Hôm nay,  

Diệt Chủng Văn Hóa

20/03/200800:00:00(Xem: 4086)
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh Cuộc biểu tình khởi sự từ ngày 10-3 của dân chúng và tăng lữ Tây Tạng tại Thủ đô Lhasa để phản kháng ách cai trị Trung Cộng vào dịp kỷ niệm cuộc nổi dậy đẫm máu bất thành năm 1959, đã trở nên khốc liệt thêm vì sự đàn áp tàn nhẫn của bọn bành trướng Bắc Kinh. Cho đến nay đã có trên 100 người chết và bị thương, nhiều người bị bắt giam. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện sống lưu vong tại Ấn Độ vẫn chủ trương tranh đấu bất bạo động. Nhưng bạo lực đã xẩy ra trong các cuộc xung đột, Ngài đau sót nói: "Nếu tình thế tệ hại hơn nữa, tôi sẽ phải từ chức Chủ tịch Chính quyền lưu vong Tây Tạng. Bạo lực là tự sát. Dù chết đến 1,000 người Tây Tạng cũng chẳng có ích gì". Năm 1950, ngay sau khi chiếm được Hoa lục và làm chủ Bắc Kinh, Trung Cộng đã vội vã xua quân chiếm Tây Tạng và qua năm sau đã đặt xong ách thống trị lên nước này. Chiến lược của Mao Trạch Đông lúc đó rất dễ hiểu. Tây Tạng nằm sát biên giới phía Tây Hoa lục. Vùng này núi non hiểm trở thời Tam quốc gọi là đất Ba Thục. Lưu Bị đã xuất quân từ đây để dựng lại cơ nghiệp nhà Hán. Trước đây chính phủ Quốc dân đảng đã an toàn dùng đất này, đóng đô ở Trùng Khánh để kháng chiến chống quân Nhật trong Thế chiến II. Đây là vùng gồm ba tỉnh Cam Túc, Thanh Hải và Tứ Xuyên của Trung Quốc. Nếu không giữ vững cái yết hầu này, chính quyền ở Bắc Kinh sẽ bấp bênh như trứng để đầu đẳng. Đó là lý do tại sao Mao phải chiếm Tây Tạng trước hết. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay là Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng. Ngài đã lên ngôi từ năm 4 tuổi nhưng đến năm 15 tuổi Ngài mới thực sự giữ quyền lãnh đạo tối cao Phật giáo Tây Tạng. Đó là năm 1951, cũng là năm Trung Cộng bắt đầu đặt ách thống trị ở nước này. Năm 1959, người Tây Tạng nổi lên tranh đấu võ trang chống Trung Cộng nhưng thất bại, những thành phần nổi loạn phải chạy qua Ấn Độ. Đạt Lai Lạt Ma cũng chạy theo. Chính quyền lưu vong Tây Tạng được đặt ở Dharamsala, một thành phố thuộc Bắc Ấn. Từ tuần trước những người Tây Tạng sống lưu vong ở Ấn đã tổ chức một cuộc diễn hành lớn dự liệu đi trong 6 tháng từ Ấn đến Thủ đô Lhasa của Tây Tạng. Đạt Lai Lạt Ma đã ra lệnh cho đoàn người tuần hành dừng lại trước khi tiến qua biên giới vào đất Tây Tạng. Điều đáng chú ý là ngay sau khi xẩy ra vụ nổi dậy ở Lhasa, tại ba tỉnh Hoa lục giáp giới Tây Tạng dân chúng gốc Tây Tạng sống rất đông, đã nổi lên biểu tình chống sự xâm lược của Trung Cộng. Nhiều người bị bắn chết hay bị bắt giam. Ngay tại Bắc Kinh cũng có những người gốc Tây Tạng biểu tình phản đối. Trong khi đó, các cộng đồng người Tây Tạng ở nhiều nơi trên thế giới cũng biểu tình phản đối Trung Cộng. Tình hình này càng gây thêm bối rối cho Trung Cộng vì vào tháng 8 năm nay Thế Vận Hội 2008 sẽ khai mạc ở Bắc Kinh. Đây là một biến cố lịch sử, vì lần đầu tiên Thế Vận Hội được tổ chức ở Trung Quốc. Trước ngày họp thể thao quốc tế, vụ đàn áp thô bạo Tây Tạng đã làm Bắc Kinh bị tố cáo chà đạp lên nhân quyền. Không chắc Thế Vận Hội sẽ bị hoãn hay bị tẩy chay, nhưng chính quyền Bắc Kinh đang cuống cuồng tìm cách sớm dập tắt cuộc nổi loạn và che đậy tính nghiêm trọng của biến cố đang xẩy ra. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lên án Trung Cộng phạm tội "diệt chủng văn hóa" đối với người Tây Tạng và kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về vụ này. Ngài dùng cụm từ chữ Anh "Cultural Genocide" lần đầu tiên được phổ biến trong giới truyền thông quốc tế. Tôi thích cụm từ này nên dịch là "diệt chủng văn hóa". Diệt chủng có nghĩa là tội ác tiêu diệt cả một chủng tộc, như Đức Quốc xã dưới thời Hitler đã làm. Đây là một tội bị Tòa án Quốc tế xử rất nặng, thường là tử hình. Nếu vậy tại sao Đức Lạt Ma lại ghép thêm từ "văn hóa", Ngài muốn nói "diệt chủng tộc" hay "diệt văn hóa"" Đây mới thật là chỗ vi diệu nhất của lời vị Thánh tăng Phật giáo. Văn hóa của một dân tộc thường được phơi bày qua văn tự và ngôn ngữ của dân tộc đó. Tôi đã từng viết tham vọng bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh ngày nay đã xuất hiện từ thời nhà Hán bên Tầu khoảng 200 năm trước Công Nguyên, tức là cách đây 2,200 năm. Bằng cớ ở đâu" Để trả lời câu hỏi này, hãy nhìn xem tại sao cho đến bây giờ chữ của người Tầu vẫn được gọi là "Hán tự" - chữ Hán, chớ không phải chữ Trung Hoa" Đó là vì sau thời Chiến quốc, vua Hán tóm thâu thiên hạ gồm các nước chư hầu, đã dùng mọi cách ép buộc các hầu quốc phải học chữ viết được san định lại gọi là chữ Hán để thống nhất. Chữ Hán chỉ có một, nhưng cách đọc cùng một chữ có thể tùy theo thanh âm của những bộ tộc khác nhau đã có từ thời Xuân thu của nhà Chu, đời vua đầu tiên của nước Tầu có sử sách ghi lại cách đây khoảng 3,000 năm. Khi học chữ Hán, phải học nói theo ngữ âm của nó, vì thế các Hầu quốc hàng trăm năm sau quên dần hết ngôn ngữ của họ và quên cả những nét văn hóa cổ truyền như nếp sống, cách phục sức, lễ lạt truyền thống. Họ đã bị đồng hóa với người Hán. Hán tự chính là lợi khí quan trọng nhất để tiêu diệt các nền văn hóa khác. Khi văn hóa chết, một dân tộc sẽ hết là chủng tộc, vì đã bị đồng hóa với kẻ đến xâm lược. Làm bản đồ một nước biến mất, làm tên một dân tộc bị quên đi, đó không phải là diệt chủng hay sao" Thế nhưng phương pháp diệt chủng bằng cách đồng hóa không phải thời nào cũng thành công. Ở Đông Á, ba nước Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam bị chữ Hán xâm nhập mà không bị đồng hóa, đó vì tinh thần dân tộc của họ rất cao. Chịu đựng lâu nhất và gặp nhiều khó khăn nhất là dân tộc Việt Nam. Từ đầu Thế kỷ 1 của Công Nguyên, nước ta đã bị nhà Hán xâm lược và đô hộ cho đến Thế kỷ 10. Đó là thời kỳ thế giới còn hỗn mang, chưa có giao thông lục địa hàng hải, nhiều dân tộc nhỏ yếu ở những vùng khác trên thế giới bị tuyệt tích trong thời đại sơ khai này. Vậy mà dân tộc Việt Nam bị đô hộ đến 1,000 năm, vẫn không bị diệt chủng. Hán tự đến xâm lược, nhưng không thể đồng hóa được dân Việt. Trái lại chúng ta còn sử dụng nó để làm giầu thêm ngôn ngữ và văn hóa Việt. Bốn chữ "Diệt chủng Văn hóa" của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vạch trần âm mưu diệt chủng của bọn bành trướng của Trung Cộng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.