Hôm nay,  

Việt Nam: Ngồi Trên Đống Lửa

11/04/200300:00:00(Xem: 5504)
Hoa Thịnh Đốn.- Việt Nam đang nhảy lên như ngồi vào đống lửa sau khi các Dự luật "Tự do thông tin tại Việt Nam" (Freedom of Information in Viet Nam Act 2003) và "Nhân quyền Việt Nam" (The Vietnam Human Rights Act) được một số Dân biểu Hoa Kỳ đệ nạp Quốc Hội.
Dự luật về Thông tin do hai Dân biểu Ed Royce (Cộng hòa, California) và Zoe Lofgren (Dân chủ, California) đồng tác giả và Dự luật về Nhân quyền được đề nghị bởi các Nhà lập pháp Hạ viện Christopher Smith (Cộng hòa, New Jersey), Ed Royce (Cộng hòa, California) và Zoe Lofgren (Dân chủ, California).
Dự luật về Thông tin đòi chính quyền Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự dio báo chí của nhân dân Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là quyền được ra báo. Cho tới nay, đảng CSVN nắm độc quyền báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả hệ thống thông tin ra-vào Việt Nam trên Internet.
Nhà nước Việt Nam gọi việc làm của các nhà Lập pháp Hạ viện Hoa Kỳ là "việc làm, hoàn toàn sai trái, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam" (Kim Toàn, Thông tấn xã Việt Nam 14-3-03).
Riêng đối với dự luật Thông tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 12-3 tuyên bố:"Dự luật H.R. 1019 do hai Hạ nghị sỹ Hoa kỳ (R) Royce và (D) Lofgren đưa ra đã phản ánh sai lệch tình hình thực tế ở Việt nam." (Phan Thúy Thanh, phát ngôn viên). Thanh khoe Việt Nam hiện có "486 cơ quan báo chí với hơn 600 ấn phẩm", nhưng tất cả các báo và cơ sở ấn loát đều nằm trong tay Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị-xã hội của Đảng CSVN.
Tuyệt nhiên ở Việt Nam không có một tờ báo nào của tư nhân. Cựu Trung tướng Trần Độ khi còn sống ông đã xin ra báo nhưng đơn của ông bị Nhà nước bác. Ông Độ từng là nhân vật hàng đầu chống chính sách cai trị độc tài, độc tôn của Đảng và đòi dân chủ hóa chế độ. Ông đã có công phục vụ tận tụy đảng CSVN từ 1940, nhưng đã thay đổi thái độ vào thập niên 1990. Khi ông chết (9-8-2002), Đảng CSVN đã không thèm điếm xỉa đến ông mà còn lên án ông chống đảng và mạ lỵ công khai trước quan tài.
Bài bình luận của Kim Toàn cho rằng hai Dân biểu Royce và Lofgren đã "vu cáo và bóp méo tình hình thực tế tại Việt Nam, chỉ trích Việt Nam kiểm soát quyền tư do thông tin..."
Toàn coi việc làm của hai Dân biểu là những "phần tử thích bơi ngược dòng" không phù hợp với "mối quan hệ Việt Nam-Mỹ đang ngày một tiến triển." Và rằng"dòng nước chính nhất định sẽ cuốn trôi và nhấn chìm những kẻ bơi ngược dòng."
Trong khi đó một người ký tên là Đỗ Phượng đã viết một bài phân tích dài có tựa đề "Lại bàn về tự do báo chí" trên báo Nhân Dân (cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN) lên án gay gắt Hoa Kỳ tham chiến ở Iraq. Phượng gọi hành động của Mỹ phản dân chủ, chống lại quyền tự do sống trong độc lập của nhân dân Iraq. Phượng cũng coi việc nhà cầm quyền quân sự Mỹ kiểm soát thông tin từ chiến trường đi ngược lại những lời "thuyết minh về tự do báo chí, tự do ngôn luận" của văn hóa Mỹ.
Phượng viết:"Ở nước tự cho mình cái quyền hướng dẫn các quốc gia, dân tộc về quyền con người, về tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, lại cho mình quyền tự ý kết tội, trừng phạt các quốc gia, dân tộc theo chuẩn mực riêng của họ." (Nhân dân, 1-4-2003)
Từ chuyện Iraq, Phượng dính nó vào chuyện chính phủ Mỹ hàng năm lên án Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền, quyền tự do tôn giáo và tự do báo chí. Phượng viết:"Từ những gì đang diễn ra ở Iraq, người ta càng nhạn rõ tính chất phi lý của những cái gọi là bàn tổng kết, bản báo cáo, đôi khi cả nghị quyết hằng năm được phát đi từ Washington bình phẩm, lên án, tinh điểm việc này, việc nọ ở các quốc gia khắp các lục địa, trong đó có Việt Nam, khi thì về "nhân quyền", khi thì về "tự do tôn giáo", "tự do báo chí", "tự do ngôn luận"...."
Không ngụ ý nói đến hai dân biểu Ed Royce và Zoe Lofgren, Phượng đã gay gắt:"...những kẻ ăn theo, bảo hoàng hơn chủ, tiếp tục la lối về cái gọi là tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi hỏi chỉ có tư nhân hóa báo chí mới có báo chí tự do..."
Và Phượng gọi những người đòi hỏi tự do thông tin - báo chí cho Việt Nam "là những người cố tình không hiểu gì về những phát triển vượt bậc của báo chí Việt Nam mà bất cứ ai quan tâm hoặc đã đến Việt Nam đều thừa nhận. Không chỉ là sự phát triển về số lượng, về kỹ thuật mà quan trọng hơn là những tiến bộ không ngừng về nội dung, chất lượng, về đội ngũ những người làm báo..."
Và rằng:"Hơn 90% báo chí Việt Nam không nhận trợ cấp của Nhà nước. Đoàn thể, hiệp hội cử ra tổng biên tập và tổng biên tập chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước những người bổ nhiệm họ về hoạt động của mình. Không ai can thiệp và có quyền duyệt nội dung bài viết và hình ảnh báo chí sử dụng. Đương nhiên mỗi tờ báo đều thể hiện tôn chỉ, điều lệ và quyền lợi của tổ chức của họ...."
Viết như Phượng mới đúng một nửa sự thật và một nửa còn lại mới đáng nói cho mọi người biết về bộ mặt thật của làng báo trong nước thì Phượng lại giấu đi.
Thứ nhất, tất cả những người phục vụ cho báo chí và các cơ quan thông tin là cán bộ, đảng viên đảng CSVN. Họ buộc phải viết báo phục vụ và tuyên truyền đường lối, chính sách của đảng. Tổng biên tập là người phải có lý lịch phục vụ đảng hữu hiệu. Các bài viết phải tự kiểm duyệt gay gắt để không đụng đến cá nhân lãnh đạo, chủ trương của đảng và chính sách của nhà nước.
Thứ nhì, đảng và nhà nước không tài trợ báo nhưng tiền ra báo lấy từ các quỹ đảng đã trao cho các tổ chức, hiệp hội để kinh tài, buôn bán, mở doanh nghiệp.

Thứ ba, báo chí chỉ được đưa những tin khi đảng cho phép -- xuyên qua các tổ chức chủ quản báo chí (chủ báo) . Những tin liên quan đến vụ án Năm Cam là một tỷ dụ. Nhà nước đã cấm các báo không được tự ý loan tin khi chưa có xác minh của cơ quan điều tra. Nhà nước đã khiển trách nặng nề các tổng biên tập và tịch thu thẻ hành nghề của hai phóng viên Bùi Ngọc Cải (báo Gia đình và Xã hội) và Đặng Thanh Hải (báo Thanh Niên) khi họ viết lại lời tuyên bố của Thiếu tướng Lê Thành, Phó cục trưởng cựa Cảnh sát Nhân dân nói rằng"tới đây có thể còn có những đối tượng giữ chức vụ cao hơn nữa bị tiếp tục truy tố", thay vì chỉ tới mức Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy.
Lập tức sau khi tin này được đăng (29-11-2002), Bộ Văn hóa - Thông tin ra thông cáo cải chính:"Thực tế cho đến nay, qua kết luận điều tra và cáo trạng vụ án Năm Cam và đồng bọn, không có người nào giữ hức vụ cao hơn những người đã bị khởi tố liên quan đến vụ án này."
Phiên tòa xử Năm Cam và đồng bọn đang diễn ra ở Sài Gòn.
NHÂN QUYỀN CHO AI "
Đối với dự luật nhân quyền, Việt Nam đã không ngừng phổ biến các bài viết có ký tên và vô danh đồng loạt bác bỏ nội dung dự luật và đòi giới lập pháp Mỹ và những người Hoa Kỳ "vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, không để dự luật được đưa ra xem xét và bỏ phiếu tại quốc hội Mỹ."
Thông tấn xã Việt Nam viết bài phê phán dự luật của ba dân biểu Smith, Royce và Lofgren là "một việc làm sai trái đi ngược lại xu hướng [phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, không phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước và là một văn bản xuyên tạc trắng trợn tình hình nhân quyền tại Việt Nam." (TTXVN, 7-4-2003)
Bài viết gọi những nhà tranh đấu đòi đảng CSVN tôn trọng nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo tại Việt Nam là những "phần tử vi phạm pháp luật." Và gay gắt thêm :"...đằng sau những lời xuyên tạc trắng trợn tình hình thực tế ở Việt Nam và những đòi hỏi vô lý mà nhóm hạ nghị sỹ đưa ra ẩn chứa những mưu toan nguy hiểm nhằm nuôi dưỡng tư tưởng và lực lượng chống đối từ bên trong chống phá cách mạng Việt Nam, đồng thời gây sức ép từ bên ngoài để tạo ra cuộc "cách mạng nhung"."
Bài bình luận viết tiếp:"Thời gian qua những thế lực thù địch đã tìm mọi cách hà hơi tiếp sức cho một số phần tử bất mãn và cơ hội chính trị thực hiện các hành động xuyên tạc, vu cáo, phá hoại, cản trở quá trình xây dựng đất nước và chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của nhân dân Việt Nam. Họ kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, lừa mị, dụ dỗ một số đồng bào ở Tây Nguyên bỏ đất nước ra đi, hô hào đòi thành lập cái gọi là "Nhà nước Đê ga độc lập" hòng gây mất ổn định ở Việt Nam. (Chú thích: Ngụ ý nói đến phong trào nổi dậy đòi đất, đòi tự do hành đạo của đồng bào dân tộc trên Cao nguyên miền Nam).
Và thêm một lần nữa bài báo phủ nhận:"Ở Việt Nam, không có cái gọi là "tù chính trị", "tù nhân tôn giáo", chỉ có những người vi phạm pháp luật bị xử lý theo quy định của pháp luật..."
Phụ họa thêm, Trần Xuân Trường, Trung tướng Giáo sư đặt câu hỏi:"Nhà cầm quyền Mỹ lấy tư cách gì để phán xét nhân quyền các nước và đưa ra dự luật nhân quyền đối với Việt Nam"" (Nhân Dân, 6-4-2003)
"Cần phải khẳng định rằng, ở Việt Nam không có đàn áp tôn giáo, đàn áp các dân tộc thiểu số; không có đàn áp những người bất đồng chính kiến. Chỉ có việc làm thực thi pháp luật, bảo vệ kỷ cương phép nước đối với một số ít kẻ đội lốt tôn giáo, dân tộc đòi tự do tín ngưỡng, đòi quyền tự trị, lừa mị nhân dân, để kích động nhân dân, phá vỡ sự ổn định chính trị - xã hội, chuẩn bị cho những mưu đồ đen tối, và những hành động phi pháp...", Trường viết tiếp.
Lập luận như Thông tấn xã Việt Nam và Trần Xuân Trường không có gì mới lạ. Cả hai bài báo chỉ lập lại quan điểm của đảng và nhà nước Việt Nam vẫn thường nói đi nói lại mấy năm nay.
Nhưng mấu chốt của vấn đề là nếu không có tì vết gì thì cứ việc để cho các tổ chức nhân quyền thế giới, tổ chức tư nhân, tổ chức tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam quan sát cho rõ trắng đen. Tại sao lại bế quan tỏa cảng họ, tại sao lại cứ bắt giam hay cấm khẩu những người chỉ bầy tỏ quan điểm của mình về những vấn đề dân chủ - tự do như các ông Hà Sỹ Phu, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, bắt giam Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, bỏ tù Linh mục Nguyễn Văn Lý, giam tại nhà Linh mục Chân Tín, giam không xử, cô lập Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, cụ Lê Quang Liêm v.v... và bắt bỏ tù những Nhà tránh đấu dân chủ Phạm Quề Dương, Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Vũ Ngọc Bình, Phạm Hồng Sơn v.v...
Họ là những người không hề bạo động, phá hoại an ninh quốc gia mà chỉ bầy tỏ quan điểm chính trị hòa bình.
Do đó, dù có biện bạch đến đâu chăng nữa thì hiện tượng nhẩy loạn cào cào như ngồi trên đống lửa của đảng và nhà nước Việt nam đã hiện lên rõ ràng từ nay cho đến khi có quyết định của Quốc hội Mỹ về hai dự luật Thông tin và Nhân quyền.
Dự luật nhân quyền, lần đầu tiên đã được Hạ viện Mỹ chấp thuận với đa số tuyệt đối 410, chống 1 vào ngày 6-9-2001 nhưng bị Thượng nghị sỹ dân chủ John Kerry, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương ngâm tôm khi phe Dân chủ chiếm đa số. Nay đa số Hạ viện vẫn nằm trong tay đảng Cộng hòa với 229 phiếu chống 205 người của Dân chủ và 1 dân biểu độc lập, nhưng Thượng viện, dù mong manh, đã thuộc về Cộng hòa với 51 Nghị sỹ chống 48 Dân chủ và 1 Nghị sỹ độc lập.
Có lẽ đã thấy được hiểm nghèo khi cán cân đã nghiêng về hai dự luật mà Hà Nội mới bấn loạn tinh thần đến mất ăn mất ngủ như cá nằm trên thớt.
Phạm Trần (4-03)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.