Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

03/03/200800:00:00(Xem: 2517)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Thí dụ: Chữ “Y” là thình thình, cạch, cạch, cạch, cạch. Chữ “K” là thình; chữ “N” là thình, cạch, cạch, cạch, v.v… Sau khi nhẩm tính xong, vấn đề kế tiếp là làm sao để số 6 cũng biết như mình. Tôi hiểu số 6 cũng đang tức bực, không biết cách gì để hỏi và nói chuyện với tôi.
Bắt đầu, tôi gõ “cạch, cạch” là tiếng gọi “nói nhé"”; và sau khi số 6 đáp trả hai tiếng “sẵn sàng!”, tôi gõ “cạch”, rồi nói to: "A… À… À…”; “cạch, cạch” lại hô “Bê… ề… ề…”; “cạch, cạch, cạch” lại hô “xê… ề… ề…”. Tôi ngừng, lắng nghe, âm thanh cái cán quạt bên số 6 rê đi rê lại trên tường một cách chập chạp. Tôi lại làm như trên một lần nữa. Một lúc, một lúc, bỗng tiếng cán quạt đập liên hồi vào tường. Rồi số 6 gõ lại:”Cạch (ngừng); cạch, cạch (ngừng); cạch, cạch, cạch (ngừng); cạch, cạch, cạch, cạch (ngừng).
Tôi cũng đập rối rít; thậm chí cả gót chân của tôi cũng rung rung, đập đập xuống sàn cho số 6 thấy nỗi vui mừng của tôi. Sau đó, tôi gõ: 5 cạch, 1 cạch, 1 thình 1 cạch, 7 cạch; rồi lấy cái sống lược kéo một cái trên tường nghĩa là sang chữ khác: 3 cạch, 8 cạch, 9 cạch, 1 thình 3 cạch, 8 cạch, kéo lược. Ngừng một lát, bên số 6 cứ xoa xoa tường, ra vẻ không hiểu. Tôi lập lại lần nữa. Số 6 rối rít gõ lại cho tôi…
Tôi được biết tên số 6 là: Đào Thị Bắc, Bằng phương pháp cổ lỗ sĩ ấy, tôi và chị Bắc say mê nói chuyện với nhau đêm ngày; trừ lúc ăn cơm hay đi đổ bô thôi. Đêm nào cũng thức khuya để nói… chuyện. Một điều tôi không tưởng tượng được chị Bắc lại là… gián điệp của Sài Gòn.
Bốn, năm ngày đầu còn chậm chạp, khó khăn để hiểu nhau; nhưng sau đó, nghe gõ là đã biết ngay chữ gì. Hơn nữa, có nhiều chữ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện, chúng tôi gõ “tắt”, nên càng nhanh hơn. Thí dụ: Chữ “Bình”, chỉ cần gõ chữ “B”, và “Ba”; là “Bắc”; hoặc “CP” là “chấp pháp”, v.v…
Sau khi biết được chị Bắc là điệp viên của Sài Gòn và cũng là điệp viên của miền Bắc nữa, tôi càng ngạc nhiên. Như thế, chị Bắc là loại gián điệp “hai mang” ư" (Agent double). Tôi hỏi, chị lại bảo là không phải. Rất nhiều điều tôi muốn biết rõ về chị; nhưng phương pháp liên lạc này không cho phép hỏi được nhiều, nhất là chờ thời gian, nghĩa là hỏi dần dần, vì dạo này, chị thường phải đi cung luôn.
Những lúc chỉ đi cung, tôi nằm trong buồng lại thấy buồn. Kể cũng kỳ, trước đây, cứ một mình lùi lủi mấy năm trời có sao đâu; thế mà những lúc chị đi cung, tôi thấy như thiếu vắng một người bạn tâm tình đồng chí. Tôi nghĩ đến buồng số 4. Một điều vui mừng là anh chàng này cũng tỏ ra rất thông minh. Tôi chỉ giải thích vài lần, anh và tôi đã nói chuyện được rồi. Tên anh là: Nguyễn Lân, ở Quảng Bình, anh cũng cùng tuổi với tôi. Bố anh là liệt sĩ trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Anh là sinh viên du học ở Rumaine. Anh mới bị bắt, và bị đưa vào Hỏa Lò ngay.
Về phần tôi, vì sự việc dài giòng, phức tạp, cho nên tôi chỉ nói với anh tôi là giáo viên Cấp II ở Phủ Lý. Chỉ có tên tuổi là tôi nói thật thôi. Ngay cả với số 6, tuy tôi đã biết chị là đồng chí,đồng nghiệp, nhưng tôi cần tìm hiểu thêm nhiều về chị Bắc đã; bây giờ cũng cứ tạm nói là giáo viên. Rồi dần sau tôi sẽ nói thực.
Tự dưng, tôi nôn nao muốn nhìn thấy con người thực của chị Bắc ra làm sao. Đến ngày Chủ Nhật đó, tên Bằng trực. Tôi chỉ theo dõi một lúc, đã nắm được hướng đi nước bước của y. Cứ mở cửa một buồng xong, y lại trở ra bàn ngồi; trong 5, 10 giây sau, người tù trong buồng mới ôm bô đi ra. Có khi y đã ra tới gần bàn, trong này người tù mới ra khỏi buồng. Có thể, y muốn ra ngay để khỏi phải đi cạnh một anh tù hôi hám, lại ôm cái bô thối hoang. Vả lại, y vừa ra tới bàn đã đứng quay lại nhìn tù ôm bô ra rồi. Có thể y nghĩ là như vậy thì tù làm sao có thể liên lạc với nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó được.
Vì nắm được như thế, cộng thêm sự háo hức muốn nhìn mặt của số 6, và lại không muốn báo trước cho số 6 biết; cho nên, khi tên Bằng mở buồng số 6, tôi đã chuẩn bị trước, trèo đeo ngay lên khung cửa sổ lớn phía trên cửa ra vào. Mặt tôi giô lên, lộ ra ở chiếc khung có lưới thép. Trèo lên đứng kiểu này không phải dễ; phải có một cánh tay và một cái chân khỏe mạnh đủ để có thể chịu đựng sức nặng của cả cơ thể.
Số 6 ôm bô ra đi; tôi phải công nhận “trường” mắt của số 6 tương đối bén nhạy. Mặt tôi cao hơn số 6 đến 1m2, 1m3; thế mà số 6 đã ngửng lên trong khi ôm bô đi ra. Bốn mắt nhìn nhau, chả dám nói một câu. Bỗng số 6 cúi ngay xuống, có thể tên Bằng đã từ ngoài nhìn vào, tôi vụt tụt xuống. Lòng bâng khuâng nghĩ ngợi về con người của chị Bắc.
Mặt chị trái xoan, da trắng, môi dưới hơi dầy. Trên đầu chị, phía trước bên trái có một chùm tóc bạc. giữa những lọn tóc đen buông xõa phía sau vai. Chị mặc một chiếc áo trắng, quần đen, như người nửa tỉnh, nửa quê. Nhưng, tôi cũng hiểu, quần áo đây chỉ là cách trang bị cho một “vỏ bọc” sống ở môi trường miền Bắc mà thôi.
Có một điều tôi hơi băn khoăn, là, khi bất chợt chị nhìn thấy tôi, đôi mắt chị sáng lên, tỏ ra một sự vui mừng như lâu ngày mới gặp lại người thân; nhưng ngay sau đó, một nỗi buồn như chiếc màn đen bỏ xụp xuống khuôn mặt của chị. Vì sao thế" Tôi chả hiểu được. Vì vậy, khi chị từ nhà tắm về, tôi im lặng không gõ nữa; và chị… cũng im luôn.
Chẳng hiểu vì lý do gì, làm như là thi gan với nhau, không ai chịu gõ gọi nhau nữa. Cho đến suốt bữa cơm chiều, tôi ăn xong, trả bát, sang gõ hỏi anh Lân mấy câu, rồi chào đi nằm ngủ… Mãi tới khoảng 10 giờ tối, thoáng nghe có tiếng người khóc nức nở, trước nhỏ, sau to dần, tôi bò dậy lắng nghe. Thì ra tiếng khóc của chị Bắc. Đã từ nửa tháng nay chị không khóc; bây giờ tại sao lại thổn thức trong đêm khuya" Nếu là một người có lập trường ý thức chính trị rõ rệt, thì ngay gặp một người phụ nữ bình thường trong cảnh này, tôi cũng phải tìm mọi cách, tùy theo điều kiện, để an ủi, giúp đỡ; huống chi đây là một đồng chí, một chiến hữu, vừa là một đồng nghiệp của mình. Vì vậy, tôi không nghĩ ngợi lôi thôi nữa. Tôi gõ cành cạch hai tiếng để gọi. Im lặng. Một lúc, tôi lại gõ hai tiếng. Lần này, chị Bắc đã trả lời, mặc dù rất nhẹ và rời rạc.
Tôi hỏi: “Tại sao chị khóc"”. Chị trả lời: “Buồn, nên khóc”. Tôi chỉ biết khuyên chị hãy nhìn cảnh tôi, để mà vui. Tôi đã bị bắt từ hơn 3 năm rồi, mà vẫn còn nằm ở buồng tối đây này. Vả lại, buồn có giải quyết được vấn đề tha sớm hay muộn đâu. Do cách gõ, cho nên tôi chỉ nói được vài ý, mà cũng nói không hết, thường người nghe phải cố suy đoán thêm.
Nói chung, sau đó chị hết khóc. Và những ngày sau, tôi và chị tiếp tũc gõ thăm hỏi nhau đêm, cũng như ngày.
Sáu mươi bốn: Một phương pháp liên lạc thần kỳ!
Buổi chiều nay, sau khi hết giờ làm việc. Tôi đang ngồi khoác chân, dựa tường, gõ liên lạc với chị Bắc (chắc cũng đang ngồi như tôi, chỉ cách nhau một bức tường), bất chợt, cửa sổ nhỏ mở.
Tôi hơi giật mình. Khi tôi nhìn lên, cửa sổ con đã đóng, lại có tiếng mở khóa cửa lớn. Tôi chồm vội xuống đất, cứ tưởng là chúng đã phát hiện ra tiếng gõ liên lạc giữa buồng tôi và buồng số 6; nhất là người mở cửa lại là tên Trì Phó giám thị. Cái mặt y đầy thịt. Cái đầu cắt tóc ngắn. Hai cái môi xám xịt, ngọ ngoạy dưới cái mũi vừa to, vừa sần sùi. Nhất là hai con mắt y trắng nhờn nhợt. Y đứng nhìn tôi một lúc, rồi lại đưa mắt nhìn khắp buồng một lượt.
Tôi thấy rõ tim mình đập mau hơn, chẳng hiểu y muốn gì mà từ nãy cứ lừ lừ chẳng nói. Mãi một lúc sau, với cái giọng miền Trung quả tạ, y mới lên tiếng:
- Anh có cái gì mang ra hết đi!
Tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì sự bất ngờ này. Thật ra, trong tù tôi cũng đã dọn buồng nhiều lần. Nhưng lần này, tôi thấy tiếc nuối cái buồng. Thứ nhất, chính từ căn buồng này, tôi được tha cùm; thứ hai, số 6 và số 4 là hai người bạn tôi mới quen, chưa biết hết về nhau đã phải chia tay. Chia tay không một lời từ biệt. Nhất là, với số 6, người bạn tù mà tôi tin là cuộc chia tay này sẽ làm chị buồn nhiều hơn tôi. Vì chị là đàn bà, lại có tuổi rồi; chắc rằng nước mắt, sẽ còn phải chảy nhiều nữa.
Tôi muốn gõ mấy cái để như lời từ biệt số 6; nhưng tên Trì cứ đứng nhìn, nên tôi cứ phải vờ tìm cái nọ cái kia để kéo dài thời gian. Tôi cứ vờ như xong rồi, ôm bọc đi ra, tới gần cửa lại sực nhớ, quay vào lấy cái bàn chải, rồi tới cái lược, v.v… mục đích mong y đi ra, để tôi gõ vài cái gọi là giã biệt, hoặc vĩnh biệt (") người đồng chí, và đồng cái nghề “hang một lỗ” này. Chắc y cũng đã hơi sốt ruột nên quay ra. Y vừa quay người, tôi lẹ tay gõ vào tường mấy cái nhè nhẹ.
Tôi ôm chăn chiếu ra khỏi cửa, đừng chờ y chốt và khóa buồng số 5 lại. Tôi đang lắt lay, thấp thỏm, không biết y sẽ đưa tôi đi phương nào" Thì không ngờ! Tại sao lại có thể có hai cái không ngờ xảy ra chỉ trong chốc lát: Y quay ra mở buồng số 11! Buống số 11 lại… đối diện với buồng số 6. Nhưng, một điều khác cũng quan trọng không kém đối với tôi là, buồng số 11 nhìn ra được ngoài sân xà lim. Đã từ hơn một năm nay ở xà lim I này, tôi mơ ước được chuyển qua phía dẫy bên này, có được nhiều ánh sáng vì cửa sổ to phía sau, nhìn ra sân xà lim không bịt gỗ, và quan trọng là được nhìn cái sân, được nhìn cảnh vật bên ngoài (dù rằng cái bên ngoài cũng vẫn là ở trong tù). Nhìn toàn bộ cây bàng, và tôi có thể sẽ biết mọi bộ mặt trong xà lim, một cách rõ ràng nhờ cái sân này; vì buồng nào chả cần phải tắm giặt và rồi phải ra sân phơi quần áo.


Tôi đã vào buồng rồi, lòng vẫn còn bồng bềnh, khấp khởi trong nỗi vui của đường đi rộng mở dần. Không hiểu số 6 có biết tôi được dọn sang phía đối diện không"
Có lẽ, khi chúng nhìn bản sơ đồ giam người ở xà lim I, chợt thấy số 5 và 6 là hai tên gián điệp cùng của Sài Gòn, nên đã nảy ra ý nghĩ là tại sao lại để cạnh nhau “nhỡ chúng liên lạc với nhau bằng “morse” thì sao!”. Vì vậy, chúng đã chuyển tôi sang dẫy đối diện.
Từ ngày tôi vào Hỏa Lò đến nay, ngoài những chuyện to lớn là tự tử và trốn tù ra, những nội quy như liên lạc, hay chuyện trò với các buồng khác, hầu như chúng không hề thấy tôi vi phạm. Hơn nữa, cũng đã gần 4 năm, chúng hành tôi ở những chỗ tăm tối rồi. Bây giờ, chúng cho tôi ra ánh sáng một tí kẻo tôi “củ” một cách vô ích, trong khi tôi còn phải là một con vật, để lao động trả nợ sau này cơ mà.
Đối với tôi, tất cả những chuyện gì đó, sau hãy xét; bây giờ, tôi được chuyển sang đây, khác nào như cá lại mọc thêm cánh, chim lại còn biết lặn xuống nước nữa. Tôi đang vừa vẫn vơ nghĩ ngợi, vừa quét dọn cho sạch sẽ cái buồng (vì đây là nơi tôi vừa tập thể dục, vừa đi bộ giải trí hàng ngày), chợt có tiếng cán bộ từ ngoài cổng xà lim vào.
Tiếng mở cửa sổ nhỏ, từ buồng số 1 đi dần vào tới buồng tôi. Tôi đã biết y là cán bộ Vân, béo ụt ịt, người miền Nam, đang đi kiểm tra người để nhận bàn giao phiên trực. Y mở cửa con rồi, chỉ khép lại chứ không cài chốt phía bên ngoài. Có lẽ để thuận tiện cho y khi đi ‘tua’ khẽ mở ra, không cần phải mở chốt, không có tiếng động, kiểm tra mà tù không biết.
Tôi chờ cho tới khi y đi ra. Thậm chí, tôi nghe đoán được tiếng bước chân y đi tới đâu, tôi trèo ngay lên sàn nhìn theo phía sau lưng y. Lúc ra khỏi cổng, y còn khép cổng lại.
Bây giờ, phải nói, tôi làm chủ tình hình ở xà lim này. Dù vậy, như tôi vừa trình bày ở trên, trong xà lim sẽ có một vài người nằm vùng, kiểu khổ nhục kế. Nếu không biết điều này, không những bị chân vào cạm, lại còn nguy hiểm hơn vì đôi khi thò cái tư tưởng thật của con tim mình ra, mâu thuẫn với những điều mình đã khó nhọc che giấu và khai báo từ trước tới nay. Để một vài ngày nữa đã, tôi phải kiểm soát được rõ ràng ai là địch, ai là bạn hãy hay.
Ngay tối hôm đó, tôi thử dùng cách liên lạc không tiếng nói. Tấm sắt nhỏ che chiếc cửa con khép hờ, ai không biết, tò mò muốn nhìn ra ngoài, lấy ngón tay mở rộng ra. Đẩy ra thì được, nhưng muốn khép lại như cũ thì ngón tay không thể kéo lại được. Cán bộ trở lại, thấy cánh cửa mở to, biết ngay là tù đẩy ra, sẽ chửi mắng, nạt nộ. Nhưng, nếu khôn lanh một tí, cứ tha hồ đẩy rộng ra, nhìn thoải mái. Nghe tiếng cán bộ sắp vào, dùng một cọng chổi thanh hao (buồng nào chả có chổi) có một cái cành, để làm cái ngoéo kéo lại. Hoàn toàn chủ động, đẩy ra kéo vào theo ý mình.
Do đó, tôi đẩy thẳng ra, vừa để nhìn rõ, lại vừa đưa mũi ra hít không khí bên ngoài trong lành hơn là trong buồng. Tên Vân, người miền Nam, không được quái lắm, cho nên khi kiểm tra phía dẫy buồng đối diện, y mở toác cửa sổ ra. Còn phía bên tôi, khép hờ. Bây giờ, tôi đẩy ra, hai bên cửa sổ nhìn thông thống sang nhau, chỉ cách một lối đi chừng 2 thước. Tôi nhìn sang buồng số 6 thấy im ắng không động tĩnh gì. Như thế này, chứng tỏ chị Bắc không hề biết tôi lại sang buồng đối diện. Có thể vì thấy tôi đi, chị Bắc buồn bã quá, không chịu theo dõi nghe ngóng. Phần khác, cũng có thể chẳng phải ai cũng tò mò tinh quái như nhau.
Tôi chõ mồm ra ho mấy tiếng, rồi nhìn qua lỗ cửa sổ nhỏ mỗi bề 18 cm vào buồng số 6. Vẫn không hề thấy động tĩnh gì. Cũng vì từ trước tôi không ho, nên số 6 không biết tiếng ho của tôi. Tôi không gọi, vì không muốn các buồng chung quanh biết tôi định liên lạc với số 6. Tôi đi bách bộ hàng nửa tiếng đồng hồ, nhìn sang bên số 6, vẫn lặng như tờ. Hàng tiếng đồng hồ sau, cứ loay hoay bực dọc mãi, tôi đã kéo cửa sổ nhỏ lại, đi nằm, thoáng nghe tiếng kéo bô ở bên buồng số 6. Tôi liền bò nhổm dậy, lại đẩy cửa sổ ra, nhìn sang, thấy thấp thoáng một cánh tay trần với một khoảng vai có cái áo lót màu đen. Tôi định ho gọi, nhưng cảm thấy hơi bất lịch sự, nên lại thôi, đành chờ. Chắc rằng, thế nào trước khi vào màn, chị Bắc thế nào cũng phải nhìn ra cửa sổ nhỏ một lần, vì cửa sổ đang mở toang toác ra như vậy. Lúc đó, chắc chị sẽ giật mình khi thấy bộ mặt của tôi, chỉ cách có 2 mét. Thật đúng là đàn bà, chị loay hoay một lúc, rồi giơ tay nhấc cánh màn lên, định chui vào ngủ, không hề nhìn ra ngoài!
Không được! Tôi đành chõ mồm ra ho gọi. Cũng phải ho hai, ba tiếng, tôi mới thấy chị Bắc quay mặt ra. Khi nhìn rõ tôi, phản ứng đầu tiên của chị là luýnh quýnh, rồi vội lấy chiếc áo khoác lên người, làm cho tôi buồn cười. Thế rồi, chị Bắc nét mặt tươi rói, áp sát mặt vào cửa sổ con, cười, nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh, như thể lâu ngày gặp được người bạn thân.
Trong cảnh xà lim vắng lặng, chúng tôi nhìn nhau, không thốt một câu, vì không muốn cho buồng khác biết. Nhưng, chỉ bốn mắt nhìn nhau, mà cũng nói được rất nhiều, tôi cảm thấy như bao nhiêu nỗi niềm ứ đầy trong lòng được vơi bớt.
Tôi cũng hiểu là chị Bắc hoàn toàn tin tưởng nơi tôi đã tinh quái để gác cán bộ, nên thái độ của chị rất bình tĩnh, chị áp mặt vào khung cửa sổ nhỏ mà không sợ hãi gì cả. Như hai người câm điếc, tôi dùng tay ra hiệu ý muốn nói với chị Bắc là: Ngày mai, khi nào tôi “ho 2 tiếng, chị đứng lên sàn” bên đó, tôi cũng sẽ đứng lên sàn bên này, rồi tôi sẽ chỉ chị cách nói chuyện. Chỉ có bấy nhiêu ý, mà hai tay tôi, mắt tôi, vừa múa máy, vừa nháy nhó, mãi chị Bắc mới hiểu. Cứ thỉnh thoảng tôi lại ho hai tiếng, mỗi khi tay phải làm lại, động tác chỉ trỏ như lần trước.
Cũng vừa lúc ấy, thoáng một tiếng động nhỏ bên ngoài sân, tôi vội vàng ra hiệu tay cho chị Bắc vào màn; còn tôi, nhẹ nhàng kéo cửa sổ con lại, rồi cũng lên sàn nằm. Một lúc sau, tiếng bước chân nhè nhẹ đi vào; đến cửa buồng tôi, thấy cánh cửa sổ hé to ra một tí, lại đẩy vào như cũ. Tôi biết nhưng vờ nhắm mắt như đang ngủ say. Tôi tự nghĩ, khi chưa bị bắt, mình còn qua mặt hàng bao nhiêu tên phản gián, huống chi ở đây chỉ có một tên, lại là một tên công an đơn thuần, làm quái gì có nghiệp vụ!
Ngay đêm hôm ấy, tôi suy nghĩ từ những điều kiện thực tế của các căn buồng của xà lim, để tìm ra một kiểu liên lạc tốt nhất. Chỉ một lúc, tôi đã tìm ra được một cách liên lạc hữu hiệu. Xà lim I thật tĩnh mịch và hoang vắng, cho nên chả một tên cán bộ nào lại điên rồ ngồi một mình trong đêm khuya khoắt, để rình mò. Chúng chỉ thỉnh thoảng vào đi “tua”. Bây giờ, tôi ở phía dẫy bên này, lại không bị cùm, có thể nói một cách chắc chắn là nếu tôi muốn, tôi luôn luôn dư sức chủ động nắm được đường đi nước bước ra vào, của bất cứ một tên cán bộ tinh quái nào. Tóm lại, ngay đêm hôm đó, tôi đã tìm ra được một phương thế liên lạc toàn bộ trong xà lim, dù cho có cán bộ ngồi thường xuyên ở bàn trực xà lim chăng nữa.
Sáng sớm hôm sau, ngay khi cán bộ trực chưa đến, tôi đã đứng lên, ho gọi số 6 để thí nghiệm. Số 6 đứng lên hớn hở tươi cười khi nhìn thấy tôi. Với thế đứng của hai người, tôi tính toán hình dung hai thế đứng nhìn nhau, qua hai khung cửa sổ phía trên cửa ra vào. Khung cửa này, bề nằm 60 phân, bề cao 50 phân, có 5 chấn song sắt to, bên trong có ghép lưới thép đan, mỗi mắt ba phân vuông. Như vậy, từ hai khung cửa này, tôi và số 6 nhìn sang nhau, đều thấy một khoảng tường hình chữ nhật theo khung cửa sổ, nghĩa là một tấm bảng 50x60 phân. Vì hơi chéo, nên tôi phải tính toán vị trí của số 6 nhìn “tấm bảng” đó ở bên tôi trên tường. Bằng ngón tay trỏ, tôi chỉ viết chữ in; thí dụ "CHỊ CÓ NHÌN RÕ KHÔNG"”. Vừa viết, tôi vừa quay lại nhìn chị Bắc. Mặt chị tươi roi rói gật lia lịa. Tôi lại viết “CHỊ VIẾT ĐI”, để tôi điều chỉnh tấm bảng cho tôi nhìn thấy trên tường, bên chị bằng hiệu tay.
Thế là từ đấy, chúng tôi có thể liên lạc với nhau bất cứ lúc nào, dù có cán bộ hay không. Tuy vậy, để bảo đảm an toàn cao nhất, trừ những lúc cần thiết, còn thông thường tôi để cho cán bộ ra khỏi xà lim, mới nói chuyện. Mật hiệu đã định sẵn. Tôi “ho một tiếng” là “có cán bộ”, chị Bắc chỉ việc ngồi xuống; “ho hai tiếng” là “gọi nói chuyện được”, chị Bắc đứng lên.
Cũng với phương pháp này, ngoài buồng số 6, tôi còn có thể nhìn sang hai buồng ở hai bên buồng số 6 là buồng số 5 và buồng số 7 nữa. Và cứ như vậy, số 5 nhìn sang dẫy tôi cũng được ba buồng là 12 đối diện, và 11, 13 ở hai bên. Rồi, buồng này có thể làm trung gian cho buồng kia, từ đấy, có thể nói chuyện, liên lạc toàn bộ các buồng trong xà lim. Dù cán bộ có ngồi ngay đấy canh, thậm chí có những tên cán bộ mẫn cán tích cực kê ghế ngồi đọc sách hàng mấy tiếng đồng hồ để rình, cũng không bắt được chúng tôi liên lạc với nhau. Tù liên lạc với nhau, phải nói chuyện. Ở đây, dù ngồi cả ngày để canh chừng, chúng cũng chẳng nghe thấy một tiếng; có chăng chỉ là tiếng ho, tiếng khạc mà thôi.
Lúc đó, tôi nghĩ nếu bọn thực dân Pháp ngày xưa và bọn cộng sản bây giờ, biết được là có một phương pháp liên lạc chuyện trò với nhau như thế này, chắc chắn chúng không bao giờ thiết kế xây xà lim có hai dẫy buồng đối diện nhau nữa. Mục đích của xà lim là không cho người này trông thấy người kia (trừ trường hợp chúng chủ ý để hai người trong cùng một buồng) để gây áp lực tâm lý. Làm cho tù hoang mang, giao động và không thể hỏi han, trao đổi những khúc mắc khó khăn trong khi cung kẹo. Tâm lý của con người nhiều khi rất lạ kỳ, chỉ cần nhìn thấy một người khác cùng vào nghĩa địa, tha ma với mình, tự nhiên mình sẽ thấy mạnh bạo hơn lên. Nhưng, khi chỉ có một mình mình trong rừng sâu, đêm khuya, với những ngôi mả hoang, là rợn tóc gáy, rùng mình, rồi cảm thấy cô đơn, không có ai bấu víu. Mục đích của xà lim là như vậy.
Chính vì chúng thấy tôi và số 6 ở cạnh nhau không tiện, nên phải cho sang dẫy đối diện. Sang dẫy đối diện, nếu liên lạc với nhau bằng lời nói, dù canh kỹ đến đâu thì đi đêm mãi, thế nào chả có ngày gặp ma. Hơn nữa, chúng còn có người gài vào nằm thường trực ở một buồng nào đó trong xà lim, ngoài nhiệm vụ chính là moi tin những người cùng buồng. Nói cách khác, sở dĩ, tôi có thể tung hoành, chủ động sự liên lạc, chuyện trò trong cả xà lim I, chỉ vì cộng sản chưa biết rõ khả năng của tôi, cũng như những kẻ hở của chúng. Nếu chúng biết, chúng thừa sức hóa giải, thừa sức ngăn cấm tuyệt nọc. Cho nên, để cho đối phương biết được về mình, là điều tối nguy hiểm. Vậy mà, Mỹ, cũng như thế giới tự do cứ tự… vạch áo cho cộng sản xem lưng, để rồi vắt chân lên cổ mà chạy.
Từ một người lính, cho đến một người dân bình thường, ai cũng nói, cũng thuộc câu “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng”; nhưng tôi có thể nói ngay rằng nhiều chiến lược gia, những nhà quân sự cầm quyền của phe ta chỉ đọc phương châm đó như là con vẹt thôi. Còn thực tế, thế nào là hiểu đối phương" Thế nào là hiểu mình" Tôi dám nói là họ chưa đủ hiểu. Nếu hiểu, đã không phải chạy hết chỗ này, rút hết chỗ kia. Có nói, lại đổ cho lý do này khác… mà không thấy cái khuyết điểm: hời hợt, rỗng tuếch của chính mình.
Khi đã chuyện trò với chị Bắc được mấy ngày rồi, tôi thấy bây giờ cũng thuận tiện. cho nên tôi đã nói thật với chị là tôi cũng ở trong Nam ra. Tôi cũng kể sơ qua gần một tháng trời, khi còn ở bên ngoài, tôi đã đấu tranh đầy thủ đoạn với tụi phản gián Hà Nội. Cuối cùng, tôi ngỏ ý muốn chị thuật lại cuộc đời của chị ra sao, mà lại vừa là gián điệp cho cộng sản, lại vừa cho Sài Gòn, để bây giờ phải vào xà lim, thân gái một mình thế này"
Tôi nghĩ, cứ mỗi ngày một tí, điều gì cần rõ, tôi lại sẽ hỏi thêm. Sau khi tôi yêu cầu như vậy, mắt chị đỏ lên, mí mắt rung rung, ngấn lệ long lanh chảy dài xuống má, chị làm cho tôi cũng xúc động, phải nhìn ra hướng khác.... Vừa thổn thức chị vừa viết như sau....

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.