Hôm nay,  

Kỷ Niệm Hưng Đạo Vương Và Trận Bạch Đằng

06/09/200400:00:00(Xem: 5609)
Nhân ngày kỷ niệm thánh tổ Hải Quân QLVNCH, chúng tôi mạn phép sơ lược lại một ít tiểu sử và công đức của Hưng Đạo Vương như một sự chia sẻ với anh em gia đình Hải Quân VNCH và cùng toàn dân thắp lên những nén hương lòng kính nhớ Ngài trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Hưng Đạo Vương tên thật là Trần Quốc Tuấn. Ngài sinh năm bính tuất (1226) tại làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ngài là một vị tướng văn võ song toàn dưới đời nhà Trần, nắm binh quyền suốt bốn đời vua. Từ Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và đến đời Anh Tông Ngài mới xin về hưu, dưỡng già và mất tại Vạn Kiếp, tỉnh Hải Dương ngày 20 - 8 năm Canh Tý (05-9-1300) hưởng Thọ 74 tuổi. Những tác phẩm Ngài để lại gồm có Binh Thư Yếu Lược, Hịch Tướng Sĩ và Vạn Kiếp Bí Truyền. Một điều đặïc biệt trong lịch sử là sự sáng suốt của Hưng Đạo Vương trong quan niệm trung hiếu. Theo sử sách, thân phụ Ngài có thù với vua Trần thái Tông, nên trước khi lâm chung, đã căn dặn phải tìm cơ hội rửa thù cho cha. Tuy nhiên, khi nắm trọn binh quyền trong tay, Ngài đã trọn nghĩa với Non Sông, Xã Tắc , trút bỏ thù nhà để giúp vua Thái Tông chống giặc, bình định Giang Sơn. Đây mới chính là chữ "Minh" sáng chói của kẻ sĩ mà khó có thể thấy được trong lịch sử thế giới.
Thường khi nói đến Hưng Đạo Vương thì không bao giờ có thể thiếu được Trận Bạch Đằng, một chiến thắng lẫy lừng đã khiến nhà Nguyên phải bỏ ý đồ xâm lăng và chấp nhận cầu hoà với nước ta, tạo được sự thanh bình thịnh trị một thời trong lịch sử.
Nói về trận Bạch Đằng, sau khi thảm bại và mất hết lương thảo trong trận Vân Đồn, Thoát Hoan định cho người về Tầu xin tiếp viện. Đoán được sự việc, Hưng Đạo Vương cho Tướng , sĩ trấn giữ cả lối về tại núi Kì Kíp, Ải Nữ Nhi ở Lạng Sơn. Tin tức bị lộ, Thoát Hoan mất tinh thần nên sai Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đi đường thủy theo sông Bạch Đàng rút chạy, cho bộ binh yểm trợ phía sau. Tuy nhiên, chiến thuật này cũng không thoát khỏi ánh mắt của Hương Đạo Vương, Ngài cho tướng Nguyễn Khoái đem quân lên phía thượng lưu sông Bạch Đằng trấn giữ, lấy gỗ đẽo nhọn, đầu bịt sắt đóng ngay giữa lòng sông, chờ thủy triều lên, cho vài chiến thuyền ra khiêu chiến và giả thua để nhử cho giặc lọt vào thế trận. Đến khi thủy triều xuống mới tập trung quay lại đánh.
Sau khi bố trận, Ngài chỉ xuống dòng Hoá Giang và thề rằng "Trận này không phá xong giặc Nguyên, thì không về đến sông này nữa!" Trước lời thề quyết chiến ấy, toàn quân phấn khởi, hô hào thẳng tiến về Bạch Đằng nơi Ô Mã Nhi vừa lọt vào thế trận. Quân địch trúng kế, hoàn toàn thất bại, xác trôi như bèo. Các tướng nhà Nguyên như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc đều bị bắt. Riêng Thoát Hoan nghe tin chiến bại, hốt hoảng dẫn tướng sĩ tháo chạy về Tầu, nhưng chỉ có Thoát hoan và Lỗ xích chạy thoát, còn lại toàn bộ tướng sĩ đã phải vùi thây trên chiến địa tại núi Kỳ cấp, ải Nội Bàng và ải Nữ nhi. Chiến thắng Bạch Đằng đã ghi đậm một dấu ấn lịch sử, và cũng là bài học để đời cho nhà Nguyên vào tháng ba năm Mậu Tý (1288). Cũng cần nói thêm ở đây, Hưng Đạo Vương là vị tướng đầu tiên trên thế giới đánh bại quân Mông cổ, một đội quânbách chiến, bách thắng ở khắp mọi nơi.

Có lẽ vì cuộc đời và sự nghiệp của Hưng đạo Vương quá nhiều hiển hách, xuất chúng, nên dân chúng đã dựng ra nhiều huyền thoại khi nói về ngài, người ta thường kể lại thân thế ngài như một vị thánh trong câu chuyện cổ tích.
Truyện kể rằng: Vào đời nhà Trần, tại Nam Định, chị dâu vua Trần thái Tôn là Anh Sinh Vương Phu nhân, một đêm mơ thấy một vị thần tự xương là "Thanh Tiêu Đồng Tử", phụng lịnh Ngọc Hoàng xuống thế để cứu vạn dân An Nam. Sau phu nhân thụ thai và sinh ra một bé trai hào quang rực rỡ, hương thơm toả khắp không gian, đứa bé này được đặt tên là Trần Quốc Tuấn. Ngay từ thủa bé Quốc Tuấán đã tỏ ra thông minh tuyệt đỉnh, mới lên năm tuổi đã biết làm thơ và thường chơi trò bày binh bố trận. Lớn lên, Quốc Tuấn là một thanh niên tuấn tú, văn võ song toàn và sau chính là vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương.
Truyện cũng kể rằng, có lần Thoát Hoan sang xâm lấn nước ta, hắn mang theo một tùy tướng tên Bá Linh tức Phạm Nhan, nghe đồn tên này có nhiều tài yêu thuật. Nghe tin, Hưng Đạo Vương bèn lập trận Cửu Cung, phá địch và bắt sống được Phạm Nhan. Đao phủ chém đầu Phạm Nhan hoài nhưng không chết, mất đầu này lại trồi ra đầu khác. Hưng Đạo Vương phải dùng thần kiếm của Ngài, mới trị tội được tên yêu đạo này. Người ta còn đồn rằng, sau này Phạm Nhan thường hiện hình quấy phá phụ nữ. Dân chúng phải thỉnh Uy linh của Ngài mới trừ được.
Năm nay tại chốn tạm dung, nhân ngày lễ kỷ niệm đức Hưng Đạo Vương, thánh tổ của quân chủng Hải Quân VNCH, chúng ta cũng không quên nhắc đến những người con yêu của Tổ Quốc - Đại Dương đã từng anh dũng hy sinh trong công cuộc bảo Quốc an dân của miền Nam trước năm 1975. Sau ngày Quốc Nạn , trong hoàn cảnh đau đớn phải "tan hàng rã ngũ", tuy nhiên, vẫn có những chiến sĩ Hải Quân can trường đã vì đại cuộc mà trở về hy sinh tại quốc nội trong lý tưởng "Giải trừ CS, phục hưng Tổ Quốc" như Hoàng cơ Minh, Trần thiện Khải, Võ Hoàng,v,v...
Trước hồn thiêng thánh tổ Hưng Đạo Vương và tất cả anh hùng, liệt sĩ, chúng ta tin rằng tinh thần các chiến sĩ Hải Quân VNCH vẫn cuồn cuộn trùng điệp như sóng biển ngàn khơi, tiếp tục dâng cao để cùng dân tộc cuốn trôi tất cả những đau thương, điêu tàn của đất nước, cùng bè lũ CS vô thần, đem chôn sâu dưới đáy biển Thái Bình trong một ngày không xa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.