Hôm nay,  

Anh Tom Vũ & Power Team: Một Home Depot Của Người Việt Trong Ngành Vật Liệu Xây Dựng

24/06/200800:00:00(Xem: 5414)

Anh Tom Vũ đang nghiên cứu bản vẽ xây dựng của khách hàng

Ở Việt Nam trong khỏang hai thập niên qua, ngành kinh doanh vật liệu xây dựng rất phát triển. Tại những thành phố lớn như Sài Gòn, các cửa hàng bán vật liệu xây dựng thường nằm tập trung tên một con đường (như đường Lý Thường Kiệt), với hàng trăm tiệm trải dọc trên vài cây số. Cũng khá tiện lợi cho người đi mua sắm mọi thứ cho căn nhà của mình.

Ở Mỹ, quốc gia giàu có với ngành công nghiệp xây dựng đã phát triển lâu đời, hệ thống phân phối vật liệu xây dựng còn tiện nghi hơn nhiều. Home Depot là một thí dụ điển hình. Ở thành phố nào, ta cũng thấy cửa hàng Home Depot với diện tích khổng lồ, có đủ vật liệu để chúng ta xây dựng một căn nhà. Tất nhiên, những hệ thống phân phối tầm cỡ như vậy phải nằm trong tay các nhà tư bản khổng lồ của Mỹ.

Vậy mà tôi cũng gặp được một người Việt Nam đang thực hiện một mô hình tương tự. Chúng ta hãy nghe anh Tom Vũ nói về hình thành hệ thống Power Team trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng trên đất Cali…

 Anh Tom vượt biên sang Mỹ năm 80. Ban đầu, anh đã học ngành Offshore trong lĩnh vực dầu khí ở New Oleans. Được mới hai năm, anh đi làm thêm với một số builder người Việt. Nhận thấy ngành xây dựng cũng là một lĩnh vực hấp dẫn, anh quyết định chuyển sang học để lấy giấy phép hành nghề thầu khoán xây dựng từ năm 84. Anh làm thầu phụ cho nhiều builder lớn của Mỹ  như S&S, American McCathy, Owen… Dưới tay anh là 30 người thợ, đã cùng anh đi làm việc ở trên 20 tiểu bang trong khỏang 3 năm. Đến năm 86, anh có dịp về Cali, và cảm thấy thích hợp với miền đất nắng ấm này. Anh giao lại sự nghiệp thầu xây cất cho một người em họ, để định cư hẳn tại Cali.

Anh bắt đầu mở một công ty xuất nhập khẩu để kinh doanh vật liệu xây dựng. Ban đầu, anh tập trung về flooring, bao gồm các lọai vật liệu như granite, marble, ceramic…Công việc mở rộng dần. Đến năm 91, anh đã trở thành wholesaler cung cấp nhiều lọai vật liệu xây dựng khác nhau. Kho hàng của anh lên đến 60,000 sqf. Anh mở thêm xưởng làm cabinet, làm granite counter top. Anh kinh doanh luôn cả mặt hàng dụng cụ cầm tay, lưỡi cắt kim cương  phục vụ cho lĩnh vực gia công đá ốp lát. Đến cuối thập niên 90, anh Tom còn họat động thành công trong cả lĩnh vực địa ốc. Anh đấu thầu mua nhà đất, sửa lại, bán hoặc cho thuê. Điều này cũng dễ hiểu, vì anh đã tích lũy được trên 10 năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực đều liên quan đến ngành xây dựng.

Anh Tom bắt đầu hình thành ý tưởng “một Home Depot của người Việt”  trong khỏang vài năm trở lại đây. Sau một vài thử nghiệm, anh cho ra đời Power Team, thương hiệu đầu tiên của người Việt trong ngành kinh doanh vật liệu xây dựng. Văn phòng, showroom chính của Power Team nằm ở ngã tư đường Westminster & New Hope. Anh Tom dự định sẽ phát triển nhiều cửa hàng Power Team khác ở Cali, rồi các tiểu bang khác theo hình thức franchise.

Dựa trên những yếu tố nào mà anh dám mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực phải cạnh tranh với các đại gia như vậy" Anh Tom cho biết: “… Nếu xét về vốn thì mình chẳng thấm tháp gì so với Home Depot. Mình cũng không có ý định kinh doanh đầy đủ mọi mặt hàng như họ. Chúng tôi chỉ chọn những mặt hàng mà mình có lợi thế cạnh tranh rõ rệt. Lúc đó, Home Depot không thể so sánh với chúng tôi về yếu tố giá và chất lượng…”. Với bề dầy kinh nghiệm của mình, anh Tom làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, chọn các mặt hàng kinh doanh của Power Team. Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi đủ uy tín để được quyền lựa chọn nhà sản xuất, chứ không phải là họ chọn chúng tôi”. 60% trong số những nhà sản xuất này nằm ở Trung Quốc, còn lại đến từ Ý, Tây Ban Nha, Việt Nam… Họ đều có hệ thống quản trị chất lượng quốc tế ISO 9000, có uy tín trên thị trường quốc tế. Power Team có nhân viên ở tại Trung Quốc để kiểm tra chất lượng hàng xuất sang Mỹ.  Anh Tom tham gia luôn vào khâu thiết kế những sản phẩm mang thương hiệu Power Team. Anh thường xuyên phải bay qua Trung Quốc, Việt Nam… để kiểm tra các nhà sản xuất làm đúng theo yêu cầu thiết kế mẫu mã riêng của Power Team. Có như vậy, hàng của Power Team mới thực sự độc đáo, chất lượng cao mà giá thành vẫn rẻ hơn đối thủ cạnh tranh.

Showroom Power Team trên đường Westminster

Nói là Power Team không có nhiều mặt hàng như ở Home Depot, nhưng ta vẫn tìm thấy ở đây rất nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý cho căn nhà của mình: Vật liệu lát sàn, thảm, vật liệu ốp và trang trí tường, thảm, thiết bị và tủ bếp, trang thiết bị nhà tắm & nhà vệ sinh, các lọai cửa-cửa sổ và phụ tùng, vật liệu trang trí sân vườn… Khi được hỏi tại sao số lượng hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm khỏang 10% trong  các mặt hàng của Power Team, anh Tom cho biết các nhà sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam còn phải cải thiện nhiều về khâu quản lý chất lượng, tổ chức qui mô sản xuất mới theo kịp với Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Đã nắm trong tay nguồn hàng ổn định như vậy, Power Team rất tự tin trong chính sách mở đại lý. Hiện nay Power Team đã có hàng trăm của hàng làm đại lý. Power Team cung cấp hàng hóa, huấn luyện về sản phẩm cho các đại lý. Power Team sẽ đứng sau những đại lý mới của mình cho đến khi họ thành công trong việc kinh doanh. Anh Tom đã lên kế họach đi dự các cuộc triển lãm, tradeshow để giới thiệu các sản phẩm và thương hiệu Power Team vào thị trường main stream.

Một trong những đặc điểm nữa của Power Team là service. Anh Tom có khỏang 40 nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng.  Mặc dù đã rất bận rộn với các nhà sản xuất, anh Tom vẫn phải dành thời giờ để làm tư vấn cho khách hàng của mình trong việc lựa chọn sản phẩm. Tại văn phòng làm việc của anh, bên cạnh những chồng hồ sơ dầy cộm về các nhà sản xuất và sản phẩm, tôi vẫn thấy có cả những bản vẽ xây dựng các công trình của khách hàng nữa. Tôi biết đây là “căn bệnh nghề nghiệp” của những nhà kinh doanh mà lại am tường luôn về khâu kỹ thuật. Tôi hỏi vui rằng “…Làm nhiều vậy thì làm sao có thì giờ mà thở hả anh" ”, anh Tom nói rằng: “…Kinh doanh ở Mỹ thì phải cực vậy thôi. Cũng may là tôi cũng còn có anh Peter làm partner. Anh Peter là người am tường về mặt tài chính, chiến lược, quan hệ đối ngọai, do đó tôi có thể tòan tâm tòan ý với các vấn đề kinh doanh, kỹ thuật. Sự phối hợp có nhịp nhàng như vậy, công việc kinh doanh của Power Team mới trôi chảy được…” 

Trong thời buổi khủng hỏang kinh tế, những ngành kinh doanh liên quan đến địa ốc, xây dựng, furniture đang gặp khó khăn, thấy anh Tom & Power Team bận bịu như vậy, tôi cũng mừng cho anh. Tôi biết con đường để xây dựng “một Home Depot của người Việt” của Power Team còn dài. Tôi mong sẽ còn được nghe nói về thương hiệu Power Team nhiều hơn nữa, từ nhiều người khác, ở khắp nơi trên đất Cali, và các tiểu bang khác xa xôi trên đất Mỹ…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.