Hôm nay,  

Thảm Họa Ở Bến Tre

07/11/200600:00:00(Xem: 4528)

Thảm Họa Ở Bến Tre

Bạn,

Theo báo quốc nội, tại miền Tây Nam phần, có huyện Thơ-Chợ Lách  là huyện đầu nguồn của tỉnh Bến Tre, nơi có nhiều cồn nổi nhất tỉnh. Các cồn trong huyện được những dòng sông mang nước ngọt và phù sa bồi đắp quanh năm. Vì vậy, nhiều người đã tìm đến khai cơ lập nghiệp, sống gắn bó hàng chục năm với cồn. Tuy nhiên, những năm gần đây, cứ vào mùa nước lũ đất cồn bị sạt lở trầm trọng... Theo đó, người dân lần lượt bỏ cồn đi nơi khác. Báo Cần Thơ ghi nhận về thảm họa này qua đoạn như sau.

Tại tỉnh Bến Tre, trong 6 cồn lớn của huyện Chợ Lách, hiện nay có 5 cồn đang bị sạt lở. Báo động nhất là cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình), Cồn Bùn, Cồn Lác (xã Tân Thiềng). Gần 10 năm nay, cồn Phú Đa bị sạt lở khoảng 1/5 diện tích trên tổng diện tích 48 hecta đất cồn. Nơi sạt lở xảy ra ở đầu cồn ven sông Cổ Chiên hướng tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Long. Có gần 100 gia đình cư dân vì bị ảnh hưởng sạt lở, mất đất sản xuất phải bỏ cồn đi nơi khác sinh sống. Vài năm trở lại đây tốc độ sạt lở ở cồn Phú Đa càng dữ dội hơn. Nặng nhất là ở tổ 12, 13 (ấp Phú Bình), nơi đang có 320 gia đình cư dân sinh sống.

Đợt nước lũ dâng cao giữa tháng 10 - 2006, một đoạn đê ở ấp Phú Bình khoảng 30 mét bị sạt lở, nước tràn vào làm ảnh hưởng đến 50 gia đình. Ông Nguyễn Văn Chí, người đã sống gắn bó với cồn Phú Đa hơn 50 năm (địa phận ấp Phú Bình) than thở: "Đất lở nhanh kinh khủng. 5 năm trước, từ nhà tôi ra tới mé sông đón đò đi chợ phải lội bộ gần nửa cây số, nay đất lở chỉ cần đi 50 mét là tới. Sạt lở kiểu này chắc hơn một năm nửa tôi mất hết đất phải kiếm chỗ khác ở. Trước đây, nhà tôi nằm trong ruột cồn nghĩ rằng không biết chừng nào ra được mặt tiền, nhưng giờ thành nhà mặt tiền mà lo quá!" Vì sống ở nơi đất lở hàng ngày, nên dù ở tuổi 76 ông Trí vẫn phải đi tuần quanh đê để có gì đánh mỏ báo hiệu cho mọi người biết. Khu vực ấp Phú Bình, đất đã lở sụp mất một đê lớn do huyện đầu tư và hai đê nhỏ do dân tự làm. Khoảng 50 gia đình cư dân sống ở đây đã phải di dời vì đất lở. Cồn Bùn xã Tân Thiềng bây giờ ít ai nhắc đến bởi nó gần như bị khai tử do sạt lở. Từ sau 1975 cho đến thời điểm năm 2000, cồn Bùn có khoảng 200 gia đình cư dân sinh sống. Nhưng hiện tại chỉ còn lại 12 gia đình bám trụ sinh sống trên cồn vì hàng chục hécta đất sạt lở bị nước cuốn trôi, diện tích cồn còn lại rất ít. Có thể tới đây những người dân ở cồn này cũng sẽ bỏ đi vì sạt lở đang tiếp diễn. Sau đuôi Cồn Bùn là Cồn Lác, sạt lở bắt đầu diễn ra trong năm 2006 và đang ở mức báo động.

Bạn,

Cũng theo báo Cần Thơ, nhiều người dân sống trên các cồn sạt lở đều có chung nhận định: Ngoài ảnh hưởng mùa nước lũ dâng cao chảy mạnh, việc khai thác cát trên sông hiện nay đã làm cho tốc độ sạt lở cồn càng thêm dữ dội. Từ xưa đã có câu "sông sâu bên lở bên bồi". Thế nhưng, đối với các cồn ở huyện Chợ Lách hiện nay thì bên lở dữ dội, bên bồi thì chẳng bao nhiêu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.