Hôm nay,  

Những Ngày Cuối Của VNCH - Nguyên Tác: The Final Collapse Của Đại Tướng Cao Văn Viên (Tiếp Theo...)

08/07/200800:00:00(Xem: 3733)
(Tiếp theo...)

Ông Hưng là người tỏ ra rất hiểu biết về quân đội, nhưng lại chỉ trích cách dùng danh từ "bạn và địch," và cho rằng ta không có tinh thần độc lập và còn lệ thuộc Mỹ. Đây là một lối suy luận lạ kỳ, vì có thể nói tất cả quân đội trên thế giới đều dùng danh từ "ta" hay "bạn" "địch" hay "thù" để phân biệt hai phe đương đầu với nhau.

Trong các buổi họp quân sự với tổng thống Thiệu, tác giả không thấy ông Hưng. Chỉ sau này, khi phái đoàn tướng Weyand đến Saigon và họp trong Dinh Độc Lập mới thấy ông ta tham dự. Nhưng trong sách, khi nào có nói đến các buổi họp, ông ta đều chỉ trích. Như vậy chứng tỏ có người đã "mớm lời" cho ông ta. Phần đông các chỉ trích đều dựa trên nhận định sai lầm hay dựa trên lý thuyết không có chứng minh. Ông ta luôn luôn nói đến nghiên cứu, thiết kế, phối hợp, hay theo dõi một cách tổng quát rồi khẳng định là không ai làm đúng như vậy. Nhưng sự thật là, khi lấy một quyết định gì, hay đề ra một kế hoạch gì thì đã phải đi qua các giai đoạn lý thuyết nói trên. Ngoài ra ông Hưng lầm lẫn giữa thiết kế và phản ứng. Thí Dụ: Từ đầu, quân đoàn/quân khu I đệ trình hai kế hoạch dự trù cho cuộc triệt thoái các đơn vị trực thuộc. Khi tình hình diễn biến, chỉ còn kế hoạch số 2 là có cơ áp dụng được (rút lui vào ba cứ điểm Đà Nẵng, Huế và Chu Lai và sau cùng vào cứ điểm Đà Nẵng). Một khi đã rút lui vào cứ điểm Đà Nẵng rồi, thì chúng ta chỉ có hai hành động mà thôi: Cố thủ tại chỗ hay triệt thoái bằng đường biển nếu tình hình bắt buộc. Nhưng trong sách ông Hưng vẫn chỉ trích là không có kế hoạch dự phòng. Lúc đó không còn kế hoạch gì nữa; mọi việc đã rõ ràng: Cố thủ hay rút lui.

Trong quân sự, có một nguyên tắc phải được tôn trọng, là khi cấp chỉ huy đã lấy quyết định và ra lệnh thì cấp dưới phải thi hành. Khi thi hành, có chuyện gì khó khăn hay trở ngại không thi hành được, cấp dưới phải trình thẳng cho cấp chỉ huy cao cấp (đã ra lệnh), và chỉ cần thông báo cấp chỉ huy trung gian, nếu có. Làm như vậy, cấp trên biết rõ biến chyển của tình hình và nếu cần muốn biết thêm chi tiết thì đã có người sẳn sàng trả lời. Cấp chỉ huy trung gian không xen vào vì vô tình có thể làm hư kế hoạch sơ khởi do cấp chỉ huy cao cấp đề ra. Đó là trường hợp đã xảy ra trong thời gian triệt thoái của Quân Đoàn I và II. Ông Hưng dựa vào các việc đó để cho rằng tác giả trốn tránh trách nhiệm.

Ông Hưng còn dùng những lý do thiển cận và kỳ thị tôn giáo khi nói tác giả trốn nhiệm vụ khi thiền định theo Phật giáo. Ai cũng biết thiền định đem lại thêm phong phú cho đời sống tâm linh và việc đó không ảnh hưởng hay đụng chạm gì đến công vụ của tác giả. Các buổi thiền định được thực hiện ngoài giờ làm việc vào lúc đêm khuya hay sáng sớm trong phòng ngủ, không phải trong một cái tháp như ông nói. Ngoài ra, muốn trốn tránh nhiệm vụ thì thiếu gì phương cách đâu cần phải nói vì bận thiền.

Ngoài các chỉ trích trên, ông Hưng còn hâm nóng rượu cũ rồi đựng trong bầu mới bằng cách nêu lên những vấn đề đã được đề cập đến hay giải quyết từ trước. Ông Hưng đề nghị với Hoa Kỳ tăng cường cho quân đội VNCH 2 sư đoàn tổng trừ bị. Ông đâu biết việc đó đã được BTTM lưu tâm đến từ lâu. Vì giới hạn viện trợ và nhân lực, BTTM chỉ thành lập được 1 chiến đoàn Nhảy Dù, 1 chiến đoàn TQLC và hai liên đoàn BĐQ (có nói đến ở Chương 4, tiểu mục, Tổ Chức Quân Lực VNCH). Trước kia, tổng thống Diệm đã xin Mỹ viện trợ lập nhà máy đúc súng và làm đạn nhưng không được chấp thuận. Những năm sau cùng mà còn đề nghị đến những chuyện đó thì thật là viển vông. Cũng trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, các đơn vị Địa Phương Quân và Dân Vệ được đặt dưới quyền kiểm soát của bộ Nội Vụ. Chỉ sau này, các lực lượng đó mới được đặt dưới quyền chỉ huy của quân đội. Hai tổ chức này thật ra cần thiết vì sắc thái chiến tranh Việt Nam: Ta phải đương đầu không những với quân chánh quy CSBV mà cả bộ đội địa phương, du kích và cán bộ nằm vùng cộng sản nữa.

Ông Hưng nói các sĩ quan VNCH chỉ biết xử dụng trực thăng hay gọi pháo binh và không quân yểm trợ khi đi hành quân với quân đội Mỹ là sai. Các sĩ quan ta được huấn luyện đầy đủ trước khi giao trách nhiệm chỉ huy các đơn vị chiến đấu từ cấp lớn đến cấp nhỏ, chứ không phải khi hành quân với Mỹ mới biết. Sau này khi thiết quân vận hay trực thăng được đem xử dụng ở chiến trường Việt Nam, sĩ quan đều theo học những lớp hướng dẫn về đặc tính và cách xử dụng các vũ khí mới đó. Vấn đề cấp vũ khí tối tân cho các đơn vị ta chỉ được thực hiện khi cộng sản đã dùng những vũ khí mới hơn. Điều này đã được đề cập đến trong quyển sách. Nhưng khi nói rằng chương trình "Việt Nam-Hóa chiến tranh" được thi hành một cách quá hấp tấp là nguyên do chánh thì không hoàn toàn đúng. Hoa Kỳ áp dụng chính sách "gradual response", tạm dịch là trả đũa hay phản ứng dần dần, từng độ một. Thí dụ hỏa tiễn TOW được đưa vào chiến trường Việt Nam khi súng chống chiến xa loại nhỏ như LAW không còn hữu hiệu. Còn súng trường M-16 đã được cấp phát cho các đơn vị Nhảy Dù và TQLC vào khoảng năm 1963. Lúc đó lữ đoàn Nhảy Dù được ủy nhiệm trắc nghiệm khả năng của súng AR-15 mới do hãng Colts chế. Sau này súng đó được đổi tên là M-16. M-16 tỏ ra rất thích hợp cho binh sĩ và chiến trường Việt Nam vì súng nhẹ, không quá dài, dễ bảo trì, đạn có sức công phá cao. Với đường kính là 5.56mm, đạn nhỏ và nhẹ nên mang được nhiều khi đi hành quân. Sợ loại súng tốt này có thể lọt vào tay địch, nên Hoa Kỳ chỉ cấp phát hạn chế. Sau tết Mậu Thân 1968 súng M-16 được phát cho các đơn vị khác.

Tác giả có một điểm nhỏ cần nêu ra vì ông Hưng đã đề cập tới: Ngày thường, khi di chuyển trong thành phố, tác giả dùng xe du lịch chức vụ (dùng cho BTTM), xe không gắn bảng sao, không có xe Jeep quân cảnh mở đường và hộ tống. Ghế trước chỉ có tài xế và sĩ quan tùy viên. Nói rằng có hai xe Jeep đi theo, và tác giả cho xe đậu dưới mấy cây me cao trước cổng Dinh Độc Lập là sai.

Sau cùng, nếu những gì ông Hưng biên trong cuốn sách đều đúng hết, thì phải đặt câu hỏi:

1. Giới chức nào cho tác giả lên cấp bực đại tướng và cho giữ chức vị Tổng Tham Mưu Trưởng" Không còn ai tài giỏi hơn nữa sao"

2. Tại sao không thay thế tác giả và sắp xếp lại Bộ Tổng Tham Mưu, nhứt là tác giả đã xin về hưu ba lần trong năm 1970-71" Giới chức nào trách nhiệm"

Có thể tin được những gì ông Hưng viết và nhớ trong sách hay không" Do một sự tình cờ, một nguồn tin cho hay ông Hưng không có tuyên thệ nhập đảng Dân Chủ. Như vậy ông Hưng đã không nói sự thật về một vấn đề liên quan mật thiết với ông ta.

Tóm lại, một vài phần trong cuốn The Palace File ở những phần viết về Quân Lực VNCH; Bộ Tổng Tham Mưu; và về cá nhân tác giả chỉ là những tiểu thuyết có luận đề, và chỉ có giá trị như những tiểu thuyết không hơn không kém.

Trong quyển sách, ông Hưng muốn chứng minh mình văn võ (cả chánh trị nữa) toàn tài và đã nêu ra nhiều kế hoạch vĩ đại. Nhưng ông vẫn chẳng cứu nổi con thuyền Việt Nam qua cơn bão tố quá ác nghiệt: Ông như con ruồi trong bài ngụ ngôn Pháp, "Con Ruồi và Cỗ Xe Ngựa" của La Fontaine.

PHỤ BẢN A: VAI TRÒ CỦA BỘ TỔNG THAM MƯU

Một điều đáng ngạc nhiên về vai trò của Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) một Bộ Tư Lệnh của ba quân chủng to lớn là BTTM không có thẩm quyền gì cuộc chiến mà Bộ Tư Lệnh này được lập ra để điều khiển. Dựa theo hiến pháp và trên thực tế tổng thống là tư lệnh tối cao của quân đội. Trong vai trò đó, tổng thống quyết định tất cả các kế hoạch liên hệ đến cuộc chiến. Trong những vấn đề về an ninh và quốc phòng, tổng thống có được cố vấn của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Hội viên của Hội Đồng gồm Phó Tổng Thống, Thủ Tướng, Tổng Trưởng Quốc Phòng, và Tổng Tham Mưu Trưởng. Về vấn đề bình định và phát triển, một Hội Đồng Bình Định và Phát Triển Trung Ương được thành lập để giúp tổng thống phát họa kế hoạch và đường lối. Với tư cách là tổng tham mưu trưởng, tác giả là hội viên của hội đồng đó. Như vậy, về phương diện đường lối quốc gia, vai trò của người tổng tham mưu trưởng chỉ là vai trò cố vấn.

Cơ cấu quốc phòng được cải tổ theo một sắc luật ban hành vào tháng 7, 1970; vai trò và trách nhiệm của BTTM cũng được qui định trong sắc luật đó. BTTM được định nghĩa là một ban tham mưu của liên quân chủng, tạm thời có cơ cấu giống như một bộ tư lệnh Lục Quân. Không Quân và Hải Quân có bộ tổng tham mưu riêng của quân chủng đó, trong khi Lục Quân không có bộ tổng tham mưu riêng vì BTTM liên quân đã đảm trách luôn vai trò đó. Như vậy,trên thực tế cũng như trong bản chất, BTTM là một bộ tham mưu của Lục Quân với thẩm quyền trên hai quân chủng kia. Tổng Tham Mưu trưởng BTTM lúc nào cũng là một sĩ quan Lục Quân, chịu trách nhiệm trực tiếp với tổng trưởng quốc phòng về vấn đề huấn luyện, tổ chức và xử dụng quân đội trong đường hướng do tổng thống định liệu. Nhiệm vụ của BTTM bao gồm:

Tổ chức và bành trướng quân lực. Xử dụng quân đội để bảo vệ quốc gia và bình định lãnh thổ.

Thu thập, khai thác tinh tức tình báo, phản gián, có tình chất chiến lược và chiến thuật.

Phát triển, bổ dụng, bảo trì và quản trị quân đội.

Thiết lập cấp số quân đội và nhân viên dân sự cần thiết cho BTTM.

Thiết lập kế hoạch tiếp vận, theo dõi và cung cấp vũ khí và quân nhu dụng cho quân đội.

Huấn luyện binh sĩ, nâng cao tinh thần và đời sống vật chất cho quân nhân các cấp.

Nghiên cứu và phát triển khả năng tác chiến. Khi được chỉ định, soạn thảo kế hoạch hành quân hỗn hợp với các quốc gia đồng minh đang chiến đấu tại Việt Nam.

Soạn thảo và ban hành luật pháp căn bản về vấn đề giam giữ và đối xử với tù binh chiến tranh.

Với vai trò và nhiệm vụ được viết ra thành từng chi tiết nhỏ, chúng ta nhận thấy nhiệm vụ của BTTM không liên quan gì đến những quyết định tối hậu của cuộc chiến, đó là trách nhiệm của tổng thống, hay BTTM có trách nhiệm gì về áp dụng chiến lược của tổng thống trên thực tế đó là trách nhiệm của tổng trưởng quốc phòng. Trước tháng 4 năm 1972, tổng thống ít hỏi tổng trưởng quốc phòng về tình hình chiến sự. ... Tổng trưởng quốc phòng trong thời gian đó có vai trò như một người quản lý ngân sách và nhân lực của cuộc chiến. Về vấn đề quân sự và xử dụng quân đội, tổng tham mưu trưởng trả lời trực tiếp với tổng thống.

Bốn Quân Đoàn, trên lý thuyết, nằm dưới quyền điều khiển của BTTM. Tuy nhiên vì bản chất của cuộc chiến và cấp số cuả các cuộc hành quân trách nhiệm về hành quân được hoàn toàn ủy thác cho tư lệnh quân đoàn /quân khu. Là tư lệnh quân khu có trách nhiệm về hành chánh, tư lệnh quân đoàn /quân khu có quyền hành một tư lệnh đại khu vực quân sự. BTTM ít xen vào kế hoạch hành quân hay quyết định của các quân đoàn, trừ trường hợp có hành quân hay thám thính qua biên giới, hay quân đoàn yêu cầu cho thêm các đơn vị tổng trừ bị dưới quyền của BTTM. Vì tư lệnh quân đoàn là người có luôn thẩm quyền về kế hoạch bình định và phát triển ở vùng trách nhiệm, nên họ có thẩm quyền xử dụng tài nguyên quốc gia được chỉ định và phân phối cho vùng, và đặt các tỉnh trưởng dưới quyền kiểm soát của họ. Đây là một thẩm quyền mà BTTM không bao giờ có được. Thẩm quyền của các tư lệnh quân đoàn rất lớn. Họ thường liên lạc thẳng với tổng thống để nhận và thi hành quân lệnh. Và họ cũng là người chịu trách nhiệm trực tiếp với tổng thống.

Hàng năm BTTM soạn thảo kế hoạch quân sự cho năm tới. Kế hoạch quân sự này dựa theo tình hình chiến trường giữa ta và địch, và dựa vào kế hoạch quốc gia do tổng trưởng quốc phòng hay tổng thống phát họa. Kế hoạch thường niên của BTTM có danh số là "AB" kèm theo số thứ tự phía sau. Thí dụ như AB-139; AB-140. Bắt đầu từ năm 1967, khi có nhiều quốc gia đồng minh tham dự cuộc chiến Việt nam, kế hoạch quân sự thường niên được soạn thảo chung, và mang tên là "Kế Hoạch Hành Quân Hỗn Hợp." Kế hoạch AB-142 là kế hoạch quân sự thường niên hỗn hợp được BTTM, MACV và tư lệnh các quốc gia đồng minh soạn thảo chung. Kế hoạch bao gồm những chỉ thị cho các tư lệnh quân đoàn, tư lệnh Không Quân và Hải Quân trong năm tới. Cứ mỗi bốn tháng, sau này là mỗi tháng, một cuộc họp được tổ chức tại BTTM để duyệt xét lại tình hình ở mỗi quân khu, và tiến triển của các kế hoạch đang áp dụng.

Sau khi Hiệp Định Ba Lê 1973 được ký kết, BTTM đình chỉ các buổi họp quân sự hàng tháng vì mỗi kế hoạch quân sự đều có liên quan đến vấn đề chính trị. Từ đó, những buổi họp về quân sự được tổ chức tại Dinh Độc Lập dưới sự chủ tọa của tổng thống như là vị tổng tư lệnh tối cao của quân đội. Buổi họp còn có sự có mặt của phó tổng thống, thủ tướng, đương kiêm tổng trưởng quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia, trung tướng Đặng Văn Quang. Trong buổi họp, các tư lệnh quân khu (hay tư lệnh Không Quân, Hải Quân) thuyết trình về tình hình trong vùng trách nhiệm của họ. Sau khi thảo luận chung, tổng thống quyết định và ban quân lệnh hay chỉ dẫn cần thiết cho các tư lệnh tham dự.

PHỤ BẢN B: Bản Điều Trần Của Đại Sứ Graham Martin Trước Tiểu Ban Điều Tra Đặc Biệt, Ủy Ban Liên Hệ Ngoại Giao Quốc Tế Hạ Viện. Ngày 22 Tháng 1 Năm 1976. Đề Mục: Lực Lượng Quân Sự Hai Bên Việt Nam Vào Những Ngày Cuối.

Tôi nói với tổng thống Thiệu, sau khi so sánh và phân tích lực lượng hai bên, và nếu cả hai dồn tất cả quân vào trận đánh sau cùng, cán cân quân sự về phía VNCH rất bi quan.

Kết luận của tôi là, nếu cộng sản quyết tâm đánh để triệt tiêu Saigon, thì Saigon không thể cầm cự hơn một tháng. Dù với sự phòng thủ khéo léo và quyết tâm, sự cầm cự sẽ không quá ba tuần.

Tôi nói, theo ý kiến của tôi, Hà Nội muốn giữ Saigon nguyên vẹn chứ không muốn Saigon trở thành một đống gạch vụn khi họ chiếm. Tuy nhiên không ai chắc chắn Hà Nội sẽ không biến Saigon thành bình địa nếu không có một thương lượng đình chiến.

Tổng thống Thiệu hỏi về chuyện quân viện có được gia tăng thêm không. Tôi trả lời là, nếu có một phép lạ nào đó khiến cho quân viện gia tăng, viễn ảnh đó chỉ tốt cho chuyện thương lượng trong tương lai. Vì quân viện sẽ không bao giờ đến Việt Nam kịp thời để cứu vãn tình hình. Tôi nói cán cân quân sự đã nằm về phiá địch quá nhiều.

Tôi nói với ông, bất cứ ai đang ngồi trên ghế ở Dinh Độc Lập lúc này hay bất cứ ở những trung tâm quyền lực nào, như Điện Cẩm Linh, Phủ Thủ Tướng Anh Quốc, Dinh Tổng thống Pháp, Đại Sảnh Đường Peking, hay Tòa Bạch Cung đều có một trở ngại như nhau: không ai biết được hoàn toàn sự thật đang xảy ra chung quanh. Tin tức bị che giấu, có người muốn che giấu tin tức để đem lợi cho cá nhân họ, hay vì sự chậm trễ của hệ thống hành chánh quan lại. Có người muốn giấu sự thật vì sợ làm ông tổn thương, hay họ không muốn là người đem tin buồn.

Với bất cứ lý do nào, rất khó nhận ra được sự thật của những gì đang xảy ra chung quanh.

Tôi nói với tổng thống Thiệu là tôi nói chuyện với ông như một cá nhân, không đại diện cho tổng thống, hay ngoại trưởng, hay cả như một đại sứ. Tôi nói với ông như một người đã quan sát nhiều biến chuyển ở Đông Nam Á từ lâu nay, và như một người trong hai năm qua đã bỏ ra nhiều thì giờ tìm hiểu tất cả ngọn ngành của quốc sự Việt Nam.

Tôi nói, càng già tôi càng nhận ra rõ là tôi càng không hiểu tất cả, và lúc nào cũng không chắc chắn về bất cứ việc gì. Nhưng lúc tôi nói chuyện với tổng thống Thiệu, đó là một thời điểm khó khăn, và nhận thức của tôi về tình hình lúc đó cũng giống như sự hiểu biết và nhận thức của những người Tây phương hiểu biết về Việt Nam.        

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.