Hôm nay,  

Dân Chủ Và Khủng Bố

03/01/200800:00:00(Xem: 4082)

Dân chủ là một lý tưởng. Thế nhưng ở một nước vừa xây dựng dân chủ lại vừa tiễu trừ khủng bố là một sai lầm chiến lược tai hại. Vụ ám sát bà Benazir Bhutto trong cuộc biểu tình tuần trước ở Rawalpindi, sát thủ đô Pakistan, ngay trước ống kính nhiếp ảnh TV cả thế giới theo dõi, đã gây công phẫn và thương đau trong công luận quốc tế. Các chi tiết về vết thương của bà Bhutto đã gây tranh cãi, điều này cũng dễ hiểu vì các phe giữ an ninh đều muốn lảng tránh trách nhiệm. Nhưng cho đến nay không thấy có phe phái cực đoan nào kể cả khủng bố al-Qaida lên tiếng nhìn nhận đã ra tay hạ sát. Trong việc điều tra một vụ sát nhân có nhiều nghi can, các thám tử vẫn thường đặt câu hỏi về "động cơ" (motive).

Phe nào có lợi nhất khi giết bà Bhutto" Đó là khủng bố al-Qaida do Osama bin Laden cầm đầu. Vậy tại sao khủng bố không lên tiếng nhìn nhận như vẫn làm từ trước đến nay" Bà Bhutto là một phụ nữ đầu tiên trong thế giới Hồi giáo đã giữ chức Thủ tướng của một nước, trái với truyền thống cổ xưa của đạo Hồi đối với phụ nữ. Nhưng al-Qaida không nhận trách nhiệm vì muốn gây chia rẽ đến cùng cực, để cho các phe phái khác, kể cả chính quyền Musharraf và các đảng phái đối lập nghi ngờ lẫn nhau, đánh lẫn nhau. Sự rối ren của tình hình chính trị Pakistan vào lúc này chứng tỏ khủng bố đã đạt được mục tiêu của chúng. Đây là một tình trạng đưa chính phủ của Tổng Thống Bush rơi vào một thế khó khăn nan giải, lan ra cả hai nước hiện có quân Mỹ tham chiến là Iraq và Afghanistan. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2001, khi quân Mỹ có các đồng minh NATO hỗ trợ, đã đánh vào Afghanistan sau vụ 9/11 ở Mỹ. Cuộc tấn công này đã được cả thế giới hoan nghênh, quân Mỹ chiến thắng mau lẹ, chế độ Taliban yểm trợ al-Qaida bị sụp đổ, bin Laden và thuộc hạ chạy trốn. Một chính phủ mới do ông Hamid Karzai cầm đầu đã được Mỹ giúp thành lập. Từ đó 7 năm trôi qua, Taliban nay đã sống trở lại với al-Qaida trong bóng tối, khi Mỹ kẹt ở Iraq. Năm 2003 TT Bush ra lệnh tấn công Iraq lật đổ chế độ Saddam Hussein. Kế đó quân khủng bố al-Qaida xâm nhập Iraq, gây ra cuộc chiến hệ phái đẫm máu, khiến vào cuối năm 2007, người ta thấy rõ Mỹ sa vào hai đống sa lầy ở hai nước Hồi giáo Afghanistan và Iraq mà không có cách nào gỡ ra khỏi.

Năm 2007, số tử vong ở Afghanistan lên cao nhất 6,500 thường dân chết vì bạo động và 110 quân Mỹ tử trận, trong khi nạn dân chúng trồng cây nha phiến ngày càng lan tràn không kiểm soát nổi. Ở Iraq vào cuối năm 2007, số quân Mỹ tử trận đã lên đến gần 4,000, hàng chục ngàn bị thương. Chính quyền Maliki rõ rệt bất lực trước nạn bạo lực lực hệ phái và al-Qaida cũng là thủ phạm đang tiếp tục quậy nát nước dân chủ non yểu này. Thủ đô Baghdad đã mừng Tết 2008 âm thầm trong sự hãi hùng của nạn bạo động. Đầu năm 2008, cả thế giới lo lắng vì nạn khủng bố lan rộng ở Trung Đông và Nam Á. Tai họa này bắt đầu từ đâu" Lịch sử thế giới đã có những sai lầm do con người tạo ra. Nếu nói về Thánh chiến Hồi giáo, cũng cần phải nhìn đến các cuộc Thập tự chinh của Thiên chúa giáo trong các Thế kỷ từ 11 đến 13. Đến cuối Thế kỷ 19, cuộc cách mạng kỹ nghệ làm sụp đổ các chế độ vua chúa chuyên chế, các nước Âu châu hiện đại hóa bắt đầu đi tìm các nước lạc hậu để áp đặt chế độ thuộc địa. Đó là thời kỳ làm chủ của hai nước mạnh nhất Anh và Pháp. Mục tiêu đầu tiên của họ là các nước Hồi giáo Trung Đông và ở Bắc Phi điểm chính là Ai Cập. Đây là nghĩa cử gieo rắc "hạt giống văn minh" chăng" Sự thật việc truyền bá văn minh Tây phương có kèm theo một lòng tham vô đáy. Trước hết họ chiếm đất để mở rộng con đường thương mại quốc tế và chiếm dầu lửa để chạy máy. Sau Trung Đông, Anh và Pháp nhìn đến Á châu. Bởi vậy nước Anh chiếm suốt một dãi từ Palestine qua Á rập Sê-út, đến Iraq, qua Iran, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Miến Điện. Pháp chiếm Lebanon và Syria, rồi dùng tầu biển qua Đông Dương (Việt, Miên, Lào). Văn minh Tây phương thời đó làm giầu cho các chế độ quyền quý nhưng lại bỏ quên đại đa số dân nghèo trong các làng mạc xa xôi, nhất là dân ở những vùng sa mạc như Trung Đông. Khi Hồi giáo phát triển mạnh, những người dân nghèo không được hưởng lợi và đến đầu thế kỷ 20, họ nhìn các nước Tây phương theo Thiên chúa giáo như những kẻ xâm lược bóc lột. Sau Thế chiến II, nhiều nước được thoát khỏi nạn thuộc địa, hàng tăng lữ Hồi giáo Trung Đông bắt đầu nhìn thấy những vận hội mới. Một là sự căm thù của dân nghèo lưu truyền từ nhiều thế hệ vì nạn xâm lược của các nước dị giáo. Sau là sự phổ biến các loại vũ khí khi Thế chiến II chấm dứt. Năm 1979. Hồng quân Sô-viết chiếm đóng Afghanistan, dân quân Hồi giáo (mujahedeen) nổi lên hô hào Thánh chiến (Jihad) chống lại. Giữa thời chiến tranh lạnh, Mỹ liên hệ với Pakistan, bí mật tiếp tế và huấn luyện cho du kích Hồi giáo. Osama bin Laden đã từng là một du kích mujahedeen. Năm 1989, Hồng quân Nga chịu không thấu, đành phải chịu thua rút về nước. Đó chính là lúc trong đầu bin Laden lóe lên lên một tia sáng mới: Siêu cuờng Nga cũng phải bỏ chạy, tại sao ta không đánh được cả siêu cường Mỹ" Bin Laden rút về Trung Đông, rồi từ đó qua Sudan bắt đầu nghiên cứu chiến lược đánh Mỹ và tổ chức các đoàn quân khủng bố. Năm 1998 hai tòa Đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania bị đánh bom. Năm 2000 chiến hạm Cole của Mỹ đậu hải cảng Yemen, gần sừng Phi Châu kế cận Sudan, bị khủng bố đánh bom tự sát, lủng một mảng suờn lớn, 17 hải quân Mỹ chết, 37 người bị thương. Chế độ thuộc địa và nạn Cộng sản quốc tế đã tạo ra các đoàn quân ôm bom tự sát của thời nay. Cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq là một sai lầm chiến lược vì nó tạo cơ hội cho đoàn quân khủng bố al-Qaida  xâm nhập Trung Đông, gây rối loạn toàn bộ vùng dầu lửa này.

Hãy trở lại tình hình Pakistan. TT Musharraf là kẻ độc tài nhưng liên minh với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Aghanistan. Vì ông Bush chủ trương làm cho dân chủ lan rộng ở Trung Đông, nên bắt buộc phải thúc ép Musharraf tiến hành việc xây dựng dân chủ. Sau khi bà Bhutto bị giết, việc bầu cử ở Afghanistan bị hoãn lại cho đến tháng 2-08. Liệu tình hình có yên không hay sẽ phải hoãn nữa" Và một chính quyền dân chủ đa dảng ở Pakistan có khá gì hơn chính quyền Maliki ở Iraq hiện nay không" Lịch sử đã cho thấy những lỗi lầm chiến lược thường di họa đến tương lai của cả thế giới, trong đó nước Mỹ vẫn là nước đứng mũi chịu sào, lãnh đủ hơn nước nào hết.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.