Hôm nay,  

Khung Cửa Hẹp Của Al Sadr

20/08/200400:00:00(Xem: 4841)
Chiến sự tại An Najaf và số phận của giáo sĩ Muqtada al Sadr làm báo chí nhức đầu vì những tin dồn dập và mâu thuẫn. Không rõ trước sau thì khó ai nhìn ra...
Quả như vậy, hoà hay chiến, đàm hay đánh tại An Najaf là câu hỏi khó trả lời.
Chính phủ Lâm thời Iraq, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Iyad Mallawi đã tung ra nhiều đợt tối hậu thư qua ba sứ giả nối tiếp. Một phái đoàn của Nghị hội Quốc gia Iraq (tiền thân của Quốc hội tương lai) nói giọng ôn hoà hôm 17, yêu cầu giáo sĩ Muqtada al Sadr giải giới lực lượng võ trang Mehdi và triệt thoái khỏi ngôi đền thờ Trưởng giáo Ali. Al Sadr không thèm tiếp phái đoàn. Hôm sau, sứ giả thứ hai lên tiếng là Bộ trưởng Quốc phòng Iraq, Hazim al-Shaalan, ông nói giọng xẵng hơn và hứa cho al Sadr một bài học không thể quên được. Al Sadr bèn cho người ra trả lời là đồng ý, nhưng vẫn án binh bất động. Nghĩa là tin hưu chiến vẫn chỉ là tin đồn. Sứ giả thứ ba liền lên tiếng là Quốc vụ khanh Kasim Daud, với tối hậu thư là al Sadr phải đích thân ra họp báo, tuyên bố lệnh giải giới và giao nộp võ khí đồng thời cung cấp danh sách những người bị toà án tôn giáo của ông ta kết án và trả tự do cho những người bị bắt. Suốt hai ngày đó, một số thành viên trong Nghị hội Quốc gia tự lập ra phái bộ hoà bình để tìm giải pháp cho vụ An Najaf.
Khoảng cách không gian từ Iraq đến Hoa Kỳ biến thành khoảng cách thời gian, với giờ giấc sai trệch, khiến tin này nhồi tin kia làm dư luận không hiểu là đánh hay đàm. Tin giờ chót thì như lời hăm dọa của Chính phủ Iraq, giao tranh đã bùng nổ dữ dội ngày 19, giờ Iraq, nhưng lại lắng dịu vào ban đêm, trong khi Thủ tướng Allawi yêu cầu phía Hoa Kỳ sẵn sàng để mở cuộc tấn công vào buổi sáng 20.
Nghĩa là từ 17 đến 20, giờ Iraq, người ta không còn biết là tình hình biến chuyển thế nào nữa.
Tất nhiên là phía Hoa Kỳ không muốn bị mang tội phá hoại một đền thờ Hồi giáo, thậm chí sát hại Muqtada al Sadr cũng là điều miễn cưỡng. Nhưng, ngày nào mà nhân vật này còn thách thức chính quyền Iraq, ngày đó việc bình định xứ này sẽ còn gặp trở ngại. Ngoài ra, từ thành phố al Fallujah, các phần tử Sunni đã lên tiếng yểm trợ cho lực luợng Shia của al Sadr, là điều khó xảy ra trong thực tế nhưng vẫn gây ấn tượng là hai phe cừu thù Sunni và Shia nay đã đoàn kết để chống Mỹ. Cũng vì vậy mà mờ sáng 20, giờ Iraq, có tin là các đơn vị Mỹ đã tấn công Fallujah cùng lúc với việc oanh tạc An Najaf và al Sadr đã kêu gọi dân quân Mehdi rút khỏi thánh địa.

Phần mình, Chính phủ Lâm thời của Allawi cũng không thể nào cầm quyền và có tối thiểu chính nghĩa nếu không dẹp được đám giặc cỏ lẩn trốn trong đất thiêng. Dù nội bộ có thể chia hai, giữa phe ôn hoà (của Nghị hội và một số nhân vật Shiite đòi khóa mỏ dầu để làm khó Chính phủ) và cương quyết (của Thủ tướng Iyad Allawi và hai Bộ trưởng Hazim al-Shaalam và Kasim Daud), đa số vẫn thiên về quyết định chủ chiến để xây dựng một chính quyền có thực quyền.
Đối diện, đâu là thế mạnh và là vấn đề của Muqtada al Sadr"
Vị Giáo sĩ 30 tuổi này đang là khuôn mặt chống Mỹ nổi bật, nhưng có tiếng lại không có miếng, ngoại trừ ảnh hưởng đối với báo chí Mỹ. Mà còn bị rất nhiều nhược điểm.
Thứ nhất, ông ta gặp bộ máy quân sự và chính trị dù sao cũng hữu hiệu của Chính phủ Lâm thời Allawi, nó không tan rã mà ngày càng có dấu hiệu năng động và tự tin hơn. Thứ hai, dù cực đoan đến nỗi thành người hùng chống Mỹ, al Sadr không được đa số Shia kính trọng và bị Đại giáo chủ Ali al Sistani rất thù ghét trong thâm tâm. Dân Shia đang do dự giữa hai cảnh ngộ: nếu chống Mỹ đến cùng thì sẽ đứng ngoài, hợp tác thì sẽ như dân Sunni, với nhiều nhân vật đang tham gia chính quyền lâm thời.
Nhược điểm thứ ba nằm tại Iran, một hậu phương lớn của mình.
Chính quyền Tehran không hài lòng với giải pháp ôn hoà của Đại giáo chủ al Sistani nên dùng al Sadr để quậy nát Iraq và chi phối lập trường của al Sistani. Nhưng, Iran thực tế làm được gì cho al Sadr và lực lượng võ trang Mehdi khi An Najaf đang bị quân Mỹ phong toả chặt chẽ" Đành chỉ tiếp vận bằng nước bọt. Khi giao tranh gia tăng cường độ tại An Najaf, Iran lại có vẻ xoay chiều. Cuối tuần qua, một tờ báo tại Tehran bất ngờ kết án tuốt luốt: cả Mỹ, chính quyền Iraq lẫn al Sadr là có tội gây đổ máu nơi thánh địa. Có đồng minh như vậy thì khó thọ!
Kết luận ở đây là ngôi sao chiếu mệnh của Muqtada al Sadr đang lu mờ dần.
Hoa Kỳ phải nhổ cái gai phiến loạn ở An Najaf, với sự hỗ trợ của chính các đơn vị Iraq. Al Sadr có thể sống sót vì Mỹ không muốn mang tiếng giết hại một giáo sĩ Shia, nhưng, bom đạn vô tình, ai biết được sự thể ra sao" Muốn sống còn và đi ra với hào quang chống Mỹ để trở thành khuôn mặt đối lập công khai trên chính trường Iraq, ông ta phải thực sự dẹp bỏ lực lượng võ trang Mehdi. Có khi mất luôn dàn cận vệ. Lúc đó, người ta mới thấy đòn phép của Đại giáo chủ al Sistani. Al Sadr chẳng từng ra tay sát hại các giáo chủ lỡ là đối thủ của mình đó sao"
Đại giáo chủ Ali al Sistani đã "lành bệnh" và từ Luân Đôn đã trở về Iraq. Để chứng kiến hồi cuối của một người hùng hung hãn"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.