Hôm nay,  

Chính Binh Và Kỳ Binh

08/12/200700:00:00(Xem: 9165)

NIE là No War - Thế rồi sao"

Khi một biến cố xảy ra mà ngần ấy phe đều thấy mình đúng - và đối phương sai lầm -  người ta tất nhiên phải phân vân về lẽ đúng sai. Và dè chừng một chuyện khác còn rắc rối hơn.

Đó là kết luận từ vụ tình báo Hoa Kỳ công bố bản lượng định National Intelligence Estimate NIE vào hôm Thứ Hai mùng ba vừa qua.

Xin hãy nói về bối cảnh trước, mà bối cảnh là một mớ bòng bong dễ gây bối rối. Cho nên, xin đi chầm chậm....

Iran và Iraq tại Trung Đông

Tại bán đảo Á Rập, Iraq và Iran là hai cường quốc cấp vùng, mà không đội trời chung. Iraq là một xứ Á Rập, với thiểu số Sunni (20% dân số) thống trị đa số Shia nhờ chế độ độc tài thế quyền của Saddam Hussein và đảng Baath. Với đa số dân chúng là người Ba Tư (Persia), Iran theo chế độ thần quyền của hệ phái Shia trong thế giới Hồi giáo, kể từ năm 1979.

Sau khi các Giáo chủ Iran tiến hành Cách mạng Hồi giáo vào đầu năm đó, trật tự trong khu vực bị đảo lộn vì sự xuất hiện của một chế độ thần quyền - cai trị bằng Giáo luật bảo thủ - trên một xứ sở có nhiều tài nguyên dầu khí, và không che giấu tham vọng tiến hành cách mạng trong một thế giới Hồi giáo mà đa số theo hệ phái Sunni.

Khi thấy quân lực của chế độ quân chủ Iran bị tan rã vì cuộc Cách mạng Hồi giáo, và Tehran bị thế giới cô lập vì tội bắt giữ 55 nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin, Saddam bèn mở cuộc tấn công Iran, với sự yểm trợ của nhiều quốc gia Á Rập khác. Và của cả Liên Xô, khối Warsaw, Âu châu (Anh, Pháp, Đức) lẫn... Hoa Kỳ, thời Ronald Reagan kể từ năm 1983. Cuộc chiến kéo dài tám năm, từ 1981 đến 1988, khiến dân Iran chết một triệu, kinh tế bị kiệt quệ và cuộc Cách mạng Hồi giáo bị khựng.

Trong cuộc chiến với Iran, Saddam tận dụng võ khí tàn sát hàng loạt (chủ yếu là võ khí hoá học), như sẽ dùng sau này để diệt dân Kurd và Shia của mình. Nhưng lò nguyên tử của Iraq tại Osirak lại bị Israel phá hủy bất ngờ vào năm 1981. Những chi tiết ấy, đa số dân Mỹ không biết, nhưng người trong cuộc (Iran, Iraq và Do Thái) thì không thể quên.

Sau khi Hoa Kỳ bị al-Qaeda (theo một giáo phái của hệ phái Sunni) tấn công năm 2001 và mở chiến dịch Afghanistan ngay tháng 10 năm đó, Iran có kín đáo hợp tác với Mỹ. Khi Hoa Kỳ chuẩn bị khai diễn chiến dịch Iraq vào đầu năm 2003, Iran cũng kín đáo hợp tác, thậm chí xúi giục, để nhờ Mỹ nhổ cái gai Saddam cho mình.

Sự hợp tác trái cựa ấy bị trở ngại vì hai lẽ.

Thứ nhất, các nhóm khủng bố xưng danh Thánh chiến tại Iraq, kể cả dưới phù hiệu Al-Qaeda, đã khai thác sự bất mãn và nổi loạn của cộng đồng Sunni - từ nay mất thế thống trị - để tấn công Hoa Kỳ. Một chiến lược theo đuổi của các nhóm Thánh chiến này là ly gián hai phe Sunni và Shia, bằng cách tấn công các lãnh tụ Shia để gây nội chiến tại Iraq. Lẽ thứ hai, Tehran tận dụng ảnh hưởng của mình trong cộng đồng Shia để Iraq sẽ có một chế độ chính trị mà Iran khuynh đảo được, vì thân Iran hay vì do Iran chi phối. 

Vì vậy, Chính quyền Bush phải suy ngẫm lại về chiến lược cộng tác với dân Shia đa số để ổn định Iraq. Và vào đầu năm nay đã lấy quyết định dồn quân đánh tới để vừa cô lập khủng bố Thánh chiến, vừa cộng tác với các lãnh tụ Sunni và tàn dư của chế độ Baath. Iran mất thế mạnh, phe Shia bị phân hoá nội bộ và Hoa Kỳ bắt đầu có hy vọng ổn định Iraq, với viễn ảnh chỉ để lại một số quân vừa đủ nhằm bảo vệ an ninh cho toàn khu vực.

Đó là bối cảnh chung của toàn khu vực.

Iran và Hoa Kỳ tại Iraq

Về phần Iran, các Giáo chủ Tehran nhìn vấn đề hơi khác với cảm quan của dân Mỹ. Họ đã cử ra cho dân bầu một Tổng thống có luận điệu điên khùng là Mahmoud Amadinejad, nhưng bên trong, họ tính toán hơn thiệt một cách lạnh lùng rốt ráo.

Lãnh đạo Iran biết là kinh tế bị rủi ro khủng hoảng vì dầu thô lên giá - họ bán dầu mà mua xăng và phải trợ giá rất nặng - trong khi kỹ nghệ dầu khí bị lỗi thời vì tình trạng cấm vận kinh tế. Uy thế trong khối Hồi giáo của họ bị khủng bố al-Qaeda qua mặt, và Mỹ có thể sẽ khống chế Iraq để kiểm soát toàn khu vực. Đó là bối cảnh chung.

Sau khi Chính quyền Bush diệt trừ chế độ Saddam Hussein năm 2003, Tehran mong rằng Iraq sẽ là vùng trái độn hay vùng ảnh hưởng của mình. Họ tận dụng lá bài Shia trong mục tiêu ấy. Ngược lại, họ rất e ngại Iraq lại do một chế độ Sunni cai trị, lần này với sự yểm trợ của Hoa Kỳ, để bành trướng ảnh hưởng của Tây phương trong toàn vùng.

Cho tới đầu năm 2005, Tehran tin rằng cục diện sẽ xoay chuyển có lợi cho họ, dân Iraq đã ba lần đi bầu, phe Shia chiếm đa số trong Quốc hội và tương đối giữ được thế mạnh. Điều bất ngờ là al-Qaeda phá hoại sự hợp tác giữa hai hệ phái Sunni và Shia với vụ tấn công ngôi đền vàng vào đầu năm 2006 để gây ra nguy cơ nội chiến. Hoa Kỳ bị thất thế vì tình hình bất ổn đó, đảng Cộng hoà thất cử, uy tín của ông Bush tuột xuống đất đen.

Điều bất ngờ thứ hai là Chính quyền Bush lại không nhượng bộ và tháo chạy dưới áp lực của Quốc hội Dân chủ. Ông Bush dồn quân đánh tới, và bắt đầu hợp tác với các lãnh tụ Sunni để vừa cô lập khủng bố Thánh chiến (kể cả al-Qaeda) vừa tạo thế mạnh trong mối quan hệ giữa Sunni và Shia, qua đó, có thế mạnh hơn trước những đòi hỏi của Tehran.

Vào tháng Ba năm nay, khi Mỹ dồn quân đánh tới, Tehran đồng ý nói chuyện với Mỹ về tương lai Iraq, tức là về vị trí chính trị, quyền lợi kinh tế và vai trò bảo vệ an ninh của hai phe Sunni và Shia trong chính quyền Baghdad. Đôi bên đã có một lần tiếp xúc đa phương và ba lần nói chuyện song phương về tương lai Iraq.

Khi thấy Chính quyền Bush bị Quốc hội Dân chủ liên tục cột tay về ngân sách, Tehran kết luận là Mỹ sẽ bỏ chạy và để lại một khoảng trống tại Iraq nên qua tháng Tám họ từ chối hội đàm và công khai tuyên bố sẽ chuẩn bị tiếp thu Iraq. Tới tháng Chín, khi Đại tướng David H. Petraeus và Đại sứ Ryan Crocker ra điều trần trước Quốc hội, tình hình lại xoay chuyển ngược: Mỹ không chạy, đang có hy vọng ổn định Iraq và các lãnh tụ Sunni hợp tác đông đảo hơn với Hoa Kỳ.

Biến cố ấy khiến Tehran lại đảo lập trường nữa, và chuẩn bị tái tục đàm phán.

Suốt năm qua, Tehran tận dụng ba đòn bẩy để chi phối Iraq và lập trường của Mỹ: yểm trợ phe Shia, tiếp vận cho các nhóm võ trang để gây rối cho Iraq, và bắn tin là vẫn tiếp tục kế hoạch nguyên tử, với khả năng chế tạo võ khí hạch nhân. Trong trận đấu trí với Mỹ, Tehran được Liên bang Nga yểm trợ vì Vladimir Putin muốn dùng Iran để cầm chân Hoa Kỳ tại Trung Đông hầu có thể chinh phục lại ảnh hưởng đã mất của Đế quốc Nga. Nhưng các Giáo chủ Tehran cũng biết rằng Putin chỉ mượn sức mình để quấy rối Hoa Kỳ chứ trong quá khứ Iran đã từng bị Nga chi phối và tấn công.

Phần mình, Hoa Kỳ vừa diệt trừ al-Qaeda, vừa tăng cường hợp tác với phe Sunni vừa tạo thế mạnh trong việc đàm phán với Tehran về Iraq. Lập luận của Mỹ trong hoàn cảnh vừa đánh vừa đàm này là 1) Iran tiếp vận võ khí cho các nhóm phiến quân tại Iraq, 2) không từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch nhân như Nguyên tử lực cuộc và Liên hiệp quốc yêu cầu, cho nên, 3) Hoa Kỳ phải tự chuẩn bị cho mọi giải pháp, kể cả quân sự. Hồ sơ võ khí hạch nhân là yếu tố thúc đẩy một sự hợp tác của quốc tế trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để gây sức ép với Tehran và trừng phạt Iran về kinh tế.

Lần này, Hoa Kỳ có hậu thuẫn của các nước Âu châu - nhất là Pháp và cả nước Đức dù khá lưỡng lự. Đặc biệt là sau nhiều trì hoãn thì hôm Thứ Hai đầu tuần, Bắc Kinh cũng bắt đầu ngả theo quyết định trừng phạt, qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng Dương Cát Trì. Đấy là lúc Hội đồng Tình báo Quốc gia của Mỹ, quy tụ 16 cơ quan có trách nhiệm về tình báo, lại công bố sự lượng định mới, theo đó, Iran đã tạm ngưng kế hoạch chế tạo võ khí hạch nhân từ mùa Thu năm 2003!

Đây là biến cố gây chấn động cho nhiều quốc gia, với những phản ứng khó hiểu mà thật ra không bất ngờ.

Hãy tìm hiểu về những phản ứng này đã.

Địa chấn chính trị về trái bom chưa có

Truyền thông và dư luận Mỹ nói chung vẫn cho rằng Chính quyền Bush - và Phó Tổng thống Dick Cheney ở đằng sau - có truyền thống hung hăng hiếu chiến nên tìm lý cớ tấn công Iran. Một trong những lý cớ đó là xứ này đang ngầm chế tạo võ khí hạch nhân, khởi sự từ việc tăng cường chất plutonium để làm nguyên liệu chế bom.

Lượng định của NIE bỗng giải giới ông Bush và phe chủ chiến vì cho biết Tehran đã ngưng kế hoạch này từ mùa Thu năm 2003 - sau khi Hoa Kỳ tấn công Iraq và lật đổ chế độ Saddam.

Một số dư luận nhân vụ này đả kích Chính quyền Bush là ưa ngụy tạo tin tức tình báo - y như trong quá khứ khi tri hô là Saddam Hussein có võ khí tàn sát WMD và có thể sử dụng làm lý do tấn công Iraq. Thật ra, cả tình báo Hoa Kỳ và thế giới đều đã lầm về vụ WMD của Iraq vì Saddam muốn như vậy, và cố tình đánh lừa thế giới.

Lần này, người ta kết luận tiếp, tình báo Mỹ đã "nổi loạn" và phanh phui sự thật khiến ông Bush bị tréo giò! Nếu Iran không có căn cứ chế tạo võ khí mà Bush vẫn cứ muốn không tập để tiêu diệt thì... sẽ bắn vào đâu"

Nhưng, trong cuộc họp báo hôm mùng ba, Tổng thống Bush vẫn không lùi một bước. Ông khẳng định rằng Iran vẫn là mối nguy, vì chưa từ bỏ ý định sẽ chế tạo bom trong tương lai (là điều "đúng" vì lượng định NIE có nhắc tới, "nhưng với xác suất thấp", và sẽ chỉ có võ khí này sau năm 2015 trở đi). Ông cũng lý luận rằng chính áp lực quốc tế đã khiến Tehran tạm hoãn kế hoạch này năm 2003 (là điều "sai" vì năm đó chưa có áp lực ngoại giao của quốc tế, ngoại trừ việc Mỹ vào Iraq lật đổ chế độ Saddam.)

Mặc dù bị tình báo của mình "giải giới", ông Bush vẫn kêu gọi quốc tế coi chừng và tiếp tục gây áp lực với Tehran.

Ngược lại, lượng định cũng khiến phe Dân chủ bị lạc quẻ.

Mối nguy của Iran có làm cả thế giới e ngại, và ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất của đảng Dân chủ là Nghị sĩ Hillary Clinton không lỡ cơ hội chứng tỏ sự cả quyết và cương cường của mình, bằng một lập trường cứng rắn với Iran. Bà bỏ phiếu ủng hộ việc trừng phạt Tehran, nêu tên Vệ  binh Cộng hoà Hồi giáo Iran vào danh mục khủng bố. Khi lượng định NIE được công bố, bà bị ứng viên phản chiến Chris Dodd tấn công!

Mội tiết lộ làm cả hai phe chủ chiến và chủ hoà đều điêu đứng và cãi nhau lung tung về cái lẽ đúng sai của một chuyện sinh tử! Kẻ thù có ám khí hay không, phản ứng thế nào là thích hợp"

Nước Mỹ là nơi mà một vấn đề cực kỳ phức tạp lại có thể trình bày thành chuyện trắng đen đơn giản. Một sự ấu trĩ phi thường!

Nhìn ra bên ngoài, các nước cũng chưng hửng. Nhiều đồng minh của Mỹ thấy bị hụt hẫng - như Pháp - vì vừa mau mắn nhập cuộc để gây sức ép với Tehran, hoặc bị buông rơi - như Israel - vốn không tin là Tehran đã giã từ vũ khí! Một số quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, Đức, thì mau mắn nghĩ tới việc đầu tư vào Iran sau khi xứ này hết bị thế giới phong toả. Nhiều doanh nghiệp quốc tế đã tính đến mối lời Iran và cả giả thuyết dầu thô sẽ sụt giá vì nguy cơ chiến tranh đã bị đẩy lui.

Trong ba ngày liền, dư luận Mỹ được nghe hay xem hàng loạt những luận cứ dồn dập, và đôi khi hàm hồ, như sau:

- Vốn ưa lật lọng, Hoa Kỳ dùng phúc trình của tình báo làm đòn phép chính trị.

- Sở dĩ như vậy vì Mỹ đã đạt mục tiêu hay thỏa thuận với Iran nên mới cho tình báo tiết lộ một chuyện biết trước từ lâu để chuẩn bị việc hoà đàm với Tehran.

- Và chẳng thấy xấu hổ khi tình báo nói xuôi rồi nói ngược - mà dường như vẫn không nói thật!

- Thật ra, tình báo Mỹ đã phản thùng Chính quyền Bush khi vô hiệu hoá lý cớ gây chiến với Iran của phe diều hâu, tương tự như vụ Iraq chế tạo võ khí tàn sát hàng loạt WMD mà ông Bush đã dùng làm lý do tấn công Iraq năm 2003.

- Đây là một vụ "nổi loạn" của hệ thống tình báo nhằm tấn công Phó Tổng thống Dick Cheney khét tiếng bảo thủ.

- Mỹ đã từng lầm lẫn trong nhận định của mình nên lần này có thể cũng lầm lẫn nữa, và Iran vẫn có thể tái tục kế hoạch chế tạo võ khí trong tương lai.

Trong cái mớ bòng bong ấy, hình như lý luận nào cũng có vẻ có lý! Làm sao nhìn ra cái lẽ đúng sai, và suy đoán ra sự thể bên trong"

Lượng định NIE

Sau đây là một số sự kiện đã xảy ra trong thực tế và cho phép ta suy đoán ra bối cảnh quyết định của lãnh đạo Hoa Kỳ.

Mặc dù phải chi chừng ba chục tỷ Mỹ kim một năm cho nhu cầu tình báo và có những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất thế giới, Hoa Kỳ vẫn bị bất ngờ về vụ khủng bố 9-11 và nói chung vẫn có nhiều nhược điểm về thông tin - vụ bão lụt Katrina là thí dụ gần nhất. Vì vậy, sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ có cải tổ hệ thống tình báo và lập ra một cơ chế tập trung để tổng hợp tin tức tình báo từ 16 cơ quan khác nhau (CIA, NSA, tình báo từ bộ Ngoại giao, bộ Ngân khố, Cảnh sát Duyên phòng v.v...)

Giám đốc Tình báo Quốc gia DNI là người cầm đầu cơ chế này, và là Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia NIB, cơ chế quy tụ giới chỉ huy 16 cơ quan nói trên, kể cả Giám đốc CIA, với ngân sách tổng cộng là bốn chục tỷ Mỹ kim.   

Khi phải theo dõi và quan tâm đến một vấn đề, Giám đốc Tình báo Quốc gia có thể yêu cầu các cơ quan hữu trách cùng điều tra tìm hiểu và tổng hợp kết luận trong một bản Lượng định để đệ trình lãnh đạo Hành pháp và Lập pháp, lấy đó làm cơ sở quyết định về chánh sách.

Tổng thống hay Phó Tổng thống không thể là người ra chỉ thị cho các cơ quan tình báo đệ nạp một tài liệu hậu thuẫn chủ đích chính trị của mình. Họ có thể hoài nghi, không đồng ý và yêu cầu nghiên cứu lại một số kết luận chứ không thể "đặt hàng" và đòi hỏi giới hữu trách về tình báo đổi trắng thay đen để có lý do tiến thoái về chính trị. Dù có vào mùa bầu cử hay không, dù là Bill Clinton hay George Bush, lãnh đạo chính trị vẫn không thể dùng tình báo làm phương tiện phục vụ mình. Làm như vậy là tự chọc mù mắt. Và còn bị nhân viên tình báo phản thùng, tiết lộ cho báo chí!

Trong tiến trình phân tách, khi gặp sự hoài nghi, nhân viên tình báo có thể thiên về giả thuyết này hay giả thuyết kia, vì kinh nghiệm hay quan điểm chính trị của mình. Người bi quan hoặc có kinh nghiệm đối phó với sự lật lọng của kẻ thù thì thiên về kết luận bi quan, có khi là chủ chiến. Người lạc quan hoặc có kinh nghiệm ngoại giao thì thiên về kết luận có màu sắc chủ hoà. Những phản ứng tâm lý ấy có thể dẫn tới kết luận đúng hay sai về sau - khi đã có thêm thông tin rõ rệt hơn. Nhưng, trong hệ thống "đa nguyên" này, ngần ấy nhân viên của 16 cơ quan tình báo khó có thể thống nhất quan điểm theo cùng một hướng nếu không có cơ sở xác thực.

Cơ sở xác thực ấy có thể là những thông tin từ tình báo điện tử hay nhân sự. Với phương tiện tối tân, Hoa Kỳ có thể nhìn thấy nhiều vật rất nhỏ ở những nơi rất xa. Nhưng vẫn không đủ để kết luận là nhà máy nay hay căn cứ kia có đang chế tạo võ khí tàn sát hay chăng. Người ta cần tình báo nhân sự, cần điệp viên hay nội gián, cần người vào tới bên trong nhà máy, tham dự hội họp tuyệt mật của đối phương.

Mà vẫn không thể tin chắc nguồn tin này vì có thể vớ phải tay nội tuyến nhị trùng, có khi là tam tứ trùng, vì có thể bị đối phương cung cấp tin nhảm để đánh lạc hướng. Vì có thể gặp tay mật báo viên khoác lác, hay có những ẩn ý riêng. Trong thế giới thật đó, nhân vật James Bond chỉ là trò giải trí.

Cho nên, tình báo nói chung và cả Hoa Kỳ nói riêng không thể là khoa học chính xác. Và mọi nguồn tin đều chỉ có giá trị tương đối, phải kiểm chứng lại.

Đầu năm 2005, 16 cơ quan tình báo Mỹ đều thống nhất ý kiến trong một bản Lượng định của NIE là Tehran có ý định và đang ngầm tiến hành việc chế tạo bom và sẽ đưa bom thành võ khí sử dụng được. Khi ấy, không thể nói rằng Chính quyền Bush đã đặt hàng như vậy để có lý cớ tấn công Iran. Các cơ quan tình báo thực tin điều ấy.

Cuối năm 2007, ngày mùng ba vừa qua, Lượng định của NIE có kết luận trái ngược: từ mùa Thu năm 2003 đến giữa năm nay, Tehran đã đình chỉ kế hoạch này, và nếu có muốn tái tục thì cũng phải đến 2009 mới có thể làm ra trái bom và sau năm 2015 mới có võ khí hạch tâm. Mà giả thuyết ấy có xác suất rất thấp. Bản Lượng định này còn cần thật đóng khung một số ngôn từ có định nghĩa rõ rệt khi sử dụng để người ta khỏi lầm lẫn về mức đắn đo và kết luận trong từng giả thuyết!

Điều gì khiến tình báo Mỹ đã lầm, nếu cho rằng đó là một sai lầm, từ mùa Thu năm 2003 - khi Tehran đã hết chơi dại - cho đến đầu năm 2005 khi Lượng định NIE về Iran được công bố" Điều gì đã khiến tình báo Mỹ tiếp tục sai lầm trong hai năm liền, từ đầu năm 2005 đến cuối năm nay" Bản Lượng định vừa qua có nói tới việc họ thu thập tin tức cho đến cuối tháng 10, và người ta suy đoán rằng những tin tức mới có này thuộc loại nhân sự hơn là điện tử.

Một số nhật báo Anh và Mỹ còn nêu giả thuyết là Mỹ vừa mới có biên bản một buổi họp mật của Iran vào năm 2003, hoặc mới biết phản ứng thất vọng của các tướng lãnh Iran khi kế hoạch bị hủy, hoặc Mỹ đã khai thác được những tiết lộ của một nhân vật cao cấp của Iran mới đào thoát ra ngoài....

Ngần ấy lý do đều có thể là đúng. Nhưng có tin nổi không" Hay là Tehran cố tình hớ hênh để gây lầm lạc" Người ta không thể biết được, mà chỉ có thể suy luận rằng trong lãnh vực tình báo, không ai loan báo thành quả, và trong tổn thất có khi đã chứa mầm thành quả. Chính binh và kỳ binh, thực hư - hư thực là quy luật bình thường. Tình báo Hoa Kỳ có thể đã bị lầm lẫn và đang sửa sai.

Hay ngược lại, đang bị đánh lừa nữa, như kết luận của Israel!

Tổng kết chuyện thật giả, đúng sai...

 Một cách khách quan mà nói thì giới lãnh đạo Iran không phải là người điên. Họ có thể cuồng tín và sai khiến khủng bố tự sát chứ không muốn tự sát. Kinh nghiệm Osirak của Iraq năm 1981 cho thấy là nếu họ có kế hoạch chế tạo võ khí hạch nhân thì không phải Mỹ cũng có Israel ra đòn tấn công và tiêu hủy căn cứ tiến hành kế hoạch này.

Họ có thể đánh lừa được đối phương để có được một vài trái bom. Rồi làm gì" Tấn công Israel và nhìn Iran biến thành bình địa" Yếu tố lợi hại khiến họ cân nhắc rất kỹ. Việc chế tạo bom là lợi bất cập hại.

Nhưng, trở lại chuyện Iraq ngay trước mắt, Tehran muốn có thế mạnh tại đây và giữ thế mạnh trong việc đàm phán với Hoa Kỳ. Một trong những thủ thuật nhằm đạt mục tiêu đó là ỡm ờ cho thấy ý định làm bom, và đưa hồ sơ hạch nhân này vào nghị trình đàm phán với Mỹ. Rút kinh nghiệm Bắc Hàn, đây là cách giả điên để đòi đàm phán. Và Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad thủ trọn vai điên khùng đó.

Sở dĩ như vậy vì Tehran biết là Hoa Kỳ sợ chết.

Ngay sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ đã có nhiều đợt báo động ngầm là quân khủng bố đang tìm cách sử dụng võ khí nguyên tử. Chính quyền Bush vì vậy rất e ngại các chế độ hung đồ có thể chế bom nguyên tử tống tiền thiên hạ, hoặc bán cho - hay để lọt ra ngoài - vào tay quân khủng bố. Mối lo rất chính đáng ấy của Mỹ tạo ra một lợi thế thương thảo với Mỹ về Iraq, mà Tehran đã tận dụng.

Chính quyền Bush có tin thật vào đòn tháu cáy của Tehran hay không, ta khó biết được. Nhưng đòn phép ấy khiến Chính quyền Bush có thể khai thác được ở nhiều khía cạnh.

Trong khi kẻ thù điên cuồng, kiểu Ahmadinejad, đang đe dọa quyền lợi của Hoa Kỳ và an ninh của dân Mỹ thì đối lập Dân chủ chỉ đòi níu áo tháo chạy. Vì vậy, Hillary Clinton bỗng thành chủ chiến và đòi trừng phạt Iran, làm đảng Dân chủ cãi cọ lung tung.

Đối ngoại, hồ sơ võ khí hạch nhân khiến Chính quyền Bush huy động được một mặt trận quốc tế chống Tehran để gạt bỏ chuyện hạch nhân ra ngoài vòng đàm phán song phươnhg với Iran về tương lai Iraq. Và có thế mạnh hơn trong việc đàm phán. Vì vậy, lâu lâu Mỹ lại bắn tin là phải giải quyết chuyện Iran kể cả bằng võ lực. Hôm 17 tháng 10, ông Bush còn nói thẳng - như một lập luận của Tổng thống và Ngoại trưởng Pháp - rằng nếu không giải quyết vấn đề này, thế giới có thể gặp Thế chiến thứ ba!

Người ta quên mất là vào đầu tháng, Đô đốc William Fallon, Tư lệnh Quân khu CENTCOM có địa bàn trải rộng trên 27 quốc gia từ Trung Đông qua Trung Á, tức là bao trùm lên Iraq, Iran và Afghanistan, đã phát biểu rằng Hoa Kỳ không có kế hoạch quân sự với Iran!

Nếu nhìn lại và nhớ lại, có lẽ phải kết luận là hai bên đang vừa đấu trí vừa đấu lực, vừa đánh vừa đàm, để đạt thỏa thuận về Iraq, hoặc về sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Iraq. Chính binh hay kỳ binh là như vậy.

Và có thể là sự thoả thuận ấy đang thành hình. Chính quyền Iraq đã chính thức yêu cầu Mỹ vẫn duy trì một số đơn vị để bảo vệ ổn định trong khu vực. Và sau khi Lượng định NIE được công bố, Tehran cũng tuyên bố sẽ tái nhóm đàm phán với Mỹ vào đầu năm tới!

Hết cần dọa nhau về một đòn hư, hai bên đều "bạch hoá vấn đề" và cho thế giới biết rằng Iran đã ngưng kế hoạch làm bom, nhưng vẫn không từ bỏ ý định này trong tương lai... Và cả Chính quyền Bush lẫn các nước đồng minh cũng đều đồng ý là vẫn cần gây sức ép với Tehran. Phòng xa là đàm phán có trục trặc.

Từ một vụ tái lượng định của tình báo Hoa Kỳ, người ta có thể kết luận là tình hình sẽ xoay chuyển rất nhanh, từ Iraq qua tới Palestine, và nếu có ngày lãnh đạo hai nước, Iran và Hoa Kỳ, cùng tay bắt mặt mừng thì ta chẳng nên ngạc nhiên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.