Hôm nay,  

Ô Ba Mươi

20/11/200800:00:00(Xem: 7137)

Ô Ba Mươi

Nguyễn Xuân Nghĩa
Muốn bênh Obama, người ta phải... mua xe Mỹ...
Sau một cuộc tranh cử dài nhất lịch sử, Nghị sĩ Barack Obama đã đắc cử Tổng thống.
Sự kiện ông là người da đen không là yếu tố quyết định.
Thành phần da đen bỏ phiếu cho ông tất nhiên là rất đông, quãng 97%. Nhưng họ đi bỏ phiếu cũng chẳng đông đảo hơn những lần trước là bao. Lần trước vào năm 2004 là 11%, lần này là 13%, không thể là yếu tố quyết định. Dù vậy, bất cứ ai không đồng ý với Obama - kể cả nhiều người Mỹ gốc Việt - đều có thể mang tiếng là "kỳ thị da đen", một lý luận không ngớ ngẩn thì ngoa ngụy. Tại sao, ủng hộ Obama vì ông ta là người da đen đầu tiên thì được coi là tiến bộ nhưng chống đối ông ta vì bất cứ lý do nào khác thì bị chụp mũ là kỳ thị màu da"
Sự kiện giới trẻ ồn ào ủng hộ ông ra cũng không là yếu tố quyết định.
Nhiều người thiếu hiểu biết và phải dựa vào thông tin của con cháu vì tưởng chúng văn minh hơn mình thì cũng cho rằng bầu cho Obama là một cách phản ảnh tinh thần tiến bộ. Thực tế thì giới trẻ - từ 18 đến 24 tuổi - chỉ ồn ào chứ khi đi bầu thì vẫn lười như xưa, mà vẫn có thể đánh lừa được phụ huynh vì những điều học hỏi được từ thầy cô trong trường. Tỷ lệ đi bầu của giới trẻ sáng suốt đó vào năm 2004 là 17%. Lần này: 18%! Tuổi trẻ không đồng nghĩa với văn minh và tiến bộ nếu chưa biết thế nào là "tri hành hợp nhất", nói là phải làm!
Barack Obama thắng cử không nhờ cử tri da đen hay giới trẻ.
Ông tranh thủ được lá phiếu truyền thống bên đảng Dân Chủ và nhiều lá phiếu độc lập, của những người không chấp nhận tinh thần cực đoan từ cả hai phía tả và hữu, kể cả đảng viên Cộng Hoà thất vọng đã nhích vào giữa. Và còn nhờ một yếu tố khác: cử tri Cộng Hoà nản chí ở nhà, không thèm đi bầu nữa! Chúng ta không có thời giờ phân tách thêm thành phần Latino, Công giáo, Do Thái, v.v... là những người đã bỏ phiếu cho Obama nhiều hơn mọi dự đoán của các thầy bàn.
Cũng vì vậy, ta không nói đến chiến dịch tranh cử rất tệ của John McCain. Ông mất lá phiếu bảo thủ bên Cộng Hoà vì lập trường quá trung dung, nhất là ủng hộ việc hợp thức hoá di dân nhập lậu, mà dân Latino không biết và không theo. Ông chọn Thống đốc Sarah Palin mà không tranh thủ được lá phiếu phụ nữ đã dồn cho Nghị sĩ Hillary Clinton và cả lá phiếu Công giáo. Dân Mỹ theo đạo Công giáo đã tự "Âu hoá" - rời xa tín ngưỡng và phóng túng hơn về kỷ cương gia đình (phá thai hay hôn nhân đồng tính) - và không theo chỉ thỉ của hàng giáo phẩm ở trên!
Nhưng, cho dù như vậy, lá phiếu phổ thông dồn cho Obama vẫn chưa là biến cố long trời lở đất, một hiện tượng landslide, đất chuồi, theo quan điểm người Mỹ là quãng 60%.
Ông thắng cử nhờ lá phiếu cử tri đoàn rất lớn, nhưng chưa bằng số phiếu cử tri đoàn của Bill Clinton thời 1996. Ngược lại, dù có bị lãnh cái cối đá của tám năm George W. Bush, Nghị sĩ McCain vẫn chiếm được 46% lá phiếu phổ thông, còn đông hơn Bill Clinton vào năm 1992.
Nhưng, chuyện đó là chuyện cũ, đã qua.
Chuyện mới là Tổng thống Barack Obama sẽ lãnh đạo ra sao khi mà nhiều người trông đợi phép lạ dù rằng thành tích của ông vẫn chưa đủ để nói đến một "sứ mạng", một mandate, của cử tri"
Tạp chí Der Spiegel của Đức, một trong nhiều tiếng nói ủng hộ Obama mãnh liệt nhất từ Âu Châu, đã có một bài rất lạ trong số ra ngày 19 tháng 11: Obama lặn như ma! Dàn phóng viên báo chí Mỹ vất vả rượt theo vị Tổng thống tân cử - để cổ võ tung hô - mà không tìm ra. Ôm một bình ga lặn rất sâu, Obama lánh mặt báo chí vì đang loay hoay xoay trở với thực tế gay go hơn những gì ông nghĩ khi tranh cử. Một thực tế phũ phàng là Mỹ mắc nợ nên không thể hào phóng thực hiện những cam kết của ông.
Trước đó, tờ Le Monde của Pháp - rất trí thức thiên tả như tờ New York Times của Mỹ - cũng có bài rất lạ: dân Mỹ bầu lên một vị tổng thống mà không biết người ấy là ai! Nói thêm nữa thì lại bị mang tiếng là "kỳ thị Obama"!
Tội nghiệp!
***
Một trong những bài toán - và cái gân gà - làm thị trường cổ phiếu Mỹ tuột dốc đều và làm Obama thấy nghẹn là hồ sơ của ba đại gia kỹ nghệ xe hơi của Mỹ. Gọi tắt là "Big Three", gồm có General Motors, Ford và Chrysler. Ba tổ hợp ấy, nhất là GM,  đang hôn mê trong phòng cấp cứu. GM sẽ khó qua khỏi mùa Đông, Ford và Chrysler có khi sẽ đổi quốc tịch nếu có ai khác muốn mua về lạm thịt. Bên ngoài nhà thương, suốt hai ngày liền, các quản trị viên ra cào mặt ăn vạ trước Quốc hội để xin tiền trợ cấp. Nếu không là sẽ phá sản!
Thị trường chứng khoán cứ theo đó mà tuột giá. Tin vui về bầu cử không là tin vui cho thị trường, chán thật!
Nhưng không thấy ai hỏi vì sao ba đại gia Nhật Bản - Toyota, Honda, Nissan - hay nhà Huyndai của Đại Hàn, hoặc BMW của Đức, lại không than khóc và hãng xưởng của họ trên lãnh thổ Mỹ vẫn kiếm ra tiền! Tại sao ba công ty Mỹ cứ rên rỉ định kỳ và đòi chính quyền cấp cứu"
Đấy là câu hỏi sẽ làm Obama nhức đầu.
Đảng Dân Chủ của ông trong Quốc hội đang gây sức ép rất mạnh để Chính quyền tung ra từ 25 đến 50 tỷ Mỹ kim cấp cứu. Ban đầu thì Obama có thể đồng ý với việc đó vì cấp cứu kỹ nghệ xe hơi Mỹ cũng là cấp cứu nghiệp đoàn công nhân xe hơi UAW, một thế lực đã góp phần đáng kể - tiền và nhân lực - cho cuộc tranh cử của ông. Nhưng, như vị tiền nhiệm Bill Clinton đã tự hỏi: trả nợ đến bao giờ mới hết"
Cấp cứu xe hơi Mỹ đến chừng nào" Ba năm, năm năm hay mãi mãi" Và cấp cứu xe hơi xong, còn phải cấp cứu những ngành nào khác" Mà vì sao lại phải cấp cứu, hoặc vì sao kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ lại bết bát như vậy"
***
Muốn biết rõ, Obama cần tham khảo ý kiến của các kinh tế gia am hiểu... Trung Quốc.
Thành phần này không đông - một người hiểu biết là Hank Paulson thì lại là Tổng trưởng Ngân khố của Bush mất rồi! Những người khác, đa số là trong ban tham mưu kinh tế tài chánh của Clinton năm xưa, lại có quan điểm mà cánh tả của Obama cho là... phản động.


Để chứng tỏ tinh thần... "đối lập xây dựng" - hầu khỏi mang tiếng là "cay cú chống Obama", và thà là chống còn hơn phù thịnh vuốt đuôi mà cóc hiểu gì cả - người viết xin trình bày lại hồ sơ "kinh tế thị trường với màu sắc Trung Quốc" của ba đại gia xe hơi của Mỹ:
Kỹ nghệ xe hơi Hoa Kỳ đã từng là mũi nhọn của tư bản Mỹ, tương tự như kỹ nghệ thép trước khi bị Nhật Bản rồi Nam Hàn hay các xứ tân hưng khác hạ bệ cách đây một thế hệ. Sống trên một thời vang bóng, kỹ nghệ xe hơi Mỹ có triệu chứng mập phì của những cơ thể được vỗ béo mà khỏi cần ra sân chạy đua với ai khác.
Mục tiêu kinh doanh của nó hết là sản xuất xe hơi để kiếm lời mà là để cung cấp phúc lợi cho những người phục vụ - công nhân viên chức và nghiệp đoàn của họ.
Trung Quốc cũng có triết lý kinh doanh đó khi các cơ sở sản xuất bất kể lời lỗ, với giá cực rẻ và mức lời rất thấp. Mục tiêu là để tạo ra công ăn việc làm cho một dân số rất đông và rất trẻ. Thuần về kinh doanh, các doanh nghiệp Trung Quốc không đáng tồn tại vì là những trung tâm phí tổn. Nhưng, thuần về xã hội - và chính trị - các doanh nghiệp Trung Quốc phải được vực dậy, cũng bằng mọi giá, vì góp phần cho ổn định xã hội. Hữu lợi tính của chúng là xã hội, chứ không là kinh tế, hay doanh lợi.
Ba đại gia xe hơi của Mỹ cũng thế.
Thuần về kinh doanh, với cơ cấu phí tổn sản xuất như vậy thì các cơ sở này phải bị lỗ và bị đào thải, để nhường đất cho sự xuất hiện của các cơ sở khác. Năm xưa, tổ hợp hàng không Pan Am đã từng cụp cánh nhường chỗ cho những đại gia sau này như United hay American. Nhưng, kỹ nghệ xe hơi của Mỹ đã chuyển dịch từ mục tiêu kinh doanh sang xã hội, do sức ép rất mạnh của nghiệp đoàn và sự thỏa nhượng rất gian của Quốc hội, nên đã trở thành trung tâm ban phát phúc lợi cho công nhân viên, gia đình, vợ con và cả bố mẹ vợ lẫn chồng! Ráp vào phần vụ chế ráp xe hơi là phần vụ bảo hiểm y tế, sức khoẻ và nhiều thứ linh tinh khác.
Chiếc xe của Mỹ vì vậy là một đầu máy tốn tiền và hao xăng - nhược điểm về quản trị - lại kéo theo một dàn đồng và bộ nệm rất nặng gồm thuốc men, hưu bổng, tiền thưởng cuối năm, v.v... Nó không thể chạy kịp xe Nhật hay xe Đại Hàn trên xa lộ Mỹ. Nhưng vẫn phải chạy vì nếu không, ai sẽ thanh toán các khoản bảo hiểm đã cam kết với công nhân viên" Vì vậy, nó cần sức đẩy của nhà nước. Mà nhà nước thì có chức năng tuyệt vời là hứa cuội, chứ khi chi tiền thì lại vọc tay vào tiền thuế của dân.
Khi kinh tế còn xuông xẻ, giá dầu còn rẻ, không ai thấy phiền khi phải đẩy cỗ xe Mỹ trên xa lộ, là trợ cấp cho ba đại gia bằng cách mua xe đắt, hao xăng hơn và lại không bền. Hoặc chi thuế nhiều hơn. Khi kinh tế suy trầm, như ngày nay, người ta có quyền tự hỏi: "nuôi báo cô đến bao giờ nữa"" Câu hỏi rất chính đáng nhưng bất hợp thời. Vì nếu không nuôi thì năm ba triệu người sẽ mất việc, cả ngàn công ty sống bám vào kỹ nghệ quý tộc ấy sẽ phá sản.
Khi Tổng trưởng Hank Paulson quyết định không cấp cứu đại gia Lehman Brothers trong kỹ nghệ đầu tư tài chánh, ông làm đúng một việc sai! Vụ sụp đổ ấy dẫn tới khủng hoảng tài chánh vào giữa tháng Chín. Tổng trưởng Kinh tế Pháp, xưa kia là đồng Chủ tịch của một tổ hợp luật sư thế giá nhất của Mỹ, là bà Christine Lagarde, đã có lời phát biều rất sáng vào tháng trước tại thủ đô Mỹ, rằng ta nên khiêm nhượng hơn trước loại vấn đề lớn lao như vậy. Bà Lagarde nói ra điều ấy sau khi tâm sự, rằng suy đi tính lại, việc Mỹ để cho Lehman Bros. phá sản là một quyết định tai hại!
Sau kinh nghiệm nhức tim đó, ai dám để cho GM phá sản vào cuối năm nay" Barack Obama có khi đang ngẫm lại bài học của Paulson và Lagarde trên doanh trường và chính trường.
Từ cánh tả, ông có thể được nghe trình bày - với dữ kiện cho nghiệp đoàn UAW cung cấp - rằng nếu ba đại gia ấy phá sản, địa dư chính trị của Mỹ sẽ thay đổi trong cả chục năm tới. Toàn khu vực Midwest xụp đổ vì kỹ nghệ chế biến, các công ty vệ tinh và hệ thống hưu bổng lẫn y tế sẽ phá sản. Tương tự như bài toán của Paulson với Lehman Bros, hay của Hồ Cẩm Đào nếu để cho Tứ Xuyên vỡ nợ!
Nhưng từ cánh hữu, ông cũng nghe được lời khuyên nhiều chuyên gia khác, kể cả nhiều người dày kinh nghiệm xoay trở của Chính quyền Clinton: nếu không rút ống trợ sinh cho bệnh nhân tiếp tục hôn mê trên giường, thì cũng phải nghĩ đến việc giải phẫu. Phải dám cắt bỏ những tế bào ung thối, nghĩa là chấp nhận một tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, và tìm ra một chế độ an sinh hay y tế khác hầu kỹ nghệ xe hơi có thể hồi phục và tìm ra lợi thế cạnh tranh ở nơi khác.
Hoa Kỳ vẫn sản xuất thép, nhưng là loại thép cao đẳng, và nhường thị trường thép loại thông dụng cho các quốc gia có cơ cấu sản xuất rẻ hơn nhờ lương thấp hơn. Loại xe thông dụng thì đành nhường cho Đông Á, ta tìm loại xe cao điệu cao đẳng khác... Đấy là chiến lược phục hồi về dài.
Nhưng, như kinh tế gia John Maynard Keynes có nói: "về dài thì ai cũng chết!"
Ông Obama không thể có viễn ảnh về dài đó. Hai năm nữa, cử tri có khi nghĩ lại và thấy là mình mua hớ nên sẽ trừng phạt đảng Dân Chủ, và bào mỏng đa số hiện nay của Tổng thống tân cử. Bấy giờ ông mới thấy rằng tên mình rất vần với Ô Ba Mươi! Những người nhanh nhảu chạy theo cách mạng và sau đó ê chề đổ lệ!
Nhiều phần là ông sẽ đổi mới như cũ.
Nghĩa là lại dồn tiền mua lấy thời gian. Châm tiền cho con bệnh xe hơi khỏi chết và giao lại hồ sơ cho dàn bác sĩ sẽ kế nhiệm. Ông có thể hỏi lại kinh nghiệm của Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo và được trả lời là Trung Quốc còn thu được cả ngàn tỷ đô la để câu giờ theo kiểu tốn kém ấy, chứ Hoa Kỳ thì không! Tờ Der Spiegel vừa nhắc như vậy...
Giải pháp tối hảo là kéo McCain ra khỏi chỗ mắc cạn.
Nghĩa là đứng bên chia sẻ trách nhiệm. Trong nửa năm trời, Obama công kích đối thủ ngập ngọng này là bỏ phiếu theo Bush tới 97%. Bây giờ, ông cần 3% còn lại của McCain để cùng kê đầu chịu báng. Quyết định trợ sinh phải là quyết định lưỡng đảng! Thà như vậy còn hơn bị mang tiếng là người rút ống trợ tử cho kỹ nghệ xe hơi của Mỹ lăn bánh qua bên kia thế giới.
Đâm ra tranh cử là phần hào hứng nhất của tiến trình lãnh đạo!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.