Hôm nay,  

Truyện Kinh Dị: Bóng Ma Nửa Đêm

22/01/200700:00:00(Xem: 2651)

Truyện kinh dị: Bóng Ma Nửa Đêm

(Tiếp theo…)

Bình hối hả băng qua cái sân đầy cỏ dại và cây muồng lúc những tia nắng cuối cùng của buổi chiều đã chìm khuất sau những rặng dừa nước bên kia sông. Cái mái nhọn gãy nát của nhà thờ nổi lên trong cõi ánh sáng xám xịt, hình dáng kỳ dị như một người đàn bà chít khăn đen đang gục đầu thổn thức. Dẫu đã trang bị cho chàng một niềm tin như đá tảng vào uy lực vĩ đại của Thiên Chúa và chiếc thánh giá, nhưng Bình không thể không cảm thấy rờn rợn trước cái khung cửa tối om. Ngoài bờ sông vọng vào những chuỗi tiếng ồm ộp của bọn ếch nhái, cùng tiếng gọi bầy buồn não nuột của những con chim bìm bịp ẩn náu dưới những gốc bần. Thỉnh thoảng, một vài con cá quẫy nước trong đám cỏ lau đang nghiêng ngã dật dờ theo con nước ròng. Trong đám cỏ dại, bọn dế đã rỉ rả những nốt nhạc cho một đêm dài.
Bình biết chàng không có được bao nhiêu thời gian để hoàn tất công việc của mình. Bọn trẻ sẽ kể cho cha mẹ chúng biết sự hiện diện rất đáng khả nghi của chàng ở trong cái nhà thờ nhiều ma này. Sớm hay muộn, những chú du kích xã sẽ kéo đến hoạnh họe quấy rầy chàng. Bình đã có tấm giấy của ủy ban tỉnh làm bùa hộ mạng, nhưng nào ai biết được rằng nó chỉ là một tấm giấy lộn đối với bọn người dốt nát và hung hăng kia. Bình hít vào một hơi dài để lấy thêm can đảm, khi từ phía bóng tối đen đặc bên trong nhà thờ, dường như có những âm thanh kỳ dị, nửa giống như tiếng gió lùa qua khe cửa, nửa giống như tiếng thở dài, rù rì như dòng nước chảy róc rách dưới chân những chiếc cầu bắt qua những con rạch nhỏ. Bình rút cây đèn pin từ trong chiếc ba lô ka ki, mà chàng mua lại của một người bộ đội ở bến xe. Chiếc ba lô trên vai làm cho Bình trông giống một anh công nhân nhà nước hay một anh bộ đội về phép, là tấm bình phong khá hoàn hảo, che chở cho chàng trong một xã hội đầy dẫy những con mắt nghi kỵ.
Chùm ánh sáng èo uột và mờ đục của những hững cục pin nội hóa không đủ sức xuyên thủng màn tối vào tận bên trong. Bình chợt rùng mình, khi ánh mắt của chàng thoáng trông thấy phía đằng sau vệt sáng yếu ớt của chiếc đèn, chập chờn những cái bóng qua lại bên những hàng ghế nguyện. Nhưng khi Bình tiến đến thêm mấy bước rọi thẳng vào thì chàng không trông thấy gì hết. Những cái bóng ấy đã biến đi đâu hết. Có lẽ sự căng thẳng đã làm cho mắt chàng bị hoa lên, cái mà người ta gọi là trông gà hóa cuốc chăng. Dù sao cũng mặc, Bình cũng phải ngủ đêm trong cái nhà thờ này, rồi chàng sẽ giã từ nó khi tiếng xình xịch của chuyến đò nhất vang vọng từ dưới sông. Bình sẽ đáp chuyến đò sáng về thành phố, rồi từ đó lấy vé đi Sài Gòn, nếu... chàng tìm thấy cái vật mà chàng muốn tìm.
Đột nhiên, từ bên phía đằng sau cánh cửa cháy nám đang lắc lư kẽo kẹt, có bóng một đứa bé mặc áo lễ trắng đứng nhìn ra, đôi mắt của nó lóe lên những tia xanh biếc lạnh lẽo. Trời tối quá, Bình không trông rõ mặt mũi thằng bé ra sao, chàng hồi hộp tiến đến gần đưa rọi ánh đèn vào mặt đứa bé, nhưng nó đã nhẹ nhàng nép vào phía sau cánh cửa. Bình bước hẳn vào bên trong gọi nhỏ:
-Em bé ơi, cho anh hỏi chút.
Chẳng có tiếng trả lời. Không gian chìm đắm trong một sự im lặng ghê rợn. Bình đưa tay kéo cánh cửa thò đầu vào nhìn. Chẳng có ai hết. Rõ ràng Bình đã trông thấy thằng bé nấp vào đây mà. Nó chạy đi đâu nhanh thế. Đôi môi của chàng trai khô cứng trong một trạng thái bực tức quyện lẫn với hãi sợ. Có phải chăng Bình đã gặp ma, những con ma trong ngôi giáo đường hoang phế mà chàng loáng thoáng nghe hành khách nhắc đến khi chiếc đò máy gần đến Vàm Cái Muồng. Bình nhớ lúc con tàu ghé vào chiếc cầu dừa dẫn lên Vàm Cái Muồng, người chủ đò đã nhìn chàng bằng một ánh mắt kỳ dị:
-Xin lỗi, cậu đi thăm ai trong vàm vậy"
Bình xốc chiếc ba lô lên vai giả vờ thản nhiên:
-Dạ cháu có ông chú làm nhà máy xay lúa...
-À, phải ông Ba Đảnh trong ấp Nhơn Hữu không"
Bình gật đầu đáp bừa:
-Dạ phải.
Người chủ đò kêu lên:
-Trời ơi, cậu không nói sớm tôi ghé dưới Vàm Sấu, ghe vô Nhơn Hữu nhiều lắm, cậu tha hồ quá giang.
Bình chặc lưởi tỏ vẻ hối tiếc:
-Uổng quá, nhưng mà cháu lội bộ qua Vàm Cái Muồng cũng được mà
Ông chủ tàu tốt bụng rùng vai nhìn lên đám cỏ muồng đang rung rinh theo từng cơn gió:
-Vậy cậu đi cho mau đi, đừng để trời tối dễ bị lạc đường đó, qua cái nhà thờ thì phải...
Ông già còn muốn dặn dò thêm, nhưng mấy người dưới đò đã càu nhàu thúc hối. Bình xắn ống quần lên cao, lột đôi dép da ra cầm trong tay cho chắc ăn, nhẹ nhàng và thận trọng bước lên cái thân dừa tròn lẳng nằm sóng soãi trên đám bùn xám ghếch đầu lên vàm đất theo một độ nghiêng thật ớn lạnh. Chiếc cầu chỉ độ năm, bảy thước mà Bình có cái cảm giác nó dài thăm thẳm. Chàng giang hai tay ra lấy thăng bằng đi trên cái mặt da xù xì như người ta làm xiếc. Không khéo chàng sẽ ngã tòm xuống sình, hai chân sẽ bị lún tên tận gối, dù có trèo được trở lên cây cầu, thì sình non dưới bàn chân chàng càng làm cho nó trơn như thoa mỡ, rồi chàng sẽ trợt té xuống bùn lần nữa. Bình đã xui xẻo ghé vào bờ trong lúc nước ròng, là lúc con nước đang xuống. Nhưng sáng ngày mai Bình sẽ được đền bù, khi con nước lên, mà dân miền quê gọi là nước rong, nước mấp mé mặt vàm, mũi đò máy ghếch vào bờ đất, Bình chỉ nhún một bước là đã nhảy tọt được ngay vào khoang đò rồi.
Bình đưa tay nắm chặc lấy chiếc thanh giá trên cổ để củng cố đức tin, chàng quét ánh đèn về phía bục giảng. Gạch đá ngỗn ngang và cỏ dại che mất tầm nhìn của Bình, chàng buộc phải đi sâu vào. Phía sau lưng Bình, cánh cửa bỗng đánh sầm một tiếng thật lớn, làm trái tim của chàng trai thành phố nện thình thình như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Mấy con dơi bị động, chúng buông mình xuống đập cánh lướt qua, suýt nữa đã chạm trúng đầu mũi Bình, khiến chàng phải hốt hoảng lùi lại tựa vào một cái cột gạch loang lở. Từ phía sau chiếc cột chợt có tiếng cười khúc khích của một đứa trẻ. Một cái gì nhờn nhợt, lạnh buốt cuốn lấy cánh tay Bình, chàng trai kinh hoàng xoay nhanh người lại, để chỉ kịp nhìn thấy một cái bóng trắng vút qua vệt đèn pin lẩn vào khoảng tối đen trên bục giảng. Bình ngồi bệt lên một chiếc ghế nguyện đã gãy một nửa chiếu đèn về chỗ cái bóng trắng, mà chàng tin rằng chính là đứa bé trong khung cửa. Nó đã hẳn là ma rồi, nhưng xem chừng nó không có ý định hù dọa chàng đến chết khiếp. Đơn độc giữa bóng tối rùng rợn như thế này, chỉ một con ma thôi mà da dẻ Bình đã nổi dầy gai ốc hết rồi.
Bình chiếu ánh đèn lên bức tường sau bục giảng, nơi thường gắn một chiếc thánh giá lớn để nhắc nhở người đi lễ cuộc khổ nạn của Chúa. Cái biểu tượng thánh thiêng vẫn còn đó, nhưng đã bị gãy nát một phần. Bình lần mò leo qua đống gạch đá ngồi xuống bên dưới chiếc thập giá, đức tin của chàng lại cuồn cuộn trỗi dậy như những con sóng thần. Bình luôn có cái cảm giác kỳ dị, rằng từ trong mọi ngóc ngách tối tăm của ngôi nhà thờ, hẳn đang có những cặp mắt vô hình đang theo dõi những cử động của chàng. Bình dựa lưng vào bức tường, nhắm mắt cảm nhận sự che chở ấm ấp của chiếc thánh giá gãy, lòng thanh thản gạt bỏ hết mọi sợ hãi...
* * *
Sau khi nghe thằng Tèo nói về người thanh niên lạ xuất hiện ngoài Vàm Cái Muồng trong buổi cơm chiều, chú Hai Tốn ngồi chân thả chân chống lên chiếc ghế vấn điếu thuốc rê phì phèo suy nghĩ. Thật lạ lùng, ai mà dám ở đêm trong ngôi nhà thờ bỏ hoang ấy kìa. Chú Hai Tốn nổi tiếng là người gan góc mà còn không dám ra ngoài vàm giữa lúc ban ngày, nếu không có việc gì cần thiết. Cái khung cảnh thê lương tịch mịch chung quanh ngôi giáo đường càng gợi cho người ta những sự tưởng tượng ghê rợn, về một cõi thế giới vô hình ngự trị trong đó. Hút gần tàn điếu thuốc, chú Hai đủng đỉnh đứng dậy gọi vào nhà sau:
-Má nó ở nhà với mấy đứa, tui đi qua thằng Bảy An chút nghe.
Thím Hai hỏi vọng lên:
-Trời tối rồi, không để đến sáng mai được sao"
Chú Hai với tay lấy chiếc khăn tắm máng trên cái móc:
-Chuyện cần mới đi chớ, để tới mai nó nguội hết rồi còn đâu.
Thím Hai đang rửa chén dĩa, nghe ông chồng nói đi qua nhà gã công an ấp Bảy An, thím lật đật đi lên nhà trên, hai bàn tay ướt nước chùi vào gấu quần:
-Chuyện của người ta thì mặc người ta, ông tính thưa công an bắt người ta hả"
Chú Hai gãi đầu ngần ngừ:
-Thưa gì mà thưa, nhưng... cũng phải hội ý coi thằng Bảy nó tính sao chớ!
Thím Hai xua tay:
-Ông cứ lo chuyện trời sập, người ta đã nói là coi sửa nhà thờ, có giấy phép hẳn hòi thì còn hội ý cái khỉ khô gì nữa.
-Má nó nói lạ, đất này là đất của mình mà nó không trình giấy trình tờ gì hết, mình biết mà không báo, mai mốt có gì tui với bà lãnh đủ.
Thím Hai ngoay ngoảy đi trở xuống bếp:
-Ừ, ông đi đâu thì đi, nhưng qua đó đừng có kiếm chuyện nhậu nhẹt rồi chết giữa đồng giữa ruộng khổ mẹ con tui.
Thím Hai nói như giỡn chơi mà vô tình lại đâm trúng tim đen của Chú Hai. Cái chuyện anh thanh niên kỹ sư gì đó sửa nhà thờ là phụ, nhưng chuyện hẹn với gã công an ấp với mấy tay nữa vầy độ nhậu mới là chuyện chính. Ở cái xứ âm u mù mịt này, ngoài cái chuyện nhậu nhẹt bù khú với nhau, thì còn cái gì làm cho cuộc đời có ý nghĩa hơn nữa chớ. Thằng Tèo nghe tía nó nói đi qua nhà anh Bảy, nó đoán rất có thể Bảy dẫn tía nó đi ra nhà thờ hỏi giấy tờ người khách lạ. Tèo có nhiều cảm tình với Bình, vì chàng đã cứu nó khỏi tay con ma áo đen trong sân giáo đường, trong thâm tâm, Tèo muốn gặp lại anh Bình lần nữa, nên nó mon men đến gần chú Hai rụt rè:


-Tía cho con đi theo với.
Đang muốn được tự do gầy độ nhậu với những ông hàng xóm, Hai Tốn đâu dễ cho thằng Tèo theo, không khéo nó bép xép mách lại với má nó, thì thím Hai sẽ cằn nhằn chú ra rả suốt đêm mất. Người đàn ông sợ nhất những lời trách hờn của những bà vợ, nói dài nói dai, nhức buốt tận xương tủy chứ phải chơi sao. Chú nạt nhỏ:
-Ở nhà với má mày, tía đi công chuyện chớ đi chơi à.
Tèo cố van nài:
-Tía cho con đi đi, con không làm rộn tía đâu, con xin hứa!
Chú Hai gõ đầu thằng bé:
-Hứa cái thằng cha mày, tía nói ở nhà là ở nhà.
Chú Hai bật hộp quẹt mồi chiếc đèn bão, khoác chiếc khăn lên vai bước ra ngoài. Thằng Tèo phụng phịu trèo lên chiếc chõng tre nhìn theo cái dáng chắc nịch của tía nó đang chui ra khỏi cái khung cửa thấp. Chợt một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong cái đầu óc non nớt của thằng bé. Tía đã không cho đi theo một cách đường hoàng, thì tại sao nó không thể lén theo sau tía được chớ. Tèo bước xuống giường đẩy nhẹ cánh cửa phóng ra sân, kịp trông thấy ánh đèn leo lét của tía nó chập chờn nhấp nhô trên con đê dài giữa màn đêm mù mịt. Thằng bé cứ theo ánh đèn phía trước mà đi. Được một lúc, ánh đèn chợt biến mất, thằng Tèo hoảng kinh co giò phóng lên trước cố mở to mắt dáo dáo tìm kiếm. Nó lại trông thấy ánh đèn của tía nó. Tèo thở phào nhẹ nhõm, hóa ra chú Hai đã quẹo vào xóm của Bảy An, quành qua một bụi dâm bụt hoang rậm rạp mọc trên một cái gò mối lớn. Đột nhiên, từ trong bóng tối, có một bóng người hiện ra đứng chắn ngang trên con đê, Tèo rùng mình lùi lại khủng khiếp kêu cứu:
-Tía ơi... ma...
Cái bóng đen bước tới, nhẹ nhàng như lướt trên mặt đất, khoát tay ra dấu trấn an thằng nhỏ, một tay đưa chiếc đèn pin lên. Ánh sáng vàng nhạt tuy yếu ớt, nhưng cũng đủ đề cho Tèo nhận ra, là anh Bình. Tèo mừng rỡ nắm lấy tay chàng:
-Anh Bình đây mà, anh làm em sợ quá chừng, tưởng là gặp ma...
Bình lặng thinh không trả lời, mĩm cười ra dấu bảo thằng bé đi theo chàng. Tèo buột miệng kêu lên:
-Trời ơi, sao tay anh lạnh quá vậy, mặt anh tái xanh, chắc anh bị cảm rồi.
Bình lắc đầu đưa ngón tay lên môi, ngụ ý bảo thằng bé đừng làm hàng xóm kinh động, kéo nó đi về hướng ngược với con đường đê, bàn tay nhỏ của Tèo vẫn còn nằm trong những ngón tay lạnh lẽo của chàng. Có anh Bình với chiếc thánh giá linh thiêng, Tèo không còn thấy sợ bóng đêm nữa, nó hân hoan đi theo người thanh niên thành phố, quên khuấy đi rằng lẽ ra nó không được đi lang thang giữa cánh đồng mênh mông với một người lạ như thế này.
Bình dắt Tèo đi loanh quanh trên mấy đoạn đường đê, cuối cùng chàng kéo nó vào một cái liếp chuối xa lạ. Thằng Tèo còn đang ngơ ngác chưa nhận biết nó đang ở nơi nào, thì anh Bình đã ấn nó ngồi xuống giữa một bụi chuối rậm, chàng móc trong chiếc túi xách một gói bánh biscuit đưa cho thằng bé, ngón tay trỏ của chàng đặt vào giữa miệng, ngụ ý bảo nó ăn. Được cho ăn ngon, Tèo thích lắm, nó lột lớp giấy kiếng kéo ra một miếng bánh tròn thơm mùi bột chín. Anh Bình vỗ nhẹ bàn tay lên đầu Tèo, thằng bé hiểu ngay là anh muốn nó ngồi đây ăn bánh và chờ. Những mẫu bánh thơm ngọt đã làm cho cái trí óc ngây thơ của Tèo không còn khả năng suy nghĩ, rằng đáng lẽ Bình phải dẫn nó ra nhà thờ thì đúng hơn chứ...

*

Chú Hai cùng với Bảy An và mấy người đàn ông hàng xóm ngồi thành vòng tròn trên một chiếc chiếu cũ trải trên chiếc phản gỗ. Bên trong cái vòng người, mấy dĩa đồ nhậu bốc khói thơm lừng. Bảy An bảo vợ bắt một con gà mái dầu làm thịt, lấy bộ đồ lòng làm món xào với măng tre tươi, hai cái đùi xé nhỏ trộn với bắp cải xắt nhỉ và rau răm làm món gà xé phay, còn kỳ dư thì nấu một nồi cháo gà. Chị Bảy xem chừng không được vui lắm, cố nén nỗi tức bực, chị dùng dằng:
-Ông ra bắt gà đi, trời tối tui sợ ma lắm!
Bảy An cười khì:
-Đúng là đàn bà, nhát như thỏ, được rồi, em nấu nước sôi đi, tui ra bắt nó nhấp nháy cho em coi.
Chị Bảy hứ nhỏ:
-Chỉ có nhậu là giỏi, nhậu xong là ngủ, chẳng được trò trống gì...
Bảy An khệnh khạng đi xuống nhà bếp tìm mấy cọng hành lá chà xát giữa hai lòng bàn tay, rồi mở cửa sau bước ra chuồng. Bọn gà vịt rất sợ mùi tanh của loại rắn hổ hành, mùi hành nồng nặc từ bàn tay của lũ trộm sẽ làm cho bọn chúng chết khiếp, im thin thít không dám động đậy gì, cứ từng con một bị tóm cho vào túi mà chủ nhà vẫn không hay biết gì. Bảy vẫn thường cho là chị Bảy đàn bà đầu óc ngắn không biết gì. Nhậu cũng có cái lợi của nó, chứ mỗi đêm cứ nằm khểnh gãi đùi ngáp ruồi à. Hôm nay anh đến nhà tôi, thì ngày mai tôi sang nhà anh. Cứ thế mà ta cứ đi vòng vòng khắp xóm, cuộc đời còn gì tươi đẹp hơn nữa chứ hả. Còn vác súng đi tuần thì có cái cóc gì mà tuần. Cái xứ này có loạn lạc giặc giã gì nữa đâu. Cũng có đấy, thỉnh thoảng dân chúng phàn nàn có trộm, Bảy An cực chẳng đã mang súng đi, gã kiên nhẫn ẩn náu đâu đó quanh những cái chuồng gà vịt được mấy đêm. Bọn trộm nghe phong thanh công an vác súng đi rình, chúng rủ nhau trốn mất cả, không khéo ăn đạn là tàn đời. Ban ngày, Bảy An đến nhà những người mà gã nghi ngờ hoạnh họe hăm dọa, bọn ngu dân khố rách áo ôm van lạy thanh minh thanh nga rối rít. Khi cơn thịnh nộ của gã hung thần ấp xem chừng đã nguôi ngoai, lũ người khốn khổ bắt gà vịt làm thịt, mua rượu đãi Bảy An. Có trời mới biết xuất xứ của lũ gà vịt ấy. Ăn nhậu no say, Bảy An khật khưỡng bước thấp bước cao trên con đường làng ca hát nghêu ngao và thấy cuộc đời tươi hồng làm sao.
Đám nhậu đang trong lúc lên đến đỉnh cao nhất của nó, khi các tay nhậu thách nhau uống hết cái ly cối rượu đế, gọi là cạn một trăm phần trăm, thì thím Hai xuất hiện từ ngoài cửa kêu vào:
-Có tía con thằng Tèo bên đây không vợ chồng thằng Bảy"
Một người đàn ông cười khà khà:
-Tía thì có, còn con thì không!
Nghe tiếng vợ, chú Hai tỉnh hẳn rượu, chú lồm cồm bò dậy bước ra cửa nhụ nhựa hỏi:
-Có chuyện gì vậy má nó"
Thím Hai gằn giọng:
-Thằng Tèo đâu"
-Bà hỏi lạ, nó ở nhà chớ ở đâu"
-Hừ, nó ở nhà thì tui qua đây làm cái khỉ khô gì.
Chú Hai cười hì hì, bởi chú thích cái lối nói chuyện ngộ nghĩnh của vợ. Chợt chú Hai giật mình, chú gãi đầu nhớ lại:
-Úy, hồi nãy nó đòi theo tui không cho, chắc nó lén chạy theo.
Thím Hai đay nghiến:
-Rồi nó đâu"
-Tui cũng đâu biết cái khỉ mốc gì!
-Còn không đi kiếm nó, muốn nhậu tới sáng hả"
Bảy An lảo đảo đứng dậy:
-Má nó đâu, lấy cho tui cây súng, ai muốn ra nhà thờ với tui không"
Được chú Hai kể chuyện ông kỹ sư trên thành phố xuống muốn sửa chữa cái nhà thờ, Bảy An đã xua tay:
-Sửa cái gì mà sửa, mai mốt đây huyện người ta làm con đường ủi qua nó thành bình địa, còn đâu nữa...
Giờ đây, Bảy An nhanh chóng kết nối sự mất tích của thằng Tèo với người khách lạ, nên gã đổi ý muốn ra ngoài vàm điều tra, để xem cái anh chàng ấy đang làm gì. Chú Hai là người rất thích những chuyện giật gân, nên chú nhanh chóng hưởng ứng ngay:
-Tao đi với, biết đâu tìm được thằng Tèo ngoài đó.
Trong sự suy nghĩ đơn giản của mọi người, thì hẳn người khách đó đã bắt cóc thằng Tèo, nhưng bắt một thằng nhỏ nhà nghèo để làm gì và có lợi gì, thì không ai nghĩ ra được cả. Mấy tay hàng xóm hiếu kỳ cũng xin đi theo, nhưng Bảy An đã khóat tay:
-Chú Năm với chú Chín đi hướng khác kiếm thằng Tèo, tui với chú Hai đi ra vàm. Chú Hai lấy cây đèn bão ra trước chờ tui tìm cây đèn pin cái đã.
Chú Hai kéo thím Hai ra ngoài dặn dò:
-Bà về coi tụi nhỏ, không thôi tụi nó sợ.
Thím Hai chì chiết:
-Phải ông nghe tui ở nhà thì thằng Tèo nó đâu có chạy mất...
Thím lấy vạt áo chấm mắt thút thít, chú Hai gãi đầu nhăn nhó:
-Chưa gì đã khóc, thì... nó chạy chơi đâu đó với bọn bạn chăn trâu, tui hứa với má nó thằng Tèo mà không về thì tui sẽ...
Sẽ sao nhỉ, chú Hai tắt tịt.
-Thôi bà đi đi...
Chú Hai đưa chiếc đèn bão lên trông theo cái dáng đi ngúng nguẫy hờn mát của vợ chặc lưỡi. Mẹ nó, hồi xưa mình chết mê chết mệt cái tướng đi ấy. Bảy An đột ngột hiện ra dưới bóng tối của cây mít cao to bên hiên nhà, làm chú Hai giật mình trợn trừng mắt nhìn. Oái, thằng này nó có phép tàng hình chắc, nó mới còn ở trong nhà ràng ràng ra đó, tại sao nó chạy ra đây nhanh dữ vậy kìa. Bảy An lầm lì không nói một lời, vẫy tay ra dấu bảo chú Hai đi theo hắn.
Chàng thanh niên và ông già lầm lũi đi trên những con đê nổi gồ trên mặt ruộng. Đêm đã dần khuya, gió đồng thổi lạnh, chú Hai thấm rượu, bước chân nghiêng ngã, chú thấy mặt ruộng dâng lên rồi hạ xuống, cứ như đang ngồi trên một chiếc xuồng con lênh đênh giữa những con sóng bạc đầu ngoài giòng sông Hậu. Nhưng lạ chưa kìa, thằng Bảy An nó cũng say bí tỉ như mình, mà sao nó lội ruộng coi bộ xăng xái dữ. Trước mắt chú Hai, đất trời đã đảo lộn tùng phèo hết cả, nhưng chú cũng cố gắng xoải bước đuổi theo gã công an. Ánh đèn pin dẫn dắt hai chú cháu mò mẫm đi sâu vào một cái vườn cây rậm rạp, mà chú Hai nhận ra là những cái liếp chuối. Đi được một lúc, Bảy An xoay người lại, đôi mắt gã chập chờn ánh lân tinh xanh biếc như những con ma trơi ngoài chòm mả hoang trên gò, Bảy ra dấu bảo chú Hai chui vào một khóm chuối... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.