Hôm nay,  

Người Làm Giấy Sắc Phong

07/07/200300:00:00(Xem: 4592)
Bạn,
Nghề làm giấy Kẻ Bưởi nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, nay duy nhất có ông Lại Phú Bàn là đời thứ 20 trong một gia đình làm loại giấy sắc phong chuyên cung cấp cho cung đình. Ở tuổi 80, ông Bàn có một ý nguyện là muốn phổ biến lại nghề giấy, đồng thời cũng có một mong ước: Từ đường thờ cụ tổ nghề giấy sẽ được công nhận là di tích lịch sử, để nghề làm giấy lưu truyền mãi mãi... Báo SGGP viết về nghệ nhân này như sau.
Nghề làm giấy sắc phong hay tên gọi khác là giấy kim tiên của dòng họ Lại có từ thời Lê - Trịnh. Họ của ông là con cháu bên ngoại của Trịnh Tráng. Họ Lại phân bố ở nhiều nơi, nhưng chỉ riêng chi họ Lại ở Nghĩa Đô biết nghề làm giấy. Nghề do một người con dâu trong họ sáng kiến phát minh ra để làm. Ông Lại Phú Bàn đã bắt đầu câu chuyện về nghề giấy như vậy.
Tính đến nay, ông Bàn là đời thứ 20 giữ nghề làm giấy sắc phong. Theo ông, loại giấy gia đình ông sản xuất ra từ nhiều đời nay vẫn được lưu giữ trong các viện bảo tàng, cung đình, đền chùa. Loại giấy phong sắc dùng để phong cho bách quan, bách thần- những người có công với đất nước, với nhà vua. Chính vì lẽ đó, loại giấy này phải rất bền và màu sắc phải tới. Giấy thường có 2 màu da thị và da đồng. Cũng chính vì cái công thức quý giá này, mà từ nhiều năm nay ông Bàn luôn bị giới chuyên môn về giấy của nhiều nước như Pháp, Đức, Nhật Bản, Thụy Điển... săn tìm. "Họ rất khôn, họ muốn mua lại công thức nhưng đời nào tôi lại đem bán. Tổ tiên của tôi là ở Việt Nam chứ." Ông Bàn nói, giọng đầy tự hào.

Hiện giờ, ông Bàn là một thành viên tích cực trong Hội thư pháp của UNESCO. Vừa qua, trong cuộc hội thảo về giấy Long Đằng do Nhật Bản tổ chức, ông là một khách mời quan trọng. Ông nói: Người Nhật gọi loại giấy phong sắc là giấy Long Đằng, nghĩa là rồng thăng thiên, đằng vân giao vũ. Bởi trên bề mặt của giấy tôi đã vẽ rồng. Người Nhật rất quan tâm đến loại giấy này. Giờ tôi đang phục chế hình con rồng từ đời Cảnh Hưng thứ 44. Tôi luôn trân trọng những người nước ngoài biết nâng niu những giá trị văn hóa quý giá của chúng ta.
Ông Bàn giải thích: Chúng tôi chỉ cung cấp giấy. Còn lòng sắc là do nhà vua ban, tùy thuộc vào công lao của người được ban thưởng. Do vậy, sự khác nhau là ở lòng sắc. Ví dụ như, nhất cáo sắc được vẽ tứ linh, nhị cáo được in nhị linh... Hoặc con rồng được vẽ trên mặt chính của tờ giấy dùng trong những việc trọng đại của triều chính.
Bạn,
Cũng theo SGGP, đời cha của ông Bàn làm giấy để phục vụ vua Khải Định. Ông Bàn gắn bó với nghề ngay từ nhỏ, đời ông làm giấy cung cấp cho vua Bảo Đại. Đến năm 1944, ông Bàn đã không làm loại giấy sắc phong cho cung đình nữa. Tuy nhiên, cho đến nay, phải đến trên nửa thế kỷ tưởng chừng như đoạn tuyệt với nghề, nhưng những năm cuối đời, ông lại đau đáu một ý nguyện là phải phổ biến công thức làm giấy sắc phong.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.