Hôm nay,  

Tội Ác: Vụ Thảm Sát Ba Cảnh Sát Tại Anh

01/04/200800:00:00(Xem: 3123)

Thứ sáu 12/8/1966 là một ngày đầy nắng ấm. Lúc ấy cảnh sát viên Geoffrey Fox, thám tử cảnh sát David Wombwell và thám tử thượng sĩ Christopher Head đang đồn trú tại trạm cảnh sát Shepherds Bush ở đường Uxbridge thuộc thủ đô Luân Đôn. Cả ba đều không thể nào ngờ một ngày đẹp trời như vậy lại chính là ngày thảm tử của họ.
Khi ba cảnh sát viên kể trên đến nhiệm sở làm việc vào lúc 9 giờ sáng đều mặc thường phục. Ba người đã cùng nhau làm việc được vài tuần nay, nhiệm vụ của họ là lái chiếc xe tuần cảnh hiệu Triump 2000, chạy tuần tiễu khu F của thành phố Luân Đôn, bao gồm từ Hammersmith, Fullham đến The Bush.
Nhiệm vụ đầu tiên của họ sáng hôm ấy là sẽ đi chở thanh tra thám tử Ken Coote đến tòa án Marylebone Magistrate Court vào lúc 10 giờ sáng. Có năm tù nhân đã vượt ngục Wormwood Scrubs Prison hai tháng trước, bị bắt lại, và thanh tra thám tử Coote phải đến tòa để làm nhân chứng. Ông có đem theo nhiều tang vật, kể cả một sợi dây thừng được bọn vượt ngục dùng để leo tường nhà giam. Ba người chở Ken đến tòa, rồi bắt đầu lái xe chạy vòng vòng, tuần tiễu cho đến trưa rồi ghé vào quán Beaumont Arms tại Uxbridge Road để ăn trưa.
Sau đó, cả ba tiếp tục tuần tiễu cho đến 3 giờ 10 phút chiều, thì nhận được điện báo yêu cầu đến tòa án để chở thanh tra thám tử Coote về sở. Thám tử thượng sĩ Head trả lời điện báo viên, cho biết khoảng 20 phút sau họ sẽ có mặt tại tòa để chở thanh tra Coote.
Nhưng cuối cùng, ba người đã không thể y hẹn. Vì lý do gì đó không rõ, họ quyết định theo dõi một chiếc xe cũ kỹ, bệ rạc hiệu Vauxhall Standard Vanguard có chở ba người đàn ông. Có thể họ nghi ngờ vì chiếc xe trông có vẻ "cô hồn" quá chăng" Hay vì họ nhận diện được một trong những người đàn ông ngồi trong xe là tay tội phạm từng có tiền án" Không một ai rõ thực sự tại sao họ lại theo đuổi chiếc xe Vanguard. Có thể đây chỉ là do trực giác nhạy bén của một cảnh sát viên có kinh nghiệm lâu năm, nhưng cuối cùng thám tử thượng sĩ Head quyết định, việc kiểm soát chiếc xe van màu xanh là quan trọng hơn việc đến chở thanh tra Coote đúng giờ nhiều.
Họ theo chiếc xe van đến đường Braybrook Street, một phần của con đường này chạy dọc theo bờ tường của nhà tù Wormwood Scrubs. Hôm ấy là một ngày nắng ấm, và các học sinh nghỉ hè đang chơi đùa trên vỉa hè và sân cỏ rộng gần đó.
Khi xe cảnh sát chạy vượt qua chiếc xe họ tình nghi, thượng sĩ Head, ngồi trên ghế hành khách, ra hiệu cho xe van tấp vào lề. Chiếc xe cảnh sát 'Q' đậu một khoảng ngắn phía trước xe van. Thám tử thượng sĩ Head và thám tử cảnh sát Wombwell bước ra tiến về hướng xe van, trong khi cảnh sát viên Fox ngồi chờ trong xe. Theo nguyên tắc hành sự thường lệ của cảnh sát, Fox để máy xe rồ sẵn, để có thể sẵn sàng bắt đầu một cuộc đuổi bắt nếu xe kia bỏ chạy.
Thám tử thượng sĩ Head hỏi tài xế có phải là chủ xe không" Tài xế trả lời đúng vậy. Thượng sĩ Head liền yêu cầu cho xem bằng lái và giấy bảo hiểm xe. Tài xế liền ngoan ngoãn trình các loại giấy tờ. Sau khi xem xét kỹ, thượng sĩ Head chỉ vào giấy bảo hiểm lưu hành xe cộ, tuyên bố: "Giấy này đã quá hạn ba ngày rồi". Sau đó thám tử cảnh sát Wombwell bắt đầu móc sổ phạt ra ghi tên tuổi, địa chỉ tài xế và chi tiết chiếc xe.
Lúc này, thượng sĩ Head đã đi vòng về đàng sau và qua phía bên kia chiếc xe van. Trong khi tài xế đang năn nỉ xin thông cảm, thượng sĩ Head chợt nhìn thấy một cái bị được nhét giữa hai ghế trước. Tò mò, ông hỏi: "Cái bao này chứa gì ở trong""
Những gì xảy ra ngay sau đó đã làm cả nước Anh rúng động và là nguyên nhân tạo nên một cuộc săn lùng tội phạm vĩ đại, kéo dài đến ba tháng trời.
Khi Wombwell rướn người về phía trước để nói chuyện với tài xế và nhìn cái bị cho rõ, người đàn ông ngồi ở ghế hành khách phía trước cạnh tài xế bất thần rút súng bắn ông trong một khoảng cách không đầy gang tấc khiến ông té nhào xuống sàn xe.
Thượng sĩ Head chứng kiến bạn đồng nghiệp mình bị bắn chết, nhưng vì không có vũ khí nên chạy vội về hướng chiếc xe cảnh sát đang đậu. Trong khi đó tên giết người thét bảo bạn hắn đang ngồi ở băng sau hãy lấy súng đi thanh toán tên cảnh sát đang ngồi trong xe gấp. Chính hắn cũng nhảy vội ra.
Khi Head chạy bán sống bán chết về hướng xe cảnh sát, tên sát nhân chĩa súng bắn một phát nhưng không trúng. Người ta nghe Head la hoảng, "Không! Không! Không!" Tên sát nhân chạy đuổi theo Head, khi Head chạy đến trước đầu xe cảnh sát thì bị bắn vào lưng, té nhào, phổi bị một viên đạn xuyên thủng, nhưng chưa chết.
Khi nhìn thấy hai người bạn bị bắn, trong khi mình lại không có vũ khí để tự vệ, Fox rất hoảng sợ. Ông cần phải chạy thoát khỏi phạm trường gấp. Nhưng Fox không thể chạy về phía trước vì có xác bạn nằm chắn ngang giữa đường. Fox cũng không thể chạy lui vì chiếc xe của hung thủ đang đậu ngay đàng sau. Trong khi Fox còn lưỡng lự tính toán, tên thứ ba trong xe đã chớp nhoáng nhảy ra, chạy về phía Fox. Đứng gần cửa xe của tài xế, hắn bắn ba phát vào người Fox, hai viên bắn hụt nhưng viên thứ ba trúng ngay màng tang trái, xuyên thủng óc. Fox ngã người vào tay lái, chết tức thời. Vì máy xe đang nổ, và chân của Fox đang đạp ga, chiếc xe nhào về phía trước, cán qua người thượng sĩ Head, đang thoi thóp thở làm ông chết liền sau đó. Vì xác của Head kẹt dưới gầm xe, chiếc xe cảnh sát bị mất trớn, không tiến lên được, mặc dù bánh sau quay tít cán lên người Head, được nửa chừng lại tụt trở xuống. Khói bắt đầu tỏa ra từ máy xe và trên đường nhựa khi bánh xe sau quay nhanh và ma sát vào mặt đường.
Lúc này tên tài xế xe van đã chạy ra để xem xét tình hình, nhưng hai tên sát nhân chạy về hướng hắn, nhào vào xe và thét lên: "Chạy, chạy cho mau!"
Tên tài xế la lên: "Trời đất quỷ thần ơi! Bọn bây điên hết rồi à!"
Tên sát nhân hét lớn: "Lái xe lẹ lên... bằng không tao sẽ tặng cho mày một viên đạn chì như bọn cớm!"
Không muốn nhìn thấy cảnh xác ba nhân viên công lực nằm chết trên đường phố, tên tài xế vội lái xe chạy ngược xuống đường Braybrook Street, và đường Erconwald Street, sau đó mới chạy thẳng về hướng Hammersmith.

BỌN SÁT NHÂN TẨU THOÁT

Ông Bryan Deacon đang lái xe ngược hướng xe van, nhìn thấy bọn sát nhân đang đào thoát, vì thấy chúng có vẻ rất vội vã, hoảng hốt, chạy xe bạt mạng, tướng trông thật bất lương và tay thì cầm súng, nghi rằng bọn này là tù vượt ngục, ông liền bảo bà vợ Patricia đang ngồi kế bên: "Bà hãy ghi nhớ bảng số chiếc xe van xanh kia cho tôi... Tôi dám chắc nó là xe của tù vượt ngục mới trốn khỏi trại tù Wormswood Scrubs đó".
Khi họ chạy về phía trước, định tìm một phòng điện thoại công cộng để báo cảnh sát, thì nhìn thấy cảnh thảm sát đẫm máu trên đường phố. Họ nhìn thấy xác chết của ba cảnh sát và chiếc xe bị bắn thủng kiếng vẫn còn đang cố chạy qua xác một nạn nhân bị kẹt dưới gầm xe. Một tài xế xe vận tải chạy ngang thấy vậy vội chạy đến tắt máy xe, và yêu cầu ông Deacon gọi cảnh sát gấp. Deacon vội nhảy lên xe ông, chạy thêm một khoảng mới tìm được điện thoại trong một tiệm bán thịt, liền gọi số cấp cứu ở Anh là 999. Sau đó ông để bà vợ ở lại tiệm thịt, chạy vội trở về hiện trường. Khi cảnh sát đến, tức tốc ông đưa cho họ tờ giấy gói thịt, trên đó có ghi lại số của chiếc xe van khả nghi: PTG 726. Cảnh sát tức khắc gọi điện thông báo số xe cho tất cả các nhân viên công lực trong thành phố Luân Đôn rõ.
Một đội điều tra tức khắc đuơc thành lập đưới quyền chỉ huy của thanh tra cảnh sát trưởng Richard Chitty. Mục tiêu đầu tiên của Richard là tông tích chiếc xe van xanh bị nhìn thấy rời khỏi hiện trường. Nếu tìm thấy nó, sẽ dẫn đến tông tích những hung thủ ngồi trong xe.
Ngày nay, nếu biết số xe, nhà chức trách có thể dùng máy tính điện tử để truy lùng địa chỉ, tên tuổi của chủ xe trong vòng vài giây đồng hồ. Nhưng vào thập niên sáu mươi, những hồ sơ này được ghi trong những tấm bìa cứng, xếp tên theo vần ABC (card index), và được lưu trữ tại County Hall (Tòa Hành Chính Thành Phố) nằm bên kia bờ sông Thames, đối diện với cơ sở Scotland Yard cũ. Không may là khi các sĩ quan cảnh sát đến nơi để lục hồ sơ, đã quá 5 giờ chiều, và County Hall đã đóng cửa! Cảnh sát phải mất thời giờ chạy đi tìm kiếm nhân viên có trách nhiệm giữ chìa khóa. Cuối cùng họ đã tìm ra được tấm bìa cứng muốn tìm: chiếc xe mang biển số PGT 726 là của John Edward Witney ở số 10 đường Fern Head Road, vùng Paddington, Luân Đôn.
Đến 9 giờ đêm, thanh tra cảnh sát Steventon và một thượng sĩ cảnh sát đã tìm đến địa chỉ nêu trên. Witney bảo là đã bán chiếc xe van cho một người không rõ tên tuổi với giá $15 bảng Anh! Witney trước sau lắc đầu tuyên bố anh không hề dính dáng hoặc biết gì về vụ án và bảo lúc án mạng đang xảy ra hắn đang ngồi uống rượu một mình ở Eastcote gần Harrow. Sau đó hắn đi vào phòng đánh cá (tương tự như TAB của Úc) chơi một lúc trước khi về nhà. Nhưng khi cảnh sát điều tra lại, thì không tìm ra ai làm nhân chứng để xác minh rằng Witney đã khai thật!
Bị lật tẩy nhưng Witney vẫn khăng khăng tuyên bố là thật sự đã bán chiếc xe trước khi vụ án xảy ra cho một người không quen! Nhà chức trách sau đó đưa Witney về giam giữ tại trạm cảnh sát Shepherds Bush.
Không thể thuyết phục được Witney khai thật, cảnh sát liền công khai kêu gọi dân chúng giúp đỡ cho tin về vụ thảm sát. Chẳng bao lâu sau, một tài xế xe vận tải điện thoại đến thông báo, ông trông thấy một chiếc xe van màu xanh vào chiều tối thứ Bảy được lái vào đậu tại một gara cho mướn ở đường Tinworth Street, Vauxhall. Gara này nằm dưới vòng cung đường xe lửa chạy vào trạm Waterloo. Sáng sớm Chủ Nhật, cảnh sát đến nơi, tìm thấy chiếc xe và được biết người mướn chỗ đậu là Witney!
Cảnh sát đưa chiếc xe van về trạm Holborn để giảo nghiệm. Nhân viên điều tra tìm thấy ba vỏ đạn 0.38 ly trên sàn xe và xác định những vỏ đạn này được bắn từ cùng một cây súng đã giết chết thám tử Wombwell, người bị bắn đầu tiên. Các nhân viên điều tra còn tìm thấy dấu tay của hai tên tội phạm có tiếng: John Duddy và Harry Roberts. Cảnh sát buộc Witney, 36 tuổi, thất nghiệp, với tội tòng phạm trong vụ án mạng xảy ra vào ngày 12/8/1966 trên đường Braybrook Street, Luân Đôn, gây nên cái chết của ba nhân viên công lực đang thi hành phận sự là Christopher Tippett Head, David Stanley Bertram Wombwell và Geoffrey Roger Fox.
Witney tuyên bố một câu trong đó hắn có ý đổ tội cho người khác. Hắn bảo: "Tôi không lo sợ cho chính mình. Tôi biết mình sẽ bị bỏ tù lâu lắm, nhưng tôi lo sợ cho sự an toàn của gia đình tôi. Tôi thề trước mặt thượng đế là tôi không hề nhúng tay vào việc bắn ba viên cảnh sát". Witney không nhớ rõ một cách chắc chắn số nhà của Roberts và Duddy, vì vậy cảnh sát chở hắn tới nơi để hắn chỉ rõ căn nhà nào là đúng. Sau đó nhà chức trách phái một đội cảnh sát vũ trang tận răng đến kín đáo vây quanh căn nhà.
Đến 5 giờ sáng, cảnh sát bất thần tấn công vào cả hai căn nhà cùng một lúc nhưng không hề tìm thấy Roberts hoặc Duddy. Chỉ có hai đứa con gái tuổi vị thành niên của Duddy có mặt tại nhà. Cha mẹ của hai em đã ly thân vài tuần trước. Hai em cho biết, từ hôm thứ Bảy cho đến nay không được gặp mặt cha.
Roberts cũng đã có vợ, nhưng hai vợ chồng ly dị sau khi Roberts bị bỏ tù vì tội cướp có vũ trang và bạo hành. Hiện Roberts đã cặp bồ với bà Lillian Perry và dọn về ở chung với một cặp vợ chồng khác, ông bà Howard, ở đường Wymering Road, Paddington. Khi cảnh sát tấn công vào, chỉ có ông bà Howard và các con có mặt tại nhà.


Trưởng thanh tra cảnh sát Chitty liền công bố mô tả chi tiết của hai phạm nhân còn tại đào cho báo chí, như sau: Harry Maurice Roberts, sinh tại Wanstead East, 30 tuổi, cao khoảng thước tám lăm, nước da trắng trẻo, tóc nâu, mắt xanh, có vết sẹo dưới mắt trái và trên ngón cái bên tay trái. Hắn có thể dùng tên giả là Ronald Ernest Hall với địa chỉ ở Bắc Luân Đôn, hoặc John O'Brien với địa chỉ ở Southall.
John Duddy, sinh tại Glasgow, 37 tuổi, cao một thước bảy, dáng người tầm thước, mập mạp, nước da trắng trẻo, tóc nâu nhạt và mắt xanh. Hắn có sẹo trên đầu ngón chỏ và trên cánh tay mặt. Hắn còn xâm mình hình một cái sọ bị xuyên thủng và một trái tim, với dòng chữ "True To Death".
Cảnh sát khám phá cả Duddy lẫn Roberts đã quyết định trốn đi xa khỏi Luân Đôn. Duddy đã đi Scotland, nhưng nhờ có mật báo, hắn bị câu lưu tại Glasgow vào ngày thứ Ba 16/8/1966.     
Nhà chức trách phái trưởng thanh tra cảnh sát John Hinsley và thanh tra cảnh sát Jack Slipper đến Glasgow để đưa Duddy về Luân Đôn bằng đường hàng không dân sự. Trên máy bay, Duddy thú nhận toàn bộ tội lỗi với cảnh sát.

"CHÍNH ROBERTS LÀ NGƯỜI NỔ SÚNG TRƯỚC"

Duddy tuyên bố: "Tôi cần phải kể lại hết cho các ông rõ đầu đuôi câu chuyện. Chính Roberts là người nổ súng trước. Chính nó bắn hai ông cảnh sát vừa bước ra khỏi xe và thét bảo tôi phải bắn người còn lại. Không biết làm sao hơn tôi vội chộp súng, chạy đến xe cảnh sát và bắn xuyên qua cửa xe. Chắc là lúc ấy tôi điên rồi mà! Tôi ước gì các ông có thể treo cổ tôi ngay bây giờ". Nhưng sau này trong tòa án, Duddy lại chối là không hề nói những lời này!
Họ đến trạm cảnh sát Shepherds Bush vào lúc 10 giờ 15 chiều, và Duddy bị buộc tội có liên can dến cái chết của cả ba nạn nhân. Duddy giải thích: "Tôi không hề muốn giết người, nhưng chỉ muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng, dễ dàng. Bây giờ tôi mới tự nhận thức được sao mình ngu quá. Có một điều tôi muốn cám ơn mấy ông là cách đối xử rất nhân đạo và lịch sự của các ông đối với tôi. Khi bị bắt tôi cứ ngỡ là sẽ bị đánh đập trả thù vì đã giết bạn đồng nghiệp của các ông".
Trong khi đó, Roberts đã trốn về vùng Epping. Sau khi trở về nhà ở gia đình nhà Howard, bà Perry đã thành thực khai báo với cảnh sát. Bà bảo vào ngày vụ án mạng xảy ra, Harry Roberts trở về nhà vào lúc 7 giờ tối. Trông Roberts có vẻ rất khích động, dường như mới chạy bộ thật nhanh về nhà, vì mặt mày nóng đỏ và thở hổn hển. Roberts than bị nhức đầu và không thể ăn tối được.
Khi bà Perry kể cho Roberts biết vụ cảnh sát bị bắn chết mà bà mới nghe được trên đài phát thanh, Roberts thét lên: "Câm mồm". Sau đó Roberts công nhiên tuyên bố với bà Perry: "Thủ phạm chính là nhóm của anh. Nếu hai tên cảnh sát ngu xuẩn ấy không xía mũi vào chuyện người khác thì đâu đến nỗi bị như vậy! Anh biết nếu để chúng lục lạo trong xe thì thế nào chúng cũng sẽ tìm ra mấy cây súng, và bọn anh sẽ bị tù đày. Anh nghĩ thà bắn nhau với cảnh sát, một sống một chết, còn hơn là bị đi tù 15 năm một cách lãng nhách!"
Theo bà Perry, vào sáng ngày thứ Bảy, sau khi vụ án mạng xảy ra, bà và Roberts đi chợ mua sắm một ít đồ. Khi về nhà, thì thấy Duddy ôm bao súng ngồi chờ đã khá lâu. Roberts liền đem súng giấu dưới gầm giường. Sau đó cả ba cùng các đứa con của gia đình Howard đi bát phố vào buổi trưa, nhưng nhớ về kịp giờ để Richards xem chương trình đô vật trên truyền hình. Đô vật là một chương trình mà Roberts rất ghiền xem.
Roberts yêu cầu Duddy giúp hắn đem chiếc xe van đi "thủ tiêu", nhưng Duddy từ chối. Bà Perry và Roberts đi đến chỗ đậu xe xem xét, để Duddy ở nhà trông chừng mấy em bé giúp gia đình Howard. Trở về, Roberts lại nài nỉ Duddy phi tang chiếc xe dùm, nhưng Duddy nhất định không làm.
Sáng Chủ Nhật ngày hôm sau, sau khi Duddy bỏ trốn về Scotland, Roberts và bà Perry bỏ vật dụng cần thiết vào một vali và đến ở trọ tại khách sạn Russell, dùng tên giả là ông bà Crosby.
Sáng hôm sau, cả hai đi đến trạm Euston. Mới đầu Roberts cũng định đi Scotland, sau đó dổi ý. Hắn mướn chỗ bỏ vali trong trạm và chạy đi mua sắm dồ cắm trại tại một cửa hàng bán đồ cũ ở gần King's Cross. Sau đó cả hai đi xe đò đến Camden Town và sang một chuyến xe đò khác đi Epping.
Tại Epping, cả hai xuống xe và đi bộ đến gần khu Wake Arms. Roberts bảo: "Em có thể về được rồi. Từ chỗ này anh phải đi một mình. Nếu anh có thể trốn một thời gian, chờ cho tình hình lắng dịu lại, lúc đó hy vọng mọi người sẽ quên đi và anh có thể trở về với em được".
Sau này Roberts tự thú lúc đó y cũng không biết mình sẽ đi đâu nữa. Hắn bắt đầu khóc, làm bà Perry cầm lòng không được phải mủi lòng khóc theo. Sau đó Roberts đưa tiền để bà Perry có thể mua vé xe trở về Luân Đôn, còn hắn thì bắt đầu tiến vào vùng rừng Epping để trú ẩn.

CUỘC SĂN LÙNG TRONG KHU RỪNG EPPING

Tin theo lời khai của bà Perry hằng trăm cảnh sát, một số có vũ trang, cùng với chó và một chiếc trực thăng bắt đầu mở một cuộc truy lùng rộng lớn để tìm bắt Roberts trong vùng rừng Epping. Nhưng họ không thể tìm thấy dấu vết gì của Roberts tại đây. Vào ngày 25/8/66, mẹ của Roberts lên truyền hình, công khai yêu cầu con hãy ra đầu thú cảnh sát: "Robin, đây là mẹ của con. Mẹ chân thành yêu cầu con hãy ra đầu thú cảnh sát. Nếu con muốn nói chuyện với mẹ, cứ gọi cho biết chỗ hẹn, mẹ sẽ tìm đến. Mẹ rất đau lòng vì chuyện này. Xin con hãy thương mẹ mà ra đầu thú, trước khi có thêm nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra. Mẹ đã thao thức rất nhiều về việc này con ạ. Đây là ý của chính mẹ, không bị ai ép buộc cả".
Vợ cũ của Roberts cũng yêu cầu Roberts ra đầu thú. Nhưng mặc cho hằng trăm người báo cáo đã nhìn thấy Roberts ở khắp nơi, và một giải thưởng $1000 bảng Anh, nhà chức trách vẫn không tìm ra dấu tích của hắn.
Lẽ ra Roberts đã bị bắt sớm hơn nhiều nếu nhà chức trách chịu bỏ công điều tra kỹ lưỡng những lời báo cáo kể trên. Vào tháng Mười, có ba cậu bé đi săn thỏ trong vùng Thorley Wood, Hertfordshire, chỉ cách rừng Epping Forest có hai dậm, tình cờ bắt gặp một túp lều được ngụy trang khéo léo, nằm lẫn trong bụi rậm. Trong lều có một người đàn ông đang nằm nghe radio. Một trong ba em kể lại việc này cho mẹ nghe, nhưng bà chỉ mỉm cười cho là thằng con giàu tưởng tượng.
Cách đó hai dậm là một cửa hiệu bán tạp hóa. Thường có một vị khách ăn mặc xập xệ, khoác áo choàng của lính đến tiệm mua hàng mỗi tuần. Mặc dù bà chủ tiệm có nhận xét là người này trong giống Harry Roberts nhưng bà lại thiếu cảnh giác nên không hề báo cho cảnh sát biết.
Vào ngày 14/11/1966, vụ án xử John Witney và John Duddy bắt đầu tại toà án hình sự trung ương số một (Central Criminal Court no 1). Chánh án là Glyn Jones, trạng sư công tố là ngài Elwin Jones; luật sự biện hộ cho Duddy là James Comyn, và luật sự biện hộ cho Witney là ông Hudson.
Trạng sư công tố Elwin tuyên bố: "Hai can phạm đã tàn nhẫn sát hại ba nhân viên công lực trong lúc họ đang thi hành phận sự bảo vệ an ninh cho người dân lương thiện. Cả hai phải chịu trách nhiệm cùng với một tên sát nhân thứ ba khác hiện còn tại đào đối với những hành vi kinh khiếp ấy. Cả hai đều biết, những khẩu súng đã nạp đạn sẵn họ đang vận chuyển trong xe sẽ được dùng khi cần trong khi thi hành tội ác mà họ dự định sẽ làm vào ngày hôm đó, hoặc sẽ dùng trong khi tẩu thoát".
Trạng sư công tố đưa nhân chứng là các em bé đang chơi đùa gần đó trong lúc án mạng xảy ra. Một bé gái 14 tuổi cho biết em nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát đậu giữa đường Braybrook Street phía trước một chiếc xe van. Em nhìn thấy ba người đàn ông ngồi trong xe van. Theo em nghĩ, một người trong số này trông rất giống Bobby Charlton là một tay cầu thủ đá banh nổi tiếng bấy giờ. Em nhìn thấy hai cảnh sát đến khám xe van, đòi xem giấy tờ, rồi ba người cảnh sát bị bắn chết như đã kể. Một em bé mười tuổi khác cũng khai tương tự như thế, nhưng lúc đầu em tưởng là những người này đang đóng phim!
Vào đúng ngày đầu của phiên tòa, trưởng thanh tra cảnh sát Chitty nhận được tin người ta đã tìm thấy một cái lều được ngụy trang rất khéo léo tại vùng Thorley Wood, cách Epping Forest ba dặm. Khi lấy dấu tay trong lều thì đúng là của Roberts.
Mới đầu một thanh niên dân Gypsy 21 tuổi tên John Cunningham đã khám phá ra cái lều này vào ngày 10/11/66 trong khi đi săn lậu ban đêm ở Thorley Wood. Anh thấy sao có ánh sáng phát ra từ bụi rậm và khi bò đến gần thì nghe thấy tiếng muỗng nĩa khua loảng xoảng chứng tỏ một người đang ăn đồ hộp.
Sau đó Cunningham có kể lại cho ông già nghe nhưng rồi không ai báo gì với cảnh sát. Cho đến khi ở gần đó xảy ra một vụ mất trộm, và cảnh sát đến trại của dân du nục để "hỏi thăm tin tức". Khi được nghe kể về người đàn ông sống trong bụi rậm, viên cảnh sát không ngăn nổi tính tò mò. Đi cùng với một bạn đồng nghiệp khác, cuối cùng cả hai tìm ra căn lều giống y như anh chàng Gypsy kể. Hai người kiên nhẫn ngồi núp quan sát lều trong vòng 24 tiếng đồng hồ mà không thấy ai trở về. Họ liện gọi viện binh đến bao vây cả vùng một cách bí mật. Vào ngày thứ Ba, mọi người bắt đầu tiến vào rừng lùng xục chủ của túp lều.
Nằm kế bên Thorley Wood là Nathan's Wood. Trong khi lùng xục, hai cảnh sát viên Peter Smith và Oswald Thorne tiến về hướng một căn nhà kho chứa cỏ cho bò, ngựa, nằm trong vùng Nathan's Wood, vì có người báo cáo đã nhìn thấy một người đàn ông lạ lảng vảng gần đó. Khi thượng sĩ Smith tìm kiếm giữa các bành cỏ khô lớn, ông nhìn thấy một bình rượu cồn. Loại rượu này được dùng để làm nhiên liệu đốt lò cắm trại. Nghi ngờ, ông kéo bỏ một bành rơm ở kế bên và phát hiện một lò cắm trại và một cây đèn bấm được giấu ở dưới.
Ông kéo bỏ một bành rơm nữa và khám phá ra một cái nốp vải (Sleeping bag) ở dưới bành! Đến khi Smith dùng nòng súng trường xỉa vào nốp xem có người ở trong không thì Roberts, lúc đó đang ngủ, thò đầu ra la lên: "Đừng bắn! Tôi không chống cự đâu! Trốn chui trốn nhủi bấy lâu nay đã quá đủ rồi! Tôi chịu không nổi nữa! Tôi rất mừng mấy ông tìm thấy tôi". Sau khi bắt còng Roberts, hai nhân viên công lực mới phát hiện, trong nốp của Roberts có giấu một khẩu súng Luger đã lên đạn sẵn, nếu họ không cẩn thận thì đã bị làm thịt y như ba đồng nghiệp xấu số rồi!

ÁN CHUNG THÂN

Trưởng thanh tra cảnh sát Richard Chitty vội vã rời khỏi tòa án chạy đến trạm cảnh sát để thẩm vấn Roberts. Trong lời khai, Roberts khai hắn không hề giết cảnh sát viên Fox, nhưng công nhận hết các sự kiện khác. Sau đó hắn bị đưa ra tòa West London Magistrates Court để định ngày luận tội và tòa quyết định nên xử chung với Witney và Duddy. Tòa định ngày xử án mới là ngày 6/12/1966.
Vào ngày này, theo lời khuyên của các luật sư biện hộ cho họ, cả Witney và Duddy đều tuyên thệ là vô tội. Riêng Roberts thì thẳng thắn nhận tội đã cố sát hai nhân viên công lực là Head và Wombwell, và tòng phạm trong vụ ám sát cảnh sát viên Fox.
Sau năm ngày xử án, bồi thẩm đoàn chỉ cần có 30 phút bàn thảo đã hoàn toàn đồng ý là cả ba đều có tội như công tố viện đã tố cáo.
Chánh án Glyn Jones phạt cả ba án tù chung thân không được quyền hưởng ân xá trong vòng ba mươi năm.
Cả Witney lẫn Roberts đệ đơn xin chống án nhưng đều bị bác bỏ. Vào tháng hai năm 1981, Duddy bị bệnh nặng và từ trần trong bệnh viện Parkhurst Prison Hospital.
John Cunningham, anh chàng thanh niên Gypsy, được thưởng ba trăm bảng Anh vì có công phát hiện căn lều của Roberts. Các thân nhân của ba cảnh sát viên là vợ hoặc mẹ được trợ cấp mỗi người $26,250 bảng Anh. Đây là phần tám tổng số tiền quyên góp được cho gia đình nạn nhân là $210,000 bảng Anh. Số tiền còn lại được bỏ vào một quỹ đặc biệt để lo việc ăn học cho con em của ba cảnh sát viên bất hạnh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.