Hôm nay,  

Trận Chiến Bia & Xe Máy

20/03/200200:00:00(Xem: 4446)
Bạn,
Trong gần 2 tháng qua, tại VN đã xảy ra hai cuộc cạnh tranh thị trường ở quy mô lớn, gây phản ứng mạnh trong giới sản xuất kinh doanh. Vụ thứ nhất là hai hãng bia ngoại đã tung độc chiêu để giành thị phần với 1 nhãn bia độc tôn của 1 hãng bia nội địa. Vụ thứ hai là hãng xe gắn máy Honda VN tung ra thị trường một loại xe giá rất rẻ để chiếm thị trường, và thế là thương trường đã trở thành chiến trường giữa các hãng sản xuất xe gắn máy. Ghi nhận về 2 cuộc cạnh tranh lớn này, báo Tuổi Trẻ đã viết như sau.

Trước hết và đại chúng nhất là chuyện bia bọt. Phàm thì mọi năm vào dịp xuân về, thậm chí ngay từ lễ Noel, giá bia tăng. Đặc biệt có một hãng bia, bên ngoài loan báo không tăng giá, nhưng trong thực tế của quy trình phân phối thì giá vẫn cứ tăng, tăng một cách thản nhiên. Từ chục năm qua, ngay cả trong điều kiện cùng tồn tại không ít nhãn hiệu bia khác, nước ngoài có, liên doanh có, giá nhãn hiệu bia này vẫn cứ đều đặn tăng vào dịp tết. Chẳng một ngọn đèn trời rọi sáng được bí ẩn này. Những người tin vào tính tự điều tiết chất lượng/giá cả của thị trường trong nền kinh tế thị trường đâm ra hoài nghi những bài bản đã học: lẽ nào có cạnh tranh mà vẫn như cũ. Ấy vậy mà năm nay cuối cùng cũng đã có những phản ứng phá vỡ thế "chịu, không chịu làm gì nhau" của nhãn hiệu bia này. Có hãng bia in hẳn trên bao bì thùng bia giá bán, thấp hơn giá bia truyền kiếp nọ nhưng trên 40,000 đồng. Có hãng cũng rao cùng giá nhãn bia "độc tôn", nhưng kèm theo một máy chụp hình chụp xong vứt đi, coi như ngang giá lại còn được vài chục tấm ảnh khỏi tốn tiền mua máy, mua phim. Với giá cả đó, rõ ràng người tiêu dùng có cơ may chọn lựa: hoặc tiếp tục bị móc túi bởi khâu phân phối nếu trung thành với nhãn hiệu bia xuân về kia, hoặc mua một trong hai hiệu bia ngoại giá vừa túi tiền. Khỏi cần phải lục lọi sổ sách kế toán cũng thấy ngay được thị phần được chia lại như thế nào.

Trong vụ này nổi lên một số điểm: đã có một phản ứng với tình trạng khan hiếm giả tạo của một nhãn bia độc tôn và phản ứng đó là đòn bẩy giá; thứ hai là về căn bản mà nói giá bán lẻ 140 ngàn/thùng vẫn là giá có lãi. Từ đó nhận thấy rằng giá 180 ngàn đồng (không kèm quà tặng có giá trị) hoặc trên 200,000 thùng là giá trên trời. Tại nhiều mâm cỗ ngày Tết, đã nghe nức nở bia này thật ra cũng ngon lắm chứ bộ chẳng qua giá rẻ, số dư đủ để mua một con gà sống thiến trong mâm cúng ông bà có ngân quĩ vừa phải; chẳng cần thanh tra, kiểm toán gì cả cũng đã kết thúc được thói tết đến giá lại tăng.

Bạn,
Về trận chiến xe gắn máy, báo TT ghi nhận như sau: "Ồn ào nhất vì tranh mua là chuyện 1 hãng xe bỗng dưng tung ra một hiệu xe mới với giá bán thấp hơn một nửa so với các hiệu xe khác cùng hãng này." Báo TT nhắc lại trận chiến xe gắn máy cách đây hai năm khi mà cơn lũ xe nhái từ biên giới phía Bắc tràn qua với giá rẻ bằng 1/2 rồi thì chỉ bằng 1/3, 1/4 giá hãng xe này, đại diện hãng này tỉnh bơ nói: "Tại tỉ lệ linh kiện sản xuất trong nước không cao nên giá thành mới cao...Vậy mà nay với sản lượng nhỏ giọt, giá xe mới lại có thể hạ xuống sát sàn được." Báo TT giải thích rằng chẳng qua vì thị trường xe gắn máy cũng đã bước vào tình trạng cạnh tranh giá cả, chất lượng, chẳng còn mấy cơ hội móc túi người tiêu dùng một cách ngang xương nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.