Hôm nay,  

Truyền Thống Tây Tạng?

02/12/200700:00:00(Xem: 4086)

Hãy hình dung, một hôm Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng ngôi vị Đức Giáo Hoàng nên xóa bỏ, và có thể thay bằng một cơ chế khác. Rồi ngài nói thêm, thôi thì tùy thuộc quyết định của giáo dân, hãy trưng cầu ý kiến của hàng trăm triệu tín đồ Công Giáo La Mã để xem có nên xóa bỏ cơ chế Đức Giáo Hoàng hay không… Chuyện này không hình dung nổi có thể xảy ra đối với Công Giáo, bởi vì như thế đã tự biến thể để thành một hình thức Tin Lành mới. Nhưng một viễn ảnh tương tự nhiều phần có thể sẽ xảy ra với ngôi vị Đạt Lai Lạt Ma của Phật Giáo Tây Tạng. Và nơi đây mới thấy được cái nhìn nhẹ nhàng của những người thường trực sống với Tánh Không.

Tuần này có quá nhiều chuyện để quan tâm về Tây Tạng. Những gì diễn biến hôm nay rồi sẽ có thể ảnh hưởng lớn cho những mảng lớn của Phật Giáo thế giới tương lai, và có thể sẽ thay đổi hẳn một số truyền thống lâu đời trong Phật Giáo Tây Tạng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma năm nay đã 72 tuổi, và đã bắt đầu chuẩn bị trước cho ngày viên tịch. Nỗi lo của ngài và của toàn dân tộc Tây Tạng là: theo truyền thống, vài năm sau khi ngài từ trần, một cậu bé sẽ được tìm ra và được tin tưởng là hậu thân của ngài để sẽ lên ngôi Đạt Lai Lạt Ma đời kế tiếp, và trong hình hình như hiện nay thì thấy rõ cậu bé kế nhiệm đó sẽ bị chính phủ Bắc Kinh lựa chọn.

Cậu bé Đạt Lai Lạt Ma đời kế tiếp sẽ sinh ra ở đâu" Trên đất Tây Tạng, hay ở hải ngoại, hay sinh ngay tại Bắc Kinh trong một gia đình cán bộ" CSTQ cho biết nhà nước CSTQ sẽ quyết định về chuyện này. Điều có thể đoán thêm rằng cậu bé đó sẽ được CSTQ chọn ngay trên đất Tây Tạng để bớt dị nghị, nhưng với tình hình dân gốc Hán đã ào ạt lên xứ tuyết định cư nhiều thập niên nay và có nơi đã đông hơn cả dân gốc Tạng thì cậu bé Đạt Lai Lạt Ma đời kế tiếp có thể sẽ là lai chủng hai dòng máu Hán-Tạng, hay có khi sẽ thuần chủng gốc Hán mà giấy tờ đã xào nấu thành lý lịch gốc Tạng. Và cậu bé đó sẽ được Đảng CSTQ dạy ngay từ tấm bé, hệt như cậu bé Ban Thiền Lạt Ma mà nhà nước CSTQ đã chọn thay cho cậu bé Ban Thiền do Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn.

Thế nên, vị lãnh tụ Phật Giáo Tây Tạng lưu vong tuần này mới đề nghị giải pháp là sẽ trưng cầu dân ý trong số khoảng 13-14 triệu tín đồ của ngài khắp thế giới - trước khi ngài từ trần - là ngài có nên tái sanh hay là không. Nếu bạn đã từng gặp, tiếp xúc, hay chỉ đơn giản là đọc nhiều về Đức Đạt Lai Lạt Ma, bạn sẽ thấy rằng đề nghị trưng cầu dân ý đó quả nhiên là độc đáo, đúng với kiểu sống nhẹ nhàng của người thường trực thiền định với Tánh Không. Kiểu như thế, không ai có nhiều sáng kiến như ngài. Mà nói cứ tưởng như là nói chơi, hay nửa chơi nửa thiệt.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói nếu đa số phiếu đồng ý, thì ngài sẽ không tái sanh nữa. Có nghĩa là sẽ xóa sổ một truyền thống có từ cuối thế kỷ thứ 14, khi một cậu bé chăn cừu được cử lên làm Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ nhất.

Trường hợp đa số phiếu muốn tiếp tục duy trì ngôi vị  Đạt Lai Lạt Ma thì ngài có thể sẽ chỉ định một vị tái sanh trong khi ngài vẫn còn đang sống trên cõi đời này, nghĩa là cũng xóa bỏ truyền thống 600 năm là sẽ tái sanh làm một cậu bé sau khi chết. Nơi đây cũng là một nan đề siêu hình học: tự hóa thân làm hai Đạt Lai Lạt Ma, một cụ già Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm chỉ định một cậu bé Đạt Lai Lạt Ma tương lai. Tha hồ cho các giảng sư giải thích về lẽ sắc bất dị không hay là không bất dị sắc.

Dù vậy, ai cũng thấy, đằng nào thì truyền thống Tây Tạng cũng sẽ phải đổi. Còn nếu không, thì truyền thống này sẽ rơi vào tay nhà nước CSTQ tha hồ bóp méo. Đó cũng là lý do Bộ Ngoại Giao TQ hôm Thứ Năm lập tức bác bỏ sáng kiến trưng cầu dân ý của ngài. Nhưng đây cũng là kiểu bộc lộ sáng kiến hồn nhiên của Đức Đạt Lai Lạt Ma, vì  phát ngôn nhân của ngài là Tenzin Taklah cũng liền giải thích rằng chuyện trưng cầu dân ý chỉ mới là một ý kiến thôi, không có gì cần bận tâm.

Chính vì Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra toàn các thế cờ hư hư thực thực đầy phức tạp, cho nên Bắc Kinh tuần qua bực bội thấy rõ. Đâm ra gây sự với nhiều người. Liu Jianchao, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong bản tin AP hôm Thứ Năm 29-11-2007 nói rằng việc Trung Quốc giờ chót hủy bỏ lịch trình, không cho tàu chiến Hoa Kỳ vào Hồng Kông không phải là hiểu nhầm gì hết, mà chỉ vì do quan hệ với Mỹ đang bị "trục trặc và tổn thương." Bản tin nói họ Liu không nói thẳng là Mỹ đã làm điều gì chọc giận Trung Quốc, nhưng chỉ ra là đã bực bội nhiều việc mới đây, kể cả chuyện Quốc Hội Mỹ vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma và việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

Họ Liu nói rằng bản tin mà nói là Ngoại Trưởng TQ Yang Jiechi nói với Tổng Thống George W. Bush rằng việc ngăn không cho hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk vào Hồng Kông tuần trước chỉ là sự hiểu nhầm thực sự không đúng. Nghĩa là, không hiểu nhầm gì hết, mà chỉ là biểu diễn màn Bắc Kinh bực bội Mỹ thôi. Liu cũng nhắc rằng Mỹ có nhiều hành vi sai lầm, kể cả việc vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi tháng trước và việc bán vũ khí cho Đài Loan.Một sự kiện xảy ra 10 ngày trước cũng dễ dàng giải thích được lý do CSTQ bực bội. Thông tấn AP loan hôm 29-11 rằng theo tin Xinhua thì ngày 20-11-2007 đã có một màn xuống đường đập phá ở thị trấn Paingar, nơi cách thủ đô Lhasa của Tây Tạng 190 dặm về hướng đông bắc. Lúc đó, dân gố Tạng đập phá các cửa tiệm và văn phòng chính quyền sau khi xảy ra tranh chấp giữa các vị sư và một người chủ tiệm địa phương.

Có 7 người bị bắt trong vụ này, trong đó có 2 vị sư bị "cáo buộc" là cướp một tiệm sửa xe gắn máy ngày 19-11-2007 ở Paingar và 5 người khác bị bắt vì "kích động bạo loạn" một ngày sau khi 2 vị sư bị bắt. Chuyện này 8 ngày sau mới được thông tấn nhà nước Xinhua loan báo.

Theo tin Xinhua, có khoảng 190 người, trong đó có một vài vị sư tới trước trụ sở chính quyền địa phương đòi trả tự do những người bị bắt, và rồi đám đông "phá hủy các cửa tiệm và trụ sở chính quyền."

Cũng tuần này, trang web Phayul (http://phayul.com/) của người Tây Tạng lưu vong, nơi đã từng là trung tâm tuyên truyền cho các chiến dịch tuyệt thực và biểu tình của Nghị Hội Thanh Niên Tây Tạng trên toàn cầu để chống CSTQ, loan tin theo ký giả Brandon Call của báo Daily Lobo rằng cuốn phim tài liệu "Tamdin's Journey: A Tibetan Village Project" (Hành Trình của Tamdin: Một Dự An Làng Mạc Tây Tạng) dựa theo đời thực của người Tạng dân lưu vong Tamdin Wangdu, chủ nhật này sẽ chiếu ra mắt ở Alburquerque, tiểu bang New Mexico.

Phim do đạo diễn Tân Tây Lan Chris Kugelman thực hiện. Ong Wangdu sau 15 năm tị nạn đã trở về Tây Tạng để làm từ thiện văn hóa, xã hội và giáo dục.

Wangdu trở thành công dân Mỹ năm 1993. Học tại Đại Học Colorado tại thị xã Boulder, Colo. Năm 2001, ông nghe tin cha ông đã chết khi mới 57 tuổi sau khi bị đau bụng trong 4 ngày. Tin này làm ông đau đớn khi nhớ rằng không có nhân viên y tế nào trong hay gần làng của ông. Wangdu nói, "Cái chết của cha tôi có lẽ đã ngăn được nếu có ai biết kỹ thuật CPR."

Thế rồi Wangdu và vợ, Tseyang, thành lập Tibetan Village Project, một hội bất vụ lợi chuyên cung cấp chăm sóc y tế trong làng của ông và khu vực gần đó. Hội của Wangdu xây một trường, và trợ giúp 10 trường học Tây Tạng khác; xây lại và tân trang 4 chiếc cầu ở Tây Tạng để giúp học sinh tới trường an toàn hơn.

Việc làm của các hội từ thiện văn hóa xã hội này không gây điều tiếng tranh cãi gì trong nội bộ cộng đồng Tây Tạng lưu vong. Trang web Phayul đã hoan hỉ loan tin cũng hệt như các dự án xây trường khác trong lãnh thổ Tây Tạng thực hiện bởi The Tibet Foundation, một hội từ thiện bất vụ lợi thành lập bởi bà Rinchen Khando Choegyal, một cựu  bộ trưởng trong chính phủ lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Mọi người đều thấy rằng giáo dục và y tế là nhu cầu khẩn cấp của dân tộc Tây Tạng, dù là vùng đất này đang bị người gốc Hán tộc cai trị. Tại sao chính phủ lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma lại lặng lẽ hỗ trợ các dự án từ thiện giáo dục và y tế trên vùng đất do người Hán đang cai trị" Đó cũng là chỗ để suy nghĩ thêm về cách sống theo chánh pháp của nhà Phật: lòng từ bi vô lượng khi tiếp cận với xã hội đời thực, bất kể biết bao nhiêu là nghịch duyên. Điều khó chính là chỗ để tìm cách phân biệt lằn ranh, nếu có, giữa việc giúp cho người dân Tây Tạng thực sự và việc củng cố chế độ Hán tộc hóa nơi này. Trong cương vị một hóa thân của Đức Quan Am Bồ Tát, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã, đang và sẽ làm việc với lòng từ bi, hoàn toàn ở ngoài tầm so đo của đời thường.

Cũng hệt như một điều đáng để suy nghĩ: truyền thống 600 năm của ngôi vị Đạt Lai Lạt Ma nếu cần thì cũng phải xả bỏ. Vì Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo không hề bị buộc gì với một chiếc ghế, bất kể là ghế cao nhất. Tất nhiên, trừ phi là ghế của Đức Giáo Hoàng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.