Hôm nay,  

Tái Đáo Thiên Thai

23/02/200700:00:00(Xem: 3005)

Tái Đáo Thiên Thai

Tái Đáo Thiên Thai là tựa bài thơ thất ngôn bát cú của thi sỹ Tào-Đường, tả tâm trạng hai chàng Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai, nhưng tôi chỉ nhớ hai câu cuối (có lẽ vì tôi chỉ thích hai câu cuối):

“Đào hoa lưu thủy y nhiên tại

Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân.”

Tôi tạm dịch thế này, có thể không sát văn tự nhưng hy vọng gần sát ý:

“Hoa đào vẫn nở, nước êm trôi

Đâu người rưọu tiễn buổi chia phôi!”

Số là, hai chàng rủ nhau lên núi hái thuốc, lang thang thế nào lại lạc vào động Tiên. Không biết khi ấy trong động có bao nhiêu Tiên-nữ nhưng chỉ có hai nàng rủ hai chàng kết duyên vợ chồng. Chỗ này tôi hơi thắc mắc, trước khi hai chàng lạc bước tới thì Động Tiên chỉ có các Tiên-nữ sống vui vẻ với nhau, có ai biết “kết duyên vợ chồng” là gì không"

Thôi thì cứ cho là vì duyên tới nên sẽ tự nhiên biết mà rủ thôi.

Hai chàng làm bạn với hai Tiên thì quả là … thần tiên. Thời gian đó, chắc hai chàng đều tiếc rằng sao không đi hái thuốc sớm hơn để được lạc lối sớm hơn" Hơn thế nữa, chắc hai chàng còn mủi lòng thương xót thế nhân nơi cõi ta-bà, sao mà cực quá! sao mà khổ qúa! Nếu ai cũng lạc vào cõi Tiên như mình thì sung sướng biết bao!

Có mủi lòng cũng vì tâm-từ-bi chút thôi, rồi quên ngay để hưởng hạnh phúc chứ!

Hình như câu chuyện Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai, ít ai tả rõ cuộc sống nơi đó của hai chàng thế nào, mà chỉ nói chung chung là thần tiên lắm! Không ai biết hàng ngày hai chàng ăn uống những gì, chỉ ngầm hiểu là ăn đào và uống nước suối (vì xứ Tiên chắc phải nhiều đào tiên, và cảnh tiên thì nhiều sông suối) Rồi hai chàng làm gì cho hết ngày, ngoài việc cùng Tiên-nữ dạo chơi non bồng diễm ảo, chàng ca, nàng múa …vân … vân … Thật là thần tiên quá, vì chàng không phải đi làm, không phải kẹt xe trên xa lộ, không bị ông xếp bà xếp xài xể, không sợ bị layoff, không sợ bị late charge khi trả bill trễ …. Biết bao nhiêu là thứ phiền não thế gian mà chỉ cần lạc lối thiên tiên là rũ bỏ sạch hết.

Tuyệt!

Có lẽ không ít ai trong chúng ta, đọc câu chuyện này mà không khởi tâm mong được như vậy. E rằng có người quá mong mỏi, còn thử đi hái thuốc không chừng!

Nhưng,

Lại chữ nhưng đáng ghét!

Nhưng chỉ ít lâu sau, (không ai biết bao lâu, trong một vài tác phẩm viết về chuyện này, cho là 6 tháng) hai chàng Lưu Nguyễn cảm thấy nhớ nhà. Nhớ nhà đây có lẽ không chỉ nhớ CÁI NHÀ ở ta-bà, mà tôi nghĩ là hai chàng nhớ khắp cõi ta-bà, nhớ những sinh động ồn ào, nhớ bụi bặm, nhớ thiếu thốn chật vật, nhớ những bực mình, cãi cọ, nhớ lo lắng, nhớ ác mộng, nhớ bún riêu, bún ốc, nhớ phở, nhớ hủ tíu, xôi chè, bánh mì, bánh cuốn … Trời ơi, hai chàng mà kể hết những cái nhớ đang ùn ùn trong lòng thì Tiên-nữ cũng phát điên thôi.

Thế nên, hai chàng chỉ lịch sự thổ lộ là “Ta nhớ nhà quá! Ta muốn về thăm nhà rồi ta sẽ trở lại”. Nghe thế, Tiên-nữ rầu rầu: “Chàng về, thiếp không dám giữ, chỉ xin chàng suy nghĩ kỹ đã”

(Tiên-nữ có khác! Chứ gặp thôn nữ thì: “Chàng về em chẳng cho về. Em nắm vạt áo, em đề câu thơ!”)

Chắc chắn là hai chàng không cần suy nghĩ gì lâu thêm, vì nhớ ta-bà  quá rồi! ăn đào tiên ngán quá rồi! ca múa cũng mệt quá rồi! Vả lại, nếu muốn trở lại cõi Tiên thì cũng dễ thôi vì ngày trước đi hái thuốc, lạc ở chỗ nào, sẽ tới đúng chỗ đó. Tiên đã là vợ mình thì Tiên sẽ chờ ở đó, khỏi cần gọi taxi mới tới.

Ngờ đâu, vì là Tiên nên Tiên-nữ đã biết trước. Duyên tiên-tục này chỉ xảy ra và bền vững khi tâm tục đã xả tục. Khi tâm tục còn hoài vọng trần tục thì duyên này phải đứt đoạn mà thôi!

Thế nên, khi hai chàng hớn hở khăn gói về quê thì nhị vị Tiên-cô buồn bã, tiễn hai chàng ra cửa động bằng chén rượu ly bôi.

Khi ấy, chắc đang là mùa Xuân vì thấy tác phẩm nào viết về giai thoại này cũng tả cửa động có hoa đào. Mà hoa đào thường chỉ nở vào mùa Xuân. Nếu đúng là thời điểm như thế thì hai chàng Lưu Nguyễn này có tính toán chứ chẳng phải tình cờ “nhớ nhà” vào lúc đó đâu. Tôi dám chắc như thế, dám chắc là hai chàng muốn “về quê ăn Tết” cho đỡ thèm bánh chưng bánh tét, rồi sẽ trở lại cõi Tiên cho đỡ cực !

Tính toán kỹ thế mà không qua khỏi số trời!

Ăn Tết no nê xong, có lẽ nhìn thấy đống bills đầy trong thùng thư, hoảng quá, bèn rủ nhau mau mau đi … hái thuốc.

Đến nơi cũ, đợi, mong, réo gọi ngày đêm mà chỉ thấy:

“Cửa động,

hòn đá tảng.

Gió bay hoa phấn,

Sương chiều âm u.

Con rắn bò qua thấp thỏm,

Chờ giờ công phu” (*)

Câu chuyện Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai thường chỉ được kể tới đây. Có lẽ những nghệ sỹ (thơ, văn, nhạc) viết lại chuyện này chỉ muốn mô tả sự huyền ảo tuyệt vời của chốn thiên tiên nên khi hai chàng không về tiên được nữa thì … hết chuyện, kể thêm đoạn cuối sẽ giảm vẻ đẹp của cảnh tiên.

Tôi không phải nghệ sỹ mới viết về chuyện Lưu Nguyễn một cách trần tục thế này. Nhưng tôi biết, thế nào cũng có một vài bạn đọc đồng ý với tôi ở một vài ý nghĩ đã gán cho Lưu Nguyễn. Những bạn đồng ý, chắc sẽ tội nghiệp hai chàng này vì đang phải đi làm 3 jobs để thanh toán núi bills trong thùng thư! Làm mờ người như thế, có thì giờ đâu mà đi chợ, nấu nướng nữa, nên nhiều phần là trên đường lái xe từ sở nọ sang sở kia sẽ gặp những ông Mễ ôm những bịch trái cây nơi các trụ đèn, chờ đèn đỏ, khách ngừng xe là mời mua.

Thế nào hai chàng cũng mua phải những bịch đào!

Lại ăn đào trừ cơm!

Nhưng không phải là đào tiên nữa!

(Như-Thị-Am, Tết Đinh Hợi)

(*)trích bài “Áo nghĩa thư” thơ DT   

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.