Hôm nay,  

Góc Nhạc Cổ Điển (01/02/2007)

02/01/200700:00:00(Xem: 12670)

Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra, ballet, kỹ thuật (recording), album mới, concert bạn mới đi nghe...Thư từ bài vở xin gởi về classical@vietbao.com.

Mạn Đàn

Nhạc cổ điển tây phương là một kho tàng âm nhạc phong phú kéo dài vài trăm năm, nếu chỉ tính từ thời Phục Hưng trở lại đây, được đóng góp bởi bao nhà soạn nhạc tài danh. Ở đây xin ghi lại vài chuyện vui nho nhỏ trong thế giới này, lượm lặt đây đó cống hiến bạn đọc.

Nhà soạn nhạc người Đức J.S. Bach của thời Baroque (thế kỷ 17-giữa thế kỷ 18) để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ. Một số tác phẩm của ông được chính ông viết lại để chơi bằng những nhạc cụ khác nhau. Một mặt nó có thể làm cho người người dễ lẫn lộn, "trước đây tui tưởng bản này viết cho dương cầm, sao giờ nghe vĩ cầm chơi in hệt, không biết ai viết lại mà nghe cũng đã quá…" Như đã nói trên chính ông là người viết lại, và đúng như lời nhận xét, bổn nào chơi cũng tới hết sức.

Đây là điểm rất lạ: nhạc Bach nghe bằng nhạc cụ nào cũng tuyệt, thậm chí viết chương trình để computer chơi một cách máy móc nghe cũng rất đặng. Tai sao vậy" Nhạc tính thời Baroque không đặt cảm xúc trong đó, nói cách khác thì không chuyên chở, không có ý tạo sự vui buồn nồng nàn tha thiết… những món thuộc về cảm tính. Nên chi nhạc Bach được ông vi tính chơi nghe cũng hay ra phết. Chỉ cần đánh suôn sẻ thôi là đủ rồi.

Thời Romantique (thế kỷ 19) nhạc của Bruckner có khi làm ta hình dung đến máy móc năng lượng. Nhưng thực sự nhạc của ông cũng như các nhạc sĩ khác cùng thời kỳ mang nhiều cảm tính, ở Bruckner là cảm tính cơ giới, không giống với trường hợp nhạc của Bach kể trên. Bruckner sống vào cuối thời Romantique, thời kỳ này nhạc của mấy thầy cảm xúc nồng nàn lắm, Chopin là một tiêu biểu của thời kỳ này.

Nhưng chỉ không tới 50 năm sau, sau Thế Chiến thứ II thì lạ thay nhạc lại trở nên "vô cảm", mà vô cảm thuộc loại nặng. Nhạc của mấy ông Morton Feldman hay Philip Glass nghe tưởng như đang khai triển những phương trình toán học; nhạc của Reich mang luôn tiếng máy móc vào; Takemitsu thì phẳng lặng như mặt hồ thiền định…

Bạn có thể chợt hỏi "vậy nhạc vô cảm thì nghe có hay không, hay chỗ nào"" Nhạc của Bach và của Glass hay Feldman có cái chung là nó xoáy vào sự tưởng tượng, tạo ra hình ảnh như khi ta nhìn vào ống kính vạn hoa hay nhìn vào các hình ảnh screen saver thay đổi không ngừng trên màn ảnh máy vi tính: nhìn một cách chăm chú như bị thôi miên. Nếu có thể giữ được sự chú ý của người nghe như thế, thì có thể gọi là "hay", và cái hay này quả rất khác với cái hay khi nghe Chopin hay Dvorak.

Trở lại với thời Baroque, khi ấy người ta có cây clavier, một nhạc cụ phím nằm trong cái hộp, có thể xách đi hay để trên bàn mà chơi. Rồi thì có cây hapshicord tựa như cây piano đứng dựa tường, âm thanh nghe tốt, mạnh, sắc xảo hơn cây clavier. Bach có cây hapshicord đó. Nhưng khi viết một tác phẩm lớn và quan trọng cho đàn phím, ông gọi nó là viết cho cây clavier "Well-Tempered Clavier". Điều này làm nhiều người rất thắc mắc, trong số đó có người quả quyết nói gì thì nói chắc chắn Bach viết cho Hapshicord.

Bach còn vài thứ gây rắc rối. Có những tác phẩm ông viết nhưng không ghi cho nhạc cụ nào như bản Art of Fugue, tác phẩm này hay được keyboards trình bầy. Nhưng rồi mấy ban tứ tấu cãi rằng Bach viết cho bốn giọng thì hẳn phải là tứ tấu đàn dây. Những ban tứ tấu khỏi chờ khẳng định thẩm quyền, mang ra trình diễn luôn. Tương tự như thế, Bach viết mấy bộ lute suite -cũng viết cho 4 giọng. Có giả thuyết là Bach nghe Weiss chơi lute (nhạc cụ dây như guitar) hay quá, nên soạn mấy bản trên keyboards, bắt chước giọng lute, nên gọi là lute suite. Mấy ông guitar sức mấy mà chịu, coi kià Bach đã ghi là lute thì là lute, cớ chi lại đặt điều "nhận vơ" cho keyboard. Có lẽ thấy tranh cãi không tới đâu người ta "nhường" nhau, nên mấy cái Lute Suite rất hay đó cũng chỉ thấy mấy ông guitar chơi, chưa thấy keyboard chơi bao giờ.

Sau đó, vào khoảng thời Beethoven, các nhà soạn nhạc có ý thức sắp xếp tác phẩm của mình bằng cách đánh số. Ngoài con số có hệ thống thứ tự thời gian là Opus, người ta còn gọi gọn bằng số 1, 2 như symphony số 1, 2 hay concerto số 3, 4. Hai nhà soạn nhạc lớn Schubert và Beethoven đều qua đời đang khi hay ngay sau khi hoàn tất đến bản symphony thứ 9, khiến sau đó có người sợ con số 9 này. Sự tin tưởng mơ hồ và mê tín đó được khẳng định thêm khi sau đó Bruckner và Dvorak cũng mất đang khi (hay sau) Symphony số 9. Trường hợp Mahler, khi ông bắt đầu viết đến bản số 9 -Mahler chỉ viết symphony, ổng ngẫm nghĩ thôi đừng gọi là symphony số 9. Ông đánh lừa con tạo bằng cách đặt một cái tên ngoài luồng "Bài Ca của Trái Đất". Sau khi hoàn tất bản này, Mahler không hề gì. Ông chắc nghĩ đã thoát khỏi cái huông, cũng an tâm nên viết tiếp. Tác phẩm kế tiếp được gọi là symphony số 9, và một năm sau khi hoàn tất tác phẩm này Mahler mất.

(Gần đây có thể kể thêm ông Malcolm Arnold cũng tuân thủ nghiêm chỉnh theo con số 9 định mệnh này.)

Những nhà soạn nhạc kể trên đều viết rất khỏe, nhạc của họ được trình diễn thường xuyên. Có những tác giả khác cũng viết nhiều, nhưng tác phẩm của họ không may mắn như vậy, chúng được chơi rất ít. Có khi chỉ duy một tác phẩm được/bị chơi quá nhiều, toàn bộ phần tác phẩm còn lại dường như ít được chú ý tới. Hoslt với The Planets là một trường hợp, Paul Dukas với The Soccerer's Apprentice là trường hợp khác. Ngược lại được ưu ái hơn cả là trường hợp của Mozart. Người ta đã thâu thanh, in ấn, quảng bá toàn bộ không sót một nốt trong gia tài khổng lồ của ông.

Không biết kinh tế thị trường có ảnh hưởng gì đến mấy chuyện này không.

Một trường hợp khác nữa, nhà soạn nhạc người Ý Alessandro Scarlatti viết rất nhiều nhưng người nghe nhạc hầu như không bao giờ nghe thấy cái gì của ông ta nữa. Một bản nhạc ngắn có tên Gavotte của ông đã khiến nhiều người chơi guitar còn nhớ đến ông. Khốn nỗi, không biết do từ đâu có người cho rằng bản này thật ra do Manuel Ponce viết, và Ponce lấy tên của người xưa để "lỡm" thiên hạ hay để gợi chú ý hay tạo thuận lợi cho việc chấp nhận hay gì đó. Sở dĩ có tin đồn đó vì không biết bản Gavotte đó nằm ở đâu trong đống tác phẩm của Scarlatti, chưa ai kiểm chứng.

Bạn đọc có thể cho đó là chuyện nhảm nhí, nhưng thực ra tiền lệ do một người nổi tiếng đã làm và làm hơn một lần. Đó là ông Kreisler. Ông viết một bản cho vĩ cầm có phần phụ họa của piano dựa trên theme của Pugnani, một nhạc sĩ và cầm thủ Ý thời Phục Hưng. Sau này Kreisler thú nhận vào năm 1935 theme đó do chính ông sáng tác ra, chứ không phải Pugnani.

Chuyện lộn xộn tương tự có rất nhiều trong nhạc sử. Bản Adagio cho đàn orgue và dàn dây rất được ưa thích của Albinoni thời Baroque, nhưng sự thực chỉ có bè trầm là do Albinoni viết, phần bè chính lại do Remo Giazotte (thế kỷ 20) viết.

Bản Ave Maria rất hay của Gounod được viết trên làn nhạc một bản Prelude của Bach -trong bản Ave Maria thì làn nhạc của Bach thành ra bè trầm. Bản Prelude này của Bach tự nó là một bản rất hay, mặc dù nó chỉ đi lừng lững đều đều. Bach có nhiều bản đi "đều đều". Một số cầm thủ khi trình bầy Bach có sáng tạo nhanh chậm để tạo nhịp cho giai điệu rõ nét hơn. Về chuyên này còn nhớ ông Rostropovich có nói "Chớ bao giờ làm như thế. Nếu muốn giai điệu thì Bach đã viết rồi, ai qua mặt được ổng cái vụ này chớ." Cho nên với Bach cứ đánh đều đều, vẫn hay như thường.

Ông Rostropovich chơi trung hồ cầm nổi tiếng lừng lẫy khắp nơi mà tài điều khiển dàn nhạc cũng không ai bằng. Hồi mới tị nạn cộng sản, ổng được giao cho điều khiển dàn National Symphony Orchestra ở thủ đô Washington. Rostropovich chơi mấy cái symphonies của Shostakovich long trời lở đất. Ổng nói với các nhạc sĩ trong dàn nhạc "Quý vị chơi sao cho bể cửa kiếng luôn thì mới được."

Nhân nói đến Shostakovich, ông này viết 24 Preludes cảm hứng từ Preludes (24) của Chopin. Chopin viết bộ Preludes này cảm hứng từ 24 preludes của Bach (có tên là Well-Tempered Clavier). Tuy không "linh thiêng" như con số 9, con số 24 này của Bach cũng khá được ưu ái. Ông Paganini viết 24 Caprices, ông Skriabin viết 24 Etudes. Ông Rachmaninoff viết 3 bộ preludes, cộng chung lại cũng thành 24 bản preludes. Có khi thấy 24 nhiều quá thì viết 12 (số 12, 24 và 48 đều là bội số của 6, một số Bach rất hay dùng) như Chopin viết 12 Etudes. Chopin viết 2 bộ Etudes mỗi bộ 12 bản, thì cũng thành 24. Debussy cũng viết 2 tập Etudes, mỗi tập 12 bản. Ngoài ra Debussy viết 2 tập Preludes, mỗi tập 12 bản.

Để tạm kết thúc ở đây, xin nói về Villa-Lobos. Ông viết bộ Bachianas Brasileiras theo hình thức của Bach. Ông viết tất cả 9 bản. Và con số 9 này không ăn nhập gì đến Bach mà cũng không có gì "linh thiêng" cả.

Hẹn gặp lại bạn đọc lần mạn đàm tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.