Hôm nay,  

Chuyện Mỗi Tuần: Kẻ Tầm Thường

30/04/200700:00:00(Xem: 2773)

  Ra khỏi khu triển lãm của hoạ sĩ Duy Khang, Yến hỏi tôi:
- Có phải ông họa sĩ này hồi đó nhờ anh kiếm mướn "apartment" giùm ông ta phải không"
- Chính hắn.
- Hồi này coi bộ bảnh bao dữ ha mà lại đẹp trai hẳn ra. Hối đó anh ta trông giống như một thằng cha "homeless" mà anh cũng hứa giúp. Đúng là dễ tin người.
Tôi ra vẻ là kẻ biết nhìn người:
- Anh biết ông ta sẽ thành tài sau này chứ không phải là một thằng cà lơ thất thểu… Em không học Pháp Văn nên không nghe chuyện một văn hào Pháp tên là Gustave Flaubert thuở chưa thành danh ông ta nghèo tới mức người bạn thân duy nhất còn lại là con chó của ông ta mà nó cũng bỏ đi. Ông ta gặp nó ngoài phố ngoắc nó lại thì nó đứng ngó ông một chập rồi lặng lẽ bỏ đi…
Yến thắc mắc:
- Cái bức tranh "Kẻ tầm Thường" của ông hoạ sĩ này có gì đặc biệt mà anh đứng ngắm nghía kỹ quá vậy" À mà tại sao ông ta lại đề là "Display only, not for sale""
- Vì đó là một kỷ niệm của một chuyện tình cay đắng trong đời ông ta. Nên ông ta vẽ lại chỉ để ghi nhớ khi còn là một nghệ sĩ nghèo mạt rệp bị người yêu đá đít ông ta ra khỏi nhà. Hồi nãy em có thấy một người thiếu phụ khá xinh xắn đứng lặng im nhìn bức tranh đó cả nửa tiếng nên anh nán lại làm bộ thưởng thức bức tranh nhưng thật ra muốn biết thiếu phụ đó có phải là người yêu cũ của Duy Khang hay không. Sau cùng cô ta liếc nhìn về phía Duy Khang rồi buồn bã thở dài quay lưng đi…
Yến cãi lý:
- Nếu phải thì anh ta đã nhận ra rồi chẳng lẽ ngó lơ…
- Tại em không để ý là có một người đẹp khác đang đứng bên cạnh Duy Khang tươi cười cùng tiếp khách thưởng ngoạn tranh. Nếu là em, em có muốn tự ý tìm lại gặp anh ta không" …Em có thấy bức tranh vẽ một thiếu nữ đang đóng cánh cửa nhà, mắt trợn trừng ngó về phía chàng thanh niên đứng ở vệ đường trước nhà lỉnh kỉnh với bị, xách vật dụng cá nhân mặt nhăn nhó dở khóc dở cười đó không" Đó là Duy Khang đó…
Hơn hai năm trước, khi chưa thành danh, Duy Khang đi kiếm chung cư để mướn và vì trên răng dưới khố lại không việc làm nên không ai cho mướn. Vô tình gặp tôi và sau một hồi anh ta tâm sự tôi thấy tôi nghiệp quá nên liều mạng ký giấy bảo đảm cho Duy Khang khiến Yến la lối tôi om xòm. Sau khi thành danh Duy Khang dọn đi nhưng khi triển lãm tranh hay hay ra mắt sách Duy Khang không quên mời tôi tham dự. Vì liên hệ như vậy nên Duy Khang đã cho tôi biết ý nghĩa sâu sa của bức tranh "Kẻ Tầm Thường"…

*

Tôi là một nghệ sĩ chưa thành đạt. Tôi viết thơ, phim kịch, và vẽ tranh tuy chưa có ai để ý đến những sáng tác của tôi nhưng tôi tin tưởng mình sẽ thành công khi cơ duyên đến. Để có phương tiện sống, tôi phải làm công việc gói hàng và mang đồ ra xe cho khách của một siêu thị. Tôi thường ra một công viên để vẽ hay viết vì với phong cảnh đó sẽ gợi cho tôi nhiều cảm hứng bất ngờ.
Tôi gặp Liên hay nói một cách khác Liên gặp tôi trong công viên này khi tôi say sưa vẽ và nàng thú thật rằng nàng bị tiếng sét ngay lần đầu gặp gỡ không quan tâm tới hiện tại tôi là cái gì. Tôi với nàng đã yêu nhau và Liên đã đề nghị tôi "move in" sống chung với nàng. Vì yêu nàng thật sự tôi đã chính thức hứa hôn với Liên và chỉ chờ khi tôi bán được tác phẩm thì tôi sẽ tổ chức một đám cưới linh đình cho nàng nở mặt.
Sau hơn một năm có lẽ sau khi sống với thực tế nó có những nhu cầu khác cho cuộc sống chứ không phải chỉ thuần túy trong một thế giới thơ mộng của tình yêu và nghệ thuật cho nên dần dần Liên đã thay đổi và thiếu kiên nhẫn. Liên như không thoả mãn một điều gì và muốn tìm cách thoát ra khỏi tình trạng hiện tại để tìm đến một thế giới tuyệt hảo hơn. Điều này đã khiến tôi tự vấn rằng Liên có thật sự yêu tôi không hay chỉ là một xúc cảm nhất thời rồi dễ tan biến.
Liên là một chuyên viên về X-ray và rất hãnh diện về nghề nghiệp của mình nhưng theo tôi nghĩ thì cũng như bao nhiêu người bình thường khác mà thôi nhưng dần dần Liên thường than trước mặt tôi rằng không hiểu sao nàng lại yêu tôi . Mỗi khi tôi nói về dự tính tương lai thì Liên lại lái qua vấn đề tại sao nàng muốn thành hôn với một người như tôi mà ngay đến một việc làm xứng đáng tôi cũng không có. Tôi cố gắng lờ đi lời chê bai cay nghiệt đó bằng cách vẽ ra một tương lai thơ mộng với cảnh hai đứa chiều chiều ngồi dưới mái hiên nhìn ánh chiều tàn xuyên qua màn sương khói phủ ngọn cây. Tôi rót cho nàng những chén trà thơm ngát mùi hoa nhài và tôi xoa bóp đôi chân nàng để Liên nhận ra rằng cái đẹp của đời không phải chỉ lệ thuộc vào công ăn việc làm hay tiền bạc.
Những lúc tôi đắm chìm trong suy tư để có thể sáng tác là lúc tôi ngồi mơ màng nhìn vào khoảng không. Những khi đó, nếu Liên bắt gặp  thì Liên xổ toẹt vào mặt tôi:
- Mơ nửa ngày không thể trả được những chi phí (bills) cho cuộc sống. Anh nên kiếm một công việc làm cho ra tiền hay ghi danh đi học lại lấy một cái nghề thì tốt hơn.
Để Liên khỏi căn nhằn, tôi đến trường đại học ghi danh nhưng tôi không thấy nghề gì có vẻ thích hợp với tôi nên tôi không thể miễn cưỡng học vì như vậy khó mà đạt được kết quả. Để chứng tỏ tôi không phải là kẻ chỉ biết "ăn bám", tôi thường dọn dẹp, lau nhà cho sạch sẽ và hay tình nguyện đấm lưng cho Liên để nàng cảm thấy thoải mái thì Liên chẳng thèm để ý đến những gì tôi làm mà còn bảo rằng:
- Anh hãy tập trung thì giờ để làm sao mình có xe Mercedes mà đi như người ta thì tốt hơn.
Tôi muốn thét vào mặt Liên rằng xe Mercedes cũng không nâng cao giá trị thực sự của con người… Nhưng, với hoàn cảnh này tôi đã cố kìm hãm không mở miệng. Đôi khi Liên cũng dịu dàng với tôi nhưng giây phút đó chỉ ngắn ngủi rồi tâm hồn nàng đã bị chi phối bởi một sự bực bội nào đó.
Tuy vậy tôi vẫn cố níu kéo để cứu vãn cuộc tình đã hằn nét trong hồn tôi. Tôi nuối tiếc một Liên dịu dàng dễ thương khi gặp tôi vẽ tranh ở công viên. Những vào ngày thứ Sáu tháng Bẩy vừa qua hai chuyện ngoài dự tính đã xẩy đến cho tôi. Sau khi ra công viên viết và vẽ tôi trở về nhà thì một cảnh tượng khiến tôi ngỡ ngàng. Tất cả những đồ đạc vật dụng cá nhân của tôi được chất đống trước sân nhà như ai sắp dọn nhà đi. Liên đứng trước cửa nhà với nét mặt lạnh lùng giận dữ:
- Tôi muốn anh dọn đi.
Tôi tỏ vẻ không tin được:
- Tại sao vậy Liên"
- Anh không có ý tưởng làm điều gì để xây dựng tương lai chúng ta. Tôi mơ ước một chiếc xe Mercedes mà anh cũng không thực hiện được thì anh sẽ làm được gì. Sống mà không có mơ ước thì không phải là lối sống của tôi. Nhìn anh kìa, ăn mặc như là một "homeless". Anh phải biết ít nhất ai cũng muốn mình phải là cái gì trong xã hội này chứ. Còn anh" Anh chả là cái gì cả.
- Nhưng mà Liên! Em đã yêu anh và anh đã...
Liên nắm tay lắc đầu:
- Đã quá đủ rồi.
Tôi cố vớt vát:
- Chúng mình đâu đã đến nỗi phải sống ở ngoài đường đâu. Tại thời cơ chưa gặp đấy thôi.
- Anh chỉ là người vị kỷ. Lười biếng chứ nghệ sĩ gì anh. Tôi không có thì giờ ngồi chờ hào quang tương lai của anh đến. Thời gian qua mau và tuổi xuân sẽ tàn sớm. Tôi muốn người chồng tôi phải là kẻ nổi bật trong xã hội này.
Tôi nổi giận, nước mắt trào ra cay xè, tôi hét:
- Thế em đã là cái gì"
Liên gào lại:
-Tôi biết tôi chỉ là một chuyên viên xoàng nhưng ít nhất cũng còn hơn anh. Anh chẳng là cái quái gì cả.
Tôi ân hận đã thốt ra những lời vừa qua nên tôi lập lại:
- Nhưng anh yêu em…
Liên yên lặng có vẻ suy nghĩ; tôi tưởng nàng ân hận đã có những lời tàn tệ với tôi. Nhưng không, nàng chỉ lạnh lùng:
- Anh nên đi đi.
Tôi xì mũi, chùi nước mắt rồi lúng túng ngượng ngùng thu dọn đồ đạc nhưng trong đầu tôi đang suy nghĩ không biết đi đâu bây giờ. Tôi chợt hiểu. Mới đầu gặp tôi, Liên với một xúc động của con tim nàng thấy tôi là một cái gì cao qúy vĩ đại, nhưng sau khi đã hiểu rõ đối tượng nàng đã không thoả mãn cái mà nàng đã đạt được. Nàng muốn tôi phải là cái gì trong xã hội này để nàng có thể cũng là một cái gì đó mà nàng không định nghĩa được. Tôi lẩm bẩm: Muốn đạt tới đích thì phải kiên nhẫn chứ một nghệ sĩ đâu dễ gì vươn lên đỉnh danh vọng được. Tôi đứng ngẩn ngơ rồi tự hỏi mình sẽ đi đâu bây giờ. Chỉ còn thằng họa sĩ Thanh là nhờ vả được năm mười ngày vì hắn cũng là một thứ nghệ sĩ "vị kỷ, lười biếng" như tôi.
Tiếng Liên lại gằn mạnh:
- Và đừng trở lại đây làm phiền tôi vì đã có người khác có khả năng hơn thay thế anh rồi.
Tôi có cảm giác như ruột gan tôi muốn tuôn ra khỏi cuống họng. Tôi bàng hoàng nhìn thẳng vào mặt Liên:
- Em nói gì"
- Tôi gặp anh ta qua "online chat" trên mạng lưới.
- Ồ! Thì ra ngay mặt mũi anh ta ra sao em cũng chưa biết.
Liên liếc nhanh tôi rồi thản nhiên:
- Thì đã sao. Anh ta là một kỹ sư , anh ta có tương lai không như anh một kẻ tầm thường suốt đời cứ ngồi trên lưng con rùa thì sẽ đi tới đâu"
Nói xong Liên quay vào nhà đóng cửa đến rầm một cái. Tôi chua chát nghĩ: Người như vậy mà sao lần đầu gặp tôi lại thốt ra được những lời "Em yêu anh bất kể hiện tại anh là cái gì. Cho dù anh là hoàng tử hay là kẻ bán than em cũng vẫn yêu anh". Tôi khoác bịch rác đựng hết đồ lặt vặt và lếch thếch ôm ba chiếc cặp táp đi bộ tới nhà Thanh...
Tôi đang lang thang, tay vuốt những giọt mồ hôi trên mặt thì tiếng điện thoại cầm tay reo khiến tôi mừng rỡ vì tôi hy vọng là Liên gọi. Tôi lẩm bẩm: Lạy chúa tôi! Có lẽ nàng đã ân hận cho sự tàn tệ của nàng đã đối với tôi chăng. Nhưng tôi thất vọng vì người gọi đó là Thanh.
Thanh không phải chỉ là bạn đồng nghiệp mà còn là đại diện (agent) môi giới cho tôi mà từ hồi chung sống với Liên tôi ít liên lạc. Tôi toan nói cho Thanh biết hoàn cảnh bi đát của tôi để nhờ hắn cho tá túc ít bữa thì Thanh đã ngắt lời :
- Khoan đã, để tôi báo cho anh biết. Truyện phim "Người Tầm Thường" của mày tao gửi đi năm ngoái nay đã được phúc đáp. Họ trả cho 80 ngàn mỹ kim và sau khi phân tuồng cần thêm thắt sửa chữa thì sẽ có thêm thù lao. Sửa soạn ký khế ước. OK.
Tôi run bắn người lắp bắp:
- Làm thế nào và tại sao…
- Mày yên tâm đi. Họ có khuynh hướng khai thác vấn đề trìu tượng. Những cơ duyên này không phải dễ xẩy ra cho những tay "amateur" như tụi mình.
Kệ cho khuôn mặt tràn đầy nước mắt, tôi ngẩng mặt nhìn trời nở một nụ cười ngay chính tôi cũng không hiểu đó là nụ cười chua xót hay vui mừng. Cánh cửa sáng chói của đời cho một kẻ tầm thường như tôi đã rộng mở!
Ngày hôm sau tôi đáp máy bay đến gặp nhà sản xuất. Tôi mang theo bản thảo duy nhất còn lại truyện phim đã nhàu nát cũ kỹ và thầm hỏi rằng khi mình đã trở thành một kẻ nào đó thì cảm giác sẽ ra sao" Có khác xa một kẻ thật sự tầm thường không"
Có những lúc tôi chợt nghĩ đến Liên nhưng tôi không muốn gọi nàng. Thanh bảo tôi gọi Liên để nàng biết thế nào là "nghệ sĩ lười biếng" nhưng tôi gạt đi. Tôi muốn một ngày nào đó khi tên tôi đã sáng chói , tôi đã là một cái gì đó thì chẳng nói Liên cũng biết và lúc đó chưa biết ai là kẻ tầm thường thật sự.


Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 53) - Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Sau khoảng mươi giây đồng hồ nhìn tôi đầy căm giận, Trường hỏi tôi giọng cục cằn:
- Sáng nay mày nói gì, mày còn nhớ không"
Tôi im lặng không biết trả lời thế nào. Tôi biết, sự im lặng của tôi càng chọc giận quản giáo Trường. Nhưng nêu nhắc lại lời nói buổi sáng, tôi sẽ đổ dầu vào lửa.
- Mày nói mày vào đây để cải tạo, nên chúng tao không được quyền đánh mày phải không"
Tôi vẫn im lặng. Tên Trường chửi thề:
- Đ.M. Chúng mày vào đây là để cho chúng tao hành hạ cho đến chết. Đầu óc chúng mày có sạn làm sao mà cải tạo nổi.
Đấm tay xuống mặt bàn đến rầm, tên Trường gào lên:
- Vì vậy chúng tao được quyền đánh mày, được quyền giết mày! Và chúng tao sẽ đánh mày ngay bây giờ... cho mày coi, xem mày có la hét nữa hay không.
Nhìn thái độ điên cuồng của tên Trường, tôi biết ngày hôm nay, chắc tôi khó sống. Trong một thoáng ngắn ngủi, tôi nghĩ đến Mẹ, đến Thầy, những người thân yêu nhất của tôi. Mẹ tôi còn sống, chắc Mẹ tôi không biết đứa con của Mẹ đang sắp phải gánh chịu trận đòn thù. Nhưng Thầy tôi đã mất, chắc vong linh của Thầy tôi vẫn hiện hữu đâu đây trong thế giới siêu hình, sẽ phù hộ cho tôi... Nghĩ đến đó, tôi xúc động muốn khóc.... Nhưng tôi kịp chế ngự sự xúc động của mình. Tôi hiểu, nếu tôi khóc bây giờ, tên Trường sẽ cho rằng tôi sợ hãi chúng. Không, dù tôi có bị đánh chết, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận, nhưng tôi không thể nào để chúng coi mình là một thằng hèn.
Thấy tôi im lìm không nói, tên Trường tiếp:
- Bây giờ chúng tao sẽ đánh mày để mày thấy chúng tao có quyền muốn đánh ai thì đánh. Trong trại tù này, chúng tao là luật pháp. Mày nghe rõ chưa"
Tôi im lặng. Tên Trường hét lên:
- Mày nghe rõ chưa"
Tôi trả lời:
- Rõ...
Tên Trường lại hét:
- Mày nói như vậy hả" Nội quy của trại tù để đâu"
Tôi trả lời:
- Báo cáo quản giáo, rõ.
- Mày có phản đối gì không"
Tôi im lặng. Tên Trường lại hét:
- Tao hỏi, chúng tao đánh mày ngay bây giờ, mày có phản đối gì không"
Tôi trả lời:
- Báo cáo quản giáo, không.
Tên Trường gật gù, khoái trí:
- Mày biết vậy là tốt. Bây giờ, tao báo cho mày biết, hai vệ binh cầm súng đây sẽ lên đạn sẵn sàng, để những vệ binh còn lại sẽ đánh mày đúng 15 phút. Trong 15 phút đó, nếu mày có bất cứ hành động nào chống cự, lập tức hai vệ binh này sẽ "xử lý" mày tại chỗ. Mày nghe rõ chưa"
- Báo cáo quản giáo, rõ.
- Mày có phản đối gì không"
- Báo cáo quản giáo, không.
- Mày có chống cự không"
- Báo cáo quản giáo, không.
- Mày đồng ý cho chúng tao đánh mày"
Tôi im lặng. Chẳng lẽ tôi lại ngu xuẩn lên tiếng đồng ý để cho cả chục tên vệ binh xúm vô đánh mình" Nhưng dù tôi có không đồng ý, cục diện cũng không hề thay đổi. Chúng vẫn xúm vô đánh tôi như thường, và có thể đánh dã man hơn. Thôi thì đến nước này, tôi chỉ còn có con đường duy nhất, gồng mình chịu đòn, để sống sót thực hiện chuyến vượt ngục cùng với anh Dzoãn Bình. Tên Trường lại hét lên:
- Mày có đồng ý cho chúng tao đánh mày hay không"
Không còn cách nào khác, tôi đành miễn cưỡng trả lời:
- Báo cáo quản giáo, đồng ý.
Tên Trường cười hô hố, chỉ tay về giữa phòng ăn, bảo tôi:
- Tốt lắm. Vậy mày bước lại chỗ kia.
Tôi lặng lẽ và chậm rãi bước đến giữa phòng ăn. Tiếng tên Trường vang lên phía sau:
- Quay mặt lại đây.
Tôi lặng lẽ quay mặt lại. Tên Trường lại hét:
- Quay cả người lại.
Tôi lặng lẽ làm theo. Tên Trường gật gù thấy tôi ngoan ngoãn vâng lời. Hắn quay sang bảo hai tên vệ binh cầm súng:
- Các đồng chí sẵn sàng, nếu thấy thằng này chống cự, lập tức "xử lý" tại chỗ cho tôi. Các đồng chí nghe rõ"
Hai tên vệ binh liền hô to, "rõ", rồi thị uy bằng cách kéo cơ bẩm, khiến viên đạn nằm sẵn trong nòng bắn ra ngoài, để cho viên đạn khác nhảy lên nòng. Sau đó, chúng mở khoá an toàn rồi chĩa súng vào tôi trong tư thế sẵn sàng bóp cò.
Tên Trường dơ tay ngó đồng hồ rồi hất cằm ra hiệu cho đám vệ binh và nói:
- Biện pháp chế tài tên ngoan cố... bắt đầu! Các đồng chí được quyền thẳng tay đánh tên này đúng 15 phút kể từ bây giờ...
Đám vệ binh lập tức vây quanh tôi. Vài tên bước tới đấm gió kiểu võ sĩ quyền Anh, có tên tung giò đá vô khoảng không, rồi cười hô hố khoái trá. Lúc đó, tuy hoảng hốt, nhưng tôi vẫn nhớ lời dặn dò của Minh "mã tấu", nên thu vội hai cánh tay lên hai bên thái dương, hai bàn tay đặt sau gáy, đan vào nhau, đầu hơi cúi xuống, hai mắt quan sát tay, chân của đám vệ binh trong tầm mắt của mình để đỡ đòn. Tôi không muốn nhìn thẳng vào mắt của chúng, vì như vậy, dễ gây cho chúng sự thù hận cá nhân, khiến chúng tức giận, xuống đòn nặng hơn.
15 giây đồng hồ trôi qua, nhưng không hiểu sao, không một tên vệ binh nào đánh tôi. Tôi ngạc nhiên nghĩ, có lẽ chúng sợ tôi liều mạng chống cự chăng" Ngay lúc tôi nghĩ vậy thì lưng tôi bị một cú đá. Cú đá không nặng, nhưng tôi giả vờ loạng quạng, chúi về phía trước. Vừa chúi về phía trước được hai bước, tôi bị đánh liên tiếp ba cú không hiểu là cú đá hay cú đấm. Một cú vào be sườn bên trái, một cú vào lưng và một cú vào đầu. Đến lúc này, tôi lạng quạng thật, chứ không còn giả vờ nữa. Giữa lúc còn đang lạng quạng, tôi bị một đòn thật nặng vào sườn bên phải. Đây là đòn đánh nặng nhất. Tôi thấy đau nhói cả một bên sườn, hơi thở bị nghẹn lại, cả người tôi gập làm đôi, nhưng tôi vẫn tỉnh táo, cố gắng nhìn các đòn đánh trong tầm mắt của mình để tránh không bị đánh vào đầu. Trong lúc tôi đang gập người đau đớn và cố gắng nhìn để nhận đòn, một tên vệ binh từ phía bên phải đá một cú xoay bản lề, thẳng vô bụng tôi. Vừa đá, y vừa quát:
- Mày nhìn tao, để nhớ mặt trả thù hả"!
Cú đá của tên này làm tôi chới với. Cả người tôi mất thăng bằng, muốn té. Ngay lúc đó, một tia chớp loé lên trong óc: Tốt nhất tôi giả vờ té xỉu, để cho chúng chùn tay. Vừa nghĩ vậy là tôi vội ngã lăn kềnh ra sàn. Té rồi, tôi mới biết trò giả vờ của tôi quả là dại dột. Lúc tỉnh táo, đứng trên hai chân, tụi vệ binh khi xuất đòn còn dè chừng tôi. Khi tôi té xuống, cả lũ vệ binh liền xúm vô đánh tôi túi bụi. Một tên la lên:
- Nó muốn nhớ mặt để trả thù hả, đánh chết nó đi...
Vài tên khác cũng la lên:
- Đánh chết nó đi...
Tuy bị đòn đau, nhưng đã chót giả vờ xỉu, tôi đành phải nằm yên bất động, gồng mình chịu đòn với hy vọng, chúng sẽ ngưng đánh. Quả nhiên, có tiếng một tên vệ binh nói:
- Này này, nó xỉu thật rồi.
Nghe vậy tôi hơi mừng. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng của tên vệ binh đã đá tôi cú khủng khiếp vô bụng:
- Nó xỉu kệ cha nó, để tao sút cho nó một cú ân huệ vào giữa mặt...
Nghe vậy, tôi giật mình. Bản năng tự vệ khiến tôi không kịp suy nghĩ, vội vàng quay mặt sang hướng khác. Chưa kịp quay xong, thì tiếng reo hò và những cú đấm đá của tụi vệ binh đổ xuống người tôi. Tôi nhận ra sự dại dột của mình, vội vàng cố chịu đòn, lồm cồm bò dậy. Nhưng làm như vậy tôi lại càng dại dột. Một người đang bị đòn thù, quằn quại dưới sàn, lồm cồm bò dậy, đã tạo cho kẻ thù nhìn thấy không biết nhiêu chỗ hở, có thể xuất đòn... Quả nhiên, chỉ trong mươi giây đồng hồ ngắn ngủi, cả thân thể tôi bị đá, bị đấm, bị đạp không biết bao nhiêu cú... Tôi tuyệt vọng, nghĩ mình hôm nay chắc chết mất. Nghĩ vậy, ý chí đề kháng trong tôi mất hết. Tôi vội kêu lên hai tiếng "MẸ ƠI!" rồi nằm vật xuống sàn nhà, để mặc cho chúng đánh... Đột nhiên, một cú đá vào mặt làm tôi nổ đom đóm mắt. Rồi tôi nghe tiếng tên quản giáo Trường la lên:
- Ê, không đánh mặt! Không đánh mặt!
Tiếng la của tên Trường khiến tôi bừng tỉnh. Thì ra chúng không muốn đánh để lại những vết tích trên mặt của tôi. Như vậy chúng không muốn đánh tôi chết. Như vậy tôi có hy vọng sống. Nghĩ vậy, tôi cố gắng gồng mình chịu đòn, và lồm cồm bò dậy lần thứ hai. Nhưng những cú đấm, cú đá làm tôi không kịp đứng dậy. Bụng tôi quặn thắt, một luồng hơi nóng hực bốc lên từ dạ dầy, làm tôi vội oẹ một, hai tiếng, rồi ba tiếng...  nhưng tôi không thể nôn được thứ gì. Vì tôi không ăn uống gì từ tối hôm trước, trong dạ dầy trống không, nên tôi chỉ nôn khan. Nhưng chính vì nhưng tiếng nôn oẹ của tôi đã khiến cho mấy tên vệ binh phía trước định đánh tôi, vội vàng né sang bên. Nhờ vậy, tôi đứng dậy được. Thấy vậy, tôi ngây thơ giả vờ nôn khan mấy tiếng nữa cho chúng tránh, không ngờ, chúng biết ngay tôi giả vờ, liền xúm vô vừa đánh, vừa chửi bới... Tôi loạng quạng chịu đòn, nhưng vẫn cắn răng không chịu rên la. Đến lúc đó, tôi thấy cả người tôi đờ đẫn, mất hết cả mọi cảm giác, tôi té xuống sàn nhà, để "nghe" thấy đòn thù đánh vào người mình thình thịch, mà không thấy cảm giác đau đớn gì... Đến lúc này, vì tôi nằm dưới sàn, đám vệ binh chỉ đánh tôi bằng những cú đá. Tôi không sợ chúng đá vào mặt, vì lời quản giáo Trường đã ra lệnh chúng không được đánh vào mặt. Tôi chỉ sợ chúng đá vào ngực vào bụng, nên tôi nằm nghiêng, co quắp như một con tôm, hai đầu gối co lên ngực, hai tay tôi quặp lấy đầu gối, chịu đòn. Nhiều cú đá vào lưng, đùi, tay, chân, vài cú đạp vào hông, rồi một tên nhảy lên cao, đạp hai gót giầy vào ngang bụng, khiến cả người tôi bị lật ngửa. Ngay khi bị lật ngửa, nhìn lên, tôi thấy một gương mặt đầy oán độc của một tên vệ binh, hắn đương dơ chân đạp thẳng vào ngực tôi. Lần này tôi không còn cách gì đỡ kịp. Chỉ kịp nghe một tiếng "bịch" ngay trên ngực mình, mà sao thấy xa xôi, tôi không đau đớn gì, nhưng trong lồng ngực tôi bỗng dưng có cả một khối hơi khổng lồ dâng lên nghẹn ứ ở cổ... khiến tôi oẹ một tiếng. Có chất gì ấm ấm chảy xuống cổ, xuống ngực tôi.... Tôi nghe có tiếng la của một tên vệ binh, "Thôi, dừng, đủ rồi... Nó ói máu rồi"... Trong tích tắc cuối cùng trước khi ngất xỉu... tự dưng tôi thấy hình bóng của Mẹ tôi ngày xửa ngày xưa hiện vì... Hình ảnh của Mẹ khi tôi còn bé, được gặp Mẹ lần đầu mà tôi không dám gọi hai tiếng "Mẹ Ơi!"... Mẹ tôi vội vàng, cô đơn, đi ngang chiếc đập của quê hương trong lúc hoàng hôn sắp tắt, gió sông lộng thổi, và chiếc ruột tượng màu vàng của Mẹ bay lất phất... xa dần, xa dần... Tôi muốn gọi, "Mẹ ơi, chờ con!..." nhưng tôi không thốt lên lời. Mắt tôi đột nhiên tối xầm hẳn lại...  (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.