Hôm nay,  

Dân Tỵ Nạn Và Bầu Cử Tổng Thống Mỹ

30/09/200800:00:00(Xem: 12114)
Bài # 3: Câu Chuyện Thuế...

Thuế là một vấn đề quan trọng nhất trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền của chúng ta. Mà cũng là vấn đề có khác biệt lớn lao nhất giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

Sự khác biệt này thể hiện triết lý căn bản của hai chính đảng. Điều ấy, người ta có thể thấy rõ nhất trong vụ tranh luận tối Thứ Sáu 26 vừa qua. Cuộc tranh luận dự trù tập trung vào đề tài an ninh và đối ngoại thì đã dành 40 trong 90 phút cho vấn đề kinh tế. Và trong phần tranh luận ban đầu về kinh tế, cả hai ứng cử viên đều nói phớt qua về đề tài đáng quan tâm nhất khi ấy là kế hoạch cứu nguy hệ thống tài chánh, để nói về chủ trương thuế khoá của mình.

Vì vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về triết lý căn bản của đôi bên trong lãnh vực thuế khóa đó.

Như đã có dịp nói qua trong một bài trước, Dân Chủ có quan niệm cấp tiến là cái bánh, tượng trưng cho lợi tức chung cho cả nước, không được chia đồng đều nên gây ra bất công xã hội. Nhà Nước có trách nhiệm tái phân phối để san bằng phần nào những bất quân bình đó, bằng cách thu thuế người dư giả lấy tiền chu cấp nhu cầu an sinh, y tế của những người nghèo hơn. Chưa đến nỗi bình đẳng triệt để trước chén bo bo như kiểu xả hội chủ nghĩa, nhưng cũng cùng căn bản lý luận.

Cộng Hòa thì có quan niệm bảo thủ là cách làm cho mọi người vui vẻ là làm cho chiếc bánh ngày một lớn hơn qua phát triển kinh tế, hầu mọi người đều có phần, dù không đồng đều nhưng ai cũng có phần bánh to hơn. Nhà Nước sẽ có quyền hạn tối thiểu và trách nhiệm bảo đảm mọi người có cơ hội đồng đều để tiến thân, và chỉ lo cho những ai thật sự khó khăn chưa có được nhu cầu tối thiểu. Vì Nhà Nước có vai trò tối thiểu nên không cần thu thuế nhiều, cho người dân có quyền giữ lại tiền của mình nhiều hơn. Chưa đến nỗi cá lớn tự do nuốt cá bé như kiểu xã hội phong kiến, nhưng nhà giàu vẫn có lợi thế hơn.

Chúng ta hãy xét qua chủ tương về thuế của hai ứng viên tổng thống và tác dụng đến dân tỵ nạn chúng ta.

Tổng thống đương nhiệm George W. Bush ngay trong năm đầu của ông đã cắt giảm thuế cho tất cả mọi người. Tính theo tỷ lệ thì càng nghèo tỷ lệ càng cao và ngược lại càng giàu tỷ lệ càng thấp.

Lấy ví dụ đơn giản. Một gia đình có mức lợi tức thấp, phải đóng 3.000 đô thuế một năm, và được ông Bush giảm thuế 20%. Như vậy họ sẽ chỉ phải đóng 2.400 đô thuế, và ông Bush đã tiết kiệm được 600 đô cho họ. Một gia đình giàu có hơn nhiều và phải đóng thuế 50.000 một năm chỉ được giảm thuế 5%. Như vậy gia đình này sẽ phải đóng 47.500 đô thuế sau khi trừ 5%, tiết kiệm được 2.500 đô. Tính theo tỷ lệ thì rõ ràng gia đình nghèo được giảm thuế nhiều hơn (20% so với 5%) nhưng tính theo số tiền tiết kiệm thì nhà nghèo tiết kiệm được ít hơn (600 đô so với 2.500 đô).

Khác biệt giữa 600 đô và 2.500 đô nêu trên chính là căn bản lý luận phe cấp tiến dùng để tố Bush phe đảng với nhà giàu, là giảm thuế cho nhà giàu nhiều hơn. Nhưng họ không nhắc đến chuyện dù sao thì anh nhà giàu này cũng đã phải đóng 47.500 tiền thuế so với anh nhà nghèo chỉ đóng có 2.400 tiền thuế.

Lúc TT Bush đưa ra kế hoặch giảm thuế cũng là lúc kinh tế Mỹ đi vào chu kỳ suy giảm và lâm chiến. Vốn luôn luôn chủ trương tăng thuế, phe Dân Chủ miễn cưỡng đồng ý để Bush cắt thuế hầu kích động kinh tế. Kinh nghiệm cho thấy cắt thuế luôn luôn kích động phát triển vì tạo lợi tức nhiều hơn cho đầu tư và tiêu thụ. Hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ điều đình với giải pháp dung hòa là cắt thuế đến 2010 thôi, sau đó sẽ trở lại mức thuế cũ, tức là thuế sẽ tăng về mức cũ lại.

Hiện nay, ông McCain chủ trương gia hạn vĩnh viễn việc cắt thuế đó, có nghĩa là duy trì tình trạng hiện tại.

Trong khi đó, ông Obama thì lúc đầu chủ trương chấm dứt việc giảm thuế của TT Bush đúng như thỏa thuận vào năm 2010, tức là tăng thuế trở lại mức cũ cho tất cả mọi người có mức lương cao hơn 32.000 đô một năm. Nhưng sau khi chiếm được phiếu của khối Dân Chủ cấp tiến và hạ được bà Hillary trong vòng tranh cử sơ bộ, thì ông chủ trương ôn hòa hơn để lấy cảm tình phe Dân Chủ ôn hòa và khối độc lập không theo đảng nào. Ông thay đổi lập trường, chấp nhận gia hạn quyết định giảm thuế của Bush một thời gian không ấn định rõ ràng, tuy không vĩnh viễn, trong khi kinh tế còn đang trì trệ.

Đến Đại Hội Đảng Dân Chủ thì ông Obama lại thay đổi lập trường một lần nữa. Ông hứa hẹn “cắt thuế cho 95% dân Mỹ và tăng thuế cho 5% còn lại, là những người thuộc giai cấp giàu nhất”. Chỉ những gia đình có lợi tức trên 250.000 đô một năm mới bị tăng thuế thôi, và họ có thể bị đóng thuế tổng cộng tới 60%.

Đây là lập trường mới nhất, được tuyên bố ngày đại hội đảng nên chưa có chi tiết gì rõ ràng, “cắt” ở đây nghĩa là duy trì những cắt giảm của TT Bush, hay cắt ít hơn, hay cắt nhiều hơn, và cắt bao lâu" Không ai rõ. Ông chỉ cần 95% dân Mỹ dễ tin nghe bùi tai thôi.

Thực tế không giản dị như vậy.

Ông Obama đưa ra một chương trình hành động rất “hoành tráng”. Ngoài việc cắt thuế cho 95% dân chúng, ông còn cho thiên hạ khấu trừ thuế đủ mọi kiểu: để giảm học phí (1.000 đô cho mỗi sinh viên), để bù tiền xăng (1.000 đô cho mỗi người), để mua xe hybrid chạy bằng điện (7.000 đô cho mỗi xe).

Trong khi đó thì ông cũng hứa hẹn đủ mọi thứ cho tất cả mọi người, như bảo hiểm y tế cho mọi người không trừ ai, Nhà Nước bảo đảm tất cả khoản nợ mua nhà khó thu, tăng lương công chức, tăng lương giáo viên, tăng lương tối thiểu từ 6,5 đô một giờ hiện nay lên 9,5 đô, tăng ngân sách nghiên cứu tìm kiếm nguồn năng lượng mới, tăng cường quân lực về nhân lực và thiết bị, vũ khí, tăng lương quân nhân, tăng luôn cả các chương trình viện trợ cho các quốc gia chậm tiến (tăng thêm 50 tỷ so với số viện trợ hiện hữu), v.v…

Các chuyên gia kinh tế tính nhẩm tất cả các chương trình khấu trừ thuế và trợ cấp mới sẽ tốn sơ sơ khoảng 800 tỷ đô một năm. Trong khi đó, việc ông tăng thuế 5% những nhà giàu nhất sẽ thu được khoảng 80 tỷ đô. Chỉ thiếu có 720 tỷ đô thôi! Tức là ngân sách sẽ thâm thủng thêm 700 tỷ một năm. Đó là chưa kể việc ông ủng hộ 700 tỷ mà TT Bush vừa đề nghị để giúp giải quyết khủng hoảng tài chánh và gia cư.

Ông Obama có thể đọc diễn văn thật giỏi, nhưng về toán thì hình như hơi yếu. Vậy mà vẫn có cả triệu người tin phép cộng trừ nhân chia của ông ta.

Không chuyên gia kinh tế nào có thể tin ông Obama sẽ giữ lời hứa được. Ngân sách của TT Bush hiện nay không có những khấu trừ thuế cũng như không có chương trình vĩ đại của Obama, mà đã bị thâm thủng cả trăm tỷ mỗi năm rồi, nói chi đến chương trình của Obama.

Câu hỏi là cũng không ai biết ông Obama sẽ làm gì"

Ông ta có ba cách gỡ rối: Một là ông sẽ giữ lời hứa cắt thuế và như vậy sẽ phải nuốt lời hứa về các trợ cấp rất rộng lượng. Hai là ông sẽ duy trì các trợ cấp đã hứa và nuốt lời hứa về cắt thuế. Và ba là ông sẽ giữ cả hai lời hứa thì ngân sách sẽ thâm thủng nặng, đưa đến tình trạng lạm phát, giá cả tăng đồng loạt.

Ông Obama cho rằng mình có thể giữ lời hứa giảm thuế mà vẫn tăng trợ cấp một cách dễ dàng. Bằng cách chấm dứt chiến tranh Iraq. Cuộc chiến này tốn khoảng 120 tỷ một năm. Chấm dứt chiến tranh không thể nào cắt chi tiêu quốc phòng 120 tỷ vì vẫn còn nhu cầu trả lương cho các quân nhân hồi hương, và bảo trì trang bị vũ khí mang về nước. Nhưng cứ cho là sẽ tiết kiệm được 120 tỷ như ông nói thì vẫn còn thiếu 600 tỷ cộng với 700 tỷ. Vị chi thiếu 1.300 tỷ!

Ông Obama nói sẽ tăng thuế doanh nghiệp (corporate tax), tăng thuế lợi nhuận đầu tư (capital gain tax), và tăng thuế cổ tức (dividend tax), ngoài việc tăng thuế lợi tức trên khối 5% giàu nhất như đã bàn ở trên.

Thuế doanh nghiệp là thuế đánh trên lợi nhuận của các công ty. Ông Obama chủ trương đánh thuế cao trên tiền lời của các công ty lớn, nhưng giảm thuế cho các công ty nhỏ. Ở đây, có ba vấn đề được đặt ra.

Trên căn bản, chủ trương này có lợi cho dân tỵ nạn chúng ta vì phần lớn là chủ các tiệm buôn làm ăn nhỏ, như nhà hàng, tiệm nails, tiệm chạp phô… Tuy nhiên, ta cũng chưa vội mừng rỡ. Chỉ vì trong vấn đề này cũng như trong nhiều vấn đề khác, ông Obama rất mập mờ không định nghĩa rõ ràng thế nào là tiểu thương được giảm thuế và khi nào thì trở thành đại thương phải đóng thuế nặng. Ai cũng hiểu Ford, Wal-Mart,… là công ty lớn. Nhưng cái tiệm phở ở Bolsa, tiệm bán băng nhạc ở Phước Lộc Thọ,.. có phải là “công ty” mà ông Obama sẽ tăng thuế không"

Có điều chắc chắn là nếu các công ty nhỏ như các tiệm phở hay tiệm bán băng nhạc nêu trên không có bảo hiểm sức khoẻ cho nhân viên, sẽ bị đóng thuế đặc biệt để Nhà Nước mua bảo hiểm cho họ. Ông Obama gọi đây là “no-insurance tax” (thuế không có bảo hiểm). Chỉ chưa biết mức thuế đó sẽ là bao nhiêu thôi!

Vấn đề thứ nhì là các công ty lớn ông Obama muốn đánh thuế nặng cũng là cơ sở kinh tế cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày cho chúng ta. Không cần phải là thông thái ta cũng biết là tăng thuế mấy công ty này dĩ nhiên sẽ đưa đến gia tăng giá sản phẩm của họ. Tăng thuế chợ Albertson hay chợ Thuận Phát thì dĩ nhiên giá thịt thà rau cỏ sẽ tăng. Tăng thuế Wal-Mart thì quần áo, vật gia dụng sẽ tăng giá theo. Và chúng ta, người đi chợ sẽ chịu hậu quả ngay. Và dân nghèo sẽ thiệt hại nặng hơn mấy ông bà nhà giàu.

Ví dụ một ký thịt bò tăng giá một đô. Giàu hay nghèo thì cũng phải trả thêm một đô hết. Và dĩ nhiên, đối với một gia đình tỵ nạn, một đô đó lớn hơn một đô của mấy ông triệu phú rất nhiều.

Đó là chưa nói đến việc giá hàng cao hơn tức là ta cũng phải trả thuế thương vụ (sales tax) cao hơn.

Vấn đề thứ ba là việc các công ty lớn này cũng cung cấp việc làm cho chúng ta. Thuế cao lời ít sẽ đưa đến cắt giảm nhân viên. Và nhân viên đầu tiên bị mất việc chính là khối nhân viên thiếu tay nghề chuyên môn, lãnh lương tối thiểu. Tức là khối người tỵ nạn chúng ta thôi.

Trong khi đó, ông McCain chủ trương giảm thuế cho các đại công ty. Cái lý của ông là làm vậy sẽ giúp các đại công ty này gia tăng đầu tư, sản phẩm cũng rẻ đi khiến các công ty Mỹ có khả năng phát triển mạnh và có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường thế giới.

Theo ông McCain, bớt thuế cho các đại công ty cũng là cách giữ mấy công ty này khỏi “di tản” qua mấy xứ chậm tiến, lợi dụng nhân công rẻ tại những nước như Tàu, Việt, Mễ, Ấn. Nói cách khác, cắt thuế là phương thức hữu hiệu nhất tạo thêm công ăn việc làm cho nhân công Mỹ, và cho dân tỵ nạn chúng ta.

Thực tế đây là cách nhìn hơi lạc quan. Cho dù cắt thuế thì giá thành của sản phẩm Mỹ vẫn khó cạnh tranh được trên thế giới vì còn quá đắt, chỉ vì lương nhân công vẫn còn quá cao. Trong khi các nhân công Bangladesh làm lương một đô một ngày thì nhân công Mỹ lãnh ít ra cũng một trăm đô một ngày.

Dù sao thì đề nghị của McCain cũng là một bước hợp lý tuy chưa thấm vào đâu.

Thuế lợi nhuận đầu tư là thuế đánh trên mức lời mỗi khi ta có lời trong một dịch vụ mua bán tích sản đầu tư. Ví dụ như mua bán cổ phiếu (stocks), mua bán cổ phần trong quỹ đầu tư hỗ tương (shares in mutual funds), mua bán nhà,… Ông Obama sẽ tăng mức thuế này từ 15% hiện hữu - mà ông McCain muốn duy trì - lên 20% (lúc đầu ông đòi tăng 28%).

Một cách cụ thể, trong khối dân tỵ nạn, số người trực tiếp bị ảnh hưởng, tức là những người trực tiếp sở hữu các loại đầu tư này không nhiều nhưng không phải không có.

Tuy nhiên, tất cả những người lớn tuổi có tiền hưu sắp lãnh hay đang lãnh sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. Thông thường tiền hưu của quý vị được đầu tư trong các cổ phiếu các công ty hay trong các quỹ hỗ tương đầu tư. Những người quản lý các quỹ hưu phải mua bán các dụng cụ đầu tư này hàng ngày để bảo đảm sau này có đủ lợi nhuận trả tiền hưu cho quý vị. Nếu những dịch vụ mua bán này bị đánh thuế cao hơn thì đương nhiên sẽ có tác dụng giảm ngay số tiền hưu của quý vị, trừ phi quý vị có lương hưu cố định.

Người mua bảo hiểm nhân thọ (life insurance) hay đang lãnh niên kim (annuities) cũng sẽ bị ảnh hưởng bất lợi vì các công ty bảo hiểm đầu tư phần lớn tiền của họ trong các cổ phiếu và các quỹ hỗ tương. Muốn biết, quý vị cần hỏi lại người bán bảo hiểm xem quý vị có bảo hiểm loại nào, bị ảnh hưởng như thế nào. Nếu người bán bảo hiểm nói không có ảnh hưởng gì thì đừng nên tin, chắc chắc có ảnh hưởng, chỉ không biết nặng hay nhẹ thôi. Chỉ cần hỏi lại người đó hãng bảo hiểm đầu tư tiền ở đâu, có đóng thuế trên lợi nhuận đầu tư không.

Việc tăng thuế trên mức lời bán nhà còn có ảnh hưởng trực tiếp và rõ hơn. Theo đề nghị của ông Obama, nếu quý vị bán nhà, có lời, dùng tiền lời đó để mua nhà khác cao giá hơn, thì quý vị không phải đóng thuế ngay, mà được hoãn lại, đúng như luật thuế hiện hành (1031 Exchange). Nhưng nếu quý vị bán nhà mà không mua nhà khác, ví dụ dọn về ở với con cái, hay vào nhà già, hay mua mobile home cho rẻ hơn, thì ông Obama sẽ vớt ngay 20% số tiền lời.

Thuế trên cổ tức là thuế đánh trên tiền lời các công ty chia cho các người sở hữu cổ phiếu -gọi là cổ đông- khi công ty có lời. Quý vị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu quý vị sở hữu cổ phần một cách trực tiếp, hay gián tiếp nếu quý vị có tiền trong các quỹ hỗ tương hay quỹ hưu bổng, giống như tình trạng thuế lợi nhuận đầu tư nêu trên. Theo chế độ thuế hiện hữu -mà ông McCain duy trì- các quỹ hưu phải đóng thuế cổ tức ở mức 15%, trong khi ông Obama sẽ tăng lên 20%, bảo đảm quý vị sẽ lãnh tiền hưu ít đi phần nào.

Chắc chắn có nhiều quý độc giả đọc những phần trên cảm thấy hơi nhức đầu vì có hơi rắc rối, và cũng không biết chắc được mình thuộc thành phần nào, sẽ bị tăng thuế hay được giảm thuế.

Chỉ cần biết là trên căn bản, chủ trương tăng thuế nhà giàu để giúp nhà nghèo của ông Obama dựa trên cùng căn bản lý luận của xã hội chủ nghĩa, có thể có lợi ngắn hạn trước mắt cho dân nghèo, mà  thực tế lại có hại chung cho tất cả mọi người về lâu về dài.

Mức thuế cao đánh vào “nhà giàu” và các đại công ty chắc chắn sẽ bị “chuyền qua” nhà nghèo, qua việc tăng giá hàng hóa bởi các nhà giàu và các công ty sản xuất. Đó là loại thuế vô hình mà dân nghèo phải đóng mỗi khi thuế tăng cho dân giàu. Chúng ta cũng sẽ thấy trì trệ kinh doanh vì các nhà giàu và công ty không muốn mở mang thêm công ty, cong lưng làm việc để phải đóng thuế nhiều hơn. Mà trì trệ kinh tế tức là bớt việc làm cho mọi người, nhất là dân tỵ nạn không có tay nghề chuyên môn. Chắc chắn họ cần job hơn mấy ông tỷ phú.

Thuế cao cũng chưa hẳn là chuyển tiền từ nhà giàu qua nhà nghèo, nhưng chắc chắn đó là chuyển tiền từ tư nhân vào tay Nhà Nước. Và không có gì bảo đảm các công chức lè phè của Nhà Nước sẽ sử dụng số tiền đó hữu hiệu hơn chúng ta! Những phí phạm và bất lực của các bộ máy hành chánh Nhà Nước đã trở thành sự thật lịch sử trên khắp thế giới. Thế giới cộng sản đã xụp đổ một phần cũng vì lý do này.

Đè cổ nhà giàu lấy tiền nuôi cả nước là chiêu bài rất cổ điển mà các chế độ cộng sản tận tình khai thác từ cả trăm năm trước, đi đến chỗ phá sản của toàn thể chế độ cộng sản trên khắp thế giới. Lý do rất giản dị là có đánh thuế cách gì đi nữa thì cái thiểu số 5% mà ông Obama nhắm vào cũng không thể nào trả đủ tiền cho các chi phí khổng lồ. Hơn nữa, moi tiền kiểu đó thì chẳng mấy chốc, cái khối nhà giàu rồi cũng sẽ thành bần cố nông hết!

 Lúc đó, moi tiền ai để tiếp tục tài trợ các chi phí vĩ đại không ngừng được" Mà không còn tiền vào mà chỉ có tiền ra để nuôi dưỡng các chương trình vĩ đại đó thì tất nhiên phải phá sản thôi. Đó cũng là một nguyên nhân nữa của sự xụp đổ của chủ nghĩa xã hội - cộng sản.

Ứng viên phó TT của Dân Chủ, ông Joe Biden cho rằng “đóng thuế là yêu nước”. Như vậy 40% dân Mỹ nghèo không đóng thuế là không yêu nước chăng" Vậy tại sao lại được Nhà Nước nuôi kỹ vậy"

Tóm lại, chương trình thuế của ông McCain là duy trì tình trạng hiện tại, nhưng giảm thuế cho các đại công ty để hy vọng tạo thêm công ăn việc làm cho dân Mỹ.

Ông Obama thì một mặt hứa cắt thuế lợi tức cho 95% dân Mỹ, mặt khác cũng hứa đủ loại trợ cấp cho mọi người. Một mâu thuẫn lớn lao mà không ai tin sẽ thực hiện được, cho dù ông Obama có tăng các thứ thuế linh tinh khác cũng vậy.

Dân tỵ nạn ta phần lớn không đóng thuế lợi tức hay đóng rất ít, nên ít thắc mắc về chuyện ông tổng thống nào tăng thuế ông nào giảm thuế. Nhưng dù không phải đóng thuế lợi tức trực tiếp, không ai tránh khỏi những hậu quả lâu dài bất lợi của việc tăng thuế, bất cứ loại thuế nào cũng vậy (28-9-08).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.