Hôm nay,  

Thời sự nước Úc: Ước Mơ Làm Chủ Căn Nhà của Dân Úc đang Tàn Lụi!

21/05/200700:00:00(Xem: 2409)

  LND: Chủ Nhật 13/5/2007, tuần báo The Sunday Telegraph đã lên tiếng báo động, có rất nhiều gia đình ở NSW đã phải sống kiếp vô gia cư, ngủ bờ ngủ bụi trong xe hơi, hoặc sống tạm bợ từ tuần này sang tuần khác ở những lữ điếm khác nhau. Theo sự tường thuật của các cơ quan từ thiện ở NSW thì hàng tuần họ đã phải khước từ hơn 60 gia đình khi những người này tìm đến xin trợ giúp tìm chỗ tạm trú vì nhà cửa bị ngân hàng xiết nợ bán mất, vì không có tiền để thuê nhà theo giá thị trường đắt đỏ.v.v. Thậm chí, cơ quan từ thiện Wesley Mission ở Newcastle đã phải đưa một số gia đình đến ngủ tạm tại các tòa buyn-đinh vô chủ, đổ nát, xiêu vẹo và nhờ những kẻ cắm dùi chiếm đất (squatters) giúp đỡ các gia đình kém may mắn này. Theo một bản báo cáo gần đây của NSW Audit Office thì hầu như chính phủ tiểu bang NSW hoàn toàn không có hiểu biết nào về tầm mức trầm trọng về vấn nạn vô gia cư của tiểu bang và không hoạch định một mục tiêu nào nhằm giải quyết vấn nạn này. Các cơ quan từ thiện cho rằng nguyên do chính của vấn nạn này là sự khan hiếm nhà cửa cho mướn, khiến cho tiền thuê mướn tăng vọt. Đây là một vấn nạn khá nghiêm trọng, chẳng những chỉ riêng ở NSW mà còn trên toàn nước Úc. Nhưng trong dự khoản ngân sách liên bang vừa được tổng trưởng kinh tế Peter Costello công bố trong tuần qua, cũng như trong bản đáp từ của lãnh tụ đối lập liên bang Kevin Rudd, vấn nạn này hầu như bị gác bỏ vào một xó. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bài nhận xét về vấn đề này của ký giả Simon Castles được đăng trên tuần báo The Sunday Age tựa đề Renters Stuck Out In The Cold.

*

Tôi biết John Howard và Kevin Rudd chẳng làm gì được về hệ thống nước nóng bị hư hỏng ở nhà tôi. Thế nhưng, ít ra, trong kỳ vận động bầu cử hiện nay, nếu hai ngài lãnh tụ này nói về số phận của những kẻ đi thuê nhà như chúng tôi, hoặc chỉ nhắc thoáng qua về chúng tôi, thì tôi tin chắc rằng những giọt nước lạnh buốt từ vòi tắm cũng sẽ bớt được phần nào giá băng.
Dĩ nhiên là tôi có thông báo cho văn phòng địa ốc biết về cái máy nước nóng bị hư này, và anh chuyên viên địa ốc nói rằng anh ta sẽ thông báo với chủ nhà. Nhưng từ đó cho đến bây giờ chỉ có một sự câm nín hoàn toàn. Tôi là người đi thuê nhà trong suốt 13 năm qua, và tôi hiểu quá rõ sự im lặng này. Tất cả những người thuê nhà đều biết sự im lặng này. Sự im lặng có nghĩa rằng "Các anh chỉ là hạng bét mà thôi. Ngành địa ốc chỉ khoái chuyên chú vào chuyện bán nhà, còn người đi thuê nhà chỉ là một thứ phiền toái mà thôi”.
Thân phận thấp kém của người thuê nhà trong kỹ nghệ địa ốc cũng được phản chiếu trong chính trường. Giới lãnh đạo quốc gia ít khi nào nhắc nhở đến họ.
Bản dự thảo ngân sách được công bố tuần qua, như tất cả những bản dự thảo ngân sách trước đây mà tôi có thể nhớ được, không hề đá động đến những người thuê nhà, mặc dầu hiện nay đang có sự khủng hoảng về giá cả thị trường nhà cho thuê.
Chính sách luôn đặt trọng tâm vào việc làm chủ căn nhà. Không một chính trị gia nào muốn tạo sự nguy hiểm cho sự nghiệp chính trị của mình bằng việc nói bóng gió rằng "Giấc Mộng Vĩ Đại của Dân Úc” đã chấm dứt - rằng việc làm chủ một căn nhà đã vượt qua khỏi tầm tay với của phần lớn người trẻ tuổi ở Úc. Chính vì thế mà không một chính trị gia nào thèm tìm hiểu về các mối quan tâm của những người có thể sẽ phải vĩnh viễn chỉ là người đi thuê mướn nhà.
Theo nhận xét của công ty nghiên cứu và cố vấn địa ốc Matusik Property Insights thì 28% các nóc gia ở tại 8 thành phố thủ đô của Úc là những người ở nhà thuê. Công ty cũng ước lượng rằng trong vòng hai thập niên nữa thôi, con số này sẽ tăng vọt lên thành 40%. Hiện số người đi thuê nhà đang bùng nổ, với những người thuộc tầng lớp trung lưu cạnh tranh với người nghèo khổ để thuê mướn nhà với giá phải chăng. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi thấy người nghèo ngày càng bị thua thiệt hơn nữa. Nhưng, nói chung thì tất cả mọi người ở nhà thuê đều bị ảnh hưởng trầm trọng.
Đối với một phần khá lớn, và ngày càng tăng, trong dân số Úc, niềm lo âu mãnh liệt nhất không phải là việc thiếu tiền trả nợ mua nhà mà là không đủ sức trả tiền thuê nhà. Nhưng, những mối quan ngại của người thuê nhà ít khi nào được nghe thấy bởi vì sự ồn ào xoay quanh mức lãi xuất và nợ mua nhà.
Chính vì ý tưởng phải làm chủ căn nhà đã ăn sâu vào tận tâm trí của quốc gia này cho nên những giải pháp lâu dài khác về vấn đề gia cư không được ai để ý đến khi hoạch định chính sách. Nhưng theo bản nghiên cứu quốc tế về khả năng mua nhà cửa trên 159 thị trường thế giới - Demographia International Housing Affordability Survey - thì nước Úc đang phải đối diện với sự khủng hoảng trầm trọng nhất về khả năng gia cư so với tất cả các quốc gia Tây Phương khác. Chỉ trong vòng một thập niên mà giá nhà cửa tăng lên gấp đôi. Chủ bút đặc trách kinh tế của nhật báo The Age, ông Tim Colebatch, tuyên bố: "Đây là lần đầu tiên một gia đình trung bình ở Úc không thể nào có đủ khả năng để mua một căn nhà trung bình”.


Đối với những người Úc trẻ tuổi không có cha mẹ giầu có và hào phóng thì việc làm chủ một căn nhà quả thực là, hoặc đang nhanh chóng trở thành, một giấc mộng viễn vông. Theo Residential Property Council thì chỉ có 7% trong giới chuyên môn trong kỹ nghệ địa ốc nghĩ rằng những người thuộc thế hệ Y (LND: những người chào đời từ giữa thập niên 80) sẽ có khả năng mượn tiền mua nhà. Chủ tịch của Học Viện Địa Ốc Úc Đại Lợi (Real Estate Institute of Australia), ông Graham Joyce, cho rằng lớp trẻ Úc đang trở thành ”thế hệ người thuê nhà”.
Chúng ta hiện đang chứng kiến giai đoạn đầu của một sự thay đổi vĩ đại về nếp sống của nhiều triệu người dân Úc. Chúng ta đang hướng về một tương lai mà một phần khá lớn dân số sẽ không có khả năng mượn nợ mua nhà. Thế mà ngay cả ông Kevin Rudd, kẻ luôn khẳng định rằng ông ta là biểu tượng của tương lai trong lúc John Howard là người của quá khứ xa xăm từ thập niên 50, cũng không nhắm vào thế hệ thuê mướn. Tất cả đều là chính trị cả: tất cả những đơn vị bấp bênh đều có đầy dẫy những người đang chật vật với nợ mua nhà chứ không phải là những người đang chật vật với chuyện mướn nhà. Vì thế, giới chính trị gia, như giới chuyên viên địa ốc, ngoảnh mặt làm ngơ trước những mối ưu tư của người đi thuê nhà.
Ông Rudd, kẻ đã bày tỏ lòng kính trọng đến các vị lãnh tụ lừng lẫy của đảng Lao Động trong kỳ nghị hội toàn quốc của đảng này trong tháng qua, lẽ ra phải học hỏi thêm nhiều từ cố thủ tướng Ben Chifley. Ông Chifley tin tưởng một cách mãnh liệt rằng mọi người dân Úc nên có được một sự chọn lựa thật sự về gia cư, rằng họ có được những sự chọn lựa về gia cư thích hợp nhất với hoàn cảnh của họ.
Thế nhưng thủ tướng Robert Menzies sau đó đã dập tắt cách suy nghĩ đầy xã hội tính ấy. Tất cả mọi người, kể cả giới thợ thuyền công nhân cũng đều phải là những tay tư bản nho nhỏ và mọi người phải nhắm vào mục tiêu được sở hữu căn nhà của mình. Và từ đó, các dự án xây cất nhà chính phủ cho người có lợi tức thấp thuê mướn với giá phải chăng (housing projects) bị giảm thiểu và "Giấc Mộng Vĩ Đại Làm Chủ Căn Nhà Của Dân Úc” bắt đầu phát triển mạnh. Thế nhưng, Giấc Mộng ấy trong lúc này quả thật là vĩ đại cho khá nhiều người, cũng có một bề trái vô cùng chua chát. Bất kỳ một ai không làm chủ một căn nhà ở Úc đều bị xem như là một kẻ thất bại. Mướn nhà bị xem là đồng nghĩa với sự liều lĩnh thiếu suy nghĩ, sự thiếu ổn định và là một cách tự vẫn tài chính: Chỉ có những kẻ chưa đủ trưởng thành mới đi thuê nhà!
Thế nhưng, những hiện thực về xã hội và kinh tế đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ về vấn đề này. Sự sở hữu một căn nhà không còn là cái mốc đánh dấu cho sự trưởng thành nữa. Cô Kate Crawford nhận xét trong quyển Adult Themes rằng: "Chúng ta đang chứng kiến một sự tách rời giữa nhận xét về sự trưởng thành và những hiện thực về việc sở hữu nhà cửa đối với tất cả mọi người, ngoại trừ những kẻ thật giầu có”.
Ở Nữu Ước, 70% dân số là người ở nhà thuê, ở Luân đôn khoảng 60% cư dân là kẻ thuê nhà. Ít nhất là 1/3 dân số của các thành phố này là người cả đời ở nhà thuê. Những con số thống kê này cho chúng ta thấy rõ tương lai của các thành phố Úc như Sydney và Melbourne. Thế nhưng, ở Úc, đến bây giờ những người thuê nhà vẫn còn là công dân hạng nhì.
Hoàn toàn không có một nỗ lực nào từ giới hữu trách để tạo dựng nên một nền văn hóa, một nếp sống thiên về những người thuê mướn nhà cửa. Nếu trong tương lai sẽ có một thế hệ toàn là người thuê nhà thì khuôn khổ chính sách nhằm cải thiện tình trạng cho người thuê nhà ở đâu" Ở các thành phố có một văn hóa thuê mướn mạnh mẽ thì người ta có những hợp đồng thuê mướn dài 5 năm, chứ không phải chỉ 6 tháng hoặc một năm mà thôi.
Tại những nơi này cũng có một số lượng không nhỏ nhà chính phủ cho thuê (public housing) hoặc các căn nhà tư nhân cho thuê theo biện pháp kềm chế tiền thuê (rent controls) để giữ được cho giá thuê mướn phải chăng. Và một số biện pháp để biến những căn nhà cho mướn trở thành những mái ấm giá đình.
Và, tại các thành phố này, lời yêu cầu sửa máy nước nóng sẽ được đáp ứng nhanh chóng. Sự đáp ứng chắc chắn không phải là sự câm lặng mà tôi nhận được. Một sự câm lặng rùng rợn không khác gì sự câm lặng của các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta về tương lai của những người thuê nhà ở Úc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.