Hôm nay,  

Tội Ác: Vụ Án Mạng Trên Nóc Tiệm Bánh Kẹo Barlow Parker

16/05/200800:00:00(Xem: 3127)

Có hai thiếu niên du đãng đột nhập vào một tiệm bán bánh kẹo để giở trò trộm đạo. Bị bắt tại trận, một tên đạo chích trẻ quyết định đánh trả để thoát thân. Nhưng vụ đánh tháo kết thúc một cách thê thảm: Với phát súng định mạng, một vụ trộm vặt bỗng biến thành một án giết người. Nhưng ai là người phải chịu trách nhiệm nặng nhất"
Vào đêm 2/11/1952, khi Christopher Craig đến nhà bạn là Derek Bentley gõ cửa hỏi thăm bạn, thì mẹ của Derek là bà Lilian ra mở cửa và báo với Craig là thằng Derek không có nhà. Khi  đó bà Lilian đã nói dối, vì lúc đó Derek đang ở trong phòng khách, xem một chương trình tạp lục trên đài phát hình. Derek đã trở về nhà sớm hơn thường lệ từ rạp chiếu bóng vào ngày Chủ Nhật hôm ấy và than là bị lên cơn nhức đầu.
Bà Llian nói dối vì bà cùng chồng cho rằng Craig có ảnh hưởng rất xấu đối với con bà. Mặc dù Derek đã 19 tuổi, già hơn Craig đến ba tuổi, nhưng Derek là người có tính quá thật thà, dễ bị người dụ dỗ, xúi giục làm chuyện xằng bậy, trong khi Craig thì hay bàn tính chuyện bất lương.
Craig lại là người bất lịch sự: sáng hôm ấy, Craig đã dùng một nắm đấm sắt dọa làm thằng em của Derek là Dennis sợ hết hồn. Có nhiều lần Derek bảo với gia đình là anh không muốn qua lại với Craig nữa, và bảo Craig là thằng điên khùng. Thế nhưng người ta thường thấy cả hai cặp kè nhau đi chơi bời, nhậu nhẹt. Mặc cho Derek nói gì với cha mẹ thì nói, hai người bạn trẻ đã từng cùng nhau nạy cửa nhà người ta để ăn trộm đến mấy lần rồi.
Craig bỏ đi, nhưng chỉ một lúc sau có một thiếu niên khác đến gõ cửa. Tự giới thiệu mình là Norman Parsley, thiếu niên nhã nhặn hỏi, có thể cùng bạn là Derek đi dạo phố một lúc được không" Thấy thiếu niên này ăn nói nhã nhặn, bà mẹ bèn vào nói lại, Derek vội vã mặc áo khoát vào và đi theo Norman. Bà Lilian đồng ý cho con đi chơi với Norman vì thấy tướng thiếu niên này có vẻ con nhà gia giáo, đàng hoàn. Nhưng thật ra Norman là bạn của Craig lẫn Derek, và lúc đó Craig cùng vài người bạn chung nhóm khác đang chờ hai người ở góc đường.
Vào ngày hôm trước, lợi dụng lúc không ai để ý, Craig đã đánh cắp chìa khóa của một tiệm thịt nằm trên đường Tamworth Road, ở vùng Croydon, Amh Quốc. Tiệm thịt chỉ nằm cách chổ Derek và Craig ở là vùng Norbury có vài phút đi xe buýt. Trên xe buýt, Craig móc túi lấy cái nắm đấm sắt mình tự chế ở nhà ra tặng Derek. Derek bỏ nó vào túi áo choàng, rồi quên bẳng nó đi, vì bản tính Derek ghét việc bạo hành.
Khi đến tiệm thịt, cả hai rất thất vọng và bực mình khi thấy bên trong có đèn sáng và nghe thấy có tiếng người đang làm việc trong tiệm. Lở tầu, cả hai liền nhìn chung quanh, tìm kiếm một mục tiêu khác để "làm ăn". Nằm ở cuối đường Tamworth Road, phía đối diện với tiệm thịt, là tiệm bán bánh kẹo Barlow & Parker. Mới nhìn thì đây không phải là một đối tượng đánh trộm lý tưởng, nhưng cả hai nghe phong phanh là trên từng lầu một của tiệm bánh kẹo là nơi cất hàng của một tiệm kim hoàn chuyên bán sỉ.
Cả hai leo qua một cái cổng sắt cao vào con đường hẻm nhỏ đàng sau nhà kho. Tường nhà kho có gắn nhiều ống thoát nước chạy dọc từ nóc xuống đất, đây đúng là chổ trèo lên nóc rất lý tưởng.
Nhưng cả hai không biết là, khi Craig trèo qua cổng sắt, có một em bé gái nhìn thấy từ của sổ phòng ngủ nhà em. Bé Pearl Ware vội chạy ra kể lại cho cha mẹ biết. Cha em liền chạy ra phòng điện thoại công cộng gần nhà, quay số khẩn cấp 999 (tương tự với số 000 ở Úc) để báo cảnh sát.
Vào lúc 9 giờ 25 phút tối 2/11/1952, trạm cảnh sát Croydon nằm trên đường Fell Road nhận được cú điện thoại của ông Ware. Chỉ năm phút sau, đã có nhiều cảnh sát viên đến vây phạm trường. Những gì xảy ra tiếp theo là theo lời tường thuật của cảnh sát trong phiên tòa xử vụ án trộm cắp giết người trên nóc tiệm bán kẹo Barlow & Parker sau này.
Một cảnh sát viên là ông Sidney Miles chạy đi tìm người giữ chìa khóa của tòa nhà, trong khi người cảnh sát kia tìm cách leo lên nóc. Trong khi ấy, Craig và Derek đã nhìn thấy cảnh sát đến nơi, vội tìm nơi ẩn náo.
Nhưng trên nóc ít có chổ nào tốt để ẩn thân. Ở giữa nóc nhà, có bốn buồng lấy ánh sáng mặt trời xuống phòng dưới (skylight) hình chữ nhật cao khoảng nửa thước mỗi cái. Kế bên đó là buồng cầu thang dẫn xuống lầu dưới, có cửa bị khóa chặt. Ở đàng rìa của nóc nhà là một buồng lớn xây bằng gạch, cao ba thước, bên trong chứa máy móc của cầu thang máy. Cả hai liền chạy đến núp sau buồng thang máy, nép mình vào bóng tối sát vách, nín thở chờ đợi.
Người cảnh sát đầu tiên có mặt tại nóc nhà là thám tử Frederick Fairfax, đã leo theo đường ống nước lên như hai tên trộm. Nhìn quanh, Fairfax nhận thấy gần buồng thang máy có bóng người. Fairfax liền kêu gọi họ ra đầu hàng. Theo Fairfax thì Craig đáp liền: "Đ. M.! Nếu mày muốn bắt tao, có gan đến đây mà bắt!"
Fairfax chạy tới nắm tay Derek kéo ra chổ trống, còn Craig thụt lùi lại, lẩn ra đàng sau buồng thang máy. Fairfax đi theo sát, kéo luôn Derek di. Đến lúc này thì cảnh sát viên Norman Harrison, đang lần dến từ nóc nhà kiếng của tòa nhà lân cận, nhìn thấy rõ ràng ba người và những gì đang diễn ra trên nóc.
Theo lời khai của Fairfax và Harrison, thì ngay lúc đó, Derek dằng tay ra, tháo chạy, và thét lớn ra lệnh cho Craig: "Let him have it, Chris!", có thể hiểu theo ý của cảnh sát và luật sự công tố sau này là: Bắn nó đi Chris!, hoặc theo sự diễn dịch của trạng sự biện hộ cho Derek nghĩa là: Đưa cây súng cho ổng đi, Chris!
Craig móc súng ra và bắn liền trúng vai cảnh sát viên Fairfax ở tầm xa khoảng hai thước. Sức mạnh của viên đạn đẩy Fairfax té ngửa, nhưng ông phục hồi rất nhanh, nhào lên chụp bắt Derek nữa, và dùng thân người Derek làm bình phong đỡ đạn, vội vã thụt lùi đến ẩn đằng sau buồng cầu thang để tránh đạn, trong khi Craig lại bắn nữa.
Lúc này có thêm một cảnh sát viên khác là ông James McDonald hiện diện trên nóc nhà. Vì thân hình phì nộm, khó khăn lắm James mới dùng đường ống nước leo được tận nóc nhà. Lúc đang leo nửa đường, James cũng nghe thấy tiếng la: Let him have it, Chris, nhưng theo James, tiếng thét ấy xảy ra một lúc lâu, thì mới có tiếng bắn súng tiếp theo, chứ không xảy ra liền như lời khai của Fairfax và Harrison.
Fairfax giúp kéo James qua thành chắn, lên nóc. Derek đứng kế bên, run lẩy bẩy vì sợ hải. Anh không hề nghĩ đến việc trốn chạy hay chống trả! James khai, Derek tiết lộ rằng Craig có một khẩu súng colt 0.45 ly và rất nhiều đạn, và còn thêm: "Tui đã bảo thằng khùng ấy đừng dùng súng mà nó không chịu nghe là không chịu nghe, trời ơi là trời!"
Những viên đạn kế tiếp bắn suýt trúng Harrison. Ông vội chạy xuống nhập bọn với các cảnh sát viên đang bao vây tòa nhà ngày một đông, không dám tiến lên theo đường này nữa.
Vừa lúc ấy, cảnh sát viên Miles dẫn người giữ chìa khóa đến, ông này mở khóa cho cảnh sát. Miles và Harrison liền dẫn đầu một đám cảnh sát rầm rập chạy lên cầu thang dẫn đến nóc nhà. Miles đẩy bật cửa và nhào ra. Vừa lúc ấy, có một tiếng súng nổ chát chúa, và Miles té nhào về phía trước, chết liền tại chổ. Viên đạn bắn trúng ngay phía trên mắt trái của ông.
Harrison nhào ra theo sau Miles và chụp bất cứ đồ gì sẳn tay và ném về phía bóng đen núp gần buồng thang máy, từ cây dùi cui, chai đựng sữa, đến một khúc cây... Vì vào thời đó, cảnh sát Anh Cát Lợi có chính sách là không mang súng mỗi khi hành sự, trừ trường hợp khẩn cấp. Vì việc bắt hai tên trộm thiếu niên mới đầu họ chỉ nghĩ là việc nhỏ nhặt, không nguy hiểm gì lắm, nên không ai mang súng!

CUỘC ĐẤU SÚNG GIỮA CRAIG VÀ FAIRFAX

James McDonald kéo xác Miles giấu đàng sau buồng cầu thang, vì tin rằng ông chỉ bị thương, bất tỉnh. Lúc này có thêm một cảnh sát viên thứ tư là Robert Jaggs đã leo được lên nóc nhà qua đường ống nước. Bộ bốn núp đằng sau buồng cầu thang, không dám lú đầu ra, còn Craig ẩn đằng sau buồng thang máy, chờ bắn tỉa. Thỉnh thoảng Craig lại bắn một vài phát để giữ không cho các cảnh sát viên đến gần. Bốn người quyết định, cần đưa Derek xuống lầu trước. Khi họ dẫn Derek xuống lầu, Craig không bắn.
Ở dưới lầu, một nhân viên cảnh sát mới được phái tới trao cho Fairfax khẩu súng lục 0.32 ly mà cảnh sát thường xài. Fairfax chạy trở lên lầu, ba người bạn đồng sinh cộng tử theo sát đàng sau. Khi Fairfax cảnh cáo Craig là bây giờ ông đã có vũ trang, Craig không sợ, trái lại còn thách thức: "Vậy thì còn chờ đợi gì nữa hã" Hãy ra mặt đấu súng với tao! Hay mầy chỉ rút đầu rút cổ đàng sau một tấm khiên chẳng dám chừa mặt bệch ra" Khiên có chống đạn được không" Mầy dám đấu súng với tao không nào" Tao thích nhất là được đấu súng!"
Rùn người thấp xuống, Fairfax chạy vòng quanh bốn buồng lấy ánh sáng mặt trời, tiến dần về buồng thang máy, vừa chạy vừa bắn hai phát, để Craig không dám lú đầu ra bắn tỉa. Lúc ấy Craig đang ngồi trên thành cản ở sát nóc nhà. Hắn chỉa súng bắn Fairfax, nhưng bắn hụt. Bắn lần thứ nhì cũng vậy, Craig liền leo qua phía bên kia thành cản, tuyên bố: "Thôi, thế là xong nợ", và nhảy chúi đầu xuống đất tính tự sát.


May mắn là thân người của Craig đụng nhằm góc của một gian nhà kho ở dưới, đẩy bật hắn sang bên, và làm giảm sức rơi, trong khi cây súng văng lên, rớt xuống làm bể nóc nhà kiếng. Một cảnh sát viên đứng gần nhào đến bắt Craig ngay, Craig thét: "Tao ước gì tao đã chết rồi. Chỉ tức là tao đã không giết được hết bọn bây". Nói xong, Craig quỵ xuống bất tỉnh.
Fairfax và Craig ngồi chung xe cứu thương đến bệnh viện. Craig bị gẫy xương cổ tay, xương ngực và cột sống, còn vết thương của Fairfax thì không trầm trọng lắm, chỉ bị rách da chảy máu thôi.
Derek bị giam trong sở cảnh sát Croydon. Cảnh sát đến khám nhà Craig thì tìm thấy thêm nhiều súng đạn, còn nhà Derek không có bằng chứng gì khả nghi cả.

CUỘC XỬ ÁN TẠI TÒA OLD BAILEY

Vào ngày 9/12/1952, không đầy năm tuần sau cái chết của cảnh sát viên Miles, vụ xử án bắt đầu. Mặc dầu trời mùa đông Luân Đôn đầy sương mù giá lạnh, nhưng từ sáng sớm khách hiếu kỳ đã đến ngồi xem vụ xử tại tòa án Old Bailey đông nghẹt. Thậm chí một số đến trể bằng lòng trả $30 bảng Anh để mua một chổ ngồi!
Vị chánh án là ông Raymond Goddard, một người đã từng lên tiếng phản đối đạo luật Hình Sự năm 1948, cho là quá yếu ớt, đặc biệt ông chỉ trích việc bãi bỏ án tử hình cho trẻ vị thành niên phạm pháp.
Vị trạng sự công tố là Chirstmas Humphrey lập luận như sau: Craig và Derek đã đi thi hành một tội phạm hình sự; Derek biết rõ Craig có vũ trang với một vũ khí nguy hiểm; Vì vậy, khi vùng chạy khỏi tay cảnh sát viên Fairfax, Derek thét lên "Let him have it, Chris" (Chris, hãy bắn nó đi!) Derek đã phạm tội xúi giục kẻ khác giết người. Dưới mắt pháp luật, cái sự thật là khi cú bắn gây tử thương xảy ra, Derek đã bị bắt rồi, không hề có giá trị biện hộ gì cả cho hành động của Derek.
Toàn bộ bằng chứng của công tố viện là do cảnh sát cung cấp. Fairfax, Harisson, Jame McDonald, và Jaggs trình bày những gì họ tin là đã xảy ra trên nóc nhà vào đêm ấy. Còn bên bị can, chỉ có hai bị can là những người chứng duy nhất cho chính họ.
Trạng sự công tố kết thúc phần hài tội bằng cách kết luận: tội lỗi của Craig là quá rõ ràng, không có cách nào biện hộ được. Riêng Derek, chính hắn tự nhận đã cố tìm cách đột nhập vào nhà kho khi bị bắt, đã vũ trang bằng một nắm đấm sắt và một cây dao nhỏ, biết rõ Craig có súng, và đã kêu gọi Craig dùng súng bắn Fairfax, như thế Derek đã phạm tội giết người, mặc dù lúc cảnh sát viên Miles bị bắn tử thương, Derek đã bị bắt giữ và không hề tìm cách tháo chạy.

BỒI THẨM ĐOÀN LUẬN TỘI

Sau khi nhóm họp bàn thảo, bồi thẩm đoàn kết luận, cả hai có tội như đã bị cáo buộc. Tuy nhiên, biết là Derek có thể bị án tử hình, bồi thẩm đoàn viết thêm rằng, khi tuyên phạt nên khoan hồng cho Derek. Riêng Craig tuy là thủ phạm chính nhưng vì chỉ mới có 16 tuổi, nên không sợ bị án tử hình, vì luật mới ban hành năm 1948 không cho phép.
Chánh án Goddard tuyên phạt Craig án tù vô hạn định, và Derek án tử hình. Luật sư của Derek là ông Cassels đệ đơn chống án. Trong phiên tòa tái xét án của Derek, luật sự biện hộ bảo rằng chánh án Goddard đã quá hà khắc, và không để ý gì đến bằng chứng biện hộ cho Derek. Ông bảo lẽ ra chánh án Goddard phải nhắc nhở bồi thẩm đoàn là mối liên hệ giữa hai bị can đã chấm dứt khi Derek bị bắt mà không chống trả, vì vậy không thể buộc Derek phải chịu trách nhiệm cho những sự việc đáng tiếc xảy ra sau đó.
Nhưng ông chánh án tòa phá án không đồng ý với lập luận của luật sư biện hộ và giữ nguyên như cũ bản án của Derek. Việc hành quyết sẽ được tiến hành vào ngày 28/1/1953.
Tuy nhiên, Derek vẫn còn hy vọng. Đa số mọi người đều tin Derek sẽ được ân xá án tử hình. Vì ngay chính bồi thẩm đoàn cũng đã đề nghị khoan hồng cho Derek. Và từ trước tới nay, chưa hề xảy ra việc tên thủ phạm chính không bị xử tử trong khi tòng phạm phụ lại chịu án tử hình.
Tuổi của Derek cũng còn quá nhỏ, vì mặc dầu 18 tuổi là tuổi tối thiểu để bị án tử hình, nhưng trên thực tế những ai trên tuổi tối thiểu một hai tuổi thường được ân xá khỏi tội chết.
Hơn nữa, trong vụ án, người ta không hề cho biết tình trạng tâm thần của Derek. Thay vì là một tay tòng phạm độc ác tàn nhẫn như trạng sư công tố phát họa trong phiên tòa, nay mọi người biết rõ Derek là một người tối dạ, chậm hiểu, có trí thông minh rất thấp kém, hay bị bệnh nhức đầu và đôi khi bị lên cơn giựt kinh phong.
Khi biết được sự thật, công chúng trở nên thông cảm và tội nghiệp cho tình cảnh của Derek, và có hơn 100,000 người ký tên vào đơn xin miễn cho Derek án tử hình và có hàng trăm người viết thơ đến động viên ủng hộ gia đình Derek. Một số người đưa ra nhận xét sau, có thể Derek nói câu: "Let him have it, Chris!" với ngụ ý: "Hãy đưa súng cho ông ta đi, Chris!" chứ không phải xúi giục Craig bắn. Nhưng đa số mọi người thì tin rằng mới đầu Derek xúi Craig bắn, nhưng khi Craig bắn thật, làm Fairfax bị thương, Derek mới đâm ra hoảng hồn sợ hải và chỉ muốn đầu hàng cảnh sát thôi, không còn tâm thần đâu mà nghĩ đến việc chống lại nữa!

QUYẾT ĐỊNH CỦA ÔNG BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Nay quyết định tối hậu về vấn đề sinh tử của Derek nằm trong tay ngài David Maxwell Fyfe, bộ trưởng bộ nội vụ, và cũng là người chịu trách nhiệm cho toàn bộ lực lượng cảnh sát sát tại Anh Quốc. Lực lượng cảnh sát là nhóm duy nhất cho rằng án tử hình đối với Derek là công bằng. Lúc ấy ông bộ trưởng còn bị áp lực chính trị phải có hành động thật nghiêm khắc để làm gương cho kẻ khác, vì nhiều người có quyền thế trong chính trường Anh lúc ấy cho rằng, nước Anh đang bị chìm đắm trong một làn sóng tội ác do bọn tội phạm thiếu niên thi hành.
Tuy vậy, trong hồi ký của ông sau này, Maxwell tiết lộ, ông đã tìm mọi cách để có lý do ân xá cho Derek, nhưng không tìm thấy một lý do chính đáng nào. Rõ ràng là những người trực tiếp dưới quyền ông không hề có lòng "rộng lượng" như ông, vì khi một trong những bác sĩ của bộ đã khám y khoa tổng quát cho Derek trước khi vụ án được đem ra xét xử báo cáo là Drek bị bệnh kinh phong và là người kém thông minh, cấp trên của ông đã viết thư cảnh cáo, cấm không được tiết lộ tin tức ấy ra ngoài!
Vào ngày 26/1/1953, một phóng viên gọi điện thoại đến hỏi ý kiến gia đình Derek xem họ nghĩ gì về việc ông bộ trưởng đã không chấp nhận bỏ án tử hình cho con họ. Người ký giả khám phá, đây là lần đầu tiên gia đình Derek biết tin buồn ấy! Sau đó, ông bà Bentley chạy vô lục đống thư có đến gần ngàn bức mà họ giữ trong bồn tắm vì nhiều quá không có chổ nào khác thích hợp để chứa mới khám phá ra bức thư của Bộ Nội Vụ gửi hai hôm trước báo tin và bày tỏ niềm thương tiếc y án tử hình đối với con họ!

CÔNG CHÚNG NỔI GIẬN

Quyết định quá hà khắc, và cái lối thông báo thật thiếu tình người ấy, làm công chúng nổi giận. Dường như chính quyền nhất quyết treo cổ Derek để làm gương cho những thanh thiếu niên có khuynh hướng muốn phạm pháp.
Ông Sydney Silverman, một nghị viên đảng Lao Động cùng 50 nghị viên khác yêu cầu quốc hội mở khóa họp cấp tốc để bàn về quyết định quá nhẫn tâm của ông bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Nhưng ông chủ tịch nghị viện phán rằng, trong khi một án tử hình đang còn hiệu lực, thì nghị viện không nên bàn đến nó. Như thế có nghĩa là, chỉ sau khi Derek dã bị hành hình rồi, thì quốc hội mới có quyền bàn thảo đến sự phải trái trong việc kết án treo cổ Derek!
Chưa chịu thua, Silverman và Aneurin Bevan dẫn đầu một phái đoàn nghị sĩ đến gặp ông bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Nhưng ông bộ trưởng không hề bị lay chuyển, ngược lại còn tố cáo họ là chỉ muốn lợi dụng vụ án, làm ầm lên để làm như là những người có lương tâm để lấy điểm với cử tri!
Vào đêm trước ngày Derek bị treo cổ, một đám đông tụ tập trước nghị viện Anh. Họ tỏ ra rất giận dữ. Đến 1 giờ sáng, cảnh sát sợ chờ lâu họ sẽ nổi loạn, gây cảnh bạo động, liền điện thoại đến nhờ cha của Derek là ông William Bentley giúp đỡ. Ông William cùng con gái đến nói chuyện với đám đông, và họ yêu cầu ông và con gái cầm đầu đoàn biểu tình tuần hành đến trước điện Buckingham để yêu cầu nữ hoàng ân xá án tử hình cho Derek. Nhưng cuối cùng ông William thuyết phục được đám đông bỏ ý định ấy vì ông tin rằng, không có gì có thể thay đổi được số phận con ông nữa, và việc biểu tình có thể gây ra tai nạn đáng tiếc nếu lỡ có người nóng tính gây việc bạo động.
Vào ngày hôm sau, có một đám đông giận dữ khác tụ tập trước khám đường Wandworth Prison, là nơi sẽ tiến hành án tử hình. Khi sắp đến giờ quyết định, đám đông hơn 800 người ào đến đập cửa sắt nhà tù ầm ĩ. Sau đó họ ca hát, và khi một nhân viên nhà tù mở cửa ra để dán tấm cáo thị án treo cổ chính thức vào lúc 10 giờ sáng, đám đông liệng trái cây và tiền bạc cắc vào người ông và các nhân viên cảnh sát bảo vệ.
Tuy cuối cùng Derek vẫn bị xử tử, nhưng các nghị viên có lòng nhân ái như Sydney Silverman đã dùng trường hợp của Derek để làm lập luận chính cho việc chống lại án tử hình. Và cuối cùng, Silverman đã thành công trong việc thuyết phục quốc hội và chính phủ Anh thông qua đạo luật bãi bỏ án tử hình hoàn toàn tại Anh Quốc.
Riêng Christopher Craig được ân xá có điều kiện vào năm 1963. Từ đó về sau y không hề phạm pháp. Craig vẫn cương quyết khẳng định từ trước cho đến nay là Derek không hề xúi giục y bắn cảnh sát. Vào năm 1990, người ta dùng máy thử nói dối đo thái độ Craig và hỏi lại cùng một câu hỏi thì được máy cho biết là Craig đã nói thật!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.