Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

19/04/200900:00:00(Xem: 2556)

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu chi tiết về “Giải Chuyên Nghiệp Dã Cầu Nhật Bản” (Nippon Professional Baseball). Tại Nhật Bản, so với môn đấu vật truyền thống Sumo vốn mang đậm nét đặc thù văn hóa thì dã cầu được xem là môn thể thao quốc hồn quốc túy, phổ biến nhất trên toàn quốc và luôn thu hút sự ái mộ cuồng nhiệt của khán giả qua giải chuyên nghiệp quốc nội có danh xưng bằng tiếng Nhật là “Nippon Puro Yakyu”, thường được gọi tắt là “Pro Yakyu”, diễn ra từ tháng Tư đến tháng Mười Một hàng năm.
Dưới sự vận hành của “Tổ Chức Dã Cầu Nhật Bản” (Nippon Yakyu Kiko), giải chuyên nghiệp quốc nội “Pro Yakyu” gồm có 12 cầu đoàn được chia làm hai bảng đấu là “Central League” và “Pacific League”. Trước đây, tổ chức này có danh xưng bằng Anh ngữ là “Professional Baseball Organization for Japan”, nhưng từ năm 2005 được đổi thành “Nippon Professional Baseball” (NPB) và được Bộ Văn Hóa Giáo Dục Nhật Bản chuyển giao nhiệm vụ vận hành các giải đấu dã cầu dành cho đối tượng thanh thiếu niên học sinh và sinh viên đại học. Do đó, NPB là một tổ chức có quyền hạn cao nhất trong mọi quyết định liên quan đến giải đấu chuyên nghiệp quốc nội như: ấn định mức lương căn bản hoặc tiền thưởng cho các tuyển thủ, quy định số trận đấu chính thức trong mùa bóng và chế độ tuyển chọn tài năng trẻ hàng năm, cải tiến những luật lệ và danh xưng chuyên môn không còn được thịnh hành, thu nhận những ý kiến đóng góp của các Công Đoàn Tuyển Thủ v.v…
Dã cầu là môn thể thao duy nhất của ngoại quốc được đặc biệt ưa chuộng kể từ khi du nhập vào Nhật Bản ở khoảng cuối thế kỳ thứ 19, và sau đó phát triển nhanh chóng kèm theo lịch sử hình thành giải đấu chuyên nghiệp quốc nội với quá trình chính yếu như sau:
- Vào ngày 30/9/1871, trận đấu dã cầu đầu tiên diễn ra tại Nhật Bản giữa đội tuyển của những di dân ngoại quốc ở thành phố Yokohama và đội tuyển đoàn thủy thủ chiến hạm “Colorado” của Hoa Kỳ.
- Vào khoảng năm 1872, vị giáo sư Anh văn người Hoa Kỳ là Horace Wilson (1843-1927) bắt đầu truyền bá môn dã cầu tại trường “Dai Ichi Chugaku” (Trung Học Đệ Nhất, tiền thân của trường Đại Học Đông Kinh).
- Năm 1907, lần đầu tiên các trận đấu dã cầu giữa các đội tuyển bán chuyên nghiệp bán vé vào cửa.
- Năm 1908, đội tuyển chuyên nghiệp Hoa Kỳ đến Nhật Bản thi đấu giao hữu với đội hình gồm đa số là những tuyển thủ thuộc giải đấu hạng B (Minor League).
- Năm 1909, cầu trường Haneda ở thủ đô Đông Kinh, được khánh thành để sử dụng cho những trận đấu dã cầu. Vào cùng năm, “Câu Lạc Bộ Vận Động Nhật Bản” được thành lập trong mục đích quy tụ và phát triển các đội bóng bán chuyên nghiệp.
- Năm 1920, đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản là cầu đoàn “Hiệp Hội Vận Động Nhật Bản” (Nippon Undo Kyokai) được thành lập.
- Năm 1921, đội bóng chuyên nghiệp thứ hai của Nhật Bản là “Tensho Yakyudan” (Thiên Thắng Dã Cầu Đoàn) ra đời. Vào cùng năm, đội bóng “Nippon Undo Kyokai” sang Triều Tiên, Mãn Châu thi đấu.
- Năm 1923, do ảnh hưởng nặng nề của trận động đất dữ dội “Kanto Daishinsai” (The Great Kanto Earthquake) xảy ra tại khu vực miền Đông Nhật Bản (Kanto) vào lúc 11 giờ 58 phút ngày 1/9, hai cầu đoàn “Nippon Undo Kyokai” và “Tensho Yakyudan” đều phải giải tán. Tuy nhiên, ngay sau đó nhờ sự tài trợ của công ty đường sắt “Hankyu Dentestsu”, đội bóng “Nippon Undo Kyokai” được tái thành lập với danh xưng mới là cầu đoàn “Takarazuka Undo Kyokai” (Bảo Trủng Vận Động Hội) và là đội bóng chuyên nghiệp thứ ba của Nhật bản
- Năm 1929, cầu đoàn “Takarazuka Undo Kyokai” tuyên bố giải tán.
- Năm 1934, đội bóng chuyên nghiệp “Dai Nippon Tokyo Yakyu Kurakubu” (Đại Nhật Bản Đông Kinh Dã Cầu Câu Lạc Bộ) được thành lập. Đây chính là đội bóng tiền thân của cầu đoàn lừng danh trong làng cầu chuyên nghiệp Nhật Bàn hiện nay là đội Tokyo Kyojin (Đông Kinh Cự Nhân).
- Năm 1935, đội bóng chuyên nghiệp “Osaka Yakyu Kurakubu” (Đại Bản Dã Cầu Câu Lạc Bộ) được thành lập. Câu lạc bộ chuyên nghiệp này là tiền thân của đội bóng được ái mộ nhất khu vực miền Tây Nhật Bản là cầu đoàn “Hanshin Tigers” (Bản Thần Mãnh Hổ).
 - Năm 1936, “Liên Đoàn Dã Cầu Chuyên Nghiệp Nhật Bản” (Nippon Shokugyo Yakyu Renmei) được thành lập.
 - Năm 1937, đội bóng chuyên nghiệp “Korakuen Eagles” (Hậu Lạc Viên Thần Ưng) được thành lập.
 - Năm 1938, đội bóng chuyên nghiệp “Nankai” (Nam HảI) được sáng lập. Đây là đội bóng tiền thân của câu lạc bộ “Fukuoka Soft Bank Hawks” hiện nay.
 - Năm 1939, “Liên Đoàn Dã Cầu Chuyên Nghiệp Nhật Bản” đổi danh xưng thành “Liên Đoàn Dã Cầu Nhật Bản” (Nippon Yakyu Renmei). Tuy nhiên, đến cuối năm 1944 thì tổ chức này ngưng hoạt động do tình trạng bất đồng ý kiến giữa các cầu đoàn chuyên nghiệp về một số quy định của giải đấu.
 - Năm 1945, giải đấu dành cho đội vô địch Kanto và Kansai được tổ chức lần đầu tiên.
 - Năm 1950, giải chuyên nghiệp quốc nội Nhật bản chia làm hai bảng đấu là “Central League” và “Pacific League”.
 - Năm 1951, trận đấu “All Star Game” được tổ chức lần đầu tiên.


 - Năm 1955, giải đấu dành cho các đội hạng B của những câu lạc bộ chuyên nghiệp được thành lập và cũng chia làm hai bảng là “Eastern League” và “Western League”.
 - Vào ngày 25/6/1959, lần đầu tiên Thiên Hoàng và Hoàng Hậu Nhật Bản đến xem trận đấu giải chuyên nghiệp giữa đội “Tokyo Kyojin” và “Osaka Tigers” tại cầu trường “Korakuen”. Vì vậy, từ đó đến nay những cuộc đụng độ của hai đội bóng này thường được giới hâm mộ gọi là “trận đấu truyền thống".
 - Năm 1961, lần đầu tiên tổ chức cuộc bắt thăm tuyển chọn những tài năng trẻ.
 - Năm 1980, giới chuyên nghiệp Nhật Bản nhìn nhận các tổ chức như “Hiệp Hội Tuyển Thủ”, “Nghiệp Đoàn Lao Động” v.v…được thành lập để bảo vệ quyền lợi của các tuyển thủ.
 - Năm 1993, giới chuyên nghiệp Nhật Bản áp dụng quy chế FA (Free Angel), tức sau khi trải qua một khoảng thời gian quy định, các tuyển thủ đều có thể hủy hợp đồng với cầu đoàn đang đầu quân để ký hợp đồng với cầu đoàn khác.
- Năm 2004, do sự cải tổ toàn bộ quy định về giải chuyên nghiệp quốc nội khiến nhiều tuyển thủ bất mãn nên “Hiệp Hội Tuyển Thủ” đã tổ chức cuộc đình công lần đầu tiên trong lịch sử của “Pro Yakyu”. Ngoài ra, vào cùng năm bảng đấu “Pacific League” cũng áp dụng phương thức thi đấu “play-off”, tức sau các trận đấu chính thức trong mùa bóng, 3 đội đầu bảng sẽ gặp nhau để tranh ngôi Nhất bảng.
 - Năm 2005, bắt đầu áp dụng hình thức thi đấu “giao chiến” giữa các đội bóng của hai bảng “Central League” và “Pacific League”. Thời điểm “giao chiến” giữa các đội của hai bảng đấu được diễn ra trong suốt tháng 5 với quy định mỗi đội đấu 20 trận.
Kế đến, chi tiết về 12 đội bóng chuyên nghiệp thuộc 2 bảng đấu gồm có:
Central League:
- Đội Yomiuiri Giants (tức Tokyo Kyojin): là đội bóng có lịch sử thành lập lâu đời nên có nhiều khán giả ái mộ nhất Nhật Bản, đặc biệt là tại thủ đô Đông Kinh, được tờ báo Yomiuri tài trợ, từng đoạt cúp vô địch Nhật Bản (Nihon Series) 20 lần và vô địch bảng “Central League” 41 lần.
- Đội Tokyo Yakult Swallows: thành lập từ năm 1950, được hãng chế tạo nước giải khát Yakult tài trợ, từng đạt thành tích vô địch Nhật Bản 5 lần, vô địch bảng đấu 6 lần.
- Đội Yokohama Bay Stars: thành lập năm 1950, hiện là đội bóng có thành tích yếu kém nhất bảng “Central League” với 2 lần vô địch Nhật Bản, 2 lần vô địch bảng đấu.
- Đội Chunichi Dragons: đây cũng là một đội bóng có bề dầy lịch sử khi ra đời vào năm 1936 với danh xưng “Nagoya”. Trong những năm gần đây Chunichi trở thành một đội hùng mạnh của bảng đấu “Central League” vì có hàng phòng thủ vững chắc, từng vô địch Châu Á vào năm 2007, vô địch Nhật Bản 2 lần và đứng đầu bảng đấu 7 lần.
- Đội Hanshin Tigers: là đội bóng được yêu thích nhất khu vực miền Tây Nhật Bản và nổi tiếng là “đối thủ truyền kiếp” của đội Giants. Do đó, trận đấu giữa “Hanshin Tigers” và “Yomiuri Giants” luôn chiếm số lượng khán giả đông đảo nhất trong giải chuyên nghiệp quốc nội Nhật Bản. So với “Yomiuiri Giants”, tuy thành tích của đội “Hanshin Tigers” kém hẳn với 1 lần vô địch Nhật Bản vào năm 1985 và 7 lần vô địch bảng đấu, nhưng vì đội bóng này luôn tỏ ra tinh thần thi đấu quyết liệt mỗi khi đụng độ “Yomiuri Giants” nên tạo được sự thích thú cho giới hâm mộ.
- Đội Hiroshima Toyo Carp: được thành lập vào năm 1950 và là một đội bóng khét tiếng trong suốt thập niên 1980 với 3 lần vô địch Nhật Bản vào năm 1979, 1980, 1984, nhưng từ sau khi vô địch bảng đấu năm 1991 đến nay họ đã có chiều hướng đi xuống.
Pacific League:
- Đội Hokkaido Nippon Ham Fighters: đây là đội bóng duy nhất đại diện cho vùng đất rộng lớn quanh năm giá lạnh ở miền cực Bắc Nhật Bản là Hokkaido có được nhiều khán giả hâm mộ, từng chế ngự bảng đấu 6 lần và 2 lần đoạt cúp vô địch toàn quốc.
- Tohoku Rakuten Golden Eagles: sau khi cầu đoàn “Kintetsu” tuyên bố giải tán vào năm 2005 khiến bảng đấu “Pacific League” chỉ còn lại 5 cầu đoàn làm mất đi sự cân xứng, đội “Tohoku Rakuten Golden Eagles” được nhanh chóng thành lập và cho đến nay vẫn còn đang trong tình trạng từng bước nâng cao thành tích.
- Saitama Seibu Lions: đây là đội bóng có thành tích cao nhất “Pacific League” với 21 lần đứng đầu bảng và nâng cúp vô địch toàn quốc 13 lần. Đặc tính chiến lược của đội bóng này là thường khởi dụng những tay ném trẻ tuổi kết hợp với dàn quật gồm toàn những tuyển thủ tràn đầy kinh nghiệm, do đó kiện toàn được hai mặt công thủ.
- Đội Chiba Lotte Marines: thành lập từ năm 1950, là một đội bóng có tầm chiến lực trung bình ở thế phòng ngự nhưng lại nổi tiếng về thế công mãnh liệt, từng đạt thành tích vô địch Nhật Bản 3 lần và vô địch bảng đấu 5 lần.
- Đội Orix Buffaloes: đây là đội bóng xuất thân của tuyển thủ danh tiếng Suzuki Ichiro, được thành lập từ năm 1936 với danh xưng là “Hankyu”, từng vô địch bảng đấu 12 lần và vô địch toàn quốc 4 lần.
- Đội Fukuoka Soft Bank Haws: là đội đã xuất hiện sớm trong giới chuyên nghiệp từ năm 1938 và từng chế ngự bảng đấu trong suốt hai thập niên 1950 và 1960 với 15 lần đăng quang và 4 lần vô địch Nhật Bản.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.