Hôm nay,  

“tri Aâm” Của Tt Bush: Karen Hughes

28/08/200400:00:00(Xem: 5379)
Vì biểu hiệu trên lá cờ, Texas có biệt danh là "Tiểu bang một sao". Nhưng Texas không chỉ có một sao. Hằng hà sa số... Sau đây ta điểm vài ngôi.

Kể từ tháng Tám, Tổng thống George W. Bush đột nhiên ăn nói mạch lạc gãy gọn hơn. Vì nàng đã trở về.
Có bốn người phụ nữ thực sự chi phối đời ông và qua ông, ảnh hưởng đến cả nước Mỹ. Đó là bà mẹ bình dị mà cương quyết Barbara, người vợ dịu dàng bình tĩnh Laura, là hạt huyền của trí tuệ Condoleezza Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia. Và nàng, Karen Hughes, vị nữ lưu được truyền thông cho là có nhiều quyền uy nhất nước Mỹ, bên sau trướng gấm của Toà Bạch Cung.
Nhũ danh nàng là Karen Parfitt. Nàng sinh trưởng tại thủ đô Paris của Pháp năm 1957, và vị vậy, bị phe cực đoan bên Dân chủ nhạo là "còn Tây hơn Kerry". Sinh quán đó có lý do dễ hiểu: phụ thân nàng là một Thiếu tướng Lục quân Mỹ, năm đó đang phục vụ tại Pháp. Karen trở về Texas, học hết Trung học tại Dallas và 20 tuổi hoàn tất khoa báo chí và văn khoa tại Đại học Southern Methodist University. Chữ nghĩa với nàng không là chuyện khó. Thủ thuật truyền thông báo chí cũng vậy.
Tốt nghiệp đại học, Karen làm phóng viên truyền hình và lập thành tích đầu đời là tường thuật cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 1980 của George H. Bush (phụ thân của W. ngày nay, hãy gọi đương kim Tổng thống với biệt danh đó cho đơn giản). Cuộc tranh cử thất bại, Bush cha đứng phó với Ronald Reagan, nhưng Karen bắt đầu nhiễm máu chính trị. Nàng trở thành vận động viên cho cuộc tái tranh cử của Liên danh Reagan-Bush năm 1984 và tham gia sinh hoạt trong đảng Cộng hoà tại Texas. Khi đó, Texas còn là thành đồng của Dân chủ. Năm 1991, Karen bơi ngược sóng khi là Giám đốc Điều hành của Cộng hoà tại Texas. Đúng là ngôi sao đơn độc.
Ngôi sao đó bắt đầu tỏa sáng khi lịch sử chuyển động tại Texas năm 1994: Karen gia nhập ban tranh cử của W. vào chức vụ Thống đốc, chống một lão bà đầy uy tín của đảng Dân chủ là Ann Richard. Ngược với mọi dự đoán, W. đại thắng. Karen là khuôn mặt được cả nước biết tới kể từ đó, cách đây 10 năm. Cùng với Karl Rove và Joe Allbaugh, Karen lập thành một "tam giác sắt" của W. tại Texas.
Rove tròn trịa và mềm mỏng là chiến lược gia đầy võ công, Allbaugh to lớn dềnh dang là bộ máy tổ chức. Karen là mũi xung kích, là phù thủy tạo ra hình ảnh của W. Và chặn hết các đòn độc của truyền thông báo chí lẫn của đối phương.
Người ta còn nói rằng nàng "lắp mỏ" cho W. Nghĩa là soạn thảo mọi diễn văn hay lời phát biểu của vị Thống đốc có vẻ rất công tử và tay mơ này. Khi nghe W. nói, hãy nhìn môi nàng, ta biết là ông sắp nói gì! Báo chí vốn không hiền lành. Karen cũng vậy. Nàng chọn và đuổi thẳng tay các nhân viên phụ trách về truyền thông cho W.
Nhưng, W. thực sự không là Thống đốc tay mơ, ông lãnh đạo Texas với sự xuất sắc bất ngờ, thắng cử nhiệm kỳ hai và trở thành hy vọng sáng chói của đảng Cộng hoà cho cuộc tranh cử Tổng thống năm 2000. Ông do dự rất lâu trước những mời gọi và vận động của đảng, và chỉ đồng ý lâm trận nếu có Karen. Ông thực sự phát biểu như vậy.
Lúc đó, thiên hạ mới thấy ra quyền uy và ảnh hưởng của một nữ cố vấn trong ban tranh cử.
Karen gật đầu.
Tháng 10 năm 2000, khi theo dõi cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng cử viên Tổng thống Al Gore và George W. Bush, nàng nhấc điện thoại gọi vào: "Hãy nhắn với W., rằng George W. Bush đã là Tổng thống Mỹ." Nàng là người chọn chủ điểm tranh cử và hình ảnh mà W. cần phóng chiếu ra ngoài cho cử tri. Nàng để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất và quyết liệt loại trừ mọi lầm lạc trong nhiệm vụ đó.
Karen không hiền lành, nhưng thực sự là người tử tế.
Nàng giống W. ở tinh thần sùng đạo, quý trọng gia đình. Yếu tố khiến hai người trở thành tri kỷ, và cân nhắc rất lâu, trước khi lao vào đấu trường chính trị, là gia đình. Nàng thành hôn với Luật sư Perry Hughes của đất Texas, có tên Hughes từ đó. Nàng có một con trai với Perry, và qua người con gái của chồng, nay Karen đã là bà ngoại.


Nhưng, Karen vẫn là một thiếu phụ lộng lẫy, mắt xanh rất đẹp, giọng thổ nồng nàn, nói năng ngọt ngào mà không thừa một lời, không sai một dấu. Con người đó có biệt tài đón bắt được từng rung động tế vi nhỏ nhặt nhất của xã hội, và từng ẩn ý của nguời đối diện. Ẩn ý mà là gian ý thì chết ngay giữa trận tiền với nàng. Giới truyền thông rất sợ một bậc nữ lưu quyến rũ mà sắt thép như vậy.
Trong bộ phim khai thác lại đề tài cũ, "The Manchurian Candidate", nhà sản xuất Tina Sinatra (con gái của Frank) đã "hiện đại hoá" cốt truyện. Bọn gian lần này không là Trung Cộng mà một tập đoàn kinh doanh giống Halliburton như hai giọt nước! Vì tham vọng chính trị, một nữ Nghị sĩ cộng tác với họ để tẩy não chính con trai mình. Merryl Streep thủ vai bà mẹ gian hùng đó, và phát biểu là đã diễn xuất sau khi theo dõi hoạt động của Karen Hughes.
Merryl là diễn viên thượng thặng, mà nói dối có thừa. Nhân vật mẫu của nàng phải là nữ Nghị sĩ Hillary Rodham Clinton chứ không thể là Karen Hughes. Chỉ vì lý do dễ hiểu là Karen khôn mà không ác và vì truyền thông biết rất ít về nàng. Trên đỉnh cao của quyền lực, số bài báo viết về nàng chỉ bằng 10% số bài viết về các chính khách phái nữ khác. Nàng sống kín đáo và thâm trầm làm việc sau hậu trường, vì chỉ là Cố vấn đặc biệt về truyền thông cho Tổng thống. Quyền uy của Karen xuất phát từ sự tận tụy không hề xuy xuyển cho sự nghiệp lãnh đạo của người tri âm. Nàng không giành quyền đó cho mình.
Vả lại, Karen còn gánh nặng gia đình.
Sau khi đưa Bush lên đài vinh quang, tháng Tư năm 2002, nàng tuyên bố treo ấn từ quan làm cả nước ngẩn ngơ. Lý do ư" Nhớ nhà, nhớ thủ phủ bình lặng của Texas. Hôm đó, về cố hương Austin chơi, nàng ngồi xem đứa con đã khôn lớn của người bạn đang chơi trong đội túc cầu của trường và ý thức được là cuộc sống quay cuồng nơi thủ đô khiến nàng mất hẳn những giây phút ấm cúng của gia đình, bằng hữu. Con trai nàng còn phải chú tâm vào lớp Trung học, chứ không thể quay trong cơn lốc chính trị của mẹ. Tháng Bảy năm đó, Karen hết ăn luơng chính phủ, làm thuờng dân về Austin trồng cây, viết sách, diễn thuyết và sống đằm thắm bên chồng con.
Việc nàng rửa tay gói kiếm làm các nhà cực đoan tranh đấu cho nữ quyền thất vọng. Họ chê nàng: vì chồng con mà buông bỏ sự nghiệp, thật kém cỏi! Nhiều nhà báo còn đoán già là có rạn nứt trong nội bộ, làm Karen thất vọng ra về.
Thực ra, tri âm tri kỷ vẫn còn.
Trước khi ra về, nàng đã thỏa thuận với W.: cần gì là gọi, hai tuần gặp nhau một lần, và khi W. lâm trận hồi hai, nàng sẽ trở lại. Trong khi chờ đợi, nàng tiếp tục theo dõi tình hình, tiếp tục giúp Laura Bush đẩy mạnh dự án giáo dục cho trẻ em Afghanistan và thường cùng Condi Rice đến tư dinh của gia đình Bush tại Texas mỗi khi Tổng thống về nghỉ ngơi. Nàng còn lên Website của Phủ Tổng thống để đối thoại với công chúng trong chương trình "Nói chuyện với Bạch Cung." Vẫn dịu dàng và sắc bén như ngày nào.
Giờ đây, đến hẹn lại lên.
Đứa con trai nay đã cứng cáp và sắp hoàn tất Trung học, nàng có thể bước ra chiến trường được rồi. Từ hôm 12 tháng Tám, Karen trở lại đấu trường chính trị, có mặt bên W. trong các đoàn xe lưu hành vận động tranh cử. Nàng xem từng chữ, chấm từng câu của từng lời phát biểu của ứng cử viên George W. Bush.
Yếu tố thành công của Karen"
Nàng là người sâu sắc hiểu tâm tư của đa số âm thầm bình dị trong nước Mỹ thâm sâu; nàng bén nhạy tiếp nhận mọi xoay chuyển của chính trị và truyền thông cấp toàn quốc, một thế lực đáng nể và có xu hướng tự nhiên là thiên về đảng Dân chủ; nàng kính trọng George W. Bush và đọc được trong tâm của ông những suy tư khi còn chưa thành chính sách; nàng chung thủy với lý tưởng của W. mà cũng là lý tưởng của mình nên tuyệt đối bảo vệ W. Bảo vệ đến cùng. Tới độ bị chửi là "con chó dữ của Bush".
"Chúng tôi là đôi bạn tri kỷ từ khi đoàn diễn hành của chúng tôi mới vỏn vẹn có một chiếc xe". Bush đã nói về Karen Hughes như vậy. Đối phương sợ nàng cũng phải.
Hãy theo dõi Đại hội đảng Cộng hoà tại New York thì biết.
Bùi Hằng Sa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.