Hôm nay,  

Mặt Trận Quan Tòa

07/09/200400:00:00(Xem: 5036)
Đối với nhiều người, thực ra là đối với rất nhiều người, cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay sẽ có tầm quan trọng cực kỳ lớn lao đối với họ. Và đối với một số, có thể sẽ là lớn nhất trong đời họ.
Tất nhiên, bạn muốn nói rằng đây là chuyện nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam, và bạn không hài lòng với anh Tư Kerry phản chiến. Cũng được đi, nhưng chắc chắn rằng bạn không hề tin rằng ông Bush lên nhiệm kỳ 2 sẽ lập lại cấm vận Việt Nam, sẽ ngưng mọi hồ sơ bảo lãnh thân nhân, sẽ cấm du lịch và cấm gửi tiền về Việt Nam... cho tới khi nào Hà Nội chịu thua, để cho hàng trăm hội thánh Tin Lành tại gia được tự do sinh hoạt.

Tầm quan trọng năm nay cũng không phải chuyện cuộc chiến Iraq, cũng không phải chuyện việc làm hay cắt giảm thuế, cũng không phải chuyện tăng tuổi hưu hay Medicare đắt giá hơn, hay chuyện nợ quốc gia lên kỷ lục...

Đây là chuyện mà hai ứng viên Bush và Kerry đều nói rất ít, và khi nói thì cũng chỉ nói phớt qua, nói nhẹ nhàng trong những buổi không đông người: đó là, vị tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ sắp tới có thể sẽ bổ nhiệm khoảng 3 hay là 4 quan tòa tối cao. Có nghĩa là, với khuynh hướng bỏ phiếu tương đối quân bình hiện nay trên Tòa Tối Cao, khi thay được 3 hay 4 quan tòa tối cao, hướng đi xã hội Hoa Kỳ sẽ biến đổi hẳn trong nhiều thập niên tới, có thể là tới hơn một phần tư thế kỷ nữa.

Và với tình hình này, bạn sẽ hiểu vì sao mọi đòn độc đều tận dụng trong cuộc bầu cử này, cuộc bầu cử bị xem là ném bùn bẩn nhất trước giờ. Bạn thử nghĩ trong Little Saigon, chỉ cần thả ra tin đồn rằng có ai đó là Việt Cộng nằm vùng, thì tự nhiên sôi nổi liền, cứ 10 người nghe thì ít là 1 hay 2 người dao động. Bạn thử chụp mũ bất kỳ ai thì cũng thấy có ép-phê liền, không nhiều thì ít. Lần này, cuộc tranh cử đang tận dụng mọi thủ đoạn ác liệt nhất, tệ hại nhất - không phải vì bản chất con người là độc ác, nhưng vì họ biết rằng hướng đi xã hội Hoa Kỳ trong ba thập niên tới sẽ do vị tổng thống sắp lên quyết định, và lý tưởng của họ thúc đẩy họ phải giúp định hướng cho ba thập niên tới, cho cả hướng giáo dục các đời con cháu của họ...

Đó, bạn đang nhìn thấy các nhà thờ sôi động, nhìn thấy các làng đồng tính luyến ái bỏ ăn bỏ ngủ để ôm truyền đơn, đi vận động, gõ cửa nhà hàng xóm, mời gọi ghi danh đi bầu. Không giống như những kỳ bầu cử trước đâu: hướng đi của Tòa Tối Cao Hoa Kỳ lần này sẽ do tổng thống sắp tới quyết định, và sẽ quyết định cho nhiều thập niên tới. Hãy thấy: Đối với các mục sư, đây là cuộc chiến cho Thiên Chúa; đối với dân đồng tính, đây là cuộc chiến để sinh tồn. Đó mới là một phần của hình ảnh đa sắc của xã hội Hoa Kỳ. Và mỗi đảng - Cộng Hòa và Dân Chủ -- do vậy đều có các binh đoàn cảm tử riêng của họ.
Tòa Tối Cao Hoa Kỳ có 9 quan tòa, trong đó 4 vị trên 70 tuổi, nghĩa là có thể ra đi nhẹ nhàng bất cứ lúc nào. Đặc biệt, Mục sư Kelly Boggs trong bản tin nhà thờ Baptist Press ngày 3-9-2004, thì tin là vị tổng thống kế nhiệm ít nhất cũng bổ nhiệm 2 hay 3 quan tòa tối cao, cụ thể là, "Quan tòa John Paul Stephens đã 84 tuổi, và quan tòa William Rehnquist sẽ 81 tuổi vào tháng 10 này. Còn quan tòa Sandra Day O'Connor đã 74 tuổi và đang bệnh ung thư."

Nhiệm vụ của các quan tòa Tối Cao là giải thích Hiến Pháp Mỹ, nghĩa là định hướng cho xã hội Hoa Kỳ. Và nếu bổ nhiệm 3 hay 4 quan tòa tối cao đang ở tuổi ngũ tuần vào, thì xã hội Hoa Kỳ sẽ có hướng đi nhất định trong 3 thập niên tới, nếu tuổi thọ các cụ cứ cho là bát tuần. Nghĩa là các vấn đề như hôn nhân đồng tính, phá thai, học trò đọc lời trung thành "một đất nước trong bảo bọc của Thựợng Đế" hày là cách đối xử với tù nhân, với di dân lậu... sẽ nằm trong uốn nắn của người sẽ bổ nhiệm các quan tòa tối cao mới.

Cuộc chiến kỳ này quyết liệt không chỉ vì số lượng các quan tòa sắp về trời, mà còn vì nhiều quyết định trong các khóa họp 2003-2004 của Tòa Tối Cao đã được quyết định với tỉ lệ phiếu kể như ngang ngửa, như tỉ phiếu 5-4 và tỉ phiếu 6-3, trong đó có các phán lệnh cho phép nghi can khủng bố bị giam ở Guantanamo quyền khiếu nại việc biệt giam; như phán lệnh ngăn cản việc thực hiện một luật bảo vệ trẻ em đối với hình ảnh sex trên Internet; như phán lệnh cho cá nhân kiện chính phủ tiểu bang vì đã vi phạm Luật Người Mỹ Tàn Phế (Americans with Disabilities Act), và một số khác. Với tỉ lệ ngang ngửa như thế, chỉ cần bổ nhiệm 2 vị cùng lập trường là vạch xong hướng đi cho nhiều thập niên.

Theo báo Pittsburgh Post-Gazette ngày 9-8-2004, Tòa Tối Cao Hoa Kỳ sắp tới sẽ phải quyết định về một luật liên bang trong đó ngăn cấm một số hành vi phá thai. Đây là cuộc chiến dai dẳng nhiều thập niên qua giữa các nhà thờ và phong trào nữ quyền - giữa việc tôn trọng sinh mệnh tuyệt đối cho các trẻ em chưa sinh và việc bảo vệ sức khỏe phụ nữ ở một số trường hợp.
Có 2 quan tòa liên bang ở 2 địa phương nổi tiếng cấp tiến gần đây đã quyết định việc này. Và những phán lệnh này làm phiền TT Bush và các hội nhà thờ rất nhiều.

Theo tin ngày 26-8-2004 của CNSNews.com, cơ quan ngôn luận thân với một số giáo hội Ky Tô, chánh án khu vực liên bang Richard C. Casey ở New York hôm thứ năm tuần lễ cuối tháng 8 ra phán lệnh rằng luật cấm phá thai phải cho ngoại lệ để bảo vệ sinh mệnh và sức khỏe của bà mẹ - điều này đã làm nổi giận nhiều tổ chức phò sinh trong đó có các tổ chức đầy thế lực và thân Cộng Hòa như National Right to Life Committee, American Center for Law and Justice, Focus on the Family...

Trước đó vài tháng, trong tháng 6, theo tờ Post-Gazette, một chánh án liên bang khu vực San Francisco ra phán lệnh rằng Luật Cấm Phá Thai Từng Phần (Partial Birth Abortion Ban Act) là vi hiến vì vi phạm quyền tự do của người phụ nữ muốn phá thai hay không.

Chính phủ Bush đã nộp đơn khiếu tố đối với các phán lệnh đó. Cuộc chiến văn hóa chưa bao giờ rõ nét hơn ở các phiên tòa Hoa Kỳ. Tất nhiên, phá thai chỉ mới là một trong nhiều chuyện phiền hà của xã hội Mỹ.

Mặc dù cả Bush và Kerry đều nói rất ít về chuyện bổ nhiệm quan tòa tối cao tương lai, vì không lẽ thẳng thừng bàn tới cái chết của các quan tòa đương nhiệm, nhưng các chuyên gia đã phân tích và tiên đoán các đề cử viên tương lai của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Trong đó, người nêu rõ nhất về danh sách ứng viên quan tòa là David M. O'Brien, giáo sư bộ môn công quyền ở University of Virginia và là tác giả cuốn "Storm Center: The Supreme Court in American Politics."

O'Brien phân tích rằng Bush sẽ bổ nhiệm các quan tòa tối cao tương lai theo một số tiêu chuẩn. Thứ nhất là phải bảo thủ, nghĩa là có lập trường tương tự như Đảng Cộng Hòa và các hội nhà thờ. Thứ nhì, vị quan tòa tối cao tương lai phải trẻ... nghĩa là sẽ ngồi ở ghế cao nhất của ngành tư pháp này trong vài thập niên. Hai ưu tiên đó lớn nhất, rồi sau đó mới tới các tiêu chuẩn phụ, có tính biểu tượng, như: phụ nữ, gốc Á Châu, gốc Mỹ Latin... và rồi tiêu chuẩn có thể được Thượng Viện thông qua hay không.

Trong danh sách được suy đoán nằm sẵn trên bàn TT Bush là những chánh án sau:
-- J. Michael Luttig, 50 tuổi, một chánh án được TT George H. W. Bush bổ nhiệm vào Tòa Khiếu Tố Liên Bang Khu Vực 4, đặt tại Richmond, được xem là một trong các chánh án bảo thủ nhất ở các tòa khiếu tố (appeals courts). Sinh ở Texas, Luttig từng là thư ký pháp lý của cố quan tòa tối cao Warren Burger và cho quan tòa tối cao đương nhiệm Antonin Scalia - nghĩa là trưỏng thành và học việc từ 2 quan tòa nổi tiếng bảo thủ.
-- Edith Jones, 55 tuổi, cũng đồng hương Texas với Bush, đang ở Tòa Khiếu Tố Số 5. Không phải chuyện "đồng hương bỏ phiếu cho đồng hương," nhưng rõ ràng là cùng lập trường bảo thủ.
-- Samuel A. Alito Jr., 54 tuổi, tại Tòa Khiếu Tố Số 3, bản doanh đặt ở Philadelphia. Từng là cựu viên chức Bộ Tư Pháp và cựu Biện Lý ở Newark, Alito được đặt bí danh là "Scalito" vì có lập trường y hệt quan tòa nổi tiếng bảo thủ Scalia.
-- Emilio Garza, 56 tuổi, ở San Antonio, đồng hương Texas, trong Tòa Khiếu Tố Số 5. Gốc Mỹ Latin.
-- Trong các ứng viên khác còn có chánh án: John G. Roberts Jr., 49 tuổi, đang ở Tòa Khu Vực Thủ Đô DC; J. Harvie Wiliknson III, 59 tuổi, Tòa Khu Vực 4;
-- Và hai luật sư của TT. Bush: Theodore B. Olson, 63 tuổi, mới rời chức luật sư cố vấn liên bang; và luật sư Bạch Ốc Alberto R. Gonzalez, 48 tuổi, cựu quan tòa tối cao của Tòa Tối Cao Texas.
Bên danh sách của John Kerry thì khó thấy rõ hơn, theo nhận xét của O'Brien. Nhưng O'Brien tin là Kerry sẽ chọn quan tòa tối cao "như Clinton [đã làm], không đưa nhiều trứng vào giỏ pháp lý... vì cần được [Thượng Viện] chuẩn thuận, và có lập trường cởi mở, trung dung..." Dưới đây là danh sách được suy đoán trong hàng ngũ dự bị quân bên Dân Chủ:
-- Merrick B. Garland, 51 tuổi, cựu thư ký cho quan tòa tối cao nổi tiếng cấp tiến William Brennan người được Clinton bổ nhiệm vào Tòa Khiếu Tố Khu Vực DC. Garland nổi tiếng lập trường trung dung.
-- Robert A. Katzmann, 51 tuổi, cựu giáo sư luật Đại Học Georgetown, được Clinton bổ nhiệm năm 1999 vào Tòa Khiếu Tố Khu Vực 2 ở New York.
-- David Tatel, 62 tuổi, đồng viện của Garland ở Tòa Khiếu Tố DC, bị mù nhưng vẫn làm chức năng chánh án bình thường.
-- Jose Cabranes, 63 tuổi, sinh quán ở Puerto Rico, hiện là chánh án Tòa Khiếu Tố Khu Vực 2 ở New York.
-- Sonia Sotomayor, 50 tuổi, cũng là chánh án Tòa Khiếu Tố 2, hoạt động trong các tổ chức gốc Puerto Rico và Mỹ Latin.
-- Và các chánh án khác trong danh sách suy đoán là Dân Chủ sẽ đưa ra: Diane Wood, 54 tuổi, cựu thư ký của cố quan tòa tối cao Harry Blackmun, được Clinton bổ nhiệm vào Tòa Khiếu Tố 7 ở Chicago; Adalberto Jordan, sinh quán ở Cuba, cựu thư ký cho quan tòa O'Connor, được Clinton bổ nhiệm năm 1999 vào Tòa Khu Vực Liên Bang ở Miami; hay Elena Kagan, 44 tuổi, cựu thư ký của cố quan tòa tối cao Thurgood Marshall, được Clinton cử vào Tòa Khiếu Tố DC nhưng bị Thượng Viện bác, hiện là Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Harvard.

Bạn đừng tưởng mấy danh sách này khô khan, dính toàn các chuyện chuyên môn nhức đầu. Không đâu. Hướng đi của xã hội Hoa Kỳ trong vài thập niên tới là nằm trong cuộc bầu cử tổng thống kỳ này đó. Chỉ cần sáng chủ nhật bước vào một nhà thờ Tin Lành của người Mỹ trắng, hay là tối thứ bảy vào xóm đồng tính San Francisco... là bạn sẽ nghe chuyện các quan tòa tối cao liền.

Bạn thấy chưa... Iraq, khủng bố, việc làm, thuế, Medicare, kể cả nhân quyền cho Việt Nam... với họ "chỉ là chuyện nhỏ thôi mà." Hướng đi của xã hội Mỹ trong 3 thập niên tới mới là điều mà đa số trong họ bận tâm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.