudan, và Iran. Với Việt-Nam gia nhập nhóm CPC, Á châu trở thành khu vực nặng về vấn đề đàn áp tôn giáo trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ, Lào, Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Nam Dương, Sri Lanka, Brunei và Mã Lai ít nhiều cũng có những vấn đề kỳ thị tôn giáo. Trung Quốc tiếp tục đàn áp tôn giáo mặc dù đã bị xếp vào danh sách CPC ít lâu nay. Những nạn nhân vì tín ngưỡng của chính thể độc tài Trung Quốc là những người theo Phật Giáo Tây Tạng, dân Uighur theo Hồi Giáo, Công Giáo Vatican, Tin Lành và Falungong. (10)
Tài liệu của Ủy Hội Hoa-Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế nhận định rằng Hoa-Kỳ không có ý định buộc các quốc gia phải chấp nhận giá trị của Hoa-Kỳ. Tuy nhiên một khi các quốc gia này đã cam kết bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng trong các hiệp định quốc tế như Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights) và Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (International Covenant on Civil and Political Rights), Hoa-Kỳ mong muốn các quốc gia này thi hành những cam kết đó. Các chế độ độc tài không thể dùng chiêu bài "vấn đề nội bộ" để chối bỏ những cam kết quốc tế. (11)
Hà Nội nên làm gì và sẽ làm gì sau quyết định của Washington. Đó là một câu hỏi được nhiều người đặt ra. Tìm giải đáp hợp lý cho phần (1) của câu hỏi tương đối dễ dàng. (12) Phần (2) đòi hỏi một sự ước đoán. Sau khi danh sách CPC vừa được công bố, Hà-Nội hết sức tức giận như nhận xét của báo chí quốc tế. Sư tức giận sẽ nguôi đi với thời gian và sẽ mang lại sự sáng suốt cho những nhà lãnh đạo Hà-Nội. Nhưng vì quyền lợi tối thượng của Đảng CSVN, Hà Nội sẽ không chủ tâm nới lỏng việc kiểm soát tôn giáo nói riêng và nhân quyền nói chung trong giai đoạn châm chước (3-6 tháng) cho tới vài năm. Là một quốc gia với sự phân quyền rõ ràng, tôn trọng luật pháp, Hoa-Kỳ sẽ chứng tỏ ý chí thực thi Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo đến nơi đến chốn. Tình trạng phát triển của Việt-Nam sẽ gặp trở ngại ngày càng lớn khiến cho những nhà lãnh đạo Hà-Nội phải suy tính lại. Trung Quốc không giúp gì đáng kể cho Việt-Nam cả mà còn trở thành một đối thủ của Việt-Nam về mặt kinh tế lẫn an ninh quốc gia. Rút cuộc Việt-Nam vẫn phải trông cậy vào khối ASEAN, Nhật Bản và các nước Tây Phương. Không còn lựa chọn nào khác.
Chú thích:
(1) Ben Rowse, "Vietnam Lodges Protest with US Over Religious Freedom Report," AFP, Hanoi, September 21, 2004.
(2) AFP, "Japan Lays Out New Aid Policy For Vietnam", June 3, 2004.
(3) U.S. Congress, "International Religious Freedom Act of 1998", Public Law 105-292, as amended by Public Law 106-55 and Public Law 107-228, Washington, DC, 1998.
(4) Colin L. Powell and John Hanford, "Report on International Religious Freedom," U.S. Department of State, Washington, DC, September 15, 2004.
(5) Ngô Nhân Dụng, "Pháp Lệnh Tôn Giáo: Cộng Sản Đang Diệt Tôn Giáo " Việt-Nam," Wesminster, California: 13.07.2004.
(6) Chan Tin, Nguyen Huu Giai, and Phan Van Loi, "Vietnam's New Ordinance on Religion: A Method of Oppressing Religion by the Means of Law," Vietnam: August 15, 2004.
(7) Ben Rowse, "Vietnam Lodges Protest with US Over Religious Freedom Report," AFP, Hanoi, September 21, 2004.
(8) Adam Entous, "Bush Defends Inclusion of Vietnam In AIDS Fund," Reuters, June 23, 2004.
(9) U.S. Fed News, "USDA To Donate 24,000 Tons of Wheat to Vietnam," September 17, 2004.
(10) P. Parameswaran, "Asia Dominates US Blacklist of Top Religious Freedom Violators," AFP, September 16, 2004.
(11) USCIRF, "Frequently Asked Questions," on website www.uscirf.org.
(12) Âu Dương Thệ, "Hà Nội Làm Gì Sau Quyết Định của Washington," Warstein, Germany, 22.09.2004.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.