Hôm nay,  

Thảm Họa Biển ‘nuốt’ Đất

24/06/200600:00:00(Xem: 2060)

Bạn,

Theo báo quốc nội, tại khu vực các tỉnh duyên hải phía Nam của miền Trung, tỉnh Bình Thuận có nhiều đoạn bờ biển  đẹp, đặc biệt là các bãi biển thuộc thành phố Phan Thiết nằm dọc theo cung bờ dài gần 60km. Có hàng trăm khu du lịch, khu nghỉ dưỡng  mọc lên. Song, nhiều đoạn bờ biển đang đứng trước nguy cơ bị biển "nuốt". Báo Tuổi Trẻ ghi nhận về thảm họa này tại tỉnh Bình Thuận qua đoạn ký sự  như sau.

Tại phường Đức Long, thành phố Phan Thiết,  cụ Nguyễn Thanh Hài, 76 tuổi, chỉ tay về phía biển nói: " Nơi đấy hồi trước có mấy căn nhà nhưng bây giờ đã trở thành biển mênh mông cả rồi". Cụ nhẩm tính kể từ khoảng năm 1975, lúc cụ đến sinh sống ở đây, dọc bờ biển phường Đức Long phải mất ít nhất bốn lớp nhà, cũng do nạn xâm thực, xói lở bờ biển gây ra...Tiếp lời cụ Hài, anh Phan Tín, ngụ tại khu phố 5, phường Đức Long, cho biết: "Mới đây thôi, nhà của đôi vợ chồng trẻ, hàng xóm của tôi, đã đổ nhào xuống biển trong đợt bão số 1 vừa rồi. Còn tôi phải kỳ công lắm mới giữ được căn nhà 40m2 này. Lặn hụp cả ngày để đóng cừ, tấn bao cát, chằng neo...". Anh Tín cho biết thêm ở làng biển nhỏ này cùng trong đợt bão số 1, nhiều nhà khác cũng đã đổ sụp do sóng biển. Anh cả quyết: "Cách đây khoảng năm năm khu vực này còn bãi cát độ 50m nhưng bây giờ biển khoét sâu vào đất liền..."

Sóng biển không chỉ ầm ào vào các khu dân cư, biển còn "ăn" cả đất của các khu du lịch. Chị Thùy, quán cà phê Tin Tin, khu du lịch Đồi Dương, xuýt xoa: "Mấy năm trước còn kê được ít chục đôi ghế dưới bãi cát để khách vừa uống cà phê, vừa ngắm biển... Nhưng giờ thì "thua" rồi!". Chị cho biết hằng năm tốn không ít cừ tràm, không biết bao nhiêu bao cát, vải bạt che chắn, gia cố... để giành đất với biển. Nếu rảo bước dọc bãi biển Đồi Dương vào những ngày này, thì ai cũng sẽ thấy những gốc dương trơ rễ, những bờ đá đổ sụp và sẽ dễ dàng hình dung được biển "ăn" đất như thế nào. Khảo sát sơ bộ tại khu du lịch này của cơ quan chuyên môn thành phố Phan Thiết cho thấy thời gian gần đây biển lấn vào đất liền cỡ 4-5m, kéo dài độ hơn 1,000m.Tại khu du lịch Biển Cát, thuộc khu vực phường Mũi Né, cách trung tâm Phan Thiết độ 20km, những hình ảnh đổ nhào của hàng dương, những mảng bêtông đổ sụp... lại đập vào mắt phóng viên. Ở khu vực này, nhiều nhà đầu tư đã phải dùng những loại vật liệu như ván dừa, cừ tràm, bao cát... để giữ bờ, giữ đất. Theo khảo sát của các chuyên viên, ở khu vực này biển "ăn" vào đất liền khoảng 5m và kéo dài đến 300m...

Bạn,

Báo Tuổi Trẻ cho biết: theo lời người dân địa phương, chính do cảng biển Phan Thiết đã được xây dựng, bêtông hóa các vùng bờ biển nên khu vực cuối phường Đức Long bị xâm thực mạnh. Cũng theo dân địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do dòng hải lưu bị chuyển hướng, đặc biệt khi có gió mùa đông bắc từ tháng mười một đến tháng hai năm sau, thì biển trở nên hung dữ hơn, "ăn" đất nhiều hơn...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.