Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

01/07/200800:00:00(Xem: 2641)
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Từ ở trong mấy đường hẻm, hai bên đường đã có năm sáu tên du kích đeo súng ống nhớn nhác chạy tới. Những cặp mắt mở to băn khoăn, háo hức muốn biết là chuyện gì. Một chiếc xe Commanca bộ đội chạy ngược chiều, đến đó cũng dừng lại. Ba bốn tên đeo quân hàm trung úy, thiếu úy chạy bổ sang ngơ ngác. Chúng nhìn toàn bộ suốt lượt trên xe, rồi nhìn thằng Hoàng Sún, bây giờ đã được xách bỏ lên phía cuối xe, quần áo ướt át đầy bùn đất, lẫn với máu đang gào ư ử như con lợn bị cắt tiết đã ra gần hết máu, miệng nó vẫn thều thào hổn hển ngắt quãng:

- Lạy… các chú… tha… cho… cháu!

Tên cảnh sát Hỏa Lò quay lại lạnh lùng nói với những tên bộ đội và du kích như muốn xua đuổi đi:

- Có gì đâu, trốn tù đấy mà!

Nhưng một tên trung úy bộ đội, chừng ba mươi tuổi nghiêm mặt, tay chỉ vào chiếc chân gẫy của thằng Hoàng Sún:

- Đồng chí phải đưa nó vào bệnh viện băng cho nó ngay. Máu ra và bùn đất thế kia thì nó chết mất!

Mấy tên công an tỏ vẻ rất bực bội, cuối cùng tên cảnh sát Hỏa Lò nhìn thẳng vào tên trung úy gằn giọng:

- Chúng tôi có công vụ đặc biệt, không phải đi chơi!

Nói rồi y ra hiệu tay cho tên công an vũ trang:

- Lên xe đi, muộn rồi!

Xe đã chuyển bánh. Những tên bộ đội và những tên du kích nét mặt người nào cũng trầm tư, vẫn đứng dưới mưa bay nhìn theo chiếc xe. Họ nghĩ gì, thì làm sao tôi biết được. Nhưng có một điều, dù họ có nghĩ gì chăng nữa. cũng không thể rời khỏi cái nồi cơm, là chỗ họ đang đứng hiện nay trong xã hội này.

Tiếng máy xe già cũ kỹ vẫn rống lên trên con đường lồi lõm đầy ổ gà, cũng không làm át được tiếng rên đau đớn, quằn quại, nghe đến não nùng của thằng Hoàng Sún.

Nhìn bàn chân gãy đã xám đen trong bùn và máu; nhìn chỗ đầu gối nó một mảnh xương vỡ nhọn hoắt phủ mấy miếng thịt lầy nhầy đã xám ngoét, máu vẫn rỉ ra, người tôi nóng lên. Liếc nhanh hai tên công an, thằng Trung Lý Thu; rồi nhìn đôi tay trong khoen cùm, tôi mạnh bạo quay sang con Thanh Móm nói to:

- Cháu cởi bọc của chú ra lấy một cái quần trại đưa cho thằng Thu nó quấn buộc chặt phía trên đầu gối cho nó, đừng để máu chảy mãi!

Con Thanh hơi rụt rè, lấm lét nhìn tên vũ trang, nhưng rồi nó đứng dậy làm ngay. Thằng Thu lách ra khỏi chỗ, hăm hở buộc quấn cho thằng Hoàng Sún. Hai tên công an mặt vẫn lạnh lùng, không nói một lời. Chúng vờ quay đi nhìn cảnh vật hai bên đường. Thấy vậy, thằng Tiến Ga cởi ngay cái ruột áo bông nó đang mặc, đắp cho thằng Hoàng.

Bây giờ mặt thằng Hoàng đã xám đen lại; vết thương ở trên mắt nó không còn chảy máu nữa. Có mấy đứa thốt lên "nó chết rồi", nhưng một tiếng rên ai oán như xé tim người nghe, rồi vẫn những tiếng thều thào, lảm nhảm không rõ: Lạy… chú…!

Chúng tôi đều đưa mắt nhìn nhau, mặt rầu rầu. Con Thanh Móm và một đứa con gái nhỏ nước mắt đoanh tròng. Nhiều đứa khác, mắt cũng đỏ lên. Con Thanh gục hẳn vào vai tôi, vai nó cứ run lên thổn thức. Có lẽ nó cũng chạnh nỗi niềm cho cuộc đời lầm than gió bụi không nhà không cửa của nó chăng" Chính tôi, lòng cũng quặn thắt, rối bời.

Nhìn quê hương, dân tộc lầm than rên xiết, rồi nghĩ đến chính mình, tấm thân tù tội đang đi vào rừng sâu nước độc tăm tối nơi đâu. Nhìn những giọt nước mắt thơ ngây thổn thức vơi đầy của chúng, tôi có cảm nghĩ rằng đây cũng là nước mắt của tôi đang khóc cho quê hương, tuổi trẻ và cuộc đời.
Đột nhiên thằng Hoàng Sún thét rống lên một tiếng rồi giãy đành đạch. Mắt nó mở to trợn trắng dã, làm những đứa ngồi gần nó xô dúm lại với nhau. Mồm nó cứ nhóp nhép nói kêu cái gì đó nhưng không nghe thấy tiếng. Đôi tay và chân nó xuội dần rồi im bặt. Hai bên mép nó rỉ ra hai giòng máu tím xậm. Đôi mắt chỉ còn lòng trắng cứ tưởng như đang ngước lên nhìn tên công an vũ trang ngồi trên ghế, chếch phía đầu nó để xin chú tha cho.

Chiếc quần trại của tôi quấn buộc chỗ đùi nó, bây giờ ướt đẫm máu. Những đứa con gái bắt đầu kêu gào, khóc râm ran cả lên. Ngay nhiều đứa con trai cũng la hét om sòm. Bây giờ thì chính mắt của tôi cũng thấy cay cay, cồm cộm rồi.

Xe đỗ lại, tên chuẩn úy cảnh sát Hỏa Lò mở cửa xuống xe. Y tiến lại nhìn vào xác thằng Hoàng Sún lúc này đã nằm duỗi dài phía sát cuối thùng xe. Mồm tóm tém, mắt y quắc lên sắc lạnh:

- Chúng mày khóc cái gì" Im ngay! Đứa nào muốn trốn, trông gương đấy, tao sẽ bắn bỏ hết!

Tiếng quát của y đã làm tụi trẻ con im bặt, đưa những đôi mắt trắng dã lấm lét sợ sệt nhìn y. Hai tên công an vũ trang và y lùi ra bàn với nhau một lúc, trong khi tên tài xế chừng bốn mươi tuổi, cũng mặc bộ đồ vàng công an nhưng không đeo quân hàm, đi xuống cúi vào nhìn xác thằng Hoàng rồi lại lạnh lùng lên xe ngồi. Hẳn y đang cho đây cũng chỉ là một câu chuyện bình thường, y có lạ đâu.

Đã gần mười giờ, mưa bay đã tạnh, trời hừng sáng dần. Chúng trao đổi với nhau lâu lắm. Có lẽ chúng thấy để xác thằng Hoàng trên xe, không có cái gì che đậy mà đưa đến trại sẽ tác động đến tư tưởng của nhiều đứa khác, lại còn ảnh hưởng đến chính trị nữa. Cuối cùng tên chuẩn úy, một mình đi rẽ vào một đường về phía làng xóm bên trong.

Một tên công an vũ trang ra phía hông xe đem theo một cuộn dây thừng dài, hì hục buộc những mép bạt. Chỗ khi sáng thằng Hoàng đã lợi dụng lúc xe chậm chạp bò lên dốc, nhẩy xuống chạy trốn.

Khoảng nửa giờ sau, tên chuẩn úy Nhượng (Tiến Ga đã cho tôi biết tên, y mới đổi về Hỏa Lò) từ trong đường hẻm đi ra với một tên khoảng ngoài bốn mươi mặc áo bốn túi. Theo sau có hai tên thanh niên du kích cắp một chiếc chiếu rách. Chắc chúng đã trao đổi với nhau từ trước. Đến xe, sau khi tên mặc áo bốn túi ngó qua xác thằng Hoàng, y hất hàm ra hiệu cho hai tên du kích nhấc xác thằng Hoàng, bỏ vào chiếc chiếu đã trải sẵn dưới đường. Chúng quấn lại rồi mang vào một đường hẻm khác chỗ nhiều cây cối rậm xì. Tên mặc áo bốn túi còn đứng lại nói gì một lúc với tên Nhượng rồi mới đi theo về phía hai tên du kích.

Xe lại bắt đầu chuyển bánh. Tôi nghĩ đến chiếc quần của tôi sẽ theo thằng Hoàng về lòng đất lạnh, rồi tôi liên tưởng đến những tiếng kêu xin của thằng Hoàng trước khi chết. Bây giờ nó đã đạt được ý nguyện là các chú đã đồng ý thể hiện lòng nhân đạo của Đảng, tha cho nó về với mẹ!

Chuyện của thằng Hoàng cứ ám ảnh lòng tôi. Tôi cúi gầm, óc cứ miên man suy nghĩ về những cảnh đời, của những kiếp người thì có tiếng thì thào vào tai tôi:

- Bố mẹ nó ở chợ Mơ. Bố nó là bộ đội phục viên đấy chú ạ!

À thì ra thằng Thu. Trong lúc lộn xộn nó đã len lách ngồi bên cạnh tôi từ lúc nào. Tôi liếc nhìn tên công an, rồi quay lại cũng nói nhỏ:

- Cháu hãy nhớ lấy địa điểm này, khi nào được tha ra nhớ về báo cho bố mẹ nó biết.

Nó đặt một tay lên chiếc còng số 8 của tôi vừa mân mê vừa nói thì thầm:

- Chú yên trí, chẳng cháu thì nhiều đứa khác nó cũng về báo.

Trẻ con thì cũng thường dễ vô tâm. Mới lúc nãy, đứa thì khóc, đứa thì kêu, dúm dó sợ sệt, thế mà bây giờ đã lại trêu chọc nhau chuyện trò ầm ỷ, để tên công an vũ trang thỉnh thoảng, lại phải quay vào đe nẹt.

Chương Hai: Đường Lên Núi Rừng...

Trời gần trưa đã hừng nắng. Tự nhiên một số đứa nhấp nhổm lố nhố chỉ trỏ nhìn chéo về bên phía trái đường làm cho bao nhiêu con mắt đều hướng về phía đó kể cả hai tên công an vũ trang. Tôi cũng nghểnh đầu liếc theo ra. Từ chéo mải phía trong của một nghĩa trang "liệt sĩ" có hai ngôi mộ nằm song song nhau, đất còn vàng au:

- Mả phi công Mỹ!

Lại có đứa nói:

- Mả phi công của ta nữa!

Lung tung beng, tôi chả hiểu ra sao thì thằng Thu đã ghé vào tai tôi thì thầm:

- Có gì đâu chú! Gần hai tháng trước, ầm cả Hà Nội lên về chuyện màng lưới cao xạ phòng không ở Kỳ Sơn này. Một buổi trưa thấy có hai máy bay quần đuổi nhau từ phía Hà Nội lên đây. Họ tập trung cao xạ bắn như pháo rang. Cuối cùng hạ được cả hai cái. Hai phi công lái hai chiếc máy bay đó đều bị chết. Nhưng có một điều là một phi công của ta và một của Mỹ. Vì lộn xộn nên cũng không biết cái nào đuổi cái nào và đều lầm tưởng là máy bay Mỹ cả. Nhất là lúc đó Hà Nội đang có trận không tập của nhiều máy bay Mỹ. Vì vậy họ đã chôn cả hai viên phi công cạnh nhau, cùng một nghĩa trang.

Khi xe đi rẽ vào một con đường thì những đứa trẻ lại nhốn nháo lên; thì ra đã đến trại Kỳ Sơn rồi! Lúc xe ngừng, trong lúc chúng ồn ào, í ới gọi nhau khi được lệnh xuống, tôi chưa biết ra sao nên vẫn cứ ngồi yên.

Con Thanh Móm định mang luôn cả gói đồ xuống cho tôi, thì tên chuẩn úy Nhượng đã hẩy tay ra hiệu:

- Anh ngồi lại đấy!

Chỉ một mình thằng Trung Lý Thu kịp cầm tay tôi lắc lắc:

- Chắc họ đưa chú đi trại trung ương. Thôi, chú đi khỏe nhé!

Tôi chỉ mỉm cười chào lại nó, không nói một lời. Lúc này tôi mới thấy buồn heo hút. Nhìn đàn trẻ ríu rít như đàn sẻ tranh nhau ăn, lòng tôi nặng chĩu bời bời. Biết thân mình trôi dạt về đâu" Nhìn đôi tay chắp lại trong khoen cùm, đến những đàn trẻ đang xếp hàng đôi đi vào cổng trại cho một tên công an đang cầm cái bút và quyển sổ điểm số. Qua chiếc cổng trại bằng tre nứa ghép lại thành một cái khung có chòi gác, tôi nhìn lướt vào phía trong. Có bảy tám dãy nhà tranh dài thượt cứ song song hai cái một. Màu đất của sân, của vách còn ẩm sau trận mưa đêm hãy còn xám xịt. Bao bọc chung quanh trại là hai hàng rào thép gai dựng cao chừng hai mét. Phía ngoài, bên trái trại trong những lùm tre xanh um tùm, có bốn năm cái nhà cũng bằng tranh. Một ngọn cờ máu, sao vàng đang lơ láo ngơ ngác, giẫy dụa trên ngọn một cây luồng dài. Có lẽ đấy là khu của ban giám thị và công an vũ trang coi trại. Nhìn sang phía phải của trại là hai dãy lều xiêu vẹo cột tre, không có vách, trống trơn. Bảy tám con trâu gầy giơ xương. Mắt con nào cũng đầy rỉ, đang nhai rơm do hai đứa nhỏ bốc từ một chiếc xe bò bên ngoài vào.

Một đoàn các cậu loai choai đi hàng dọc, đang từ một con đường hẻm phía sau trại, tiến về phía cổng trại; có một tên công an áo vàng vác súng đi phía sau. Cậu nào cũng è vai gánh hai sọt sắn (củ mì) nặng trĩu, mặt đỏ gay.

Khi đoàn gánh gồng đi ngang qua khu chuồng trâu, một cậu nháy mắt với một cậu đang bốc rơm cho trâu. Cậu gánh sắn, cố lắc gánh đẩy rơi xuống đường một củ sắn bằng bắp tay. Cậu bốc rơm, lợi dụng chờ tên bộ đội phải đi một khúc quành che khuất, nhanh như một con sóc, xông ra nhặt ngay củ sắn nhét vào cạp quần bên trong tà áo. Nhưng không kịp nữa rồi, tên bộ đội cũng vừa thò mặt ra khỏi chỗ khuất đã nhìn thấy. Y hộc tốc chạy lại quát:

- Mày vừa ra ăn cắp sắn phải không"

Cậu ôm rơm, chừng mười lăm hay mười sáu tuổi, hai cẳng chân đen đũi, khẳng khiu như hai ống nứa ngâm. Mặt tái mét, hai tay chắp vào nhau vặn vẹo lúng túng:

- Thưa chú, cháu không dám! Cháu chỉ ra…

"Bốp" một cái báng súng CKC quật ngang vào hông đã chặn mất câu nói của cậu bé. Cậu ngã đổ vật ra bờ cỏ. Củ sắn từ trong bụng lăn lông lốc ra ngoài. Tên công an định tiến đến đánh nữa, trong khi cậu bé đang cong lưng lên, mồm méo xệch, mặt nhăn như chiếc giẻ. Nhưng không biết y nghĩ thế nào, y chỉ cúi xuống nhặt củ sắn rồi đi theo đoàn tù gánh gồng đang đặt những gánh sắn trước cổng trại chờ điểm số. Trước khi đi, tên công an còn quay lại dứ dứ khẩu súng vào cậu bé đang nằm vặn vẹo.

- Ta tha cho, lần sau đưa vào trại lập biên bản kỷ luật!

Một lúc sau, cậu bé mới lào cào bò dậy. Hai tay ôm bên hông ngắc ngoẻo mà còn ngoái bộ mặt nhăn nhúm lại những gánh sắn đầy ắp xa xa phía cổng trại, như luyến tiếc. Chân cậu chậm chạp đi dần về phía chuồng trâu, khác hẳn với dáng điệu khi ra vồ củ sắn.

Ngồi một mình trên xe cùng với tên công an, tôi ngẩn ngơ theo dõi cảnh đó bầy ra trước mắt. Một tiếng thở dài không chủ định như muốn đẩy bớt nỗi tủi nhục đắng cay của những cảnh đời trâu ngựa. Tôi liếc mắt nhìn tên công an đang dựa lưng vào thành xe. Tay y hờ hững cầm khẩu CKC dựng trước mặt, mắt hướng về mấy ngọn tre đang lắc lư với gió bên hông trại.

Giòng suy tư của tôi vẫn cứ chìm nổi miên man, cho tới lúc nhìn thấy một anh chừng ba mươi tuổi, mặc chiếc áo bông rách đã vá chằng vá đụp. Anh ôm một bọc quần áo cũ với hai nắm cơm trèo lên xe. Anh chìa bàn tay xần xùi đưa cho tôi một nắm cơm bọc trong một miếng lá chuối:

- Phần anh đấy, tôi cũng đi trại đây!

Hai tay tôi giơ ra đỡ nắm cơm, chưa kịp nói, hỏi gì thì đã nghe tên Nhượng ở dưới xe đã nghiêm giọng nói với anh:

- Chiếu cố anh là thành phần tự giác tiến bộ, tôi không khóa tay. Nhưng nếu trên đường đi anh lộn xộn tôi sẽ xử lý ngay!

Anh mới lên, mặt tươi hẳn ra, có vẻ xum xoe:

- Thưa cán bộ, cháu đã được ban giám thị cho làm tự giác ở trại này một năm rồi. Án cháu chỉ còn một năm nữa thôi, cháu chả dại đâu!

Nói rồi anh ta ngồi vào một góc thùng xe, bẻ nắm cơm ăn với vẻ hí hửng ra mặt. Thấy thái độ của anh ta như vậy, tôi trở nên rất lạnh lùng như một người câm không biết nói trên suốt đường đi. Xe lại chuyển bánh rẽ ra phía đường cái.

Lúc này mới quá trưa thế mà trời đã sầm lại. Phía Đông Bắc xám xịt, từng cuộn mây đen đang túa về trùm lấp cả bầu trời. Một đàn cò trắng từ những triền đồi trọc phía ấy đang vội vàng theo gió bay về chân trời phương Nam xa xa. Vài nếp nhà tranh chìm lần vào những lùm cây xanh hai bên đường.

Mưa lại bắt đầu nhì nhẹt rả rích của buổi cuối Đông. Từng làn gió Bấc đẩy những luồng lạnh cắt da vào xe. Không gian mờ mịt tím ngắt như cõi lòng tôi lúc này. Lạnh run, tôi muốn lấy cái màn từ trong bọc ra quấn vào người cho đỡ rét, nhưng hai tay tôi loay hoay mãi mà không mở được mấy nút buộc của chiếc tay nải. Chỉ vì tôi không ưa anh ngồi cùng xe, nên nhất định thà chịu lạnh chứ không nhờ. Hình như anh ta cũng thấy nét lạnh lùng của tôi, nên anh ta ngồi quay mặt về phía đầu xe, dựa đầu vào thành xe nhắm mắt.

Bụng đói cật rét, người tôi lạnh run lên. Dù hai tay bị khóa chặt tôi vẫn cố gắng gặm dần nắm cơm hẩm với muối rang mà anh tù tự giác vừa đưa cho tôi lúc nãy. Xe đã chạy được gần một tiếng. Có lẽ bây giờ cũng phải gần hai giờ chiều. Tôi đang nhắm mắt, người vẫn dập dờn rung rinh theo chiếc xe đang lầm lủi trên con đường dài thì những tiếng trống thùng thùng. Rồi tiếng loa gào ré lên: "Nỗ lực, tích cực, tất cả cho vụ mùa Đông Xuân". Tôi mở choàng mắt ra thì hai bên đường đã là những cánh đồng lúa. Chung quanh xa xa đã có nhiều những dãy núi cao dựng đứng, mây đen phủ kín ngọn. Một cánh đồng trải dài tới chân núi, đây đó đã có nhiều chỗ lúa chín vàng. Hương nồng, ngào ngạt, của lúa chín, lùa vào đầp ắp trong xe.

Qua làn mưa giăng mờ mịt, ở ngay chéo bên một con đường làng ăn ra đường cái, một đoàn đến hai mươi người, đa số là đàn bà con gái. Người thì khoác áo tơi lá, người thì khoác miếng ny lon đang cúi gò lưng, bì bõm gặt lúa. Trên bờ cắm mấy lá cờ đỏ đang rũ rượi vì ướt. Hai băng khẩu hiệu trắng chữ đỏ cắm ngay trên đường làng: "Không bỏ trời mưa, không chừa trời nắng. Không xa mặt trời, không rời mặt trăng"

Một anh cũng khoác chiếc ni-lông, đội mũ cối, cầm chiếc loa đi trên bờ đang hò hét. Xe đã chạy xa rồi, tôi chỉ còn trông thấy chiếc loa khua lên, khua xuống nhưng không nghe thấy lời. Nhìn cảnh người nông dân cặm cụi làm việc trong cái lạnh cắt da, tôi chợt nhớ đến một bài học thuộc lòng khi tôi lên mười, hay mười một tuổi, học tiểu học dưới cái gọi là chế độ "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" ở quê tôi:

"Hôm qua, hôm nay, lại ngày mai.
Người dân quê còng lưng cho khó nhọc.
Từ ngàn năm đè chĩu lấy hai vai.
Họ làm việc, làm việc và làm việc.
Từ tinh sương dậy trước cả đàn gà.
Đêm tối mù giá lạnh sương sa".

Bài học thuộc lòng này, những người cộng sản đã khêu gợi, nêu lên những nỗi đắng cay, lầm than, tủi nhục của người nông dân dưới sự thống trị tàn bạo của thực dân phong kiến. Tuy hai thời đại, nhưng vẫn cùng một cảnh đời. Có hơi khác. Cũng vẫn gò lưng bì bõm trong mưa phùn gió bấc. Nhưng bây giờ có trống, có loa và có cả khẩu hiệu. Còn một điểm khác nữa do công lao của người cộng sản: ngày xưa người nông dân gặt lúa xong phải đưa về nhà. Còn bây giờ dưới chế độ "xã hội chủ nghĩa ưu việt, lương tâm của loài người" thì người nông dân gặt xong được gánh lúa đó lên nhập kho của "nhân dân".

Mải đắm chìm trong mớ bòng bong thế sự ngược xuôi, chiếc xe ngưng lại lúc nào tôi không hay. Cho đến lúc thấy tên công an vũ trang nhẩy xuống đường rồi quay lại xẳng giọng:

- Đi xuống!

Tôi hơi bàng hoàng, vội vàng kéo bọc quần áo về cuối thùng xe. Loay hoay mãi tôi mới xuống đất được. Trời vẫn sụt sùi mưa bay nhè nhẹ. Một con đường đất chênh vênh ngoằn ngoèo chia hai ba ngã. Nẻo nào cũng khuất hút vào những triền đồi bạt ngàn là sắn và khoai lang. Ngay phía trái trên một bãi bằng rộng là một bức tường thành xây bằng đá hộc cao 4-5 mét. Bên trên tường chăng nhiều đợt dây thép gai, nhiều chỗ đã ngã xiêu vẹo. Dưới chân, lau, cỏ đã mọc có chỗ đến lưng bức tường. Ngay mặt đường, cách khoảng 300 mét phía đầu xe là một chiếc cổng to xây kiên cố. Hai cánh cổng không còn nữa. Bên mép tường chỉ còn lại những chiếc bản lề to tướng đã cáu rỉ.

Bên trên cổng là một căn nhà lầu có nhiều phòng quét vôi vàng đã loang lổ. Nhìn chéo vào bên trong cổng, không còn một căn nhà nào. Rải rác đây đó là những đống gạch vữa trên những nền nhà cao thấp, cỏ dại mọc um tùm. Chứng tỏ chỗ này đã bỏ hoang phế hàng năm. Dù tôi chưa có ý niệm một trại tù tuy chưa biết vì sao lại bỏ hoang.

Tên Nhượng sau khi đã dặn dò người tài xế, y quay lại tôi và anh tù hình sự (dọc đường tôi đã biết, khi nghe anh ta nói chuyện với tên công an vũ trang). Tay y chỉ con đường dốc phía bên phải:

- Đi theo con đường kia!

Đến lúc này tôi buồn đi tiểu quá rồi nên tôi nói thẳng với y. Thật là buồn cười. Gần một ngày trời ngồi chết dí ở trên xe thế mà y còn nhìn tôi với ánh mắt vừa nghi ngờ vừa khó chịu. Cuối cùng, y quay lại tên vũ trang:

- Đồng chí đưa anh ta đi tiểu!

Chỉ là một bụi cây dại ngay gần cạnh mé đường, thế mà tên công an cũng phải cầm súng đi sát ngay phía đàng sau. Thật là khó khăn lúng túng chỉ vì hai tay chặt cứng trong khoen cùm. Tuy đau mỏi rã rời, tôi cũng phải mỉm cười: đi tiểu cũng có kẻ cắp súng theo hầu. Hai tên công an to khỏe lực lưỡng, một tên súng dài, một tên súng ngắn mà vẫn phải nể sợ một thằng tù gầy ốm khỏng khoeo. Chúng không dám mở khóa tay cho tôi. Cũng vì vậy, trên đường đi tôi thật vất vả với bọc quần áo.

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.