Hôm nay,  

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông: Chuyến Vượt Biên Đầu Tiên

12/04/200900:00:00(Xem: 3142)

Chuyện kể hành trình Biển Đông: Chuyến vượt biên đầu tiên – Phạm Thắng Vũ

LTS: Trong suốt 8 thập niên kể từ khi thành lập vào năm 1930, CSVN đã gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác trên quê hương Việt Nam. Có thể nói, trên từng tấc đất, ngọn cỏ, lá cây, hòn đá... của quê hương Việt Nam, dưới mỗi mái gia đình, trong mỗi thân phận người Việt, đều có những dấu ấn ghi lại những tội ác kinh tâm động phách do người cộng sản gây ra. Đặc biệt, sau khi ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Geneva, xâm lăng và chiếm đóng Miền Nam kể từ 30 tháng 4 năm 1975, CSVN đã thực hiện hàng loạt chiến dịch đàn áp, khủng bố, thủ tiêu, bắt bớ... dã man trên khắp lãnh thổ Miền Nam, để một mặt ăn cướp trắng trợn tài sản của người dân, mặt khác nghiền nát mọi sức đề kháng, chống đối của những người yêu nước, khiến hàng triệu người dân Miền Nam phải vượt biển, vượt biên tìm tự do. Hậu quả, trong thời gian hơn hai thập niên kể từ sau 1975, hàng trăm ngàn người Việt, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, ông bà già,... đã bị thảm tử trên biển cả, trong rừng sâu, ngoài hoang đảo.... sau khi phải trải qua những bi kịch kinh tâm động phách, muôn vạn phần đau đớn. Không những thế, ngay cả với những người sống sót, những bi kịch kinh tâm động phách đó vẫn còn mãi mãi tiếp tục ám ảnh, giầy vò, tra tấn họ, cho dù họ có sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, có đi đến bất cứ chân trời góc biển nào... Để có thể tái tạo một trong muôn vàn tội ác của cộng sản Việt Nam đối với người vượt biên tìm tự do, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những đoạn hồi ký trích trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông". Hy vọng, qua những dòng chữ được viết bằng máu và nước mắt của chính những người trong cuộc, qúy độc giả, với tấm lòng xót xa và những giọt nước mắt đau đớn của những người tỵ nạn cộng sản cùng cảnh ngộ, sẽ hiểu được, tội ác của chánh phạm CSVN đằng sau muôn ngàn bi kịch rùng rợn của người vượt biển. Qua đó, chúng ta sẽ thức ngộ được, lần đầu tiên trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc VN, và có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tội ác của một chế độ đối với chính người dân của chế độ, như chế độ CSVN, quả thực đã vượt khỏi biên cương quốc gia, tung hoành trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, để rồi tiếp tục tràn lan trên khắp bề mặt địa cầu...

*

Tôi có mặt tại điểm hẹn là Trạm xe buýt gần rạp hát Opera vào lúc 8:45 sáng mà theo lời dặn là khi thấy chiếc xe buýt nào mang số 225-434 ngừng gần đó thì bước lên ngay. Tôi chờ hoài mà lòng thấp thỏm lo sợ công an có thể đang phục kích gần đâu đó. Giả vờ là người khách bộ hành mệt mỏi ngồi nghỉ chân gần vệ đường đang xem báo mà thực sự trong lòng tôi cầu mong chiếc xe buýt đến đúng giờ hẹn là 9:00. Và 9 giờ đã đến rồi mà xe thì vẫn chưa thấy. Lấy tờ báo trong túi sách ra rồi cúi xuống vờ đọc thì vừa lúc một chiếc xe buýt chạy đến, tôi vơ vội túi hành lý nhỏ định chạy đến nhưng hàng số xe bên hông cho tôi biết đây không phải là chiếc xe đón người. Vài người trên xe buýt đó bước xuống và xe chạy đi ngay.
Tôi nhìn đồng hồ đã 9:10 phút rồi 9:20 và... 9:30 rồi mà vẫn chưa thấy bóng xe. Lo lắng nhìn phía bên kia đường thì bắt được vài tia mắt nhìn vội về tôi rồi quay đi. Đó là những người ngồi gần gốc cây, bên vệ đường và người nào cũng có 1 cái túi xách nhỏ y như tôi vậy. Tự nhiên tôi cảm thấy bất an vô cùng vì biết những người đó cũng đang chờ chiếc xe buýt đặc biệt như tôi vây. Họ cũng là bạn đồng hành với tôi qua thái độ và hành lý mang theo bên mình. 9:45 phút rồi mà xe buýt vẫn chưa đến! Lo quá! Làm gì bây giờ đây" Phải quyết định ngay, không thể chần chờ được. Nhớ lời dặn của chị Thu khi đến điểm hẹn nếu xe trễ 30 phút thì bỏ về ngay vì chuyến đi coi như đã bị trục trặc, nấn ná ở lại coi chừng bị công an tó thì ráng chịu. Nhìn sang bên kia đường nơi các bạn đồng hành của tôi ngồi thì trời ơi họ đã biến đâu mất hết rồi và giờ chỉ còn có mình tôi thôi. Phải dọt ngay thôi. Tôi đứng lên, định bụng rảo bước thì một tiếng xe thắng gấp gần bên và trời ạ đó là chiếc xe buýt mang biển số 225 434 mà tôi đang mong. Tôi hấp tấp bước lên xe. Chỉ duy nhất một mình tôi là khách ở trạm nầy. Tôi biết vậy. Người lơ xe ngó quanh quất chung quanh miệng nói lớn: Có ai đi nữa không thì lên xe và anh ta cũng nói ngay theo đó: Tới luôn, hết khách rồi bác tài. Tôi vội vàng ngồi ngay vào 1 chỗ gần bên cửa sổ và theo thói quen tôi nhìn ra bên ngoài thì chợt thấy bên kia đường 2 người khách trong số ngồi chờ xe như tôi lúc ban nãy, chạy ra và cố sức ra dấu để mong xe ngừng lại nhưng vô ích. Chiếc xe bỏ chạy thẳng.
Xe lần lượt ghé từng điểm hẹn để nhận khách rồi cứ thế chạy lần ra ngoại ô hướng về Thủ Đức và sau cùng trực chỉ Vũng Tàu. Xe đến thành phố biển Vũng Tàu vào giấc chiều và ngừng ở một bãi đậu xe gần con đường mang tên là Ba Cu và tất cả mọi người trên xe được dặn nhỏ là tạm thời tản ra giả dạng khách du lịch đi lòng vòng đâu đó chơi nhưng phải quay lại xe lúc 7:30 chiều.
Tôi nhập vào dòng các người đi trên phố rồi ghé vào tiệm cà phê ngồi xem báo rồi lại đi lòng vòng qua các con phố. Vũng Tàu có khá đông khách ngoại quốc từ các nước CS Đông Âu hoặc Liên xô khi đó. Họ là các chuyên viên trong các công ty khoan dầu hoặc các công trình khác tại miền Nam và họ đổ về thành phố này để tắm biển, nghỉ ngơi. Quay trở về chiếc xe buýt lúc 7:10 tối, tôi chọn một chỗ ngồi ở một khoảng cách không xa chiếc xe để phòng các bất trắc và khi cùng các người khác kéo nhau lên xe buýt thì tôi biết là xe đã nhận thêm khách ngay tại thành phố này cho chuyến hải hành ngay tối nay. Đúng 7:30 chiều xe buýt khởi hành nhưng xe chỉ chạy lòng vòng trong thành phố Vũng Tàu để chờ cho trời tối hẳn. Xe đã ngừng nhiều chỗ để lúc tài xế và các người lơ xe làm bộ coi lại máy móc bị trục trặc phải dừng lại hoặc xem xét các bánh xe. Chúng tôi ngồi im lặng trong xe cầu mong mọi sự an lành.
Trời tối hẳn, xe chạy nhắm hướng bãi Trước và kỳ lạ thay khi xe vừa ngừng tại sát cạnh bờ biển thì đột nhiên toàn bộ điện ngay khu vực bị cúp hẳn. Trong bóng tối đen, nhóm người tổ chức trên xe hối thúc khách rời khỏi xe chạy ngay xuống mép bờ nước. Chạy đến bờ nước biển, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn Hải đăng xoay trên đỉnh núi, tôi thấy một chiếc ghe khá lớn đã có mặt sát bờ tự lúc nào và mọi người đang lội nước để ra ghe. Cá lớn đó... Lội ra ngay đi bà con. Tiếng một người nào đó xì xào. Một đống dép, guốc của hành khách vất bỏ trên bãi cát và có cả các túi xách nữa. Kinh nghiệm của những lần vượt biên không thành trước đó, tôi không vất bỏ đôi dép như họ mà cẩn thận lấy ra một sợi dây thủ sẵn trong túi, luồn dây vào đôi dép này rồi cột nó vào quai con đỉa của cái quần dài đang mặc rồi sau đó bắt đầu lội từng bước ra ghe. Tối nay mặt nước biển không hiểu do một hiệu ứng gì mà ánh lên những ánh sáng màu xanh lá cây trông rất kỳ lạ. Ánh sáng xanh phản chiếu những lọn sóng, thân người khi họ chuyển động chung quanh chiếc ghe này. Tôi đã cố gắng hết sức để bước dần tới được ghe mà mực nước đã tới ngang cổ và khi tới sát bên ghe rồi thì không biết làm sao để trèo lên ghe được" Bất ngờ tay tôi chạm phải một cạnh gỗ nằm ngang thân ghe và nhờ vào cạnh gỗ này, tôi có thể dựa vào đó để trèo lên. Một bàn tay của ai đó đứng trên ghe đã nắm tay tôi, kéo hẳn lên ghe rồi trong chớp mắt người nầy đã ấn tôi chui lọt xuống ngay một khoang hầm của chiếc ghe. Trong khoang thật chật chội. Chưa kịp nhìn rõ mọi thứ thì đã có thêm nhiều người nữa trèo xuống. Nước biển từ người họ văng tung toé vào thân, mặt tôi. Chợt tiếng máy ghe nổ to hơn và dường như nó chạy lùi rồi làm một vòng quay ra biển. Chuyến hải hành vượt biên đầu tiên trong đời tôi đã bắt đầu kể từ lúc nầy.
Khi đó là 9 giờ tối của một ngày cuối tháng 7 năm 1984.
Tôi ngồi yên, lưng dựa vào vách gỗ thân ghe, mắt nhắm nghiền vì mệt hay vì có mở mắt cũng chẳng thấy gì chung quanh mình, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Ghe vẫn chạy êm ả nhưng chuyến đi thật không suôn sẻ dù không hề gặp tàu tuần của công an cũng như tàu hải tặc Thái Lan. Sau 4 ngày 5 đêm khi ghe lượn quanh một dàn khoan dầu của Mã Lai Á thì các tài công đã quay mũi trở về Việt Nam. Khách trên ghe không ai biết hành động của đám tài công khi đó. Mãi hơn một ngày sau khi chúng tiết lộ ra thì mọi người mới biết. Khách trên ghe hết hăm doạ, năn nỉ rồi lạy lục... đám tài công để họ từ bỏ ý định điên rồ đó để tiếp tục chuyến vượt biên nhưng vô vọng. Khi đó tôi biết mình phải chuẩn bị đối phó với những bất trắc sẽ xảy ra ngay khi chiếc ghe này vừa cập vào một bờ bãi nào đó của nước Việt.
Thì ra tài công thợ máy trên ghe là ba người. Hai người là anh em ruột và người kia là bạn của họ. Tất cả đều có bồ (bạn tình) nhưng đều vắng mặt trong chiếc ghe này. Sau 4 ngày 5 đêm hải hành, thấy những người khách trên ghe mang vợ, con đi theo đã làm các tài công thợ máy nầy nhớ đến các người bạn tình và đó chính là lý do khiến họ quyết định quay ghe trở về Việt Nam. Họ tính sẽ tắp ghe vào một bãi biển kín đáo nào đó để rồi từ chỗ trú ẩn tạm thời nầy, họ đi về địa phương và đón bạn tình ra ghe xong sẽ khởi hành trở lại. Họ giải thích cho chúng tôi nghe về kế hoạch và cam đoan là sẽ không gặp khó khăn gì hết miễn là tất cả khách trên ghe ém yên lặng dưới các khoang hầm trong thời gian dừng ghe. Một việc làm quá sức nguy hiểm, dại dột. Chúng tôi ai cũng biết vậy nhưng không thể làm gì khác được vì năn nỉ, lậy lục họ cũng không nghe. Hăm dọa sẽ đả thương họ nếu từ chối cũng không xong. Khách người nào cũng đều mệt mỏi vì say sóng trong chuyến đi nên đành im lặng trước các tài công khoẻ mạnh nầy. Làm mọi cách... nhưng 3 người tài công này vẫn không đổi ý. Sự suy nghĩ đơn giản của một chàng trai đánh cá ngang với sự hiểu biết của người ít học. Tôi chuẩn bị cho những tai ương sắp sửa ập xuống mà lòng vẫn thầm mong là sẽ có sự may mắn xảy ra như ý muốn của những tài công này.
Chúng tôi ngồi yên nhìn nhau chờ những bất trắc sắp sửa giáng xuống đầu mình.
Khi chúng tôi vừa trông thấy dạng đất liền thì các tài công đã thúc hối mọi người đang ngồi trên sàn ghe phải chui ngay xuống các khoang hầm. Có người do say sóng quá sức nên không chịu chui xuống, viện lý do là sức họ đã quá yếu nếu xuống khoang hầm lần nữa thì họ sẽ chết. Các tài công đã dùng vũ lực để xốc những người này xuống khoang hầm. Chúng tôi đành phải nằm im lo sợ trong khoang hầm, miệng luôn cầu nguyện và tiên đoán tình hình bên ngoài qua những lời đối đáp của các tài công. Thời gian trôi qua nặng nề. Máy ghe vẫn chạy êm ả. Không biết đám tài công có biết đây là vùng biển nào không" Chỗ kín đáo mà họ nói sẽ cho ghe tắp vào có thực an toàn không"
Tôi đang nghĩ như vậy thì qua những lời trò chuyện của đám tài công, họ đã trông thấy hai chiếc ghe khác. Chúng tôi ai cũng lo lắng trong lòng. Hai ghe đó là ghe gì vậy" Của ngư dân hay công an biên phòng" Đột nhiên có tiếng súng nổ vọng lại từ xa. Chết rồi. Tiếng người hét to cùng với tiếng khóc của ai đó trong khoang hầm. Chiếc ghe đột nhiên tăng tốc chạy thật nhanh. Tim tôi đập liên hồi. Tay chân tôi tự nhiên có lúc tê cóng. Tôi đang sợ. Thôi thế là chết. Đến được giàn khoan đã tưởng thoát để rồi quay về và bị rượt đuổi... Giờ tụi mầy sáng mắt chưa. Thật là một lũ ngu dốt. Tiếng ai đó nói khá to gần tôi. không biết cuộc rượt đuổi diễn biến ra sao mà sau cùng một tiếng sầm thật lớn khi ghe đâm vào cái gì đó bên ngoài và những tiếng nhẩy ùm xuống nước của các tài công. Tiếng kêu khóc rên la của những khách làm mọi người càng sợ hơn. Tôi cùng các người khách khác vội đu người nhẩy lên ngay sàn ghe thì mới biết trời bên ngoài đã nhá nhem tối. Đây là một khúc rạch vắng, không một bóng người. Tôi cũng nhẩy ngay xuống nước để lội vào bờ như các người khách kia. Vừa leo được lên bờ đất thì tiếng súng đã nổ gần bên và bóng dáng của hai chiếc ghe lạ đang lướt sóng chạy đến gần. Tôi cùng các người khách vội cắm đầu bỏ chạy theo hướng của các tài công. Trời tối rất nhanh. Tiếng súng lại nổ kèm theo các tiếng thét xa xa. Tôi chạy... chạy mãi nhưng chỉ một lát sau thôi, tôi đã bị mất dấu những người chạy phía trước. Chân tôi giờ cảm thấy đau, tôi mới nhớ là mình còn đôi dép cột bên người nên vội vã cởi nó ra mang ngay vào chân. Đây là đôi dép da có quai đeo sau gót và nhờ có đôi dép này tôi mới có thể bước những bước chân lần mò trong đêm tối lờ mờ. Tôi đi cho đến lúc không còn thấy rõ cảnh vật chung quanh được nữa. Trời đã hoàn toàn tối đen. Ngồi xuống nghỉ ngơi, tôi ngước mắt lên bầu trời đầy sao và tự hỏi đây là đâu và bây giờ phải làm gì đây" Nếu không tìm được đường ra khỏi vùng này ngay đêm nay thì chắc chắn sáng ngày mai tôi cũng sẽ bị bắt.


Ngồi như vậy chốc lát, cảm thấy bớt mệt, tôi đứng lên ngó chung quanh và thấy thấp thoáng xa xa 1 ánh đèn dầu. Nhìn chăm chú tôi biết đúng là ánh đèn dầu thật nhưng không biết nơi có ánh đèn đó là gì" Nhà của dân lành hay nhà cán bộ CS" Thôi thì cứ nhắm hướng để đi đến đó vậy, đến gần thì mình sẽ biết. Ánh đèn lấp lánh trong đêm tối, tưởng nó gần nhưng thực sự nó rất xa. Tôi phải lần mò bước từng bước chân một, vạch cây lá, lội qua các vũng nước bất chấp gai cào, có khi vấp ngã xuống các hố cạn... cả tiếng đồng hồ mới đến được nơi có ánh đèn. Giờ đây, tôi biết nó chiếu ra từ một căn nhà tranh nhỏ. Vừa đến trước cửa căn nhà, một con chó nhẩy xổ ra sủa inh ỏi làm tôi đứng yên không dám động đậy rồi bóng một người từ trong nhà lách cửa bước ra nhìn. Thấy tôi, bóng người này hét lên một tiếng khá to rồi quay ngay trở vào bên trong. Tiếng hét của một phụ nữ. Chần chừ ít phút, tôi nói một hơi: Chị à! tôi là người chứ không phải là ma quỷ gì cả, đừng sợ. Tôi bị lạc đường từ chiều tới giờ cần chị giúp đỡ. Lập lại vài lần như vậy thì người phụ nữ này mở hẳn cửa bước ra nhìn tôi chăm chăm rồi nói tôi hãy đứng đó chờ để chị ta đi gọi chồng về.
Cầm cây đèn dầu bóng trứng vịt trong tay, người phụ nữ biến mất trong đêm tối cùng với con chó để lại mình tôi ngồi trước căn nhà nhỏ. Tôi chờ khá lâu thì nghe tiếng chó sủa và bóng hai người trong ánh đèn bước đến bên tôi. Một người đàn ông khuôn mặt còn trẻ tay cầm cây đèn, đến thật gần để nhìn rõ mặt tôi rồi anh ta hỏi tôi đi đâu mà có mặt ở đây trong đêm tối" Anh ta chưa biết sự việc của chiếc ghe vượt biên. Thầm nghĩ trong đầu thật nhanh, tôi biết mình phải nói cho họ biết mọi việc. Tôi kể tóm tắt sự việc. Vừa dứt lời, cả hai người nhìn nhau trong chốc lát và rồi người chồng lắc đầu bảo tôi phải đi ra xa khỏi căn nhà ở của họ ngay. Đi đâu thì đi. Họ không muốn liên lụy với người vượt biên và cả hai vợ chồng bước vào nhà kéo ngay tấm phên cửa lại. Tôi nhìn căn nhà nhỏ bé này trong bóng tối lờ mờ. Một căn nhà lợp lá dừa nước như các căn nhà của nông dân ở vùng sông nước miền Nam với một lu nước bên cạnh nhà và cửa ra vào chỉ là miếng phên lớn khép hờ. Hai người nầy là một cặp vợ chồng trẻ ở riêng. Chắc là vậy. Có những nhà khác ở gần đây không" Tôi tự hỏi rồi vì quá mệt nên cứ ngồi lỳ tại đó và sự thực chẳng biết đi đâu bây giờ" Con chó vẫn đi quanh quẩn bên tôi gầm gừ rồi tôi nằm lăn ra đất, thiếp đi lúc nào cũng không biết. Tôi ngủ ngon lành cho đến khi tay người nào đó lay vào vai làm tôi thức dậy. Một ông già ngồi trước mặt tôi, sau lưng ông là hai vợ chồng chủ nhà. Tôi theo chân họ đi vào căn nhà và được biết là thấy tôi cứ ngồi lỳ rồi nằm ngủ tại chỗ. Hai vợ chồng chủ nhà đã đi gọi cha họ đến. Ông già nói với tôi hãy đi nơi khác đi, họ không thể giúp đỡ hay chứa chấp tôi được. Công an, du kích sẽ đi lùng sục vùng này ngay sáng mai để lùng bắt những người trốn chạy trong chiếc ghe mắc cạn.
- Anh làm ơn đi nơi khác đi để cho tụi tui yên ổn làm ăn... Giúp anh rủi công an biết thì chắc chắn gia đình tui sẽ bị liên lụy và có khi phải ở tù nữa. Nhà tui nghèo lắm, phải tìm đến phá đất lập nghiệp vùng sát biển như vầy là anh biết rồi. Người đàn ông nói.
- Muốn giúp cậu thì cũng chẳng biết phải giúp như thế nào" Công an có tai mắt khắp nơi sớm muộn gì chúng cũng biết cậu ở đây. Giúp cậu, nhà cửa tụi tui sẽ tan nát hết. Cậu thương thì đi nơi khác đi coi như gia đình này và cậu chưa biết nhau, mong cậu thông cảm. Giọng ông lão khẩn khoản.
Tôi im lặng nhìn chung quanh căn phòng. Nơi chúng tôi ngồi là một cái bàn gỗ nhỏ, trước cái bàn sát với bức vách là một tủ thờ cũ. Một cái trang nhỏ có hình Phật Bà Quan Âm với bát hương với vài chân nhang đỏ, nằm trên cao sát với mái lá căn nhà. Vài tấm hình mầu ca sĩ cắt từ các tấm lịch cũ dán trên bức vách. Sát bên vách là một cái cái giường tre nhỏ với các vật dụng như cuốc, thuổng, đồ bắt cá nằm lăn lóc dưới gầm. Đây là một gia đình người miền Nam hiền lương thờ Phật. Không có dấu vết CS như các tấm bảng ghi công thường thấy trong nhà của gia đình cán bộ. Tôi nhìn ông lão và hai vợ chồng chủ nhà, nài xin họ hãy tìm cách nào đó giúp tôi, đừng xua đuổi tôi đi trong đêm tối trong lúc này.
- Nếu bác và anh chị làm phước giúp tôi thì Phật Bà Quan âm sẽ phù hộ cho gia đình vì đây là một việc lành. Tôi vượt biên vì lý lịch gia đình chế độ cũ VNCH. Tôi sống không nổi với chế độ mới này nên mới vượt biên rồi chuyến đi không thành phải quay về và phải trốn chạy công an truy bắt chứ đâu phải là thành phần bất hảo trộm cướp gì. Bác ơi! xin hãy giúp cho con, không bao giờ cha mẹ con và con quên ơn việc bác và anh chị làm hôm nay. Tôi năn nỉ.
Họ lắc đầu, nhất định không giúp mà tôi thì cứ ngồi lỳ ở đó. Cả ba cha con chủ nhà kéo nhau ra ngoài sân nhà, bỏ tôi ngồi một mình tại chiếc bàn nhỏ. Một lúc sau, cả hai cha con bước vào nhà và dặn tôi phải làm theo những gì họ dặn. Nếu tôi trái lời, có chuyện gì xẩy ra thì tất cả đều chết với công an. Họ đã lăn từ sau nhà một cái lu nước khá lớn và chuyển nó vào trong căn buồng của đôi vợ chồng trẻ. Họ ém tôi ngồi trong chiếc lu này dưới lớp lưới, quần áo và các vật dụng lặt vặt trong nhà suốt cả ngày hôm sau và bốn ngày kế tiếp nữa. Chỉ có buổi tối đêm khuya thì tôi mới được ra ngoài để ăn uống, rửa ráy qua loa, đi tiêu tiểu và thư giãn tay chân trong chốc lát rồi phải vào ngồi lại trong chiếc lu. Ban ngày, ém mình trong chiếc lu, tôi đã thót người khi nghe các câu chuyện của các người dân và cả du kích công an khu vực đi ngang, ghé vào nhà nói chuyện với nhau về chiếc ghe mắc cạn. Công an, bộ đội biên phòng và du kích đã bắt được toàn bộ người đi trên ghe đó kể cả các tài công.
Ngồi trong lu, tôi đã hồi tưởng lại các chuyện cũ của đời mình. Đã nhiều lần tìm cách vượt biên mà chưa lần nào tôi đặt chân lên được một cá lớn. Đêm ngày 29 rạng 30 tháng 4 năm 1975 khi đang sống trong thủ đô Sài Gòn. Mắt tôi đã tuyệt vọng khi nhìn những chiếc máy bay trực thăng chở người từ các toà cao ốc trong thành phố bay di tản ra hướng biển. Những người ngồi trên các chuyến trực thăng đó thật là có phước. Còn mình, mình làm sao để vào được các cao ốc này" Chạy ra bến tàu nhưng cũng không vào được. Các hàng rào cao vút và những họng súng của lính gác chỉa thẳng ra ngoài đã cản chân của tôi cùng rất đông người đang có mặt tại đó... Tôi quay về nhà khi những kẻ thắng trận cùng xe tăng của họ tràn ngập thủ đô Sàigòn. Những ngày tháng sau đó theo gia đình đi vùng kinh tế mới tại vùng Trị An Đồng Nai. Chặt cây, phá rừng, cuốc đất đến sưng cả hai tay rồi những cơn sốt rét vật tôi quằn quại trên giường. Trời ơi những cái lạnh của cơn sốt. Trùm cả đống mền dầy lên người mà hai hàm răng vẫn đánh vào nhau lập cập vì cái lạnh từ tận trong xương trong tủy tôi. Rồi những ngày bắt đầu cuộc sống trốn tránh vì đã cố tình vắng mặt trong buổi tuyển quân nghĩa vụ quân sự tại văn phòng Phường đội. Tôi không muốn chết oan ức hay bị tàn phế vô nghĩa tại chiến trường Kampuchia. Những đêm hồi hộp nằm ém mình trong nhà dân để chờ ghe ta xi đến đón ra cá lớn... Để rồi giờ đây, thu mình trong chiếc lu nầy mà lúc nào tôi cũng lo sợ khi nghe một tiếng chân lại gần.
Ém trong lu, tôi mới biết mình đã quá sức may mắn khi vô tình chạy đến cầu cứu nơi gia đình cặp vợ chồng trẻ tên là anh chị Tư vì qua các câu chuyện họ đối đáp, lúc đùa giỡn với nhau. Họ là những người dân quê miền Nam hiền lương chất phác. Có lúc, tôi còn nghe tiếng người cha họ niệm kinh Phật nữa. Tôi vẫn nhớ những cử chỉ mà đôi vợ chồng đã dành cho tôi như đã lấy quần áo của họ cho tôi thay, múc nước mang khăn cho tôi rửa ráy người qua quýt hoặc ép tôi ráng ăn mà cơm vẫn còn nóng hổi. Nhìn khuôn mặt của ba người chủ nhà này khi đó, đầy vẻ lo lắng cho tôi tưởng như đang lo lắng cho người thân thiết ruột thịt của họ vậy. Bác Ba, tên người cha, kể cho tôi biết những năm trước đây ông sống ở Bạc Liêu, làm việc trong một nhà máy xay lúa của Hoa kiều. Khi người chủ xuất cảnh nước ngoài, nhà máy này bị chính quyền địa phương tịch thu rồi một thời gian sau thì phải đóng cửa vì cán bộ điều hành kém cỏi. Không có việc làm, ông đi theo các bạn ông vào đây khai đất làm các vuông nuôi tôm.
- Tui năm nay sáu mươi hai tuổi rồi cậu à. Lập gia đình trễ nên chỉ có 3 đứa con. Đứa lớn là gái chị thằng Tư này hiện đang sống với chồng nó ngoài chợ cầu Cà Mau đó. Vợ tui cũng sống chung với chúng. Bả buôn bán lặt vặt ở chợ kiếm thêm. Cha con tui cũng thay nhau chạy ghe chở khách kiếm tiền ngoài đó rồi khi nào có việc thì lại vào đây như lần vào canh con nước này. Thỉnh thoảng, tui đón vợ tôi vào đây sống ít ngày với vợ chồng thằng Tư cho vui. Đứa kế cũng gái mà vắn số đã chết lúc còn nhỏ. Coi như chỉ còn có hai đứa thôi. Thằng Tư, cậu gọi nó bằng Út cũng được... tui mới lo vợ cho nó hơn năm nay hà. Buổi tối hôm cậu đến nhà là lúc đó tui và nó đang đi canh nước cho vào các vuông tôm đó. Cha con tui tự phá đất làm lấy nên vuông không được nhiều mà cũng khá xa nhà vì đất chung quanh đây, cậu thấy tuy còn bỏ hoang chứ đã có chủ hết rồi đó. Bác Ba bộc bạch.
Bác Ba và hai vợ chồng anh Tư cũng thắc mắc hỏi tôi là tại sao ghe vượt biên lại bị mắc cạn tuốt trong vùng Cái Đôi này vì từ đây ra tới cửa vàm ngoài biển cách cả cây số ngàn. Nếu ra được ngoài vàm đó thì tiếp với biển lớn rồi, cứ vậy mà chạy ghe thì công an nào bắt được. Tôi kể lại cho ba người biết về nguyên do tại sao ghe bị mắc cạn thì bác Ba cho biết thảo nào tụi thằng Sáu thằng Mai du kích nói là ghe vượt biên này bị bộ đội biên phòng đuổi bắt đâu tuốt ngoài biển vào tới đây thì kẹt sình. Cậu kể thì tui mới biết, mấy thằng tài công sao mà ngu quá mạng vậy. Đi đã khó mà quay trở về còn khó gấp bội. Sao tụi nó lại làm như vậy để hại thân còn làm khổ thêm bao nhiêu người nữa" Cũng bác Ba cho tôi biết là vùng Cái Đôi này có khá nhiều gia đình "cách mạng" chế độ CS đến đây lập nghiệp như gia đình của bác vậy. Tôi nghe mà thầm nhủ lòng mình quá sức là may mắn vì buổi tối hôm đó lại chạy đúng vào nhà của những con người hiền lương này. Rủi mà gõ cửa đúng nhà người chế độ mới thì giờ nầy tôi đã nằm trong trại giam của bọn CS rồi.
Sau 4 ngày đêm trốn tránh, bác Ba cho biết tình hình giờ yên ổn rồi. Công an biên phòng đã giải giao những người chúng bắt được ra trại giam huyện Cái Nước và bác nói là sẽ thu xếp đưa tôi đi sớm. Nửa khuya về sáng của ngày thứ 5 thì cả nhà thức dậy thật sớm. Ăn uống xong xuôi, hai cha con bác Ba đi xem xét thật kỹ lưỡng chung quanh căn nhà rồi dắt tôi theo họ xuống chiếc ghe nhỏ gắn máy đuôi tôm Kohler 4 đang nổ máy chờ sẵn. Ghe từ từ chạy và một lúc lâu sau thì bác Ba nói cho biết là đã ra khỏi vùng Cái Đôi rồi.
- Từ lúc này thì an toàn vì công an du kích chỉ để ý chận xét những ghe từ Cà Mau chạy ra vàm thôi còn ghe mình từ vàm chạy vào thì chúng không thèm ngó. Anh Út nói.
Tôi mặc lại bộ quần áo cũ rồi ngồi im trong ghe ngắm nhìn cảnh vật hai bên bờ vẫn còn mờ tối. Trời sáng dần, ghe vẫn êm ả chạy. Vùng sông nước miền quê tiếp giáp với biển nầy thật yên ả. Hai bên bờ là những rặng cây chạy dài típ tắp. Thỉnh thoảng mới thấy mái ngói hoặc mái tranh nhà dân xa xa. Xế trưa, anh Út tắp ghe vào một bóng mát kín đáo gần sát bờ để ba chúng tôi ăn uống qua loa và nghỉ ngơi chốc lát rồi sau đó lại chạy tiếp. Khi trời chạng vạng tối, ghe đến được chợ cầu Cà Mau vừa lúc phố xá trên bờ đã rực ánh đèn. Đến đây bình an hoàn toàn, anh Tư nói nhỏ. Tôi lấy trong mình ra chiếc khâu vàng 2 chỉ còn lại và nhờ sự chỉ dẫn của bác Ba, tôi đã đến một hiệu kim hoàn bán đi 5 phân vàng của chiếc nhẫn này. Có tiền rồi tôi đã mời 2 cha con bác Ba anh Tư đi ăn hủ tiếu và sau đó, tôi đã hết lời năn nỉ hai ân nhân này vui lòng nhận 1 chỉ 5 phân vàng và tiền mặt còn lại (sau khi tôi giữ một ít tiền đủ để đi xe về Sài gòn trong ngày). Đây là tạ ơn của tôi vì biết đến bao giờ mới có dịp gặp lại họ. Không có các vị ân nhân này thì làm sao tôi chắp cánh chạy thoát được vì nguyên cả ngày ngồi trên chiếc ghe nhỏ, tôi đã thấy họ chạy quành phải, quẹo trái qua cả trăm con kênh con rạch mới đến được vùng chợ cầu Cà Mau.
Về đến nhà sau gần nửa tháng vắng mặt, gia đình tôi mừng vô kể vì cả nhà đã biết chuyến đi không thành và đang dò hỏi trại giam để thăm nuôi tôi. Ai cũng nghĩ tôi đã bị bắt. Không thể ngờ nay lại về được đến nhà an toàn. Chuyến vượt biên bất thành lần đó chỉ có duy nhất một mình tôi là thoát khỏi tay bọn công an, chị Thu người trong tổ chức sau này cho biết như vậy.
Cho tới bây giờ mỗi lần nghĩ lại chuyện vượt biên năm đó, tôi vẫn không quên các khuôn mặt của bác Ba, vợ chồng anh chị Tư chủ nhà. Liền sau đó là một nỗi buồn trong tôi vì từ đó đến giờ tôi vẫn chưa có lần nào có dịp để tìm đến vùng Cái Đôi Vàm thăm hỏi tin tức của những con người hiền lương tốt bụng này, tuy nghèo vật chất nhưng rất giàu lòng bác ái thương người.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.