Bạn,
Theo báo quốc nội, thời gian gần đây, tại VN, những biến động trong đời sống xã hội đã làm nảy sinh nhiều nghề mà chỉ mười năm trước, dù người có trí tưởng tượng bay bổng nhất cũng không thể nghĩ tới: đó là nghề đẻ thuê cho những gia đình vô sinh, hoặc nghề làm vợ thuê theo hợp đồng có quy định thời hạn. Trong bài viết về những nghề "độc nhất vô nhị". báo Gia Đình Xã Hội đã ghi nhận về hiện trạng này qua đoạn ký sự như sau.
Có cặp vợ chồng lấy nhau đã gần mười năm mà không sinh được mụn con nào. Thế là họ cất công vào tận Sài Gòn, tìm một người phụ nữ khỏe mạnh để "thuê" bà ta sinh cho đứa con. Sau cái đêm định mệnh ấy, người đàn bà đẻ thuê có mang. Suốt quá trình mang thai, bà ta được cặp vợ chồng hiếm muộn chăm sóc 24/24 giờ đề phòng bà mẹ bất đắc dĩ ấy nổi máu muốn làm mẹ mà vác cái bụng bầu bỏ trốn. Khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời cũng là kết thúc hợp đồng, hai vợ chồng bế đứa trẻ về, còn người đàn bà đẻ thuê được nhận 30 triệu đồng với cam kết không bao giờ được tìm hay nhận lại đứa bé.
Bây giờ còn có những nghề xâm phạm đến cả phạm trù đạo đức một cách trầm trọng. Theo lẽ thường, một ông chồng mà bị cắm sừng thì thật nhục nhã và không một người đàn ông nào chấp nhận chuyện này. Thế nhưng bây giờ những ông chồng coi đó là "nghề hái ra tiền".. Trong chuyến đi công tác tại một tỉnh đồng bằng vùng châu thổ sông Hồng, phóng viên tận mắt chứng kiến có ngôi nhà lạ lừng lững ngự giữa chốn quê nghèo nàn toàn những mái ngói, nhà tranh lụp xụp. Làng ấy lại chẳng có nghề thủ công hay cái gì đó đặc biệt để mà có thể kiếm ra nhiều tiền xây nhà lớn như thế. Hỏi mãi mới biết, thì ra bà chủ gia đình, bà Diệu vốn nổi tiếng xinh đẹp trong vùng, từng đi Quảng Ninh làm vợ thuê cho một ông chủ kinh doanh giàu có 63 tuổi. Sống xa nhà, bà vợ ông này ở quê thì vừa lớn tuổi vừa xấu người nên ông không dám đưa đến các buổi tiệc tùng chiêu đãi với đối tác. Về "hợp đồng" làm vợ thuê, danh nghĩa là vậy nhưng thực chất là vừa làm người chăm lo việc nhà, cơm nước cho ông chủ; vừa là vợ hầu hạ chuyện chăn gối, lại thỉnh thoảng sánh vai ông tới các buổi tiệc ngoại giao với đối tác. Công việc đặc biệt thế nên hợp đồng cũng rất lạ. Ví như mỗi năm, được về quê bao nhiêu ngày, khi người chồng hợp pháp muốn ra thăm vợ thì đối xử ra sao. Nghĩa là nó có đầy đủ tiêu chí của một bản hợp đồng kinh tế.
Bạn,
Cũng theo báo Gia Đình Xã Hội, mức thù lao mà bà Diệu nhận được một năm là 24 triệu đồng, chưa kể thỉnh thoảng ông chủ còn hào phóng đưa thêm cho bà vài cái phong bì có ruột khá đầy. Vào thời điểm mà hợp đồng này đang thực hiện thì giá trị của 24 triệu đồng lớn hơn gấp nhiều lần so với bây giờ và sau ba năm làm vợ thuê, "ông chủ đặc biệt" lại sinh tình cảm với bà, bảo bà hãy bỏ chồng và làm vợ ông ta. Thế nhưng, bà đã về quê xây nên dinh thự lớn, đoàn tụ với ông chồng tàn tật, và đứa con gái đang ở độ tuổi mới lớn.