Hôm nay,  

Đgh Tiếp Kiến Dũng: Bang Giao, Thăm Vn

26/01/200700:00:00(Xem: 7082)

ĐGH Tiếp Kiến Dũng: Bang Giao, Thăm VN

- 2 Bộ Ngoại Giao Sẽ Họp, Bàn Cách Thực Hiện

 Phòng báo chí của tòa thánh Vatican loan báo Đức Giáo Hoàng Benedict thứ 16 đã tiếp Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng khỏang nửa giờ tại thư phòng.

Có nhiều thông tin từ phía VN cho biết rằng đang có thảo luận viễn ảnh bang giao giữa Vatican và VN, và cả về việc Đức Giáo Hoàng có thể sắp viếng thăm Việt Nam.

Bản thông cáo báo chí cho biết Đức Giáo Hoàng tỏ ý hài lòng về cuộc viếng thăm của Thủ Tướng CSVN đánh dấu 1 bước quan trọng nhằm bình thường hóa các quan hệ song phương.

Theo thông cáo này, Vatican khen ngợi các tiến bộ cụ thể trong vài năm qua hướng tới việc mở ra những không gian mới về tự do tôn giáo dành cho giáo hội Công Giáo tại VN.

Tham dự cuộc hội đàm giữa Đức Giáo Hoàng và Thủ Tướng CSVN còn có viên chức chỉ huy tôn giáo vụ là Ngô Yên Thi.

VN có 6 triệu dân theo đạo Công Giáo, là đông hạng nhì tại Đông Nam Á, sau Philippines. Tòa thánh Vatican cho rằng đối thoại có thể đưa tới hợp tác có kết quả giữa giáo hội và chính quyền để giáo dân có thể đóng góp tích cực vào các phúc lợi của xã hội, như là cổ võ các giá trị đạo lý trong giới trẻ và giúp đỡ người nghèo.

Bản tin “Website Chính Phủ” từ Hà Nội cho biết thêm nhiều thông tin khác, đặc biệt cho thấy tình hình Đức Giáo Hoàng sắp thăm VN, trích “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận ý kiến của Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và việc Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican sang thăm Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị giao cho cơ quan ngoại giao hai bên thảo luận cụ thể...”

Bản tin không cho biết cụ thể thời điểm nào Đức Giáo Hoàng sẽ thăm VN.

Bản tin của phóng viên Việt Đông ghi trên “Website Chính phủ” hôm 25-1-2007 đã viết, trích lược như sau:

“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI. 

(Website Chính phủ) – Đúng 11 giờ địa phương (17 giờ Hà Nội) ngày 25/01/2007, tại Tòa thánh Vatican, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI và hội đàm với Thủ tướng Vatican, Hồng y Tarcisio Bertone. Cuộc gặp lần đầu giữa người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican thể hiện thiện chí và mong muốn của Việt Nam và Tòa thánh Vatican nhằm tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau....”

Sau các ngôn ngữ ngoại giao và tuyên truyền thành quả, trang báo chính phủ viết thêm:

“...Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp với Tòa thánh Vatican trên cơ sở những nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận là: tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam mong muốn Tòa thánh Vatican có tiếng nói khích lệ cộng đồng Công giáo Việt Nam luôn luôn gắn bó với đất nước và dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận ý kiến của Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và việc Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican sang thăm Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị giao cho cơ quan ngoại giao hai bên thảo luận cụ thể.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng rằng, với thiện chí và quyết tâm của cả hai bên, quan hệ giữa Việt nam và Tòa thánh Vatican sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với mong muốn của cả hai bên...”

Bản tin của Đài VOA hôm 25-1-2007, có ghi rằng giaó dân VN tin là tình hình bang giao Vatican-VN kể như sắp xong. Bản tin viết:

“...Đối với người công giáo, sự kiện này có ý nghĩa như một sự hồi phục của đạo giáo, có thể sẽ đi tới cao điểm là bình thường hóa bang giao giữa chính quyền cộng sản và Tòa Thánh Vatican.

Các nhà lãnh đạo công giáo và giới quan sát cho rằng có nhiều phần chắc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đề cập đến vấn đề này khi hội kiến giáo hoàng.

Bà Liên hy vọng sự kiện đó sẽ đưa đến việc Đức Giáo hoàng đến thăm Việt Nam...”

Dù vậy, các cán bộ lãnh đạo CSVN vẫn cho rằng cần duy trình một hình thức kiểm soát, dù đã có nhiều cởi mở. Bản tin VOA cũng viết:

“... Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân đã làm việc cho Ủy ban Tôn giáo hơn 20 năm, và hiện là phó trưởng ban Tôn Giáo Chính phủ.

Nhưng trong khi ca ngợi sự tiến bộ, thì tổng giám mục giáo phận Huế, Nguyễn Như Thế, mới đây nói với VOA rằng còn nhiều việc phải làm.

Tuy nhiên, tiến sĩ Xuân lập luận rằng Hà Nội cần phải duy trì ít nhất một vài quyền đối với việc bổ nhiệm các chức sắc của Tòa Thánh Vatican.”

Trong khi đó, Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, từ Giáo Phận Orange, Nam Calif. trả lời đài BBC trong bản tin hôm 25-1-2007 với một chút dè dặt:

“...Bình thường hóa là việc hai bên đi tới thiết lập quan hệ ngoại giao thì tôi nghĩ là chưa đi tới mức đó đâu. Đó là bởi cần phải có các điều kiện căn bản. Chẳng hạn như ở Việt Nam trên giấy tờ thì có tự do tôn giáo, thế nhưng trên thực tế cũng chỉ có tự do phần nào. Những người theo đạo thì được đi nhà thờ, chùa chiền,…. thế nhưng để mà phát triển tư tưởng tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng thì đâu có được. Hiện chưa được ấn loát các tài liệu để phổ biến những tư tưởng tôn giáo vì nhà nước còn kiểm soát rất khắt khe. Cho nên so sánh điểm này giữa Việt Nam và các quốc gia khác thì Việt Nam chưa có tự do thực sự. Chúng ta cũng biết rằng một số cơ sở của các tôn giáo đều bị nhà nước trưng dụng mà cũng chưa trả lại. Những cái đó là những cái bất công và cũng là sự vi phạm về tôn giáo bởi các tôn giáo đó có quyền sở hữu những cơ sở, nhất là các cơ sở thiện nguyện...”

Dù vậy, Đức Giám Mục Mai Thanh Lương khi trả lời trên Đài RFA hôm 25-1-2007 tin rằng đang có những thay đổi ở VN, trích:

“...Đức giám mục Mai Thanh Lương bày tỏ hy vọng là có thể đây là dịp để chính quyền trong nước nhận ra rằng tôn giáo không phải là một đe doạ, mà là một trong những yếu tố để xây dựng quốc gia, vì giáo dân Công giáo không những chỉ có bổn phận đối với Thiên Chúa mà còn có bổn phận đối với đất nước. Đức Cha đồng thời nói việc chính phủ Việt Nam mở rộng bang giao với bên ngoài là tốt.

Khi được hỏi chính quyền Việt Nam có thể làm những gì để cải thiện tình hình tôn giáo trong nước hiện nay, theo Ngài là thiếu tự do, Đức Giám Mục Mai Thanh Lương nói Ngài thấy có rất nhiều điều cần làm, như bãi bỏ kiểm soát nhân sự và để người dân được tự do tư tưởng qua cách để giáo hội lưu hành một tờ báo có khả năng giúp giáo dân trau giồi kiến thức về tôn giáo, vì lâu nay cả nước vẫn không có được một tờ báo xứng đáng phụ trách việc này.

Sau cùng, Đức Cha bày tỏ thêm rằng Ngài không hài lòng với chính sách, thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại về vấn đề tôn giáo.

Theo Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, chính quyền Hà Nội cần có rất nhiều cải tổ, một trong những điều căn bản nhất trả lại các cơ sở tôn giáo mà nhà nước đã tịch thu, để những nơi này lại được dùng để phục vụ cho nhu cầu phụng vụ giáo dân.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.