Hôm nay,  

Lấy Kẻ Lạ Làm Chồng

14/07/200800:00:00(Xem: 3814)
Đại đa số người Mỹ làm tình với nhau khi hò hẹn lần thứ ba, cho dù sau đó họ vĩnh viễn chẳng bao giờ lấy nhau. Còn tôi lấy anh ấy làm chồng sau khi gặp anh lần thứ ba. Tôi là người Ấn Độ và cuộc hôn nhân được sắp đặt trước là điều mà văn hóa cổ truyền của tôi vẫn cho là một việc thật tuyệt hảo.

Kể từ khi tôi vừa chào đời thì cha mẹ tôi đã tính đến chuyện hôn phối của tôi. Khi tôi lên 20 thì cha mẹ dẫn người đầu tiên mà họ chọn đến giới thiệu với tôi. Tôi thấy y quả thật là một người khó ưa và tôi hy vọng rằng sẽ còn thêm nhiều người khác nữa muốn hỏi cưới tôi. Trong số đó thế nào chả có người tôi ưng ý. Thế nhưng sau đó, tôi phải chối từ tất cả các chàng Raj, Arun hoặc Sanjay nào khác với những lý do là họ quá mập, quá lùn, quá đần độn...

Nhưng hoa có thời, con gái có thì. Đến khi tôi lên 26 tuổi, sau khi tham dự hơn 150 đám cưới của bè bạn thì tôi lại càng gần kề “ngày hết hạn sử dụng”. Vì thế, cha mẹ tôi bắt đầu làm áp lực với cộng đồng của chúng tôi, với bà con bạn bè của tôi để tìm cho được chồng. Họ thôi thúc tôi phải du di hơn nữa và tôi không còn lý do gì để kháng cự lại. Trong xã hội Ấn độ, việc trở thành một cô gái già độc thân là một sự tủi hổ, là một gánh nặng cho cả gia đình. Tôi được giáo dục từ nhỏ rằng có được một chú  rể với nụ cười tươi như hoa, được sự chấp thuận và chúc phúc của cha mẹ tôi là sự thành đạt tối cao của một người phụ nữ. Trong lúc giới thiếu niên Tây Phương dùng mùa hè để làm lụng kiếm tiền trong các thương xá thì tôi lại dùng thời gian ấy để học thêu thùa, may vá, nấu nướng để một ngày nào đó tôi có thể trở thành một người vợ đảm đang.

Sau những cuộc tuyển lựa các chàng trai độc thân tưởng chừng không bao giờ chấm dứt, gia đình tôi chấm một chuyên viên ngân hàng Wall Street gốc Ấn độ vô tình có mặt ở thành phố vì anh về thăm gia đình anh theo thông lệ hàng năm. Người chị bà con của tôi đã dàn xếp cho hai gia đình chúng tôi gặp gỡ trong không khí cởi mở của một bữa tiệc trà nho nhỏ tại nhà chị ấy. Anh ấy cao ráo, da ngăm đen và được 29 tuổi đời. Tôi thấy anh quả thật khá quyến rũ trong đôi mắt kiếng hợp thời trang và cách phát âm phảng phất giọng Mỹ mặc dù anh mặc một cái áo khoác thật sang trọng trong cái nóng chảy mỡ của Mumbai. Lần thứ nhì tôi gặp anh là trong một bữa ăn tối mà cả hai gia đình cùng sắp xếp. Cũng trong bữa ăn này cha mẹ tôi đã quyết định rằng đây chính là người chồng của tôi. Phong thái hiền hòa, giọng nói nhỏ nhẹ và cách cư xử dịu dàng của anh đối với gia đình tôi đã làm cho tất cả chúng tôi thích anh ấy.

Cha mẹ tôi sung sướng vô cùng, và thật tình mà nói thì tôi cũng cảm thấy hài lòng vì mình được là lý do khiến họ vui mừng như thế. Một tuần sau đó thì mẹ anh ấy gọi điện thoại cho mẹ tôi, và khi cuộc điện đàm kết thúc thì chúng tôi đã hứa hôn với nhau rồi. Suốt cả xóm người ta mừng rỡ, la hét, ôm chầm lấy nhau trong hoan lạc, như thể tôi vừa giật được huy chương vàng ở Thế Vận Hội vậy.

Ngày cưới được sắp đặt vào sáu tháng sau đó. Nhà hàng được chọn và danh sách khách mời lên đến cả ngàn người cuối cùng cũng được hoàn tất. Trong thời gian chuẩn bị cho đám cưới thì thiệp mời được trao tận tay từng người khách và tôi viếng thăm bạn bè tôi để giã từ họ. Dĩ nhiên là tôi lo âu về việc phải đi xa nửa vòng trái đất để sống ở Hoa Kỳ. Tôi phải bỏ lại căn cước văn hóa cùng nếp sống của mình, chẳng hạn như mùa mưa lũ của Ấn, những bộ sari muôn mầu muôn sắc, những cuộc đối thoại bằng tiếng mẹ đẻ, những người hàng xóm tò mò, bà con dì dượng và nhất là các món ăn đặc thù của đất nước tôi.

Thế nhưng, ngược lại được hứa hôn quả thật là một sự lý thú. Và chuyện mà tôi sẽ lấy một người Ấn sinh sống ở Hoa Kỳ đã làm tôi như trở thành một người của hoàng tộc vậy.

Theo truyền thống của Ấn độ thì cha của cô dâu sẽ trang trải chi phí của một lễ cưới linh đình suốt một tuần lễ. Ông cũng sẽ phải cung cấp tiền “hồi môn” – một số tiền mặt để cô dâu mang từ nhà cũ sang nhà mới như một sự bảo đảm tài chánh cho cô.  Trong xã hội Ấn độ tân thời ở đô thành hiện nay thì tiền hồi môn được thay thế bằng những buổi tiệc cưới thật hào nhoáng, những bộ sari sang trọng và những món nữ trang để truyền đời mà các bà mẹ đã khéo léo thu vén, để dành từ thuở con gái họ vừa chào đời. Cha mẹ chồng tương lai của tôi thì lại khăng khăng nhất định phải được chia xẻ gánh nặng tài chánh với gia đình tôi và vì thế, tạo nền móng cho một cuộc hôn nhân thật cân bằng và tân thời.

Trong suốt nhiều tháng liên tiếp 16 bà cô, dì của tôi đầu tắt mặt tối để thực hiện một cái áo cưới thật huy hoàng, lộng lẫy bằng những thứ lụa màu sắc sặc sỡ, chói lòa. Mẹ tôi trở thành người nhạc trưởng lèo lái cho ban nhạc đại hòa tấu này, khi thì ra lệnh lúc lại hoạch định những thời khóa biểu khác nhau. Những ngày mà cuộc chuẩn bị dường như quá choáng ngộp lại là những ngày mà tôi ít lo ngại nhất về tương lai của mình. Ở Hoa Kỳ tôi sẽ không chịu sự chi phối của cha mẹ chồng, không phải lo âu về những ngươi láng giềng tò mò tọc mạch hay bị bà con ghé vào dò xét xem tôi có giữ đúng theo truyền thống hay không. Tôi tưởng tượng đến tự do. Đến sự thoải mai nhẹ nhõm. Đến sự tự lập.

Sáu ngày trước ngày thành hôn là sáu ngày của tiệc tùng, mỗi một bữa tiệc đặt trọng tâm vào một lễ tôn giáo nho nhỏ, thêm vào đó là sự họp mặt mang tính thân hữu với pháo bông, ăn uống nhậu nhẹt, nhạc và dĩ nhiên là vũ múa theo kiểu múa thường được thấy trong các phim ảnh của Bollywood. Mỗi ngày đòi hỏi một bộ áo khác nhau, nữ trang, kiểu tóc và cách trang điểm cũng phải khác nữa. Thay vì những bữa tiệc say xỉn quạy phá để giã từ đời gái độc thân như ở Hoa Kỳ thì ở Mumbay các cô bạn gái của tôi và tôi tham gia vào một buổi lễ sơn vẽ henna bằng tay để làm cho tôi được đẹp hơn cho chồng tương lai tôi thưởng ngoạn.

Sau buổi lễ henna thì hai người chị bà con của tôi dẫn tôi ra một bên để chỉ dạy cho tôi về tính dục. Vì được nuôi dạy theo truyền thống Ấn độ và sau đó lại theo học trường Công Giáo nên kiến thức của tôi về tính dục chỉ vỏn vẹn một câu: “Đó là một điều tội lỗi”. Mặc dù tôi ngượng đỏ cả mặt và liên tục năn nỉ các chị ấy ngưng lại, nhưng cuối cùng thì tôi cũng học hết được khóa giảng dạy cấp tốc đó và cả ba đứa chúng tôi cuời ngặt nghẽo với nhau.

Ngày tân hôn, chồng tương lai của tôi, trong cái áo khoác bằng vải thêu thật đẹp đến rước tôi trên một chiếc Mercedes gắn đầy hoa – đấy là kiệu hoa của chúng tôi. Chúng tôi nắm tay nhau bước 7 lần vòng quanh ngọn lửa thiêng (một lễ truyền thống tên Saat Pheras). Sau đó, dưới một cái lều bằng hoa lan và hoa frangipani, chúng tôi cưới nhau cho đến 7 kiếp sau. Lễ Pheras được xem là phần quan trọng nhất trong một lễ cưới. Theo Ấn Giáo (Hinduism) thì lửa được xem như là nguồn sống, và chỉ sau khi lễ Saat Pheras được hoàn tất thì cặp tân hôn mới được  tuyên bố chính thức là vợ chồng. Mỗi phera được xem như sự khẩn cầu những vị thần và nữ thần đặc thù riêng biệt, và họ sẽ chúc cho 7 cái phúc: sự ổn định tài chính, sức khỏe, đức tin, lòng tin tưởng lẫn nhau và tình yêu, sự mắn con, chung thủy và hợp nhất vĩnh viễn.

Trong đêm tân hôn, cảm giác bình tĩnh cuối cùng cũng đến với tôi khi tôi nhảy một bước từ cô dâu sang vợ (vững tin với quyển kinh tình dục Kama Sutra mà người chị bà con của tôi đã tải vào cái máy điện toán cầm tay của tôi như một món qùa).

Sau 10 ngày trăng mật thì chúng tôi được tiễn đưa sang Manhattan. Cả cuộc đời của tôi được gói trọn trong 6 cái vali đầy ắp đồ đạc. Lúc chồng tôi miêu tả căn chung cư của chúng tôi thì tôi hình dung ra một ngôi nhà xinh như nhà búp bê với phòng ăn và phòng khách riêng biệt, vài phòng ngủ, mỗi phòng với bao lơn riêng của nó. Thế nhưng, căn nhà mới của tôi thật ra còn nhỏ hơn phòng ngủ của tôi ở Ấn Độ nữa. Nhưng bù lại thì quang cảnh từ lầu 40 quả thật không gì sánh bằng. Những người bạn Hoa Kỳ của chồng tôi gọi điện thoại hỏi thăm về đám cưới và tò mò muốn xem tôi có cái vòng xỏ mũi hay không. Tôi cũng náo nức muốn gặp họ.

Ngày hôm sau, ông chồng chuyên viên ngân hàng của tôi đi làm và lần đầu tiên tôi phải ở nhà một mình. Tôi nhìn cái phòng quần áo của anh ấy rồi dời những bộ đồ vét của anh vào một cái tủ nhỏ hơn. Từ những đồ đạc quần áo còn sót lại trong tủ, tôi có thể thấy được chồng tôi là một người khoái đánh golf, mê trượt tuyết và thích chơi những trò chơi trên bàn. Chiều hôm ấy anh mang những bộ vét trở về phòng quần áo và nhường cho tôi chỗ để treo đồ. Tuy vậy, dường như tôi vẫn còn quá nhiều đồ so với chỗ trống. Người hàng xóm của tôi khuyên tôi nên gỡ tủ lạnh ra để tăng thêm chỗ trống (một cái mẹo mà bà đã sử dụng). Tuy có vẻ hơi quá đáng, nhưng sang tuần thứ nhì thì tôi có suy nghĩ đến chuyện ấy. Bởi vì dù sao đi nữa thì tôi cũng khám phá được rằng ở Nữu Ước, ngay cả ly cà phê nóng vẫn có thể được giao tận nhà ngay giữa cơn bão tuyết huống hồ gì các thứ khác.

Trong lúc ở Ấn độ tôi thèm muốn có được những chỗ riêng tư cho mình, thế nhưng ở đây, sự thiếu thốn hàng xóm và  gia đình đã tạo nên một khoảng trống trải kinh khủng khi tôi phải ăn sáng và ăn trưa một mình mỗi ngày. Chồng tôi thường xuyên về trễ mỗi buổi tối và tôi ngồi phịch trước máy truyền hình chờ anh về mà không thể nào gọi điện thoại về gia đình, bởi vì lúc ấy là 2g00 sáng ở Ấn độ.

Trong dịp cuối tuần đầu tiên chúng tôi như du khách vậy, đi xe điện vòng quanh Manhattan, leo lên đỉnh Empire State Building. Chồng tôi mua cho tôi nhiều bộ đồ hợp thời trang và đôi khi rất khiêu gợi và chúng tôi thử tìm giới hạn chịu đựng của người kia. Chúng tôi kể cho nhau nghe không ngừng nghỉ về tuổi thơ của mình, về những ngôi trường mà mình đã học qua, về những người bạn, về những lỗi lầm đã phạm phải, về những hy vọng, những ước mơ và những sự thèm khát của chúng tôi. Chẳng khác gì những cặp tình nhân trong thời gian hò hẹn vậy. Chỉ có điều là chúng tôi đã cưới nhau rồi.

Sau vài tuần thì tôi biết được rằng chồng tôi thường phải đi xa vì công vụ (4 thành phố trong 4 ngày). Và thế là tôi gia nhập vào đội ngũ của những bà vợ các ông giám đốc, vốn thường xuyên phải đi xem tất cả những show, những vở opera, những màn ballet trình diễn tại thành phố chỉ để trám vào giờ giấc trống trải.

Để kiếm bạn, tôi gia nhập một câu lạc bộ thể dục, đến thư viện và ghi danh học tiếng Ý. Tôi khám phá rằng việc lấy chồng theo sự sắp đặt quả thật là miếng trầu làm đầu câu chuyện và vòng thân hữu của tôi lại mở rộng thêm nữa mỗi lần tôi kể lại câu chuyện về hôn nhân của mình.

Trong lúc những người đồng trang lứa ở Ấn chọn làm mẹ và cố làm giảm vòng bụng sau khi sanh nở thì tôi lại đi học vũ ôm cột (LND: một phong trào tương đối mới ở Mỹ, Úc.v.v. với phụ nữ tập ôm cột ưỡn ẹo khiêu gợi như các cô gái vũ khỏa thân trong những hộp đêm có khỏa thân) để làm giảm vòng eo sau khi ăn những thức đầy chất béo như chocolate mousse, pate foie.

Rồi không bao lâu sau đó thì tôi biết được rằng hôn nhân không phải là một chuyện dễ dàng, đặc biệt là khi chồng mình là một người đàn ông tân thời.

Với thời khóa biểu làm việc bận rộn của chồng tôi cũng như thời khóa biểu hoạt động xã giao ngày càng dầy đặc của tôi thì chuyện tình của chúng tôi được ghi chép qua những tờ PostIt dán trên cửa tủ lạnh. Đại loại: “Nhớ tưới cây”, “Hết kem đánh răng rồi”, “Yêu nhau tối nay để có con”....

Dần dà tôi hiểu biết về chồng tôi nhiều hơn và bắt đầu yêu anh ấy. Mặc dù chúng tôi có cùng chung một nguồn gốc văn hóa và cùng được giáo dục tương tự như nhau, nhưng anh ấy đã sống ở Hoa Kỳ trong những năm tháng thiếu niên, khi người ta dễ bị ảnh hưởng bởi xã hội chung quanh. Anh ấy mê khúc côn cầu, thích oatmeal (một loại thức ăn sáng bằng lúa kiều mạch), đậu phụ, và bran muffin (bánh mì làm bằng cám). Trong khi đó thì tôi mê cricket, và cho rằng kiều mạch và cám là đồ ăn của ngựa! Tôi không biết cách sử dụng máy giặt. Lần đầu tiên tôi thử xài máy giặt thì tôi làm cái áo lạnh bằng lông trừu hiệu Burberry mà anh ấy rất ưa thich bị rút lại. May mắn thay anh ấy không mong muốn tôi phải là một người vợ truyền thống. Tuy vậy, anh ấy vẫn muốn được lấy một người vợ qua sự mai mối dàn xếp vì anh ấy nghĩ rằng tốt nhất vẫn là chia sẻ phần đời còn lại với một người hiểu rõ về văn hóa và cách thức mà anh được dạy dỗ nên người.

Thế nhưng tôi vẫn không thể nào hoàn toàn né tránh được truyền thống. Chỉ trong vòng vài tháng thì  nhà tôi trở thành một trạm nối dài của hãng hàng không Air India bởi vì cô dì, chú bác, anh chị em và bà con xa lần lượt tạm cư trên cái tràng kỷ của chung tôi. Tôi quên mất là người phụ nữ Ấn độ làm dâu cho cả gia đình chứ không phải chỉ một mình chồng mà thôi. Trong suốt 3 tháng, tôi phải chịu đựng những cái vali khổng lồ nằm chình ình giữa phòng khách, mùi càri ngập nhà và tiếng chuông tụng kinh vang vọng mỗi buổi sáng sớm. Tôi thấy thèm muốn được như Anna, cô bạn ngố Thụy Điển của tôi. Mỗi khi cha mẹ chị ấy ghé thăm thì đều ở khách sạn, dẫn chị ấy đi ăn nhà hàng sang trọng Serafina và tự động đi mua đồ ở Bloomingdale.

Để trốn tránh những người khách viếng nhà, tôi tìm được một công việc làm là cố vấn tài chánh. Thế rồi, mỗi buổi sáng, một tay cầm tờ Nữu Ước Thời Báo, tay kia cầm ly caphê nóng hổi bước lên xe điện đến chỗ làm thì tôi khám phá được rằng những bộ saris màu hồng tươi, hoặc tím thẫm hay màu nâu của tôi thật ra không tiện lợi để lên xuống đường hầm xe điện. Thế là tôi đành chuyển qua quần jean Levi’s và áo thun Ralph Lauren.

Bạn bè trong sở thường thấy hứng thú khi được nghe về cuộc hôn nhân mai mối sắp đặt của tôi. Victoria,  một thiếu phụ tóc vàng, chân dài, thường xuyên lên các trang tìm tình nhân eHarmony và match.com thở dài rồi nói: “Thực là tuyệt vời khi người ta có thể có được  mối liên hệ tâm linh cũng như gia đình với chồng, thay vì một mối quan hệ bắt đầu trong quán nhậu và kết thúc với chuyện làm tình”.

Đấy cũng chính là lúc mà tôi bắt đầu nhận thức được rằng mình qủa thật đã được những điều tốt đẹp nhất từ cả hai thế giới khác nhau. Tôi ướp cuộc hôn nhân Ấn độ của tôi với những hương vị của Manhattan. Tôi giữ lại những bộ sari và mua những đôi giầy cao gót của Jimy Choo. Tôi nấu những dĩa cà-ri tuyệt vời với giavị mua từ Dean & Deluca. Và sau nhiều tháng trời thưởng thức những thứ chắc chắn không phải từ Ấn độ như rượu sake, đồ ăn từ lễ Seder của Do Thái và đồ đạc từ Saks thì tôi cảm thấy đủ tự tin để đẩy những người khách Ấn độ ra khách sạn và thỉnh thoảng tặng cho họ vé xe điện nữa.

Với việc phụ nữ Ấn Độ ngày càng giành được sự độc lập về tài chánh thì rõ ràng là những cuộc hôn nhân qua mai mối sắp đặt sẽ ngày càng ít đi. Và có thể đó là một điều đáng tiếc. Tôi  tin chắc rằng sở dĩ cuộc hôn nhân của chúng tôi được thành công là vì nó được sự chấp thuận và yểm trợ từ cả hai gia đình của chúng tôi. Sức mạnh mà chúng tôi có được từ những lời khuyên nhủ  (ngay cả khi chúng tôi không hỏi han) đã giúp chúng tôi vượt qua những thời gian khó khăn. Nếu tôi tự tìm người tâm đầu ý hợp thì tôi tin chắc rằng cuối cùng thì cha mẹ tôi cũng sẽ chấp nhận thôi, nhưng tôi vẫn sẽ phải sống với nhận thức rằng họ không thực sự dồn hết tình cảm tâm trí vào sự thành công của cuộc hôn nhân ấy.

Tôi bắt đầu tin tưởng rằng cách thức mà người ta cưới nhau không quan trọng bằng những việc mà người ta làm để bồi đắp cho hạnh phúc hôn nhân. Mặc dù chồng tôi không phải lúc nào cũng đồng ý với người vợ lúc nào cũng có ý kiến riêng và chỉ có tư tưởng phóng khoáng trên một số vấn đề mà thôi, nhưng anh ấy thường xuyên bày tỏ một cách thật rõ ràng tình yêu mà anh ấy dành cho tôi. Ở quê nhà, một cặp vợ chồng còn không nắm tay nhau đi ngoài đường nữa kia. Ở Hoa Kỳ này thì những cặp vợ chồng còn làm nhiều thứ khác nữa. Ấn độ có thể đã cho tôi một tấm chồng, nhưng chính Hoa Kỳ đã chỉ dẫn cho tôi biết rằng làm vợ anh ấy quả thật là vô cùng lý thú. Cha mẹ tôi quả thật đã chọn lựa thật chính xác, và tôi phải đội ơn họ mãi mãi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.