Hôm nay,  

Thời Sự: Nghề Đẻ Mướn

24/06/200800:00:00(Xem: 3349)
Dưỡng Đường Hiếm Muộn Akanksha tọa lạc giữa trung tâm Anand, một tỉnh lẻ của Ấn độ. Dưới ánh mặt trời chói chang nóng bỏng giữa trưa hè có một con bò lạc cùng một gia đình người ăn mày chen lấn vào khoảnh bóng mát nhỏ nhoi gần bên cổng của tòa nhà bê tông cũ kỹ này để tránh nắng. Chen chúc trong hành lang là vô số nữ bệnh nhân đi chân đất trong những bộ sari sặc sỡ. Các cô y tá đồng phục trắng len lỏi giữa đám người hỗn độn, tay cầm một xấp hồ sơ, lớn giọng gọi tên bệnh nhân. Mùi mồ hôi quyện vào với mùi ẩm mốc của xi-măng. Trên đường treo nhan nhản những bức hình trẻ em sơ sinh cùng các mẩu báo như một cách ghi nhận lý do cho sự tồn tại của đưỡng đường. Một bài báo có hàng tít thật lớn: Cái Nôi Của Thế Giới.

Trong trường hợp này, hàng tít trên quả thật không phải là một sự cường điệu hóa của ngôn ngữ. Dưỡng đường Akanksha quả thật là cơ sở tiên phong của một kỹ nghệ mới đang phát triển mạnh mẽ ở Ấn độ, một kỹ nghệ được mệnh danh là Du Lịch Sinh Sản (reproductive tourism): người ngoại quốc đến Ấn Độ để được trị bệnh hiếm muộn, chẳng hạn như thụ thai nhân tạo (in vitro fertilisation). Thế nhưng, sự thu hút chính yếu nhất của dưỡng đường này là sự thành công của nó trong việc dùng phụ nữ địa phương để sanh thuê đẻ mướn cho người ngoại quốc. Chi phí ở Ấn Độ cho một vụ thuê người đẻ mướn (surrogacy) là $12,000 Mỹ Kim, bao gồm luôn ca mọi phí tổn y tế cùng với tiền công cho sản phụ. Ở Hoa Kỳ, chi phí sẽ lên đến $70,000.

Lý do khiến việc đẻ mướn trở nên quá phổ thông ở Anand, một tỉnh lỵ quê mùa, chuyên sống về nghề nuôi bò lấy sữa, với dân số vỏn vẹn 150,000 người ở tiểu bang Gujarat miền Tây Ấn Độ, quả thật là một câu chuyện rất dài dòng. Tóm tắt một cách ngắn gọn thì câu trả lời chính là nữ bác sĩ Nayna Patel, 47 tuổi, giám đốc của dưỡng đường. Bà đã đơn thân độc mã biến Anand thành một điạ danh lừng lẫy năm 2003 khi bà sắp xếp, điều hợp cho một phụ nữ địa phương mang thai giùm cho chính con gái của bà, vốn đang sinh sống ở Anh. Người đàn bà này sanh hai đứa bé sanh đôi, vốn được thụ thai nhân tạo từ trứng của mẹ và tinh trùng của cha, rồi cấy vào tử cung của người đàn bà khác, mẹ của bà.

Việc bà ngoại sanh cháu này đã gây tiếng vang khắp thế giới. Sau đó, thì BS Patel được người ta tới tấp yêu cầu giúp đỡ tổ chức đẻ hộ. Hiện nay bà có một danh sách 45 phụ nữ sẵn sàng đẻ mướn, đa số sinh sống ở những ngôi làng nghèo khổ gần Anand. 27 người trong số này đang mang thai, và mỗi người sẽ được trả tiền công từ $5,000 đến $7,000. Số tiền này tương đương với 10 năm tiền lương của một người dân Ấn ở miền quê. Trong ba năm vừa qua có hơn 50 đứa bé chào đời tại dưỡng đường, hơn phân nửa là con của người Tây Phương hoặc của những người Ấn sinh sống ở nước ngoài.

Có phải đây là một thí dụ nữa về sự bóc lột, lợi dụng các quốc gia thuộc đệ tam thế giới hay không" Hay đây là thí dụ điển hình của sự thuận lợi do toàn cầu hóa mang lại" Chương trình này quả thật dễ dàng bị chỉ trích rằng nó giúp cho những phụ nữ ngoại quốc không đủ sức trả hoặc không muốn trả lệ phí cao ở các quốc gia Tây Phương, có cơ hội lợi dụng, bóc lột phụ nữ Ấn nghèo khổ và chỉ trả 1/10 lệ phí mà họ lẽ ra phải trả. Chương trình này cũng giúp các phụ nữ này luồn lách, né tránh được những đạo luật phức tạp, thiếu rõ ràng ở Hoa Kỳ cũng như guồng máy thư lại ở đấy.

Có phải đây là một mối quan hệ hỗ tương, khiến đôi bên cùng có lợi" Theo sự ước lượng thì kỹ nghệ đẻ mướn ở Ấn Độ hiện nay là một kỹ nghệ với mức thu nhập thường niên là $445 triệu Mỹ Kim.

Jessica Ordenes là một người nhỏ thó, chủ nhân một ngôi trường dạy Yoga ở New Jersey, Hoa Kỳ. Bà đang ngồi một mình trong một căn phòng trống ở dưỡng đường Akanksha, tay cầm ly nước dừa uống, chờ đợi được tiêm liều kích thích tố hàng ngày của bà. Chồng bà sẽ đến đây một tuần sau bà. Bà tìm đến tỉnh Anand vì bà nghĩ rằng ở tuổi 40, bà không còn bao nhiêu thời giờ nữa để có thể làm mẹ.

Tuy vẫn còn rụng trúng nhưng không thể thụ thai được, bà đã bỏ ra nhiều năm cố tìm người ở Hoa Kỳ để mang thai mướn cho bà. Bà nói: “Tôi gần cạn trứng, gần hết hy vọng và gần như không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục bị đối xử như một con số ở Hoa Kỳ. Rồi tôi đọc được trên internet về dưỡng đường này. Tôi nghĩ rằng Ấn Độ là cơ hội cuối cùng của tôi”.

Bà Ordenes vừa đến đây vài ngày trước, thuê ngay một căn phòng tại khách sạn duy nhất có máy lạnh của tỉnh và chỉ vài giờ sau là đã đến dưỡng đường để được trị liệu bằng kích thích tố để kích động buồng trứng của bà. Trong khoảng 10 ngày nữa thì những cái trứng của bà sẽ được thu hoạch và được cấy với tinh trùng của chồng bà. Hai ngày sau đó, nêu mọi việc tiến triển như dự liệu thì những mầm thai (embryo) sẽ được cấy vào tử cung của người phụ nữ địa phương đẻ thuê là cô Najima Vohra, một thiếu phụ 30 tuổi có 2 con.

Bà Ordenes biết rất ít về người mà bà hy vọng sẽ mang nặng đẻ đau giùm bà. Bà chỉ gặp người thiếu phụ này một lần duy nhất, trong buổi họp với BS Patel trong ngày đầu tiên đến dưỡng đường.

Bà Ordenes không phải là không có con. Bà có với người chồng trước một đứa con gái năm nay 20 tuổi. Thế nhưng, tử cung của bà bị nhiễm trùng sau khi mổ để sanh và bà phải cắt nó đi. Cuộc hôn nhân của bà chấm dứt không bao lâu sau đó. Ba năm sau bà gặp được David, người chồng hiện nay của bà, và là "người yêu muôn thuở" của đời bà. Việc bà không thể có với ông một đứa con đã dằn vặt bà rất lâu. Bà nói: “Tôi sanh ra trong một gia đình đông đảo anh chị em và lúc nào tôi cũng muốn có một bầy con thật đông”. Bà Ordenes hy vọng có được một đứa con với ông David để “cuộc hôn nhân của chúng tôi được trọn vẹn”.

Hai vợ chồng bà sống trong một căn nhà đồ sộ, rộng lớn ở ngoại ô thành phố và thật sự nghiêm túc nghĩ đến chuyện thuê người đẻ mướn cách đây 7 năm. Bà Ordenes đã cố tìm qua các đại diện địa phương nơi bà cư ngụ nhưng được cho biết rằng rất ít người muốn mang nặng đẻ đau giùm. Còn trả tiền mướn thì không một ai dám vì luật pháp của tiểu bang New Jersey cấm không cho phép trả công cho người đẻ giùm. Vì thế, bà phải chờ đợi mãi trong một danh sách dài, rồi sau đó lại bị bực mình bởi vì những người có thể đẻ giùm không lấy tiền lại đổi ý vào giờ chót. Bà nói: Đấy qủa thật là kinh nghiệm chua cay đầy tuyệt vọng nhất trong đời tôi”.

Trong lúc bà Ordennes đang ngồi trong căn phòng trống thì một cậu thanh niên Ấn mặc quần jean áo thun bước vào phòng. Chẳng nói chẳng rằng cậu ta đâm kim vào tay bà rồi rút máu vào ống chích. Bà không biết cậu là ai và chỉ nhìn cậu như một câu hỏi thầm lặng. Sau khi cậu ta rời khỏi phòng thì bà nhìn vào vết kim trên tay vài giây đồng hồ rồi nhún vai nói tiếp: “Thế rồi thời gian trôi qua rất mau, và bây giờ, như cô thấy đó, tôi đang ở đây, Ấn Độ”.

Vào 9g00 sáng hôm sau thì trời đã nóng hừng hực như muốn làm chảy tiêu óc não của người ta. Cô Najima Vohra, trang phục sạch sẽ, gọn ghẽ trong cái quần tây và áo vét màu xanh dương đến dưỡng đường gặp bà Ordennes để họ có thể làm quen thân thiện với nhau thêm một tí nữa trước khi bắt đầu tiến hành thủ tục đẻ thuê. Mặc dầu đấy không phải là một nơi có không khí thân mật gì cho lắm, nhưng cô Vohra không muốn bị nhìn thấy ở một nơi nào khác. Như phần lớn các phụ nữ tại đây, cô dự định sẽ giữ kín việc mình làm người đẻ thuê. Vohra là một người phụ nữ thon gầy với mái tóc dài buộc gọn bằng sợi dây thun. Ngồi trên một cái ghế nhựa ở hành lang, cô nói qua một thông ngôn viên: “Tôi thấp thỏm chờ đợi ngày đến đây. Từ khi bà bác sĩ Patel chọn tôi làm người đẻ thuê thì tôi quả thật hứng thú vô cùng, đến độ không ngủ được”.

Vohra cho biết cô không mắc cở gì khi làm một người đẻ thuê, thế nhưng phần lớn dân địa phương đều là những người cổ hủ và không hiểu được về chuyện này. Cô thì thầm giải thích về chuyện người ta không tin rằng cô có thể thụ thai mà không cần phải giao cấu. Cô nói: “Họ cho rằng đấy là một việc nhơ nhớp, bẩn thỉu. Họ nghĩ rằng có những chuyện thiếu luân lý, thiếu đạo đức xảy ra để có thể thụ thai. Họ sẽ xa lánh gia đình tôi như người ta tránh hủi nếu họ biết được tôi làm người đẻ thuê”.

Vohra sinh trưởng ở mộtmột ngôi làng cách Anand khoảng 20 dặm, nhưng cô đã cùng chồng và hai đứa con - con gái 12 tuổi, con trai 7 tuổi – tạm dọn lên ở tại tỉnh để che giấu việc cô làm. Cô nói: “Chúng tôi nói với hàng xóm rằng chúng tôi lên tỉnh làm việc. Thật ra thì nói vậy cũng chẳng phải  là nói láo, vì tôi lên đây đẻ thuê thì cũng là làm việc...”

Vohra không có công ăn việc làm nhưng cô phụ giúp chồng cô với việc mua bán sắt vụn. Mỗi ngày họ kiếm được từ 50 đến 60 Ấn Kim (khoảng $1.20 đến $1.45 Mỹ Kim). Nếu lần thai nghén này được thành công thì số tiền 45,500 Ấn Kim thù lao mà cô nhận được sẽ, như lời cô tâm sự, ”cho các con tôi một tương lai "

(Còn tiếp một kỳ)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.