Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

24/06/200800:00:00(Xem: 2361)
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

Hết tên Công Tố Viện, lại đến tên Viện Kiểm Sát Nhân Dân đứng lên để kết tội. Hắn lại như con vẹt nhắc lại: "Kính thưa đồng chí Chánh Án, đồng chí đại diện Công tố viện, đồng chí đại biểu Nhân Dân... ”. Nào là “... không những ta đang xử tội tên Đặng Chí Bình mà ta còn xử cả hai tên hung đồ, đứng phía sau y (tôi giật mình quay lại, tưởng chúng lại xử cả hai tên cảnh sát), là tên đầu sỏ đế quốc Mỹ và tên Ngô Đình Diệm (ông ấy chết rồi, còn đâu)... ”. Giọng y lè nhè như thèm thuốc lào. Y nhắc lại những ý của tên Công Tố Viện lúc nãy, rồi “khai triển” thêm để kết tội và sỉ vả. Mới chỉ có hai tên nói, đã hết buổi sáng. Tòa nghỉ, để 1 giờ chiều tiếp tục. Hai tên cảnh sát lại khóa tay, giong tôi về Hỏa Lò.

Vào trong buồng, nhiều anh em đến thăm hỏi, tôi đều nói chưa xử xong. Tôi chỉ kịp ăn vội lưng bát cơm trong 5, 7 phút đồng hồ, tên Bằng đã lại vào gọi tôi tiếp tục đi rồi. Khi tới phòng trực, tôi thấy vẫn là hai tên cảnh sát lúc sáng.

Sau khi tôi vào phòng xử, tên đại biểu Nhân Dân Thành Phố (sao mà lắm nhân dân thế) đến lượt đứng lên. Lại cũng nạt nộ, sỉ vả. Tay y run rẩy cầm tờ giấy, mắt y lơ láo sau chiếc kính lão. Môi dưới y thưỡn ra như môi con cá ngão. Mỗi khi y nhấn mạnh hay kéo dài, chiếc môi đó lại dề ra như mồm con chão chuộc xám xì, đầy bọt. Nào là “... dưới sự lãnh đạo tài tình của Hồ Chủ Tịch, dưới ánh sáng của đảng tiền phong của giai cấp công nhân... ”; nào là “... nâng cao vũ khí chuyên chính vô sản, đập tan mọi kẻ thù phản động trong cũng như ngoài nước, để chóng hoàn thành sứ mạng lịch sử của đảng Mác xít, Lê nin nít là nhuộm hồng trái địa cầu này”, v.v... và v.v... Y ca ngợi, y bốc thơm chế độ của y như múi mít. Rồi, y chỉ tay vào tôi, nước bọt văng vãi tứ tung, y gào lên:

- Tên Đặng Chí Bình này thật là nguy hiểm, y vờ vịt nói thích bác Hồ, muốn theo cách mạng, mục đích chỉ để che đậy những tư tưởng, những ý đồ cực kỳ phản động của y. Cụ thể, y đã định đánh chết cán bộ của ta để đào thoát. Vì thế, là đại diện của nhân dân, tôi đề nghị các đồng chí hãy xử phạt đích đáng, như một cái tát vả vào mặt tên đầu sỏ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng ở miền Nam!...

Tôi thấy, y cứ nhai đi, nhai lại một vài ý luẩn quẩn. Chẳng qua, y cũng chỉ là một trong những cái máy, hay cái băng đĩa ghi và phát âm mà thôi. Vậy mà cũng ra vẻ sừng sộ để đến nỗi tên Chánh án ngồi bên cạnh phải nhăn mặt lau má mấy lần, vì nước bọt ở mép y văng ra một cách vô tổ chức.

Tóm lại, 3 tên nói thì cả 3 tên cũng chỉ kết tội và sỉ vả. Cuối cùng, tên Chánh án chỉ vào mặt tôi, tuyên bố:

- Cho phép bị can phát biểu ý kiến một lần!

Hai chân tôi như tê đi vì phải đứng quá lâu. Với quan điểm của tôi, như đã trình bầy ở trên, tôi thong thả trả lời:

- Kính thưa tòa, tôi tin rằng những việc tôi làm và những tình tiết nội vụ đã được các ông xác định. Qua phiên tòa này, tôi càng nhìn rõ chế độ ưu việt của nhà nước các ông hơn. Xin hết ý kiến.

Một tiếng vồ đập nữa, tòa vào trong phòng nghị án. Mười phút sau, vồ lại nện, chúng lục tục kéo ra. Tên Chánh án đã ngoài 50 tuổi, tôi nhớ nhất là y có cái mũi hếch, làm nhiều khi tôi cứ tưởng như y đang ngửa mặt nhìn lên trần nhà. Y ra cái vẻ trịnh trọng tuyên bố:

“Xét rằng:

- Vì tính chất nghiêm trọng của tội trạng,
- Vì sự an ninh của nhân dân và Nhà nước,
- Để nâng cao tinh thần cảnh giác, đối với những âm mưu nham hiểm của Mỹ Ngụy trong thời chiến.
- Để thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của chế độ, lấy giáo dục cải tạo là chính.

Tòa quyết định:

Xử phạt tên Đặng Chí Bình, tức v.v... 18 năm tù giam và 5 năm mất quyền công dân.”

Hai tên cảnh sát dẫn tôi vào một căn phòng khác, trong đó đã có một người, trạc 40 tuổi, ngồi với một chồng hồ sơ trên bàn. Y chỉ tôi ngồi xuống một chiếc ghế đối diện, giọng Bùi Chu như tiếng gà Tây ỏn ẻn:

- Theo quy chế của tóa án Nhân Dân, tòa cho phép phạm nhân được quyền ký giấy chống án trong vòng 15 ngày, kể từ ngày tòa tuyên án. Vậy, anh có ký giấy chống án hay hông"

Dù lúc này, tôi chưa hiểu Việt Cộng lắm, tôi cũng hiểu là dưới chế độ Cộng Sản, khi chúng đã định xử mình bao nhiêu năm, nếu mình chống án, như vậy lại sang tội tư tưởng ngoan cố, không thừa nhận mức độ của tội trạng, còn chống lại sự phán xét của... đảng. Từ xưa tới nay, đảng đã bảo, đã xét, đã phê phán điều gì, có sai bao giờ đâu!

Tóm lại, chống án, không những không giải quyết được gì mà chỉ có hại. Nghĩ như vậy, tôi lắc đầu gạt ngay là không có chống chiếc gì cả. Tuy vậy, tôi vẫn phải ký vào một bản... không chống án. Ừ thì ký, có sao đâu. Đầu óc tôi đang ngây thơ nhẩm tính một con toán cộng: 18 năm. Mình đã có 6 năm ở xà lim Hỏa Lò rồi, chỉ cón 12 năm nữa. Năm nay, 29 tuổi. Hai mươi chín với 12 là 41 tuổi. Còn trẻ chán! Dứt khoát là còn trẻ hơn ông già 50 mà.

Hai tên cảnh sát lại khóa tay tôi, giong về Hỏa Lò. Lúc tôi vào buồng, anh em đến thăm hỏi, sau khi biết được tôi bị 18 năm, nhiều cậu lắc đầu, lè lưỡi. Như vậy là hết cuộc đời rồi!

Cho tới mấy ngày hôm sau, nhiều cậu cũng phải băn khoăn một điều là, tại sao không thấy tôi buồn mấy. Thậm chí nhiều cậu hỏi:

- Chúng em lấy làm lạ! Thái độ của anh sau khi nhận một bản án 18 năm, vẫn không khác gì những ngày trước"

Thực ra, tôi cũng suy nghĩ để thấy được nguyên nhân. Ở đây, có hai khía cạnh của vấn đề, tuy không rõ nét, nhưng nằm ẩn tàng trong sự việc, để thành một cái khung bên trong của thái độ bên ngoài của tôi.

Thứ nhất, nếu nói về sự việc, tình tiết diễn tiến công khai trên giấy trắng mực đen, 18 năm là quá nặng. Bởi vì, tuy tôi có nhận nhiệm vụ của Chính quyền Sài Gòn bí mật xâm nhập Hà Nội; nhưng tôi không hề hoạt động, hay làm bất kể việc gì cho Sài Gòn. Gần một tháng trời, tôi chỉ đi chơi lang thang, tìm xem cảnh cũ, thành xưa. Rồi tới khi bị bắt, tôi đã vội vàng khai báo ngay sự thật, và chỉ giốc một lòng yêu xã hội chủ nghĩa, với khẩu hiệu như kim chỉ Nam: nếu không làm gì lợi được cho cách mạng, thì cũng dứt khoát không làm gì hại cho cách mạng.

Thứ hai, với những tư tưởng và những sự việc tôi đã làm, 18 năm là quá nhẹ. Nếu cứ như thực tế sẽ còn nhiều người nữa đồng vụ cùng ra phiên tòa, để rồi dứt khoát phải có một vài người không còn chỗ đội mũ, trong đó cũng dứt khoát phải có... kẻ đang ngồi viết mấy dòng này!

Chính vì những niềm sâu kín như vậy, cho nên thái độ của tôi đều lặn sâu vào bên trong, để bên ngoài vẫn bình thản như những ngày trước đấy.
Trời mùa Đông Hà Nội Suốt đời làm chia ly!

Tôi cứ tưởng, lại sẽ được đón nhận một cái Tết nữa ở Hỏa Lò, một cái Tết đầu tiên ở trại chung. Thế nhưng, mới chừng mươi ngày sau ngày xử án, vào một buổi sáng sớm, mới khoảng 4 giờ, trời còn tối đất, rét căm căm, mưa bay nhì nhẹt, đã có một lũ cán bộ vào mở cửa buồng, rồi đọc tên 50, 60 người gọi ra sân, hầu hết là trẻ con và thiếu niên, trong đó có tôi là người lớn duy nhất.

Khi chúng tôi ra tới sân, tên Lê mới tuyên bố là đi trại. Một số đi Mai Lĩnh, một số đi Kỳ Sơn.

Vì đột suất, vội vàng, nên tôi chỉ bắt tay từ giã được một số cậu thanh niên, với những cái ôm chặt hẹn hò, ngày mai của cuộc đời. Chính các cậu ở lại, và ngay cả một số cậu đi, thậm chí ngay cả tôi đều băn khoăn. Chả lẽ chúng lại cho tôi đi trại Kỳ Sơn là trại toàn loại thiếu niên hư từ 13 đến 17 tuổi, chỉ có một mình tôi là người lớn, và lại là tội chính trị nặng cân nhất"

Tay tôi xách một ba lô quần áo (bây giờ, lại có quần áo, chăn màn do các cậu ấy trang bị cho), lẽo đẽo theo một lũ thiếu nhi rách rưới, ghẻ lở ra phía cổng Hỏa Lò.

Khi đoàn tù ra tới cổng, một tên cảnh sát lạ, tay cầm một cái còng số 8, tiến đến yêu cầu khóa tay tôi. Thân tù từ 6 năm rồi, đã mặc nhiên quen thuộc, chấp nhận mình không còn là của mình nữa, mà là của người khác, nên tôi mặc chúng muốn làm gì thì làm.

Mới 5 giờ sáng đã phải ra cổng! Trời chưa sáng hẳn, trong cái nhếch nhác ướt át của mưa Đông, thế mà, vẫn có một người chạy từ trong dẫy nhà cán bộ ra, dưới mưa rơi, mớ tóc bồng bềnh chưa kịp chải; đến nỗi những đôi mắt của tên Lê và lũ cán bộ mở to, quay cả về hướng người vừa chạy tới.

Tôi đã thấy rồi, từ lúc nãy, còn ở xa kia. Hai tay tôi đã bị chúng khóa chặt; nhưng, chúng không thể khóa được trái tim đang nhảy nhịp rộn rã của tôi, khi thoáng thấy bóng hình ai. Từ buổi xem xi nê bữa ấy cho tới nay, phải nói, tôi đã lẩn tránh nhiều lần, rồi vắng hẳn. Tôi tưởng rằng, chắc cô cũng nhận ra là tình cô đã trao không nhằm chỗ. Tôi cũng yên lòng nhẹ gánh ra đi về miền núi rừng heo hút, làm bạn với mây ngàn, gió núi trong cảnh đời ngục tù, tủi nhục lầm than

Hôm nay cô còn ra đây làm gì" Điều này cũng nói lên, chuyện ra đi của tôi bất ngờ đối với cô; và cả lệnh này nữa, phải từ Bộ, từ Sở xuống, nên cô mới không biết. Tên Lê hướng về phía cô hỏi giật giọng:

-Chạy đi đâu" Ra đây làm gì, sớm thế"

Tay cô đang cầm hai chiếc lọ con con, cứ giơ ra phía trước. Mặt cô tái mét, thở hổn hển, đứt quãng, chưa thể nói lên lời. Mãi một lúc sau, cô mới chỉ hai đứa nhỏ là thằng Phúc “Lủi” và thằng Hỷ “Con” (hai đứa đang run lập cập, khoác nửa mảnh chăn rách tả tơi):

-Cháu hẹn hôm nay cho hai đứa này thuốc ghẻ, thế mà chúng lại phải đi trường, sợ trên đó hiếm. Vả lại, đã hứa cháu phải cho chúng.

Ghẻ thì nhiều đứa ghẻ kềnh, ghẻ càng, thế mà chỉ có hai đứa được cho. Cũng chẳng hiểu hai đứa có xin không, mà lúc này cô phải chạy như ma đuổi để đưa thuốc. Tôi nhìn thấy, cô tiến đến đưa thuốc cho hai đứa, mắt cô lại đăm đăm nhìn tôi.

Ôi, màu hoa thiên lý đã đong đầy mắt ai, giờ chỉ còn là màu héo úa, tan tác. Những hạt mưa phùn lấm tấm đẫm ướt bờ mi. Đôi môi mọng ướt căng đầy, của những buổi trưa yên tĩnh trong xà lim ngày nào, giờ tái nhợt như run run thổn thức... Sợ tên Lê và một số tên cán bộ để ý thấy, tôi phải quay nhìn những cây sấu phía bên kia đường, cũng đang ướt át. Dưới mưa, chúng cũng run rẩy như thông cảm với nỗi niềm bàng hoàng xót xa, trong lòng người con gái đang phải nhìn mối tình đầu tan vỡ. Tôi nén một tiếng thở dài.

Đoàn tù trẻ con theo nhau lần lượt ra hai chiếc xe vận tải (kiểu GMC) đã cũ mèm. Gần 40 đứa nhỏ lên xe để đi về trại Kỳ Sơn, Hòa Bình. Chúng nó phải đỡ tôi mới trèo được lên xe. Trên xe, đã có hai tên công an vũ trang mang hai khẩu CKC, ngồi hai bên phía cuối. Băng trên “ca bin”, một tên cảnh sát Hỏa Lò ngồi cạnh tài xế.

Qua màn mưa giăng mong mỏng, từ một góc khuất phía cổng Hỏa Lò, cô Vân cầm chiếc khăn trắng thỉnh thoảng đưa lên mặt. Chẳng hiểu cô lau nước mắt hay thấm nước mắt" Những giọt lệ xót xa! Có phải cô khóc thương những em nhỏ tuổi còn non, đã sớm phải cảnh tù đầy" Hay cô nhỏ lệ cho một mối tình dang dở"... ..

Tôi lờ đờ nhìn đường phố Hỏa Lò hoang vắng, không một bóng khách bộ hành; nhìn những hạt mưa nhảy múa quấn quít theo từng cơn gió lạnh; nhìn đôi tay mình ép chặt trong khoen cùm số 8, tôi chợt nhớ đến lời một bản nhạc buồn của nhạc sĩ Phạm Duy, lời cua Cung Trầm Tưởng: “Trời mùa Đông Paris, suốt đời làm... chia ly”.

Mùa Đông Hà Nội! Đẹp và buồn hơn nữa, mùa Đông “Hilton”! Vĩnh biệt Người Hưng Yên!... ..

Xe chuyển bánh. Những hạt mưa phùn cũng làm ướt cả mắt tôi. Hỏa Lò mờ dần Chiếc xe chậm chạp, chui dần vào mưa Đông.

*

Tâm Sự Người Viết… khi viết tiếp tập 3

Như tôi đã bộc lộ nỗi niềm khi viết tập I và II, tôi chỉ biết lần lượt trình bầy lại sự việc, những điều tai nghe mắt thấy trên những chặng đường tôi đã trải qua, một góc cạnh hạn hẹp trong ngục tù của cộng sản Hà Nội dính liền với bản thân tôi, như tháo gở dần một cuộn chỉ ra từ đầu tới cuối.

Sau khi viết xong tập I và II, nhà xuất bản Đồng Tiến in và phát hành, được độc giả xa gần thương mến viết cho những lời khích lệ, tôi đã chủ quan nghĩ rằng: tuy tôi không phải là một nhà văn, nhưng chỉ cần đêm ngày miệt mài lục óc nhớ lại chi tiết từng thời gian, sự kiện và con người thì tôi có thể viết được. Nhưng khi bắt tay vào viết tiếp, nó đã không giống như tôi đã thường đinh ninh trong lòng trước đây.

Phần vì đã bỏ cách quãng một thời gian dài từ 1985 đến bây giờ (1990), phần do cuộc sống vật lộn mưu sinh trên xứ người đã làm vẩn đục, chai cứng tinh thần, trí óc; nhưng một phần khác nữa, cái phần to lớn chính yếu là trước đây, khi viết tập I và II là giai đoạn chuẩn bị cho chuyến đi vào đất địch và khi bị bắt giam trong buồng kín xà lim ở Hỏa Lò Hà Nội, sự việc chỉ có một mình. Bây giờ là giai đoạn rời Hỏa Lò lên một trại tù trung ương của miền Bắc, ngổn ngang bao nhiêu sự việc và con người. Mỗi con người và mỗi sự việc là một góc cạnh, một mảnh nhỏ trong bức tranh bao la, to lớn đầy máu, lửa và nước mắt do thực dân và cộng sản đã gây ra cho quê hương yêu dấu của chúng ta.

Hơn nữa, hiện nay có nhiều anh em biệt kích, biệt hải, gián điệp, những nhân chứng của cùng thời gian ấy đã có mặt ở hải ngoại, hoặc ở lại quê hương hay vẫn còn trong nhà tù của lũ Việt cộng phi nhân, khát máu, tôi đã phải liên lạc, tìm kiếm, hỏi han thêm chi tiết các sự việc. Càng hỏi, càng tìm, tôi càng lúng túng, hoang mang, không biết viết, nói cái gì trước, cái gì sau; cái gì đáng trình bầy, cái gì không cần phải nói đến.

Cũng là cuộn chỉ, nhưng đến đây nó đã rối bời như một búi tơ vò. Tôi có cảm tưởng càng gỡ, càng tháo nó càng rối thêm. Bởi vậy nhiều lần tôi đã cầm bút, nhưng cũng nhiều lần đành bỏ bút lao vào việc tìm sống cho đầu óc thanh thoát, thoải mái hơn.

Rồi với bao nhiêu đêm dài ít ngủ, với những nắng mưa nổi trôi, khắc khoải trên xứ lạ quê người, lòng vẫn quặn thắt từng cơn hướng về nơi chôn nhau, cắt rốn vời vợi phương trời. Rồi ngẫm nghĩ về những biến chuyển sôi sục của khối cộng sản Đông Âu, đối chiếu với sự ngoan cố lì lợm của bè lũ cộng sản Việt Nam, tôi vẫn thấy ngọn nến tôi đang thắp lên là cần thiết. Những tiếng gào thét phẫn nộ của hàng trăm ngàn con người khao khát tự do dân chủ đã rung chuyển thế giới, đã làm rạn nứt và đạp đổ thành trì chủ nghĩa cộng sản độc tài tưởng kiên cố đến ngàn đời. Những chiến sĩ tự do đã nằm xuống ở Thiên An Môn, ở Lỗ Ma Ni... đã và đang là những ngòi thuốc nổ âm ỉ trong cái kho chất nổ vô lường là quần chúng nhân dân đang nằm trong nanh vuốt của chế độ cộng sản, chờ ngày bùng nổ. Vậy tôi vẫn cứ nỗ lực góp thêm những ngọn nến nhỏ, dù không được coi là cái ngòi thuốc.

Tôi cũng phải nói lên sự hối thúc của bạn bè, thân quen mà điển hình nhất là anh Nguyễn Văn Thông, một người bạn trẻ đầy khẳng khái, nhiệt tình và hiểu biết. Anh đã kiên trì dẻo dai cổ vũ, thúc giục tôi ngay từ tập I, tưởng như anh là một người có trách nhiệm, có bổn phận. Anh đã tận tình chia sẻ những trở ngại khó khăn trong cuộc sống của tôi, đã tạo cho tôi một chỗ ngồi viết yên tĩnh, vắng vẻ thích hợp. Anh cũng dành nhiều thời gian để đọc bản thảo tôi viết từng ngày để kịp thời trao đổi, góp ý. Tóm lại, anh như một chiếc đòn bẩy, đã bẩy niềm tin của tôi lên cao đủ mức, để tôi vững tay cầm lại bút viết tiếp "bản di chúc sống" còn dang dở.

Sau hết, dù tôi bị hạn hẹp khả năng trình bầy, nhưng từ ý thức tôn trọng sự thật, trừ một vài trường hợp cá biệt phải đổi tên, tôi mạnh bạo tường thuật lại người thật, việc thật. Kính xin quý vị thông cảm và tha thứ.

Ngày 2 tháng 5 năm 1991.
Đặng Chí Bình

*

TẬP BA - Chương Một: Giã Từ Hỏa Lò

Mưa vẫn nhì nhẹt rả rích lê thê, gió Đông hàn từng làn tái tê, vẫn gầm rít vi vu, cả bầu trời xám xịt đìu hiu. Chiếc xe vẫn nặng nề, lầm lủi tiến ra ngoại thành, phía Bắc Hà Nội.

Từ nãy, tâm tư tôi đầp ắp bao nhiêu nỗi niềm đầy vơi trong nỗi chia cắt, mối tình đầu của người con gái đất Hưng Yên nhiều màu mỡ và trong cảnh giã biệt Hỏa Lò, nơi sáu năm dài đằng đẵng, chồng chất bao nhiêu cuồng phong bão tố của đời tôi.

Những hình ảnh lúc chia ly ở cổng Hỏa Lò, đang bao trùm đè nặng tâm trí tôi. Mắt tôi mở nhưng như mơ, chẳng nhận rõ vật gì, thì đột nhiên một tiếng quát giật giọng "Đứng lại" của một tên công an vũ trang, làm tôi bàng hoàng như choàng tỉnh một cơn mê.

Chiếc xe ọp ẹp cũ kỹ đang từ từ ngừng lại. Nhanh như một con sóc, tên công an vũ trang vừa quát đã nhảy xuống đường. Tên cảnh sát ngồi ở trên chỗ tài xế cũng đã nhảy xuống theo. Hai tên đang hộc tốc đuổi theo một chiếc bóng con con chạy lủi vào một đám cây xanh, phía bên phải đường. Thì ra đây đã là con đường lên Hòa Bình, đã xa Hà Nội rồi.

"Đoàng!" Một tiếng súng nổ vang vào mưa Đông, rồi hai tiếng súng nữa liền nhau. Một tiếng hét rống lên như con dê bị thọc tiết, trải dài vào mưa gió nghe thật thê lương thảm thiết. Trong xe ồn ào, nhiều đứa trẻ nhấp nhổm nhớn nhác. Tên công an vũ trang còn lại trên xe vật ngang khẩu CKC, lách cách lên đạn quát:

- Tất cả chúng mày ngồi im, đứa nào lộn xộn tao xử lý!

Lúc này tôi mới để ý toàn bộ trong xe; ngoài gần hai chục đứa nhừng nhừng nhỡ nhỡ lại có sáu, bảy đứa con gái, trong đó có hai đứa lớn, mười lăm, mười sáu tuổi. Tôi nhớ lại lúc ở cổng Hỏa Lò, khi lên xe vì tay tôi bị khóa thằng Trung Lý Thu đã quát con Thanh Móm: "hãy ôm gói đồ cho chú Bình".
Thế mà tâm hồn tôi đã bị người Hưng Yên cuốn hút hết, đến bây giờ con Thanh Móm ôm gói đồ quần áo của tôi, ngồi ngay bên cạnh mà tôi đâu có để ý.

Tôi lướt mắt nhìn thằng Trung Lý Thu, thằng Tiến Ga, con Tuyết Còi và con Thanh Móm, những đứa lớn nhất và có vẻ tinh nhanh nhất, đứa nào cũng ngồi yên phăng phắc, mắt đều lấm lét nhìn qua làn mưa giăng về phía những tiếng nổ và tiếng thét khi nãy.

Kia rồi, trong màn mưa bay dầy hạt, từ phía một cái hủng đất cây lá rậm xì. Một bên là tên công an vũ trang, một bên là tên cảnh sát ở Hỏa Lò đang xách hai tay của một đứa nhỏ, chừng mười bốn mười lăm tuổi. Người nó ốm nhom như con chão chàng. Một bên mắt sưng tím gồ lên như một quả ổi, máu đang rỉ ra theo nước mưa chảy xuống đỏ cả mặt. Chiếc chân phải đã gãy lìa từ dưới đầu gối, lủng lẳng trong ống quần, cũng đã bị rách còn dính một tí. Chiếc ống quần đỏ lòm máu lẫn với bùn đất của nó, đang dật dờ nhấp nhô theo chỗ đất cao thấp mà hai tên công an đang kéo lê đi.

Mấy tiếng ồn ào thốt ra từ lũ trẻ đang ngồi: "Thằng Hoàng Sún chợ Mơ".

Đã về đến xe, mắt thằng Hoàng nhắm nghiền, mồm dề ra méo xẹo, vẫn rên rỉ:

- Lạy các chú tha cho cháu, cháu xin chừa, cháu muốn về với mẹ cháu!

Từ ở trong mấy đường hẻm, hai bên đường đã có năm sáu tên du kích đeo súng ống nhớn nhác chạy tới. Những cặp mắt mở to băn khoăn, háo hức muốn biết là chuyện gì. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.